THẦY XUÂN CỦA CHÚNG TÔI

 

Ngay buổi đầu tiên học giờ thầy, tôi đi trễ. Tôi vào lớp, cúi chào thầy để xin phép rồi vào chỗ ngồi, ở đầu bàn bàn đầu. Và ngay lập tức, một suy nghĩ xuất hiện trong đầu: Thầy giảng bài tiếng to thật.

Giọng thầy sang sảng, bộc lộ nội lực của một người nhiều năng lượng. Thầy đi đi lại lại giữa các dãy bàn từ đầu đến cuối lớp, có khi ngồi hẳn lên bàn đầu, ngay chỗ tôi ngồi, nói không ngừng, theo mạch suy nghĩ chứ hoàn toàn không phải kiểu đọc cho học trò ghi. Sau này tôi mới hiểu đó là cách giảng bài ở đại học, trong khi chúng tôi chỉ mới vào đệ tam, lớp thấp nhất của trung học đệ nhị cấp. Thế nhưng cách giảng đại học đó hấp dẫn hơn nhiều, dễ vào hơn nhiều. Chúng tôi đuổi theo lời thầy, có khi không thâu tóm được hết nhưng “cảm” thì quả là rất dễ, rất rõ.

Có lẽ từ cách giảng đó mà những trang văn Tự Lực Văn Đoàn cứ tự nhiên đi vào đầu vào tim chúng tôi và ở lại, với hình ảnh, ngôn ngữ và tâm trạng nhân vật trên cái nền của cảnh sắc Hà Nội rất xa xôi mà cũng thật gần: “Loan đi rẽ lên bờ đê Yên Phụ…”, “Thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé… Không, anh phải sống…”, “Gió lên, lạy giời gió nữa lên…”… 

Sau này, ngay trong lần đầu ra Hà Nội, tôi chẳng những không đến nỗi ngỡ ngàng mà còn có cảm giác quen quen thế nào đó, bởi rất nhiều địa danh mà mình đã thuộc lòng. Mới thấy việc học và “cảm”, “thấm” văn chương của học trò như thế  nào là do người thầy quyết định phần lớn.

Nhóm chúng tôi ngồi bàn đầu là những đứa nhỏ nhất lớp nhưng cũng tinh quái nghịch ngợm nhất. Trong những giờ học buồn tẻ, chúng tôi thường tìm cách quậy lẫn nhau hoặc quậy các bàn chung quanh. Nhưng trong giờ thầy Xuân, hầu như chẳng mấy khi việc đó xảy ra. Đứa nào cũng há hốc mồm ra nghe giảng; và cũng vì, vào bất cứ lúc nào, thầy cũng có thể bất thần ngưng tiếng, chỉ tay vào một đứa học trò nào đó đang lơ đãng để hỏi những câu rất “giữa trời” nhằm kiểm tra “trình độ” tiếp thu, “trình độ” tư duy văn học của nó. Những giờ học của thầy hơi căng mà lại khỏe, vì gần như về nhà tôi chẳng mấy khi phải đem sách vở ra tụng mà vẫn nắm được bài vở ngon ơ.

Hồi đó Trường Trung học Tư thục Phan Thanh Giản Đà Nẵng của chúng tôi mỗi năm ra  một tập san in roneo với lượng bản in kha khá, có tên là Góp Gió. Lớp chúng tôi lại có tờ báo riêng, khổ A 4, chép tay, nhưng cũng ra được 4 số/niên khóa. Lũ con gái lo phần nội dung, phần kỹ thuật do bên con trai, vì họ viết chữ đẹp lại biết vẽ vời khi trình bày. Tờ báo của lớp chúng tôi có tên Gió Hiền, cho phù hợp với chuyện Góp Gió.

Trong nhóm con gái làm báo, có một đứa ký tên Bảo Hạnh (dù nó chỉ là Thị Hạnh), vậy là cả lũ (trừ tôi) hùa vào ký Bảo ở tất cả bài vở (đã có Gió thì phải có Bão): Bảo Hòa, Bảo Vân, Bảo Liên, Bảo Phượng, Bảo Sỹ, Bảo Hảo… khiến các bạn và các thầy nhìn đâu cũng thấy “bảo - bão”, rất chi là thắc mắc, còn chúng tôi thì cười với nhau khoái chí.

