HUẾ  và  MẸ

Thùy An –Mùa Vu Lan 1990

Ngày tôi bước vào đời là ngày Mẹ không còn nữa. Mẹ vĩnh viễn xa tôi vào một buổi chiều chủ nhật, khi nắng còn gay gắt soi tàng cây đổ bóng xuống thềm. Mẹ ra đi giữa hai hàng nến trắng, vầng trán cao và đôi mắt chìm vào miền viễn du huyền hoặc, để lại trong lòng tôi bao nỗi xót xa.

Ôi Mẹ, biết bao lần tôi mơ thấy Mẹ. Hai mươi mốt năm qua vẫn mường tượng như mới ngày nào Mẹ còn ra chợ mua sắm thức ăn cho tôi lần đầu tiên đến nơi làm việc –một phòng  thí nghiệm không xa nhà lắm, nhưng để giữ gìn sức khoẻ, Mẹ bắt tôi phải ở lại đó vào buổi trưa. Dưới mắt Mẹ, tôi vẫn là cô bé lên năm lên sáu, đã từng khóc hu hu khi Mẹ dùng môn ngứa và gai bưởi xỏ lỗ tai, hoặc khi mẹ doạ đánh vì nghịch nước nơi bến sông sau nhà ngoại, gió chiều về lạnh tím môi cứ nhảy nhót lung tung, không chịu lên bờ thay quần áo.

Tôi ra đời đã thấy một bà ngoại quắt thước lạnh lùng, thường bênh vực những đứa con của dì Nết dì Na và hay la tôi. Mãi sau này tôi mới biết, đó là bà ngoại “ghẻ”, còn bà ngoại “thật” của tôi đã mất từ lâu. Chỉ có ông ngoại là cưng tôi nhất nhà. Ông trồng rất nhiều hoa hồng nơi hàng hiên, cho phép tôi được quyền hái chơi, nhưng mấy đứa con của các dì các cậu đụng đến thì phải biết, ông xách roi đuổi cho chạy quýnh quáng, phải trốn chui trốn nhủi vào bụi lá gai cuối vườn mới được yên thân.

Trong các con, ông ngoại thương Mẹ nhất, bởi Mẹ hiền lành, đảm đang và hiếu thảo. Mẹ tốt với tất cả mọi người. Đối với bà mẹ kế, dù bà cư xử tệ bạc, Mẹ vẫn một lòng cung kính thương yêu. Mẹ chăm sóc bà còn chu đáo hơn những người con ruột, đến nỗi sau này, trước khi mất, bà đã gọi tên Mẹ, và nuối Mẹ cả một tuần lễ mới chịu nhắm mắt. Thật ra, Mẹ không thể về thăm bà được vì Mẹ đã đi trước bà, nhưng các cậu các dì đã giấu không dám cho bà hay.

Những ngày trước khi đi, Mẹ thường nhắc đến Huế, đến ngôi nhà nhỏ ở Ngự Viên, đến ngôi mộ của ông ngoại trên Nam Giao không ai nhổ cỏ, đến những bạn bè thân quen thời con gái, mãi đến bây giờ vẫn gửi thư thăm nhau. Mẹ ao ước được trở về Huế xây mộ cho ông ngoại, xuôi chuyến đò dọc sông Hương về quê thăm họ hàng, hoặc cùng bạn bè dạo chơi khắp phố phường quen thuộc, thả bước theo con đường Trần Hưng Đạo buôn bán sầm uất, kéo dài đến tận bến Thương Bạc, phượng hồng nở thắm một vùng trời.

Nhưng không còn kịp nữa, cơn bệnh quái ác đã mang mẹ đi thật bất ngờ. Buổi sáng chủ nhật, tôi có sáu giờ hướng dẫn thực tập tại trường Khoa Học, phải đi từ sớm. Mẹ thức dậy cùng tôi, nhắc tôi nên đem theo cái áo len mỏng vì bên ngoài trời còn rất nhiều sương. Trông Mẹ vẫn mạnh khoẻ bình thường, nhưng đến xế trưa, khi tôi trở về nhà, đã thấy mẹ nằm thiêm thiếp trên ghế xếp. Tôi quì xuống bên Mẹ, dùng khăn tay lau nhẹ vầng trán Mẹ lấm tấm mồ hôi: “Mẹ ơi, mẹ có sao không?” Mẹ mở mắt, dịu dàng: “Mẹ hơi nhức đầu, con thay quần áo rồi ra ăn cơm, có trái cam Mẹ để trong tủ lạnh cho con đó.” Tôi lên lầu, chưa kịp cất giỏ xách, đã nghe tiếng Ba kêu thảng thốt: “Mình, mình ơi.” Tôi chạy xuống thấy Mẹ đang lả người trong tay Ba, mắt nhắm nghiền và đôi môi mấp máy, Ba để tai vào vẫn không nghe được Mẹ muốn nói gì. Tôi nắm bàn tay mẹ và nghe hơi lạnh tràn khắp châu thân. Nước mắt tôi tràn ra: “Mẹ ơi!” Ba nói nhẹ: “Hãy phụ Ba đỡ Mẹ lên giường, Ba đi mời bác sĩ ngay đây.”Mẹ vẫn mê man cho đến khi bác sĩ đến. Ông dùng ngọn đèn nhỏ soi vào mắt Mẹ, rồi buồn bã nhìn Ba: “Huyết áp của bà đã vọt lên quá cao, mạch máu không chịu nổi.” Khoảng thời gian còn lại của buổi chiều định mệnh, Ba đã gọi taxi chở Mẹ đi cấp cứu khắp các bệnh viện trong thành phố, nhưng Thần Chết đã nhanh chân hơn. Không bao giờ tôi còn được nhìn thấy Mẹ nữa.

