Tiểu Sử cô Thùy An

 

BẾN CUỐI 3

Ký –Thùy An

 

     Kim Hài email qua, thắc mắc: “Tại sao lại là Bến Cuối? mình vẫn còn nhiều thời gian mà!” Xem ra, lão bà này lạc quan quá. Và tôi, cũng không đến nỗi bi quan, nên reply: “Chưa đâu, sẽ có Bến Cuối 2, Bến Cuối 3… đến Bến Cuối n thì quỹ thời gian của chúng ta mới cạn.”

Tôi đã viết xong Bến Cuối 2, định gác “chuột” nghỉ ngơi và thư giãn một thời gian, chuẩn bị cho Bến Cuối 3 –nơi sẽ là không gian của những khung trời kỷ niệm: Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế… trong chuyến về Việt Nam sắp tới. Nhưng sáng  nay thức dậy, kéo tấm mành cửa, thấy cây đào dưới vườn ra hoa rực rỡ, những tia nắng đầu ngày thả những nụ vàng lên thảm cỏ xanh, tâm hồn bỗng bâng khuâng xao xuyến, muốn ghi lại một vài cảm nghĩ nhẹ nhàng. Thế là ngồi vào ghế, mở bàn phím, gõ vài chữ vu vơ. Đó là thói quen từ khi bước vào tuổi già, phải viết, phải suy nghĩ, phải tạo điều kiện cho các nơ ron thần kinh hoạt động, bởi sẽ đến một thời điểm, lực bất tòng tâm, không nhớ được gì.

Bắt đầu từ cú phôn của Phước Khánh: “Chị ơi, em dọn nhà rồi. Xuống ở với em một tuần nghe.” Nhanh thật. Quay đi quay lại đã hơn 3 tháng, kể từ ngày nhóm Tào Lao Houston đi bụi hai ngày một đêm. Bây giờ chỉ mình tôi đi bụi với xắc hành lý đầy đủ quần áo ấm, thuốc men… Nhà Phước Khánh rất gần chợ Việt Hoa, nhỏ xinh với ba  phòng ngủ ấm áp, sàn ván bóng ngời. Phòng ăn rộng rãi, nhà bếp sạch sẽ gọn gàng. Phòng khách lịch lãm với bộ salon bọc nhung đỏ thắm. Ti Vi, đầu máy Karaoke đặt trước lò sưởi chỉnh chu nhưng chưa hát được, vì giá loa và ampli mắc quá, phải chờ sale thôi. Hai chị em hơi buồn nên rủ nhau đi chợ Hồng Kông mua cua về nấu bánh canh và chè khoai tía. Phước Khánh bàn làm thêm gỏi mít, mời bạn bè đến chơi, xem như ăn tân gia luôn. Có lý. Tôi nhấc phone gọi các cặp đôi hạnh phúc như ĐỗThu –Trâm, Lê Long –Hoa, Vũ Long –Loan… Tiếc là cặp XHoa –Thạch ở Dallas không đi được, còn cặp Vượng –Hường đã về Việt Nam từ lâu. Vợ chồng Vũ Long xuất hiện sớm nhất và đem đến cho Phước Khánh một niềm vui bất ngờ, đó là lời hứa tuần tới sẽ tặng cặp loa và ampli, chúc mừng nhà mới.


Nhà Phước Khánh

Qua tiệc tân gia, hai chị em rảnh rỗi suốt ngày chuyện trò, nghe nhạc, theo dõi cuộc thi Tiếng Hát SGN trên truyền hình... hoặc theo xe của cô con gái Khánh đi shopping, ăn uống, vui chơi cho hết thời gian. Mới trở về nhà hôm nay thì ngày mai, Vũ Long gọi: “Ái ơi, mình lắp xong dàn Karaoke rồi, xuống hát.” Nghe lòng nôn nao nhưng không lẽ đi tiếp?  Ông bạn già còn gõ cửa tâm hồn ăn uống của tôi nữa chớ: “Ái ơi, Phước Khánh đang nấu bún bò, còn làm thêm bánh bột lọc nữa, xuống ăn.” Nghe muốn chảy nước miếng, nhưng đành trả lời: “Thôi cho Ái hẹn tuần sau. Long ăn dùm Ái một tô bún, ba cái bánh và hát dùm Ái bài Giọt Lệ Cho Ngàn Sau nhé.”

