MỘT  HỒI  ỨC  VUI

Mà có trách chi những phút xao lòng, ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ, ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ, đừng có trách chi những phút xao lòng! (Thuận Hữu)

***


     Như con kiến bò quanh miệng chén, biết đi đâu, về đâu? Ngồi nhà cứ nhấp nhỏm  như ngồi trên đống lửa, chịu không nổi, thế là cả gia đình 3 người leo hết lên xe. Chạy. Ngoài đường càng bát nháo hơn. Ngã tư không có đèn báo vì nhân viên các chốt giao thông chạy mất dép cả rồi, đành tự sinh tự diệt thôi. Vậy mà hay nghe, không có một tai nạn nào xảy ra trong ngày hôm đó (ngày mất ĐN 29 tháng 3 năm 75). Mọi người kéo nhau đi về phía cảng, phía bờ sông,  hoặc chạy qua Mỹ Khê, Tiên Sa…hy vọng có một phép mầu nào đó xảy ra chăng? Nhìn các già trẻ lớn bé chen chúc đu lên những chiếc xà lan hoen rỉ chóng cả mặt, chúng tôi quyết định quay về, ăn uống qua loa rồi lăn ra ngủ. Thà chết trên giường còn hơn hy sinh cho cá mập.

     Tôi trở về trường, thấy vắng ngắt vắng ngoe. Học sinh và thầy cô di tản vô Sài Gòn gần một nửa, nhưng cũng phải dạy cho xong niên khóa 74 –75. Kỳ thi Tú Tài kết thúc trong đơn giản (cũng đi coi thi, chấm thi nhưng làm cho có thôi, ai còn lòng dạ học hành nữa) và tôi chuẩn bị  tay xách nách mang đi dự khóa Bồi Dưỡng Giáo Viên Cấp 3 tại thành phố Qui Nhơn. Mấy lúc sau này, đi đâu cũng nghe hai chữ “bồi dưỡng” bắt mệt, tức cười mà không dám cười, bây giờ không muốn đi mà cũng phải đi . Mấy cặp vợ chồng con cái đùm đề thì luống cuống như gà mắc đẻ, đem đứa này gửi bên nội, đứa kia bên ngoại… ngó bắt tội, chỉ có mấy cô cậu độc thân là khỏe re, đây cũng là dịp gần gủi, làm quen nhau, khoe nhan sắc, khoe tài trí, khoe… đủ thứ, và biết đâu sẽ có những đóa hoa tình yêu rộ nở sau khóa học này

     Thời gian học hình như là một tháng (?), lâu quá không nhớ rõ. Nơi học là ngôi trường Sư Phạm Qui Nhơn trước 75 ai cũng biết vì khóa đầu tiên có ns Trịnh Công Sơn với Biển Nhớ…   Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rủ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya… . Qui Nhơn là một thành phố biển đẹp, chữ “đẹp” đã nói lên tất cả rồi. Ở đây, tôi chỉ muốn viết về những sinh hoạt của những con người bất đắc dĩ gặp nhau trong một khoảnh khắc cuộc đời với bao hỷ nộ ái ố, ghi dấu những kỷ niệm mà có lẽ khi bước vào tuổi già, nhiều người vẫn chưa quên.

     Học viên từ các tỉnh miền Trung tìm về như Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Nha Trang… tập trung trước cổng trường đông đúc, tôi vui mừng khi nhận ra thầy Đặng Như Đức và cô Kim Thành (tôi không học cô nhưng có học thầy dạy Sử Địa năm đệ Nhất A), nhiều nhất là các cô cậu mới ra trường, mắt còn sáng, môi còn tươi, tâm hồn còn phơi phới tinh khôi. Tôi nghe tiếng gọi phía trước: “Thùy”, rồi phía sau: “Thùy, phải mi không đó?”, bên trái: “Thùy, Thùy.” Và bên phải: “A, con Thùy kìa.” Ôi nhóm bạn thân từ hồi ra trường đến giờ chưa gặp lại. Thế là tay bắt mặt mừng, la hét ỏm tỏi, quên mất mình là cô giáo, là tấm gương soi cho các học sinh. Biết sao được, vui ngoài sức tưởng tượng mà !!! Thế là ý kiến ý cò: “Tụi mình nhớ ở chung phòng nghe.”  Tò mò thắc mắc: “Biết một phòng mấy người hè?” chưa ai giải đáp, chỉ thấy ngôi trường rộng và những dãy hành lang hun hút sâu.

