CUỘC PHỎNG VẤN
CỦA NHÀ VĂN PHAN NHẬT NAM
ĐÀI TRUYỀN HÌNH SBTN VỚI
NHÀ THƠ, NHÀ BÁO
ÁI CẦM - THÁI TÚ HẠP
SAIGON TIMES USA
VỀ CƠN BÃO XANGSANE
TẠI QUẢNG NAM-ĐÀ NẴNG
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
PHAN NHẬT NAM (PNN) dẫn nhập : Toàn phần lãnh thổ Việt Nam.. Vùng phía Đông, Đông-Nam, Nam và Tây - Nam chạy dài từ Móng Cái đến Cà Mâu, vòng lên Hà Tiên là một vùng biển dài hơn 2500 cây số, tạo thành một dải quê hương gấm vóc với hình thể hình “Chữ S” cân đối uy nghi.. Mà chẳng cần phải nại tới tâm thức dân tộc chủ quan, hầu hết số đông người Việt Nam mỗi khi nhìn lên bản đồ hình thể địa lý (của khu vực Đông-Nam Á cũng như toàn thế giới), hoặc khi đứng trước cảnh thiên nhiên kỳ ảo biến đổi từ Bắc xuống Nam.. đồng có mối xúc động tự hào.. Hóa ra chúng ta đã có được một khu vực quê hương với hình thể mỹ lệ, đẹp đẻ, rực rỡ đến ngần ấy.. Mối cảm xúc nầy có được do từ nguồn yêu nước tiềm ẩn sâu xa của Dân Tộc Việt, nhưng cũng từ so sánh thực tế khi nhìn hình thể những quốc gia lân bang: Những đảo quốc với nhiều đảo, quần đảo không thể định hình; những quốc gia lục địa nằm sâu trong đất liền, xa bờ biển. Sự so sánh sẽ hình thành mạnh mẽ, cụ thể hơn nếu so sánh vùng đất nông nhiệp vô tận mầu mỡ của đồng bằng Cửu Long với những nước thuộc vùng sa mạc Trung-Cận Đông, Châu Phi.. Quả thật, Người Việt/Dân Tộc Việt có được ân huệ sống trên Đất ôn hòa, nuôi dưỡng bởi Nước thắm thiết – Nhưng oan nghiệt thay, Trời hành cơn lụt hằng năm – Tai họa suốt dòng lịch sử luôn dậy lên từ Biển. Miền Trung nước Việt, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận (Phan Thiết) là địa vực hứng chịu trực tiếp mũi tấn công khắc nghiệt toàn diện của bão, lụt từ đất, nước. Đất Quảng Nam-Đà Nẵng chỉ từ tháng 5/2006 nầy đã hứng chịu liên tiếp hai trận bão chết người.. Chúng ta không thể im lặng trước lần đau thương của đồng bào ruột thịt bên kia xa nửa vòng trái đất - Nơi đâu trên thế gian nầy có tên gọi người đồng chủng với danh từ hàm xúc cảm động nầy. Thế nên Chương Trình "Những vấn đề của chúng ta" hôm nay có nhiệm vụ đề cập đến Nỗi Đau Không Của Riêng Ai với sự tham dự của hai người Khách Quý: Ông Bà Thái Tú Hạp/Ái Cầm... Những người viết thơ làm báo vốn ra đi từ vùng đất bị thiên tai chúng ta đang nói đến. Chúng tôi xin có câu hỏi với anh Thái Tú Hạp trước. Thưa Anh, dẫu hiện tại anh là một người viết báo chuyên nghiệp, Chủ Biên Saigon Times, một trong những tờ báo lớn nhất của người Việt vùng Rosemead/Los Angeles với ba ngôn ngữ Việt-Hoa-Anh... Nhưng trước, sau độc giả nhiều thế hệ vẫn gọi anh với danh xưng hàm xúc: Nhà Thơ Thái Tú Hạp,và chính bản thân chúng tôi cũng nhận ra vóc dáng đầy đủ của anh qua vị thế này... Bởi Anh là một tổng hợp vật chất tinh thần thuần thành từ Đất Quảng: văn phong, văn ý, thái độ, cung cách ứng xử thường ngày trong cuộc sống... Xin Anh cho khán thính giả đài SBTN biết về những nét đặc thù của đất Quảng, những vùng biển, những con sông - Nguồn nuôi người và cũng là đầu mối tai họa hôm nay.
