(KỶ NIỆM 60 NĂM TRƯỜNG PHAN THANH GIẢN – ĐÀ NẴNG)


Khi bước vào chương trình trung học ở tư thục Phan Thanh Giản- Đà Nẵng, tôi bắt đầu vỡ lòng những khác biệt.

Từ trường Nữ Tiểu học (toàn nữ), tôi bắt đầu học chung với các bạn nam. Từ một lũ nhóc con còn lơ mơ với mọi thứ, tôi bắt đầu nhận biết về những sự khác biệt. Ở trung học đệ nhị cấp (đệ tam đến đệ nhất: lớp 10 đến lớp 12; trung học đệ nhất cấp: đệ thất đến đệ tứ- lớp 6 đến lớp 9), nữ sinh bắt buộc phải mặc đồng phục áo dài. Đó là cột mốc vô cùng ấn tượng trong ký ức tuổi mới lớn, khiến chúng tôi mãi nhớ suốt đời. Tuổi để vào lớp đệ thất là mười một nhưng vẫn có học sinh lớn hơn ba, bốn tuổi vì đi học trễ. Lên lớp đệ tam, nhiều người đã ra dáng thanh nữ, mặc áo dài với họ là chuyện bình thường. Nhưng với lũ nhóc vừa mười lăm tuổi nghịch như quỷ sứ bọn tôi, khi học đệ tứ vẫn đang chơi nhảy dây, đi chợ- về chợ trong sân trường, thì quả là một chấn động.

Chuẩn bị cho ngày khai trường, mẹ lấy mấy cây vải KT 4.000 từ trên kệ vải xuống, cắt cho tôi hai áo dài một trắng một xanh thiên thanh cùng với hai quần xá xị trắng, đưa sang chị thợ may cạnh hàng vải, biểu tôi sang đo may. Cuối tuần được nghỉ việc, hai chị dắt tôi đi mua giày, một đôi giày trắng gót cao năm phân, vì đã mặc áo dài thì dứt khoát không thể mang giày thấp, trong khi trước đó tôi chỉ chuyên nện ba ta, giày cỏ.

Ngày lấy áo dài về, xỏ tay vào áo, xỏ chân vào giày, cả người tôi cứng quèo, lọng cọng, y như thằng bù nhìn. Dòm vào gương, chẳng thấy eo iếc gì hết, dài nhằng, rất giống cây sậy. Đi đi lại lại trên đôi giày mới, thấy mình cao lênh khênh chẳng phải mình ngày thường, tôi phá lên cười. Thế nhưng tôi cũng ý thức rằng mình đã bắt đầu tham gia vào thế giới đàn anh đàn chị trong trường, tức là đã lớn. Mặc áo dài quả là sự kiện đánh dấu bước chuẩn bị trưởng thành của mỗi nữ sinh.

Ngày nhập học, tôi hồi hộp chờ gặp lũ bạn năm cũ để xem chúng thế nào. Thấy đứa nào mặc áo dài vào cũng cứng đơ giống mình, tôi lại vui vẻ, hết ngay mặc cảm thằng bù nhìn. Chỉ cần sau vài ngày chúng tôi đã nhanh chóng thích nghi với áo dài, và giờ ra chơi lại cởi giày, guộn quần lên, cột hai vạt áo để tiếp tục nhảy dây hay đi chợ-về chợ trong phần sân của khu vực dành cho tiều học như trước, chẳng thấy bất tiện chút nào.

EM TAN TRƯỜNG VỀ…


Trước giờ vào học, hàng phượng ngoài cổng trường sẽ ghi nhận những bước chân rất khác nhau của nhiều bạn học sinh. Đó là sự vội vã của các bạn con em nhà sĩ quan ngồi ké xe jeep nhà binh của cha hoặc anh trên đường tới nhiệm sở, không muốn người ta quá chú ý tới mình. Một số ít hơn các bạn ngồi xế hộp (mà hồi đó gọi là xe Huê Kỳ) thì không phải nôn nóng, vì là xe nhà, không sợ bị ai dị nghị. Bình thường hơn là những bạn cũng đi ké xe người lớn, song chỉ là xe máy.