    Một phòng có 2 giường tầng, ở được 4 người: : Ngọc Mai, Thu Sương, Hồng Yến và tôi.  Thanh Châu phải qua phòng bên cạnh, nhưng không sao, toàn người quen cả, hai bạn đồng nghiệp cùng trường tôi là Hạnh Dung, Thu Hà và cô Mỹ Phượng có một thời dạy chúng tôi môn Việt Văn. Cô có một mối tình rất đẹp và buồn. Yêu nhau, gặp bao nhiêu trở ngại, khi sắp đến được cùng nhau thì anh ra đi về cõi vĩnh hằng. Kỷ niệm ái ân giữa hai người là giọt máu chưa tượng hình . Phòng có tường ngăn nhưng không gian hở phía trên nên tiếng động vang qua phòng khác nghe rõ mồn một. Đêm đó, không ai bảo ai, bốn đứa tôi cùng nằm im thinh thít nghe cô tâm sự với Thanh Châu. Tò mò là một tính xấu nhưng đôi khi tò mò cũng giúp con người hiểu được nhau hơn. Thanh Châu là chúa tò mò, bất cứ chuyện gì nó cũng tìm hiểu đến cặn kẽ, có nhiều khi bực mình quá, tôi muốn xù chơi nó luôn. Bây giờ thì nó đã thành công khi chạm được vào trái tim cô Mỹ Phượng, làm lòng tôi xao xuyến khi nghe cô thả hồn về dĩ vãng, giọng cô nhẹ nhàng êm ái nói về một vòng tay ấm áp, một làn môi nồng nàn, một bờ vai tin cậy… Nếu vắng anh, ai dìu em đi chơi trong chiều lộng gió, nếu vắng anh ai dệt vầng thơ cho em hồng đôi má… (Nếu Vắng Anh – Anh Bằng).

     Buổi sáng đầu tiên thức dậy nghe đồn râm ran : “Trường có MA, có MA… vào nửa đêm, một bóng trắng tóc xõa dài đi dọc hành lang… chập chờn… chập chờn…” “Không phải, con ma tóc ngắn, lên xuống cầu thang thoăn thoắt…” “Đâu có, nó ngồi trên bãi cỏ…” Tam sao thất bổn, rút cuộc, không ai hình dung được con ma. Ngọc Mai rủ: “Tối nay, tụi mình đi rình xem có con ma thiệt không?” Nếu Thanh Châu là chúa tò mò thì Ngọc Mai là vua rình rập. Hồi ở nội trú, không có cặp tình nhân nào thoát khỏi đôi mắt cú vọ của nó trong những lần hẹn hò, cả những câu trao đổi thương yêu cũng lọt vào tai nó. Bạn bè phục lăn, hình như nó có thiên lý nhĩ . Đêm đó trời mưa lâm râm, lạnh, nhưng bốn đứa không bỏ cuộc, chờ khuya một chút, cùng rón rén đi xuống cầu thang. Nó kìa, đúng là có con ma, tóc chấm bờ vai, mặc áo ngủ dài lê thê, đứng im lìm bên lan can nhìn xuống sân trường. Nghe tiếng động, con ma quay lại. Tôi nhận ra cô em họ, dạy khác trường nhưng ở cạnh nhà tôi. Thanh Liên cũng thấy tôi: “Chị Thùy.” Rồi òa lên khóc: “Chị ơi, anh Dũng của em đâu rồi?” Tôi ứa nước mắt. Đúng là một bi kịch trút xuống đời cô gái trẻ trong thời buổi nhiễu nhương này. Liên mới quen Dũng được vài tháng, đang tìm hiểu nhau trong điều kiện hết sức thuận lợi, trai tài gái sắc, môn đăng hộ đối, xem ra rất ý hiệp tâm đầu. Cách đây hai tuần, cô cậu dắt nhau ra bến Bạch Đằng chơi, ngồi trên bờ đá ngắm trăng sao, bỗng Liên bị giật giỏ xách, chưa kịp la lên thì tên ăn cướp đã xô hai người xuống nước. Nước cạn, Liên không sao nhưng Dũng bị đập đầu vô đá nên đã không qua khỏi. Liên nắm tay tôi lắc mạnh: “Sao chị không trả lời em? Anh Dũng đâu rồi? Anh bỏ em rồi phải không?” Tôi ôm vai Liên: “Em bình tĩnh nghe chị nói nè… anh Dũng đang ở một nơi rất xa và đang nhớ em, nhớ lắm. Nín đi em.” Liên vẫn khóc, nước mắt thấm ướt áo tôi trước sự ngỡ ngàng của ba cô bạn. Thôi thì em cứ khóc, nước mắt sẽ cuốn đi bao nỗi muộn phiền

     Chương trình học cũng nhiều: giờ Chính Trị học chung trên hội trường, giờ Chuyên Môn và giờ Thảo Luận học theo từng tổ. Mười sáu năm dùi mài kinh sử, mòn bàn mòn ghế, chừ còn học chi nữa hè J??? Thế là mặc cho thầy giảng, nào hồng hồng chuyên chuyên, nào giáo giáo án án, trò cứ lỗ tai này cho ra lỗ tai khác… nghe lùng bùng chim hót ở trên cây Vào hội trường, công việc quan tâm không phải ghi chép mà là dáo dác tìm người quen, đây cũng là dịp cho mấy bạn trẻ độc thân chưng diện, thời trang ngất trời, còn những ai đã có gia đình thì an phận thủ thường, quần tây áo sơ mi cũng lịch sự chán.

