Ba tôi hồi còn sinh tiền, năm bước qua tuổi 70, ông thường lấy tấm hình chụp chung với các bạn học cùng lớp ra xem, toàn là nam, cũng khoảng trên 20 bác, và cứ thế, ông lấy bút đánh dấu tên những bạn đã sớm từ biệt thế gian.

Tôi bây giờ cũng sắp 78, trong lúc trí óc còn minh mẫn, bèn có một sáng kiến... lửa, bắt chước ông làm một cuộc điểm danh.

Trước tiên, phải thả hồn về miền ký ức, thuở áo trắng học trò dưới mái trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng (niên khoá 1957-1964), vẫn còn thấp thoáng đâu đây hàng phượng vĩ toả bóng mát lên khoảng sân cát trắng, lên tóc, lên vai các bạn tôi đang chạy nhảy nô đùa... 7 năm trời dùi mài đèn sách bên nhau, biết bao là kỷ niệm... và tôi mở album ra, tìm lại những gương mặt thân quen... và bắt đầu... nhớ.

Vào mùa khai giảng 1957, có 4 lớp đệ thất . Tôi học đệ thất 1, toàn con gái. Đệ thất 2 chỉ có hai bàn nữ, còn bao nhiêu chỗ, nam sinh chiếm hết: thất 2, thất 3 và thất 4.

Tôi còn nhớ tên các bạn đầu sổ điểm danh theo thứ tự alphabet:
-Nguyễn Thị Ái
-Đinh Thị Kim An
-Trương Thị Thu An
-Hồ Thị Bán
-Nguyễn Thị Trân Châu
-Phạm Thị Quỳnh Chi...


Năm đó, chúng tôi học 2 sinh ngữ, nhưng qua năm 1958, lên đệ lục, chúng tôi phải chọn học Anh Văn (lục 3 và 4) hoặc Pháp Văn (lục 1 và 2).

Tôi đâu biết gì, Ba quyết định tất cả. Pháp Văn! khổ thân tôi, vì xưa Ba làm việc cho chính phủ Pháp, nói tiếng Tây như gió, muốn tôi nối dõi nên suốt ngày tra khảo: "Donner quelque chose à quelq'un..." hoặc gì gì nữa mà tôi quên mất, chỉ biết suốt ngày tôi tra Tự điển, tập làm thơ tiếng Tây, nào là "coup de foudre", "tomber amoureux", "Le coeur a des raisons que la raison ne connait pas" "Je t'aime de tout mon coeur" hi hi hi, lâu quá nhớ lỏm bỏm không biết gõ đúng không nữa (!!!???)

Tôi học lục 2, ngũ 2 và tứ 2. Nam sinh chiếm đa số. Nữ sinh chỉ có 3 bàn. Bàn đầu: Thu Hà, Thu Hồng, Quỳnh Chi, Bảo Hoà, Thêm. Bàn nhì: Ái, Bích Lan, Yến Loan, Hồng, Duyệt. Bàn 3: Thu Liên, Trang, Lạc Giao, Kim Oanh. Bên nam sinh thì có Mai Xuân Lương, Phạm Ngọc Chấn, Lê Văn Chơn, Lê Tự Rô, Khương Đại Lượng, Phan Văn Chín, Từ Văn Xin, Nguyễn Văn Khánh, Cao Ngọc Trãn, Tôn Thất Toản ...

Bước vào đệ nhị cấp, phân ban A, B và C, chúng tôi lại học chung, chỉ đến giờ Sinh ngữ mới tách riêng thôi. Tôi chọn A (Lý Hóa - Vạn Vật), tái ngộ cùng các bạn đệ thất 1 năm xưa như Thành, Thái, Đóa, Phú, Lựu, Kim An, Lệ Hằng..., các bạn bên Tứ 1 như Trương Công Siêu, Nguyễn Hữu Lân, Trần Duyệt Tảo... các bạn ở các trường tư thục chuyển qua: Kim Ngân, Như Hảo, Nga, Vương Ngọc Hà, Phan Xuân Tứ... qua đệ Nhất, còn có Vũ Văn Long, Hồng Vân, Thục Nhi (B qua), Bích Quân (Trưng Vương SG ra) và Mình Châu (Đồng Khánh Huế vô).

Nam sinh chọn B (Toán - Lý Hoá) rất đông, còn lại là C (Văn Chương -Sinh Ngữ). Cho nên, lên đệ nhị cấp, chúng tôi có 1 lớp A, 1 lớp C và 2 lớp B1 và B2.

