Nỗi Oan
- Thùy An -
Có ai trong đời chưa một lần bị hàm oan? Nỗi oan có thể chỉ thoáng qua, dễ làm ta quên đi, nhưng cũng có những nỗi oan không hóa giải được, trĩu nặng vai ta suốt cuộc đời.
Tôi có người chú làm việc cho một hãng hàng không Pháp, thỉnh thoảng ông đem về nhà những món ăn dành cho hành khách còn dư sau chuyến bay như xà lách, cà chua, sữa tươi, bánh ngọt…
Gần 60 năm qua, tôi vẫn còn nhớ những miếng sandwich kẹp thịt gà thơm ngon tôi thường chia cho thằng em họ, bắt nguồn cho nỗi oan đầu đời năm tôi khoảng 7, 8 tuổi. Người xưa thường nói, khác máu tanh lòng quả không sai. Hai chị em tôi cùng ông ngoại nhưng khác bà ngoại. Đương nhiên bà ngoại ghẻ phải thương thằng em họ hơn tôi rồi. Thằng này bị bệnh suyển, kiêng thịt gà nhưng tôi đâu biết, nên nết “thảo ăn” của mình bị biến thành “âm mưu”. Đi đâu bà ngoại ghẻ cũng “tố” tôi: “Cái con nớ còn nhỏ mà ác, nó muốn cho thằng em nó mau chết đây mà.” Chết đâu không thấy, bây giờ thằng em đang là một đại gia ở Huế, con cháu đầy đàn.
Đi học, cũng không tránh khỏi những hiểu lầm. Nhớ kỳ thi cá nguyệt năm đệ tứ, giờ Vật Lý, nhỏ bạn ngồi bàn trên quay xuống hỏi: “Có phải đáp số là 20 Ampère không?” Tôi vừa gật đầu là nó đem bài lên nộp ngay. Tính tôi cẩn thận, chờ đến phút chót mới nộp bài. Cho nên sau khi làm xong, dò đi, dò lại nhiều lần mới phát hiện “cái bẫy” trong bài toán. Tôi sửa lại đáp số, nhưng không giúp bạn được vì nó đã ra về. Tôi nghĩ là tôi không có lỗi. Nhưng đáng tiếc là hầu hết các bạn tôi đều bị sụp bẫy, điểm thi dưới trung bình nên cùng đứng về phe nhỏ bạn kia, chì chiết, nguyền rủa tôi không tiếc lời: “Mặt mày sáng sủa mà lòng dạ tối thui.”
Tôi có nhỏ bạn khác, quen qua lời giới thiệu của đứa bạn thân nhân dịp ra Huế chơi. Nhỏ này rất đẹp, lại trùng tên với tôi, liên lạc thư từ một thời gian thấy cũng hạp nên càng thích. Kỳ thi bán phần năm ấy, nó nộp đơn thi tại Hội đồng Đà Nẵng, tôi mang số báo danh 1, nó số 2. Thật bất ngờ. “Ủa, sao mi không thi ở Huế?” Nó nói không ngần ngại: “Tao muốn ngồi cạnh mi để được mi giúp đỡ. Mi không ngại chớ?” Thật ra là tôi rất ngại nhưng cũng miễn cưỡng gật đầu. Đề thi phát ra, tôi viết bao nhiêu, để hở bài cho nó tha hồ chép bấy nhiêu… chữ được chữ mất, tam sao thất bản. Copy cũng là một nghệ thuật! Sai lầm của nó là lười biếng, không chịu học bài, nên không đoán được những nét chữ không rõ ràng của tôi. Ví dụ tôi viết “phác hoa”, thì nó lại viết “pháo hoa”, C2H5OH, thì nó viết C3H5OH… chẳn hạn… Kết quả: tôi đậu, nó rớt. Trước khi trở về Huế, nó đến nhà chửi thẳng vào mặt tôi: “Đồ bần tiện!”
Ra trường đi dạy, lại bị học trò nghi oan. Không biết căn cứ vào đâu, các nữ sinh khẳng định: “Cô bất công. Cô bênh học trò con trai, ghét học trò con gái.” Kỳ quá, nghĩ hoài không ra. Đúng là oan Thị Kính! Bây giờ gặp lại, các cô đã lên chức bà nội bà ngoại, nghe tôi nhắc đến chuyện xưa thì chỉ biết cười giả lả: “Hồi đó tụi em còn con nít mà cô!”
Nhớ vào thời đất nước “mở cửa”, khoảng 1990, 1991 gì đó, những người viết trước 75 bắt đầu “lên hương”, sách được tái bản nhiều lần, bán đắt như tôm tươi. Thời gian này, tôi được mời làm biên tập cho một tờ báo tư nhân nên cũng bị vướng nhiều nỗi hàm oan. Công việc của tôi là gom bài, chọn bài, sửa sang lại chút đỉnh rồi gửi cho nhà xuất bản duyệt để cấp giấy phép in ấn. Dạo đó, tôi có rất nhiều cộng tác viên. Có em viết khá, đã có chút tên tuổi, nhưng cũng có em mới tập tành làm thơ văn, tôi phải góp ý nhiều để bài được hay hơn. Trong số đó có một em sáng tác rất hăng say. Em viết không hay nhưng thấy em nhiệt tình quá nên tôi cũng ráng chọn đăng cho em một bài. Nào ngờ, nhà xuất bản không duyệt bài của em, phải gác lại, đây là việc ngoài tầm tay của tôi. Vậy mà sau khi báo phát hành, tôi nhận được lá thư của em với lời lẽ rất nặng nề, đại ý là : “Chị là người lớn mà không giữ lời, hứa một đường làm một nẻo…”. Rồi vào một buổi trưa, tôi đang nhắm mắt nghỉ ngơi, bỗng có cú điện thoại, giọng nói đằng đằng sát khí làm tôi tỉnh hẳn: “Chị là đồ phù thủy …” tiếp theo là những danh từ không có trong tự điển!!! Đại ý là tại sao tôi lại nói anh ta như vậy? Vừa nhận ra giọng Quảng Nam của anh bạn nhà thơ khá thân, chưa kịp ngạc nhiên, chưa kịp phân bua, thì đầu kia đã dập ống nghe xuống cái “rụp” muốn điếc lỗ tai, để lại mình tôi với bao thắc mắc. Ủa sao kỳ vậy, tôi đâu có nói gì! Suy nghĩ hoài chỉ nhức đầu, tôi xem như không có người bạn này nữa. Chắc tại anh ta lầm tôi với một ai đó đã nói xấu anh.
