Tiểu Sử cô Thùy An


Biển

Ký –Thùy An



Thùy An và 2 cháu ngoại (Houston 2011)

                                                                 

Thảm cát rất sạch, chạy dài theo đường vòng cung, xa ngút mắt. Tôi bước xuống xe. Nắng chói chang. Gió xua tan hơi nóng hừng hực và thổi tung mọi thứ. Ban đầu là chiếc mũ vải tôi chưa kịp cột dây, rồi bung luôn cây kẹp nhựa, xổ tung mái tóc muối tiêu… tà áo bay phần phật khi tôi cúi nhặt cây kẹp và thả dép chạy theo chiếc mũ lăn tròn xuôi chiều gió về phía những đợt sóng nhấp nhô.

Sóng nhẹ nhàng, tràn vào bãi những đường bọt trắng xóa, vuốt ve bờ cát mịn. Bàn chân tôi vừa chạm vào làn nước mát, cảm giác êm ái rịn qua kẽ ngón, nâng niu bước tôi đi bềnh bồng thật dễ chịu. Chiếc mũ thấm nước, chông chênh dừng lại, chiếc dây buộc bằng lụa mỏng màu xanh rung động như vẫy gọi từng đàn hải âu chấp chới, cánh trắng dang rộng, sãi dài, chao liệng, một vài con sà xuống gần tôi. Tôi lặng ngắm những cái đầu tròn trịa với ánh mắt nhìn thân thiện, dễ thương, chiếc mỏ dài hơi cong, đôi cánh chưa xếp hẳn, cặp chân ngắn thong dong trên nền cát ướt, không tỏ ra chút sợ hãi gì. Có lẽ chúng đã quen với sự hiện diện của con người trên bãi tắm. Chưa bao giờ tôi thấy gần gủi với loài chim biển này đến thế, chúng dạn dĩ như bồ câu nuôi trong nhà, chỉ khác là chúng có tự do, không gian sống là đại dương bao la, đầy ánh mặt trời và âm thanh ríu rít… Tôi thử dấn bước đến gần hơn chút nữa, một con hơi thụt lùi né tránh, tôi lại đưa chân, những con khác đồng loạt đi nhanh hơn… rồi như có linh cảm bất an, cùng một lần, những cánh chim xòe ra, nhấc mình lên không, bay là đà trên những đợt sóng vỗ bờ…  Tôi đi ven mép nước, dõi theo những đôi cánh lung linh ánh mặt trời đang xa dần tôi… Bay đi cánh chim biển hiền lành, chẳng còn giấc mơ nào để giữ đôi chân em… (Bay Đi Cánh Chim Biển –Đức Huy)

Tôi vẫn đi, đi mãi… sóng tràn vào mơn man từng ngón chân, đẩy đưa những vỏ ốc, vỏ sò lấp lánh… Gió vẫn lồng lộng, phát huy hết sức mạnh, không bị cản trở bởi một rừng cây hay vách đá nào. Không gian biển mênh mông… Màu xanh của trời, mầu trắng của mây, mầu lam của nước gợi tôi nghĩ đến một thành phố biển hiền hòa mà đã từ rất lâu, tôi chưa trở lại. Đó là Đà Nẵng của tôi thuở mười ba mười bốn… nơi có biển Thanh Bình rì rào dương liễu, bãi Tiên Sa ghềnh đá chập chùng… rồi Mỹ Khê, Sơn Chà, Non Nước… Biển chung quanh tôi trùng trùng điệp điệp, những gương mặt thân quen suốt bảy năm trung học như Bích Lan, Thu Hà, Quỳnh Chi, Lê Tự Rô, Phạm Ngọc Chấn, Trần Đình Thắng, Hồ Hồng, Lê Trang… vẫn còn đậm nét trong những lần cùng nhau du ngoạn, rong chơi.

Tuổi nhỏ thường hay đứng núi này trông núi nọ, nên thấy Bụt chùa nhà không thiêng. Biển Đà Nẵng đẹp và thơ mộng như thế, nhưng lòng tôi vẫn hướng về một thành phố biển khác, nơi gợi nguồn cảm hứng của biết bao thi nhân, nhạc sĩ. Nha Trang trở thành bài “ruột”, đi đâu tôi cũng hát đến thuộc lòng… Nha Trang là miền quê hương cát trắng, có những đêm nghe vọng lại ầm ầm tiếng sóng xa đưa… Còn đâu những chiều vui xưa, còn đâu những chiều say sưa, ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông, còn đâu Tháp Bà êm mơ, còn đâu đá Chồng bơ vơ, còn đâu bến Cầu Đá nên thơ… (Nha Trang –Minh Kỳ). Có nhiều đêm tôi nằm mơ, thấy mình được đến thăm những địa danh trong bài hát. Những Hòn Chồng, Cầu Đá, Tháp Bà… hiện lên trong trí tưởng thật hoành tráng bao la, rồi còn những bãi biển với hàng dừa xanh ngát, rặng thùy dương theo gió phất lay, những em bé thả diều, những cô gái chàng trai đùa vui trên sóng … Nơi đây giai nhân say mối tình đầu, thi nhân mơ thu ngâm khẽ đôi câu, em thơ tung tăng tay hái hoa mầu, riêng tôi bâng khuâng đưa hồn về đâu… (Sóng Vàng Trên Vịnh Nha Trang –Văn Phụng). Dù chưa một lần đến Nha Trang, tôi vẫn cảm xúc với những giai điệu viết về nỗi nhớ nhung của người nhạc sĩ khi phải chia xa thành phố biển này... Nhờ ai ghé thăm miền ước mơ, gửi dùm bài ca buồn nhớ, nhớ bờ cát tươi, đẹp lòng non nước của tôi, bây giờ nơi ấy có còn người trai vượt sóng cười? để cô gái xuân ngây nhìn thương mến đầy vơi…  (Nhớ Nha Trang –Minh Kỳ)

