Tiểu Sử cô Thùy An

 

BẾN CUỐI 2

Ký –Thùy An

2*. Ngưỡng cửa thất thập cổ lai hy sắp cận kề. Tưởng đã chùn chân mỏi gối, tay yếu mắt mờ, không còn lòng dạ nào tụ họp bạn bè, cà phê cà pháo, tán chuyện tào lao nữa, nào ngờ… lại có những lần hạnh ngộ thật khó quên.

     Nhớ hoài chuyến đi Dallas với Vượng –Hường, rất vui. Xe bus rộng rãi, thoáng mát, tiện nghi, đúng giờ là khởi hành, chạy một mạch đến nơi, không như bên mình, cứ chạy quanh đón khách, ba bốn tiếng đồng hồ chưa ra khỏi thành phố. Hôm chúng tôi đi là ngày thường nên xe rất vắng, một người ngồi hai ghế còn dư, thoải mái ngả lưng, ngắm nhìn quang cảnh khoáng đạt hai bên đường, thỉnh thoảng, xe ngang qua những cánh đồng hoa vàng rực rỡ, lấp lánh trong ánh nắng ban mai.

     Vừa tới bến, đã thấy cặp đôi Thạch –Xuân Hoa đứng chờ. Thạch học B, bạn thân của Vượng, tôi không quen, nhưng chỉ vài phút sau, đã trở nên thân mật. Chúng tôi ở lại nhà Thạch ba ngày, đó là khoảng thời gian tôi được mở tầm nhìn kể từ hôm chân ướt chân ráo đến xứ Cờ Hoa. Thạch đưa chúng tôi đi chơi khắp nơi, tận hưởng bầu không khí trong lành của một vùng đất bao la hùng vĩ, thăm những bạn bè, và không quên ghé chùa Đạo Quang, nơi thầy Tịnh Đức –Tôn Thất Toản đang trụ trì, xem thử ông bạn “một thời áo trắng” bây giờ ra sao. Quả là chốn thiên đường. Mát mẻ. Tĩnh lặng. Sân chùa rất rộng, nhiều bóng cây, trang trí bằng những cảnh sắc thiên nhiên: hòn non bộ, thác nước, tượng muông thú bằng đá trắng, đường nét tinh xảo, được mua từ những chuyến Toản về Việt Nam, chuyển qua bằng đường thủy. Vào bên trong chùa nghe toàn giọng Huế, mọi người đang dọn dẹp, trang hoàng chánh điện, hội trường… chào đón ngày Phật Đản. Toản mời nhưng rất tiếc, chúng tôi không ở lại tham dự được. Ra về, nhớ nhất là khoảng vườn nhỏ nhà Thạch, trồng đầy rau thơm trái ngọt, hoa lá xanh tươi, đẹp nhất là giàn Ti gôn trước cửa nhà, đã lâu lắm, tôi mới gặp lại loài hoa thơ mộng này.   

    Ở Houston hiện giờ có 2 người bạn tên Long. Vũ Văn Long học cùng lớp tôi, còn Lê Văn Long học trên một lớp, hôm Phước Khánh nhờ anh chở đến nhà thăm, tôi mới biết. Nhớ hồi chưa đi, tuần nào cũng có bạn bè ghé chơi, nhanh thì ngồi xuống nói dăm ba câu chuyện, uống ngụm nước rồi đứng dậy ra về, thong thả thì ở lại dùng bữa, cũng chẳng phiền hà chi. Bởi chủ nhà khỏi phải lo nấu nướng đãi đằng theo kiểu “khách đến nhà không gà thì vịt” gì cả, vì chung quanh, chợ búa gần gủi, hàng quán đầy đường, chỉ cần gọi điện, đồ ăn thức uống được mang đến tận nơi.

