Tiểu Sử cô Thùy An

 

50 năm nhìn lại…

Ký –Thùy An

     Không biết tôi yêu văn chương tự bao giờ, chỉ nhớ là tôi làm quen với sách truyện từ rất sớm, khoảng 5, 6 tuổi gì đó… từ sách Hồng cho đến Tự Lực Văn Đoàn, Tam Quốc Chí, Hán Sở Tranh Hùng… Thôi thì thượng vàng hạ cám, có lần lén mượn cuốn “Hồng và Cúc” của chị hàng xóm, đang say sưa thả hồn theo nhân vật  thì bị ba tôi bắt quả tang, phạt cho một trận nhớ đời vì cái tội dám đọc “tiểu thuyết ba xu”!!!. Không biết “tiểu thuyết ba xu” đem tai hại đến cho những tâm hồn thơ trẻ như thế nào (như lời ba tôi lên án), nhưng tôi vẫn thấy rất hay, dễ hiểu và gần gủi vô cùng.

Nhớ năm học đệ lục (lớp 7 bây giờ), tôi thức suốt đêm hoàn thành một truyện ngắn 5 trang giấy học trò, rồi uống thuốc “liều”, nhờ ba tôi gửi cho tòa soạn báo Tuổi Xanh ở Chợ Lớn, trên con đường có cái tên rất lạ là Da Bà Bàu. Thư đi mất hút như hòn đá ném vào biển khơi. Không nản chí, tôi vẫn tiếp tục “sáng tác”, vẫn gửi bài, chờ đợi… và mỗi chiều thứ tư (?), ngày phát hành báo Tuổi Xanh, tôi đi bộ khá xa, tìm đến sạp báo quen, hồi hộp giở từng trang, xem bài mình có được đăng không. Vẫn bóng chim tăm cá. Về sau, ba tôi thương tình, đặt mua báo Tuổi Xanh hằng tháng để tôi khỏi mất công, dành thời gian cho việc học hành. Tôi học giỏi đều các môn.

Vào kỳ thi cá nguyệt năm đệ ngũ (lớp 8 bây giờ), đọc lời phê của thầy dạy Việt Văn trong học bạ: “Có năng khiếu”, tôi không vui mà nghi ngờ chính bản thân mình. Nếu tôi có năng khiếu thật, tại sao tất cả “tác phẩm tim óc” của tôi viết đều bị vứt thùng rác??? Ý nghĩ đau buồn này làm tôi mất ngủ suốt mấy đêm.

Bây giờ nghĩ lại, thấy hồi đó mình con nít quá. Vui đó, buồn đó, rồi giận dỗi, tự ái đầy mình… rốt cuộc, vẫn không bỏ được niềm đam mê được viết. Hình ảnh giòng sông, con đò, những ngôi vườn Huế thơm hương ngọc lan, ngọt ngào cây trái cùng những kỷ niệm êm đềm bên gia đình, bè bạn… luôn in dấu trong ký ức tuổi thơ tôi và hiện rõ nét lên từng trang viết. Cuối năm đệ tứ (lớp 9 bây giờ), khi tôi sắp biến thành hươu cao cổ thì anh chàng Văn Chương mỉm cười với tôi. Từ đó, tùy bút, truyện ngắn… của tôi xuất hiện đều đặn trên tờ Tuổi Xanh, Phổ Thông, VN Tiền Phong, Thời Nay… và một vài báo khác mà tôi đã quên tên.

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe, những kỷ niệm khó quên từ hơn 40 năm trước, khi tôi cầm trên tay tác phẩm đầu tiên của mình.

TỦ SÁCH TUỔI HOA

*Nắng Lụa (1970)

Đó là năm 1970. Tôi có nhỏ bạn (Kim Hài) làm việc bên tòa soạn bán Nguyệt San Tuổi Hoa. Một hôm, nó đưa cho tôi một xấp bản thảo: “Bác Trường Sơn (chủ bút tủ sách Tuổi Hoa) biểu tao phóng tác lại truyện này, tao làm một nửa, chia cho mày một nửa”. Đó là một truyện dịch, nội dung hay nhưng văn chương lủng củng, lộn xộn. Thế là chúng tôi chuyển các nhân vật trong truyện thành người Huế, trong một không gian rất Huế…

Bác Trường Sơn hài lòng và cho in ngay. Đó là tác phẩm Hoa Tím đầu tiên  mang tên Nắng Lụa, nhưng tên tác giả không phải KH – TA, mà là Dạ Thanh. Hai đứa nhận tiền nhuận bút, rong chơi suốt một ngày. Đầu tiên, vào tiệm ăn, kêu 2 món mà ở Huế không có là canh chua cá lóc và thịt kho nước dừa, sau đó là đi mua sắm hết sạch số tiền hình như bằng giá một lượng vàng vào thời điểm đó.


*Vùng Biển Lặng (1970)

Lúc bấy giờ, tác phẩm trong tủ sách Tuổi Hoa chưa nhiều, tôi có suy nghĩ là phải viết một truyện dài mang tên mình mới oai. Chỉ một tuần, tôi đã viết xong truyện thiếu nhi (Hoa Xanh) mang tên Vùng Biển Lặng. Chuyện kể về cô bé 13 tuổi Hoàng Thị Thúy Vy, ba mất để lại mẹ Hà còn rất trẻ đẹp. Bà Hà gặp lại ông Huy –người ngày xưa theo đuổi bà. Hai người đến với nhau nhưng Vy luôn tìm cách phá đám, chia rẽ… cuối cùng ông Huy phải  trở vào Sài Gòn. Trước khi từ giã, ông xả thân cứu Vy ra khỏi đám cháy. Vy hối hận, kết thúc câu chuyện là lá thư Vy viết cho ông Huy, xin ông ở lại Huế.

