Tiểu Sử Cô Thùy An

NGƯỜI KHÁCH LẠ CHIỀU CUỐI NĂM
Nguyên tác: LE CAMPEUR DE L’ ILE ROUSSEAU

(Tác giả Micheline Maurel)

Thùy An dịch

Hôm đó là một đêm cuối tháng chạp. Trời lạnh. Đảo Rousseau chìm khuất trong lớp sương mù dày đặc. Từ bến cảng, cây cầu Mont –Blanc bắc ngang qua vắng vẻ, không một bóng người . Có tiếng chèo khuấy nước, một chiếc thuyền tí hon sơn màu đỏ lặng lẽ tiến về phía đảo, rồi cặp sát vào vách đá bao quanh. Người đàn ông duy nhất trên thuyền đứng dậy, buộc neo vào một sợi xích sắt có sẵn ở đấy, xong khuân một cái bọc lớn theo bậc cấp lên đảo. Ông thắp sáng một ngọn đèn bão, xem xét chung quanh, tìm chỗ cắm trại. Ông dựng lều rất nhanh, rồi cúi mình chui vào trong sau khi thổi tắt ngọn đèn. Ngoài bờ đảo, chiếc thuyền nhỏ nhấp nhô một vũ điệu dịu dàng trên mặt nước sẩm màu đen.

Cậu bé Jaques sống trong một ngôi nhà ở bến cảng, bạn của cậu là chú chó Frido. Sáng nay, như thường lệ, cậu dẫn Frido đi dạo một vòng quanh bờ nước trong lúc bố mẹ cậu còn đang ngủ say. Khi đến mặt trước đảo, Jaques ngạc nhiên khi thấy chiếc thuyền con màu đỏ và chỏm nhọn của chiếc lều lờ mờ trong sương mù buổi sáng. Tò mò, cậu chạy về phía cây cầu và băng qua đảo. Frido nhảy cẩng lên, chạy vượt cậu bé, dừng lại trước lều sủa inh ỏi.

Có tiếng động trong lều, rồi một bàn tay to lớn và chai cứng vén vạt lều da. Trước mắt Jaques là một khuôn mặt khắc khổ đầy râu. Cậu bé vòng tay lễ phép:

-Chào ông ạ.

-Chào cậu.

Người lạ chui ra khỏi lều, đứng thẳng nhìn cậu bé, nhìn Frido và nhìn chung quanh đảo. Dáng ông tầm thước, gầy gò và khô khan. Ông mặc áo thun kẻ sọc ngang, quần dài đến bắp chân. Ông nhìn Jaques, đôi mắt rất sáng:

-Đảo này tên gì vậy? Có đông dân cư không hở cậu?

-Đây là đảo Rousseau, một phần lãnh thổ của Genève, không có ai ở đâu ông ạ.

-Ồ, đảo này bỏ hoang sao? Từ lâu lắm rồi, tôi chưa đến đây.

-Ông là ai? Từ đâu đến? Có phải chiếc thuyền màu đỏ kia là của ông không?

Người lạ trầm ngâm:

-Tôi tên là Kénan. Hồi còn trẻ, tôi là một thủy thủ của tàu NOÉ .

Jaques nhíu mày:

-Để tôi nhớ xem. Trên tàu Noé có ông Noé và ba cặp vợ chồng trẻ, tất cả 7 người, còn lại là thú vật. Còn ông… trong kinh thánh, không thấy nói đến tên ông.

Kénan ngồi bệt xuống đất, chậm rãi kể:

-Chuyện này xảy ra vào buổi sáng của ngày tận thế. Chỉ có ông Noé mới biết rằng sắp có một trận Đại Hồng Thủy. Khi đó, tôi là một cậu bé 13 tuổi, đang dạo chơi trên bờ và say sưa ngắm con tàu to lớn và mới tinh của ông. Chợt tôi nghe ông gọi: “Này cậu bé, có rảnh không lên giúp ta một tay nào.” Tôi thích thú nhảy lên tàu, nhận cái gàu lớn từ tay ông. “Sàn tàu đầy cả mạc cưa, cậu rửa hộ ta nhé.” Từ lâu, tôi vẫn ước ao được làm thủy thủ nên rất bằng lòng với những công việc được giao. Tôi dội nước, kỳ cọ cật lực cho đến khi sàn tàu sạch bóng. Chẳng ai để ý đến tôi. Trời bắt đầu mưa. Tôi thấy ông Noé đứng trên đài chỉ huy đọc một bảng danh sách. Các loài cầm thú lần lượt leo lên tàu từng cặp… một đôi thỏ, đôi bồ nông, đôi sư tử… đến khi đôi trăn khổng lồ xuất hiện thì tôi quá sợ hãi nên chạy trốn giữa một đống dây neo, trên đầu đội một tấm ván kín mít. Vì vậy, ông Noé đã không trông thấy tôi.

