Đi  Qua  Thời  Gian



Cô Thùy An, cô Mai Hoa và các em cựu học sinh trường QGNT

Buổi sáng nhận được email của một Fan Tuổi Hoa ở Mỹ: “Cô ơi, cô vào Link này xem, tủ sách Tuổi Hoa đang được in lại và rao bán trên mạng, cô đã biết chưa?”. Đó là trang Web của Fatima Company – Sản phẩm Công giáo tên mạng, giới thiệu Tủ Sách Tuổi Hoa, mới phát hành 9 cuốn, trong đó có Chân Dung Hạnh Phúc của tôi, cái bìa được vẽ lại với cây thánh giá làm tôi choáng váng. Thật ra, cuốn này tôi cũng đã được tái bản nhiều lần, nhưng vẫn giữ hình bìa cũ và lúc nào cũng được xin phép, có nhuận bút và sách biếu đàng hoàng. Đằng này, tôi hoàn toàn không hay biết gì cả, hỏi có đáng tức không? Vậy mà, gọi đến số điện thoại tìm thấy, nhận ngay lời xin lỗi và một cái hẹn. Thế là hết giận, còn cảm thấy vui vui.

Bạn bè sau này gặp lại, ai cũng bảo tôi là con người dễ tha thứ. Không sai mà cũng không đúng. Hồi còn trẻ, tôi cũng sân si đầy mình, ích kỷ, tự cao và đôi khi xem thường người khác. Nhưng thời gian qua, theo giòng đời lên thác xuống ghềnh, bị đẩy xô bầm dập, lòng háo thắng dần đằm xuống, tôi nhận ra được một điều, nếu mình luôn mở lòng ra, yêu người, yêu đời, nhìn mọi việc bằng đôi mắt bao dung hơn, thì sẽ được “lại quả” gấp nhiều lần như thế.

Nghe phong phanh trong dư luận học trò, có hai em ngày xưa học cùng một lớp, bây giờ bất đồng quan điểm đến nỗi không thèm nhìn mặt nhau. Cô bạn đồng nghiệp tỏ ra ái ngại, nhưng tôi nói, yên tâm đi, đây là trường hợp “một khu rừng không thể có hai chúa Sơn lâm”, chuyện không có gì mà ầm ĩ, tại hai “con cọp” ấy chưa đến tuổi 60 nên tâm chưa tĩnh, cứ chờ đi, rồi mọi việc sẽ ổn thôi.

Càng về già, con người càng muốn tìm về những ký ức ngày xưa. Chợt nhớ đến bốn câu thơ trong tập san của trường Cường Để (Qui Nhơn):

Kỷ niệm không là gì

Nếu thời gian bôi xóa
Kỷ niệm là tất cả
Nếu lòng ta khắc ghi


Ai cũng có những nỗi niềm riêng, những hình bóng cũ, những kỷ niệm êm đềm…những điều muốn nói khó giữ mãi trong lòng. Vậy là viết. Đâu cứ là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà sử học… chỉ cần trải hồn ra trang giấy, viết bằng trái tim, bằng tất cả tâm tư, đó là điều thú vị nhất. Tôi đã được đọc nhiều tập san của các cựu học sinh trường Quốc Học, Đồng Khánh (Huế), Phan Thanh Giản, Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), Cường Để (Qui Nhơn)… có những bài viết của các tác giả không chuyên nhưng thật hay, đầy cảm xúc. Trường của chúng ta cũng đã có cuốn Hoài Niệm, nhưng hình như các em cảm thấy chưa đầy đủ, nên năm nay lại bắt tay vào làm cuốn thứ hai.

Thấy các em nhiệt tình hăng hái kêu gọi viết bài, gom bài, sưu tầm hình ảnh, vẽ bìa… Tôi là cô giáo, đứng bên lề sao được. Nhưng biết viết gì đây? Bao nhiêu ký ức về trường lớp, học trò, sinh hoạt báo chí, văn nghệ… đã có hết trong tập trước rồi. Vậy thì tập này, viết về những điều xảy ra gần đây thôi, khi gặp lại vài em học sinh cũ lần đầu tiên đến tham dự ngày họp mặt thường niên.

