ĐỨA  CON  THỨ  TÁM

Nguyên tác: Him Li Co
Truyện thiếu nhi –Tác giả Micheline Maurel

Thùy An dịch

Có một thanh niên người Pháp, anh ta sống ở nước Pháp –chắc các em sẽ kêu lên: “Dĩ nhiên” –thế nhưng bố mẹ của anh lại đã từng có một thời gian dài sống bên Tàu, tức là nước Trung Hoa, một xứ sở xa xôi ở phương đông của nước Pháp kia đấy. Anh rất nghèo, nghèo đến nỗi tài sản chỉ vỏn vẹn có một bức ảnh chân dung của bà cố người Tàu mà anh chưa bao giờ biết mặt. Bức ảnh thật kỳ bí với nụ cười ẩn hiện trong đôi mắt xếch. Bà ngồi trên chiếc ghế bành chạm trổ sơn son thếp vàng, trên đầu che lọng viền riềm xanh lục, bàn tay trái đeo đầy nhẫn mặt ngọc đặt trên đầu gối, trông linh hoạt như sắp cử động. Bà mặc áo dài gấm màu nâu có ánh vàng và đôi chân bó bé xíu mang một đôi guốc kỳ dị, cao như hai chiếc ghế để gác chân.

Một hôm, nhân dạo chơi công viên, chàng thanh niên ấy có dịp làm quen với một cô gái xinh xắn. Anh kể cho cô nghe về nước Tàu xa xôi ở phía mặt trời mọc, về bà cố người Tàu của anh. Họ thường gặp nhau và một hôm cô nhận lời cầu hôn của anh. Họ lấy nhau và sinh rất nhiều con. Các em ạ, câu chuyện đến đây không phải là hết mà là mới bắt đầu!

Họ sống với nhau hạnh phúc nhưng không mấy sung sướng. Lương người chồng ít quá mà lại đông con. Họ phải mặc áo vá chằng chịt và có khi cả tuần chỉ được ăn bánh mì chay vì thiếu tiền mua thức ăn.

Ngày đứa con thứ sáu ra đời, người vợ trẻ tuyên bố đây sẽ là đứa út. Chị không muốn sinh thêm nữa vì nuôi không xuể, nhưng bà cụ hàng xóm khuyên:

-Chị ạ, nên sinh thêm một đứa nữa. Đứa con thứ bảy bao giờ cũng mang may mắn đến cho gia đình như trong chuyện “Cậu bé tí hon” ấy.

Người chồng phụ họa:
-Phải đấy. Ở nước Tàu người ta cũng tin như thế.

Năm sau, đứa bé thứ bảy ra đời, mang may mắn đến. Ngày sinh bé, người chồng xin được việc làm mới lương cao và từ đấy gia đình trở nên sung túc. Dần dà, họ đã có được căn nhà khang trang, mướn được một bà bếp và một bác làm vườn nữa. Bức ảnh của bà cố Tàu được trân trọng treo phía trên lò sưởi.

Bảy đứa con được đặt tên theo thứ tự vần A, B, C…Đứa đầu trai tên Alain, đứa nhì là gái tên Brigitte, đứa thứ ba là trai tên Charlie… cứ thế, xen kẽ năm một, cứ một trai lại đến một gái, lần lượt có tên Danielle, Eric, Fanny và Gérard là trai út. Cả bảy đứa trẻ đều xinh đẹp, tóc nâu óng mượt và mắt hơi xếch giống bà cố Tàu. Chúng rất ngoan, ngoại trừ đôi lúc có tranh cãi nhau chút đỉnh. Alain dẫn đầu bày ra những trò chơi vui nhộn ở ngoài vườn, ở trong nhà, ở mọi xó xỉnh… Hàng xóm mỉm cười thú vị khi thấy bà vú già hoặc người mẹ đứng trước hiên gọi tên đầy đủ từng đứa trẻ vào ăn cơm. Còn người bố bao giờ cũng vắn tắt: “A, B, C, D, E, F… vào ăn cơm.” Họ thường kháo nhau: “Bảy đứa con sinh năm một, rất thứ tự, cứ một trai lại đến một gái. Bé út Gérard là trai, nếu có thêm đứa thứ tám chắc hẳn phải là gái.” Cả bố mẹ chúng cũng nghĩ thế, nhưng họ đều không muốn có thêm đứa thứ tám. Cho đến khi Gérard lên bảy…

Ngày sinh nhật Gérard, bữa tiệc gia đình có một cái bánh lớn, cắm bảy ngọn nến, ánh sáng phản chiếu lấp lánh trên những mặt nhẫn ở các ngón tay bức chân dung bà cố Tàu. Bọn trẻ rất vui, không để ý thấy bố mẹ chúng dường như đang có điều bận tâm. Chúng rất ngạc nhiên khi nghe bố bảo:

-Các con ạ, bố muốn báo cho các con biết, các con sắp có thêm một em gái. Bố muốn chúng ta cùng nhau tìm cho nó một cái tên vần H. Nào, ai tình nguyện đi lấy quyển tự điển ra tra xem…

Bọn trẻ đồng thanh: “Để con” rồi cùng chạy ùa đi.