Thầy nói tiếng to nên thường hay đằng hắng để lấy giọng. Đôi khi thầy đến bên cửa sổ và kín đáo nhổ xuống đấy (thầy đang đà giảng bài, bên dưới lại là hành lang bịt kín giữa hàng rào trường với nhà hàng xóm). Một lần, từ trên lầu tôi tình cờ dòm xuống dưới đó và nhìn thấy máu. Máu đỏ chói, rất tươi. Tôi choáng cả người, một lúc lâu mới trấn tỉnh được. Nhưng từ ấy, đứa trẻ con trong tôi vẫn thường hay tự hỏi: máu tươi đó có phải của thầy không?

Một truyện ngắn tôi viết từ năm lớp đệ tứ có tên Thoát xác, sau khi đăng trên tờ Gió Hiền đã được in lại trong tập san Góp Gió và khiến cho tôi trở nên “nổi tiếng” trong trường. Một câu chuyện khá đơn giản rất gần với đời thường, về một cô gái bán bar, mà thời chiến tranh lúc ấy thì gái bán bar tràn ngập, đâu có gì lạ, theo suy nghĩ của tôi, một đứa học trò nhỏ. Nhưng thầy Xuân đã lấy truyện ấy gởi đăng trên tuần báo Tin Văn, một tờ báo rất “mạnh” lúc bấy giờ, của nhóm Lữ Phương- Nguyễn Ngọc Lương, xuất bản ở Sài Gòn.

Thầy chẳng hề nói gì với tôi việc ấy. Khi đi mua báo cùng với chị, cầm tờ Tin Văn số mới, tôi rất ngạc nhiên thấy tên và truyện mình trên đó nhưng thấy vậy thì hay vậy, tôi cũng không thắc mắc nhiều. Mãi rất lâu, sau khi tôi đã trở lại Sài Gòn làm việc ở báo Tuổi Trẻ năm 1991, nhà văn Nguyễn Ngọc Lương trong một lần gặp đã nhắc lại chuyện này và cho biết chính thầy Xuân đã gởi truyện của tôi cho ông. Rất chu đáo, ông còn vào Thư viện Quốc Gia (cũ) để photocopy tặng tôi một bản.

Vậy là thầy Xuân là người đầu tiên đã đưa tên tôi lên mặt báo chí Sài Gòn thời đó. Thế nhưng tôi chỉ viết báo vì vui, còn học thì lại thích khoa học tự nhiên nên đã chọn ban A (Lý hóa- Vạn vật) cho chương trình tú tài của mình.

Sau khi vượt qua hai kỳ thi tú tài I và II, tôi vào Sài Gòn học ở Đại học Khoa Học. Những dịp Tết hoặc hè, tôi về thăm gia đình ở Đà Nẵng, thời gian khá ngắn. Và qua em gái cũng đang học Phan Thanh Giản, tôi biết tin tức về thầy Xuân cũng như các thầy cô, bè bạn của mình.

Một lần khi tôi đang ở Đà Nẵng, thầy Xuân đã nhắn tôi đi dự một buổi lễ của Hội Khuyến Học Đà Nẵng, tại trụ sở trên đường Độc Lập, mà thầy là chủ tịch hội. Tôi nhớ hôm đó còn có nhà văn Duy Lam, nhà văn Phan Du (là hai phó chủ tịch). Thầy Xuân thời kỳ đó đang giảng dạy ở đại học Huế và đang tích cực vận động cho việc thành lập Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà.

Hoạt động của Hội Khuyến Học Đà Nẵng có lẽ chịu ảnh hưởng lớn của tư tưởng Phan Chu Trinh, coi trọng Khai dân trí, Chấn dân khí trong nhiều việc làm cụ thể. Bởi vì, thầy Xuân, người đã viết quyển Phong trào Duy Tân không thể không cổ xúy và tiếp tục tư tưởng Phan Chu Trinh mà thầy luôn muốn truyền lại cho lớp trẻ, cho đời sau. Hội Khuyến Học Đà Nẵng vẫn không ngưng hoạt động sau tháng 4/1975, và đã “gây men” cho việc thành lập Hội Khuyến Học ở nhiều địa phương khác trên cả nước sau đó.