-Chúa ơi, vậy thì bây giờ ông bao nhiêu tuổi? Trận Đại Hồng Thủy xảy ra đã quá lâu. Đáng lý ông đã chết cách đây mấy ngàn năm rồi.

-Đúng thế. Tất cả những người không được lên tàu đều bị cơn Hồng Thủy cuốn đi. Tôi tuy ở trên tàu nhưng lại không có tên trong danh sách những người được cứu thoát, nên bị xem như là đã chết. Thượng Đế không còn ngó ngàng đến tôi, tôi bị bỏ quên trên thế gian này, trải qua bao thời gian. Hiện giờ tôi đi chu du khắp thế giới trên con thuyền tự chế này.

-Ông không thích quê hương của ông sao?

-Ở đó buồn lắm. Tôi đã từng chứng kiến ông già Noé lúc sinh thời cho đến khi chết, rồi con ông, cháu ông, chắt ông… hàng trăm thế hệ. Còn tôi, Thần Chết đã bỏ quên tôi.

-Hiện giờ, ông chỉ có một mình?

-Đúng thế. Tôi đã cưới vợ 80 lần, như vậy là quá đủ.

Chợt Frido cất tiếng sủa, Jaques ngẩng lên. Một cảnh sát viên đang đi tới. Từ xa, ông ta đã la lên:

-Ai cho mấy người cắm trại ở đây? Đi theo tôi về đồn, nhanh lên.

Tại đồn cảnh sát, Kénan mệt mỏi kể lại câu chuyện kỳ lạ của đời ông. Nhưng các chàng cảnh sát không cảm thấy thích thú chút nào. Họ cho rằng, mỗi người phải có một chỗ ở và một đời người hiếm ai qua khỏi cái tuổi một trăm. Thế mà ông Kénan đã chẳng có nơi cư ngụ, lại còn không nhớ nổi mình sinh năm nào. Họ cho rằng, con người phải lao động kiếm sống thì ông này chả có nghề ngỗng gì cả, cũng như ông hoàn toàn trơ trọi trên đời trong khi ai cũng có gia đình với ít nhiều người thân. Kénan tiếp tục nói:

-Tôi không còn gia đình nhưng có thể hiện giờ tôi là ông cao - tằng - cố - tổ… Vậy thưa quí ông, quí ông có thể là cháu – chắt – chút – chít… của tôi vì tôi đã có mặt trong trận Đại Hồng Thủy xảy ra cách nay mấy ngàn năm. Còn ông, thưa ông cảnh sát trưởng, ông rất giống người cháu trai Abimael của tôi.

Viên cảnh sát chưa kịp nổi trận lôi đình  thì Jaques đã kêu lên:
-Ồ, chú cảnh sát ơi, chú giống thật đấy. Nhất là cái mũi, đôi mắt… và xem kìa, chú cũng có cái nốt ruồi ở má phải.

Viên cảnh sát giật mình khi nhìn vào tấm kiếng trước mặt, quỉ tha ma bắt, quả là mình rất giống Kénan, nhất là cái nốt ruồi. Y suy nghĩ rất nhanh: “Nếu ta bỏ tù tên này, các báo sẽ đăng hình hắn và ta, độc giả sẽ nhận ra vẻ giống nhau giữa hai gương mặt và rồi… ôi thôi ta chả dại gì chuốc nỗi phiền toái vào thân.” Y tằng hắng:

-Thôi được, chúng tôi chả muốn làm khó dễ gì ông. Nhưng lệnh cấm cắm tại phải được thi hành nghiêm chỉnh. Do đó, ông phải rời đảo chậm nhất là đêm nay. Tôi sẽ cấp cho ông một thẻ căn cước tạm thời.