THÁI TÚ HẠP (TTH): Cám ơn anh Phan Nhật Nam. Kính thưa quý vị.
Quảng Nam là một miền đất rộng, diện tích 11.990 km 2, trung tâm điểm phân chia Saigon - Hà Nội bằng nhau, 900 km, kéo dài từ đèo Hải Vân chạy đến núi Phong thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Một địa hình mà bốn phía đều là núi non và biển cả. Hầu như là nơi "sơn lam chướng khí", rừng núi hiểm trở, nào "núi Chúa", núi Trà Mi, núi Hiên, Giằng cao chót vót với Hòn Kẽm, Đá Dừng, đèo Le.
Xét về phong thổ, đất Quảng Nam xưa nay vẫn để lại trong lòng nhiều người một ấn tượng là miền đất khổ nạn. Nhân dân lao động sống một cuộc đời lầm than, khốn khổ, quanh năm suốt tháng cặm cụi cùng vạt khoai, nương sắn, đất cày trên sỏi đá.
Mưa và nắng là hai yếu tố thiên nhiên chi phối đời sống của người dân xứ này. Cuộc sống của người dân vì vậy phải luôn luôn chiến đấu với thiên nhiên mới mong có miếng ăn, manh áo.
Trong cuộc sống, người dân Quảng Nam phải cố gắng làm việc, chịu đựng mọi hoàn cảnh bất trắc có thể xảy ra, và ít khi được nghỉ ngơi. Đó là một trong những nhân tố quan trọng giúp họ làm việc và suy tư trong quá khứ và hiện tại. Sống trong môi trường ấy, đương nhiên con người phải làm việc, phải tranh đấu mới mong sống còn, và có một nghị lực đáng trọng được thể hiện qua những nhân vật lịch sử được đồng bào toàn quốc mến yêu.
Về nhân vật lịch sử: Chúng tôi đều đồng ý với nhận định về Quê Hương Việt Nam nói chung là miền đất Địa Linh Nhân Kiệt, tiền nhân đã từng dựng nước và giữ nước lừng lẫy oanh liệt qua hàng nghìn năm lịch sử và trải dài thành tích kiêu hùng qua những triều đại Đinh Lê Lý Trần Nguyễn...cho đến các thế hệ ngày nay trong tiến trình xây dựng Đất nước Tự do Dân chủ Hòa bình thực sự.
Khi chúng ta đề cập đến các nhân vật lịch sử, các nhà cách mạng Quảng Nam, các sử gia không bao giờ quên những tên tuổi lừng danh như cụ Phan Chu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Quý Cáp, Phạm Phú Thứ, Hùynh Thúc Kháng, Hoàng Diệu...
Nói về lãnh vực văn học, người Quảng Nam thường hay biểu tỏ niềm hãnh diện về hai hiện tượng mang hào khí kẻ sỹ đó là cụ Phan Khôi chủ trương nhóm Nhân Văn Giai Phẩm quy tụ các nhà thi văn nổi tiếng miền Bắc chính thức công khai phản kháng, đả kích dữ dội, lên án gắt gao, chính quyền Hà Nội, bất chấp mọi thanh trừng và trả thù độc ác của bọn bồi bút chế độ,...Hiện tượng thứ hai là nhà cách mạng và nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, lãnh đạo Tự Lực Văn Đoàn tập họp các nhà văn học nghệ thuật lừng danh ở miền Nam. Trong suốt hơn 30 năm nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã tạo nên thành tích đáng kể như chống phong kiến, thực dân, phổ biến những những quan niệm nhân quyền và dân quyền, phát huy những phương hướng tiến bộ cá nhân gia đình và xã hội...Ông đã kiêu hãnh chọn cho ông cái chết thật lẫm liệt khi ông bị truy bức vào con đường cùng chỉ vì bất đồng chính kiến tại miền Nam:"Đời tôi để cho lịch sử xử..." Nguyện vọng của ông sau khi mất hãy đưa ông về chôn tại Hội An miền đất của tổ tiên.