Gérard quay lại trước tiên, cậu hô: “Hortense”, Brigitte tiếp: “Honorine”. Charlie nói: “Hélène”…
Cuối cùng, tên Hélène được mọi người đồng ý.

Ít tháng sau, đứa con thứ tám ra đời. Nhưng mọi người đều chưng hửng: trước hết, đó là một bé trai chứ không phải là gái như mong đợi; thứ hai, bé không giống ai trong gia đình cả mà lại giống bà cố Tàu với màu da vàng, mắt xếch và tóc đen; sau rốt là cái tên Hélène chuẩn bị cho con gái không thể dùng được. Mọi người lại một phen nữa tra hết mấy quyển tự điển trong nhà để tìm một cái tên khác có vần H: Hughes, Honoré, Hippolite, Hyacinthe, Hubert, Henri. Tất cả tên con trai có vần H tìm được ở tự điển chỉ có bấy nhiêu thôi. Alain bàn:

-Không nên lấy tên Hughes, nghe giống tiếng thú gầm rú hoặc tiếng hú của thổ dân da đỏ: hug, hug…

-Cũng không nên lấy tên Honoré –Brigitte góp ý –nghe giống tên cái bánh kem Honoré.

Charlie đề nghị:
-Trong số tên vừa tra được, chỉ có Henri là hay nhất.

Nhưng mẹ không thích cái tên ấy. Bà có xem một phim về Henri VIII, một ông vua nước Anh vừa phàm ăn vừa dã man, đã giết chết hết các bà vợ, thật không thể nào ưa nổi…

Danielle nói:
-Hyacinthe nghe giống như hoa huệ (Jacinthe), còn Hippolite thì nghe thật buồn cười. Hay là ta lấy tên Hubert?

Bố bảo:
-Hubert trùng tên vói bác làm vườn, đâu có được.

Gérard rụt rè:
-Ở lớp con học có một bạn tên là Hervé.

Fanny –học cùng lớp với Gérard –cướp lời:
-Không được. Hervé dữ quá. Bạn ấy có lần nhéo chị đau điếng, đến bây giờ vẫn còn dấu sẹo. Chị không thích em chúng mình mang cái tên của kẻ dữ dằn.

Alain lại đề nghị:
-Có cái tên tiếng Anh là Harold được không?

Bố lại phản đối:
-Bố thích tên khác. Harold trùng tên ông chánh văn phòng cau có ở sở bố.

Cứ thế các cuộc tranh luận kéo dài qua suốt các bữa cơm gia đình, ngày này qua ngày khác. Phải chi người ta có thể chọn tên một món đồ, một loại cây, một con thú… Dần dần, việc chọn tên cho bé biến thành chuyện vui đùa. Đã bảy ngày trôi qua, bé sơ sinh được gọi bằng đủ thứ mà vẫn chưa có một cái tên.

Buổi tối thứ bảy kể từ ngày sinh em bé, mọi người quanh bàn ăn lại khởi sự lần thứ hai mươi mốt bàn cãi về cái tên có vần H. Bỗng Gérard mặt tái xanh, tay run rẩy chỉ vào chân dung bà cố Tàu. Mọi người quay nhìn tấm hình, thấy bà cử động. Bà đứng dậy, một tay đẩy cái lọng, một tay nâng vạt áo, bước ra khỏi khung hình, đôi chân bó nhỏ xíu mang guốc đặt trên mặt lò sưởi. Bà lướt ánh mắt qua khắp mọi người rồi thong thả phán:

-Suốt bảy ngày qua mà các ngươi không tìm nổi cho cháu ta một cái tên. Vậy ta đòi nó lại.

