Tiểu Sử Cô Thùy An

 

MƯỜI NĂM THƠ THẨN…

Ký –Thùy An 

  

    

     Tôi thích thơ từ hồi còn nhỏ. Những bài học bằng văn vần, tôi thuộc rất nhanh. Khi trả bài, tôi đọc vanh vách, lên bổng xuống trầm đầy diễn cảm khiến cô giáo hài lòng, nên lúc nào cũng được điểm cao… Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết, đoàn trai non hớn hở rủ nhau về, chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê, ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ… (Nghỉ Hè –Xuân Tâm)

Lớn lên, tôi thường tìm đọc những bài thơ hay, chọn bài nào đắc ý nhất, hòa mực tím và dùng ngòi bút lá tre, trang trọng chép vào cuốn tập đóng bằng giấy pelure màu xanh da trời. Nhiều câu thơ tôi nhớ mãi cho đến bây giờ như…Không có anh ai đem đôi mắt ngọc, sáng long lanh so sánh với vì sao. Ai đem ví làn mây cùng mái tóc, vầng trán trong ai ví với trời cao… (Ngụy Biện –Tế Hanh) hay… Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng, tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân. Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân, vì anh gọi tên em là Nhan Sắc… (Tháng Sáu Trời Mưa –Nguyên Sa)…

Theo chân thần tượng, tôi tập tễnh làm thơ. Những câu thơ đầu đời với ý tưởng ngây ngô sáo rỗng được nắn nót ghi lên từng trang giấy trắng kẻ ô trong cuốn sổ nhỏ bìa cứng, rẻ tiền, bán đầy tại các hiệu sách. Tôi làm thơ như bị ma nhập, đi chùa với bà, đi chợ với mẹ, đi phố với ba… lúc nào tôi cũng có sẵn cây viết trên tay. Nhiều khi trong lớp học, tôi thả hồn ra ngoài cửa sổ, ngắm nhìn những hạt nắng mai lung linh trên chùm lá biếc, mặc cho những lời thầy giảng theo gió bay đi.

Không nhớ từ lúc nào, hình như năm đệ ngũ, tôi gửi những bài thơ tâm đắc nhất đến một vài tòa soạn báo ở Sài Gòn, và sau đó là khoảng thời gian chờ đợi, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác… như viên sỏi rơi vào lòng đại dương, bóng chim tăm cá, không một hồi âm. Tôi vẫn kiên trì, vẫn làm thơ, vẫn gửi đi và… trông ngóng. Trời không phụ kẻ có lòng, tin vui đến vào một buổi sáng đẹp trời, năm tôi bước vào đệ tam. Hai bài thơ của tôi xuất hiện cùng một lúc trên trang Thơ báo Tuổi Xanh và Phổ Thông, đó là Làng Tôi và Hoa Nắng, bên cạnh tên tác giả, còn ghi thêm tên trường lớp. Thành phố nhỏ, chỉ có vài ngôi trường trung học, nên tôi trở thành… nổi tiếng. Bạn bè không gọi tên tôi, mà gọi bằng bút danh. Mấy đứa bạn thân tranh nhau mượn những cuốn sổ nhỏ chép thơ của tôi về nhà, không biết để làm gì. Ba tôi cầm tờ báo có đăng thơ tôi đến sở làm, khoe với các nhân viên rằng, con bé nhà tôi biết làm thơ!!! Bây giờ nghĩ lại thấy mắc cỡ, chứ lúc ấy tôi hãnh diện lắm, vì thấy ba tôi vui hơn cả khi tôi được Bảng Danh Dự về học vấn.

Hồi đó, chỉ có các thi sĩ nổi tiếng mới có thơ bày bán trong các hiệu sách. Và tôi đã nhiều lần đứng mải mê trước những tập thơ in ấn đẹp, xếp ngay ngắn trên những dãy kệ gỗ bóng ngời, thơm hương vẹc ni lẫn mùi giấy mới, mơ đến ngày mình có được một tập thơ riêng.

