HỒI ỨC XANH
Ký –Thùy An
(Tranh: Thanh Nguyên)
Năm ngôi nhà xếp theo hình chữ V, tọa lạc trên khoảng đất rộng, đường Nguyễn Thị Giang, đoạn giữa đường Thống Nhất và Nguyễn Hoàng. Phía sau là trường Nam Tiểu Học, đối diện trường trung học Phan Châu Trinh. Hàng rào bao bọc gồm những cây dứa tây và xương rồng xen kẽ, tạo vẻ mỹ quan riêng biệt so với những kiến trúc chung quanh.
Mỗi nhà là một biệt thự nhỏ, xây theo kiểu Pháp. Trụ cổng cao hơn đầu người, lối đi lót sỏi, dẫn đến hàng hiên tráng xi măng, bậc thang cao mở vào hai cửa chính. Gian trước là phòng khách và phòng ăn, ba phòng ngủ ở gian giữa, gian cuối gồm nhà kho, bếp và nhà vệ sinh.
Nhà tôi mang số 23 –thật ra là nhà của chính phủ cấp cho ba tôi – ở vị trí đầu tiên, phía đường Nguyễn Hoàng. Hôm mới từ Huế dọn vào, tôi đã choáng ngợp trước những chùm hoa giấy đủ màu: đỏ, tím, trắng, cam… và không ngăn được tính hiếu kỳ trẻ con, chạy đến hái hoa và bị gai chích không biết bao nhiêu lần. Trong sân vườn nhà mới, hình như cây nào cũng có gai. Cây dứa tây xòe những lá dài cả thước, mép viền gai, cứng ngắt, đâm ra tua tủa như những con nhím khổng lồ, và xương rồng thân dẹp, lá thoái hóa thành gai nhọn hoắc, thỉnh thoảng lại nở những búp hoa màu hồng đẹp đẽ, nhưng chỉ để ngắm nhìn mà thôi, nếu dại dột đụng vào, da tay sẽ bị hàng trăm mũi lông tơ đâm nhức nhối.
Nhớ mùa hè năm đó, tất cả phòng học của trường Nam chứa đầy những người dân Bắc kỳ di cư, suốt ngày sinh hoạt ồn ào. Nhà tôi cũng có một người bà con “di cư” tạm trú, nhưng không phải từ miền Bắc, mà từ miền trong ra. Đó là anh Ích, gọi ba tôi bằng cậu. Anh khoảng 20 tuổi, cao lớn vạm vỡ, mặt chữ điền, tóc rễ tre, tướng cục mịch nhưng có tâm hồn văn nghệ. Anh thuộc nhiều hành khúc vừa lạ vừa hay, như ... Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng tung gươm ra sa trường, quân xung phong, nước non đang chờ… hoặc ... Một đoàn người đi hiên ngang trên đường gian nan, in hình qua mây núi xanh lơ bát ngát. Lúc chiến đấu xa nhà biệt ly đời gấm hoa, cùng chung đời áo nâu quên hết âu sầu… Tôi thường cầm giấy bút chạy theo nhờ anh đọc lời bài hát cho tôi chép, rồi năn nỉ anh dạy tôi hát, nhưng anh xua tay, lắc đầu quầy quậy, vì ba tôi đã răn đe anh: “Mi hát toàn bài Việt Minh, coi chừng cảnh sát tóm cổ.”
