Những Bà Ngoại
****
Thân tặng các bạn U60 Quỳnh Cư, Phước Khánh, Hồng Vân, Thu Hà… và các học trò U50 của tôi… T.A
1. Nhận email của Thục Nhi, gửi cùng lúc nhiều địa chỉ bạn bè, kèm tấm hình cô bạn bồng cháu ngoại nhỏ xíu, đỏ hỏn, với hàng chữ: “Chào các bà ngoại, ông ngoại, cháu là Diễm Uyên vừa mới chào đời cách đây 24 tiếng đồng hồ…”
Nụ cười Thục Nhi tươi tắn, mãn nguyện, cô nàng đã “lên chức” Bà Ngoại! Tôi cười thầm, bà ngoại gì mà trông mô đen hết biết, tóc xù, áo đầm sát nách, mắt thì cứ tròn xoe như hồi còn đi học. Lại nhớ đến giọng nói, tiếng cười, ánh mắt đầm ấm của những bà ngoại ngày xưa.
Hồi đó, tuổi bà ngoại tôi không lớn hơn Thục Nhi bao nhiêu nhưng trong ký ức tuổi thơ tôi, đó là một phụ nữ có mái tóc muối tiêu búi gọn bằng cây trâm cẩn xà cừ lóng lánh. Mỗi khi ra đường, bà thường thoa lên môi một chút son hồng, lên má một lớp phấn nụ. Nhưng ít khi bà ngoại đi đâu. Ngày hai buổi, bà ở nhà làm công việc “đem ngọt ngào đến cho đời”. Nghề làm mứt bánh của bà nổi tiếng đường Gia Hội nói riêng và thành phố Huế nói chung. Suốt bốn mùa, đơn đặt hàng gạt ra không hết. Tết đến, bà còn nhận làm dưa món, chả lụa, chả bông (giò thủ)… Công việc bề bộn, từ sáng đến tối, bà điều khiển các dì pha bột, in bánh, tỉa củ, xên mứt… còn các cậu thì có nhiệm vụ đạp xe đi giao hàng. Nhiều lúc làm biếng, không có giờ học, các cậu các dì tôi cũng giả vờ ôm cặp ra khỏi nhà, để mặc cho bà ngoại “tự sinh tự diệt.” Bà biết nhưng không nói gì, một mình bà vừa làm vừa đọc ca dao:
Không mợ thì chợ cũng đông,
mợ vô xứ Quảng ai trông mợ về…
Nhớ có lần dì Na bận ra vườn nói chuyện với bạn trai, dì sai tôi xem chừng nia bánh in trên lò than sấy. Loay hoay thế nào, tôi làm cháy xém cả chục cái. Dì Na sợ hết hồn, kí ngay vào đầu tôi một cái đau điếng. Tôi khóc thét lên, thế là bà ngoại nhảy đến, chỉ tay vào mặt dì Na:
-Đồ vụng về khê thúi, hắn còn con nít, biết chi mà mi giao bánh cho hắn coi.
Rồi bà lấy con dao mỏng gọt dũa, sửa sang lại những chiếc bánh hư, bà làm khéo đến nỗi các khách hàng không thể phát hiện được.
Một năm, bà chỉ rảnh rỗi vào những ngày tết, lúc hàng họ đã giao xong, đồ ăn thức uống trong nhà đã được chuẩn bị sẵn sàng. Bà giao hết việc nội trợ cho mẹ và các dì, rồi dắt tôi đi chơi. Thích nhất là đi hội chợ ở bến Thương Bạc, hai bà cháu thường ghé vào gian hàng trò chơi du lịch, mua một tấm vé, hồi hộp nhìn theo chiếc máy bay bằng nhôm trắng lòng vòng trên các “phi trường” Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn… trong khi anh chàng bán vé chạy loanh quanh, miệng mồm liếng thoắng :
Thành phố Huế mộng mơ,
Trời Đà Lạt sương mù,
Biển Nha Trang cát trắng
Mời quí khách mua dzô…
Mua dzô…mua dzô…
2.Bà ngoại thứ hai là mẹ – bà ngoại của các con tôi. Chưa tới sáu mươi, bà đã lập kỷ lục trên bước đường “chạy show”. Bà chuyển hộ khẩu liên tục, vài ngày ở nhà Bé Chị, rồi vài ngày lại qua nhà Bé Em, có khi khăn gói vào tận Nha Trang, Sài Gòn chăm sóc Bé Xíu và Bé Út … Bà chưa qua một trường lớp Nhi Khoa nào, nhưng sau nhiều lần vượt cạn, kinh nghiệm tích lũy đầy mình, bà trở nên “cao thủ” trong quá trình nuôi trẻ sơ sinh. Bà rất mát tay, nhẫn nại, chịu thương chịu khó. Giọng bà hát ru êm ái ngọt ngào…
À ơi…Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
Sông An Cựu nắng đục mưa trong…
Theo nhịp nôi đưa, những đứa cháu ngoại lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà, từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến giáp thôi nôi, lúc nào cũng sởn sơ, mạnh khỏe. Lớn hơn chút nữa, các cháu vẫn luôn quấn quít bên bà, bởi nơi bà là cả một kho tàng truyện cổ tích. Những “Nàng Bạch Tuyết”, “Hoàng Tử Cóc”… đã một thời làm cho các cô bé cậu bé ngẩn ngơ. Vừa kể chuyện, bà vừa giải đáp mọi thắc mắc của các cháu, từ đó hướng các cháu noi theo gương tốt, hoàn thiện nhân cách con người.