Về Sông ngòi: Những con sông chảy trong vùng Quảng Nam đều có lòng dốc, trắc diện trẻ, vì vậy đã tác dụng xâm thực rất lớn. Thông thường, những cơn lũ miền núi rất đột ngột và mãnh liệt, liên miên, gây ra những hiện tượng lở bờ, đất đổ, đất trượt. Phù sa mang trong sông đều ở dạng thô, rồi tụ lại ở núi tiếp giáp. Mùa hè, những lòng suối trong vùng trở nên khô cạn. Tác dụng của những cơn mưa như thác đổ trong mùa đông và của những cơn lũ lụt diễn ra ở những dải đồi ven đồng bằng.
Sông Cẩm Lệ: Phát nguyên từ nguồn Lỗ Đồng chảy qua theo hai dòng: một dòng qua Đông Bích, Túy Loan, Bồ Bản rồi đổ vào sông Yên; một dòng khác từ Ái Nghĩa chảy qua Phong Lệ, Cẩm Lệ; đến vùng Hòa Quê, hợp lưu với con sông từ Vĩnh Điện chảy ra, rồi chảy qua Hà Thân, đổ ra cửa Đà Nẵng.
Sông Vĩnh Điện: nguyên là một con sông đào, nối liền sông Thu Bồn với sông Cẩm Lệ.
Sông Thu (Hội An)
Sông Thu Bồn: phát nguyên từ hai nguồn: nguồn Chiên Đàn (tây bắc Tam Kỳ) và nguồn Ô Gia (phía tây Đại Lộc).
Kể từ nguồn sa thạch nguồn Chiên Đàn chảy ra đến cửa Đại (Hội An), dài 550km, được xem là con sông dài và lớn nhất của Quảng Nam. Qua khỏi Trà Linh, sông lượn khúc giữa hai ngọn núi cao, gọi là Hòn Kẽm. Xuống dưới một đoạn, giữa sông nổi lên ngọn Cồn Con.
Đến Giao Thủy, sông Thu Bồn gặp nhánh sông Vu Gia đổ tới, hợp lưu để cùng chảy về phía Nam, và chia làm hai nhánh bọc lấy Gò Nổi. Từ đó hai dòng chảy qua chợ Củi, Câu Lâu, để xuôi về Hội an ra Cửa Đại.
Có lẽ xuyên suốt từ bao nhiêu thế kỷ các bậc tiền nhân Quảng Nam đã từng chịu đựng đương đầu với thiên tai bão lụt hàng năm nên quen dần như một kinh nghiệm lưu truyền từ đời này qua đời khác nên tâm tư sẵn sàng chờ đợi với bất cứ giá nào.
Cơn bão lụt được đánh giá khủng khiếp đã tàn phá miền Trung năm Giáp Thìn (1964) nặng nề nhất trong đó có tỉnh Quảng Nam về nhân mạng và vật chất, mới đây chỉ trong năm 2006 hai trận bão Trân châu và Xangsane đã gây nên những thiệt hại đáng kể. Hàng trăm người chết, hàng ngàn người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất đang cần sự giúp đỡ của bà con hải ngoại. Vài ba tuần nữa sẽ tới cái lụt hăm ba tháng mười. Câu ca dao khó quên:
Ông tha mà bà chẳng tha
Làm nên cái lụt hăm ba tháng mười
Chưa biết năm nay Bà có tha hay không? Bà con nông dân và ngư dân đang nơm nớp chờ đợi.
Tuy nhiên dân Quảng Nam cũng như dân tộc Việt Nam cho dù trải qua muôn vàn khổ nạn vì thiên tai, chinh chiến triền miên, vẫn lạc quan trong cuộc sống như câu thơ của thiền sư Mãn Giác:
..Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai..
