ĐỨA  CON  CHỒNG

Thùy An -

 

Sống bên Phúc, điều làm tôi khó chịu nhất là ánh mắt đầy cảnh giác của bé Phương, đứa con gái riêng của anh, năm nay lên 10 tuổi.

Ngày quen Phúc, biết anh đã có một đời vợ, nhưng tôi vẫn đón nhận tình yêu của anh bằng một trái tim nồng nàn say đắm nhất. Mà không yêu anh sao được khi đối với tôi, Phúc đúng là một người đàn ông lý tưởng. Ngoại hình đẹp, có địa vị trong xã hội, lịch lãm, đàng hoàng và nhất là anh luôn đoán được ý của tôi để chiều chuộng, đáp ứng mọi yêu cầu dù khó khăn đến đâu. Khi hai đứa chuẩn bị tiến đến hôn nhân, Phúc nói với tôi:

-Như em đã biết, anh có một đứa con gái. Vì từ trước đến nay, anh ở một mình, lại đi công tác luôn, nên bé Phương phải ở với nội. Nay có em thì lại khác, bé sẽ về với chúng ta. Bé đang thiếu tình mẩu tử, anh tin rằng, em sẽ đem lại cho con niềm vui ấy.

Yêu Phúc, tôi chấp nhận tất cả, cho đến khi Phúc đưa tôi về thăm gia đình anh. Buổi gặp gỡ diễn ra tốt đẹp. Ba má Phúc rất có thiện cảm với tôi. Ông bà hỏi han tôi đủ chuyện và xem tôi như người thân trong gia đình. Chỉ có bé Phương, khi ông bà gọi bé ra chào, tôi thoáng thấy một sự căm ghét ánh lên trong đôi mắt tròn xinh.. Dù cố gắng cười thật tươi và đưa tay vuốt ve mái tóc mượt mà của bé Phương, tôi vẫn thấy không thích con bé vì trông nó giống hệt người đàn bà trong bức chân dung đặt trên bàn thờ, ngay phòng khách.

Rồi mọi việc diễn ra êm đẹp. Sau tuần trăng mật ở Đà Lạt, Phúc đón bé Phương về ở với chúng tôi. Vì cả Phúc và tôi đều đi làm, nên Phúc gửi con vào trường bán trú, chiều đón về. Những bữa cơm chiều thật tẻ nhạt. Dù Phúc cố gắng hâm nóng bầu không khí bằng những mẩu chuyện vui ở cơ quan, ngoài đường phố, trên thế giới… và tôi cũng muốn làm vui lòng anh, cười hòa vào câu chuyện, nhưng bé Phương thì không hưởng ứng, đôi mắt lúc nào cũng buồn xa xăm.

Càng ngày, tôi càng không ưa bé Phương dù tôi luôn luôn dịu ngọt với bé. Tất cả là vì bổn phận, vì Phúc mà thôi. Hầu như không bao giờ bé Phương gọi tôi là “má”, bé chỉ nói trổng khi cần thiết: “Mua cho con một cuốn tập.” hoặc “Cái áo của con bị rách rồi.”

Tôi buồn nhưng không biết tâm sự cùng ai. Một hôm, má tôi ghé nhà chơi, thấy “mẹ ghẻ con chồng” như mặt trăng với mặt trời, bà la:

-Con ăn ở làm sao để mặt mày con bé dàu dàu suốt ngày vậy?

-Tính nó khó chịu lắm má ơi.

-Khó chịu là thế nào? Con phải tìm nguyên nhân để chữa cái bệnh khó chịu ấy đi chớ.

-Con chả biết. Khi nào nó cũng nhìn con bằng đôi mắt kỳ cục, đầy ác cảm.

Má nhìn thẳng vào mắt tôi:
-Diễm, má hỏi thật con nhé, con có thương bé Phương không?

Tôi ngớ ra trước câu hỏi bất ngờ:
-Ơ… con…

Má tôi thở phào một cái, như tìm ra được chân lý:
-Đấy, má biết ngay mà. Diễm ạ, tất cả đều do nơi con mà thôi. Đã bao lần con nói với má là bé Phương ghét con , nhưng tại sao nó ghét con? Ngay cả con chó con mèo cũng vậy, mình thương nó thì nó quấn quít bên mình, mà thấy đâu xua đuổi đó, thì nó phải xa lánh mình thôi. Huống chi là con người! Con phải chăm sóc bé Phương bằng tình cảm của một người mẹ, chứ không phải vì bắt buộc. Con hiểu ý má chưa? Có như vậy, con bé mới thoát khỏi mặc cảm bị bố san sẻ tình thương cho người khác, nó sẽ không còn buồn nữa. Má tin rằng khi đó, bé Phương sẽ xem con như người mẹ thứ hai.