     Qua đây, hoàn cảnh khác hẳn. Nhà cách phố chợ hàng chục cây số, không phải muốn mua gì là mua ngay được, muốn đi là có xe chở đi liền. Cho nên, muốn đến thăm ai cũng sợ làm phiền, cần thiết lắm thì phải phone báo trước, ít nhất là vài ngày. Hôm Phước Khánh hẹn, con rể bận đi hội thảo xa, con gái đang trong mùa thi, không đi chợ được, mẹ con bà cháu ăn toàn đồ hộp. Khó khăn cách mấy, tôi nhất định phải làm một bữa cơm nóng sốt mời bạn dù biết tài nội trợ của mình xưa nay thuộc hàng cao thủ (đếm ngược từ dưới lên). Mở tủ lạnh, thấy còn bó rau muống héo, hai quả cà chua, vài cọng hành ngò khô queo và trong ngăn đá, tôi tìm được một con cá bông lau đông cứng, bị bỏ quên từ lâu lắm rồi. Vậy là đủ, chắc hai người bạn của tôi cũng thông cảm trước mâm cơm thanh đạm: Canh chua, cá kho tộ và rau muống xào tỏi, nên ăn uống rất tự nhiên. Bên tách trà nóng, những tâm hồn văn nghệ bỗng thăng hoa. Sẵn cây guitare, Long đàn và hát rất hay… Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa, cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh…, dĩ nhiên là chủ nhà cũng đáp lễ, cho dù chỉ còn chút hơi tàn … Ai đi như xóa bao lời thề, thuyền theo nước trôi không về, thấu cùng lòng ai não nề nơi chốn phòng khuê…

Tin sốt dẻo, Thạch và Xuân Hoa từ Dallas xuống chơi, là chất xúc tác để có sự “kết tủa” rất thú vị. Đó là buổi họp mặt đầy đủ bạn bè nhất tại nhà Đỗ Thu. Đỗ Thu học lớp Phước Khánh và Xuân Hoa. Tôi quen Thu vào giữa năm 1974, khi hai đứa được trúng tuyển vào dạy tại Viện Đại Học Quảng Đà vừa được thành lập. Làm đồng nghiệp chưa hết niên khóa đã tan đàn xẻ nghé, lương bổng chưa lảnh được một xu, kẻ vượt biên, người ở lại ngậm ngùi. Thu bây giờ lái xe thành thạo, hoạt bát, lanh lẹ, đúng là một công dân Mỹ kỳ cựu, vậy mà khi gặp nhau trên điện thoại, Thu vẫn không quên nhắc lại những kỷ niệm vui vui sau 1975, khi hai đứa cầm sơ yếu lý lịch lên Phòng Giáo Dục xin đi dạy lại. “Bây giờ chị ở đâu? Cho em địa chỉ đi.” “Chị ở… xa lắm.” “Chị này kỳ, xa mấy em cũng xuống đón chị được mà.” Theo lịch trình, Thạch –Xuân Hoa sẽ đến Houston vào trưa thứ bảy. Thu hẹn 9 giờ sáng thứ bảy đến đón tôi: “Chị nhớ mang theo áo quần ở lại nhà em một đêm, chủ nhật em đưa chị về.” Chiều tối, Phước Khánh gọi điện: “Đỗ Thu liên lạc với chị chưa? Vui quá, hẹn gặp nhau nghe.” Tôi gọi cho Vũ Văn Long nhưng Long nói thứ bảy bận đi làm, không đến được, gọi cho Vượng, nghe tiếng cười rinh rích của Hường qua máy, xem bộ rất hào hứng. Đúng là tuổi già, chỉ có gặp nhau là vui thôi.