Phước Khánh có bà mẹ chồng là chuyên gia ẩm thực người Huế nên cũng học hỏi được cách làm rất nhiều món ngon. Tuần này, cô nàng trổ tài nấu Mì Quảng. Khách mời chỉ có tôi và vợ chồng Vũ Long. Long mở đầu buổi Karaoke bằng bài Giọt Lệ Cho Ngàn Sau của Từ Công Phụng theo yêu cầu của tôi từ tuần trước... Yêu nhau một thời xa nhau một đời, lệ này em nhỏ xuống ngàn sau…Ngày xưa, Long đã là “ca sĩ” của lớp tôi rồi, bây giờ với tuổi gần bảy bó, giọng Long vẫn mạnh mẽ chứ không yếu như tôi, chỉ còn lại chút hơi tàn, nhưng vẫn thích ca hát như hồi còn trẻ. Phước Khánh thì khỏi nói, con chim họa mi của một thời PCT, gần nửa thế kỷ qua, vẫn còn lãnh lót, khiến cho ông bác sĩ bạn tôi là Nguyễn Hữu Lân phải mượn mấy câu thơ của Thế Lữ để tặng cô nàng: “Tiếng hát trong như suối ngọc tuyền, êm như hơi gió thoảng cung tiên, cao như thông vút buồn như liễu, nước lặng mây ngừng ta đứng yên…”

Nhớ hôm nào Phan Thanh Hòa ở Cali điện thoại kể chuyện đến nhà thăm Lân, nói Lân hiện không được khỏe lắm, suốt ngày ở nhà cũng buồn nên muốn liên lạc với tôi qua email. Thư qua thư về, Lân bỗng biến thành “Bác sĩ gia đình” cho tôi từ lúc nào không hay. Tôi thường hỏi Lân đủ thứ bệnh, từ cảm cúm, nhức đầu sổ mũi … cho tới huyết áp, tiểu đường, thấp khớp… Lân giải thích rõ ràng, mạch lạc và cho những lời khuyên hữu ích. Lân sống rất tình cảm, thường nhắc đến những kỷ niệm hồi còn đi học, đến thầy cô, bạn bè… đến quán chè Ngã Năm, bún bà Đào, nem bà Đệ… Thỉnh thoảng Lân còn gửi cho tôi nhiều bài hát, văn thơ, chuyện tiếu lâm đọc cười muốn chết. Lân còn có trí tưởng tượng thật phong phú, đặt tên cho nhóm bạn bè ở Houston là Tân Thủy Hử, gọi Vũ Long là Võ Tòng, Phước Khánh là Tống Giang và tôi là… Tào Lao Nữ Hiệp!!!

Vũ Long nghỉ phép 6 tuần, bạn bè có dịp hàn huyên tâm sự. Lại gặp nhau ở nhà Phước Khánh thưởng thức món Phở do bà xã Long biểu diễn, rồi lại Karaoke, hát hoài không chán … Thuở ấy không gian chìm lắng trong mơ, tà áo em xanh mầu mắt ngây thơ… giai điệu sâu lắng củaTiếng Hát Học Trò gợi nhiều kỷ niệm, chợt nhớ hồi còn ở Việt Nam, cặp Vượng –Hường song ca bài này rất tình tứ.

