Dòng Thời Gian

Viết cho các học sinh U55 của tôi –THÙY AN

Tôi bước vào nghề dạy học là một sự tình cờ. Từ thuở bé, tôi đã nuôi nhiều ước mơ. Những giấc mơ đầy tham vọng và đôi khi thật xa rời thực tế. Tôi muốn trở thành nhà Thiên Văn học, Khảo Cổ học, Kiến Trúc sư, Tiến sĩ và cả… Nghệ sĩ ! Ngành Sư Phạm không nằm trong bộ nhớ của tôi.

Năm đệ thất (lớp 6 bây giờ), tôi vẽ tranh được thầy khen đẹp, hẹn sẽ đem đi triển lãm, thế là giấc mơ được làm Họa sĩ cháy bỏng trái tim. Năm đệ tứ (lớp 9 bây giờ), tôi có một vài bài thơ được đăng báo… thế là giấc mơ trước nhường cho giấc mơ sau: giấc mơ trở thành… Thi sĩ ! Lên đệ tam (lớp 10 bây giờ), tôi học ban A, lại nghe lời xúi dại của đám bạn ban C, hùn tiền ra tập thơ “Buồn Lên Đôi Vai” gồm 6 tác giả nhưng tôi chỉ nhớ 2 tên là Triều Hoa Đại và Ngọc Linh Giang (?!)… Tôi là tác giả nữ duy nhất nên được ưu tiên nhàn hạ, mặc cho các bạn nam đi gom bài, xin giấy phép, rồi viết tờ quảng cáo xanh đỏ dán khắp các bức tường trong thành phố Đà Nẵng. Dạo đó, chúng tôi đang độ tuổi “teen”, mới tập tễnh làm thơ, chưa có kinh nghiệm trong việc thiết kế bìa, in ấn, nên tập thơ ra mắt bạn đọc vừa xấu, vừa dở, bị kiểm duyệt nhiều lại sai morasse be bét, nên lỗ vốn là điều đương nhiên. Tuy vậy, tôi được chút an ủi là nhờ tiếp thị, 2 bài thơ trong tập đã có người đồng cảm: anh bạn Nhật Ngân phổ nhạc bài Hờ Hững (Cành pensée tim tím, hoa pensée thanh thanh, tóc ai màu nhung nhớ, mắt ai màu xanh xanh…) và thầy Phạm Thế Mỹ phổ bài Buông Trôi (Giòng thời trôi mãi, cuốn mộng đẹp ngày xanh, phai tàn trên hoa thắm, lặng lẽ lá lìa cành…). Dù sau đó, nhạc phẩm không phổ biến được nhưng niềm vui trong tôi vẫn tròn đầy.

Có ai dám bảo rằng, đã là học sinh thì phải kính trọng tất cả các thầy cô? Không sai mà cũng chẳng đúng! Kính trọng thầy cô ư? Đồng ý, nhưng phải là thầy cô như thế nào? Khổng Tử từng nói: Quân Quân Thần Thần, Sư Sư Đệ Đệ, Phụ Phụ Tử Tử (Vua có ra Vua thì Tôi mới ra Tôi, Thầy có ra Thầy thì Trò mới ra Trò, Cha có ra Cha thì Con mới ra Con). Quan niệm “Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư”, “Tôn Sư Trọng Đạo” chỉ thích hợp với thời Khổng Nho mà thôi. Ngày ấy, học trò tìm đến những vị thầy đạo đức, uyên bác để thọ giáo, vừa học chữ, vừa học cách làm người. Thời nay, học trò không có quyền chọn thầy, mà gần như bị áp đặt !. Những năm tiểu học, tình cảm giữa thầy cô và học sinh rất sâu đậm. Tôi thương cô như mẹ, kính thầy như cha. Nhưng bước lên trung học, tình cảm ấy dường như phai nhạt dần. Càng lớn, biết suy nghĩ, tôi mơ hồ cảm nhận có những điều thật khó lý giải. Tại sao tôi thích học cô A mà không thích học với thầy B? Tại sao đang yên lành trong lớp cô C làm cố vấn (giáo viên chủ nhiệm bây giờ), tôi lại nộp đơn xin thầy Hiệu trưởng chuyển sang lớp của thầy D? Tại sao sau khi ra khỏi trường, có những thầy cô mình luôn luôn thương nhớ nhưng cũng có những thầy cô mình lại muốn quên đi?