Tôi không nghĩ ngày đó đến sớm như vậy. Mùa hè năm lên đệ nhị – mùa cuối cùng thảnh thơi, không học hành thi cử. Vào một buổi chiều, tôi đang rãnh rổi đi ra đi vào ca hát nghêu ngao thì Đỗ Xuân Nho học ban C cùng khối lớp, rủ theo vài người bạn, đến nhà, kéo tôi bay lên chín tầng mây với lời đề nghị: “Tụi mình định in một tập thơ chung, mời TA tham gia nhé.” Tôi vẫn còn lơ lửng trên cao: “Nhưng mà tui… có ít thơ lắm” “Không sao, chỉ cần 10 bài là đủ, kể cả những bài đã đăng báo.” “Để tui coi thử. À, mà tên tập thơ là chi?” “TA cứ đặt tên cho phần thơ của mình đi, tên chung sẽ bàn sau.” Nho ra về, hẹn cuối tuần sẽ đến lấy bài, hoàn tất bản thảo để xin giấy phép in.

Tôi mất ăn mất ngủ, mất nhiều thời gian cho việc lựa bài. Chọn bài này lại tiếc bài kia, cuối cùng cũng có 10 bài với cái tựa đề chưa vừa ý lắm, vì tôi suy nghĩ hoài không tìm được tên hay. Còn tên tập thơ chung, sau khi có giấy phép in, tôi mới biết là Buồn Lên Đôi Vai, không biết bạn nào nghĩ ra, nhưng chẳng thấy ai bàn với tôi như lời đã hứa. Tên tập thơ quá bi quan, hoàn toàn không thích hợp với con người lạc quan như tôi, nhưng chắc là phản ảnh được tâm tư của các thanh niên thời chiến qua những dòng thơ bị kiểm duyệt đậm đen. Đây cũng là lý do tôi không để tên trong danh sách các tác phẩm của tôi sau này.

Tôi là tác giả nữ duy nhất, năm người kia đều có bút danh rất hoa mỹ, hình như là Ngọc Thùy Giang, Hoàng Linh Giang… (?!) tôi chỉ nhớ rõ Nho là Triều Hoa Đại. Còn nhớ Nho đến nhà đưa cho tôi xấp giấy trắng, cây bút lông và mấy lọ mực màu, bảo viết mấy hàng quảng cáo cho tập thơ. Tôi ừ à cho xong chuyện rồi xếp vào hộc tủ, vì thật ra, tôi không có năng khiếu viết chữ đẹp. Nhưng khỏi lo, các bạn nam đã làm dùm tất cả. Nên khi thơ vừa in xong, đã thấy trên vách tường, thân cây, cột đèn… khắp thành phố Đà Nẵng, xuất hiện những tấm giấy viết tay giới thiệu Buồn Lên Đôi Vai. Những lời tiếp thị văn hoa, những chữ viết công phu bay bướm, vẫn không đem lại kết quả như ý, vì thơ in không đẹp, xếp chữ sai nhiều, lại còn bị kiểm duyệt, nên bán không được. Mỗi đứa ôm sô, vác trên vai mấy trăm cuốn chia đều, đúng là buồn thiệt !!!

Thất bại về tài chánh nhưng tôi có được niềm vui bất ngờ. Đó là hai bài thơ trong tập BLĐV được phổ nhạc. Nhớ hôm đến nhà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ học guitare, Thầy không dò bài cũ như thường lệ, mà lấy trong túi áo ra một bản nhạc chép tay, cho biết Thầy mới phổ nhạc bài thơ Buông Trôi của tôi và hát thử. Những lời trong thơ tôi dường như mọc cánh theo tiếng hát Thầy vang xa, tôi nghe giai điệu thật hay nhưng chắc là “mèo khen mèo dài đuôi” thôi, vì sau này bài hát không được phổ biến.