Sau 1975, công việc khiến tôi ít khi có mặt ở Đà Nẵng, nhưng qua em gái, chơi thân với con gái của thầy, tôi biết gia đình thầy Xuân khá khó khăn. Vợ thầy, người đàn bà đẹp một cách quý phái, đã phát bệnh thần kinh và sau đó đến lượt các con cũng bị cùng một bệnh. Thầy không còn đi dạy nhưng vẫn tiếp tục hoạt động nghiên cứu một cách hiệu quả mặc kệ những thách đố mọi mặt trong cuộc sống. Vốn Hán Nôm và cả tiếng Pháp giúp thầy khai thác được nhiều tư liệu quý, để viết được những quyển sách mà giá trị sẽ trường tồn cùng với thời gian

Thầy hay ngồi cà phê với đám hậu sinh bằng tuổi học trò mình. Một người bạn cà phê vong niên của thầy đã kể rằng, mỗi khi một cô gái đẹp của Đà Nẵng lên xe hoa, dù quen biết hay không, thầy luôn cảm thấy một nỗi buồn tiếc rất thật về sự “thất thoát” này. Càng về sau, biết rõ hơn về cuộc đời thầy, tôi càng hiểu rằng con người nhiều năng lượng và nhiều rung cảm trong thầy đã bị bức bối về nhiều mặt: cả cá nhân, gia đình và xã hội…

Những năm cuối đời, lớn tuổi và đã bị bệnh nhưng thầy không hề rời bỏ những việc đã bắt đầu từ ngày trẻ, vẫn tiếp tục cho ra đời những sản phẩm văn hóa không thể thay thế. Khi cô bạn đạo diễn của tôi, Hải Anh, kể chuyện làm phim về thầy Xuân, tôi quá đỗi vui mừng, bởi bao năm qua, những thành quả nghiên cứu và trước tác của thầy vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức. Những gì biết về cuộc đời thầy, tôi mang kể hết cho Hải Anh, hy vọng bạn sẽ đồng cảm trước một trí thức lớn, một người xứng đáng với danh xưng học giả, và đã được mặc nhiên thừa nhận trong học giới.

Hình ảnh trong bộ phim cho thấy thầy đã yếu nhiều, chân bước đi đã chậm, có khi phải vịn, nhưng giọng nói vẫn sang sảng, và nhất là, trong đôi mắt vẫn ngời ngợi nỗi khát khao được sống và làm việc.  Bộ phim có cái tên bình dị nhất: Thầy Nguyễn Văn Xuân. Hẳn Hải Anh cũng như rất nhiều người trẻ, khi gặp thầy đều nhận ra một điều lớn lao đơn giản: đây đúng là một Người Thầy, người cất giữ một kho tư liệu và khai phá một mạch văn hóa vô cùng giàu có, và luôn muốn được nối kết với thế hệ con cháu, muốn dâng tặng cho tương lai dân tộc. Phim Thầy Nguyễn Văn Xuân của Hải Anh ( với đường link https://www.youtube.com/watch?v=ScMbMh28Vfk) đã được trao giải Bạc trong Liên hoan Phim Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2001.

Hình ảnh ấn tượng nhất mà đạo diễn đã rình để “chộp” được là, một con gà từ ngoài sân đã đi vào nơi làm việc của thầy, nhảy tót lên đống sách vở giấy tờ chất đống bừa bộn từ trên bàn xuống dưới đất. Một cảnh nhà đơn chiếc, gieo neo, thiếu bàn tay chăm sóc, dù thầy vẫn có đầy đủ vợ con. Một trí thức lớn đã thiếu hẳn điều kiện tối thiểu để làm việc và không thể tìm thấy cơ hội của mình, cũng chính là cơ hội cho mọi người chung quanh.  

Tôi không gần gũi thầy nhiều, cũng không phải người hay bộc lộ, nhưng sâu trong lòng mình, tôi biết mình chịu nhiều ảnh hưởng của thầy, một cách hết sức tự nhiên. Bắt đầu từ những bài giảng văn từ thời trung học của thầy, tôi đã tập khám phá con người, khám phá văn học bằng chính trái tim và bản thể mình, không bao giờ bị áp đặt. Và vì thế, suốt cuộc đời mình về sau, tôi đã không để ai áp đặt cho mình bất cứ điều gì.

- Ngô Thị Kim Cúc -