NHỚ…
Một chút kỷ niệm với các em trong ban Văn Nghệ trường PTG
Một buổi sáng, tôi nhận được phone của cậu học trò: “Cô ơi, chiều nay em ghé chở cô đến một chỗ này, rất thú vị.” “Chỗ nào?” “Bí mật, cô.”
Đầu giờ chiều, cậu ta xuất hiện, quần áo bảnh bao: “Đi, cô.” “Đi đâu mới được chứ.” “Lên Đài Truyền Hình.” Tôi ngạc nhiên: “Lên làm chi?” Cậu ta hào hứng: “Lên ghi tên dự thi Tiếng Hát Mãi Xanh, cô.” Ban đầu, tôi nhỏ nhẹ: “Thôi em ơi, cô hết hơi rồi.” “Đâu có cô, em nghe cô hát vẫn còn hay lắm.” “Hay chi mà hay, hát Karaoke ai hát mà chẳng được.” “Đi với em đi mà, cô.” Cậu ta mè nheo một hồi làm tôi nổi tức: “Em điên hả? Em biết cô năm nay bao nhiêu tuổi rồi không?” “Nhằm nhò gì cô, có mấy ông lão bà lão trên 70, 80 cũng đăng ký dự thi đó.” “Im đi. Đúng là điếc không sợ súng.” Cậu ta xụ mặt xuống: “Không thi thì thôi, sao cô lại la em?”
Hôm nay rảnh rỗi, ngồi nghĩ lại thấy tội nghiệp cho cậu học trò U60 của tôi. Phản ứng của tôi như một gáo nước lạnh làm tắt ngấm nhuệ khí của cậu, khiến cậu không dám ghi tên dự thi nữa. Cũng từ đây, tôi nhớ lại những cuộc thi, những chương trình văn nghệ thời tuổi trẻ, khi tóc còn xanh, khi mắt còn biếc và những người thương yêu còn sống ở trên đời.
Đó là năm 1972 khi tôi “khăn gói gió đưa” theo chồng về đây và nhận một số giờ dạy tại trường Phan Thanh Giản. Tuổi già nhạt nhòa bao ký ức, nhưng tôi vẫn còn nhớ thời gian này, phong trào văn nghệ ở Đà Nẵng phát triển rất mạnh, nổi bật nhất là các cuộc thi ca múa nhạc giữa các trường tư thục và công lập trong thành phố: Phan Châu Trinh, Hồng Đức, Sao Mai, Nguyễn Hiền, Phan Thanh Giản… rộn ràng đầy khí thế. Ngoài giờ lên lớp, các thầy cô và học sinh lao vào tập dượt đơn ca, hợp ca… tưng bừng cả lên. Thầy trưởng ban văn nghệ rất tài hoa, đã tập dợt cho các em trình bày những bài hợp xướng rất ấn tượng và điêu luyện như “Khi Tôi Về” của Phạm Duy, “Vó Câu Muôn Dặm” của Văn Phụng… đến bây giờ tôi vẫn nhớ, nhưng rồi kết quả không như ý muốn, có một sự bất công nào đó khiến các giải thưởng lọt qua trường khác làm cho các em rơi nước mắt, còn thầy cô thì không dấu được nỗi ngậm ngùi!
Nhớ những đêm nhạc cổ điển tổ chức ở Trung Tâm văn hóa Pháp, những bản hòa tấu, độc tấu violon, piano, clarinet… với những tác phẩm bất hũ của Beethoven, Mozart, Chopin… Rồi những giọng hát mượt mà qua những tình khúc nhạc ngoại lời Việt như Giòng Sông Xanh, Sóng Nước Biếc, Chủ Nhật Buồn, Vai Áo Màu Xanh… say đắm biết bao trái tim người yêu nhạc.
Nhớ có lần, Trung Tâm văn hóa Pháp giới thiệu buổi trình diễn violon của một nhạc sĩ trẻ, tôi và ông xã háo hức đi nghe. Nhìn lên sân khấu, tôi vui mừng khi nhận ra người đệm piano là Vĩnh Hùng –em họ của cô bạn thân hồi học ở Huế. Tôi nói với ông xã:
-Ái quen với anh chàng pianist đó (tôi thường xưng tên với ông xã)
-Thiệt hả? Lát nữa mình ra gặp đi.
Giờ giải lao, tôi đi tìm Vĩnh Hùng:
-Nhớ chị không?
Vĩnh Hùng mừng rỡ:
-A, chị Ái, lâu ngày quá.
Vĩnh Hùng giới thiệu người bạn violonist Hoàng Ngọc Đức với tôi và ông xã. Hoàng Ngọc Đức tỏ ra rất thích ông xã tôi, và sau đó, Đức thường đến nhà chúng tôi cùng uống cà phê, hàn huyên tâm sự, thỉnh thoảng còn xách đàn đến kéo cho chúng tôi thưởng thức những giai điệu ngọt ngào. Lúc này, ông xã tôi đang chơi violon, nghiệp dư, không có trường lớp gì cả, nên rất trân trọng những góp ý, chỉ bảo thêm của Hoàng Ngọc Đức để tiếng đàn trở nên trau chuốt, dày dặn hơn. Vĩnh Hùng trở về Huế, tình bạn vong niên giữa ông xã tôi và Hoàng Ngọc Đức ngày càng mật thiết. Không biết có phải là duyên không, nhưng ông xã tôi thường nói vui: “Chắc tại hai đứa trùng tên.”
Hoàng Ngọc Đức và Vĩnh Hùng tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế, nên bạn bè văn nghệ rất đông (Trần Quang Lộc, Cao Hữu Điền, Bùi Đăng Hà, Mộc Lan, Trần Ngọc Mỹ…). Các anh thường tổ chức những buổi hòa nhạc thính phòng, những đêm nhạc chủ đề, nhạc phổ thơ… phần lớn do chính các anh sáng tác. Có tác giả tự hát nhạc của mình, nhưng cũng có người hát không được hay nên phải nhờ đến giọng oanh vàng của các nữ sinh trường Phan Thanh Giản. Hồi đó, ban văn nghệ trường có nhiều em hát hay không thua gì ca sĩ… bây giờ chắc cũng đã lên chức bà nội bà ngoại hết rồi?
Gần 40 năm trôi qua, những bài hát này đang có trên trang www.art2all.net , mời các bạn vào nghe để nhớ lại một thời hoa bướm ngày xưa.
25/ 4/ 2011
Thùy An