(Trong cuốn "Từ Công Phụng Dưới Mắt Bằng Hữu" - Phát Hành Tháng 8, 2011)



Tôi là người “hay hát” hơn là “hát hay”. Chất giọng tầm thường, âm vực hạn chế, lên cao không nổi, xuống các nốt trầm cũng không xong, vậy mà điếc không sợ súng, hể có buổi họp mặt văn nghệ trong phạm vi trường lớp, bạn bè… là có giọng hát của tôi. Tôi thích ca hát từ nhỏ, thuộc rất nhiều bài hát của nhiều tác giả tiền bối như Phạm Duy, Văn Phụng, Phạm Đình Chương, Y Vân, Hoàng Trọng … và khi lớn lên, biết thêm những nhạc sĩ trẻ hơn: Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Vũ Thành An, Từ Công Phụng

Tôi biết đến tên Anh (Từ Công Phụng) vào những năm chập chững bước vào ngưỡng cửa Đại học. Thuở đó, tóc còn xanh, mắt còn biếc, môi còn hồng… nhìn về tương lai là cả một khoảng trời hoa mộng bát ngát tươi nguyên. Chủ nhật nào cũng vậy, tôi có thói quen rủ bạn bè đạp xe ra ngoại ô hít thở không khí trong lành, thư giãn sau một tuần học hành mệt mỏi, hoặc cùng nhau đi dạo phố, qua những con đường buôn bán sầm uất, những cửa hàng vải vóc, những hiệu sách hoành tráng… và tại nhà sách Tinh Hoa, tôi đã gặp Anh lần đầu tiên, hay nói đúng hơn là tác phẩm của Anh vừa phát hành còn thơm mùi giấy mới, không biết có phải là sáng tác đầu tay? BÂY GIỜ THÁNG MẤY, bài này tôi chưa từng nghe qua trên sóng phát thanh nên chưa biết hát như thế nào, nhưng hình vẽ bên ngoài dễ thương quá, ca từ bên trong càng nhẹ nhàng êm ái khiến tôi không thể ngoành mặt bước đi… Mai đây anh đưa em đi về, mưa giăng chiều nắng tàn cho buốt lạnh chúng mình… Em ơi, thôi đừng hờn anh nữa, nhìn nhau buồn vời vợi, để mùa đông buốt giá bờ vai mềm…

Đem bản nhạc về nhà, xách cây guitare ra mò mẫm (trình độ của tôi chỉ có vậy) từng nốt nhạc tìm giai điệu. Nếu tôi nhớ không lầm, bài này nhịp 3/4 dìu dặt rất dễ hát. Thích nhất là câu hỏi vừa ngập ngừng vừa tiếc nuối… Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em, lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm, chiều nay nếu em đừng hờn dỗi, trách nhau một lời thôi, tâm hồn mình đâu lẻ đôi… của tác giả thầm thì với người yêu, sao mà giống tâm trạng “mưa nắng thất thường” của tuổi trẻ bây giờ quá: quen đó, giận đó, vui đó, buồn đó… khiến tôi có ý nghĩ, anh chàng này chắc cùng trang lứa với mình?!!!

Vài năm sau, tôi lại gặp Anh trong chương trình Văn Nghệ Mùa Xuân của trường trung học Mạc Đỉnh Chi, phát trên sóng truyền hình đen trắng. Người dẫn chương trình giới thiệu một nhạc phẩm của Từ Công Phụng làm tôi chú ý lắng nghe: TRÊN NGỌN TÌNH SẦU. Người hát là một em nam sinh lớp 12, gương mặt hiền lành, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ… Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngát tạnh, môi thâm khô từ thuở định hôn người, ngày tháng hạ khi không mà trở rét, giọt nắng vàng như sương mờ lạnh ngắt, sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa… nghe sao dằn vặt, da diết quá. Có phải những lời tự sự của Anh đã chắp cánh cho tiếng hát em bay cao hay chính chất giọng trầm ấm mượt mà của em đã làm thăng hoa bài tình ca ấy?… Chiều qua đó chân ai còn ríu rít âm thưa, lời ai ru như mơ cho trời xuống thật gần… Người trông ngóng hương đưa mùi mái tóc đêm mưa, nhẹ theo lá oan khiên lả tả mái hiên ngoài… Chỉ biết rằng sau đó, nhiều chủ nhân phòng trà đã tìm đến em. Em trở thành ca sĩ nổi tiếng rất nhanh và còn được mời đóng phim nữa (ca sĩ –diễn viên Nguyễn Chánh Tín bây giờ cũng vào tuổi lục tuần).