Đọc lại bản thảo, đến  đoạn Vy lên Nam Giao thăm mộ ba, tôi bỗng ứa nước mắt, thầm nghĩ, chắc chuyện này cũng gây xúc cảm cho người đọc.  Thế là yên tâm gửi đi. Hồi hộp suốt tuần không ngủ được. Sau đó bác Trường Sơn gọi tôi lên gặp. Bác nói: “Cháu viết được nhưng chưa hiểu hết tâm lý của các cô bé mới lớn như Thúy Vy. Chúng nó không bao giờ muốn mẹ đi lấy chồng đâu. Cháu phải sửa lại đoạn kết. Nên để cho ông Huy ra đi”.

Cuốn Vùng Biển Lặng ra đời năm 1970. Ngoài bìa, họa sĩ Vi Vi  đã vẽ cô bé Thúy Vy với đôi mắt thật ướt như đã mô tả trong truyện.

Đứa con tinh thần ra đời trong niềm vui khó tả. Càng vui hơn khi bác Trường Sơn bảo: “Các học sinh lớp 9 trường Lê Văn Duyệt Gia Định (bây giờ là trường Võ Thị Sáu –quận Bình Thạnh) muốn làm thuyết trình cuốn Vùng Biển Lặng, các em ấy muốn biết vài giòng về tác giả Thùy An.” Hôm đó về nhà, tôi không ngủ được. Tại vui quá.

Cuốn Vùng Biển Lặng được tái bản năm 1991, lại một giai thoại nữa. Mấy cô biên tập viên ở nhà xuất bản Trẻ đọc xong, nói: “Chị Thùy An ơi, ông Huy tuyệt vời quá, sao chị không cho bà Hà lấy ông Huy? Phải sửa lại đoạn kết thôi chị ạ”. Vậy là chiều ý các cô. Như vậy , cuốn Vùng Biển Lặng trước và sau 1975 có 2 chương kết khác nhau.

    
*Hoa Bâng Khuâng (1970)

Thừa thắng xông lên, lần này nhất định viết một truyện Hoa Tím, có chút tình yêu sẽ thi vị hơn.
Nhớ những lần đi từ Đà Nẵng ra Huế, qua các đèo Phước Tường, Phú Gia, Hải Vân … tôi thường dán mắt vào cửa kính say sưa ngắm những sườn đồi chập chùng một loài hoa tím rất nên thơ. Vậy là Hoa Bâng Khuâng ra đời, vẫn là không gian Huế, lồng trong một chuyện tình rất dễ thương và một chuyện tình đầy vụ lợi. Bìa Vi Vi vẽ được phóng to treo trong phòng bác Bích Thủy (bà Trường Sơn), nhưng tôi thấy lần này, Vi Vi vẽ không giống loài hoa như tôi mô tả, và cô gái mặc áo lụa vàng thay vì màu xanh như tôi đề nghị nên không đúng với  nội dung. Trong HBK, tôi tâm đắc nhất là đoạn Bình và Nguyệt Cầm hò hẹn trên đồi Thiên An, khi anh đọc thơ: “ Hoa bâng khuâng… hoa bâng khuâng, em đi dìu dịu gót sen trần, cho anh nắm nhẹ bàn tay nhỏ, để thả hồn mơ dáng Nguyệt Cầm…” rồi nói: “Khi yêu, ai cũng trở thành thi sĩ cả”

*Con Đường Lá Me (1971)

Cuốn này lấy bối cảnh ở Sài Gòn khi tôi vào học năm cuối tại trường Đại Học Khoa Học. Những con đường Duy Tân, Trần Quý Cáp… rợp mát bóng me là nguồn cảm hứng cho tôi có được tác phẩm này.

*Mây Trên Đỉnh Núi (1971)

Bối cảnh Đà Lạt với những đồi thông chập chùng, vườn hoa rực rỡ… tôi viết sau một chuyến đi chơi Đà Lạt, nói về 2 chị em họ bị thất lạc, sau tình cờ gặp lại. Cuốn này được nhiều người thích.

*Chân Dung Hạnh Phúc (1972)

Một hôm, ba tôi đọc trong cuốn Selection, thấy có nói đến một căn bệnh lạ, đó là bệnh Wilson gây vàng da và có tính di truyền. Ông gợi ý, con hãy viết một truyện về bệnh này đi. Ý kiến hay nhưng phải tìm bác sĩ hỏi cho rõ ràng mới được. Thế là tìm đến người bạn thân của ông xã tôi là bác sĩ Hoàng Đại May (hiện vẫn đang làm việc ở bệnh viện Hoàn Mỹ). Bác sĩ May đã giải thích rất rõ ràng về chứng bệnh này. Lồng vào đây là chuyện một “Em là gái trời bắt xấu” lại được một anh chàng đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi thương yêu. Mối tình rất hiếm thấy trong đời, nhưng cốt chuyện mang tính giáo dục cao về quan niệm “Cái nết đánh chết cái đẹp”

*Như Nắng Xuân Phai (1972)  Vườn Cau Nước Dâng (1973)

Đến đây thì nguồn cảm hứng bỏ tôi đi mất, nghĩ mãi không ra chuyện nào. Bác Trường Sơn cứu bồ bằng cách đưa cho tôi 2 cuốn sách tuổi teen viết bằng tiếng Pháp: “Cháu về xem rồi lấy ý trong này, phóng tác lại”. May quá, tiếng Pháp là sinh ngữ chính của tôi, nên vừa đọc vừa tra tự điển cũng hiểu được, chỗ nào tối nghĩa một chút thì hỏi ba, ba luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ cô con gái cưng. Nắm được ý, việc chuyển không gian Tây sang không gian Ta cũng không vất vả lắm.  