Kénan theo hai người bạn nhỏ ra khỏi cục cảnh sát. Jaques nói:

-Ông Kénan ạ, giờ tôi và Frido phải về kẻo bố mẹ tôi trông. Chiều nay, tôi muốn mời ông đi xem phim, ông nhớ chờ tôi nơi chiếc ghế dài trong công viên kia nhé.

-Tôi sẽ chờ cậu.

Kénan đến bên cầu, hướng về đảo Rousseau. Chiếc thuyền nhỏ vẫn bềnh bồng trên mặt nước bên chân vách đá, ông móc túi lấy tấm thẻ căn cước do người hậu duệ của Abimael cấp:

Tên: Kénan
Ngày sinh: không biết
Nơi sinh: Ả Rập
Nơi cư ngụ: không có

Ông mỉm cười hướng về chiếc thuyền đò:

-Nơi cư ngụ của ta đấy. Chung quanh thuyền còn có nước, trời, đất liền của biết bao xứ sở. Và gia đình ta chính là tất cả mọi người trên trái đất này. Viên cảnh sát trưởng tuy nóng tính nhưng tốt bụng, đúng là đức tính của ta.

Thế còn Jaques, cậu bé trông giống ai nhỉ. Ông ôn lại trong trí hình ảnh hàng triệu triệu đứa trẻ con của Noé, Sem, Cham, Japhet… rồi đời con, đời cháu của họ, đời sau nữa… thế kỷ này nối tiếp thế kỷ kia. Họ đã chết cả nhưng hậu duệ của họ hiện nay có mặt trên khắp thế giới, chung quanh ông.

Kénan rời cầu, ngẩng mặt lên trời và cứ thế bước đi, bộ râu xám tung bay trước gió. Ông băng qua đường, không chú ý ngọn đèn xanh vừa bật lên. Một chiếc xe vọt tới quẹt vào làm ông té ngồi xuống mặt đường. Viên cảnh sát giao thông chạy đến:

-Ông không thể cẩn thận hơn sao, ông già.

Kénan mỉm cười, thầm nghĩ: “Ông đã từng đi qua biết bao thành phố lớn kể cả Paris, London, Tokyo, NewYork… nhưng chưa bao giờ bị đụng xe. Ông cảm thấy thích thú trước tình huống này. Khách bộ hành đứng lại bên đường, xầm xì to nhỏ:

-Ủa, sao ông ta lại cười?

-Ông già bị chạm thần kinh chắc.

Một bà cụ mặt mày phúc hậu đến cạnh ông:

-Ông ơi, băng qua đường phố ở Genève còn nguy hiểm hơn băng qua một khu rừng đầy thú dữ. Lần sau, ông nên cẩn thận nhé.

Kénan lại cười. Ông muốn giải thích rằng, chẳng có thứ gì nguy hiểm đối với ông cả vì ông đã chính thức chết trong cơn Hồng Thủy và chẳng có cái chết nào chờ ông nữa, không tai nạn xe cộ, cũng không cá sấu hùm beo… Nhưng ông biết rằng, có nói cũng không ai chịu tin.

Viên cảnh sát lập biên bản phạt Kénan một đồng france Thụy Sĩ. Kénan dốc hết túi ra: chỉ có 20 xu Thụy Sĩ, ngoài ra còn có những đồng xu của những nước khắp trên thế giới: Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp và cả tờ 5 ngàn của Việt Nam nữa. Những người hiếu kỳ phá lên cười. Bà cụ hồi nãy bước đến để tay lên vai người cảnh sát đang đỏ mặt vì tức giận:

-Để tôi nộp phạt cho ông ta –Quay sang Kénan, bà nói –Ông có thể đi được rồi đấy, nhớ cẩn thận.

Bà cụ theo Kénan đến cầu Mont-Blanc. Bà nói:

-Thưa ông, tôi là nhà chiêm tinh. Trông tướng mặt ông rất lạ. Ông vui lòng cho tôi được xem qua chỉ tay nhé.

Kénan vui vẻ chìa bàn tay cho bà cụ. Họ cùng đứng trên cầu đối diện đảo Pousseau. Bên vách đá, chiếc thuyền con màu đỏ vẫn đong đưa nhẹ nhàng trên mặt hồ gợn sóng, một vài con thiên nga tò mò bơi quanh. Bà cụ lên tiếng:

-Ông có rất nhiều chuyến du hành.