Vào một ngày cuộc đời không còn màu hồng nữa, cơn lốc cơm áo gạo tiền cuốn tôi vào nỗi nhọc nhằn bươn chải, tôi lại gặp Anh. Từ rất lâu, tôi đã quên mất thói quen xem phim, nghe nhạc (có lẽ tôi chưa thích ứng với loại phim, loại nhạc của thời bấy giờ), thì một buổi sáng mưa lất phất bay, tôi đang thơ thẩn trước hành lang kiểm tra học sinh thi cá nguyệt, bỗng cảm thấy tim mình bị hụt một nhịp khi nghe văng vẳng trong không gian một giọng nữ trầm… Một chiều êm tay đan tay dìu nhau trên lối, đưa em đi nhè nhẹ vào đời, bằng vòng tay anh nâng niu mùa thu thức giấc, đưa em vào ngày tháng vỗ về… Cô bạn thân đang coi thi lớp bên cạnh, chạy ào ra, thì thào bên tai tôi:

- Mi có nghe chi không?

Tôi gật đầu:

- Có, Từ Công Phụng.
- Mi biết bài chi không?
- Có, TUỔI XA NGƯỜI
- Mi đoán ra giọng hát của ai không?
- Có, Khánh Ly
- Ai dám mở cuộn băng đó hè?
- Vụ này thì tao không biết.

Cô bạn rùn vai: “Gan quá.” Rồi hát nho nhỏ theo… Một mình đi lang thang trong mùa đông rét mướt nghe bơ vơ hồn mình lạc loài, buồn dậy lên trên dung nhan gầy xanh của tuổi trên tháng ngày hằn vết đời mình. Trời mùa đông hong khô đi niềm tin sỏi đá trên đôi tay này mình còn gì, và giòng sông trôi đi vô tình mang tất cả, cuộc đời này của người hay tôi…

Giòng sông đời tôi đã vô tình mang theo tất cả: tiền tài, ước mơ, danh vọng… trong một sáng một chiều, tôi đã mất tất cả. Nhìn hai bàn tay trắng, tôi rơi vào nỗi muộn phiền tưởng không bao giờ thoát ra được. Cho đến một ngày…

Chuẩn bị cho con gái thi vào Nhạc Viện, tôi thường chở cháu đi học ký xướng âm và tiết tấu tại nhà thầy giáo ở đường Trần Quang Khải vào các tối thứ 3, 5 và 7. Đầu hẻm nhà thầy có quán cà phê Hạ Trắng đèn hoa lấp lánh rất nổi bật. Nghe đồn quán này mới mở, chỉ được phép trình diễn nhạc hòa tấu. Tuy nhiên, bà chủ quán rất chịu chơi, nên thỉnh thoảng, lên sân khấu tặng khách quen những bài tình ca vượt thời gian, trước là để thay đổi không khí, sau là thỏa mãn niềm đam mê ca hát của mình. Tôi rất thích, nhiều lần muốn ghé vào, nhưng sợ tốn kém nên đành thôi. Một đêm thao thức không ngủ được, tôi lại nghĩ đến quán cà phê đầy ma lực ấy, chợt thấy mình hà tiện không đúng chỗ, hoàn toàn khác với con người tôi từ trước đến nay là “vouloir c’est pouvoir”, vả lại, nếu nhịn hoài thì ngược đãi bản thân mình quá. Cho nên, tối hôm sau, đưa cháu vào lớp xong, thay vì trở về nhà chờ đến giờ đi đón cháu, tôi gửi xe vào quán một mình, gọi ly cà phê sữa đá. Tối thứ bảy, khách khá đông nhưng không thấy ai lên hát cả. Ban nhạc chơi hoài những bản êm dịu nghe buồn chán, tôi định ra về thì bà chủ quán xuất hiện, nhìn ra phía cửa, nói lớn:

- Nhanh lên, sao hôm nay đến muộn thế?

Tôi nhìn theo, thấy một người đàn ông trung niên đẩy chiếc xích lô tấp bên hiên quán, rồi nhanh nhẹn bước vào:

- Xin lỗi, hôm nay gặp mối sộp.

Anh ta ngồi xuống ghế uống một hơi hết ly sinh tố để sẵn trên bàn. Bà chủ bước lên sân khấu:

- Xin giới thiệu với quí anh chị và các bạn, tiếng hát của anh T…

Tiếng vỗ tay đồng loạt, nồng nhiệt đến bất ngờ. T. đứng dậy, đón chiếc micrô, gật đầu chào, rồi say sưa hát… Chiều vàng vương gót mỏi ta dừng chân phiêu du, lặng nghe sóng gọi ngọt ngào…