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
Cành mai là hiện thực của niềm tin và hy vọng để vươn tới tương lai.
PNN: Trước khi tiếp tục câu chuyện về những tàn phá bão lụt, chúng tôi xin mời chị Thái Tú Hạp, tức Nữ Sĩ Hán Nôm Ái Cầm, người phụ trách phần phiên dịch những dòng Thơ Đường kỳ ảo trên Sài Gòn Times nói về một địa danh độc đáo của đất Quảng: Thành phố Hội An, nơi sinh quán của cả hai anh chị và nhiều người bạn của chúng tôi.. Là thành phố đã gây nên cho bản thân và nhiều người một cảm giác thân mật kỳ lạ mà bất kỳ ai đi đến cũng phải nhận ra từ thổ ngơi mỗi phiến đá đường, mỗi mái ngói..
Phố Cổ Hội An
ÁI CẦM (AC): Cám ơn nhà văn Phan Nhật Nam. Kính thưa quý vị. Theo các nguồn tin ghi nhận từ trong nước, người dân phố cổ Hội An rất bàng hoàng kinh sợ cơn bão số 6 Xangsane thổi qua như một cơn thịnh nộ của thiên nhiên, nhưng có điều lạ khi cơn bão đi qua, theo thống kê chỉ có khoảng 20 ngôi nhà cổ trong tổng thể hàng mấy trăm ngôi nhà cổ khác có tuổi thọ trên 5 thế kỷ, vẫn hiên ngang thách thức với đất trời giông bão, chỉ bị tốc mái, hư hại nhẹ chứ không bị sập và một số đình chùa cổ miếu cũng chỉ sụt mái đổ cổng tam quan. Mọi người đến tham quan Hội An đều phải vô cùng ngạc nhiên về sự kiện kỳ lạ ở Hội An. Nhưng đối với chúng tôi, đã từng sinh ra và lớn lên trong thành phố thân yêu cổ kính đó hàng năm dân Hội An luôn ở trong tư thế sẵn sàng chờ đợi các cơn bão lụt thổi qua tùy theo mức độ nặng nhẹ. Hội An là một cấu trúc tuyệt diệu đầy sự tính toán kỹ lưỡng của phong thủy, nhà xây sát vào nhau và mái thấp nối kết nhau như một trường thành nên khi gió thổi vào chỉ nghe tiếng rít trên đường phố, không có cách nào xô ngã bức trường thành. Quả thật lối kiến trúc của người xưa thật là điều kỳ diệu, nhờ thế phố Cổ Hội An đã vượt thời gian. Ngay từ đầu thế kỷ thứ 16, Hội An đã trở thành một miền đất mang tinh thần Hiệp Chủng Quốc. Những chứng tích còn lại cho thấy: Trong thời gian đó, Hội An không chỉ là một thương cảng quan trọng của Việt Nam ở Đàng Trong, là một trung tâm buôn bán sầm uất, thịnh vượng trong vùng Đông Nam Á, đồng thời cũng là một trạm dừng chân tiện lợi trong cuộc hành trình của những Tuyến Đường Tơ Lụa của những thương thuyền Ấn Độ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Pháp, Trung Hoa... mà di tích lịch sử còn lưu truyền như Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) của Nhật, các chùa chiền bang hội của người Trung Hoa... nhưng điều may mắn qua hai cuộc chiến tranh khủng khiếp của thế giới mà Việt Nam cũng nằm trong thế chiến lược của Đông Nam Á, dĩ nhiên Hội An có thể cũng bị ảnh hưởng trầm trọng đến chiến chinh, lửa đạn. Nhưng cả thị xã Hội An vẫn không bị tổn thất gì đáng kể, mặc dù Hội An lúc nào cũng chấp nhận những thách thức bởi sự tấn công mãnh liệt của thiên nhiên, thời gian và con người.
