Chiếc Áo Của Nhà Vua

Diễn Đàn Nhạc Việt 1996 – 2006
(Đăng Trên Báo Thể Thao Văn Hóa Số 82 Tháng 7/2006)

Tác Giả: Thùy An

Bàn về nhạc Việt chỉ trong vòng thời gian 10 năm trở lại, e quá giới hạn, khó mà diễn đạt hết những điều muốn nói, những nỗi bức xúc mà người nghe luôn bị tra tấn bởi thứ âm nhạc không biết phải xếp vào loại nào?!!?

Thời buổi khoa học kỹ thuật tiến bộ, máy móc hổ trợ phương tiện nên con người càng muốn phát huy khả năng… không có của mình. Anh gõ được vài nốt nhạc thì tự cho mình là “nhạc sĩ”, tôi nghêu ngao vài bài hát, cũng gọi là “ca sĩ” được rồi! Bởi thế cho nên, nhạc dở tràn ngập thị trường. Giai điệu đã tệ, lời lẽ càng thô thiển rẻ tiền mà một người có tí xíu nhân cách là cảm thấy xấu hổ, không dám nghe . Cũng sân khấu hoành tráng, cũng ban nhạc xôm tụ, tiếng đàn xập xình đệm theo tiếng hát. Có nên không? Có xứng không? Lời ca biểu hiện trình độ, xuất thân của “nhạc sĩ”. Họ ngộ nhận những “ngôn từ ngô nghê sống sượng” là “lời trong nhạc, trong thơ”, và ai là người có can đảm chuyển tải những lời lẽ lảm nhảm đó mà không ngượng mồm? Vậy là hình thành một loại quái thai thời đại được gọi là “ca sĩ” có mặt khắp nơi, từ những tụ điểm ca nhạc đến các phương tiện truyền thanh, truyền hình… đẩy trình độ người nghe nhạc xuống mức thấp nhất.

Giới trẻ bây giờ thưởng thức âm nhạc cũng có vấn đề. Các em khen theo lời khen của dư luận, rồi chê cũng theo lời chê của dư luận! Chỉ là một sự về hùa, không có lập trường dứt khoát, không dám đi ngược dòng, sợ bị mang tiếng là không… sành điệu!!! Rồi các em lập ra những băng ái mộ (mà sau lưng các em là… không nói ra nhưng ai cũng biết). Nhóm ủng hộ ca sĩ A, nhóm tung hô ca sĩ B… mỗi lần “thần tượng” lên sân khấu là các em như điên loạn, ngồi đứng không yên, la hét om sòm, hai tay đưa lên trời vẫy qua vẫy lại cho giống hình ảnh trong băng đĩa nước ngoài. Thời gian đâu để học hành? thật đau lòng và tội nghiệp! Lại nhớ đến chuyện “Chiếc Áo Của Nhà Vua”: Có hai tên thợ may siêu lừa đảo, chúng lấy rất nhiều vàng bạc nhưng lại may cho nhà vua một chiếc áo… vô hình, rồi xúm lại ca ngợi, rằng chỉ có người thông minh mới thấy hết sự tuyệt vời của chiếc áo. Chúng tâng bốc có “nghệ thuật” đến nỗi nhà vua tưởng thiệt, cứ thế tồng ngồng đi ra đường. Thần dân thấy rõ nhưng không ai phản ứng vì sợ bị chê là… không thông minh, cho đến khi một đứa bé la lên: “Ôi đức vua ở truồng!” thì nhà vua chợt tỉnh, hóa ra mình bị lừa.

Một nhạc phẩm tầm thường, một giọng hát chỉ toàn “gào” và “rú” nhưng được lăng –xê, ca ngợi lên tới trời, vậy là hóa ra “hay tuyệt” trong tai những người không biết nghe. Tiếc thay, họ lại chiếm số nhiều.

Thật ra, trong các ca sĩ trẻ hiện nay, có nhiều em chất giọng rất tốt, nhưng không có bài hay để hát . Quanh quẩn với những bài quen thuộc trở nên nhàm chán, các em muốn thay đổi mình bằng cách mua bản quyền một số tác phẩm mới. Các em cũng biết chọn mặt gửi vàng, tìm đến các nhạc sĩ trẻ có học trường lớp đàng hoàng, có người còn tốt nghiệp tận bên… Âu, Mỹ. Nhưng các em vẫn không thể tỏa sáng . Bởi nhạc sĩ bây giờ sáng tác bằng cái đầu hơn là bằng trái tim. Không phải họ kém tài, nhưng họ quan niệm bài nhạc có kỹ thuật càng cao, càng được kính nể (?!), nên vô tình, kỹ thuật đã giết chết nghệ thuật! Cũng như ca sĩ, các em chọn hát những bản nhạc khó để chứng tỏ tài năng và bản lĩnh của mình (?!), thế là từng giai điệu lên thác xuống ghềnh xuyên từ tai nọ sang tai kia rồi hòa tan trong không khí, chẳng lưu lại chút gì “để thương để nhớ” dù chỉ là một dấu vết nhỏ nhoi.

Xa rồi cái thời nghe… Mưa rơi hiu hắt, ai sầu mùa đông, không gian u ám sương mờ mờ buông, xa trong đêm vắng tiếng chuông buồn ngân… để cảm nhận được làn hơi lạnh se sắt trái tim… (Tiếng Thời Gian –Lâm Tuyền); hay… Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay, nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say, lối em đi về trời không có mây, đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy… gợi nhớ về kỷ niệm, hình ảnh đường xưa lung linh hoa nắng và tà áo người xưa giờ xa khuất nẻo mây…(Hạ Trắng –Trịnh Công Sơn).

Và gần đây là những giai điệu đẹp của …Còn thương nhớ nhau về thắp sao trời, còn thương nhớ nhau từng đêm bão tố, tóc ướt trăng thề, lời yêu chưa nói trên môi vụng về… (Không Còn Mùa Thu –Việt Anh); và… Vẫn biết mây trời bay về một nơi xa lắm, vẫn biết anh giờ đây ở một nơi xa lắm, vẫn thương thật nhiều, vẫn yêu thật nhiều, vẫn luôn chờ mong, để chiều nay phố biển đẹp như mơ… (Trưa Vắng –Dương Thụ, Huy Tuấn), hay …Người về đây với anh, cùng tình yêu khát khao, hòa mình trong ánh sáng vút cao như đàn chim trời…(Giấc Mơ Tình Yêu –Tường Văn) dễ dàng đi vào lòng người những cảm xúc bâng khuâng.

Nói như vậy, không phải phủ nhận tất cả. Mười năm qua, có bao nhiêu bài hát hay còn đọng lại trong tâm tưởng người nghe? Vẫn có những nhạc sĩ tài ba, những nhạc phẩm giá trị cả về mặt kỹ thuật và nghệ thuật, gây được tiếng vang, nhưng rất hiếm hoi. Vì “lượng dở” nhiều quá nên “phẩm hay” bị che lấp. Còn một điều sai lầm, vài ca sĩ “ngôi sao” cứ tưởng mình có giọng tốt thì hát bài gì cũng hay, nên thường gây sốc cho người nghe, nhất là khi “tự biên tự diễn” những bài hát không giống ai
!

Thùy An