Lâm Thúy Hậu có hai người cháu gọi bằng cô (nhưng lớn tuổi hơn Hậu): một cô nàng là bạn học của tôi và một anh chàng thường xuyên trồng cây si trước cổng nhà tôi nhưng vì không duyên không nợ nên cuộc tình “theo gió cuốn đi”. Tôi biết Hậu trong thời gian này nhưng mãi đến nhiều năm sau, chúng tôi mới quen và thân nhau.
Nhớ những ngày mùa đông mưa bão 1971, tôi trở về Đà Nẵng gặp Hậu, hai đứa có những đêm không ngủ và tâm sự cho nhau nghe những mộng mơ thời thiếu nữ, những mối tình đã qua trong đời và những ước vọng, dự định cho tương lai. Khi tôi ngỏ ý:
-Tao muốn viết Love story của mi.
Hậu nhận lời ngay:
-Ừ, mi viết đi.
-Để tên thiệt luôn nghe.
-Tùy ý.
Cho nên, cô học sinh mang tên Thúy Hậu xuất hiện trong truyện dài Như Nắng Xuân Phai của Thùy An (tủ sách Tuổi Hoa -1972) không phải là nhân vật hư cấu. Sau này cô trở thành cô giáo dạy trường Q. Đà Nẵng, đồng nghiệp và cũng là người bạn thân của tôi.
Chính Hậu đã tạo cho tôi cơ hội vào dạy trường Q. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, cuối mùa hè 1972, khi hoa phượng rụng đầy lối đi và nhạc ve thôi râm ran trên những hàng cây xanh biếc, Hậu bảo tôi:
-Sắp vào niên khóa mới rồi. Mi đi với tao.
Hậu dắt tôi đến nhà thầy Tôn thất Dương Kỳ –hiệu trưởng trường Q., nơi Hậu đang dạy môn Anh Văn. Thấy nét mặt thầy Kỳ nghiêm nghị quá, tôi hơi bị hãi, bước thụt lùi. Hậu đẩy tôi tiến tới rồi nói với thầy:
-Thầy, cho bạn con vô dạy đi thầy.
Thầy Kỳ nhíu mày ngắm nghía tôi từ đầu đến chân rồi khoác tay (chắc thấy tôi ngố quá!!!):
-Dạy chi? Đủ người rồi.
Tôi rụt rè:
-Con… có bằng Đại Học, thầy.
Nét mặt thầy giãn ra một chút:
-Chị tốt nghiệp Đại Học rồi à? Môn chi?
-Dạ, Vạn Vật… thầy cho con dạy nghe thầy.
Thầy gật gù:
-Năm nay mới có hai lớp 11A và 11B. Tôi định mời một giáo sư trường Phan Châu Trinh qua dạy, nhưng thôi, chị vào dạy thử xem. Nhớ làm đơn đưa cho tôi, mau lên.
Vậy là tôi trở thành giáo sư trường Q., chỉ dạy giờ thôi, không chính thức, không biên chế gì cả. Vào đây, tôi gặp lại một vài người quen cũ như Thu An (học cùng tôi năm đệ thất Phan Châu Trinh 1957), Thanh An (ngồi chung bàn cùng tôi năm thi bán phần 1963) và rất nhiều gương mặt mới. Có những đồng nghiệp nam tôi chưa bao giờ nói chuyện như anh Dương, anh Đương, anh Suyền… Tôi chỉ quen mỗi anh Hoàng Trọng Nồng vì anh là Tổng giám thị và anh Ngọc (nhà thơ Đông Giang) vì thường cùng tôi làm giám khảo trong các cuộc thi báo chí của trường. Nhưng đối với đồng nghiệp nữ thì lại khác, chúng tôi rất thân ái và có những kỷ niệm nhỏ trong thời gian cùng dạy dưới mái trường thân yêu như Ngọc Bích, Phương Lan, Phương Khuê, Liên Tâm, Tề My, Nguyễn thị Hạnh, Hoàng thị Yên…
Nhớ thời gian chuẩn bị sinh con đầu lòng, Hậu luôn ở cạnh tôi. Rồi đến khi nằm trên bàn sinh, Hậu cũng đứng bên cạnh, an ủi, vỗ về và đôi khi nổi điên vì thấy tôi khóc quá:
-Im, nín. Mi khóc hoài là tao không chơi với mi nữa.
Chính tay Hậu đã đỡ con tôi từ tay y tá khi cháu mới lọt lòng, đi thơ thẩn trước hành lang bệnh viện thì gặp ông xã tôi vừa đến:
-Ủa, cô bồng con ai vậy?
-Con anh chớ con ai.
Đây là một kỷ niệm đáng nhớ, gần bốn mươi năm qua, ông xã tôi cứ nhắc hoài.