Chân không chạm đất, bà lướt bồng bềnh băng qua phòng về phía chiếc nôi, cúi xuống cuộn đứa bé trong tã rồi ẵm lại chỗ bức khung hình. Vừa lúc bà đặt chân vào giữa khung hình, người mẹ gắng hết sức nhào về phía bà, cố gào lên: “Trả con tôi…” Nhưng bà cố đã yên vị trên chiếc ghế bành sơn son thếp vàng, lại bất động, bàn tay vẫn dịu dàng đặt trên đầu gối. Đứa bé không thấy đâu cả. Bố và mẹ cùng chạy lại chiếc nôi: nôi trống rỗng!!!

Mọi người chỉ tìm được một chiếc nhẫn nạm ngọc trên mặt gối trong nôi, nhìn lại các ngón tay trong hình thì thấy thiếu một chiếc nhẫn trên ngón trỏ, nơi ấy chỉ còn lại một vết trắng mờ. Rõ ràng không phải là một giấc mơ, ai cũng trông thấy bà cố Tàu trong khung hình bước ra, ẵm đứa bé chưa có tên mang đi đâu mất.

Bố và mẹ vẫn chưa chịu tin, họ cho là có ai đó ở ngoài đường vào bồng em bé đi. Nhưng kiểm tra lại, các cửa nẻo đều đang đóng và cài then bên trong, trên lớp tuyết phủ quanh nhà cũng không có một dấu vết nào. Bố hạ bức chân dung xuống để xem xét bức tường nhưng cũng chẳng thấy gì lạ. Ngay sau tường là căn phòng của bố mẹ, cũng không có chỗ nào để ẩn trốn. Họ mời cảnh sát đến nhưng cũng không điều tra được gì. Bố mẹ trước đây đều không mong có đứa con thứ tám nhưng nay nó mất tích thì lại thất vọng vô cùng. Mẹ chỉ muốn xé hay đốt bức chân dung nhưng bọn trẻ xúm lại năn nỉ mẹ đừng làm thế. Chúng nghĩ rằng chỉ bà cố Tàu mới biết hiện giờ em bé ở đâu và một ngày nào đó, có thể bà sẽ trả em bé lại. Bố treo bức tranh lên chỗ cũ. Rồi ngày này qua ngày khác, tuần nọ đến tuần kia…

Một đêm, Gérard thúc cùi chỏ đánh thức Alain:
-Anh ạ, chúng ta họp nhau lại cầu khẩn bà cố xem.

-Anh vẫn thường cầu khẩn nhưng bà cố không trả lời, cũng không nhúc ních.

-Đúng vậy. Em cũng cầu khẩn rất nhiều lần rồi mà vẫn không có kết quả. Nhưng nếu chúng ta họp nhau đủ cả bảy… chắc sẽ mạnh hơn.

-Ừ, bây giờ bố mẹ còn đang ngủ, vậy chúng ta rủ nhau đi ngay kẻo bố mẹ biết sẽ chọc quê đấy. Bố mẹ không chịu tin là bà cố đã ẵm em bé đi mất mặc dù lúc ấy bố mẹ cũng nhìn thấy.

Thế rồi cả bảy anh chị em đồng lòng đêm nay đến cầu khẩn tập thể. Cả bọn mặc nguyên bộ đồ ngủ, lẳng lặng chuồn ra khỏi phòng, theo hành lang tối đen lần đến phòng ăn.

Ánh trăng lọt qua khung cửa sổ chiếu sáng những đồ nữ trang lấp lánh trên bức chân dung. Cả bọn quì gối như lúc đi lễ nhà thờ. Alain thì thầm:
-Tốt nhất là để Gérard khấn vì nó nhỏ nhất.

Gérard thấp giọng:
-Kính thưa bà cố Tàu, chúng cháu gồm đủ cả bảy, cùng cầu khẩn bà cố trả em bé lại cho chúng cháu.

Bàn tay bà cố cử động rồi miệng mấp máy:
-Thế các cháu đã tìm được tên cho em bé chưa?

Gérard nhanh nhẩu:
-Vâng thưa cố, chúng cháu có thể đặt tên Hervé chẳng hạn.

Nhưng Fanny cãi ngay:
-Không, đó là tên người bạn độc ác đã nhéo cháu.

Bà cố mỉm cười:
-Ta thấy là các cháu chưa nhất trí với nhau được.

Eric thưa:
-Chúng cháu sẽ tìm ra. Tối mai chúng cháu sẽ thưa với cố.

-Thôi thì tối mai vậy.

Bà cố đáp xong, mắt lại ngưng thần và bàn tay trở nên bất động. Bọn trẻ đành lẳng lặng quay về phòng ngủ. Đến phòng, Charlie bàn:
-Mình phải nhắc chuyện chiếc nhẫn, chắc cố muốn lấy lại.