Tôi trở về nhà ăn tết cùng con cháu với hai cuộc hẹn trước mắt: Tiệc tân niên tại nhà Lê Long và đi Dallas dự lễ Nguyên Tiêu ở chùa Đạo Quang theo lời mời của người bạn học –thầy Tịnh Đức. Nói là ăn tết cho vui, chứ nơi này không có tết. Chợ búa vắng vẻ, phố xá im lìm, họa chăng hương vị tết chỉ có tại các chùa Việt Nam và trên Ti Vi với hình ảnh hoa đào hoa mai khoe sắc thắm trên nền nhạc xuân rộn ràng ... Ngoài trời bao la trong tươi bao cô gái đẹp cười trông xinh như hoa, lập lòe tà áo xanh xanh chen bông tím vàng đẹp hơn tiên nga…  Qua tết, nhận được email của Kim Hài kể chuyện hôm mồng năm, bạn bè họp mặt ở nhà Diễm Dương nhưng  Vượng –Hường đi Đà Lạt nên không đến. Rồi còn khoe mấy ông bây giờ bỗng dưng muốn… làm ca sĩ, người nào cũng hát một lúc mấy bài, nào là Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Lá Thư, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay … giá có Vượng, thế nào lão ta cũng ca bài “tủ” cho coi… Đường xưa lối cũ, có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo… Chưa kịp reply, đã nhận được email tiếp theo, báo tin Vượng bị tai biến liệt nửa người, đang cấp cứu ở bệnh viện. Gọi điện cho người con gái Vượng hoài không được, tôi phone về Việt Nam gặp Hường. Hường bảo Vượng đã xuất viện, hiện đang tập vật lý trị liệu ở nhà. Suy nghĩ về bạn bè, về Vượng, vể sự vô thường của đời người, tôi mất ngủ nhiều đêm và không còn cảm hứng để viết nữa. Thôi nhường cho Phước Khánh viết tiếp, hoàn tất bài ký này:


*
    

HỌP MẶT TẠI NHÀ ANH CHỊ LÊ LONG

Anh  Lê Long mời nhóm ngày Chủ Nhật 17 / 2, thế là Ái  lên nhà PK để cùng đi. Lần  họp mặt này có thêm   2 nhân vật cựu học sinh  PCT: chị Phương Nga (56-63)  và  chị  Diệp (58-65). Thành  phần tham dự  gồm  :  v/c  Đỗ  Thu , v/c Anh Vũ văn  Long , Ái (Nhà văn Thùy An) ,Phước Khánh, v/c chị Diệp, chị Phương Nga với người em gái, và v/c  chủ nhân  Lê văn Long . Buổỉ  tiệc  diễn  ra trong bầu không khí thật  ấm cúng, vui vẻ… với thức ăn thật  ngon  ... Mọi người  tranh nhau  kể  lại  những chuyện xưa cũ  cuả thời học  trò, buồn có , vui có  ... ôi! thật êm đềm làm sao! Hôm nay mọi người ngồi đây, cùng hồi tưởng lại kỉ niệm  cuả  một –thời –vang –bóng mà  cảm thấy  vô cùng  nuối  tiếc. Thắm  thoát  đã  mấy chục  năm qua  ... Và, thật hạnh  phúc  biết  bao  khi giờ đây, ở vào tuổi tác này –U60, U70 –Chúng ta đã  được gặp laị nhau, cùng ngồi bên nhau . .. trong  không khí tràn đầy ấm cúng này…. mà tưởng  chừng  như… một giấc mộng!
Chuyện  trò  quên  cả giờ  giấc . .. đến lúc  nhìn  lại đồng hồ  thì   đã  hơn  12  giờ  khuya  !   Chia tay nhau về, ai nấy  không quên  dặn  dò  .. sẽ  còn tiếp  tục  những  lần  hop mặt  khác nữa...  Ai  bảo  lớn tuổi  thì không còn… ham vui chứ !!!

Ái  vẫn  còn lưu  lại  nhà  Phước Khánh   thêm  vài ngày  nữa  , vì .... chia tay không đành! Lý do  chính   vì   Phước  Khánh  sống  một  mình   , không vướng  bận  , lệ  thuộc  vào ai… nên thật  thoải mái  mỗi  khi có bạn bè đến  thăm,  Phước  Khánh  lại rất  quý  và rât   nhiệt   tình   với  bạn bè. Và . .. vì vậy  mà Ái vẫn  luôn   đến   với  Phước  Khánh  ở chơi  để  Phước Khánh   không  buồn  nhiều vì sự  cô đơn của mình. Cả 2 lại rất hợp về Thơ, Văn , Văn  Nghệ  ...


Nhà Lê Văn Long

 

ĐI CHÙA ĐẠO QUANG –DALLAS
* THĂM THẦY TỊNH ĐỨC

Chuyện vui vẫn tiếp tục ....  Thầy   Tịnh  Đức  ở  Dallas   điện thoại  mờì   Nhóm  về  Chùa  để  dự  Lễ  Rằm  Tháng Giêng. Chúng tôi họp bàn nhau  và cuối  cùng  quyết  định đi theo lời mờì rất  nhiệt tình cuả Thầy. Được đi   dự  Lễ  Rằm  đầu năm   cũng là điều may mắn.