Thuở ấy, nếu nhà trong nội ô thì học sinh hầu hết đều đi bộ, còn nếu nhà xa hoặc ở ngoại ô thì ráng tự đạp xe tới trường. Nhóm chúng tôi ba đứa, năm này tháng khác trung thành chỉ một lộ trình. Võ Thị Sỹ từ kiệt Tiến Thành (thuộc một làng xưa của Đà Nẵng , nhìn sang khu vực sân bay) sẽ chờ tôi ở góc ngã ba Hùng Vương- Hoàng Hoa Thám rồi hai đứa đi theo đường Hùng Vương, quẹo quanh mấy con hẻm để rẽ ra Đào Duy Từ, ghé nhà đón Lê Thị Hảo. Ba đứa tùy hôm, tùy cảm hứng mà đi theo đường Thống Nhất hoặc Nguyễn Hoàng, cả hai con đường khá dài này đều trồng toàn kiền kiền cổ thụ tỏa đầy bóng mát, khiến chúng tôi chẳng cần phải đội nón. Đích cuối cùng là con đường Lê Lợi rợp bóng phượng, ở đó có trường của chúng tôi, và luôn có một người (là thầy giám thị) đứng ở cổng kiểm tra xem học sinh có đeo phù hiệu nhà trường và bảng tên hay không.

Rất xứng với bốn ngôi trường nằm cạnh nhau trên cùng một trục, đường Lê Lợi chỉ trồng duy nhất một thứ cây học trò: phượng đỏ. Đây là con đường nhộn nhịp đông nghịt đồng phục học sinh các trường: Nam Tiểu học, nữ trung học Hồng Đức, trung học Phan Chu Trinh và trung học Phan Thanh Giản. Mỗi khi bọn học trò nam sinh sự với nhau, chúng bèn áp dụng cách hiệp vần để tạo ra “khẩu hiệu” trêu tức/khiêu chiến nhau: “Phan Thanh Giản/ Đảng ba nhe” (có khi còn tệ hơn: “Đảng lưu manh”- sic). Đối lại sẽ là “Phan Chu Trinh/ Rinh hũ mắm”. Thiệt tội nghiệp cho các bậc đại danh sĩ bỗng dưng bị lũ hậu bối tiểu yêu bắt phải làm những việc chẳng xứng hợp chút nào với danh vị, học thức và uy tín của mình.

Vào mùa hè, hoa phượng đỏ chói nở kín cả con đường Lê Lợi, đan thành vòm kín phía trên cao, và tiếng ve inh ỏi cả cung đường nhắc nhở chúng tôi về ba tháng hè cách biệt với thầy và bạn. Cho tới khi vào đệ nhị cấp, mùa hè của tôi và các em vẫn là những chuyến về quê, đi cùng bà ngoại. Chỉ sau khi chiến tranh lan rộng và cả quê cha quê mẹ đều chìm ngập trong bom đạn thì những chuyến nghỉ hè ở quê mới bị tước mất.

Lúc trường tan, không phải chỉ nam sinh mới hát Ngày xưa Hoàng Thị: “Em tan trường về/ Đường mưa nho nhỏ/ … Ôm nghiêng tập vở/ Tóc dài tà áo vờn bay…” (nhạc Phạm Duy, thơ Phạm Thiên Thư) mà cả nhóm ba đứa chúng tôi cũng hào hứng, bởi biết sẽ có một người đẹp đi về cùng đường. Nàng học lớp dưới chúng tôi, cao gầy, tóc thề dài đến eo, mắt mông mênh diệu vợi, môi đỏ chúm chím và áo lụa trắng mong manh bay trong gió… Ba đứa chúng tôi tuy là con gái nhưng làm báo, lại nghịch hơn cả con trai, nên rất thích “sưu tầm” những người đẹp kiểu nàng thơ như thế. Nàng đi trước bước khá nhanh, chúng tôi đi sau ngắm nhìn, bụng bảo dạ rằng sao lại có đứa con gái đẹp y như trong thơ vậy. “Rồi bỗng dưng lòng sương muối vây/ Hồn lênh đênh tựa khóm thu gầy/ Người qua dáng mỏng như là gió/ Phơi tuổi vàng ta trên ngọn cây…” (Thơ Hoàng Gỗ Quý). Thật đáng tiếc vì chỉ thời gian ngắn sau nàng đã nghỉ học, có lẽ lại chuyển trường theo nhiệm sở của cha. Thời chiến, các sĩ quan luân phiên được điều động công tác mang theo cả gia đình đi khắp các vùng chiến thuật là chuyện rất thông thường.