Một kỷ niệm vui với nhạc sĩ Nhật Ngân –người phổ nhạc bài thơ Hờ Hững. Ngân học trên tôi một lớp, thành viên trong ban văn nghệ trường. Vào một đêm đông giá, mưa rất lớn, sấm động vang rền, tôi đang ngồi học bài, bỗng có tiếng đập cửa dồn dập. Đồng hồ trên tường chỉ mười một giờ. Tôi nghe tiếng mở cửa và giọng mẹ tôi nghiêm khắc: “Cậu tìm ai?” rồi vào phòng tôi, nét mặt bà không vui: “Bạn của con đêm hôm khuya khoắc đến làm chi không biết, cậu này chắc bị điên.” Khi tôi bước ra, đúng lúc một lằn chớp lóe sáng bầu trời, soi rõ hình dáng người đàn ông cao lớn trùm áo mưa kín mít, đứng co ro trên bậc thềm. “Ai rứa?” “Nhật Ngân đây.” Trời!!! Tôi mở rộng cửa. Mưa gió cùng Ngân ùa vào, lạnh tái tê, nước trên áo mưa Ngân nhỏ xuống nền nhà lênh láng. “Ngồi xuống đi, uống trà nóng nghe?” Ngân xua tay: “Thôi khỏi. Mình vừa mới phổ xong bài thơ của TA, thích quá, qua hát cho TA nghe đây.” Đúng là tác phong của một lãng tử, thích là đi, ngại chi mưa gió bão bùng! Sau nghe Ngân nói bài hát này được trình bày trên đài qua giọng hát Mai Hương, chỉ một lần thôi rồi mất tăm vì không bán được bản quyền.

Tôi vẫn làm thơ trong suốt thời gian tuổi trẻ. Những năm Đại học, cùng bạn bè thành lập Thi nhóm Sóng Vàng, vui chơi nhiều hơn sáng tác, kỷ niệm là những tập thơ chung đánh máy trên những tờ giấy mịn đủ màu, đóng xén bằng thủ công, mà tôi vẫn còn lưu giữ cho tới bây giờ. Tôi làm thơ, “lượng” rất nhiều nhưng “phẩm” chỉ có 98 bài được đăng báo, trong khoảng thời gian 1961 đến 1971. Đặc biệt, tạp chí VNTP số Tết Kỷ Dậu (1969) có giới thiệu tôi và một vài tác giả trẻ khác trong trang Thơ Xuân.

Tôi có thói quen cắt những bài thơ của mình trên báo, dán vào tập vở học trò, thỉnh thoảng đem ra đọc để nhớ lại tuổi mộng mơ qua từng trang giấy ố vàng. Hạnh phúc của người làm thơ là có người biết đến mình. Tôi cũng có một hạnh phúc nhỏ nhoi, là hôm đi lảnh giải khuyến khích cuộc thi Tiểu Phẩm Hài tại nhà hát Bến Thành đường Mạc Đỉnh Chi vào năm 2006 (?!), tác giả Ngọc Trúc, người đoạt giải nhất với tiểu phẩm “Bà Ngoại Thời @” đã nói với tôi: “Ngày xưa, em thuộc nhiều thơ chị lắm, bây giờ mới được gặp.” Rồi cô ấy đọc thơ tôi: “… Em thả tóc thề hong nắng say, sợi mềm lưu luyến ngủ trên vai…”

Tôi vẫn yêu thơ, thích đọc thơ, và được tặng rất nhiều thơ của bạn bè và các nhà thơ trẻ. So với ngày xưa, thơ bây giờ phóng khoáng hơn nhiều. Kỹ thuật in ấn quá hoàn mỹ nên tập thơ nào cũng đẹp, thêm vào ý tưởng hay, nội dung phong phú. Xuân qua hè đến, đời cũng sắp vào cuối đông, đôi khi, cảm hứng tràn về, tôi có ghi lại vài dòng thơ, nhưng vẫn không thể làm được một bài thơ hoàn chỉnh. Hơn 40 năm qua, nàng Thơ đã lặng lẽ ra đi và… đi mãi.

Houston tháng tư 2013