Và một nỗi oan đáng nhớ nhất trong đời, đó là lần tôi giới thiệu người em cô cậu ruột mua căn nhà gần nơi tôi ở. Xem nhà xong, anh ta nói: “Em sẽ bán nhà ở Huế để mua nhà này.” Tôi khuyên: “Em phải bán nhà xong rồi mới mua cho chắc.” Anh ta không nghe, cứ đặt cọc trước hai cây vàng để làm giấy tờ. Nào ngờ, căn nhà ở Huế không bán được, anh ta gọi điện vào: “Chị lấy lại cọc cho em, có được không?” “Dĩ nhiên là không được rồi.” “Hay là chị cố gắng lấy lại vài chỉ cũng được.” “Chị chịu thua.” Anh ta là nhà báo, phải biết rõ luật mua bán nhà hơn ai hết, không mua là mất tiền cọc, không bán là đền tiền cọc gấp đôi. Vậy mà anh ta không chịu hiểu, nghĩ là tôi về phe với chủ nhà, thêm vào đó, giá vàng nhảy vọt như ngựa phi, tỉ lệ thuận với sự tiếc của, giận dữ, nghi ngờ… nên chấm dứt tình chị em.
Chuyện xưa tích cũ cũng ghi chép lại rất nhiều nỗi oan, được viết thành thơ, thành nhạc. Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ bản nhạc Thiếu Phụ Nam Xương của Thẩm Oánh, bìa vẽ hình một phụ nữ bế đứa bé đứng bên ngọn đèn dầu, bóng hai mẹ con in trên vách tường lung linh… lời hát kể rằng, người phụ nữ ấy có chồng đi chinh chiến, từng đêm ôm con vò võ đợi chờ. Có lần đứa bé hỏi: “Mẹ ơi cha con đâu?”, người mẹ chỉ chiếc bóng trên tường: “Cha con đấy.”. Sau đó, người cha trở về, đứa bé không nhận cha: “Không không bóng cha đêm tối mới về…” Người cha nghi ngờ lòng chung thủy của vợ và người vợ phải trầm mình để giải tỏa nỗi oan… Ôi đau thương, ôi nghi oan, chua xót cho nhau đau đớn cho nhau chim uyên lìa đàn… Hồi nhỏ, tôi rất tâm đắc câu hát này, lớn lên, nghĩ lại thấy buồn cười. Nếp nghĩ của người xưa thật là ấu trĩ, chỉ cần chờ đêm xuống soi bóng người lên vách là sự thật phơi bày, cần gì phải bỏ chồng bỏ con ra đi lãng nhách như vậy.
Không nhớ tôi có đọc trong một cuốn sách nào đó, lời nói của một vị chân tu: “Hãy coi hàm oan như một lời chúc tụng.” Thật khó mà coi nỗi hàm oan như lời chúc tụng, nhưng nếu ta không nghĩ đến nữa thì sẽ nhẹ lòng hơn. Cứ xem cuộc đời là sân khấu mà số phận mỗi con người là một kịch bản đầy màu sắc, rồi khi tấm màn nhung khép lại… tất cả những vui buồn, thương ghét, oan ức, thù hận… chỉ là cơn gió thoảng qua.
Sáng nay lang thang trên mạng, tìm thấy bài viết của thầy Thích Trí Quảng nói về “Nỗi Oan” rất hay, xin mượn một đoạn để kết bài viết này
Tất cả chúng ta sống trên cuộc đời này, ai cũng có nỗi lo, nỗi khổ, nhất là cảm giác bị oan ức là nỗi khổ lớn. Oan ức là những điều mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào?
Luận Bảo Vương Tam muội dạy rằng oan ức không cần biện minh, vì càng biện minh thì nỗi hàm oan càng lớn. Lời dạy này hơi khó hiểu. Đa số chúng ta tin rằng mình có thể giải tỏa được oan ức; nhưng sự thật càng giải, nỗi hàm oan càng tăng trưởng mà tôi có cảm giác như chiếc vòng số 8, nếu càng vùng vẫy thì càng siết chặt lại, thà cứ để yên chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng hơn và làm sao tay chúng ta tự nhỏ lại để rút tay ra khỏi cái còng, hay ngược lại, làm sao cái còng mở ra được. Làm tay mình thu nhỏ lại chắc chắn là rất khó, hoặc làm chiếc còng mở ra được cũng không dễ; nhưng chỉ có hai cách này mà thôi.
T.A ( tháng 1–2011)