KÌA MỘT NÀNG TRUNG HOA XINH…

“Kìa một nàng Trung Hoa xinh/ Răng trắng tinh như là ngà/ Nàng cười tươi như hoa thắm/ Cô em tha thướt lượt là…”.

Những “nàng Trung Hoa” bạn học của tôi không thuộc dạng sắc nước hương trời, nhưng phần lớn khá nổi trong lớp, có người là nhờ sức học, có người vì các hoạt động văn nghệ, thể thao. Đà Nẵng có một trường trung học dành riêng cho thanh niên gốc Hoa là trường Thọ Nhơn, nhưng nhiều học sinh gốc Hoa vẫn vào học các trường chương trình Việt.

Tôi vẫn nhớ các chị Từ Mai, Thái Khải Mạn học giỏi, các chị Trương Huệ Lan, Trần Ái Cầm hát hay, luôn cất giọng trong những dịp văn nghệ của trường/lớp. Còn các bạn Trần Thề Du, Trần Thể Diêu là hai chị em ruột, nhà trên đường Hùng Vương mà ngày nào chúng tôi cũng đi ngang. Có một điều khiến các chị bạn người Hoa khác các nữ sinh trong lớp: không ai trong họ nuôi tóc dài, tất cả đều cắt hay uốn ngắn, rất gọn gàng. Họ cũng thường xuyên mặc giống nhau: jupe xòe/bó hoặc robe, và luôn là những học sinh rất tôn trọng kỷ luật.

Các nam sinh gốc Hoa thường là những cây thể thao của trường. Trường Phan Thanh Giản có một đội bóng rổ rất nổi tiếng, chuyên thi đấu với những đội sừng sỏ của các trường khác và với những đội bóng của các đơn vị quân đội nước ngoài đang đóng quân ở Đà Nẵng, thường là Mỹ hay Úc Đại Lợi. Những cuộc thi đấu ấy luôn thu hút rất đông khán giả học sinh. Tôi là một khán giả vô cùng nhiệt tình trong số đó, có lúc đã gặp tai nạn vì máu cổ động quá hăng của mình.

Lần đó, cuối giờ học buổi chiều và đội học sinh Phan Thanh Giản thi đấu bóng rổ với một đơn vị lính Mỹ. Sân bóng rổ mở đèn sáng trưng. Tôi tay phải bận ôm vở không thể dùng để vỗ được, bèn sử dụng tay trái còn lại đập cật lực vào cái trụ điện sắt ngay trước mặt để bày tỏ sự hào hứng. Trong một lần “cư xử” với trụ điện như thế, bỗng dưng xảy ra sự cố: trụ điện tóe lửa và tay tôi dính chặt vào đó. Thì ra mối hàn đã bị tróc (do tôi đập mạnh quá?) và dòng điện bị hở. Trong khi mọi người đang nháo nhác tìm cách kéo tôi ra, thì tôi đã dùng chân (mang giày cao gót) đạp thật mạnh vào trụ điện, giật được tay ra, và dù bị một phen sợ lưng mật nhưng ngay sau đó tôi vẫn tiếp tục la hét cổ vũ cho những pha bóng đẹp…

Trường Phan Thanh Giản còn có một đội bóng rổ nữ mà hầu hết các bạn tôi đều hăng hái ghi tên, trong khi tôi chỉ khiêm tốn nhận một chân cổ động viên. Chắc hẳn tôi sợ lỡ mình nhảy lên ném rổ hăng quá, cao quá trong khi người thì nhẹ, lỡ đâu bị gió cuốn thẳng lên trời…