Kỷ niệm thì rất nhiều, kể làm sao hết. Nhớ năm đệ thất 1, chúng tôi làm được tờ báo tường MẦM NON được thầy cô khen và Tết năm đó , chúng tôi còn dựng vở nhạc kịch KÉO GỖ LÀM ĐÌNH được vào chung kết, trình diễn trong đêm văn nghệ Tất niên (Xuân 1958). Và năm đệ tứ 2, vở nhạc kịch HÒN VỌNG PHU của lớp tôi cũng được trình diễn trên sân khấu trường đêm Tất niên (xuân 1961)...

Nhắc đến kịch, phải nói đến Bích Lan, diễn viên chính. BL là Bắc di cư, vào đệ thất, tình cờ ngồi cạnh rồi trở nên thân nhau. BL lớn hơn tôi, khôn ngoan lanh lợi hơn tôi nhiều, kịch bản do tôi viết nhưng chính BL mới làm đạo diễn. Phục nhất là màn BL đóng vai nàng Tô Thị hoá đá, y hệt như bức tượng, mặc cho bạn bè kêu réo chọc ghẹo, nó vẫn trơ trơ.

Lên đệ lục, tôi bắt đầu tập làm thơ, và thường chép thơ trong những cuốn sổ nhỏ bằng bàn tay. Và đồng hành cùng tôi là Thu Hà. Thu Hà ngồi bàn trước, thường hay mượn cuốn sổ thơ của tôi đem về nhà xem, không biết TH có làm được bao nhiêu bài thơ, tôi không tiện hỏi nhưng hai đứa xem ra cũng hợp nhau lắm. TH người Huế, mắt một mí, xinh như một cô gái Nhật. Có một kỷ niệm vui vui trong giờ Việt văn. Cô đọc: "Hà Lương chia rẽ đường này, bên đường trông bóng cờ bay bùi ngùi..."(Chinh Phụ Ngâm), trong lớp có bạn Mai Xuân Lương, thế là hai bạn bị cặp đôi Hà Lương, Hà Lương... tức quá, Hà lên méc và cô chỉ biết... cười.

Qua đệ tam, nhóm kịch Ái, Lan, Hồng, Duyệt tan đàn xẻ nghé, Hồ Hồng qua C, Duyệt vô Sài Gòn, Lan đi... lấy chồng. Nhớ Trang, ngồi bàn sau, hiền lành, nhân hậu. Trang là cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh, nhà Trang là đền thờ cụ, gần rạp ciné LiDo ở Ngã Năm. Chúng tôi thường hay ghé nhà nhau chơi và tình bạn ngày càng thân thiết. Hè 1961, Trang rủ tôi ra Huế thi vô khóa Nữ Hộ Sinh, nhưng tôi say no vì không thích. Bước vô năm học mới, tôi hụt hẫng vài tuần, nhưng không sao, còn biết bao bạn mới. Ấn tượng nhất là Bùi Thị HồngLê Thị Hoà, người Quảng Nam. Hồng có làn da trắng mịn, nụ cười răng khễnh có duyên, rất thích tôi và thường hay chép thơ Nguyên Sa tặng tôi: "Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay, tóc em anh sẽ gọi là mây, ngày sau hai đứa mình xa cách, anh vẫn được nhìn mây trắng bay..." hoặc: "Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng, tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân. Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân, vì anh gọi tên em là Nhan Sắc...". Hồng là em ruột thi sĩ Bùi Giáng, nhớ hôm nó cho tôi tập thơ Mưa Nguồn, tôi bị sốc khi thấy tác giả đề tặng Marylin Monroe. Hoà thì không thơ thẩn như Hồng, mà lại rất thích làm "mai mối". Không biết Hoà có bao nhiêu anh ruột, anh họ... mà lúc nào trong cặp cũng có vài tấm hình hotboy. Đây là anh A, học Sư Phạm, anh B học Văn Khoa, anh C học Nông Lâm Súc... chọn đi, mình giới triệu cho.

Tôi lại học cùng với Kim An, nhỏ bạn thân hồi đệ thất 1, sau này chọn Anh Văn nên hai đứa xa nhau. Kim An người Bắc di cư, hình như bạn vào Nam với gia đình người cậu, ba mẹ bạn ở lại Hà Nội nên ba mạ tôi thương lắm, thường kêu tới nhà ăn cơm. Nhớ có lần ba mua cho tôi và nó 2 cây viết Pilot có khắc tên, sau này liên lạc được, KA cứ nhắc hoài.

