Tiểu Sử cô Thùy An

 

NÓNG LẠNH XỨ NGƯỜI


Ký –Thùy An


Tôi từng ở Huế, rồi Đà Nẵng. Nơi đây mỗi năm, thời tiết vẫn tương đối phân biệt được bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Lớn lên một chút, nghe bài hát Miền Nam Mưa Nắng Hai Mùa (nhạc sĩ Trịnh Hưng) tôi rất ngạc nhiên, sao miền Nam chỉ có hai mùa mưa –nắng?

Nầy ai ơi, miền Nam nắng mưa chia hai mùa, vườn xanh tươi, bao cánh đồng thơm hương lúa… lâu quá, lời chỉ nhớ được chừng đó, nhưng giai điệu thì chưa quên, vừa dìu dặt thiết tha, vừa bao la phóng khoáng như những cánh cò bay lượn trên vùng đất trù phú, gạo trắng nước trong này. Cho đến năm thi đậu bán phần, ba mẹ cho đi chơi xa, tôi đã không ngần ngại chọn thành phố được nhắc nhở đến trong rất nhiều bài hát như Sài Gòn (sau này bị đổi tên là Sài Gòn Đẹp Lắm), Đêm Đô Thị (nhạc sĩ Y Vân), Ghé Bến Sài Gòn (nhạc sĩ Văn Phụng)… Lần đầu tiên, được nhìn thấy tận mắt Hòn Ngọc Viễn Đông, được hòa mình vào bầu không khí náo nhiệt, ngựa xe như nước áo quần như nêm, thật khó mà tả hết nỗi nao nức trong lòng nàng thiếu nữ đang xuân (là tôi đó).

Cô tôi ra đón tận sân bay. Trời cao, không một gợn mây, xanh thăm thẳm. Trên đường về nhà cô, phố chợ sầm uất, có thật nhiều bóng mát, nắng trưa dìu dịu trải hoa vàng trên những hàng cây. Cô giúp tôi sắp xếp hành lý gọn gàng: “Ăn cơm xong nghỉ ngơi cho khỏe, cháu. Sáng mai cô dắt đi chợ Bến Thành.” Tôi nôn nóng: “Cháu muốn đi chừ, được không cô?” Cô nhìn ra ngoài sân: “Buổi chiều hay mưa lắm. Nhưng… thôi cũng được, để cô đem theo áo mưa.” Tôi không tin chiều sẽ mưa, nhưng không dám cãi, vì trời đẹp quá mà! Hai cô cháu đón xe lam về chợ, vào cửa Nam, qua cửa Tây, ngắm nhìn hàng hóa mê say, quên cả thời gian. Khi vừa đến cửa Bắc, trời đất bỗng tối sầm, mây đen ùn ùn kéo đến, gió thổi nghiêng ngả những tấm bạt của những bạn hàng bán trái cây và hoa tươi bên lề đường. Mưa. Càng lúc càng nặng hạt, rồi ầm ầm như bão tố. Nước cuồn cuộn mang theo lá khô chảy không kịp, ngập cả lòng đường, tràn lên vĩa hè… trước những đôi mắt thản nhiên của mọi người, trừ tôi. Tôi mở giỏ xách lấy áo mưa, cô ngăn lại: “Thôi khỏi cháu, mình vào trong tìm gì ăn chờ mưa tạnh, không lâu đâu.” Cô dẫn tôi vào giữa lòng chợ. Nơi đây là khu vực ăn uống, đông đúc, ồn ào, bảng thực đơn muôn màu muôn vẻ, có những món lạ lùng tôi chưa hề nghe như bánh tầm bì, hủ tiếu da cá, bún suông, bánh khọt… Một phụ nữ đẫy đà, nét mặt tươi tắn, nhìn tôi đi qua, đưa tay vẫy: “Cưng, cưng, vào đây…” Tôi đỏ mặt, bám chặt lấy tay cô. Cô cười: “Người Nam hay xưng hô vậy, cháu ngại gì chớ.” Rồi mưa tạnh hẳn. Mây đen tan biến. Trời cao xanh thả những tia nắng chiều tươi mới lên những con đường còn ẩm ướt dấu mưa.