Sau 1975, Hậu đổi về dạy trường Hòa Vang, mỗi ngày đạp xe đi về 17 cây số đối với một thân hình ốm yếu tiểu thư như Hậu thật đáng khâm phục.
Khoảng thời gian này, chúng tôi vẫn gặp nhau đều. Căn nhà nhỏ bé của tôi ở Chợ Mới là nơi Hậu dừng chân dưỡng sức trước khi đạp xe tiếp đến trường hoặc khi trở về nhà. Lúc nào cũng vậy, nằm thở một lát, thì hai đứa lại bên nhau tâm sự về bạn bè, trường lớp và những điều lạ lẫm, những buồn vui trong xã hội mới, nói mãi không hết lời.
Tôi được giữ lại thành phố, vậy mà không có ý chí như Hậu, cuối cùng bỏ dạy vào Sài Gòn sống kiếp lưu vong. Bây giờ, Hậu thường nhắc: “Hồi mi mới vô Sài Gòn, mỗi lần đạp xe ngang nhà mi là tao nhớ muốn chảy nước mắt.”
Tôi vào Sài Gòn và tình cờ gặp Mai Hoa. Hồi còn dạy ở trường Q. Đà Nẵng, tôi không quen Hoa nhưng có thiện cảm với Hoa vì thấy Hoa luôn có mặt bên cạnh các em học sinh trong mọi sinh hoạt ngoại khóa như văn nghệ, báo chí, thể thao, dã ngoại…
Gặp lại nhau, chúng tôi trở thành thân thiết vì cùng có nhiều điểm tương đồng:
-Không có hộ khẩu.
-Không còn đi dạy nữa (mất dạy)
-Cùng yêu thích Văn học Nghệ thuật - một nhu cầu “xa xỉ” giữa một đất nước còn thiếu thốn đủ điều.
Giống như trong bữa cơm không thịt cá thì ăn đậu hũ, thiếu gạo thì độn thêm sắn khoai, rau muống luộc… miễn là nguôi cơn khát đói . Cho nên hai đứa không hề bỏ qua một sự “hưởng thụ” nào. Tìm đọc cho được một bài báo, một cuốn sách hay cho dù trang giấy in đen thui, chữ nhập nhòe muốn chóng mặt, rồi còn đi xem phim, bất cứ phim gì, thượng vàng hạ cám, trong những rạp xuống cấp cũ kỹ, tường vách loang lổ, nệm bọc rách nát, một dãy ghế chỉ còn vài cái nguyên lành. Nhớ hồi mới chiếu tập đầu bộ phim truyện “Ván bài lật ngữa” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa có nhan đề “Người con nuôi của vị Giám mục”, Mai Hoa qua nhà tôi, hai đứa cùng hăng hái đạp xe giữa trưa nắng chang chang lên tận Sài Gòn. Nhưng tới đâu cũng hết vé, cuối cùng quay về rạp Văn Hoa bên Tân Định và mua được vé. Hai đứa mừng như trẻ con .
Những đêm ca nhạc tại các tụ điểm, các nhà văn hóa… thường thấp thoáng bóng dáng hai người bạn không còn trẻ nhưng trái tim vẫn mãi tuổi đôi mươi. Sân khấu đơn sơ, trăm hoa đua nở… ca sĩ. Cũ và mới, ăn mặc không đẹp lắm, hát hay, nhưng tìm đâu thấy những “Gửi gió cho mây ngàn bay”, “Nhìn những mùa thu đi”, “Nghìn trùng xa cách”… nên đành chấp nhận nghe dòng nhạc được phòng Văn hóa Thông tin cho phép. Có vài bài nghe được như “Hà Nội mùa thu” của Vũ Thanh, “Mùa xuân gọi” của Trần Tiến, “Ơi cuộc sống mến thương” của Nguyễn Ngọc Thiện Có chú chim non nho nhỏ, cất tiếng líu lo như muốn ngỏ, cuộc sống quanh ta đang xao động, như bầu trời xanh ươm ước mơ…hai đứa thích nhất là bài “Cho anh xin số nhà” không biết của ai, do Nhật Tài hát, bây giờ, trong CD của Elvis Phương cũng có bài này. Giai điệu vui tươi, lời ca dí dỏm rất sinh động … em ơi anh rất nghèo, tiền tiêu anh không có nhiều mà tình yêu thì anh không bao giờ thiếu. Cho anh xin số nhà và xin cho biết tên đường và cho anh biết tên em luôn… Sau này mới biết, tác giả là Trần Thiện Thanh.