     Chỉ có việc mua thức ăn, sao thấy quá nhiêu khê. Thay vì ghé chợ hay siêu thị một lần là đủ, Đỗ Thu lại chở tôi đi rất nhiều nơi. Vào siêu thị của Tàu mua thịt quay, đến nhà hàng người Việt mua nem nướng Nha Trang, rồi qua chỗ khác đặt món gà lạnh, đến chợ Tân Bình mua bánh mì, rau quả… chắc “tâm hồn ăn uống” của cô này kén chọn lắm nên mới có kinh nghiệm đầy mình như vậy. Về đến nhà Thu đã 12 giờ trưa. Trước sân, những cụm hoa hồng, thông thiên, dừa cạn màu sắc rực rỡ sáng bừng lên trong nắng, tôi không ngăn được suýt soa: “Đẹp quá.” Thu nói: “Mời chị vô nhà, còn nhiều hoa cho chị ngắm nữa.” Kiến trúc bên trong nhà ở Mỹ gần gần giống nhau, cửa buông rèm, một phòng khách rất rộng, một phòng ăn lớn, thêm một bộ bàn ăn khác đặt cạnh nhà bếp trang bị đầy đủ tiện nghi: lò nướng, lò viba, máy rửa chén… số phòng ngủ tùy thuộc vào diện tích nhà. Nhà Thu rất rộng, sáng sủa, sân sau có hồ bơi xanh trong và rất nhiều hoa. Tiếc là có hai anh “cẩu” án ngữ bên hồ nên tôi không dám đẩy cửa bước ra ngoài để ngắm theo lời mời của chủ nhân.

     Phước Khánh tới, mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh: “Em ngủ lại với chị.”, “ Vui quá, vậy là đêm nay chị khỏi bị cô đơn rồi.” Tôi rủ Khánh xuống bếp phụ giúp nhưng gia chủ phất tay: “Thôi khỏi, hai bạn ngồi chơi đi. Đồ ăn có sẵn rồi, chỉ cần để ra dĩa là xong.” Ông xã Thu xuất hiện, tươi cười vồn vã, rồi lăng xăng giúp vợ trải khăn bàn, bày biện chén đũa.

     Đỗ Thu bước ra phòng khách gọi điện, rồi nói với tôi: “Thạch và Xuân Hoa sắp đến rồi. Bây giờ em qua đón ông bà Vượng, nhưng em không quen, cũng chưa biết mặt, chị đi với em nghe.” Tôi và Phước Khánh theo xe Thu đến nhà Vượng.

     Vượng mới mua nhà, cách nhà Thu khoảng 10 phút lái xe, đường đi dễ dàng, chợt nghĩ sao mà các bạn tôi hạnh phúc quá, cùng ở vùng Tây Bắc Houston,  muốn gặp nhau lúc nào cũng tiện, không như mình ở phía Tây Nam, xa lắc lơ, muốn đến phải xả thân làm anh hùng xa lộ (lái xe trên đường cao tốc) nên ai cũng ngại. Tôi giới thiệu, Vượng bắt tay Thu: “Thạch nhắc đến chị hoài, bây giờ mới được gặp.” Hường bồng cháu chạy ra. Bé mau lớn quá, đã biết đi chập chững, trắng trẻo, bụ bẫm giống y bà ngoại. Tôi mở máy hình, bấm vài tấm làm minh họa cho bài sắp viết, hy vọng sẽ là món quà tinh thần đem lại niềm vui cho bạn bè.

     Khi chúng tôi trở về đã thấy xe của Thạch đậu ngoài sân. Thạch đi cùng Xuân Hoa và cô con gái út, đúng lúc Lê Văn Long và bà xã xuất hiện, tay xách nách mang, nào bia, nào nước ngọt… Nhìn Lê Long, tôi nhớ đến Vũ Long, thử gọi điện một lần nữa xem sao. Bà xã Long nhấc máy: “Ảnh đi làm rồi chị ơi.” “Vậy hẹn gặp ông bà vào ngày mai nghe.”