PNN: Nếu so với thiệt hại vật chất như câu hỏi #1 (của toàn đất Quảng) mà TTH đã trình bày thì “sự an toàn” của HA phải chăng không phải là điều tình cờ bởi đã chứng nhận qua bao nhiêu biến cố (quân sự, chính trị , xã hội, thiên nhiên..) của hằng bao thế kỷ, cụ thể từ trước, sau 1975.. Vậy hẳn có một điều gì linh thiêng mầu nhiệm nơi địa danh, địa lý Hội An.. Nhờ anh Thái Tú Hạp cho ý kiến.
TTH: Cho đến bây giờ, mặc dù chúng tôi đã có cơ hội thăm viếng nhiều kỳ quan trên thế giới nhưng hình ảnh Chùa Cầu và thành phố Hội An vẫn như một kỳ quan tuyệt vời nhất trong trái tim tôi. Hội An như một ngôi làng đầy thân thương. Đi từ “Thượng Chùa Cầu Hạ Âm Bổn” chúng ta có thể nghe được tiếng chuông chùa Tĩnh Hội, tiếng gà trưa gáy bên kia sông Cẩm Nam, tiếng ru con bằng ca dao ngọt ngào tỏa trên giòng sông Hoài thơ mộng...
Chùa Phước Kiến (Hội An)
Tại Hội An có 11 ngôi đình chùa, đa số của người Minh Hương với các lối kiến trúc khác nhau như một Hội Quán sinh hoạt của những đồng hương người Triều Châu, Phước Kiến, Gia Ứng, Hải Nam và Quảng Đông. Những ngôi đình của người Việt tạo dựng như Đình Cẩm Phô, Đình Đế Võng, Đình Ông Voi, Đình Tiên Từ, Đình Sơn Phong, ... Chưa kể đến các ngôi chùa như Chùa Hải Tạng, Viên Giác, Phước Lâm, Vạn Đức, Chùa Bà Mụ, Chùa Ông, Chùa Tĩnh Hội, Chùa Long Tuyền, Chùa Sư Nữ... Chính vì nhiều đình chùa cổ miếu như thế nên hàng năm cúng lễ hương khói triền miên, do đó người dân Hội An cũng có khuynh hướng mãnh liệt về Đức tin tâm linh. Những hiện tượng xảy ra rất linh thiêng huyền diệu mà khoa học không thể nào chứng minh được... Cụ thể như trước năm 1975 có những cuộc đụng độ giữa các lực lượng VNCH và du kích CS bên sông Cẩm Thanh pháo kích vào trung tâm thị xã Hội An, nhưng đa số đều nổ ở ngoài đường hoặc rơi một số trong sân chùa nhưng đều không nổ... quả thật là điều kỳ lạ. Những câu chuyện được kể như cầu cơ lên đồng, xin xăm coi quẻ vào những ngày lễ hội đầu năm được ghi nhận thật là linh thiêng mầu nhiệm nếu chúng ta nghiêng sâu về đời sống tâm linh chắc không thể không chấp nhận những sự kiện siêu hình như thế.
Chùa Cầu (Hội An)
PNN: Trở lại chuyện bão lụt tàn phá, năm 1964 xa xưa kia, tôi nhớ cả nước đã huy động toàn bộ quân đội, cơ quan, nhân viên hành chánh để cứu lụt mà cũng chưa đáp ứng được những thiệt hại của quá đỗi to lớn của người dân.. Nay dân tình dưới xã hội xã hội chủ nghĩa thì chỉ lo phần tự cứu.. Nhân viên, cán bộ cứu bão lụt địa phương cũng chỉ thi hành các công tác theo cách tự nguyện, tự phát.. Đấy là căn cứ trên bài viết của các báo Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Thanh Niên, Người Lao Động.. ở trong nước chứ không là điều võ đoán cố chấp (do “tinh thần chống cộng quá khích” mà cộng đồng người Việt hải ngoại thường bị truy chụp). Điều nầy cho chúng ta thấy nhà nước trung ương Hà Nội hầu như để mặc các địa phương phải tự túc lo liệu một cách hết sức vô lý và vô trách nhiệm. Vậy chúng ta có thể làm được gì cho đồng bào chúng ta một cách đồng bộ, quy mô hữu hiệu..
Cơn bão số 6 Xangsane thổi qua miền duyên hải Trung Phần
gây nhiều thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho đồng bào các tỉnh
Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên, Huế, Quảng Trị...