Như Nắng Xuân Phai nói về mối tình của Chương và Diệu Hạnh, quen nhau từ thuở ấu thơ. Hai người không đến được với nhau vì mối thù giữa 2 gia đình. Hạnh dâng mình cho Chúa, trở thành Soeur Maria chăm sóc đám trẻ mồ côi trong Tu Viện. Chương trở thành bác sĩ, xoa dịu nỗi đau các bệnh nhân. Chủ đề của truyện là: hai người yêu nhau không đến được với nhau, mà cùng nhìn về một hướng đem lại hạnh phúc cho mọi người.

Nhưng đến 1994, sách được tái bản thì đoạn kết bị sửa lại: Hạnh không đi tu, nhưng cũng không lấy được Chương. Thật không hiểu nổi!!!

Vườn Cau Nước Dâng  nói về thành kiến khắt khe của một bà già Huế, bà nuôi mối căm thù đàn ông và trút tất cả lên đầu con cháu. Cô cháu ngoại Bảo Khuyên hứng chịu bao bất công, tình yêu của cô và Hồ Hải tưởng chừng đổ vỡ, nhưng cuối cùng… mọi chuyện đều tốt đẹp.

*Hoa Nắng (1973)

Nói về cô bé Trang sống trong cảnh ba me ly thân, về sau đã nối kết được ba me trở lại với nhau.

*Tiếng Dương Cầm (1974)

Là chuyện tình của bác sĩ Hoàng Đại May, thấy cũng éo le, hợp với tuổi Hoa Tím nên tôi đề nghị nên đưa vào tủ sách Hoa Tím và bác sĩ May đã bằng lòng một cách hào hứng.

Lại nhớ đến vài kỷ niệm. Năm 1972, tôi về Đà Nẵng dạy môn Vạn Vật trường QGNT và một số trường tư thục. Trong một tiết học lớp 11, tôi đang giảng bài, học sinh nghe chăm chú. Riêng một em nữ sinh cứ cắm đầu vào hộc bàn say sưa đọc. Tôi gọi em đứng dậy, em vẫn thả hồn theo mây gió. Tức giận, tôi đến bên kéo tay em, khi đó, em mới hoàn hồn giật bắn mình, đứng bật dậy, một cuốn sách rơi ra: Hoa Bâng Khuâng. Tôi lặng người, chưa biết xử trí sao thì các em khác lao nhao: “Sách cô viết đó cô, tha cho nó đi cô.” Tôi cố nén xúc động, nói nhỏ: “Cô không cấm em đọc sách, nhưng đây là giờ học, phải nghe giảng bài chứ. Thôi, em ngồi xuống đi. Lần sau cô phạt và tịch thu sách đó”.

Một kỷ niệm khác, sau 1975, trường tôi dạy bị giải thể, tôi được chuyển qua trường Nữ Trung Học Hồng Đức dạy môn Vạn Vật lớp 12. Trong giờ dạy đầu tiên, mỗi lần tôi quay lưng viết bảng là phía sau rộn lên những tiếng xầm xì bàn tán. Tôi quay lại thì các em im bặt, ngoan ngoãn vòng tay lên bàn. Sau khi giảng bài, tôi nói: “Có em nào thắc mắc, cứ mạnh dạn hỏi cô.” Một em đưa tay, đứng dậy : “Thưa cô, cô có phải là Thùy An không ạ.”

     Có một chuyện làm tôi rất buồn là trong cuốn Kỷ Yếu của Hội nhà văn TPHCM, ban biên tập gạt 9 cuốn sách trong tủ sách Tuổi Hoa của tôi ra khỏi danh sách Tác Phẩm của Thùy An. Thật ra, đây mới chính là những tác phẩm tôi tâm đắc nhất. Tâm đắc không phải chúng hay hơn những cuốn sau này, mà bởi đây là những đứa con tinh thần được tôi sinh ra khi tuổi đời còn trẻ với bao mộng mơ, ước vọng đến tương lai.

Từ 1975, tôi không có cơ hội cầm bút nữa. Một khoảng lặng rất dài. Đến khi tôi cầm bút trở lại, thì đã ngoài 40, cuộc đời đã bầm dập, lên thác xuống ghềnh, tâm hồn chai sạn, còn đâu như trước nữa.

TỦ SÁCH ÁO TRẮNG (Nhà xuất bản Trẻ)

Đến năm 1990, tủ sách Áo Trắng của nhà xuất bản Trẻ ra đời. Tôi đọc tiêu chí và thấy giống tủ sách Hoa Tím ngày xưa. Gọi điện hỏi thăm thì gặp chị biên tập viên tủ sách Áo Trắng tên Liên, chị nói: “Tâm sinh lý các em tuổi mới lớn thì vào thời điểm nào cũng giống nhau.” Liên mời tôi viết.

*Đầu Bến Mây Đưa (1990)

Sau mấy đêm suy nghĩ, lại nhớ đến hồi nhỏ ở Huế, tôi thường vào chơi trong phủ Ngự Viên, thấy một bà già rất đẹp, da trắng, tóc trắng như bà Tiên, mạ tôi gọi là bà Lan Trắng, rồi lại nhớ một ông già được gọi là Mệ Yên, tên thật là Hường Yên, chú của vua Thành Thái, lúc bấy giờ đã nghèo xơ xác lắm rồi, vậy mà giường ngủ của ông vẫn sơn son thiếp vàng, màn gối đính cườm óng ánh, dù tất cả đã cũ đen sì. Thế là cuốn “Đầu Bến Mây Đưa” được hình thành, lồng vào chuyện tình yêu đơn phương của cô gái Huế với một anh chàng họa sĩ. Đưa bản thảo được một tuần, chị Liên gọi điện báo tin : “Đầu Bến Mây Đưa sẽ là một trong những cuốn đầu tiên của tủ sách Áo Trắng ra mắt bạn đọc.”.

*Mùa Hè Êm Ả (1990)

Lần này, bối cảnh là Sài Gòn. Nói về một cô bé tập tành làm thơ, về tình cảm thương yêu giữa hai anh em cùng cha khác mẹ, về một mối tình muộn màng nhưng thật đẹp giữa cô gái Huế  với một chàng trai  miền Nam. Truyện có nói đến những cuộc cá độ cúp Mondial 1990.