     …Lòng cuồng điên vì nhớ, ôi đâu người đâu ân tình cũ, chờ hoài nhau trong mơ nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa… (Hoài Cảm –Cung Tiến) Có bao giờ bạn nghĩ đến một người mà lẽ ra phải cùng bạn đi hết quãng đường đời, chia sớt mọi buồn vui? nhưng vì một lý do nào đó, hai bạn lạc mất nhau, để lại bao muộn phiền, bao quay quắt nhớ thương. Thế rồi vào một ngày không như mọi ngày, bạn gặp lại cố nhân giữa một khoảnh khắc không vướng bận mà chỉ có hai người, mắt trong mắt, tay trong tay. Điều gì sẽ xảy ra? “Người trong cuộc” mà tôi biết là Hồng Yến, cô bạn cùng phòng. “Thùy ơi, tao… tao gặp… gặp anh Minh.” “Vậy hả? anh dạy trường nào? Có khỏe không?” “Anh dạy Võ Tánh Nha Trang, anh đã lập gia đình, có một con…” Tôi cười: “ Thì mi cũng rứa, thua chi hè.” Giọng Yến run run: “Ảnh hẹn tao chiều nay… ra biển chơi.” Tôi nhìn bạn, nhớ đến thời quen Minh và Yến. Minh học trên Yến hai khóa. Anh đàn giỏi, hát hay, những bài thơ anh làm tặng Yến đã đưa họ xích lại gần nhau hơn, nhưng tình yêu giữa hai người gặp rào cản là tôn giáo và hai bên sui gia đều cố chấp, không ai nhường ai.  Hồng Yến nhìn tôi tin cậy: “Thùy, được không Thùy?.” Ai nói tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ là sai bét, một sự đổ vỡ tan nát mà đẹp sao được, đúng là xảo ngôn. Tôi chỉ thích Happy End mà thôi. Nhìn Yến thương quá, tôi nhè nhẹ gật đầu. Chiều, tôi theo mọi người ra biển chơi. Hoàng hôn trên biển thật tuyệt vời. Nơi ghềnh đá, dưới hàng thùy dương, dọc bờ cát mịn… ngoài Yến và Minh, tôi còn thấy nhiều cặp sóng đôi bên nhau… Mà có trách chi những phút xao lòng, ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ, ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ, đừng có trách chi những phút xao lòng! (Thuận Hữu)

    Ngồi học hành tuy làm biếng, nhưng cũng phải giả vờ ghi ghi chép chép, đâu nói chuyện với nhau được. Vui nhất là thời gian sau giờ ăn trưa, mọi người tập trung nơi giếng nước, vừa rửa chén, vừa bàn tán chuyện trên trời dưới nước, những chuyện vượt biên, anh A đi lọt, ang B bị bắt, chị C bị túm nhưng vì  có con dại nên được tha về. Ngoài ra, con cái cũng là một đề tài nói hoài không hết. Thu Sương khoe cặp song sinh trai nay cũng hơn 3 tuổi: “Hai đứa trắng tròn như hai cục bột, đẹp như cặp tiên đồng.” Hạnh Dung cười hí hí: “Con tui 3 tháng, biết làm mưa nè.” Cô Mỹ Phượng nói: “Con gái cô năm nay vào lớp 1 rồi, cháu múa rất đẹp.” Ngọc Mai chen vào: “Con trai em hát hay lắm cô.” Thanh Châu bắt giò: “Con mi mới giáp thôi nôi mà hát chi rứa?” Hồng Yến bênh: “Sao không hát được, con tao chưa đầy năm cũng đọc thơ được nữa nè.” “Đừng có xạo. Thơ chi rứa?” “Thì con mèo trèo lên cây cau…” “Xạo nữa, có mà là Thánh Gióng” Con tôi năm đó đã mười tám tháng, thuộc rất nhiều bài hát, bài thơ rất dài, nhưng thôi khoe làm chi. Dưới mắt của con quạ mẹ, tất cả những con chim khác đều xấu xí.