     Ngồi vào bàn tiệc, những người bạn đã quá tuổi “hồi xuân” bắt đầu thả hồn về tuổi “hồi đó”, chuyện này nối tiếp chuyện kia, những kỷ niệm thời son trẻ dù vui hay buồn đều đáng nhớ như bốn câu thơ tôi tình cờ đọc được, không biết của ai… Kỷ niệm không là gì, nếu thời gian bôi xóa, kỷ niệm là tất cả, nếu lòng ta khắc ghi… Trời ngả về chiều lúc nào không hay. Long mời các bạn đến thăm nhà. Nhà của những người qua Mỹ sớm bao giờ cũng chỉnh chu, đẹp đẽ. Dễ thương nhất là khuôn viên trước nhà Long, có cây xanh mát mẻ, bộ bàn ghế nhỏ dưới giàn hoa giấy nơi hàng hiên… giống như một quán cà phê sân vườn thu hẹp, níu chân bạn bè mải mê trò chuyện, quên cả thời gian. Khi quay về nhà Vượng thì trời đã tối. Hường bật Ti Vi xem chương trình The Houston HAT, cuộc thi hát dành cho những người lớn tuổi. Cuối tiết mục, không khí trong phòng khách chợt lắng xuống khi nghe lời chia buồn của đài SGN đối với gia đình người dự thi 65 tuổi đã ra đi bất ngờ, không kịp bước vào vòng chung kết, đồng thời phát lại phần trình diễn của người đã mất. Tôi rất có ấn tượng với thí sinh này từ vòng sơ kết với bài “Cho Một Người Nằm Xuống”, chất giọng hay và rất truyền cảm … Xin cho một người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang… Bạn bè nhìn nhau không nói nhưng chắc trong lòng cùng thấm thía sự vô thường của cõi tạm đời người. Sinh lão bệnh tử, gần nhau đó rồi vĩnh biệt đó, không ai đoán được chữ ngờ, nên còn khỏe mạnh ngày nào hãy vui chơi ngày ấy, trân trọng tình bạn làm ý nghĩa thêm cuộc sống tuổi già.

     Bữa tiệc chiều bắt đầu quá trễ tại nhà hàng Jasmin trong khu Bellaire, đã hơn 10 giờ, nhưng vẫn còn đông khách. Trên sân khấu, người nhạc sĩ đang đệm piano cho một cô gái xinh xắn, hát bài mừng sinh nhật mẹ… Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, tình mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào…

     Càng về khuya, tâm trí con người càng phấn chấn, không ai cảm thấy buồn ngủ. Có mấy khi đám bạn già đi bụi như đêm nay, bỏ hết sau lưng mọi âu lo phiền toái. Vui quá. Vượng nhìn tôi: “Ái ơi, lên hát một bài coi.” “Thôi, tui hết hơi rồi. Để kêu Phước Khánh hát nghe.” Phước Khánh lắc đầu:  “Em bị ho chị ơi.” Long không nói không rằng, thong thả bước lên sân khấu, cầm lấy micro… Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt, mùa thu nào cho người về thăm bến xưa, hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ, về đồi sim ta nhớ người vô bờ…  Món đặc sản “cá nướng da giòn” vừa được mang lên, rau xanh, ớt đỏ, gừng tươi,  hương gia vị thơm lừng… nhưng chưa ai buồn cầm đũa vì đang cùng Long trở về miền ký ức hoa niên... Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương, trong mênh mông chiều sương, giữa thu vàng bên đồi sim trái chín, một mình ta ngồi hát tuổi thơ bay…

Đã nửa khuya khi chúng tôi về lại nhà Đỗ Thu. Gọi Vũ Long một lần nữa. May quá, anh chàng… ủa quên, ông lão nhà ta vừa mới tan ca. “Long đó hả? sáng mai nhớ đừng đi mô hết, để tụi này chọn địa điểm rồi gọi hai ông bà nghe.” Giường nệm, chăn gối sẵn sàng, phòng ốc, sàn gỗ rộng thênh thang. Đêm nhẹ nhàng trôi.

