Tiểu Sử cô Thùy An

 

BẾN CUỐI 1

Ký –Thùy An


Đọc bài này, các bạn không thấy một miếng văn chương nào thì cũng đừng ngạc nhiên nhé, vì đây không phải là một “tản mạn” hay “tùy bút” gì cả, mà chỉ là một bài viết, nghĩ đến đâu, viết đến đó, trong cái mớ hỗn độn của ký ức đan xen với hiện tại… mơ mơ hồ hồ, ẩn ẩn hiện hiện… giữa dòng chảy của gần 70 năm cuộc đời.

Tôi viết về các bạn tôi, trong gia đình Phan Châu Trinh nói chung và liên lớp chúng tôi nói riêng –niên khóa 1957-1964. Nhớ về bạn bè, trường cũ, ta thường nhắc đến thời áo trắng học trò, hoa bướm ngày xưa… Cho nhớ thương về quê xưa, mùa xuân không còn nữa, muôn cánh hoa đào phai úa, lối cũ rơi hững hờ… những nỗi nhớ nhung luyến tiếc đó lâu nay đã tốn nhiều giấy mực của các bạn, theo tôi, không còn là đề tài hấp dẫn nữa. Để thay đổi khẩu vị, tôi sẽ viết những chuyện của thế kỷ 21, khi hoa đã héo tàn, bướm đã rủ cánh, vườn xưa đã ngả bóng hoàng hôn.

1*. Một ngày đẹp trời của thiên niên kỷ mới, các bạn tôi –những cánh chim giang hồ bỗng tìm về nhau thật tình cờ… Tôi sẽ lần lượt kể. Đầu tiên là Tôn Thất Toản. Toản từ Mỹ về. “A lô, xin hỏi phải cô Ái không ạ?” “Ai mà lịch sự rứa hè?” “Tui đây, Toản đây.” Toản??? mình có biết tên này không? Vẫn giọng Huế hiền lành: “Toản học cùng lớp ở Phan Châu Trinh đó.” À, nhớ ra rồi, tôi hỏi liền: “Tôn Toản Bốc Sư phải không?” (nếu biết Toản đã là một Đại Đức chân tu thì tôi đâu có dám trịch thượng đến như vậy!) Toản cười trong máy. Vậy là đúng rồi. Sau vài câu thăm hỏi, Toản nhờ tôi tổ chức một buổi họp mặt bạn bè. Toản cho tôi số Điện thoại của Kim Ngân, nhờ gọi dùm. Tôi nhận lời, lòng rất vui. Nhưng vui được một lát, lại lo. Nhìn lui nhìn tới, chả thấy bạn bè nào, chỉ có Đào Thị Thái (Kim Hài) là bạn học duy nhất còn liên lạc bình thường, bây giờ có thêm Kim Ngân, lâu quá rồi, biết nó còn nhớ tôi không.

“Nhớ, nhớ lắm lắm!” Kim Ngân trả lời trong điện thoại, giọng rất vui. Tôi hỏi: “Ngân gặp Toản từ lúc nào vậy?” “Trời đất, sao gọi tên thầy tỉnh bơ vậy?” “Thầy gì? Thầy ai?” “Toản bây giờ là thầy Tịnh Đức, đâu phải người thường.” Trời, tôi bị hớ nặng, biết nói gì đây! “Ái, Ái còn ở đó không?” “Ờ… ờ còn. Toản ủa quên… thầy… muốn họp mặt bạn bè. Ngân biết còn ai không, kêu dùm mình với.” “Mình biết có nhiều bạn lớp mình lâu nay vẫn sinh sống  ở thành phố nhưng không có địa chỉ, mà nếu gặp lại ngoài đường, chưa chắc đã nhận ra nhau. À, mình có thấy Quỳnh Cư một lần trên phố, nhưng không kịp gọi.” Ngày xưa, tôi là bạn học với Quỳnh Chi nên xem Quỳnh Cư như em. Giờ gọi Quỳnh Cư cũng tốt nhưng nói theo kiểu bóng chim tăm cá thế này làm sao liên lạc được?