***

Suốt tuần nay, Phúc đi công tác tận ngoài Trung. Tôi thay thế anh, đi đón bé Phương mỗi chiều. Nghe lời má, tôi cố gắng chiều chuộng săn sóc con bé kỹ hơn. Nhưng vô ích, bé vẫn ít nói và không muốn nhìn tôi. Cho đến một tối, tôi đang xem TV, bé Phương đến gần, vẫn lời nói trổng:
-Con chóng mặt.


Tôi sờ trán bé thấy âm ấm nên lấy thuốc cảm cho bé uống, xong tắt TV, yên tâm đi ngủ. Nhưng đến nửa đêm, nghe tiếng ú ớ, tôi chạy qua giường bé Phương và hoảng hồn khi thấy người con bé như bốc lửa. Bé Phương đang trong cơn mê sảng, mồm gọi lung tung, ba ơi, nội ơi, dì ơi… tuyệt nhiên, bé không nhắc đến tôi nửa lời. Không quan tâm đến điều đó, tôi kẹp mạch, cạo gió cho bé, rồi bấm điện thoại gọi vài bác sĩ quen nhưng không mời ai được cả, người bận trực, kẻ ngại đường xa. Tôi nhìn lên đồng hồ, mới ba giờ sáng. Gọi taxi đưa bé đi bệnh viện, chỉ nghe vọng lại tiếng tít tít… không ai trả lời. Tuyệt vọng , tôi trở về ngồi bên giường bé Phương, cố gắng làm hạ nghiệt bé bằng cách chườm nước đá lên trán.

Vắng Phúc, tôi mất hết bình tĩnh. Tôi run rẩy đập đá bỏ vào bao như trong cơn mộng du. Có lúc tôi đập cả vào tay, đỏ ửng, tê buốt. Nhưng tôi không cảm thấy đau, tâm trí tôi bây giờ để hết vào bé Phương. Phương ơi, cố gắng lên con, đợi đến sáng, má Diễm đưa đi bác sĩ. Nhìn thân thể ốm yếu của bé Phương thoi thóp dưới tấm chăn mỏng, tôi sợ và thương bé nhói lòng. Trời ơi, nếu bé có mệnh hệ nào? Tội nghiệp bé, mới 5 tuổi đầu đã mất mẹ và suốt 5 năm tiếp theo, bé không được sống gần cha. Vậy mà khi được về ở với cha, bé lại bị trở thành người xa lạ ngay trong mái ấm của mình. Tất cả đều tại tôi. Phúc là đàn ông, ít có điều kiện gần gủi con gái, nên anh đã trao bé Phương vào tay tôi với sự tin cậy tuyệt đối. Và tôi đã đối xử với đứa con chồng ra sao? Vì ích kỷ, vì hờn ghen với người đã chết, tôi nỡ lạnh lùng với một tâm hồn bé bỏng bơ vơ. Phương ơi, hãy tha thứ cho má. Tôi cầm bàn tay nóng hổi của bé Phương, khóc nấc lên. Những ngón tay nhỏ bé nhúc nhích, tôi nhìn lên. Bé Phương đã tỉnh, đôi mắt tròn hé mở:
-Con khát nước.

Tôi đỡ bé dậy, đưa ly nước kề miệng bé, áp má vào tóc bé, nước mắt tôi chảy ướt cả vầng trán bé. Uống xong ngụm nước, bé ngước nhìn tôi:
-Sao má Diễm khóc?

Lần đầu tiên tôi nghe tiếng “má” rất chân tình. Tôi đưa tay xóa nước mắt:
-Má… lo quá. Má mời bác sĩ nhưng không được… má…

Bé Phương vòng tay ôm lấy người tôi:
-Con đỡ chóng mặt rồi. Má Diễm đừng lo nữa.

Tôi cảm động hôn lên trán bé. Bỗng bé nói:
-Con không thích ngủ một mình đâu.

Tôi siết chặt bé vào lòng:
-Má ngủ với con nhé. Ngay từ bây giờ.

Bệnh của bé Phương kéo dài cả tuần. Một mình tôi săn sóc, lo lắng cho bé và trong thời gian này, tôi thấy thương bé thật sự cũng như càng ngày, bé Phương càng quyến luyến tôi.

Bây giờ, tôi là người đàn bà hạnh phúc nhất trần gian. Bên cạnh tình yêu nồng nàn của Phúc, tôi còn có bé Phương lúc nào cũng “má Diễm, má Diễm”. Ôi, sự tiên đoán của má tôi thật y như thần!

                                                                                 T.A