Vào thời điểm này, các nhà sách tư nhân được thành lập, liên kết với nhà xuất bản để in sách. Và người ta ráo riết đi tìm các tác giả của tủ sách Tuổi Hoa ngày xưa. Trừ cuốn Tiếng Dương Cầm vì nói đến lính nhiều quá, 8 cuốn còn lại của tôi được tái bản đến 2, 3 lần.

*Một Thời Áo Trắng (1995): Tập truyện ngắn –Nhà Xuất Bản Đồng Tháp

TỦ SÁCH TUỔI HỒNG (Nhà xuất bản Trẻ)

*Dưới Mái Trường (1991)

Cuốn này là truyện nhiều kỳ, tôi định đăng trên tờ Mực Tím nhưng chờ lâu quá, nên đưa cho nhà xuất bản Trẻ.

*Cung Đàn Tuổi Thơ (1991)

Lúc bấy giờ, con gái tôi đang học ở Nhạc Viện Thành Phố, thường hay kể nhiều chuyện ở trường cho mẹ nghe. Cung Đàn Tuổi Thơ nói về các em học đàn ở Nhạc Viện, tuy chuyên môn khác nhau nhưng cùng chung một lớp văn hóa, tình bạn rất dễ thương.

*Viên Kẹo Thần Kỳ (1993)

Hồi học đệ nhị (lớp 11 bây giờ), môn Vạn Vật có bài “Quang Tổng Hợp của cây xanh”, đó là hiện tượng hấp thụ khí carbonic và hơi nước trong không khí, dưới ánh nắng mặt trời, nhờ có chất diệp lục, cây xanh tổng hợp được chất hữu cơ để sống. Tôi luôn thích thú với ý nghĩ, nếu trong cơ thể mình có diệp lục tố, chỉ cần uống nước xong ra nằm ngoài nắng là no nê, khỏi mất công ăn cơm. Cho nên trong truyện Viên Kẹo Thần Kỳ, tôi viết về nhà bác học Trần Linh bị lạc vào một khu rừng kỳ lạ, trùng trùng điệp điệp một loại lá cây đặc biệt, chứa một lượng diệp lục tố lớn gấp ngàn lần lá bình thường. Để sinh tồn, ông đã ăn lá cây đó, kết quả là da ông bị xanh hơn, đồng thời những vết thương lành lặn như có phép thần. Ông mang lá cây về, chế ra một loại thuốc… và bọn xấu tìm mọi cách để đánh cắp công thức sáng chế…

*Những nốt nhạc kỳ dị (1998)

Số là hồi nhỏ và cả bây giờ, tôi rất khoái đọc truyện trinh thám. Ngày xưa thì đọc Thế Lữ (Vàng và Máu, Lê Phong phóng viên…), Phạm Cao Củng (Vết Chàm nhà họ Bạch…), bây giờ là những chuyện trinh thám kinh dị nước ngoài (của Agatha Christie, Haley Chase, Alfred Hitchcock…)  được phóng tác như Vụ Án Họ Trình, Cô Gái Vô Hình, Đen Hơn Bóng Tối, Trả Giá Cho Một Đêm Vui… thế là tôi thử sức bằng một  truyện trinh thám thiếu nhi. Nội dung là nhà bác học kiêm nghệ sĩ Violon Hoàng Lâm được mời về VN trình diễn. Biết ông có đem theo công thức bí mật (được ghi dưới những nốt nhạc) nên bọn găng tơ quốc tế theo dõi và bắt cóc ông. Hai học sinh lớp 7 đã giúp công an phá được vụ án, giải thoát cho ông Hoàng Lâm.
Truyện được chuyển thể thành phim truyện và được giải thưởng của Cục Điện Ảnh Trung Ương.

*Triển Chiêu Thỏ Đế (2000)

Tập truyện ngắn, tập hợp những truyện đã đăng trên báo Nhi Đồng, Khăn Quàng đỏ, Thiếu Niên Tiền Phong…

*Những Mùa Hè Đi Qua (2003)

Tôi viết xong cuốn “Những Mùa Hè Đi Qua” trong một tuần. Sách được in và tái bản nhiều lần. Truyện nói về Khoa, một cậu bé con nhà giàu, về sau gia đình bị phá sản, trải qua bao thăng trầm, khốn khổ, những bạc bẽo của người thân, em đã vượt lên số phận trong vòng tay thương yêu của bạn bè, thầy cô.

TỦ SÁCH THIẾU NHI (Nhà xuất bản Kim Đồng)

*Con Búp Bê Thùy Mị (1993)

Nói về tình yêu thương giữa cô bé Đoan Trang và con búp bê mang tên Thùy Mị được nhân cách hóa.

*Về Lại Chốn Thương Yêu (1994)

Truyện này viết dự thi nhưng không được giải. Anh Trần Đình Nam, biên tập nhà xuất bản Kim Đồng phê bình là “Tây” quá!!!

*Người Bạn Trong Ống Nghiệm (1998)

Tôi dạy Vạn Vật chương trình lớp 12 có môn Di Truyền Học, nói về các gène di truyền nằm trong các chuỗi ADN. Hồi sắp làm mẹ, tôi thường có ý nghĩ, ước gì các gène đẹp của tôi và ông xã đều qui về đứa con thì hay biết mấy. Kết quả đâu như ý muốn, nhưng từ đó lòng tôi ấp ủ phải viết một cuốn sách về đề tài này. Và năm 1998, cuốn NBTON ra đời và được giải thưởng. Chuyện nói về những vụ bắt cóc các người đẹp, các thần đồng, các người có tài năng… để rút ra những gène di truyền tốt tạo nên những con người hoàn hảo. Truyện được giải thưởng của nhà xuất bản Kim Đồng.