-Bà ngoại ơi, tại sao cô Bạch Tuyết ăn hết cơm, chiếm hết giường của bảy chú lùn mà vẫn được các chú ấy thương yêu?
-Vì các chú lùn là người tốt, biết thông cảm cho hoàn cảnh của cô Bạch Tuyết.
-Bà ơi, cháu sợ bị hóa thành cóc lắm.
-Nếu cháu ngoan thì không có bà phù thủy nào có thể trừng phạt cháu được…
3. Tới thế hệ bà ngoại thứ ba, sự đảm đang tỉ lệ nghịch với sự phát triển của những tiện nghi vật chất. Báo chí, truyền thanh, truyền hình… cuốn bà ngoại vào cơn lốc hưởng thụ. Bà đọc sách, nghe nhạc, xem phim, rồi đi chơi đây đó. Đã có tủ lạnh, máy giặt, bếp gaz, lò nướng… đỡ đần hết công việc nội trợ cho bà. Bà ngoại trở nên “vụng về khê thúi”, ngày lo hai bữa cơm còn chưa rành, nói chi đến việc nuôi con vượt cạn. Cho nên, khi nghe tin đứa cháu ngoại vừa tượng hình, bà ngoại đã ăn ngủ không yên. Cái thai hành con gái, chẳng khác chi hành hạ bà, suốt ngày cứ bồn chồn như đang ngồi trên đống lửa. Bà không biết làm chi hơn là chạy đôn chạy đáo, thăm hỏi bạn bè đã từng làm bà ngoại, phải chuẩn bị những gì để đón đứa bé ra đời? Người bày cách này, người chỉ cách khác, ai nói cũng hợp lý khiến bà muốn tẩu hỏa nhập ma vì không biết nghe ai. Con rể nói:
-Mẹ không phải làm gì cả. Đã có bác sĩ lo.
Rồi đến lúc siêu âm. Con trai! Bà ngoại mừng rỡ:
-Rứa là có vốn rồi.
Con gái cười:
-Mẹ làm như đi buôn không bằng.
Cu Tí ra đời. Suốt một tháng cu Tí khóc đêm là đúng ba mươi ngày bà ngoại thi gan thức đêm cùng cu Tí. Nhìn cu Tí lớn lên từng ngày, bà ngoại quên hết mệt nhọc. Từ sáng đến chiều, bà ôm ấp cháu, nắn chân nắn tay, nâng niu từng ngón nhỏ, ngắm nghía đôi mắt trong veo, mái tóc tơ mềm của thằng bé. Bà “nghiên cứu” một lô cẩm nang dưỡng nhi, học cách tắm cho bé, cách dùng tã, cách cho bú sao để bé không bị ọc sữa… Bà cũng biết hát ru, nhưng là những bài nhạc mới:
Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai,
Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay,
Nếp sống tươi vui nối chân nhau đến chân trời
Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi…
Thằng cháu ngoại qua tháng thứ ba đã trở nên ngoan ngoãn, bú ngon, ngủ tốt, không còn khóc nhè nữa, suốt ngày nằm nói chuyện với đám đồ chơi treo lủng lẳng trên nôi.
Bây giờ thì bà khỏe rồi. Con rể bàn:
-Mẹ nên đi Huế thăm đền đài, lăng tẩm một chuyến cho thư giãn.
Bà lắc đầu:
-Mấy chỗ nớ, hồi trẻ mẹ đi muốn mòn chân.
Con gái nói:
-Vậy thì mẹ ra Huế thăm bà Na đi.
Ý kiến hay. Bà vui vui khi nghĩ đến lần dì Na kí vào đầu bà, rồi bà ngoại bênh bà, mắng dì Na một trận nên thân. Bà gật đầu:
-Ừ, mẹ sẽ đi.
4.Điện thoại reo. Tiếng cô bạn cùng lớp ngày xưa ở đầu dây:
-Ái ơi, Quỳnh Chi nè. Mình mới về Việt Nam được ba ngày.
-Hay quá, tụi mình đi Huế chơi nghe.
-Kẹt rồi. Ái biết không? Lần này về, mình đem theo thằng cháu ngoại mười tám tháng, trời nóng quá, nó bệnh hoài, mình không đi đâu được cả.
Lại thêm một bà ngoại!
THÙY AN