TTH: Trong ca dao Việt Nam chúng ta thường hay nghe:
Ở đời trời hại mới hư
Nào ai có hại cũng như phấn dồi
Lưới trời lồng lộng, chỉ có trời hại mới hư. Ngay cả những quốc gia văn minh tây phương như Hoa Kỳ và châu Âu cũng không ngăn chặn nổi cơn thịnh nộ của đất trời, gây nên những biến cố thiên tai, động đất, núi lửa, bão lụt thiệt hại nặng nề về nhân mạng và vật chất cho nhân loại. Tuy nhiên với hiện trạng đau thương về bão lụt vừa qua ở Việt Nam điều quan trọng không phải chính quyền giao khoán cho dân tự lo liệu mà phải có kế hoạch cấp cứu quy mô kịp thời ngay sau khi bão lụt gây nên thiệt hại nặng nề cho dân chúng, nhất là phải trích một ngân khoản đáng kể để cứu giúp nạn nhân trước đã, trong khi chờ đợi sự tiếp trợ nhân đạo từ các Hội Đoàn từ thiện ở nước ngoài... ý trời thuận theo nhân tâm, và ý dân cũng là ý trời.
PNN: Thưa Chị AC, không những chị là người phụ tá đắc lực và hữu hiệu anh TTH trong công việc điều hành, quản trị tờ báo (phần Hoa Ngữ), chị còn là người đồng sự với anh trong kế hoạch xây dựng Tượng Đài Thuyền Nhân mà hiện nay đã hoàn tất pho tượng Thuyền Nhân sắp khánh thành vào cuối năm nay tại khuôn viên Chùa Bảo Quang Đường New Hope, Santa Ana…
AC: Thưa anh Phan Nhật Nam. Kính thưa quý vị. Chúng tôi đã đi vượt biển và đã từng là nạn nhân của cơn bão cấp 8 đánh vỡ tàu chúng tôi vào bờ biển Hải Nam, gây cho 13 người tử nạn vào năm 1979. Chúng tôi đã nhìn tận mắt những lượng sóng lên cao dữ dằn khủng khiếp, những ấn tượng kinh hoàng về bão lụt như vẫn in sâu trong tâm khảm chúng tôi. Vì thế mỗi khi nghe tin bão lụt ở đâu trên thế giới, là chúng tôi cấp tốc đăng tin phổ biến lời kêu gọi của các hội đoàn từ thiện trên báo Saigon Times để tiếp tay kịp thời kêu gọi lòng từ tâm cứu trợ đến những nạn nhân đang cần sự cứu giúp. Nhất là lần này cơn bão số 6 Xangsane có mức độ cao tàn phá quê hương Quảng Đà và miền Trung thân yêu, nên thưa anh, Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức và Học Sinh Phan Thanh Giản Đà Nẵng đã phổ biến ngay thông báo để kêu gọi quý đồng hương, quý thầy cô và đồng môn hãy mở tấm lòng tha nhân, đóng góp kẻ ít người nhiều thể hiện sự chia sẻ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tất cả số tài chánh nhận được qua địa chỉ của Hội Cựu Giáo Chức và Học Sinh Phan Thanh Giản Đà Nẵng Hải Ngoại, chúng tôi sẽ chuyển về các thành viên tại Đà Nẵng để đích thân trao tận tay đến những gia đình nạn nhân bị thiên tai bão lụt vừa qua tại Quảng Đà đang cần đến sự giúp đỡ một cách cụ thể.
Thời gian qua nhanh, đời người như bóng nắng qua thềm, chúng tôi thường tâm niệm: Mỗi ngày nên mang đến cho người khác một niềm vui, chính là mình đã tạo cho tâm mình một niềm hạnh phúc. Đó là nghĩa cử của tình người chúng ta nên có với nhau.