Năm tháng qua đi, giấc mơ biển phai tàn, nhường chỗ cho những ngày đêm vùi đầu vào sách vở và những mùa thi nối tiếp không ngừng. Cho đến một hôm, thầy chủ nhiệm Trần Kim Thạch báo tin sẽ có chuyến du khảo Địa Chất ở Vũng Tàu, lòng tôi bỗng nôn nao như hồi còn nhỏ, vì sắp được đến thăm một thành phố biển khác, mặc dù biết, đây không phải đi chơi mà là đi thực tế khảo sát, thu tập dữ liệu để bổ sung kiến thức cho kỳ thi cuối năm. Thời gian này, tôi đang học chứng chỉ Địa Chất Thâm Cứu sau đại học. Chuyến đi gồm có thầy và khoảng mười sinh viên như Kim Hài, Lê Thị Đính, Phù Dung, Đặng Công Minh, Nguyễn Điền Thuận… Xe khởi hành vào buổi trưa, nhưng chậm trễ vì lý do gì tôi không nhớ, chỉ nhớ khi đến cầu Rạch Hào thì trời đã nhá nhem. Thầy hỏi vui: “Các anh chị nhớ vụ án trên cầu này không?” Chúng tôi nhìn nhau, chắc là ai cũng nhớ. Cách khoảng hơn mười năm trước, có năm người đẹp tuổi đôi mươi lái xe ra Vũng Tàu nghỉ mát và gặp tai nạn trên đường về. Xe tông lan can rơi xuống cầu. Một trong bốn cô yểu mệnh là con gái của vị luật sư có thế lực nhất Sài Gòn. Báo chí tốn rất nhiều giấy mực đưa tin, kết quả, cô gái sống sót phải chịu cảnh tù tội mặc dù người lái xe không phải là cô.


Thùy An và các bạn (Vũng Tàu 1970)

Hình như máy móc cũ quá, nên xe cứ chậm rì rì. Khi vào đến địa phận Vũng Tàu, trời đã về khuya, ai cũng than đói bụng, không còn lòng dạ nào thưởng thức cảnh đẹp đêm rằm của thành phố biển. Thầy bảo anh tài xế lái xe vòng vòng kiếm quán ăn. Xe chạy qua những con đường ven bờ đá, sóng vỗ rạt rào. Nhìn ánh trăng tròn đầy trên cao, thầy nói: “Các anh chị thấy mặt trăng giống cái bánh sinh nhật không?” Cả đám lao nhao: “Giống tô hoành thánh mì thầy ơi.”, “Em thấy như cái bánh xèo…”, “Như dĩa cơm chiên trứng…”, “Giống dĩa mì xào dòn thì đúng hơn.”… chưa bao giờ “tâm hồn ăn uống” của chúng tôi được diễn tả tượng hình như lúc này! 

Nhớ mãi đêm trên bãi biển, đám sinh viên cùng nằm dài trên cát, say sưa ngắm rừng tinh tú bao la và nghe thầy giảng nhiều điều thú vị, về các thiên hà, về huyền thoại của ngôi sao Hiệp Sĩ, về một ngày mặt trời cháy hết khối hélium bao bọc bên ngoài, thái dương hệ của chúng ta sẽ chìm vào bóng tối…

Rồi tôi cũng được đến thành phố ước mơ, không chỉ một lần. Nhớ thời gian mười lăm ngày tham dự trại Viết Tiểu Thuyết do Hội Nhà Văn Thành Phố tổ chức ở Nha Trang vào năm 2003,  rất vui. Các hội viên đủ mọi lứa tuổi như Minh Quân, Thanh Giang, Nguyễn Quang Sáng, Trần Thanh Giao, Kim Hài, Bích Ngân, Trương Nam Hương, Tố Hoài… Đời bỗng như trẻ lại khi nhóm chúng tôi  sáng sớm nào cũng ra biển xem mặt trời mọc, bơi lội, tản bộ rồi ghé quán cà phê tán dốc… ăn chơi nhiều hơn là hội thảo, sáng tác. Ấn tượng nhất là chị Minh Quân, đã trên 70 vẫn hồn nhiên lướt sóng, nhanh nhẹn không ai theo kịp, luôn miệng chê bai đám đàn em bơi dở quá. Chị đã ra đi, cả thầy Trần Kim Thạch và người bạn Lê Tự Rô của tôi… những cuộc chia ly không hẹn trước, thật ngỡ ngàng.


Bích Ngân, Kim Hài, Minh Quân, Thùy An (Nha Trang 2003)

Tôi quay về đường cũ, nhặt lại chiếc mũ được gió đẩy xa chân sóng, dãi lụa buộc cũng đã khô, bay phất phới trong nắng trưa. Trên trời, bầy hải âu vẫn chao liệng, ríu rít gọi đàn và dưới đất, một đàn chim khác xuất hiện với bộ lông màu xám, thân hình bé nhỏ, đôi chân thoăn thoắt trên nền cát trắng, tất bật đến lạ lùng! khiến tôi liên tưởng tới cô gái trong bài thơ Đi Chơi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp… Em đi chàng theo sau, em không dám đi mau, sợ chàng chê hấp tấp, số gian nan không giàu…

Tôi trở vào xe. Thầm nghĩ, không biết loài chim có dáng đi hấp tấp này tên gì và có phải là động vật đặc trưng cho vùng vịnh biển này không?

T.A
Houston 18/ 02/ 2012