     Chủ nhật trời quang mây tạnh. Ăn sáng xong, cả phái đoàn qua nhà đón Vượng –Hường. Đỗ Thu cho biết sáng nay Lê Long bận việc không đến được, Thu sẽ đưa các bạn đi thăm ngôi chùa thân thuộc của gia đình trước khi họp mặt ăn trưa. Đó là Viên Thông Tự, được các Ni và Phật tử phát tâm tự mình xây dựng để không tốn tiền thuê nhân công, miệt mài hơn 6 năm vẫn chưa xong, phải tiếp tục phần còn lại là nhà bếp và nơi thờ linh cốt. Vợ chồng Trâm –Thu cũng đã góp rất nhiều công sức mài láng những tấm hoa văn to lớn trang trí phần cổng chùa. Chùa chưa hoàn tất nhưng bên trong vẫn hoạt động bình thường, có căn tin bán đồ chay mỗi ngày chủ nhật, nhiều lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em. Phước Khánh bảo tôi: “Em muốn xin vô đây dạy, được không chị?” “Chắc là được thôi.” Viết đến đây, tôi chợt có một ý nghĩ hết sức bi quan, liệu đến thế hệ thứ ba của chúng ta, tiếng Việt còn ai nhắc đến trên mảnh đất hiệp chủng quốc này không? Các thanh niên thiếu nữ Việt được sinh ra trên đất Mỹ, sống trong gia đình có cha mẹ ông bà vẫn xử dụng ngôn ngữ Việt, vậy mà đến tuổi mười tám đôi mươi, còn không nói được tiếng Việt, huống hồ các em bé học tiếng Việt trong chùa.

     Bữa ăn trưa được quyết định tại quán phở Hùng. Nghe tên bỗng nhớ quán phở Hùng trên đường Công Lý dạo tôi còn là sinh viên Khoa Học. Quán bình dân, lúc nào cũng đông đúc, ồn ào. Nhà trọ của tôi ngay trong hẻm đối diện quán, nhưng chưa bao giờ tôi ghé ăn, một phần vì không ưa món phở, phần kia là sợ… lên cân. Mấy chục năm qua, quán vẫn còn tồn tại, vẫn chốn cũ người xưa, ngựa xe tấp nập, nhưng con đường đã bị đổi tên. Ở Mỹ, phở rất được ưa chuộng, đây là món ăn duy nhất thích hợp với mọi sắc dân và hình như được lọt vào top 20 những món ăn ngon trên thế giới (?). Quán đông quá, phải lấy số rồi chờ người ta sắp bàn. Tôi nói: “Thôi đi chỗ khác, mệt.” Thấy phản ứng của mình không “xi nhê” gì cả, tôi đành ngồi xuống dãy ghế ngoài hành lang đợi chờ. Vũ Long và bà xã cũng vừa đến, lại hẹn: “Ăn xong đi uống cà phê nghe.”

     Cà kê dê ngỗng đến 3 giờ chiều, đành phải giải tán để Thạch –Xuân Hoa còn trở về Dallas. Tiễn hai bạn ra xe, thêm một bất ngờ nữa khi Xuân Hoa mở cốp sau cho thấy những sản phẩm cây nhà lá vườn còn tươi nguyên: bí, bầu, chanh, bưởi, hồng dòn… rồi gói vào những túi xốp tặng các bạn ăn lấy thảo.

     Chia tay, không quên lần hẹn tới. Phước Khánh sắp dọn qua nhà mới, hứa sẽ có một buổi họp mặt mừng tân gia, mời tất cả bạn bè đến khai trương dàn máy Karaoke đem từ Việt Nam sang. Không biết tự bao giờ, phong trào Karaoke ở Việt Nam phát triển rộng khắp, từ trung tâm thành phố cho tới những hang cùng ngõ hẻm, được già trẻ gái trai hưởng ứng nồng nhiệt. Nhớ hồi chưa đi, nhóm chúng tôi rất thường tham gia, cũng là một cách thư giãn cho tâm hồn trẻ lại, được hát những tình khúc một thời bị chụp mũ là “nhạc vàng” cấm phổ biến rất lâu, để rồi trong chớp mắt, bỗng trở thành… những bài hát vượt thời gian!!! Hát Karaoke càng đông càng vui, nhưng đôi khi, chỉ một vài người cũng kéo nhau đi, hát suốt mấy tiếng đồng hồ, quên ăn quên uống. Về nhà nói không ra hơi, ù cả tai, đau cả cổ. Mệt nhưng mà vui, hy vọng sẽ tìm lại được cảm giác này.


Houston 21/ 11/ 2012
Thùy An