Thời gian không bào mòn niềm đam mê thời tuổi trẻ –một nhu cầu tất yếu, mà trái lại càng dâng cao như đợt sóng trào lòng. Không có gì thú vị bằng khi xem một vở kịch, một bộ phim… hay khi đọc một cuốn sách, một bài báo… có người bạn bên cạnh cùng chia sẻ, cảm thông. Giữa Thùy An và Mai Hoa có một sự đồng cảm. Và sự đồng cảm đó trải qua nhiều thăng trầm vẫn được nuôi dưỡng cho tới bây giờ –ngưỡng cửa U70. Lúc này, tâm hồn đã lắng xuống, không còn thích những chốn ồn ào náo nhiệt nữa, đôi bạn già tìm đến một chốn yên vui khác, đó là… những quán cà phê. Tùy theo trọng lượng túi tiền, hai đứa có thể hào phóng ghé Du Miên, Đồng Dao… ngắm nhìn hoa lá bên giòng suối róc rách nhân tạo, hoặc khiêm nhường dừng chân nơi một quán nhỏ bên hông chợ nhìn khách bộ hành… có sao đâu, miễn là mỗi tuần hoặc hai tuần một lần, hai đứa có dịp ngồi bên nhau, trong không gian nhẹ thoảng tiếng hát trầm ấm Tuấn Ngọc với “Mắt biếc”, “Riêng một góc trời”, “Tà áo xanh”… Ta quen nhau mùa thu, ta thương nhau mùa đông, ta yêu nhau mùa xuân, để rồi tàn theo mùa xuân, người về lặng lẽ sao đành… cùng nhấm nháp vị đắng thơm dịu dàng của tách pạc xỉu, của ly cà phê sữa đá, cùng nói những câu chuyện lan man không đầu không cuối, xoay quanh mọi lãnh vực văn học, điện ảnh, ca nhạc, truyền hình… kể cả những scandal của các nghệ sĩ trẻ bây giờ. Nói cho vui thôi, không phê bình, không chê bai, không lên án.
Nơi đất khách quê người, tôi còn gặp lại anh Hoàng Trọng Nồng, anh Huỳnh Sơn Cương, bạn Minh Tâm… tình cảm giữa các đồng nghiệp ngày càng thân ái, đậm đà. Trong những lần họp mặt 20 tháng 11 hằng năm, tôi có dịp gặp lại những đồng nghiệp ngày xưa từ Đà Nẵng vào tham dự như anh Trịnh Đương, các bạn Phương Lan, Thanh An, Thúy Hậu… Cũng từ đây, tôi được quen biết thêm những đồng nghiệp trường Q. Sài Gòn. Đó là chị Thủy Tiên và anh Xuân Đạo.
Chị Thủy Tiên người nam, hơn tôi vài tuổi, thùy mị dịu dàng, đảm đang trên nhiều lãnh vực. Ngoài việc dạy học, làm vợ, làm mẹ, chị còn là bà chủ nhà may áo dài Thủy Tiên với tay nghề thành thạo làm nên những tác phẩm kỳ diệu tôn vinh dáng vẻ mềm mại của người phụ nữ Việt Nam.
Có phải em mang trên áo bay,
Hai phần gió thổi một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay… (thơ Nguyên Sa)
Bây giờ tuổi đã lớn, chị nhường lại công việc cho người thợ chính nhưng vẫn là con chim đầu đàn điều khiển việc cắt đo. Thủy Tiên còn yêu thích văn thơ. Chính niềm đam mê văn học này đã tạo nên mối giao lưu giữa chúng tôi, không thân thiết lắm nhưng vừa đủ để nói lên một tình cảm đồng nghiệp chân thành. Tuy đã về hưu, nhưng một ngày của chị vẫn bận rộn nhiều công việc không tên, đi chợ nấu cơm và chăm sóc ông xã đang bệnh. Chị nói với tôi, những phút giây thư giãn, chị thường ra ngắm nhìn vườn hoa nhỏ cùng đàn cá tung tăng bơi lội trong hồ. Chị mời tôi ghé thăm không gian yên tĩnh của chị, tôi nhận lời nhưng vẫn chưa đến được.