Xích vào trong một đoạn, cùng trên nhánh chữ V, là ngôi nhà mang số 25, được phân đôi theo chiều dọc, một bên dùng làm trụ sở của Ty Thú Y, bên kia là nhà ở của gia đình bác Trưởng ty Trương Thiều –bạn của ba tôi. Bác rất đông con, trai gái đồng đều, những cô con gái có tên lót là Kim. Tôi chỉ chơi với Kim Trinh, Kim Hoàng vì đồng trang lứa, người em trai kế Kim Trinh là Trương Quang đôi lúc cũng tham gia vào những trò chơi như xây nhà trên cát, ô làng, đánh thẻ, búng thun, hắt sỏi…
Nơi bọn tôi thường tụ tập vui đùa là… khu chuồng heo phía sau trụ sở. Diện tích chuồng rất rộng, làm bằng những thân tre to chắc, chia thành nhiều gian, nuôi toàn heo Mỹ. Hồi đó, giống heo Mỹ vừa mới nhập vào, nhìn rất lạ. Những con vật thân hình cao to, hồng hào, sợi lông trong veo như cước. Đặc biệt là chúng rất hiền, mặc cho bọn tôi leo lên thành chuồng, ngồi vắt vẻo, đặt bàn chân lên đầu chúng, dí qua dí về, chúng vẫn đứng yên, chỉ ve vẫy đuôi, khịt khịt mõm, không chút phản ứng. Có nhiều nhân viên Thú Y chăm sóc cho đàn heo, nhưng tôi chỉ nhớ người trực tiếp lo việc ăn uống và làm vệ sinh chuồng, đó là ông Nô. Trong mắt tôi, ông rất già, da nhăn, đầu hói, thấp người, tay chân khẳng khiu. Nay nghĩ lại, chắc ông hồi đó còn nhỏ tuổi hơn tôi bây giờ, bởi ông vẫn là công chức, chưa về hưu. Ông ở một mình, trong căn nhà bằng tôn khá rộng, cạnh chuồng heo. Đây cũng là nơi đặt dãy lò nấu đồ ăn cho heo, mà nguồn thực phẩm là những bao cám, rau củ hư héo được cung cấp hằng ngày, cọng thêm thức ăn dư thừa của những nhà chung quanh, bầy heo ăn no ngủ kỹ, càng ngày càng mập ú ù. Ông Nô làm việc chăm chỉ, nhìn ông ốm nhom nhưng rất khỏe, một lần xách hai xô nước đầy ắp, tắm rửa cho heo, rồi còn kỳ cọ sàn chuồng sạch bóng, nên chúng tôi chơi đùa ở đây, không thấy hôi hám gì.
Ngôi nhà số 27 nằm trong cùng, đáy của chữ V, là nhà của Trung tá Nghĩa –Trưởng ty Cảnh Sát. Ông có cô con gái tên Lan Hương, da ngăm đen, tóc xoăn thả dài ngang lưng, trạc tuổi tôi nên chúng tôi nhanh chóng thành bạn của nhau. Một kỷ niệm nhớ hoài, đó là hôm bốn đứa chia làm hai phe, tôi và Kim Hoàng – Kim Trinh và Lan Hương, chơi trò kéo co, từ trưa đến xế chiều, bất phân thắng bại. Cuộc chơi đang hào hứng, thì sự cố xảy ra. Chúng tôi bị tuột tay, không biết ai thả tay ai ra trước, nhưng Lan Hương bị té ngữa, đập đầu vào cây cột xi măng tóe máu, òa lên khóc. Kim Trinh đỡ Lan Hương dậy, tôi chạy đến vén mái tóc bạn, bỗng hết hồn vì thấy máu rỉ ra từ vết thương mỗi lúc một nhiều. Kim Hoàng run rẩy, lắp bắp: “Để… để tui về kêu người …” Tôi hỏi: “Hương… Hương có đau không?” Kim Trinh liếc: “Bể đầu sao không đau chớ.” Nghe hai chữ “bể đầu”, tim tôi muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, vừa lúc Kim Hoàng trở lại, dẫn theo chú y tá chuyên chích thuốc cho heo. Lan Hương càng khóc lớn: “Chú về đi, tui đâu phải là súc vật.” rồi chạy vào phòng đóng chặt cửa lại, mặc cho tôi và Kim Hoàng kêu gào, đập cửa đến mỏi tay. Hai đứa nhìn nhau: “Làm sao bây giờ?” Kim Trinh đổ dầu vô lửa: “Sao trăng chi. Nó mà chết hai người chịu trách nhiệm đó. Tui cùng phe với nó, vô tội.” Lời dọa của Kim Trinh cứ vang vang trong đầu khiến tôi bồn chồn, lo lắng. Kim Hoàng qua nhà tìm tôi: “Ê mi, tao sợ quá.” “Sợ chi?” “Sợ bị… tù. Ba nó là cảnh sát, mi không nhớ hả?” Tôi giật mình. Nguy to rồi! Lỡ Lan Hương chết??? Ông Nghĩa không tống tôi và Kim Hoàng vào tù mới là lạ. Suốt đêm thao thức sợ hãi, đến gần sáng, mới chợp mắt đã nghe tiếng gõ cửa phòng, rồi Kim Hoàng ào vào giật phắt tấm drap trên mình tôi, la toáng lên: “Con Lan Hương không chết, nó còn sống! nó còn sống!!!” Tôi tỉnh ngủ hẳn, bật dậy: “Thiệt không? Sao mi biết?” “Tao vừa qua nhà nó, thấy nó không sao. Còn rủ tụi mình chiều nay chơi nữa.”
