Tiểu Sử cô Thùy An

 

Hậu Cú té
Thùy An

 

Gần 5 tháng sau “Cú Té” và 1 tháng tập vật lý trị liệu, tay tôi đã hoạt động lại bình thường. Bác sĩ khen: “Sức đề kháng của bác tốt lắm.” Bạn bè săm soi cái sẹo dài trên cùi chỏ tôi, đứa ái ngại: “Thế này thì không mặc áo tay ngắn được rồi.”, đứa xúi dại: “Phải đi thẩm mỹ viện xóa ngay.”, tôi cãi lại: “Trời đất, gần xuống lỗ rồi còn đi sửa sắc đẹp, tụi bây có điên không?”

Lại đi chơi đây đó, thăm viếng, họp mặt… Vui quá nên có những giây phút tôi quên hẳn cái que inox đang sống chung mật thiết, song song với đoạn xương trong cánh tay mình. Cho đến một hôm nhận được email của ông bạn từ Chicago: “Bà ngoại ơi, sắp có cú té 2 chưa?”, tức quá, tôi reply: “Dám trù ẻo tui hả, cú té 2 dành cho ông đó.”, rồi lại nhận email của cô bạn học ngày xưa từ miền tuyết lạnh: “Bốn tháng qua rồi, đã đi mổ lại chưa?”

Tuổi già thường mắc bệnh lẫn, nhà thơ Hỷ Khương đã viết : “Đến tuổi này không quên mới lạ, chuyện lãng quên là chuyện bình thường, chỉ cầu xin Phật độ Trời thương, quên ít ít, đừng quên tất cả.” Tôi cũng nhờ Trời Phật thương, không quên nhiều nhưng hôm bị té, tôi lại quên mất Mỹ Hòa, cô em láng giềng thời bao cấp khốn khó đang làm việc ngay tại đây –Bệnh Viện Chấn Thương Chỉnh Hình. Hôm đi tái khám gặp lại, Hòa mừng quá, cứ dặn dò mãi: “Khi nào đi mổ lấy dụng cụ (danh từ chuyên môn) ra, chị nhớ kêu em.”

Hồi xưa đi học, nào chép bài, học bài, làm bài… chờ đến ngày thầy cô trả bài tập muốn dài cổ, thời gian đi bằng bước chân rùa, thì bây giờ đến tuổi hoàng hôn bóng xế, thời gian nhảy còn nhanh hơn thỏ. Mới mổ đó, vậy mà ngoảnh tới ngoảnh lui đã đến ngày “tái ngộ” với dao kéo rồi. Nhìn lịch tường ghi ngày 10 tháng 11, thấy chưa đi lúc này được, vì tôi vẫn còn duyên nợ với hai tấm thiệp mời của cựu học sinh nhân ngày Nhà Giáo 20/ 11, rồi còn mấy cái hẹn cà phê cà pháo cùng vài nhóm học sinh riêng lẻ nữa, thôi để vui chơi đã, qua tháng 12 rồi tính.

Cô học trò ghé thăm, sờ vào khuỷu tay tôi: “Cái que nhô ra quá trời rồi cô, khi nào cô mới lấy ra?” “Chắc là đầu tháng tới. Cô hơi lo lo.” “Không sao đâu cô, ông xã em hồi đó cũng bị như cô, lấy ra nhanh lắm. Tay cô chỉ cần chích thuốc tê, rút ra cái một.” Nghe nói vậy cũng yên tâm, tưởng mọi việc đơn giản, sáng đi chiều có thể về nhà, nào ngờ…

Trước khi tiến hành phẫu thuật, tôi đã trải qua vô số xét nghiệm, còn nhiều hơn lần trước nữa. Hòa giải thích: “Lần trước là mổ cấp cứu, bây giờ là mổ theo yêu cầu nên phải làm kỹ hơn”. Bị hành hạ từ sáng đến trưa, rồi nghe phán: “Đầu giờ chiều, cô đến đóng tiền rồi nhập viện luôn, ngày mai mổ.” Tôi nài nỉ: “Tôi đóng tiền xong về nhà, mai vô sớm có được không?” Một cái lắc đầu lạnh lùng: “Không được”. Vậy là ba chân bốn cẳng về nhà gom “gia tài” đến gửi cho cô em ruột, ăn vội miếng cơm rồi cùng nó chạy lên đóng tiền cho kịp.

Cô nhân viên nhận biên lai lệ phí xong, bảo: “Cô ngồi chờ đi, để chúng tôi xếp phòng.” Đến khi nghe xướng tên, mới bổ ngửa, vì “phòng” của tôi là một cái giường xếp ngoài hành lang. Cô em ruột la lên: “Trời ơi, đêm nằm ở đây dễ bị trúng gió lắm.” Tôi hoảng, gọi điện cho cô em láng giềng: “Chị bị nằm khách sạn Ngàn Sao rồi em ơi, S.O.S!!!” Một lát sau, tôi được chuyển vào phòng ( có ô dù cũng đỡ), nhưng vẫn bị nằm giường xếp. Cô y tá nói: “Cô chịu khó nhé, ngày mai có người xuất viện, cô sẽ lên nằm giường chính.” “Không sao. Cám ơn cháu nhiều.”

Phòng nhỏ nhưng thoáng. Đèn để sáng đêm nên hơi khó ngủ. Thời gian nặng nề trôi.