-Thưa đúng.

-Ông có nhiều lần làm đám cưới… Ồ, nhưng sao mà nhiều quá, bốn mươi, năm mươi, sáu mươi… Thật khó tin nhưng quả là có rất nhiều đường hôn nhân… và con cái cũng rất nhiều.

-Thưa rất đúng.

-Năm ông 13 tuổi, có một sự kiện quan trọng, phi thường như một phép lạ đã xảy đến với ông.

-Thưa rất đúng.

-Quê hương ông có nhiều ánh nắng… và ông sắp quay về.

-Điều này thì… tôi không tin, thưa bà.

-Ông sắp quay về đó… rất gấp –Đột nhiên, bà cụ ngẩng đầu, nhìn sâu vào mắt Kénan –Tôi nhìn thấy Selma, cô ta là ai?

Mặt Kénan trở nên tái mét:

-Selma? Đó là cháu gái tôi từ ngày xưa, lâu lắm rồi, đã mấy ngàn năm.

Bà cụ chiêm tinh nhận thấy Kénan không được bình thường, bà không hiểu ông đang nói gì. Vả lại, chỉ tay của ông quá phức tạp, bà đã đếm được 80 đường hôn nhân, và không sao đếm xuể tới nửa số đường con cháu… Bà cố gắng tìm kiếm trong trí các biến cố khởi đầu câu chuyện. Rồi, bà bỗng thấy hình ảnh một trận mưa dữ dội, nước dâng lên nhận chìm mọi thứ, tiếng kêu cứu vang lên khắp nơi. Trên sóng nước mênh mông, chỉ có một chiếc tàu duy nhất trôi nổi bập bềnh. Một chú hươu cao cổ thò đầu ra khỏi cửa sổ… Trên sàn tàu, một cậu bé đang đánh  bóng những thanh lan can đồng. Toàn thể mặt đất bị nước bao phủ, nước ở khắp nơi, nước nhận chìm vạn vật trừ chiếc tàu duy nhất. Ôi, đó là cơn Đại Hồng Thủy! Bà cụ đáng thương hắt hơi liền mấy cái, rồi quá kinh hoàng, bà vội bắt tay Kénan và bỏ đi gần như chạy.

Sự ngạc nhiên của thiên hạ chẳng mảy may làm cho Kénan phật ý. Ông chỉ thật sự bối rối khi nghe bà cụ hỏi: “Selma là ai?” Selma là cháu nội yêu quí của ông ngày xưa. Nhưng làm sao bà cụ thấy được? Đã mấy ngàn năm qua, cô bé ấy đã là người lớn, là vợ, là mẹ, là bà, là cố… và đã chết.

Kénan đến trước chiếc ghế dài nơi công viên, theo lời hẹn của Jaques. Ông vừa thiu thiu chợp mắt thì cậu bé đã xuất hiện:

-Nào chúng ta đi, xuất chiếu bắt đầu lúc hai giờ.

Đến trước rạp, Kénan bỗng muốn tháo lui, ông chưa bao giờ dám bước vào những ngôi đền tăm tối lúc nhúc đầy người như vậy. Nhưng Jaques cứ lôi ông đi theo một người đàn bà ma quái chỉ đường bằng một tia sáng màu đỏ.

Xuất chiếu mở đầu bằng một  phim hoạt hình của Walt  Disney. Kénan thì thầm bên tai Jaques:

-Các con vật trông chẳng giống ngoài đời chút nào.

-Đó đâu phải là những con vật thật. Người ta đã vẽ thêm cho chúng những nét dí dỏm tưởng tượng.

Sau phim hoạt họa, là một phim thời sự về Trung Đông.

-Xem kìa –Jaques nói –Cảnh quê ông đấy. Ông nên biết, đây là phim thật, hoàn toàn thật. Những người trên màn ảnh đang thực sự hiện hữu ở đó.