Miền Nam –tôi không đến chỉ một lần. Lần sau là những năm tháng vào Sài Gòn trọ học. Hai mùa thật rõ rệt. Từ những chiều –mùa mưa, đi học về cột hai vạt áo dài quanh hông, xắn quần lội nước… dưới hiên nhìn nước dâng tràn, phố bỗng là giòng sông uốn quanh… đến những ngày –mùa nắng, sáng cũng như chiều và cả ban đêm, trời lúc nào cũng xanh trong, khô ráo. Tan trường, chúng tôi chưa vội về nhà, mà thường dừng chân bên vĩa hè đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Du, Bưu Điện thành phố… nơi qui tụ những gánh hàng rong: khô bò, chuối chưng, bột chiên, chè sâm bổ lượng, đậu đỏ đá me… cho “tâm hồn ăn uống” được thăng hoa! Rồi những ngày cuối năm, những tấm áo len vẫn nằm yên trong tủ, lòng da diết nhớ cảm giác se lạnh của không khí tết quê nhà mà ở đây hoàn toàn không tìm thấy được.

Gần bốn mươi năm, tôi chỉ một lần về thăm quê khi tóc đã điểm sương, mắt mờ, tay yếu, bước chân chậm chạp đi qua những con đường phượng đỏ, mong tìm lại chút ký ức hè xưa. Nhưng sao những hạt nắng bây giờ cũng trở nên xa lạ, nhạc ve râm ran mơ hồ trong không gian tĩnh lặng, chẳng gợi được điều gì. Nhớ nhân vật Scarlette trong Cuốn Theo Chiều Gió, khi đã chồn chân mỏi gối trên đường đời gian khổ, lòng thấy bình an khi nghĩ đến Tara, nơi bà vú già Mammy còn sống. Bà là “gạch nối dĩ vãng” cho cô tìm về tuổi ấu thơ, những tháng ngày hạnh phúc bên gia đình êm ấm. Khác với cô, tôi không được chút may mắn đó. Tôi cô đơn ngay trên chính quê hương mình, bạn bè trôi giạt bốn phương trời, bà con thân thích lần lượt ra đi. Noel năm đó, tôi không còn ý định trở về miền thơ ấu tìm lại cảm giác se lạnh của mùa đông xưa cũ nữa… Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa… Gạch –nối –dĩ –vãng đã đứt rời, không còn gì để luyến lưu.

Không còn gì để luyến lưu cho tôi thong thả bước một dặm dài nửa vòng trái đất. Nơi đây không có ký ức và kỷ niệm. Bạn bè ở gần lắm thì cũng mất năm mươi phút chạy xe, tính ra cả mấy chục cây số, nên gặp nhau cũng khó vì càng lớn tuổi càng ngại lái xe đường dài. Thôi thì sợ đủ thứ, sợ mắt nhìn không rõ, sợ phản ứng không nhanh gây tai nạn nguy hiểm, rồi còn bị con cái năn nỉ, mẹ nên ở yên trong nhà là tốt nhất, có gì gọi điện thoại nói chuyện với các bác cũng vui rồi.

Kiếp chim lồng làm sao vui được, cho dù gạo thơm nước mát, đầy đủ tiện nghi! Ý nghĩ này có phải là “cái chướng” của bà già U70 (là tôi đó) không? Vì thật ra, mỗi cuối tuần, chim thường  được “sổ lồng” tung cánh bay khắp chốn: chợ Mỹ, chợ Việt Hoa, chợ Tân Bình, chợ Hồng Kông, Viện Bảo Tàng… và xa hơn là Austin, Dallas…