*Mây Mùa Hạ (2000)

Chuyện nói về bí mật “gène trội” của cô bé Hạ Vân. Hạ Vân thông minh, học giỏi trong khi các anh chị khác học kém xa. Truyện được giải thưởng.

*Bà Chúa Tiên (2001)

Nói về một Vương Quốc Hoa, đứng đầu là Bà Chúa Tiên, và mỗi bông hoa là một nàng Tiên xuống trần gian giúp đỡ các trẻ em, khen thưởng những em ngoan và trừng phạt những em hư.

TỦ SÁCH TUỔI MỚI LỚN (Nhà xuất bản Kim Đồng)

*Mưa trên phím ngà (2002)

Chuyển thể thành phim Tiếng Dương Cầm Trong Mưa. Chuyện viết về một cô gái Hà Nội, cha  có gia đình ở miền Nam trước khi đi tập kết. Năm 1975, ông đem vợ con vào Nam sống trong ngôi nhà của tổ tiên. Hai người con từ Mỹ trở về và bi kịch xảy ra…

*Mặt Trời Mùa Đông (2004)

Tập truyện ngắn gồm những bài đã đăng trên các báo Mực Tím, Áo Trắng, Tuổi Ngọc…

*Đôi Bạn (2005)

Năm 2004, Cao Xuân Sơn –Tổng biên tập tủ sách Tuổi Mới Lớn gọi điện bảo tôi đăng ký tác phẩm cho năm tới. Sơn hối thúc quá nên tôi nghĩ đại một nhan đề là Đôi Bạn. Đến khi Đôi Bạn phát hành (2005) tôi mới giật mình vì thấy mình vô tình “chôm” tên một tác phẩm trong Tự Lực Văn Đoàn!!!. Chuyện nói về những sinh hoạt văn nghệ ở một ngôi trường cấp ba, tình bạn thân thương giữa anh chàng trưởng lớp và cô nàng lớp phó Văn Thể Mỹ…

TRUYỆN DỊCH

*Con Quỷ Lọ (chung với Kim Hài - 1993)

Đây là những truyện dịch đăng rải rác trên các báo.

*Mất Tích (1997)

Những truyện dịch trinh thám và kinh dị đăng trên báo Pháp Luật.

*Giọt Thời Gian Trốn Thoát (1997)

Tình cờ ghé quán bán sách cũ, gặp được cuốn truyện thiếu nhi Pháp, trong đó thú vị nhất là truyện “La minute échappée” (tôi lấy làm nhan đề cuốn sách). Thế là mua về dịch hết, khoảng mười mấy truyện, đều được đăng tất cả ở báo Khăn Quàng Đỏ và Nhi Đồng. Sau gom thành sách –Nhà xuất bản Đồng Nai.

     Hồi làm 2 tờ tạp chí Tuổi Ngọc và Bạn Ngọc, rất nhiều cây bút trẻ tìm đến tôi, nhờ nâng đỡ. Sau này gặp lại, có em làm lơ nhưng cũng có em vẫn quí mến tôi. Trong số đó, có Phạm Thanh Phúc làm ở báo Pháp Luật. Phúc thường bảo tôi gửi bài, và đó cũng là động cơ để tôi dịch những truyện ngắn trinh thám nước ngoài  đưa cho Phúc. Cũng nhờ đó, tôi có được những tập truyện dịch  như Con Quỷ Lọ (chung với Kim Hài 1993), Mất Tích (1997), Giọt Thời Gian Trốn Thoát (1997)…

Hai cuốn Mất Tích và Giọt Thời Gian Trốn Thoát vừa mới in xong thì chủ nhà sách (ở đường Nguyễn Thái Bình Quận 1) tuyên bố phá sản, không trả tiền nhuận bút, mà trả bằng sách. Ôm mấy trăm cuốn sách trong tay, “dịch giả” muốn té!!!. May nhờ có ông chủ nhà sách Quang Minh (học trò cũ của ông xã) bán dùm mới thoát một bàn thua!

TRUYỆN TRANH

     Một ngày đẹp trời năm 1991, Đức Lâm (họa sĩ làm maquette cho tờ Tuổi Ngọc) dẫn đến nhà tôi một cô khá xinh, giới thiệu là vợ chưa cưới, tên là Thiên Nga. Thiên Nga vừa được đề cử làm thư ký tòa soạn báo Nhi Đồng, một phụ san của báo Khăn Quàng Đỏ, lấy biệt hiệu là chị Mê Ly phụ trách phần truyện tranh. Đức Lâm nhờ tôi giúp đỡ trong giai đoạn đầu.

Tôi đã viết truyện tranh theo trí nhớ những câu chuyện kể, những cuốn sách đã đọc từ hồi nhỏ.
Thế là suốt 2 năm, trên báo Nhi Đồng xuất hiện liên tục các truyện tranh của tôi và những biệt hiệu khác như An Thùy, Thúy Ái, Thanh Ái, Nguyệt Cầm, Việt Chương, Thúy Vy, Bội Tiên, Thỏ Ngọc…  những câu chuyện đầy thú vị như: Những mẩu chuyện về Ê –Dốp, Con Thỏ Bạc, Nếu Thang Máy Không Dừng Lại, Công Chúa Hoa Xuân, Cây Tóc Thần, Chuyện Con Cá, Cậu Bé Hái Mặt Trăng,Nàng Công Chúa Thiên Nga, Quả Lê thần, Chiếc Thảm Thần, Bích Ty và Chó Sói, Cậu Bé Ngốc Nghếch, Con Thỏ Khôn Ngoan, Dê Con Quả Dưa và Những Đóa Hồng, Con Chim Đẹp Nhất, Điều Ước Của Lúc, Hai Cha Con Và Con Trâu, Hai Cha Con Băng Giá, Trái Bầu Nậm, Cò Và Cua, Lũ Khỉ Vô Ơn, Viên Ngọc Thần, Thấy Xa Trông Rộng, Con Cò Bay, Chú Bé Hạt Đậu, Bản Nhạc Ngày Sinh Nhật, Con Cánh Cam Hào Hiệp, Chú Lính Chì, Đôi Giày Của Gã Keo, Bố Già Mũi Lõ, Giọt Thời Gian Trốn Thoát, Con Sói Cụt Đuôi, Những Câu Chuyện Ngộ Nghĩnh của Rududu và RiQuiQui, Bà Phù Thủy Muốn Làm Việc Tốt...