Brigitte nói:
-Chắc thế, nhưng chị nghĩ là kiếm tên cho em bé cần hơn.

Alain đồng ý:
-Đúng. Nhất thiết nội ngày mai phải tìm bằng được một cái tên.

Cả ngày hôm sau, bố mẹ không hiểu bọn trẻ âm mưu chuyện gì mà cứ chúi đầu vào xó nhà thì thầm to nhỏ.

Đến khuya, Gérard vừa thức giấc đã thấy Alain đang gọi Charlie và Eric, cậu cũng gọi Brigitte, Danielle và Fanny. Cả bảy lại kéo nhau chuồn theo hành lang tối đen đến quỳ trước chân dung bà cố. Alain dặn:
-Lần này anh sẽ nói đại bất cứ một cái tên nào đó, các em đều phải im mồm, nghe chưa?

Gérard khấn:
-Kính thưa bà cố Tàu, chúng cháu vâng lời cố dặn đã đến cả đây để xin cố trả em bé cho chúng cháu.

Tay bà cố lại dịu dàng cử động, ánh mắt long lanh:
-Thế các cháu đã tìm được tên cho em bé chưa?

Alain hãnh diện đọc một tên cậu tìm được trong truyện cổ:
-Thưa cố, tên Hercule.

Nhưng những đứa em lại thấy cái tên ấy dữ quá, chúng đồng loạt đọc những cái tên theo ý riêng: Hugo, Hardy, Harmonica, Hermann, Hydrogen...

Bà cố bảo:
-Chưa được. Các cháu vẫn chưa đồng lòng.

Daniell thưa:
-Ít nhất, xin cố cho chúng cháu biết hiện nay em bé đang ở đâu ạ?

Charlie nói theo ý mình:
-Cố có muốn lấy lại chiếc nhẫn không ạ?

Bà cố đáp:
-Nhẫn của ta? Hãy mang đến đây. Ta sẽ cho các cháu gặp em bé.

Gérard đến mở chiếc hộp nhỏ mà cậu trông thấy bố đã cất chiếc nhẫn, cậu mang nhẫn đến và bà cố đưa tay ra nhận:
-Các cháu nắm tay nhau và nhắm mắt lại hết. Gérard, cháu hãy đếm thong thả từ một đến bảy, rồi tất cả mới được mở mắt ra.

Cả bọn răm rắp vâng lời. Khi mở mắt, chúng thấy đang ở giữa một khu vườn đầy hoa hồng, chan hòa ánh nắng. Một hàng dương liễu viền quanh vườn đang thướt tha trong gió. Ngoài xa là hàng rào chấn song mạ vàng và xa hơn nữa là biển cả xanh thẳm sóng vỗ rì rào. Giữa vườn có một nhà thủy tạ bát giác bằng trúc, mái cong giống như trong tranh Tàu. Dưới mái hiên có một cái nôi bện bằng rơm đặt trên sàn trải sỏi ngũ sắc. Bọn trẻ theo lối đi rải cát mịn đến trước nôi và nhìn thấy đứa em út đang mỉm cười với chúng. Sau một tháng, em bé trông lớn hơn và càng có vẻ Tàu hơn với mái tóc cứng lởm chởm màu đen và đôi mắt xếch cũng màu đen.

Brigitte hỏi:
-Cháu ẵm em bé được không?

-Không –bà cố Tàu đáp –Các cháu chỉ được đụng vào em bé khi đã đặt tên cho nó xong.

Bọn trẻ đứng ngắm nghía em bé, Alain lại hỏi:
-Thưa cố, chỗ này có xa nhà mình lắm không?

Bà cố mỉm cười:
-Các cháu thấy đấy, thời gian đủ để đếm thong thả: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy…

Tiếng “bảy” vừa dứt, bọn trẻ lại thấy mình đang quì trong phòng ăn trước bức chân dung bà cố Tàu im lìm bất động. Chúng lại quay về phòng ngủ không gây một tiếng động nhỏ.

Sáng dậy, Alain tập họp các em và bảo:
-Các em đều rõ, ai cũng muốn NÓ trở về. Mẹ thì khóc hoài. Điều cần thiết tuyệt đối là chúng ta phải đống ý một cái tên cho NÓ. Chúng ta, tất cả chúng ta đều muốn NÓ trở về vì tất cả chúng ta đều yêu thương NÓ, lâu nay đều nghĩ đến NÓ.