Vậy mà hên, ngày hôm sau, trong tiệc cưới con trai của thầy Vĩnh Vinh, tôi tình cờ gặp Phước Khánh và anh Lê Tự Hỷ. Từ Phước Khánh, tôi có số điện thoại của Quỳnh Cư, và từ Lê Tự Hỷ, tôi có tin của Lê Tự Rô. Hiện Lê Tự Rô là sui gia với Phan Xuân Tứ, cũng là bạn học với tôi. Vậy là có thêm Tứ nữa.

Hai cặp vợ chồng Rô –Tứ thuê taxi từ Biên Hòa lên dự buổi họp mặt tổ chức ở nhà Thái, gồm thầy Tịnh Đức, Kim Ngân, Quỳnh Cư, Thái và tôi. Ngoài bạn bè ra còn có thầy Vĩnh Vinh ngày xưa dạy Pháp Văn cũng đến, rất nhiệt tình. Lần gặp mặt đầu tiên, Toản tặng quà cho riêng 4 người bạn gái mà thôi: đó là Thái, Kim Ngân, Quỳnh Cư và tôi (mỗi người một chai dầu gội đầu).

Vài tháng sau đó, Quỳnh Cư rủ Thái và tôi đến họp mặt PCT tại nhà Phạm Thị An, học sau tôi một năm. Tại đây tôi gặp Kim, bạn cùng lớp An. Trong câu chuyện xã giao, tình cờ Kim cho biết, anh hiện ở Canada, gần nhà Phan Thị Thu Hà. Mừng quá, tôi nhờ anh chuyển cho Hà tấm danh thiếp. Không bao lâu, tôi nhận được email, rồi airmail của Hà: “55 tuổi rồi Ái ơi, dễ sợ quá.” Thư có kèm hình, vẫn không thấy Hà già đi chút nào, đúng như lời Kim nói: “Trông Hà trẻ hơn chị nhiều.” Rồi Hà gửi cho tôi một CD nhạc hải ngoại toàn những bài tôi thích, nhưng hồi đó, VN còn dị ứng với văn hóa phẩm nước ngoài, nên bưu điện không cho nhận mà buộc tôi phải chọn hai cách:Tốn 50 ngàn đồng để trả lại người gửi hoặc hủy CD  ngay tại chỗ. Hồi đó, 50 ngàn lớn lắm nên tôi chọn phương án sau. Tiếc quá.

Từ Hà, tôi nhận được thư hai cô bạn hiện ở Mỹ. Đó là Phạm Thị Duyệt: “Ái ơi, tao mừng quá. Vậy mà nghe đồn mi vượt biên gặp hải tặc nên đã nhảy xuống biển để được tiết hạnh khả phong. Tao khóc hết nước mắt.” Đúng là tin vịt! và Đinh Thị Kim An: “ Nhớ ngày nào đến nhà Ái, ba Ái cho An ăn…” thôi thì đủ các thứ món, đến tôi còn không nhớ, sau đó là than: “Ái ơi, bây giờ An yếu lắm, An đau…” thôi thì đủ bệnh, bệnh tuổi đời chồng chất nghe sao oải quá! Và từ Quỳnh Cư, tôi biết được tin tức Thục Nhi, Thu Phong đang ở Pháp.

Nhớ cuối thế kỷ trước, tôi ra Đà Nẵng gặp cô bạn thân Lê Thị Trang (cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh). Tôi cho Trang địa chỉ ở Phú Nhuân và số điện thoại, nhưng khi Bích Lan từ Pháp về tìm thì tôi đã chuyển nhà xuống Gò Vấp. Một buổi tối, có anh Công an chở một phụ nữ vào hẻm nhà tôi. Đến trước tấm cửa lưới, người phụ nữ ghé mặt nhìn vào, thấy tôi từ nhà sau bước ra, người phụ nữ quay lại nói: “Đúng bạn tôi đây rồi. Cám ơn anh nhé.” Rồi vẫy tay lia lịa: “Ái, Ái, tao nè.” Ủa, ai trông lạ hoắc vậy? sao biết tên mình?. Anh công an quay xe lại. Tôi bước đến gần hơn. Hình như… hình như là… A, Bích Lan. Tôi lật đật kéo then cửa. Bích Lan ào vào nhà, nằm dài xuống salon: “Giời ôi, tao đi tìm mày từ sáng đến giờ. Hôm tao ghé Đà Nẵng, con Trang bảo mày ở Sài Gòn rồi cho địa chỉ. Đi tìm nhà muốn rã chân, nhưng đến nơi thì mày đã cuốn xéo. Nóng quá, nóng quá. Bật quạt dùm tao đi.” Tôi nhìn nó quá khác xưa, mắt hai mí to đùng, cái mũi tẹt ngày xưa đâu mất? :“Mặt mày sao sửa tá lả vậy? Tao suýt nhận không ra đó.” Nó ngồi bật dậy, dí sát mặt tôi: “Tao sửa mắt và mũi, mày thấy… được không?” “Ừ thì cũng đẹp, nhưng… già thì để già luôn đi, sửa chi cho tốn tiền.” Nó cười hí hí –vẫn là giọng cười quen thuộc từ mấy mươi năm trước: “Nói như mày thì mấy cái Thẩm Mỹ Viện đóng cửa hết.” Rồi kể lể dài dòng: “Mày biết không? Anh công an chỗ nhà cũ của mày tốt thật đấy. Anh ta biết mày dọn về đây nên khi nghe tao hỏi là đưa tao đến liền.”