Báo Nhi Đồng ngày một khởi sắc. Chị Mê Ly trở thành thần tượng của các bé nhi đồng.
Báo Khăn Quàng Đỏ có những truyện tranh nhiều kỳ của tôi như Bí Mật Nhà Hát Cổ, Những Viên Kẹo Bị Đánh Cắp, Vụ Án Cậu Ông Trời…

Tôi có một số truyện tranh viết cho tủ sách Cô Tiên Xanh, nhà xuất bản Đồng Nai, trong đó có cuốn “Một ngày của Thắm” được giải thưởng..

TẬP SAN TUỔI MỚI LỚN

Đến 1991, một chủ nhà sách tư nhân là anh Chương thực hiện nguyệt san Tuổi Ngọc, dành cho tuổi học sinh Trung Học, giấy phép của nhà xuất bản Thành Phố. Ban đầu, anh Chương mời anh Nguyễn Thái  Dương bên báo Mực Tím chọn bài vở. Qua số 2, không biết tại sao anh Dương xin rút lui. Tôi có 1 bài đăng trong Tuổi Ngọc nên anh chị Chương theo địa chỉ tìm đến nhờ  biên tập những số tiếp theo. Tôi rủ Kim Hài cùng làm. Hai đứa tìm đến các tác giả tủ sách Tuổi Hoa ngày xưa là chị Minh Quân, anh Trinh Chí, anh Hoàng Đăng Cấp… để tổ chức bản thảo. Họa sĩ Đức Lâm làm maquette cho tờ Tuổi Ngọc rất ấn tượng, nét vẽ ngây thơ không thua gì Vi Vi thời trước. Báo bán rất chạy, nhưng đến số 10 thì bị bà Tổng biên tập báo Mực Tím đập te tua, lý do là nhà xuất bản Thành Phố lấn sân. Cuối cùng tờ báo chết vì nhà xuất bản Thành Phố không dám cấp giấy phép nữa. Bấy giờ tôi mới biết lý do vì sao  Nguyễn Thái Dương không được phép phụ trách tờ Tuổi Ngọc.

Thời gian này, tôi và Kim Hài viết lại cuốn Nắng Lụa, thêm nhiều chi tiết để nội dung trở nên dày dặn và người lớn hơn, gần như là một cuốn tiểu thuyết. Vẫn lấy tên Nắng Lụa nhưng đứng tên Kim Hài –Thùy An. Anh chị Chương đã in cuốn này, Đức Lâm vẽ bìa rất dễ thương. Có một giai thoại vui: Khi cuốn Nắng Lụa phát hành, có một fan ngày xưa hâm mộ đến xin chữ ký. Gặp mặt KH –TA thì cô ta té ngữa, không ngờ 2 tác giả Tuổi Hoa già quá (may mà lúc đó 2 đứa mới ngoài 40). Chị  Tuyết – vợ anh Chương nói: “ 20 năm rồi, bộ bắt người ta trẻ mãi sao.”

Đến 1994, con gái chủ nhà sách An Phong trên đường Cao Thắng đi tìm tôi nhờ tổ chức và biên tập cho một tờ nguyệt san “Tuổi mới lớn” khác tên là Bạn Ngọc, giấy phép của nhà xuất bản Đà Nẵng. Tôi  rủ Kim Hài cùng đứng tên chủ biên tờ Bạn Ngọc. Tờ báo này “thọ” hơn tờ trước, sống từ 1994 đến năm 2000 mới dẹp tiệm. Lý do là nhiều báo ra quá, không cạnh tranh nổi.

Vào thời điểm này, các tạp chí đủ thể loại bán đắt như tôm tươi. Các nhà xuất bản hào phóng cấp giấy phép cho các nhà sách tư nhân. Rất nhiều “ông chủ nhỏ” đến tìm tôi nhờ viết đề cương để xin giấy phép và tổ chức bản thảo. Ngoài tờ Tuổi Ngọc và Bạn Ngọc, tôi còn làm tờ Phụ Nữ và Sức Khỏe, Nghệ Thuật Sống… và nhiều tờ linh tinh khác mà tôi quên mất tên. Nói chung là tôi mua báo nước ngoài rồi dịch các bài về sắc đẹp, dinh dưỡng, thể dục… thêm vài mục nữa là truyện ngắn, nuôi dạy con cái, gỡ rối tơ lòng…  hoàn toàn không phải báo lá cải, mà cuốn nào cũng mang tính nhân văn. Mỗi loại sống khoảng vài số, riêng tờ Phụ Nữ và Sức Khỏe sống từ 1995 đến 1999. 

TIỂU THUYẾT

     Về Tiểu Thuyết, không phải là sở trường, nhưng tôi cũng đã viết được 4 cuốn:

*Kiếp Nào Có Yêu Nhau (1991)

Tiểu thuyết đầu tay, nhiều báo giới thiệu, khen có mà chê cũng nhiều. Thật ra, nội dung cũng bình thường, tôi chỉ thích cái nhan đề “chôm” của nhạc sĩ Phạm Duy thôi!!!