Thế là , chúng tôi  cùng bàn  sẽ  đi 2 ngày –Thứ 7 và Chủ Nhật, và chia làm  2  Nhóm.Nhóm 1 gồm : Vợ  Vũ văn Long , Ái, Phước Khánh đi  bằng  xe Bus, Nhóm   2 gồm: Chị  Phương  Nga  , v/c   Lê Long   thì   đi  xe nhà. Tối thứ 6,  Chị Vũ văn Long đem xe đến đón Ái &  Phước Khánh   về  nhà   Anh  Chị   ngủ laị để  sáng thứ   7   ra bến xe bus   cho kịp giờ , vì  nhà chúng tôi  đều ở cách xa nhau. Tối  đó, ở  nhà  v/c  Vũ văn Long, chúng tôi gần  như thức  suốt  đêm … lần này không phải vì   ham trò  chuyện  ,  mà vì  chúng tôi  thức   đến  gần  3 giờ  sáng   để   cùng  đi  đón   Vũ văn Long  đi làm  về . Phải  thành thật  khen  ngợi   Chị  Vũ  văn Long, quả là  một người vợ tuyệt vời!  Ngoài những  công  việc  nội  trợ, chị còn phải  đi làm thêm  để  phụ giúp chồng con, mỗi đêm, chị còn phải thức khuya, có khi đến  4 , 5  giờ  sáng để  lái xe đi đón chồng đi làm về ,  nhất  là vào  những  lúc  trời  mưa gió. Hôm đó Ái  & PK  cùng chị Long  đi đón  anh Long, tình  bạn  không  vì  bao chục năm  xa cach   mà mất  đi  sự thân thiết, gần gủi. V/c  Vũ văn Long  vẫn  luôn là  người  bạn   rất  dễ  thương, rất chân tình ... mà chúng tôi luôn quý mến.

Sáng  hôm sau ,Thứ 7, được  con gái của VVL  đưa ra bến  Xe Bus  sớm  để kip  khởỉ hành  9g. Đây là lần đầu  tiên  được  đi Xe Bus  tại đất Mỹ! Ban đầu, chúng tôi  cũng  hơi  lo  và không biết là cuộc hành trình  có được thông suốt không?  Nhưng  .. thật  trái vớí  những  lo sợ  viễn  vông . ..  Chúng  tôi  thật thoải mái với chuyến đi  ngắn này, tuy rằng  phần đông  hành khách trên xe là da đen, nhưng họ thật vui vẻ, hiền lành, không ồn ào và rất lịch sự. Tài  xế lái xe rất cẩn thận  và  không phải dừng laị nhiều nơi để đón khách. Xe đi và đến nơi rất đúng  giờ. Có  lẽ  vì  luôn  bị  ám ảnh  vớí tình trạng xe Bus , cũng như các xe Đò ở VN  nên chúng tôi  bị nhập tâm chăng ???