     Chuẩn bị cho buổi liên hoan chia tay, mỗi đơn vị tỉnh phải đăng ký ít nhất là một tiết mục văn nghệ. Anh Trưởng đoàn ghé phòng tôi: “Các chị tham gia nghe. Hợp ca thôi, đứng vô là hát, đừng ngại.” Thế là giông tố dồn dập, mấy cô bạn tôi lao nhao: “Anh giỡn đó à, hát đâu phải dễ, còn có năng khiếu, có chất giọng nữa chớ.” “Đứng vô là hát? Thần đồng chắc.” “Đúng là ép người quá đáng.” Nhìn nét mặt tiu nghỉu của anh, thấy tồi tội, tôi nói: “Mà hát sao anh, nhạc cách mạng đâu ai biết gì.” Anh hào hứng trở lại: “Chị chịu khó thuyết phục các bạn ấy dùm tôi nghe. Bài này dễ hát lắm.” “Mà bài gì? “ “Tre Rừng Tây Nguyên.” Rồi anh nhẩm hát một đoạn, mấy nhỏ bạn tôi la lên: “Chi mà tre với nứa hoài vậy, rồi còn chông gai nữa chớ, dễ sợ.” Tôi nhìn mấy nhỏ bạn: “Thôi kệ, tội nghiệp anh ta.” “Tội chi, tội lội xuống sông, mai mốt có chồng lội lên.” Buổi chiều, anh tới báo tin vui, đã đủ số người cho tiết mục hợp ca rồi, bây giờ đang tìm người hát solo một đoạn. Người đó là Thu Hà, cùng phòng với cô Mỹ Phượng, Hà hát hay không thua gì ca sĩ, lần này, Hà còn đơn ca bài gì… chưa có khi nào đẹp bằng hôm nay, đất nước mây trời làm ta mê say… mà tôi không biết tên. Ngày hôm sau, tôi gặp anh Trưởng đoàn bên hành lang, mặt mày méo xẹo, đôi mắt buồn xo. “Có chuyện gì vậy anh?” “Tiêu rồi chị ơi, Thu Hà rút tên ra khỏi ban Văn nghệ rồi.” “Tại sao?” “Tại… ghen.” “Ai ghen ai?” “Chồng Thu Hà ghen với… tui”

     Những ngày sắp về nhà, lòng ai cũng nôn nao, nhớ chồng, nhớ con. Khóa học kết thúc, chúng tôi được ở nhà làm bài thu hoạch nộp cho thầy. Đâu có gì khó, chỉ trong vòng năm nốt nhạc Cho nên ngày nào chúng tôi cũng xuống hội trường xem tập văn nghệ. Chương trình cũng xôm tụ, đầy đủ đơn ca, song ca, hợp ca… toàn những bài lạ hoắc nhưng giai điệu cũng hay lắm. Bài Tre Rừng Tây Nguyên của đơn vị tôi tuy bỏ phần solo của Thu Hà cũng thấy không ảnh hưởng gì. Nổi bật nhất là 2 tiết mục múa Cô Gái Vót Chông của đơn vị Nha Trang do cô Kim Thành làm biên đạo và độc vũ Giòng Sông Xanh của đơn vị Quảng Ngãi do Phương Anh tự biên tự diễn. Phương Anh đẹp như người mẫu, có dáng dấp nghệ sĩ hơn là giáo viên. Tháp tùng theo là anh chồng và cô con gái nhỏ xinh xắn. Anh chồng này tôi biết hồi học ở Khoa Học, anh đẹp trai đến nỗi có một ông đạo diễn từ Sài Gòn ra mời đóng phim. Chỉ là vai phụ thôi mà tiếng tăm đã nổi khắp thành phố Huế, đi đâu ai cũng nhận ra. Cuối cùng, Nha Trang được giải nhất, Quãng Ngãi rớt giải nhì vì gặp sự cố trong đêm hội diễn, bởi khi Phương Anh đang say sưa lả lướt theo điệu Valse trầm bổng, thì chợt sau cánh gà, một em bé nhỏ xíu chạy ra múa may quay cuồng, nhảy nhót lung tung làm mọi người chưng hửng. Ra về, Phương Anh cằn nhằn chồng cả chục lần: “Ông giữ con cái kiểu gì vậy ?” “Hì hì, nó chạy nhanh quá anh chụp không kịp ” 

     Các bạn cùng học chung khóa bồi dưỡng với tôi năm đó chắc chưa hài lòng, vì còn nhiều nữa, sao không kể ra?  Vì cái status này dài quá, sợ mỏi mắt các bạn thôi mà . Hẹn gặp lại.

Valencia, Santa Clarita, California 30/05/2020

- Cô Thuỳ An -