*Người Đi Qua Đời Tôi (1992)

Tôi có cô cháu gái, con của ông anh họ tên là Kiều Loan. Loan tuổi Canh Tí, nghệ sĩ Piano, đẹp nhất nhà. Năm 1980, KL được mời đóng vai chính phim “Phượng” và phim “Ngọn Lửa Kong Jung” của xưởng phim Tổng Hợp Thành Phố. Năm 1981, Loan lấy chồng Việt kiều Đức, người miền Tây. Hôm rước dâu, xe bị tai nạn, làm chết cô em gái của chú rể. Thế là bao nhiêu oán hận bên nhà chồng trút xuống đầu Loan. Loan theo chồng qua Đức sinh sống, nhưng cái chết của người em vẫn là nỗi ám ảnh không rời. Cuối cùng, hai người li dị. Loan ở lại và kết hôn với một kỹ sư người Đức, có 2 con gái, sống hạnh phúc cho đến bây giờ. Năm 1989, Loan về Việt Nam, tôi nói: “O muốn viết một cuốn tiểu thuyết về cháu, được không?” Loan vui vẻ: “Để cháu kể thêm cho O viết.” Thế là cuốn “Người Đi Qua Đời Tôi” ra đời năm 1992.

*Như Nỗi Ước Mơ (1994)

Lý do viết truyện này: Trường Phan Châu Trinh của tôi có một ông thầy rất tài hoa. Ông là con một, mẹ ông (bà già Huế) góa chồng sớm, ở vậy nuôi con, tính khó khăn không chịu được. Nghe bạn bè kể vui lắm, bà mẹ thấy con dâu ngồi trên đùi con trai, bà nói : “Bộ nhà hết ghế rồi hả?” Rồi chủ nhật ngày lễ là bà bắt con trai chở đi chỗ này chỗ nọ, không cho hai vợ chồng có thế giới riêng. Muốn đi ciné cũng phải hẹn nhau ở đầu ngã tư, rồi người ra trước kẻ ra sau, không bao giờ được cùng đi một lần. Hai người yêu nhau nhưng cuối cùng phải li dị vì người vợ không chịu nổi. Nhưng ở đây, câu chuyện có một đoạn kết hợp tình hợp lý, độc giả rất hài lòng.

*Như Bóng Mây Qua (2006)

Năm 1994, Hội Nhà Văn TP kêu gọi hội viên gửi đề cương về “Cuộc chiến tranh cách mạng”, Kim Hài rủ viết, tôi nói: “Tao đâu biết gì.”. Nhưng rồi nghĩ mãi cũng ra. Nhớ hồi học ở Sài Gòn, năm Mậu Thân 1968, về Huế ăn Tết, kẹt lại cả tháng trời. Bao nhiêu chuyện xảy ra, nhà tôi bị sập vì pháo kích, ba mạ tôi bị thương, trong cảnh mờ sáng, cả nhà chạy ra tị nạn ở nhà dì Khuê – con ông bà Thị Hoành. Nơi đây, tôi chứng kiến rất nhiều cảnh buồn cười. Thú vị nhất là bà Thị Quế, chị của ông Thị Hoành, giàu nhất thành phố Huế, trong người đeo đầy vàng, xuyến vàng chật cứng hai cánh tay, ăn cơm phải có người đút. 

Tôi gửi đề cương truyện Như Bóng Mây Qua đi. Tháng sau, được gọi lên, Hội tạm ứng 500.000 đồng để khai triển đề cương. Thế là ngoài những điều tai nghe mắt thấy, tôi lồng vào một chuyện tình theo kiểu “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Viết xong, tôi nhận thêm 1.500.000 đồng nữa rồi thôi. Hội không có nhiều tiền để tài trợ in. Bản thảo bị xếp xó.

Đến 2003, tôi được đi dự trại viết Tiểu Thuyết ở Nha Trang. Thế là cuốn Như Bóng Mây Qua được đem ra mài dũa lại. Vì bản thảo trước đánh máy gõ tay, nên ông xã tôi phải  đánh máy vi tính lại, in ra vài bản rồi cất làm… kỷ niệm, vì tôi bà con với Trùm Sò, không bao giờ bỏ tiền ra in sách.

Đến năm 2006, Hội kêu gọi nộp bản thảo để xét duyệt tài trợ. Nhà văn Triệu Xuân trong hội đồng xét duyệt báo tin, cuốn Như Bóng Mây Qua được duyệt 4.000.000 đồng và nói tôi hãy in ở nhà xuất bản Văn Học của ông. Thấy tiền tài trợ không thể nào đủ, tôi định đem đi shopping hết cho rồi, nhưng ông xã tôi khuyên nên in, rồi liên lạc với người học trò cũ là anh Nguyễn Hữu Cứ, chủ hiệu sách Quang Minh. Cứ bằng lòng in và phát hành luôn, tiền bạc tính sau. Công việc in ấn giao hết cho Tuấn – cũng là học trò của ông xã. Tuấn rất nhiệt tình. Thế là Như Bóng Mây Qua được khai sinh năm 2006.

*Vui Buồn Nội Trợ (chung với Kim Hài -1994)

Tập hợp những bài viết của Kim Hài và Thùy An trong cuốn Sổ Tay Nội Trợ ra định kỳ hàng tháng, bán đắt như tôm tươi .

ĐIỆN ẢNH

Về Điện Ảnh. Những năm 80, tôi gặp cô bạn học cũ là Lệ Hằng (Thung lũng tình yêu) đang làm cho Xưởng phim Tổng Hợp TP. LH rủ tôi viết chuyện phim. Tôi soạn 2 đề cương, được đưa vào kế hoạch nhưng rồi ban biên tập cứ bắt sửa lui sửa tới hoài, cuối cùng không quay được. Trong thời gian này, tôi quen anh Hồng Lực, tổng biên tập xưởng phim Tổng Hợp.

Năm 2001, Cục Điện Ảnh VN mở cuộc thi Kịch bản phim, tôi gửi đề cương chuyển thể từ truyện Mưa Trên Phím Ngà, và được mời tham dự trại viết Kịch Bản Phim ở Vũng Tàu. Kịch Bản viết xong được 4.000.000 đồng, rồi… để đó.