KHÔNG LOẠI TRỪ NHAU

Trường Phan Thanh Giản có những giáo sư rất nổi tiếng. Và nhờ thầy giỏi, học trò cũng giỏi. Trên Bảng Danh Dự của trường ngay giữa sân, tên các học sinh xuất sắc được viết bằng phấn màu. Sau tổng kết niên khóa/lục cá nguyệt hay các kỳ thi lấy bằng trung học đệ nhất cấp, tú tài bán phần/tú tài toàn phần, những học sinh điểm cao hoặc đậu có mention đều được nêu tên. Có những năm, học sinh Phan Thanh Giản chiếm ngôi thủ khoa cả hội đồng thi, gồm nhiều tỉnh khu vực miền trung, trong đó có những trường công cực kỳ nổi tiếng. Bạn cùng lớp mà chúng tôi rất nể là Nguyễn Đình Bách, từng là thủ khoa hội đồng thi với hạng tối ưu.

Nhưng Việt Nam lúc ấy đang là thời chiến, và sự phân ly chính trị là điều tất yếu. Học sinh đều biết khuynh hướng chính trị của các thầy cô, cho dù thầy cô ít khi nói chuyện chính trị trên bục giảng. Khi xảy ra một sự kiện gì đó, các thầy cô chỉ bình phẩm đúng mực với một nội dung để ngỏ, mời gọi học sinh tự mình tìm hiểu.

Thái độ chính trị là quyền tự do chọn lựa của mỗi người, và nếu đã chọn lựa thì sẽ chịu trách nhiệm/hậu quả cho sự chọn lựa đó. Thỉnh thoảng, chúng tôi nghe tin một bạn học sinh nào đó trong trường bị bắt, do những hoạt động chính trị bí mật. Còn việc các giáo sư bị bắt/bị tù là chuyện bình thường. Tuy nhiên ở tù ra, họ vẫn có thể tiếp tục đi dạy, nếu giám đốc/hiệu trưởng các trường tư dám nhận họ vào làm việc.

Các giáo sự dù khác nhau về khuynh hướng chính trị vẫn rất tôn trọng nhau về chuyên môn. Ở trường chúng tôi, điều đó rất rõ. Có những thầy cô là dân kháng chiến cũ hoặc đang hoạt động thiên tả, có thầy cô là đảng viên một đảng thân chính quyền, nhưng chúng tôi chưa từng nghe/biết ai trong họ tìm cách ám hại hay loại trừ nhau. Họ vẫn vui vẻ đến nhà thăm nhau, vẫn tươi cười trò chuyện/đánh cờ đúng như những đồng nghiệp tin cậy, không quan tâm việc người kia có những quan điểm chính trị trái ngược. Và vì vậy, với học trò, các thầy cô luôn là những tấm gương đáng kính trọng cả về tư cách lẫn chuyên môn.

HOÀI NIỆM - NỐI DÀI MƠ ƯỚC

Giờ đây, nhớ về ngôi trường cũ, thầy bạn cũ, điều tôi nhận ra rõ nhất là, trong môi trường đó, những gì chúng tôi được thụ hưởng đúng là những báu vật vô cùng quý giá. Chính ở đó, nhân cách chúng tôi luôn được hướng thiện để sau khi trưởng thành, chúng tôi có thể giữ được mình không vượt qua các giới hạn, trở thành kẻ xấu, ngược lại với kỳ vọng của các thầy cô. Triết lý giáo dục thời ấy chỉ ẩn kín sau từng bài giảng đầy tâm huyết, trong từng cử chỉ/việc làm đầy cân nhắc để gìn giữ tư cách nhà giáo của các thầy cô. Những bài học/giá trị không lời ấy mặc nhiên thấm vào chúng tôi, chẳng cần viện tới những lời lẽ hoa mỹ, áp đặt.

Sau 1975, khi niềm vui hòa bình còn chưa kịp thỏa thì đã lập tức xảy ra những xáo trộn/biến động vô cùng lớn trong đời sống. Rất nhiều gia đình bè bạn tôi lâm cảnh khốn khó khi người cha, người duy nhất làm ra tiền để nuôi cả một bầy con đông đúc phải đi học tập, để lại vợ con nheo nhóc trong tình trạng cùng quẫn. Ngay thế hệ chúng tôi cũng có người hỏng thi, bị động viên cầm súng và cũng phải vào trại cải tạo với lớp cha anh.