Một kỷ niệm với Đỗ Xuân Nho, học ban C. Nho (bút danh Triều Hoa Đại). Nho làm thơ và tôi cũng tập tành làm thơ gửi đăng báo. Hình như hè năm đệ tam, Nho rủ tôi và vài người bạn hùn tiền ra tập thơ Buồn Lên Đôi Vai.

Dù ban A, B hay C đều cùng trong niên khoá 57 - 64, chúng tôi có các bác sĩ: Trần Duyệt Tảo, Nguyễn Hữu Lân, Phan Xuân Tứ, Cao Ngọc Trãn, Khương Đại Lượng... các dược sĩ: Thu Liên, Thu Hà, Kim Ngân, Nguyễn Thị Em, Trần Thị Nga... Nha sĩ: Hồng Đoá, Nguyễn Văn Vượng... Mai Xuân Lương Phạm Ngọc Chấn được học bỗng du học Canada, Lê Tự Rô Sư Phạm Toán, luyện thi Đại Học rất thành công, danh tiếng vang xa. Viết đến đây, không thể không nhắc đến Tôn Thất Toản, Toản sau này là tỳ kheo Tịnh Đức, trụ trì chùa Đạo Quang ở Dallas -Texas, đức độ nhân hoà, được các Phật tử trân trọng, tôn kính. Đây là những người bạn quen, còn nhiều bạn thành công nữa cũng cùng khoá 57 - 64 mà tôi không rõ, nên không nhắc tên ở đây. Sorry.

Sau kỳ thi Tú Tài 1 trầy vi tróc vảy, chúng tôi bước tiếp lên đệ nhất, chặn cuối cùng của bậc Trung học. Năm nay, tôi ngồi gần Lựu, cũng người Quảng Nam, tóc dài, nhỏ nhắn, hiền lành, thích tâm sự. Thấy tôi thích hát, Lựu thường mua tặng tôi những bản nhạc mới phát hành, bìa in rất đẹp. Lựu họ Lưu, mỗi lần thầy Trầm kêu lên trả bài, thường gọi:"Lu thị Lụ.", không biết các bạn tôi còn nhớ không?

Bước qua thế kỷ 21, Trần Đình ThắngVương Ngọc Hà thiết kế trang Web PHANCHAUTRINH -MỘT THỜI ĐỂ NHỚ, toàn là phe mình nên tha hồ post lên Văn, Thơ, Nhạc... cùng hình ảnh mấy ôn mụ trẻ mãi không già, đẹp hoài không xấu hi hi hi

Cũng muốn nói lên đây một niềm tự hào chưa có dịp khoe, là ban A chúng tôi tuy khô như ngói, lạnh như tiền, suốt ngày cứ Tim gan phổi phèo, hệ Thần Kinh Não Tuỷ, rồi thêm Tốc Độ Ánh Sáng, Con Lắc Ka Te nữa chớ... nhưng tâm hồn văn chương bạn nào cũng lai láng tràn đầy như sóng nước trùng dương, không ban nào bì kịp (xin đừng ném đá). Chúng tôi đã gặp lại các bạn từ lâu đã mất liên lạc, Và càng vui hơn nữa khi thế giới ngày càng phẳng, chúng tôi đã gửi cho nhau những lời thăm hỏi, chúc mừng... trên những trang Facebook.

Ngoài những bạn sống xa quê hương, các bạn trong nước hiện có 2 nhóm: Sài Gòn và Đà Nẵng, lâu lâu cùng đi chơi đây đó... cũng vui lắm. Nhưng đó là chuyện của những năm về trước, quỹ thời gian cạn dần, ai còn sức khoẻ cứ đi chơi, ai yếu thì không nên ra gió, ai đau thì cố gắng chữa trị, còn thở là còn vui rồi. Thương tiếc các bạn đã ra đi: Lưu Thị Lựu, Lê Tự Rô, Phạm Thị Duyệt, Cao Ngọc Trãn, Nguyễn Hữu Lân, Bùi Thị Hồng, Trần Duyệt Tảo, Lê Văn Tiên, Nguyễn Phước Đãi, Nguyễn Đức Trì,Tôn Thất Toản (Tỳ Kheo Tịnh Đức)...

Đời người như gió qua, rồi chúng ta cũng sẽ gặp nhau.


Cali, một ngày tháng tư đầy gió.