Gérard la lên:
-Em có ý kiến. Trong sách học tiếng Anh của anh Alain, em thấy tiếng Anh gọi “nó” là “him”. Đúng không anh?

Alain đáp:
-Ừ, đúng như thế.

-Vậy thì chúng ta gọi nó là HIM –Gérard nói tiếp –Anh Alain vừa mới nói “tất cả chúng ta đều nghĩ đến nó” tức là đều nghĩ đến HIM.

Alain đáp:
-Ừ, nhưng “him” không phải là một danh từ mà là một đại danh từ, không lẽ lại dùng đặt tên?

Brigitte góp ý:
-Nhưng đại danh từ dùng thay thế danh từ, vậy dùng đặt tên được quá đi chứ.

Charlie thêm:
-Và tên Him rất ngắn gọn, rất thích hợp cho tên gọi một em bé.

Danielle nhận xét:
-Mọi người có nhận thấy “Him” phát âm có vẻ rất Tàu không? Lại nữa, trong một truyện của Kipling có một nhân vật nam người Ấn Độ tên Kim. Mà Kim làm tên được thì Him sao lại không được.

Fanny cũng khẳng định rằng, cô thấy nước Ấn ở sát nước Tàu trên bản đồ. Alain thấy các em tán đồng tên Him, Gérard lại năn nỉ anh lần nữa nên gật đầu:
-Anh chấp nhận. Nếu bố mẹ có chê tên ấy ngắn quá thì chúng ta sẽ trả lời đó là tên tắt của nó… Him Li Co chẳng hạn…

-Hoan hô –Danielle la lớn –cái tên nghe rất Tàu: HIM –LI –CO! Mọi người đồng ý cả chứ?

Cả bọn cùng reo: “Đồng ý”.

Chỉ còn chờ đêm xuống để đến thưa với bà cố Tàu. Nhưng ngày sao mà dài thế! Đến khuya, cả bọn đều thức dậy không cần nhờ gọi vì thật ra cả bảy đều trằn trọc bồn chồn không ngủ được. Người lớn đang say giấc. Bọn trẻ nhảy xuống giường, mặc nguyên đồ bộ, theo hành lang tối đen lần ra phòng ăn, quỳ trước bức chân dung. Gérard lâm râm khấn:
-Kính thưa bà cố Tàu, chúng cháu xin cố trả em bé lại cho chúng cháu.

Đôi mắt bà cố lại long lanh, bàn tay dịu dàng cử động:
-Các cháu đã nhất trí một cái tên cho…

Không chờ bà dứt câu, cả bọn đồng thanh: “HIM”
-Thế nào? –Bà cố hỏi lại.

-Him –bọn trẻ nhiệt tình lập lại. Alain thưa thêm:
-Thưa cố, Him là tên tắt, chúng cháu muốn nói là Himlico.

Bà cố Tàu mỉm cười hài lòng:
-Tốt lắm.

Chẳng hiểu từ đâu, bọn trẻ bỗng thấy tay bà đang ẵm em bé. Bà cúi xuống đám cháu, cả bảy đôi tay cùng đưa ra, nhưng bà chỉ mỉm cười, bước ra khỏi khung hình, trôi bồng bềnh qua phòng, hôn em bé rồi đặt vào nôi. Bà lại bước vào khung hình, môi thoáng nụ cười mỉm và bức chân dung lại trở nên bất động.

Alain bảo:
-Dù sao bố mẹ cũng phải chấp nhận tên em bé là Him.

-Phải ngay lập tức treo một tấm bảng tên –Brigitte bàn.

Charlie chạy đi tìm một miếng bìa cứng, Danielle kiếm bút chì, Erric viết chữ “HIM” thật lớn, Fanny còn gạch dưới ba gạch để lưu ý mọi người và Gérard treo tấm bảng trên đầu nôi.

Sáng hôm sau, vừa bước vào phòng ăn, bà Bếp la lên, mặt mày tái ngắt, chạy đi gọi ông bà chủ.
Bố mẹ bước vào phòng thấy bảy đứa con nằm quây quần trên nền nhà, cuộn mình trong những tấm thảm và khăn bàn, ngủ say sưa. Giữa bọn trẻ là chiếc nôi có treo tấm bảng tên và trong nôi, bé Him đang ngon giấc.

Trên cao, trong khung hình, bà cố Tàu vẫn mỉm cười như tự bao giờ. Ngón tay trỏ của bà lại lấp lánh màu xanh biếc ngời của chiếc nhẫn ngọc thạch./.