Tôi lặng người, đây là bài hát tôi thích nhất trong tập nhạc tuyển của Anh: KIẾP DÃ TRÀNGThân mang kiếp dã tràng đem đời se tơ duyên, trên bãi cát vàng hão huyền, chợt nghe lớp sóng xô lên đời mình niềm cay đắng… cuộc tình trên tháng ngày muộn phiền, còn in vết hằn đời mình, người ơi hãy ru hồn ta ngủ quên…

Tiếng hát T. không hay lắm nhưng tràn đầy tình cảm lay động trái tim tôi. Tôi lại chìm vào u uất, nghĩ đời mình bây giờ nào khác chi kiếp dã tràng se cát, mỏi mòn, vô vọng, thân xác rã rời... Nước mắt tôi bỗng ứa ra không kiềm chế được. Rồi T. hát tiếp một bài nữa, cũng của Anh: GIỌT LỆ CHO NGÀN SAULối rêu xưa sẽ mờ dấu chân người, người buồn cho mai sau, cuộc tình ta tan mau… lệ rơi trên tim tôi, lệ rơi trên đôi môi, yêu nhau một thời xa nhau một đời, lệ này em nhỏ xuống hồn tôi… Qua màn nước mắt, tôi thấy T. giới thiệu tên hai bài vừa hát, rồi nghiêng mình chào mọi người trước khi bước ra hành lang đẩy chiếc xích lô xuống đường.

Tôi quyết định vào quán Hạ Trắng một lần nữa. Chỉ có vài người khách. Bà chủ quán đến bên tôi:

- Chào cô. Tôi nhận ra cô rồi. Cô vẫn khỏe chứ?
- Dạ, cám ơn chị. Hôm nay sao vắng quá?
- Ngày thường mà cô, thứ bảy chủ nhật mới đông.


Do dự một lát, tôi hỏi:

- Mấy giờ anh T. mới đến hở chị?

Bà chủ lắc đầu:

- Anh ấy chỉ đến tối thứ bảy thôi. Sĩ quan mới đi học tập về đó cô, vợ đau yếu quanh năm, con thì gần nửa tá, không có nghề nghiệp gì nên buôn bán đủ thứ ngoài chợ trời, thỉnh thoảng lại mướn xích lô chạy–rồi bà chép miệng– một mình nuôi sáu miệng ăn muốn nát thở, thiệt tội nghiệp!

Lòng tôi bỗng dịu xuống, thấy mình sao bi quan quá, cuộc đời mình đâu đến nỗi bế tắc như ý nghĩ lâu nay. Nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống còn khá hơn nhiều người. Tuy cuộc sống tôi chưa ổn định, nhưng vẫn có một bờ vai để nương tựa, con thì chỉ một đứa, nuôi dạy cũng dễ dàng. Cụ Nguyễn Công Trứ nói thật đúng: "Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc? Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn?" (Biết đủ thì đủ, đợi đủ thì bao giờ mới đủ? Biết nhàn thì nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn?).

Tôi không quen Anh, chưa gặp Anh, chỉ biết Anh qua những ca khúc lãng mạn nhưng đầy ray rứt, bi quan, những cuộc tình trong nhạc của Anh không bao giờ trọn vẹn. Viết về Anh, bảo nhạc Anh hay thì chẳng khác chi khen “phò mã tốt áo”, nên tôi ghi lại một vài kỷ niệm liên quan đến những tình khúc một thời vang bóng của Anh còn lưu dấu trong miền ký ức xa xăm.

Sự thành công của người viết văn, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác nhạc … là tạo được cho mình một phong cách riêng. Từ Công Phụng cũng vậy, giai điệu nhạc của Anh không lẫn vào đâu được.

Bước vào tuổi hoàng hôn, tôi vẫn còn gặp Anh trên truyền hình, trong các CD, VCD, DVD… Tại các phòng trà, quán cà phê “Hát với nhau”, còn rất nhiều người hát nhạc của Anh. Thỉnh thoảng, đi Karaoke với bạn bè, học sinh cũ, tôi thường hát Bây Giờ Tháng Mấy, Mắt Lệ Cho Người, Bài Cho Em… sau này, có bổ sung thêm Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, Mùa Thu Mây Ngàn, Kiếp Dã Tràng, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau

Tôi rất thích bài NHƯ NGỌN BUỒN RƠITrên từng thung lũng buồn, từng thung lũng buồn, mùa thu đã trở mình trên gót nhỏ dìu em đến người bằng vòng tay nâng niu hạnh phúc. Trên từng cơn lốc mềm, hồn em đã ngủ vùi trong tiếng thở, tình tôi cũng mù theo cơn lũ nào, là lần em khóc cho tình yêu… nhưng cho đến bây giờ, trong list bài hát Karaoke, vẫn chưa có bài này./.


 
(Như Ngọn Buồn Rơi - Khánh Ly Hát)


Sài Gòn - Tháng 5, 2011