PNN: Nói những chuyện mất mát, đau thương gây nên bởi thiên tai quả tình thật rất xuống tinh thần, chúng ta có thể chuyển qua một nội dung hứng khởi hơn nhưng cũng vẫn dựa trên yếu tố của những địa phương mà chúng ta đang đề cập.. Đấy là việc Hội An được xếp hạng là “Di Tích Lịch Sử Thế Giới/Di Sản của Nhân Loại” và Đà Nẵng được đánh giá bởi nhiều giới người ( trong và ngoài nước) là thành phố phát triển quy mô, đồng bộ và tiến bộ nhất của Việt Nam hiện tại.. Chúng tôi xa Hội An, Đà Nẵng quá lâu nên không nắm rõ các dữ kiện nầy, anh chị là nhà báo, là người chính gốc Hội An/Quảng Nam xin cho ý kiến, nhận định về những sự kiện đáng phấn khởi nầy.. Nếu “Mối đau là mối đau chung” thì niềm vui ai ngăn được người hải ngoại cùng bà con trong nước chia xẻ chung sự hãnh diện về đất nước, địa phương thân yêu của mình..
AC: Mặc dù đã 26 năm rời xa thành phố cổ Hội An đầy những kỷ niệm thân thương, nhưng chúng tôi chưa có cơ hội để trở về thăm cố quận. Tuy nhiên qua hình ảnh Hội An trên những mạng lưới, trên truyền hình thế giới và những người bà con đã từng về thăm Hội An sang kể lại, thì Hội An ở trong kế hoạch chung phát triển toàn bộ đất nước, các chùa chiền tu viện được trùng tu để đón du khách thế giới đến thăm viếng. Nét đặc thù của Hội An là vào ngày rằm mỗi tháng thành phố thắp lên những hàng lồng đèn lung linh thật thơ mộng. Lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc được phục hồi và phát huy trong dân gian. Chúng tôi hy vọng có cơ hội, sẽ trở về thăm Hội An trong một ngày gần đây cho dù tâm trạng có giống nhà thơ Hạ Tri Chương của thời Đường Trung Quốc:
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao thôi
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiếu vấn: “Khách tòng hà xứ lai?”
Trẻ đi, già mới về nhà
Tiếng quê không đổi, tóc đà bạc phơ
Trẻ con trông thấy hững hờ
Cười lên, hỏi khách đến từ phương nao?
Có thể chúng tôi sẽ già hơn nhưng chắc chắn giọng quê không bao giờ thay đổi và chính điều đó chắc bà con sẽ còn nhận ra chúng tôi, có phải không Hội An, thành phố như viên ngọc trong trái tim tôi. Nghe bão lụt ở quê nhà ai mà không đau xót. Chỉ có tình thương mới xóa tan thù hận. Cái tâm an lạc thực sự mới là cái tâm hạnh phúc. Xin Hội An hãy giữ những chân tình rêu phong nguyên vẹn.
PNN: Chúng tôi cầm bút gần 40 năm nhưng hiếm thấy mấy người cầm bút làm việc đều đặn, hữu hiệu như bản thân anh (lẽ tất nhiên có chị đi cùng) với thành quả của SGT, những thi phẩm, những tập san định kỳ do Sông Thu xuất bản; những kế hoạch xã hội, vận động tôn giáo được hình thành –Thành quả của Sông Thu, của SGT không phải riêng của cá nhân anh chị nhưng là phần hứng khởi chung của những người làm văn hóa, văn học nơi hải ngoại mà thú thiệt càng ngày càng bị đình trệ bế tắc do lượng người đọc Việt Ngữ càng ngày càng thâu nhỏ; lòng người mệt mỏi bởi sinh hoạt căngthẳng nơi xã hội Mỹ.. Trước khi chấm dứt câu chuyện xin anh cho biết sơ lược những dự áng văn học, văn hóa đã thành hình, đang thực hiện.