Mới mở mắt đã thấy cô em ruột đứng ở đầu giường, tay xách giỏ, lỉnh kỉnh đủ thứ. “Mi tới chi sớm rứa?” “Sớm chi nữa. Sửa soạn mau lên. Tui thấy người ta đưa bệnh nhân vô phòng mổ rồi đó.” Đúng là nhanh thật, cô y tá đẩy chiếc xe lăn cà tàng đến trước cửa phòng, gọi tên tôi. Cô em ruột cười: “Xe hoa tới rồi kìa.”

Trước khi đi bệnh viện, tôi đã tư vấn nhiều người , ai cũng bảo thao tác lấy dụng cụ ra sau khi mổ không có gì nguy hiểm, rất đơn giản, cứ yên tâm. Nhưng đến bây giờ tôi mới biết, đó chỉ là những lời trấn an mà thôi. Sự thật là đau khủng khiếp, chắc tại vật lạ đó đã ăn sâu vào da thịt, rất khó tách rời, phải dùng đến thuốc mê thay vì chỉ dùng thuốc tê như lần mổ trước.

Tôi tỉnh dậy trong phòng hồi sức, đầu óc choáng váng xây xẩm, lờ mờ gương mặt cô em láng giềng ghé xuống: “Chị thấy khỏe không?” Tôi nói không ra hơi: “Hình như chị đang bị tẩu hỏa nhập ma.” “Không có đâu. Chắc tại thuốc mê chưa tan hết. Chị nhắm mắt nghỉ ngơi đi.”

Lần này mở mắt, thấy mình đã được đưa về phòng cũ, trên chiếc giường chính rộng rãi hơn. Cô em ruột hỏi: “Sao rồi?” “Bây giờ cánh tay còn tê cứng nên chưa thấy đau, lát nữa không biết sao đây.” Y tá vào chích thuốc và đo huyết áp hai ba lần. Tôi nói với cô em ruột: “Đo chi đo hoài. Mệt quá.” “Bà ni càng già càng chướng, người ta phải theo dõi chứ. Thôi ngồi dậy cho tỉnh táo rồi ăn cháo nè.”

Cánh tay đã hết tê, các ngón cử động bình thường, vết thương chỉ hơi đau một chút. Tôi nghe lòng vui vui khi nghĩ đến trọng lượng mình đã nhẹ bớt theo nỗi lo canh cánh từ mấy tháng nay. “Không biết cái que đó nặng mấy chục gam hè?” “Thôi đừng thắc mắc tào lao nữa. Ăn cháo đi.” Chưa bao giờ tôi cảm nhận được mùi vị thơm thơm đậm đà của món cháo thịt tan trên đầu lưỡi như lúc này, nên tấm tắc: “Cháo ngon thiệt đó.” Cô em ruột liếc: “Ăn cho lại sức chớ cháo bệnh viện mà ngon lành chi. Chắc tại nhịn đói từ sáng đến chừ nên mất vị giác rồi” “ Khen ngon cũng bắt bẻ. Đến lượt mi chướng rồi đó .”

Đêm thứ hai trong bệnh viện, vì có thuốc an thần nên giấc ngủ đến rất nhanh. Bỗng… ầm ầm ầm… rẹc rẹc rẹc… tiếng la rú đập vào màng nhĩ…  Tôi mở mắt nhìn quanh. Một vài bệnh nhân và người nuôi bệnh đang đứng  bên cửa sổ phòng vệ sinh nhìn xuống đường phố, nơi phát ra âm thanh náo nhiệt mỗi lúc một tăng cường độ. Tôi ngồi dậy: “Có chuyện gì vậy?” “Đua xe. Bác tới xem nè, vui lắm.” Tuy không được về nhà xem Ti Vi, nhưng tôi biết tối nay, có cuộc tranh tài giữa 2 đội tuyển bóng đá Việt Nam –Myanmar được truyền hình trực tiếp. Và đây là kết quả của trận đấu, nên tôi không ngạc nhiên khi chứng kiến con đường Trần Hưng Đạo trước bệnh viện, ban ngày buôn bán sầm uất, nửa khuya đêm nay bỗng biến thành đường đua, xe hai bánh đủ loại treo cờ đỏ chói, rượt đuổi nhau vùn vụt, người ngồi trên xe thì cuồng điên vẫy tay, la hét om sòm. Chợt lo sợ bâng quơ... chạy xe kiểu này dễ gây tai nạn lắm.

Tôi trở về giường, thao thức. Tuổi trẻ bây giờ sao dư tiền thừa sinh lực quá, hễ có cơ hội là bày ra lắm trò để thỏa mãn cơn bốc đồng bùng phát, coi thường sinh mạng con người cũng như an ninh trật tự đường phố. Chiến thắng một đội bóng tầm thường như Myanmar đâu cần phải ầm ĩ như vậy, coi chừng ngủ quên đó.  Không biết suy nghĩ của lão bà bà này có “chướng” lắm không?

Buổi sáng xuất viện, cô em láng giềng đưa tờ biên lai trả lại tiền sau khi trừ chi phí thuốc men, tiền tiêm chích, tiền phòng, tiền phẩu thuật… “Chị coi có nhầm lẫn chi không?” “Thôi khỏi, đủ thiếu chi cũng OK, được về nhà là mừng quá rồi.”

Trời Sài Gòn nắng đẹp.

                                                                                  T.A

Trở về bài Cú Té