Tôi nhận dạy lớp 8 và 9 trường Phan Thanh Giản như trả một… món nợ từ duyên kiếp trước, vì môn Công Dân Giáo Dục thật cách biệt với ngành học của tôi. Đối với tôi, nghề dạy không dễ dàng gì. Những người có năng khiếu sư phạm, dù tốt nghiệp với thứ hạng thấp, họ vẫn thành công trong việc diễn đạt, truyền lại kiến thức cho học sinh. Trái lại, có nhiều người học tốt nhưng dạy thì dở tệ, tôi là một trong số đó, không tự tin khi đứng trên bục giảng, tay chân thừa thải, lúng túng vụng về. Có lần, tôi suýt ngất xỉu vì lớp quá đông, học sinh chen lấn cãi cọ ồn ào khiến tôi không sao thở được. Tôi cố khắc phục nhược điểm của mình bằng cách nhủ lòng hãy bình tĩnh, rồi đọc thêm sách, soạn bài ngắn gọn, dễ hiểu và thường tổ chức những buổi thuyết trình vui nhộn để học sinh không nhàm chán môn học vừa phụ vừa khô khan này. Tôi dạy một tuần 1 giờ cho mỗi lớp, không nhớ trường PTG có bao nhiêu lớp 8 và 9, chỉ biết tôi là “Tổng tư lệnh” của 2 liên lớp này, mỗi lần các em làm bài kiểm tra là túi xách tôi nặng trĩu, rồi thức chấm bài đến trắng đêm. Tôi lập thang điểm rất rõ ràng khúc chiết, nhưng đôi khi cũng xảy ra sự cố, lời ong tiếng ve: “ Cô ơi tại sao câu này bạn X được 2 điểm mà em chỉ được1 điểm?”, “Tại sao câu này cô không chấm cho em?”, “Cô ơi, cô ơi…” Tôi lùng bùng lỗ tai, quay qua bên này: “À, để cô xem sao.”, rồi nhìn sang bên kia: “Đúng là cô quên, xin lỗi nhé.” Tôi thường giải quyết ổn thỏa mọi vụ kiện tụng và thích thú khi tìm thấy trong ánh mắt trong veo của đám học sinh bé bỏng hình ảnh mình ngày xưa, cũng háo thắng, cũng tranh chấp, cũng ganh tị với bạn từng điểm, hớn hở khi được điểm cao và khóc òa khi ham chơi quên học bài bị ăn trứng vịt!

Năm sau, tôi nhận dạy thêm môn Vạn Vật liên lớp 7. Đặc biệt có một lớp toàn nữ sinh, em nào cũng da trắng môi hồng, xinh như những thiên thần nhỏ. Nhớ chương trình có hai phần là Thực Vật và Động Vật, các em tha hồ phóng bút, tô màu cho những quả thông, hoa lúa, bạch tuộc, cào cào… hiện nguyên hình trên trang giấy trắng. Vui nhất là giờ chấm điểm hình vẽ, có cô bé tôi quên mất tên, vẽ cái đầu con nhền nhện giống y mặt… khỉ, vậy mà cứ năn nỉ ỉ ôi “Cô ơi, cô cho em 15 điểm nghe cô”!!!

Sau hai năm dạy dỗ, tôi nghĩ … mình không được lòng học sinh lắm, bằng chứng trong sổ góp ý của trường, có nhiều em phê bình tôi thẳng thừng “Cô dạy không hiểu gì hết”, “Cô dạy cũng được nhưng hơi ích kỷ” (tôi không hiểu em ấy muốn nói gì! ), “Cô độc tài, em không thích cô”…! Dạy học, thiên vị là điều tối kỵ. Tôi luôn tâm niệm rằng “học sinh có thể ghét mình, nhưng không thể khinh mình”. Cho nên, không phân biệt thân sơ, giàu nghèo, xấu đẹp… tất cả các học sinh đều bình đẳng trong mắt tôi.