Xe  đến Dallas đúng 1g trưa, và tại đây đã có Anh Đào Bạch Thạch đến đón chúng tôi về nhà, trước  đó, chúng tôi đã  có liên lạc  với v/c anh Thạch và Xuân  Hoa ( XHoa cùng lớp với  PK) , và  2 v/c anh Thạch   nhất định mời chúng tôi về nhà. Không  hẹn  mà  cùng lúc, nhóm Lê văn Long  cũng vừa về đến  nhà  v/c  anh Thạch. Tại  nhà   v/c anh Thạch , chúng tôi  đã đươc  tiếp đón  rất thân tình với   các  món ăn đậm tình quê hương : Bún Bò, Bánh  Bột Lọc, Gỏi tôm thịt dưa leo ... Xuân Hoa nấu rất  ngon, Bún bò Huế  không thua gì Bún bò đường  Nguyễn thị Giang  của Đà Nẵng  năm xưa. Và nhất là trong cái thời tiết lạnh  lẽo  như thế  này ....  ngồi trước một tô bún bò thơm ngon nóng hổi thì ... còn gì tuyệt  hơn!!!!
Ăn  uống  xong ,  Chúng tôi  cùng  đi  đến  Chùa  thăm Thầy   Tịnh   Đức vì sợ  ngày mai làm  lễ  bận  rộn   sẽ không gặp được Thầy. Chùa  ở cũng khá xa nhà anh  Thạch,  và tọa lạc  trên một  khuôn đất rất rộng. Chùa được xây cất  rất đẹp   và kiên cố. Chỗ đậu  xe  rộng rãi.Các  Tượng Phật   đã  được Thầy Tinh  Đức  cất  công  thỉnh  từ  Chùa  Non Nước  ĐN –thật công phu. Chung quanh khuôn viên  Chùa được trồng nhiều loại hoa  khiến  khách đến thăm Chùa luôn tấm  tắc  khen ngợi   và thế nào cũng phải  chup nhiều tấm hình để kỉ niệm. Chị Phương Nga dẫn đầu  phái đoàn  và  bắt  chúng tôi  phải  đứng chụp hình, tạo  dáng… trong cái nắng của buổi trưa như thế này  ... mắt  người nào cũng như muốn sụp  xuống  ... có lẽ khi sang hình ra trông buồn cười lắm  - thật  vui.


nhà Thạch - Xuân  Hoa

Chụp hình xong, chúng tôi  bước vào bên trong Chùa. Ngoài Chánh điện, còn  có  nhiêù  phòng khác như :  Phòng  hội họp, phòng thờ các Vong Linh, phòng tiếp khách , phòng  bếp , phòng ăn uống, căn  tin bán đồ chay và các sách về Phật Pháp,  các  hình tượng  Phật... và cũng có riêng một phòng  lớn được làm sân khấu để trình diễn Văn Nghệ  vào các dịp Lễ, Tết.... Tất cả các phòng đều được trang trí thật mỹ thuật, sạch sẽ, trang nghiêm.

Thầy Tịnh Đức  đón chúng tôi  trong phòng riêng của Thầy với  tất cả niềm hân hoan  khi gặp laị bạn bè  xưa cũ. Thầy  trông rất khoẻ  với nước da hồng hào, giọng nói rổn rãng ... Thầy vốn thích   Văn Nghệ , nên khi chúng tôi vừa ngồi xuống  là thầy đã vôị  vàng đi lấy  một chồng sách Nhạc với đủ loại: Nhạc Tiền Chiến, Nhạc  Tình  cảm, Nhạc Karaoke , dễ có đến 7 , 8 cuốn Nhạc dày cộm các bài hát. Thầy  mở đầu  phần Văn Nghệ  bằng bài hát “ Đường xưa lối cũ”, và sau đó, với niềm   cao hứng, Thầy đã hát liên tục 10 Bài, phần nhiều là các bản Tình ca. Thầy hát cũng khá hay , mọi  người  vỗ  tay  thật  to , trông Thầy thật vui sướng.  Chúng ta cũng thật hãnh diện khi có được một người bạn, một vị Thầy   chân  chính  ... dầu đã bước vào con đường Phật Pháp , tu hành .... nhưng  tâm hồn của Thầy  vẫn luôn rộng mở, dạt dào, hoà mình với niềm vui cùng bạn bè.

Thật  đáng  cho Chúng ta nể  phục. Chuà  Đạo  Quang của Thầy đươc xem  là  ngôi  Chuà  lớn nhất Dallas, không  chỉ  ở  vị trí rộng rãi, to lớn, mà còn do ở đức độ   từ bi  quãng  đại  cuả  Thầy, tiếng tăm vang xa,  đã  được hầu hết các Phật tử  vùng  Dallas  vô cùng kinh phục .
... Sau khi Thầy Tịnh Đức hát, tiếp theo đó, cùng chung niềm vui hội ngộ, PK, Lê  Long và cả Ái  cũng tiếp nối với những bài hát của  một thời. Những giọng ca được gọi là “ cây nhà lá vườn” hình như làm sống laị trong lòng mọi người nỗi niềm  nhớ trường xưa bạn cũ, nhớ những lần trình diễn văn nghệ của trường (có bán Vé ) vào dịp  cuốí năm hoặc Tết, nhớ căn phòng khánh tiết  rộng rãi  được làm sân khấu để hội diễn văn nghệ  ... nhớ từng khuôn mặt  .. từng vai diễn  .. từng giọng ca  .. học trò  đã góp phần làm  vẻ vang   cho Trường   .... Trong tiếng hát  của  mỗi người, hình như có pha quyện niềm xúc động… càng làm tăng thêm sự ấm áp, thân tình  cho buổi hội ngộ này.