Tôi cũng đã ra biển và được đi shopping ở nhiều mall lớn nhỏ. Nhưng thấy thứ gì cũng mắc, vì nhìn bảng giá tiền Mỹ, là tôi “tự động” suy ra tiền Việt, nên tiếc đứt ruột, thà đừng mua cho yên tâm! Nhớ có một nơi gọi là Thiên Đường Mua Sắm rộng bao la, áo quần, giày dép, giỏ xách, đồng hồ, nữ trang…  trùng trùng điệp điệp. Toàn hàng hiệu. Còn có sân chơi cho trẻ em như xiếc, đu dây, trượt tuyết, xe lửa chạy loanh quanh… có lẽ đi hai ngày cũng chưa hết vòng, chưa biết đủ, nhưng thấy rõ nhất là suốt những dãy hành lang rộng lớn, được đặt rãi rác những chiếc ghế nệm bọc da êm ái cho khách dạo chơi dừng chân ngơi nghỉ. Tôi không nhớ là mình đã ngồi xuống bao nhiêu chiếc ghế, vì cứ đi một lát là tim đập nhanh, thở không nổi, mồ hôi đẩm ướt… nhớ hồi sinh tiền, ba tôi thường nói: “Tuổi già! Ôi terrible!” Quả không sai. Đến tuổi này thì lực bất tòng tâm, làm cái gì cũng không đến nơi đến chốn. Ngồi trước computer cả ngày, vẫn chưa viết được một trang dù lòng rất muốn kể cho bạn bè những điều tai nghe mắt thấy trên miền đất xa xôi này.

Tuần trước, nhận được cái pps tuyệt vời do chính tay người bạn thiết kế. Phong cảnh nơi thành phố bạn đang sống thật nên thơ! Hoa nhiều vô kể, muôn sắc muôn màu, những cây sơ ri trái đỏ, những ngọn lá phong thắp lửa trên cành, tràn ngập lối đi … rồi tuyết rơi, trắng xóa một vùng trời hoang lạnh… nhạc đệm du dương…  từng mùa, từng mùa… đã rất lâu, tôi mới được nghe lại giai điệu yêu thích thời còn trẻ –bản Bốn Mùa của Vivaldi sâu lắng chơi vơi. Cảm giác rất thú vị khi nghĩ tới những xứ sở miền ôn đới mỗi năm có bốn mùa rõ rệt, khác với Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng và Houston thì chỉ có lạnh và nóng mà thôi.

Mùa nóng. Nắng chói chang. Hàng cây hai bên đường nở những chùm hoa lạ, màu đỏ bầm hoặc hồng nhạt–loài hoa đặc trưng của thành phố, không biết tên gì,  hiện diện khắp nơi, trước siêu thị, trong công viên, phố chợ… và mùa lạnh, hoa pensée mọc ven lối đi, chỉ có hai màu vàng nâu và tím thẩm, không rực rỡ bằng hoa Đà Lạt nhưng cũng đủ làm cho không gian tươi sáng hẳn lên. Chiều tối, những con chim trốn rét từ phương Bắc bay về đậu san sát trên những sợi dây điện song song, các mái nhà, trong những tàng cây rậm lá… Mỗi lần có làn gió mạnh thổi qua, chúng bay lên ào ào đến chóng mặt, đen kín cả bầu trời mây xám.

Chuyển mùa. Trời ấm dần. Cây đào trong vườn rụng hết lá, ra hoa, đơm quả. Những trái nhỏ màu xanh chi chít cành, chỉ một thời gian ngắn đã lớn phổng phao, tròn trĩnh, vỏ mềm mại, ửng hồng, phơn phớt lông tơ. Đây là loại đào thường thấy trên bàn tiệc ở chốn cung đình trong các phim thần thoại, là quà quí của các tiên nữ dâng lên hai chàng Lưu Nguyễn lạc thiên thai… Thiên tiên, chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm, khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn… Đẹp, thơm nhưng không ngon, nên chẳng ai buồn hái, để mặc đào rơi rụng, trở thành thức ăn cho chim trời và những chú sóc hoang.

Tôi đã đi qua biết bao mùa mưa –nắng và chỉ mới hai mùa nóng –lạnh nơi xứ người.

Houston 12/ 6/ 2012
TA