Năm 2002, tôi được nhà xuất bản Trẻ giới thiệu đi học lớp Biên Kịch Điện Ảnh do một Giáo sư người Pháp qua dạy. Tại đây, tôi gặp lại anh Hồng Lực và vợ là chị Hằng Nga. Nhờ anh Hồng Lực viết thư giới thiệu tôi với Đạo Diễn Lê Đức Tiến –Giám Đốc Xưởng Phim Giải Phóng, nên kịch bản Mưa Trên Phím Ngà được đưa vào sản xuất dưới tên Tiếng Dương Cầm Trong Mưa (2003). Theo lời đạo diễn Lê Hữu Lương, phim không hay vì tiền nhà nước tài trợ ít quá, nhưng theo ông Lê Đức Tiến, thì phim không bị lổ vốn là tốt quá rồi.

Trong thời gian này, tôi đã chuyển thể truyện Những Nốt Nhạc Kỳ Dị, dự thi Kịch bản phim Thiếu Nhi và được giải khuyến khích. Đạo diễn Nguyễn Tất Bình, giám đốc hãng phim truyện ngoài Hà Nội điện thoại cho tôi, nói sẽ làm phim này, trong khi đó, đạo diễn Lê Đức Tiến cũng dành làm phim này. Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Cuối cùng vì tự ái, không ai chịu làm cả!!!  

KỊCH BẢN SÂN KHẤU

Về kịch bản sân khấu, tôi có vở Giấc Mơ Điện Ảnh phát sóng trên HTV7 năm 1999, sau đó đem diễn ngoài rạp một thời gian.

     Đầu năm 2001, gả con gái đi lấy chồng xong, vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhỏm. Chợt nghĩ đến câu hát của Trịnh Công Sơn trong Một Cõi Đi Về : “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” Tôi nói với ông xã: “Bố ơi, mẹ nghỉ viết cho rồi, mệt quá.” Ông xã nói: “Tùy mẹ, bố lúc nào cũng ủng hộ mẹ.”  Nhưng chỉ tuần sau, tôi nhận điện thoại của anh Công Minh –nhà xuất bản Kim Đồng. Anh báo tin, cuốn Mây Mùa Hạ của tôi được giải thưởng và mời tôi ra Hà Nội nhận giải. Chi phí máy bay, ăn ở khách sạn được Kim Đồng đài thọ hết. Lại nói với ông xã: “Mẹ đi Hà Nội được không?” “Được quá đi chứ. Bố luôn ủng hộ mẹ.” Thế là khăn gói ra đi.

Ra đến nơi, anh Trần Đình Nam ở Kim Đồng lại báo tin: “ Sách mới của chị Thùy An vừa làm xong bản nhũ.”  Ủa, sách nào nữa đây?. Hỏi thì anh Nam không nhớ nhan đề, cứ thắc mắc hoài cho đến nửa tháng sau, Quỳnh Hoa ở chi nhánh Kim Đồng Sài Gòn điện đến nhà gọi lên lấy sách và nhuận bút. Thì ra đó là cuốn  “Bà Chúa Tiên” .

Nhớ hôm nào đưa bản thảo Bà Chúa Tiên  một lần với Mây Mùa Hạ, tưởng bị loại nhưng cũng được in. Văn chương còn ưu ái mình như vậy, nỡ gác chuột sao đành !!!

     Năm 2002, tôi đã từng có 1 Website riêng, nhưng nội dung quá đơn giản, chỉ một ít truyện ngắn, vài bài thơ… còn truyện dài, sở trường của tôi thì hoàn toàn không post lên được L L L . Bởi hồi đó, không có máy vi tính, chỉ viết tay, rồi tiến bộ hơn là đánh máy chữ lóc cóc.

Qua năm 1997, truyện dài đầu tay tôi đánh máy vi tính là Người Bạn Trong Ống Nghiệm, sau đó là Mưa Trên Phím Ngà, Những Mùa Hè Đi Qua … nhưng rồi không giữ được vì một lần máy bị virus xóa đi tất cả.

Cách đây khá lâu, hồi còn ở VN, vào một buổi sáng chủ nhật, tôi nhận được cú phone của một cô gái xưng tên là Thanh Trúc. Cô cho biết người bạn của cô là Thục Đoan ở Mỹ muốn tái lập Tủ Sách Tuổi Hoa trên mạng để phổ biến một  giá trị văn học cho các thế hệ mai sau, và tôi là tác giả đầu tiên Thục Đoan nhờ Thanh Trúc tìm đến. Dĩ nhiên là tôi mừng, rất mừng! Cũng may, tôi vẫn giữ lại được những cuốn sách trước 1975 còn nguyên vẹn sau bao nhiêu thăng trầm sóng gió cuộc đời.

Thanh Trúc đến nhà, chụp hình những trang sách của Hoa Bâng Khuâng, Con Đường Lá Me, Vườn Cau Nước Dâng… và chỉ vài tuần sau, tôi rất vui khi thấy 9 đứa con tinh thần xuất hiện mới mẻ, tinh khôi trên link của tủ sách Tuổi Hoa mới thành lập: www.tuoihoa.hatnang.com

Sau đó, tôi còn tìm thấy vài cuốn truyện trong tủ sách Áo Trắng của mình được đưa lên mạng như Đầu Bến Mây Đưa, Mùa Hè Êm Ả, Cung Đàn Tuổi Thơ…

Có chút ngậm ngùi khi quyết định để lại VN tất cả sách truyện. Bởi thế hệ con cháu ở đây nói tiếng Mỹ, học trường Mỹ, bạn bè Mỹ, thầy cô Mỹ… đâu còn biết tiếng mẹ đẻ là gì. Chuyến về nước vừa rồi, tôi đã chụp hình những đứa con tinh thần đem theo, ngày ngày nhìn lại cho đỡ nhớ và kèm theo bài viết này, để bạn bè xem cho vui.

Houston tháng 9/ 2013
THÙY AN