Anh Xuân Đạo người bắc, có nhiều điểm giống tôi là thích ca hát từ hồi tuổi bình minh cho đến lúc hoàng hôn, yêu nhạc Từ Công Phụng, Cung Tiến, Đoàn Chuẩn Từ Linh… nhưng có điều khác tôi ở chỗ: Anh có giọng hát “vượt thời gian”, hát một lúc năm bài không biết mệt; còn tôi thì có giọng hát “bị thời gian vượt”, nên mới hát một bài đã thấy… hết hơi!!! Nhớ có lần anh gọi điện nói: “Hai người cùng yêu một người, mà người này lại… sắp chết.” Ngẫm nghĩ một lát mới hiểu, anh báo tin Từ Công Phụng bị ung thư. Thật ra, tôi không yêu Từ Công Phụng lắm, chỉ thích một vài bài như “Trên ngọn tình sầu”, “Kiếp dã tràng”, “Như ngọn buồn rơi”…thôi. Nhớ hôm học sinh Q. Sài Gòn làm lễ thượng thọ cho sáu đồng nghiệp, tôi và anh Đạo cùng ngẫu hứng song ca bài “Giọt lệ cho ngàn sau” của Từ Công Phụng … Lối rêu xưa sẽ mờ dấu chân người… yêu nhau một thời xa nhau một đời, lệ nào em nhỏ xuống hồn tôi…gần như… bể dĩa vì không thuộc lời, nhưng vẫn được các em vỗ tay khích lệ
Gần bốn mươi năm trước, tôi thân thiết với Thúy Hậu và Mai Hoa đều là người Huế, thành phố của núi Ngự Bình trước tròn sau méo, sông An Cựu nắng đục mưa trong …một chiều lang thang bên dòng Hương Giang, tôi gặp một tà áo tím, nhẹ thấp thoáng trong nắng vương, màu áo tím sao luyến thương, mầu áo tím sao vấn vương… (Tà Áo Tím –Hoàng Nguyên). Huế –một trời mây nước nên thơ, ở thì thương, đi xa thì nhớ, luôn mơ ước ngày trở về …Nơi đây chốn xưa bao tình, Thần Kinh bên nước non Hương Bình, kia ai duyên dáng đang nghiêng mình, đón người xa về… (Trở về Huế -Văn Phụng). Đồng nghiệp trường Q. Đà Nẵng của tôi có nhiều người Huế, còn lại toàn dân miền Trung và bây giờ, đến với Q. Sài Gòn, tôi cảm thấy rất ấm lòng khi được quen thêm những người bạn đầy đủ hai miền bắc nam.
Bắc –Trung –Nam, viết đến đây, tôi chợt có một ý nghĩ so sánh thú vị là bạn bè chúng ta nào khác chi những dòng sông nhỏ cùng đổ vào ba dòng sông lớn, cùng gặp nhau bên bờ Thái Bình Dương lộng gió cho khoảng trời Q. càng xanh biếc bao la. Lòng vui vui khi nhớ đến bài hát ngày xưa thuộc nằm lòng, bây giờ chỉ còn rời rạc vài câu… Trùng dương, chốn đây ngàn phương, có ba dòng sông cuốn xuôi biển Đông nhắc câu chờ mong… (Hội Trùng Dương –Phạm Đình Chương)
Ba dòng sông, ba giọng nói, ba tính cách con người…Chiều nay nước xuôi dòng đại dương, có em tên Sông Hồng dâng sóng tuôn trên nguồn, vẩn vơ nắng quái vươn trên phù sa có những cô thôn mờ xa đón người dân đánh cá, về đây trai gái sống vui một miền quanh năm anh cuốc em liềm vun xới ruộng mùa lúa Chiêm… Hò ơ…gối đầu trên Lào Cai Việt Trì, em làn tóc xỏa bãi cát dài, thả hồn mơ tới Thái Bình qua Sơn Tây… (Tiếng sông Hồng).
Vùng đất miền bắc xanh tươi mầu mỡ, rộng lớn bao nhiêu thì dãi đất miền trung càng nhỏ hẹp, khô cằn sỏi đá, nghèo nàn bấy nhiêu… Em sinh em bé tên là Hương Giang đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than… đêm Đông Ba buồn qua cửa chợ, bến Vân Lâu thuyền vó đông sầu… quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn, trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương thấm tràn… (Tiếng sông Hương)
Miền nam mưa nắng hai mùa, mở ra một không gian trù phú, ruộng đồng bao la, cây trái ngập vườn…Một sớm em ra khơi Vĩnh Long vui cười và Cần Thơ Long Xuyên, ngợp vườn cau lúa chín, đời vươn lên thuyền ghé bến, sống no nê dân quê một miền (Tiếng sông Cửu Long)
Thuở tóc xanh, tôi đã từng say mê ban hợp ca Thăng Long qua bài Hội Trùng Dương với giọng solo cao vút của Thái Thanh, và mãi đến bây giờ đầu bạc, tôi vẫn còn thích dù ca sĩ hát không hay như thần tượng của tôi ngày xưa .
Giờ đây, quỹ thời gian của chúng ta không còn nhiều nữa, mong sao các bạn của Thùy An luôn sống khỏe, vui vẻ yêu đời và giữ gìn cho nhau những kỷ niệm đẹp như câu hát …Ba chị em là ba miền nhưng tình thương đã nối liền, gặp nhau bên trời biển Đông thắm duyên…(Hội Trùng Dương –Phạm Đình Chương).
Các bạn đồng ý không?