Chùa Đạo Quang -Dallas

 

DỰ   LỄ  RẰM  TẠI  CHÙA   ĐẠO  QUANG

Sáng hôm sau, Chủ Nhật, ngày  chính thức  tổ chức Lễ  Rằm. Trước khi đến Chuà dự Lễ  , chúng tôi  cùng đi ăn sáng  tại một tiệm phở  nổi tiếng cuả  Dallas  được v/c Anh Thạch  giới  thiệu , và  v/c Anh Lê Long  được “ hân hạnh” làm khổ chủ! Và, quả thật, " Danh bất  hư truyền”, Phở  nấu rất ngon. Mọi người hình như cùng ý nghĩ, lần sau  có dịp về  Dallas, thế naò cũng không quên ghé laị  để được  thưởng thức tiếp!
Rời  tiệm Phở , thấy thời gian  còn sớm, chúng  tôi  cùng bảo nhau  ghé thăm  nhà  cô An Hà Châu  và mời cô  đến chùa dự Lễ. Hình như trong  hàng  giáo sư  cũ  của PCT , chỉ có cô An Hà Châu  cư ngụ tại Thành Phố Dallas  này. Vì vậy, nói  làm sao hết  nỗi mừng vui của cô  khi gặp lại  các  học trò  cũ, và càng cảm động  hơn, trong  chúng tôi , có nhiều  người chưa từng học với cô, nhưng vẫn luôn  giữ truyền  thống  " Tôn sư trọng  Đạo ", luôn  quý  trọng các thầy cô giáo  cuả Trường. Cô Thầy ( Phu quân của Cô  là  Nha sĩ  Vịnh )  sống thật hạnh phúc  trong ngôi nhà nhỏ xinh xắn, cô vẫn còn rất khỏe mạnh , nói năng lưu  loát, thầy  tuy đi đứng có chậm chạp  hơn  nhưng  vẫn  còn  rất  minh mẫn . Cô  đem  hình ảnh  các con, các cháu  ra  khoe chúng tôi  trong niềm  sung sướng  , mãn nguyện ... và thật đúng như vậy, con cháu cuả Thầy Cô  rất đẹp , rất  dễ thương  và đều  thành công   trong  cuộc  sống. Trong lúc chuyện trò  , Thầy  vừa  nhìn Cô  âu yếm  , vừa  mỉm cười   nói với chúng tôi  : "  Cô  là  Nữ  Y  Tá  tuyệt  vời  của Thầy  đó  ". Chúng tôi nhìn nhau  và thầm mong , Cô Thầy  luôn giữ  được  hạnh phúc  đến  cuối đời –Một  cuộc  sống  , một  tấm gương  .. thật  quá  đẹp  !!! Và  không dễ   đã có mấy ai  hưởng được sự trọn vẹn đó, phải không???

Khi  chúng tôi  đến  Chùa  thì  đã  không còn chỗ  đậu  xe. Từng dãy xe đậu  san sát  nhau  trong sân Chùa. Chúng tôi đành phải đậu xe  ngoài đường  và phải đi bộ  một quãng. Xe của nhóm anh Lê Long  đến trước  và đang đợi  chúng tôi  cùng vào. Vừa thấy chúng tôi, chị Phương Nga  vội chạy đến  và ... thêm một lần nữa, lại chụp hình, tạo dáng ...


Chùa Đạo Quang -Dallas

Lễ  Rằm  được tổ chức  thật lớn  tại Chánh Điện. Phật  tử  tham dự rất đông, chật  ních  cả Chánh Điện, không còn chỗ ngồi, chúng tôi may mắn  tìm được  vài ghế  để ngồi chen vào  dòng người. Tất  cả  đều “an tọa” dưới  đất.