Tôi tắm rửa cho Mẹ, thay cho Mẹ bộ đồ lụa trắng trong khi bóng tối đã tràn ngập gian phòng. Bóng tối đó cũng lan vào lòng tôi, toả khắp mọi ngõ ngách tế bào, rung động từng đầu dây thần kinh sâu thẳm nhất, khiến tôi choáng váng và đau đớn rã rời. Tôi nghe chán nản đến tận cùng xương tuỷ và chỉ muốn chết theo Mẹ. Còn gì để thiết tha khi trên cuộc sống này không có Mẹ? Như trong một giây phút nào đó, ta đánh mất những gì quí giá nhất đời ta. Mặt trời giữa trái tim ta tắt lịm, ta bơ vơ trong đêm tối lạc loài, ta chới với giữa ngàn trùng sa mạc, không một giọt mưa trìu mến, một bóng mát chở che.

Suốt một tuần lễ, tôi không đến trường, không đến phòng thí nghiệm, mặc cho bạn bè an ủi, đồng nghiệp gọi tìm… Tôi nằm vùi trong chiếu, đắm chìm vào những giòng thơ khóc mẹ…

…Thôi xa rồi biển tình thương diễm mộng
Dáng Mẹ hiền ươm mát tuổi thanh xuân
Con lớn lên bằng sữa Mẹ thơm nồng
Bằng lo lắng, ân cần, lời dịu ngọt
Rồi vĩnh biệt, Mẹ sang bờ ảo giác
Gió trăng vàng mờ mịt bước hư vô
Chủ nhật buồn, Mẹ khép mắt nghìn thu
Ôi giấc ngủ muôn đời con nhớ mãi…

Có lẽ tôi đã buông xuôi tất cả nếu không có một đêm tôi giật mình tỉnh giấc. Trong không gian khuya vắng thoang thoảng hương thơm trầm nhang trên bàn thờ Mẹ, tôi thấy như Mẹ đang bước ra khỏi khung hình hướng về phía tôi, đôi mắt Mẹ hiền từ nhưng đầy nghiêm khắc: “Tại sao con bỏ dạy? Con không sợ Mẹ buồn sao?” Mẹ buồn? Đó là điều tôi muốn tránh nhất trên đời! Tôi mở to mắt, hé môi nhưng không thốt được lời nào… Mẹ chập chờn hư ảo, Mẹ mông lung trong làn khói mỏng mơ hồ, ngọn nến hồng nghiêng ánh lửa nâng gót chân Mẹ lâng lâng trên cao… Mẹ, Mẹ ơi. Tôi bừng tỉnh sau giấc mê dài tăm tối. Từ đó, mỗi lần đi làm về, đọc kinh cầu siêu cho Mẹ, tôi thấy nụ cười của Mẹ trong bức ảnh thờ như tươi thắm hơn.

Mẹ được an táng nơi chùa Hải Quang, trong một nghĩa trang dành cho người Huế. Ôi những người Huế dễ thương và tội nghiệp, suốt đời gắn bó với mảnh đất quê nhà. Vì sinh kế, họ đành bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng tâm hồn luôn hoài vọng cố hương. Từng chiều lên thăm Mẹ, tôi thắp hương cho những ngôi mộ chung quanh, những láng giềng của Mẹ, hẳn một nơi xa xôi nào đó, họ đang cùng qua lại hàn huyên. Không biết họ có từng nương theo cánh gió trở về Huế tái ngộ cảnh cũ người xưa? Nếu có, chắc Mẹ đã được gặp ông bà ngoại rồi. Tôi luôn luôn nghĩ vậy, và ý nghĩ đó làm tôi yên tâm.

Rồi có lệnh giải toả nghĩa trang, Ba đưa Mẹ về chùa Vĩnh Nghiêm. Nơi đây, láng giềng của Mẹ toàn là người Bắc, không biết Mẹ có chóng quen với môi trường mới không. Tôi nghĩ là Mẹ không khó lắm. Mẹ luôn thích nghi với mọi hoàn cảnh. Hơn nữa, hồi còn ở Huế, mẹ có một bà bạn người Bắc di cư, rất thân, đó là bà Đốc Phương, người đẹp, nói giọng Hà Nội rất hay.