Một đoàn lữ hành in hình trên phong cảnh hoang mạc. Những con lạc đà miệng nhai lại, môi dưới trễ xuống. Những người Ả Rập mặc áo choàng liền mũ như đang dấn mình vào một giấc mơ… Đoàn lữ hành nối tiếp… nối tiếp… bóng mát mướt xanh của vùng trồng cọ… Một ốc đảo, một ngôi làng đất đỏ nổi trên cát trắng… Trẻ em nô đùa, một cô gái xuất hiện cận ảnh với đôi mắt nai, tai đeo vòng bạc, mũi nhỏ rất thẳng, miệng mỉm cười. Mái tóc đen lô ra dưới tấm khăn choàng rực rỡ…

Jaques cảm thấy Kénan rùng mình, bàn tay ông run rẩy:

-Cậu bảo những người đó có thật? Họ là người thật trong thời đại hiện nay phải không?

-Vâng. Nhưng họ đang ở Trung Đông, rất xa nơi này.

Cô gái trẻ lại một lần nữa xuất hiện cận ảnh với một bình nước ôm bên hông. Không tự chủ được, Kénan la lên:

-Selma! Selma! Đến đây!

Mọi người trong rạp xôn xao: “Có tên điên nào thế?”. Jaques van vì:

-Xin ông im đi! Cô gái đó đang ở tận phía nam Ai Cập.

-Vậy thì tôi sẽ đến đó, tôi đi ngay bây giờ.

Không có cách gì giữ nổi Kénan. Ông chen lấn những khán giả, đi về phía cửa. Jaques chạy theo ông ra đến đường:

-Ông Kénan, ông điên rồi. Ông bảo rằng ông không muốn quay về nơi ấy cơ mà.

-Nhưng bây giờ Selma đang ở đó. Một Selma khác, con cháu bao đời của cô cháu nội tôi. Cậu có thấy không? Cũng đôi mắt ấy, nụ cười ấy. Tôi đã tìm lại được dòng dõi của Selma, hoàn toàn giống Selma.

-Nhưng ông đi bằng cách nào? Theo con đường nào?

-Tôi có chiếc thuyền. Tôi sẽ xuôi theo sông Rhône, vượt biển rồi ngược dòng sông Nil.

-Hãy chờ chút, ông Kénan. Ít nhất ông cũng phải mang theo một số tiền để mua thực phẩm chứ. Đây ông giữ lấy.

Vừa nói, Jaques vừa nhét vào tay Kénan chiếc túi màu nâu đựng tiền dành dụm của cậu. Trên đảo, chiếc lều da dê vẫn nguyên vẹn. Với những động tác nhanh nhẹn, Kénan tháo lều xếp gọn vào cái túi màu xám, quẳng xuống chiếc thuyền đang đong đưa dưới chân vách đá. Kénan cầm tay Jaques:

-Tạm biệt Jaques. Cám ơn về mọi chuyện. Tôi sẽ nhớ cậu mãi.

-Ông sẽ quay lại chứ?

-Có lẽ thế, nhưng chưa biết lúc nào. Thời gian vô tận, có thể trong vài tháng, vài thế kỷ, mà cũng có thể trong vài ngàn năm. Nếu không gặp cậu thì tôi sẽ gặp con, cháu chắt của cậu. Tạm biệt Jaques. Tạm biệt.

Chiếc thuyền con rời đảo hướng về phía sông Rhône, Kénan chèo hết tốc lực làm bầy thiên nga hoảng sợ và những con hải âu đang bay, vụt lên cao hơn. Từ lan can cầu Mont –Blanc, vài bộ hành tò mò dừng lại ngắm ông già có bộ râu xám đang bơi chiếc thuyền con màu đỏ. Kénan không nhìn ai cả, trước mặt ông là màu nước xanh dẫn đến tận sông Nil, đến tận ngôi làng của Selma.

Jaques chạy dọc theo bờ đảo, mắt không rời Kénan cho đến khi chiếc thuyền mất hút ở một khúc quanh của dòng sông. Cậu bé bần thần quay lại phía đảo Rousseau. Một tấm bảng lớn, nét chữ còn mới viết bằng nhiều thứ tiếng đập vào mắt cậu:

CẤM ĐÓNG TRẠI
CAMPHING FORBIDDEN
LE CAMPING EST INTERDIT

Cậu buồn bã trở về nhà. Gương nước trên hồ thẩm dần. Hoàng hôn đang xuống.

 


ooOoo