Vì vậy, khi có chương trình HO dành cho các gia đình sĩ quan Sài Gòn, nhiều bạn học của tôi đã lên đường cùng cha anh, chưa kể những gia đình công thương kỹ nghệ gia sau khi bị cải tạo tư sản đã liều mạng sống và chấp nhận tiêu tốn hết tài sản còn lại, tìm mọi cách vượt biên cho kỳ được.

Giờ đã là năm 2015, năm thứ 15 của thế kỷ 21. Nhiều người thế hệ chúng tôi đã trở thành ông bà. Kẻ đang sống ở nước ngoài thì đã có 40 năm (có thể ít hơn) nhung nhớ quê nhà và thương tiếc một tuổi trẻ đã mất đi không cách nào lấy lại. Kẻ đang sống trong nước thì buồn lo khi mọi việc dường như ngày càng xấu đi, không chỉ kinh tế chính trị với những vụ tiêu cực các loại/các cỡ, mà thiết thân nhất là văn hóa- giáo dục, điều quyết định tương lai lớp trẻ, lớp cháu con.

Gởi con cháu tới trường, người lớn không còn an tâm, bởi mỗi ngày luôn có vô số sự việc diễn ra theo chiều hướng không hình dung/ kiểm soát nổi. Đó không phải những việc bộc phát bất ngờ mà là hệ quả tất nhiên của cả một quá trình, một tiến trình. Câu hỏi đặt ra là: giáo dục nhà trường và giáo dục cộng đồng đang muốn hướng con trẻ tới điều gì?

Tùy góc độ nhìn sự việc, có thể có nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng nội dung chắc chắn không chứa đựng nỗi mừng vui, tin cậy. Vì đâu?

Sau 40 năm, khi nghĩ/nhớ về những thầy cô/bạn học cũ, trong tôi vẫn tràn ngập những thương yêu, tin cậy. Cái gì đã làm nên điều đó? Có lẽ chương trình, cách thức giáo dục của nhà trường/xã hội đã dạy/luyện cho chúng tôi điều cực kỳ quan trọng: phải biết chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của người chung quanh. Không được quyền xúc phạm hay tìm cách loại trừ kẻ khác chỉ vì người ta không giống mình.

Trong lịch sử, chỉ những kẻ đi xâm lược mời tìm cách đồng hóa dân tộc bị xâm chiếm, buộc họ phải học/nghĩ/làm rập khuôn mình, nhằm mục đích giết chết từ trong trứng những mầm mống chống đối về sau. Một xã hội chỉ có hàng loạt những con người giống hệt nhau quả thật quá đáng sợ: nó là một phép nhân vô tính và vì thế cũng vô nhân tính. Sư giống nhau đồng loạt sẽ giết chết tất cả khả năng sáng tạo/phản biện sẽ đưa tới những thay đổi/tiến bộ, chỉ cho ra một kết quả của phép cộng nhàm chán và là con đường tất yếu dẫn tới diệt vong.

Nhớ về tuổi 60 của trường Phan Thanh Giản, tôi nhẩm tính và hiểu ra, trường đã được thành lập ngay sau hiệp định Genève, năm 1955. Tới 1975, trường đã có 20 năm hoạt động. 20 niên khóa với 20 lớp học sinh, và chừng đó học sinh của trường nay đang tỏa lan khắp đất nước và có thể khắp thế giới, với hàng vạn số phận khác nhau. Nhưng điều chắc chắn, trong tâm trí họ vĩnh viễn lưu giữ một ký ức đẹp đẽ về những tháng ngày đầu xanh tuổi trẻ của mình, trong ngôi trường nhỏ mang tên Phan Thanh Giản. Ngôi trường ấy đang là điều mong ước của lớp ông bà ngày nay/cựu học sinh Phan Thanh Giản ngày xưa, mong sao con cháu cũng được học hành giống thế hệ mình, hưởng thụ một nền giáo dục tưởng như bình thường mà thật ra hàm chứa bao điều nhân văn, nhân bản…