Sau khi các Phật tử làm Lễ  Cung Nghinh Thượng  Tọa  và  Các Chư Tăng, tiếp  đến  là  các Phật  tử  bé  tí  lên dâng hoa  đón mừng  Thượng Tọa  và  Chư tăng, rồi Thầy  Thượng Toạ Tịnh Đức  đứng lên đón mừng  và cảm ơn các phật tử đã đến dự và tuyên bố buổỉ Lễ bắt đầu.

Trong không khí tưng bừng, nồng nhiệt, nhưng không kém phần trang nghiêm, mọi người  cùng hân hoan  đón chào  buổi Lễ  như … một Hội Hoa Xuân, cùng được thưởng  thức  những màn  trình diễn  Muá Lân, văn nghệ  xen kẻ. Có Ban Văn Nghệ của Chùa và  sự đóng góp nhiệt tình cuả các ca sĩ nổi tiếng  như : Thanh Thúy, Ngọc Đan Thanh  ....

Chúng tôi không  ở lại  xem tiếp tục Phần Văn Nghệ  được, và  đành phải về lại nhà  v/c Anh Thạch nghỉ ngơi, ăn uống, để chuẩn bị  ra bến xe Bus trở về lại Houston. Nhóm 2 đã về  lúc 3g chiều.

Đúng  6g30' chiều , v/c Anh Thạch - Xuân Hoa  đưa chúng tôi ra bến xe Bus. Và, chúng tôi đã chia tay với v/c Anh Thạch - Xuân Hoa trong bịn rịn, luyến  tiếc… dầu biết rằng  Dallas –Houston  chỉ cách nhau 4giờ lái xe. Cái  quan trọng ở đây là tình cảm gắn bó , thân thương của những người bạn xưa  cũ  đã dành cho nhau, cho dầu thời gian xa cách  đã chiếm trọn  gần  cả  đời người  ... Thật quý hiếm thay !

Thời gian thăm viếng  Chùa  và ở Dallas chỉ vỏn vẹn trong 2 ngày,thứ 7 & Chủ Nhật  nhưng… thật vui, và  đủ để lại trong  lòng chúng tôi kỉ niệm khó  phai nhòa. Chúng tôi,  những người bạn gái, tuổi tác tuy có chênh lệch, nhưng  cảm thấy thật gần gủi, thật thân tình và  thấy  thương  nhau hơn  khi chúng tôi có được thờì gian sống bên nhau, cho dầu chỉ trong khoảnh khắc. Thì ra, trong cuộc sống, mỗi người đều  có một hoàn cảnh , một tâm sự . .. không ai giống ai… nhưng... đều mang nỗi niềm chung , buồn nhiều hơn vui. Thời gian đi học phải nói đó là thời gian đẹp nhất, thơ mộng nhất , vàng son nhất… và  trong tất cả chúng ta , không ai là không có nhiều kỉ niệm, dầu vui hay buồn , không ai  là không mang trong lòng nhiều nhớ  tiếc, vấn vương về quá khứ , với  những chuỗi ngày đẹp đẽ đó. Và còn hơn thế nữa   cho những người đã trãi qua một cuộc sống bất hạnh.

Trong  bạn bè  đã có  nhiều  người  từ bỏ chúng ta , vĩnh viễn  từ bỏ chúng ta… tất cả  rồi cũng trở về với cát bụi. Có bon chen, có sân si, có tị hiềm, ganh ghét  nhau… cuối cùng  rồi cũng chỉ là con số 0. Hạnh phúc của chúng ta giờ này là còn được gặp nhau , còn được  ngồi bên nhau chuyện trò, tâm sự ... đó có phải là niềm mơ ước của chúng ta khi tuổi về già, khi mà con cái chúng ta  không còn cần đến chúng ta nữa, bởi chúng đã có một thế giới riêng của nó… Và, đó cũng là quy luật mà chúng ta đành phải chấp nhận. Đây chính là thời gian  mà chung ta  cần tìm đến nhau, an ủi, vỗ về nhau, là điểm tựa cho tinh thần của nhau. Và ... phải chăng  tất cả cựu hoc sinh  PCT chúng  ta  đều  mang trong lòng  hoài vọng đó:  chính là sự  đoàn kết, tương thân tương ái  trong tình cảm dạt dào yêu thương dành cho nhau????


Houston tháng 3/ 2013