Đó là buổi họp mặt 20 tháng 11 năm 2007, một phụ nữ trung niên tươi tắn xuất hiện, ôm chầm lấy tôi: “Cô, cô nhớ em không cô?” Tôi hoàn toàn không nhớ, nhưng không nỡ lắc đầu: “Em là…” “Em là Ngãi, học lớp cô chủ nhiệm đó.” “Sao lâu nay em không đến?” “Em ở Đà Lạt nên không biết gì cả. Vừa rồi các bạn báo tin, em thu xếp công việc xuống Sài Gòn ngay. Em vui quá.” Rồi Ngãi lục túi xách lấy ra một tờ giấy vở đã úa vàng. Tôi lặng người vì xúc động. Đó là bài viết tham gia báo tường của em, có nét chữ đỏ của tôi sửa một vài chỗ, điểm A cùng chữ ký. “Cô nhớ bài này không cô?” Tôi cười: “Chà, được điểm A của cô không dễ mô nghe.” “Em vẫn giữ mãi bài viết này để kỷ niệm cô ơi.”

Rồi một người đàn ông bước đến, cao lớn, vạm vỡ: “Còn em nữa nè, cô nhớ không?” Lần này thì tôi lắc đầu chịu thua. “Em là Hưởng –Lê Cao Hưởng, làm nghề xe ôm nhưng em thuộc nhiều thơ của cô lắm đó.” Lại bồi hồi khi nghe Hưởng đọc vanh vách những bài thơ một thời thanh xuân của mình. Không ngăn được nước mắt. Đó là hai sự kiện làm tôi sung sướng và cảm thấy nghề dạy học của mình được an ủi biết bao!

Ngày 20 tháng 11 năm sau (2008), giữa đám học sinh quen thuộc, một gương mặt lạ lẫm xuất hiện: “Cô ơi, cô nhớ em không cô?” Lại quên. Tôi cười lắc đầu: “Cho cô xin lỗi, lâu quá…” “Em là Linh Diệu nè. Cô ơi, thấy cô là em nhớ ngay bài Hệ Thần Kinh Não Tủy, dễ sợ quá, khó thuộc quá cô ơi.” Tôi nghe mà không nín được cười, mấy chục năm qua rồi, vẫn còn “ác mộng” sao em? Bài này đúng là “hung thần” của học sinh trong chương trình Vạn Vật lớp12. Trông Linh Diệu hồn hậu và chất phác quá, thật dễ thương.

Qua 2009, trong buổi họp mặt, có Trần Văn Đạt ở Đà Nẵng vào. Gặp tôi, em rất mừng: “Đọc bài cô viết trong cuốn Hoài Niệm, em vui quá, không ngờ cô còn nhớ, còn nhắc đến tên em.” Bỗng nhớ đến hôm phát hành cuốn Hoài Niệm ở Đà Nẳng, một em học sinh gọi điện cho tôi: “Cô ơi, sao trong bài cô viết, không nhắc đến tên em? Em buồn quá.” “Trời đất, cô làm sao nhớ hết được. Thôi để cô gửi tặng em cuốn sách của cô nhé.”. Hình như em tên là Lệ Nhi hoặc Lan Nhi (??? Xin lỗi nếu không đúng), ở đường Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Tôi gửi em cuốn sách nhưng không thấy hồi âm gì cả.

Những buổi họp mặt ở Sài Gòn dù xa dù gần, dù tuổi già sức yếu tôi cũng ráng đến với các em. Quỹ thời gian không còn nhiều, gặp nhau được ngày nào hay ngày ấy. Tôi sắp 70, còn các em xấp xỉ 60 rồi, nhưng vẫn còn đủ sức tham gia văn nghệ văn gừng rộn rã. Viết đến đây, không thể không nhắc đến hôm Kim Cúc vừa từ Mỹ về ăn Tết. Có những buổi họp mặt rất vui giữa cô trò, ăn uống, hát hò… Ngày xưa, từ bục giảng đến các dãy bàn học sinh có một khoảng cách khó gần, thì bây giờ không còn nữa… Tôi hát chung với Kim Cúc bài “Hương Xưa”, với Giang Thị Dung bài “Mùa Thu Mây Ngàn”… Tôi hòa niềm vui cùng Chi Lan, Thanh Giang, Kỳ, Kiệm…Lòng già như trẻ lại, tuổi hoàng hôn còn thú vị nào bằng!

Cám ơn các em học sinh của tôi.

                                                                                 Ngày 2 tháng 4 năm 2010
THÙY AN