Từ ngày Mẹ mất, bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu cứ dồn dập tìm về tràn ngập trái tim tôi. Có lẽ từ nhỏ, Mẹ thiếu tình mẫu tử nên khi có con, bao nhiêu tình thương Mẹ dồn hết cho tôi. Mẹ bao bọc, che chở tôi bằng một trái tim nồng nàn không suy tính. Nhớ có lần trời lạnh, lười đi học, tôi khóc lóc cầu cứu Mẹ, Mẹ đã không ngần ngại dúi đầu tôi vào gần bếp lửa, rồi trình cái trán nóng hổi cho Ba xem để Ba cho phép ở nhà.

Hồi đó, Mẹ may cho tôi áo mới hoài. Mẹ thường nói với bạn bè rằng, trẻ con càng mặc nhiều áo mới, càng mau lớn sởn sơ. Chắc nhờ vậy mà tôi chóng nhổ giò và tha hồ đỏm dáng. Nhớ hoài hình ảnh Mẹ ngồi cắt vải bên cửa sổ, những chiếc áo đầm rẻ tiền Mẹ may bằng tay nhưng đầy sáng tạo, thường làm các nhỏ bạn tôi trầm trồ ao ước. Cô giáo lớp tư trường dòng Mai Khôi thường dẫn tôi đi chơi đây đó, múa hát trong những buổi tiếp tân, lễ lạc… cũng vì tôi ăn mặc đẹp và lịch sự. Mẹ luôn trau chuốt cho tôi ngày càng xinh xắn hơn lên.

Tôi càng lớn, tình thương của Mẹ càng rộng khắp. Mẹ thương tất cả các bạn bè của tôi. Nhớ năm lên trung học, sáng thứ hai chào cờ, nữ sinh phải mặc áo dài màu thiên thanh, tôi có nhỏ bạn thân, nhà nghèo không may nổi áo, Mẹ đã mua vải may cho hai đứa hai cái áo dài giống hệt nhau đến nỗi khi ra đường, ai cũng tưởng chúng tôi là chị em. Mẹ là hiện thân của nhân từ bác ái, là hình ảnh mơ ước của một số bạn tôi –những đứa bạn có mẹ dữ dằn, đánh con thường như cơm bữa. Làm bể cái chén, đánh. Ngủ dậy muộn, đánh. Đi học lỡ làm dính mực vào áo, đánh. Mẹ không bao giờ đánh tôi, cùng lắm là cầm cây roi mỏng tanh nhịp nhịp, nhưng không phải vì thế mà tôi không ngoan, bằng chứng là tháng nào tôi cũng xếp hạng cao. Chính đôi mắt Mẹ đã chế ngự được tính ngang bướng của tôi. Khi làm điều lầm lỗi, nhìn vào mắt Mẹ, tôi không thể không ân hận và cố gắng sửa đổi để lần sau được tốt hơn. Chỉ vì sợ Mẹ buồn, tôi đã ham học hơn ham chơi, tôi luôn muốn đem thật nhiều bảng danh dự về cho Mẹ, để được thấy Mẹ cười rạng rỡ cho lòng tôi cũng bừng nở hoa theo.

Khi tôi đến tuổi dậy thì, Mẹ càng chăm sóc đến ngoại hình của tôi, làm sao cho mái tóc mượt huyền, làn da mịn trắng, bàn tay mềm mại… Mẹ nghi ngờ tất cả những chàng trai theo đuổi tôi. A có đôi mắt không thật, B có nụ cười giả dối, C có dáng đi vất vả… chung qui, Mẹ sợ tôi khổ vì gặp phải một người chồng không tốt. Mẹ muốn che chở tôi bằng tất cả khả năng của Mẹ, vòng tay Mẹ nhỏ bé nhưng thật bao la.

Ý nghĩ về Mẹ thường làm cho tâm hồn tôi nhẹ nhàng, ấm áp. Những lúc vui, lúc buồn hay cả trong niềm tuyệt vọng, Mẹ như giòng suối mát luôn hiện diện bên tôi xoa dịu nỗi sầu đau. Ngay cả đến bây giờ, trong những giấc mơ màng, tôi vẫn thường thấy Mẹ với dáng người nhỏ nhắn, chiếc áo dài hoa nâu quen thuộc, Mẹ cười vui hoặc an ủi tôi tuỳ theo tâm tư tôi lúc đó và khi tỉnh giấc, tôi thấy lòng nhẹ nhõm biết bao.

Điều làm tôi vui nhất là mỗi lần đến chùa Vĩnh Nghiêm, lên tháp cao thăm Mẹ, nhìn tấm hình của Mẹ, cứ thấy Mẹ trẻ hoài. Mặc cho giòng đời xô bồ náo nhiệt, mặc cho bình minh tiếp nối hoàng hôn, Mẹ vẫn nhìn tôi với nụ cười bình thản dịu dàng. Mẹ đang nghĩ gì về con hở Mẹ, Mẹ ơi.


T.A.