Chủ nhân nhà số 29 ở nhánh kia của chữ V là ông Toán –phó Thị trưởng Đà Nẵng. Những người con ông đều đã lớn, học trường Tây, xem chúng tôi như đồ con nít. Đến khi ông chuyển nhà, người chủ sau bác Bá. Bác có ba con: chị Minh Châu là cô giáo, Lộc và Bảo Hòa cùng học Phan Châu Trinh với tôi nhưng không thân.
Nhà số 31 ở đầu nhánh chữ V, phía đường Thống Nhất, của bác sĩ Ưng Hoát. Hình ảnh một ông cụ cao lớn phương phi, tóc bạc trắng, mỗi buổi chiều đi dạo cả tiếng đồng hồ, trên đoạn đường từ nhà ông đến nhà tôi, rồi quay trở lại, cứ như thế nhiều lần, rất ấn tượng. Sau này lớn tuổi, tôi mới biết, đi bộ là cách tập thể dục tốt nhất để giữ gìn sức khỏe.
Hồi đó, chưa có nước máy. Năm nhà dùng chung một giếng đào, đường kính rất lớn, xây trên khoảng đất rộng phía sau nhà Lan Hương, cạnh những cây bạch đàn thân màu nâu bóng, lá thon dài có mùi thơm nhè nhẹ. Ngày ngày, những người lớn thường đem áo quần ra ven giếng giặt giũ và gánh nước về dùng. Nhà nào cũng có người làm. Nhớ O Tươi giúp việc nhà tôi, da trắng tóc dài, nấu ăn ngon hết ý, rồi nhớ luôn anh Dậu làm lính kiểng ở nhà ông Nghĩa có tài thổi harmonica, mỗi chiều O ra giếng giặt áo là anh xuất hiện ngay bên gốc bạch đàn, biểu diễn nhiều ca khúc tình tứ sến rện làm xao xuyến trái tim O. Bọn trẻ chúng tôi không cảm kích “thiên tình sử” của hai người, còn cố tình chọc ghẹo, hét vào tai anh: “Anh Dậu gặm xương heo! anh Dậu gặm xương heo!” Thế là anh giật mình ngưng thổi, vung tay định kí đầu nhưng chúng tôi đã chạy tán loạn.
Những đêm sáng trăng, đường khuya vắng, chúng tôi thường đem xe đạp ra tập. Té lên té xuống, biết bao lần bàn đạp đập vào gót chân tóe máu, lai quần rách te tua, vậy mà tôi vẫn ráng chịu đau, cố sức tập cho đến khi chạy được mới thôi. Biết chạy xe, đi đâu, dù xa hay gần, tôi cũng ngồi lên xe đạp phiêu du khắp chốn. Những con đường Đà Nẵng trở nên quen thuộc … Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Đồng Khánh… phố chợ sầm uất, Bạch Đằng lộng gió sông Hàn, Quang Trung êm mát bóng cây… thích nhất là đường Thống Nhất có đoạn Cầu Vồng độc đáo, lên hơi nặng nhưng khi xuống dốc, khỏi cần đạp, xe vẫn chạy ro ro.
Khi tôi tìm về chốn cũ, thời gian đã nhuộm trắng mái đầu. Góc phố, hè xưa trở nên xa lạ. Những con đường đã đổi tên. Cầu Vồng của một thời ấu thơ cũng mất dấu. Năm ngôi nhà thân quen cùng những cây bạch đàn, giàn bông giấy, hàng rào xương rồng và dứa tây vươn lá lên trời cao mạnh mẽ đã chìm khuất vào dĩ vãng xa xăm, mang theo bao kỷ niệm êm đềm của đám trẻ thơ ngây ngày đó… Chợt nhớ đến giai điệu thiết tha sâu lắng của bài hát kinh điển “Come back to Sorrento” mà thấm thía cho sự hợp tan của những chặn đời … Về đây nhé, cắm xong chiếc thuyền hồn, ôi lắng nghe dây lòng tiếc đờn. Thôi nhé đừnghoài âm xưa, giọt mưa đã rơi trên thềm nhà, người ngồi im vắng, lắng nghe tháng ngày qua… (lời Việt: Phạm Duy)
Houston đầu năm 2013
T.A