Thục Nhi về Việt Nam làm đám cưới cho con trai, tôi lại gặp thêm Phạm Ngọc Chấn, Mai Xuân Lương (Canada), Nguyễn Văn Vượng, Nguyễn Phước Đãi, Huỳnh Bá An, Nguyễn Luyến, Trần Thị Diễm Dương, Bùi Thị Hồng Vân (Mỹ), Đỗ Quí Tấn (Pháp), Nguyễn Văn Hải (Mỹ).

Cũng như Thu Hà, Bích Quân và Minh Châu chỉ liên lạc với tôi qua email, xem ra, nếu ba cô bạn Vịt Điên (Canadien) của tôi không về Việt Nam một chuyến, e khó mà gặp mặt nhau. Thời gian này, trang Web PCT Một Thời Để Nhớ được phổ biến rộng rãi, một trong những người biên tập là Trần Đình Thắng, cũng là PCT 57 –64, hiện ở Chicago. Tôi gửi bài và thư từ với Thắng rất thường xuyên.

Phước Khánh mở quán Cao Nguyên ở Tân Định, dân PCT tụ về rất đông. Từ đây tôi quen với Diêu Đức Châu, Phạm Ngọc Lâm và Nguyễn Kim Long, dù không học cùng lớp. Cảm động nhất là hôm gặp lại Hồ Thị Hồng, nước mắt ngập cả con hẻm nhà tôi. Hình như Lê Tự Rô cho tôi số điện thoại của Hồng. Và khi nhận ra tôi, Hồng tức tốc thuê xe chạy đến nhà tôi ngay. Hồng ôm tôi, nghẹn ngào không nói được lời nào, chỉ biết khóc: “Tưởng không bao giờ gặp lại mi.”

Năm 2004, tôi về Đà Nẵng dự Đại Hội trường Phan Thanh Giản, Yến Loan chở tôi đi thăm Lê Thị Trang, Cao Ngọc Trảng, Như Hảo và Kim Oanh… cứ nhớ mãi hình ảnh lăng xăng của Kim Oanh khi tôi ghé nhà: “Ái ơi, gặp mi tao mừng quá. Mi ưng ăn chi, tao đi chợ mua nấu cho mi ăn.”

Quỳnh Chi còn gia đình người con gái ở Việt Nam nên về hoài và thường  hẹn bạn bè ăn sáng ở nhà hàng Phong Lan. Tôi quen thêm Tố Nga, rất dễ thương. Qua Chi, Lê Thị Hòa từ Atlanta về, cũng đã gặp tôi. Rồi duyên may đưa đến, tình cờ tôi được người bạn thời tiểu học cho  số phone của Trân Châu hiện đang ở Cần Thơ. Ban đầu, hai đứa chỉ trò chuyện qua điện thoại, sau đó, khi nào lên Sài Gòn, Châu cũng ghé thăm tôi.   