Tiên học Lễ, hậu học Văn, nhưng không phải học sinh nào cũng lễ độ với thầy cô. Nhớ có lần phát bài kiểm tra, một học sinh không vừa lòng đã xé tan bài làm trước mặt tôi, cũng như một hôm tôi bắt được hai mẫu giấy đối thoại, có nội dung… tấn công cô giáo. Một em viết “Nghe nói cô này đậu cử nhân Luật, tao phải quay cho cô bí luôn”. Em kia trả lời “Được, tao ủng hộ mày” May quá, tôi chưa bị nhức đầu chóng mặt, vì cuộc nổi loạn đã bị dập tắt ! Bực mình thật, nh ưng rồi nghĩ lại, thôi chấp làm gì những phút giây bốc đồng của… con nít. Cuối niên khóa, ngồi trước chồng học bạ phê duyệt, tôi xem như tất cả các học sinh đều ngoan hiền, chăm chỉ. Học bạ là tấm hộ chiếu đưa các em vào đời, nếu có những lời nhận xét tốt, các em sẽ may mắn hơn trên bước đường tương lai.

Cuộc đời là dòng sông qua những bến bờ xa tít tắp. Bước chân vào đời, các em hòa tan theo con nước biến động triền miên, lên thác xuống ghềnh, khi êm ả nắng vàng, khi dập dồn bão tố, những vui buồn thời áo trắng dần xa… Thời gian trôi qua như giấc mộng, một sớm mai thức dậy, tôi chợt gặp lại những gương mặt thân quen khắp nơi tìm về…

Từ miền ký ức xanh thẳm, các em hiện ra như những đốm lửa hồng sưởi ấm buổi hoàng hôn. Có em từng học tôi, có em chỉ biết tôi qua những lần sinh hoạt văn nghệ, và có em chỉ học với thầy… nhưng tất cả đều thân ái, nhiệt tình, ríu ra ríu rít như bầy chim sẻ dưới mái trường xưa. Những nét mặt non tơ giờ đã bước vào tuổi trung niên. Dù gánh gia đình còn vướng bận, nhưng các em vẫn cố gắng sắp xếp thời gian cho những lần họp mặt với thầy cô. Không cần ngày kỷ niệm gì, hễ cảm thấy rảnh là các em phôn cho nhau, rồi “nhóm trưởng” Diệu Bích gọi điện: “Cô ơi, đi uống càfé nhé cô” hoặc “Cô ơi, tụi em mời thầy cô đi nghe nhạc.”, rồi “Cô ơi…” Giọng Quảng Nam nghe thiệt chất phác hiền hòa. Hà Thị Nga, cô bé trong ban Văn nghệ trường ngày xưa, ngoài tiếng ca mượt mà, còn có biệt tài nấu Mì Quảng ngon khỏi chê. Thế là: “Cô ơi, lên nhà em ăn mì Quảng, rồi hát Karaoke nghe cô.” Tôi hơi ngần ngại vì nhà Nga xa quá. Bạn bè xúm lại méc: “Cô ơi, Nga mới tậu một dàn Karaoke xịn lắm, độc quyền nhạc Phạm Duy đó cô.” Nghe cũng có lý, tôi đồng ý ngay: “Nga nè, cô sẽ hát bài Bên Cầu Biên Giới” Nga lắc đầu: “Không có bài đó cô ơi. Sở Thông Tin Văn Hóa chưa cho phép”. Cho phép hay chưa, chỉ là vấn đề thời gian. Cái ông Phạm Duy số đỏ thật! Nói nhăng nói cuội rồi cuối cùng cũng được trở về quê hương, được phổ biến những đứa con tinh thần với các thế hệ cháu chắt Việt Nam, thử hỏi, trên đất Mỹ, những Thuyền Viễn Xứ, Bà Mẹ Quê, Em Bé Quê… còn sống được bao lâu?