TTH: Khi chúng ta đến cư ngụ tại xứ sở Hoa Kỳ này, như giòng sông đã thực sự hòa nhập vào đại dương. Thời gian rồi sẽ trôi qua, tất cả hiện tượng vật chất rồi sẽ tan biến vô thường, cái còn lại cuối cùng chính là di sản văn hóa dân tộc mang theo. Hy vọng đó là giòng hải lưu đặc thù thầm lặng hiện hữu giữa trùng dương nơi quê người. Cám ơn nhà văn Phan Nhật Nam, có lẽ giữa chúng tôi ở trong nhiều nhịp điệu, cùng hơi thở, một thời ở Đà Nẵng, cùng đi quân đội, cùng ở tù, cùng sinh hoạt văn nghệ trước 75 ở miền Nam và sau 75 ở hải ngoại và cùng thao thức đến những tư duy văn hóa dân tộc... nên anh thương chúng tôi, nói về chúng tôi thật quá lời. Kính mong quý vị thông cảm, niệm tình bỏ qua.
Chúng tôi lúc nào cũng chỉ “Hạt bụi bay qua giữa trần thế nhiễu nhương này”. Những say mê trong việc làm của chúng tôi chẳng khác chi cái nghiệp. Như anh biết đấy, đời sống của mỗi chúng ta như một con ốc bị cuốn hút vào guồng máy lớn, không thể tách ra được nếu không muốn bị nghiền nát thê thảm. Tuy nhiên chúng tôi may mắn, kiếm sống bằng sở thích của mình là được viết báo làm thơ... dĩ nhiên trong đời sống ai cũng có sự say mê, có người ghiền thuốc phiện, ma túy, cờ bạc và thích về Việt Nam có bồ nhí... may quá tôi ghiền thứ khác, đó là say mê viết lách, tham gia các công tác từ thiện, đó cũng là cái thú vui qua ngày.
Đối với chúng tôi lúc nào cũng cố gắng vượt qua những trở ngại, cho dù phải chấp nhận cô đơn để tạo niềm tin và lạc quan. Chúng tôi đặt niềm tin vào các thế hệ trẻ hiện nay, đã gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực và ngang nhiên đi vào dòng chính của các quốc gia đang cư ngụ, vượt lên khởi sắc làm vẻ vang cho người Việt lưu vong nơi viễn xứ. Điều quan trọng là các thế hệ con em chúng ta luôn tâm niệm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, những sự kiện đó làm cho chúng ta thêm tin tưởng, càng ngày càng đi sâu vào nền văn minh của nhân loại, các thế hệ con em chúng ta càng tìm về cội nguồn để biết mình đến từ đâu và nguyên nhân nào mình hiện diện nơi xứ sở này vì chắc chắn mình không phải là giòng giống người Tây phương.
Về những dự án văn học, văn hóa đã cưu mang trong thời gian qua, hy vọng nhà xuất bản Sông Thu sẽ cố gắng tiếp tục hình thành ấn hành trong những ngày sắp tới.
PNN:Cám ơn Anh Chị Thái Tú Hạp/Ái Cầm. Anh chị có lời gì nhắn với khán giả đang theo dõi đài SBTN?
AC: Một lần nữa chúng tôi chân thành cám ơn anh Phan Nhật Nam, cám ơn Ban Giám Đốc truyền hình SBTN đã ưu ái dành cho chúng tôi những giây phút quý báu này để chia sẻ tâm tư về thảm trạng đồng bào chúng ta bị cơn bão Xangsane gây nên tại miền Trung nói chung và tại Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng.
Theo cảm nghĩ của chúng tôi, bản chất người Việt chúng ta rất hiền hòa, bao dung như lịch sử đã từng chứng minh, một ngàn năm Bắc thuộc, một trăm năm nô lệ thực dân phong kiến, bao nhiêu năm nội chiến đau thương, nhưng rồi như cơn gió thoảng... Cho dù chúng ta đang ở nơi viễn xứ nhưng mỗi khi nghe tin bão lụt tàn phá nơi quê nhà, không ai trong chúng ta không khỏi bàng hoàng đau đớn. Vì thế chúng tôi hy vọng lần này với sự tiếp tay nồng nhiệt của đồng hương khắp nơi, chúng ta sẽ mang về niềm vui với những gói quà đầy tình thương, sẽ an ủi phần nào nỗi đau của bà con nơi quê nhà.
Trân trọng kính chào quý liệt vị.