Gần bảy mươi năm nhìn lại, thấy đời người chẳng khác chi dòng sông, lên thác xuống ghềnh, khi êm đềm phẳng lặng, khi bão tố phong ba… và các bạn tôi, trên bước đường sự nghiệp, có kẻ thành đạt, có người không gặp vận may; cũng như trong cuộc sống riêng tư, kẻ hạnh phúc tràn trề, người giữa đường gãy gánh… mỗi người một số phận, nếm trải biết bao cay đắng buồn vui cuộc đời. Giờ đây, con đường phía trước chúng ta chẳng còn bao xa nữa, thôi hãy quên đi mọi nỗi phiền muộn âu lo của tuổi già để sống những ngày có ý nghĩa hơn. Thời gian này thật quí báu trong mỗi chúng ta.

Xin kể cho các bạn nghe. Nhóm chúng tôi ở Sài Gòn gồm: Vợ chồng tôi, Đào Thị Thái (và ông xã), Trần Thị Diễm Dương (và ông xã), Hồ Thị Hồng, Trần Thể Sâm (và bà xã), Nguyễn Phước Đãi (và bà xã), Huỳnh Bá An (và bà xã), Nguyễn Luyến (và bà xã), Phạm Ngọc Chấn (và bà xã), Lê Tự Rô (và bà xã)…, Phạm Ngọc Lâm (tú tài 1963) và 2 người đẹp tú tài 1966, đó là Phước Khánh và Quỳnh Cư.

Đông người như vậy nên tháng nào cũng có ngày sinh nhật của thành viên trong nhóm. Nguyễn Văn Vượng làm trưởng nhóm, Đào Thị Thái làm thủ quĩ và trong két lúc nào cũng đầy đủ tiền bạc để vui chơi. Mỗi tháng chúng tôi tổ chức sinh nhật một lần cho vài người. Có thể là một chầu cà phê ăn sáng, một bữa cơm trưa, sang trọng hơn là buổi chiều vô nhà hàng uống bia, ăn nhậu… rồi thêm “tăng” hai: nghe nhạc phòng trà hoặc đi hát Karaoke. Thỉnh thoảng còn tổ chức đi chơi xa như Vũng Tàu, Long Hải, Mũi Né… Lâu lâu, bạn bè ở nước ngoài về hoặc ở Đà Nẵng vô, thì chúng tôi lại có dịp họp mặt nhiều hơn. Đã có 3 cặp kỷ niệm 40 năm ngày cưới.

Đó là chuyện của 4, 5 năm về trước. Còn bây giờ, những buổi họp mặt thưa dần, vì nhiều lý do. Thứ nhất, không ai còn rảnh rỗi vì đã lên chức ông bà nội ngoại; thứ nhì, đường phố Sài Gòn bây giờ thường bị kẹt xe dữ dội, không khí lại ô nhiễm, nên càng lớn tuổi càng ngại ra đường, có người không dám chạy xe nữa; lý do thứ ba là định mệnh rất nghiệt ngã, không tránh được. Một số thành viên đã đành đoạn từ giã nhóm, đi về miền vĩnh cửu như Lê Tự Rô, Diêu Đức Châu, Nguyễn Luyến, ông xã tôi, bà xã Sâm, Quỳnh Cư. Tôi và Phước Khánh đã qua Houston định cư, vợ chồng Vượng cũng sắp đi theo. Vũ Văn Long đi diện HO từ trước, đang ở cùng thành phố tôi, gặp lại nhau, mừng quá.

Bệnh tật không chừa một ai. Chỉ mong sao đừng đau ốm nhiều, như bốn câu thơ của chị Hỷ Khương:

Đến tuổi này không đau mới lạ
Chuyện ốm đau là chuyện bình thường
Chỉ cầu xin Phật độ Trời thương
Đau nhè nhẹ  –tai ương đừng vướng.

Tôi cũng đã gặp lại Phạm Thị Duyệt, Hồng Đóa, Thu Phong. Hiện tôi đang còn bốn người bạn (Trần Đình Thắng, Minh Châu, Thu Hà, Bích Quân), lâu nay liên lạc qua email, airmail… thường gửi cho nhau từng cuốn sách, tấm áo, khăn quàng, mỹ phẩm, kể cả những ngọn lá phong từ miền ôn đới và chia sẻ biết bao tâm sự buồn vui… nhưng chưa một lần tái ngộ. Thế giới này quá rộng lớn, đành hẹn gặp nhau trong những giấc mơ mà thôi. 

Houston tháng 4 -2012
Thùy An