Nói đến hát hỏng, lại nghĩ đến Lê Thị Thu Thủy, cô học trò đồng hương ghiền Karaoke còn hơn… ma túy , mỗi lần từ Đà Nẵng vào, lại mời bạn bè thầy cô đi hát và nhất định phải được “song ca” cùng tôi . Nhớ sao cho hết! Học sinh PTG ở Việt Nam vẫn còn nhiều. Gặp mặt thường xuyên có nhóm Diệu Bích, Nguyễn Tuấn, Trần Thị Mai, Nguyễn Thị Mai, Hà Thị Nga… (xem hình kèm theo), thỉnh thoảng mới gặp là nhóm Thu Sương, Huỳnh Văn Xin, Nguyễn Đức Quý, Kim Trang… . Lâu hơn một chút, có Trần Kim Vân quanh năm đi làm từ thiện, ngược xuôi Nam Bắc tìm trường cho đám trẻ mồ côi, mỗi lần đến Sài Gòn là gọi điện ơi ới. Trần Thị Lưỡng ở Đà Nẵng thỉnh thoảng phôn vào thăm hỏi hoặc gửi cho tôi những món quà nho nhỏ đầy ắp thương yêu.

Trong cuốn Đặc San kỷ niệm 50 năm thành lập trường PTG, tôi đã kể nhiều về các em “nội địa”, bây giờ, xin “chuyển tông” qua các học sinh “hải ngoại”. Đầu tiên là đôi vợ chồng dễ thương Xuân Sang –Tuyết Hồng hiện định cư tại Úc. Ở Việt Nam xe cộ chạy lung tung theo kiểu “Trời kêu ai nấy dạ”, Việt kiều ra đường chỉ dám đi Taxi, vậy mà can đảm thay, Sang đã thuê chiếc xe gắn máy chở Hồng xuống tận Gò Vấp thăm thầy cô! Rồi Thanh Hồng, Ngô Thu Thủy, Xuân Mai, Huyền Linh… từ Mỹ cũng ghé về, chụp hình lưu niệm với thầy cô, để thấy rõ từng dấu chân chim trên đuôi mắt, những mái tóc từ muối tiêu đến bạc trắng mà ngậm ngùi! Thời gian không tha ai cả .

Hồi nhóm cựu học sinh trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng ở hài ngoại lập trang Web, Diệu Liên có lời mời, nhưng tôi do dự vì tất cả những kỷ niệm về trường lớp tôi đã gửi hết cho hai tờ Đặc San trong nước, không còn nhớ thêm được gì. Mới đây, Thiếu Lan lại mời nữa. Tôi email cho em “Cô có bài nhưng không dính dáng gì đến trường PTG cả, có được không?” Thiếu Lan reply “Dạ không sao, miễn đừng đụng đến chính trị là được” Từ đó, một vài bài thơ, truyện ngắn, tạp văn… của tôi có cơ hội xuất hiện trên trang Web của trường xưa. Thiếu Lan hiện ở Canada, phụ trách liên lạc và điều hợp trang Web, có trình độ thẩm mỹ rất cao. Hình ảnh em chọn để minh họa cho bài rất ấn tượng. Nét trinh nguyên thiếu nữ, rừng cây, hoa lá, sương mù, đồi thông, ánh nắng… luôn lấp lánh sinh động, làm đẹp và tăng thêm giá trị trang viết. Em là người đầu tiên tôi nghĩ đến khi làm bìa một cuốn sách, thế là tóm tắt nội dung gửi cho em và không quên nhờ vả “Thiếu Lan ơi, chọn bìa dùm cô với.”

Các em U55 và tôi thì đã U65 !!!, rảnh rỗi hẹn gặp nhau ít giờ, ở xa thì gọi điện hay email vài dòng thăm hỏi, thế là hạnh phúc cho tuổi già lắm rồi. Cầu mong tất cả chúng ta được nhiều sức khỏe để còn mãi bên nhau.

 

THÙY AN

(Dạy môn Công Dân và Vạn Vật trường PTG từ 1972 –1975)