Thùy An

 

Trích trong hợp tuyển “NỮ LƯU MIỀN HƯƠNG NGỰ” –Sắp in
(Tác giả NINH GIANG THU CÚC)


Chân dung Thùy An (Tranh Thanh Nguyên)

Họ tên: Nguyễn Thị Ái
Năm sinh: 1944
Quê quán: Thừa Thiên Huế
Hiện định cư ở: Houston - Texas

*

PHẦN TIỂU SỬ VÀ HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC

Thùy An sinh ra và lớn lên ở Huế, học chưa hết bậc tiểu học ở trường dòng Mai Khôi thì phải theo ba mẹ vào Đà Nẵng. Ba Thùy An là công chức cao cấp của Nha Thuế Vụ, vì công tác cứ phải xê dịch hoài, tới lúc về hưu năm 1968 thì cả nhà chuyển hẳn vào Sài Gòn. Thùy An thường nói vui, tự nhận là dân Huế lưu vong, hai năm cuối của bậc tiểu học, Thùy An học ở Đà Nẵng, và học tiếp hết bậc trung học tại trường Phan Châu Trinh, thành cô tú kép vào năm 1964. Học ban A (Lý hóa Vạn vật) nhưng cô gái mảnh mai một tháng èo uột đau lên bệnh xuống 28 ngày này lại mê văn chương và ca hát từ những năm đầu của bậc tiểu học (cấp 1 bây giờ). Là một con mọt sách, không những mê loại sách hồng dành cho thiếu nhi mà còn đọc trộm tiểu thuyết của người lớn nữa trời ạ; lại còn say mê âm nhạc, làm ca sĩ nhí đi theo mấy cô chú ở Ty Thông Tin Đà Nẵng hát nhiều bản nhạc có nội dung vui tươi trong sáng, cũng có “fan” hâm mộ, cũng có nghệ danh Tuyết Ái đàng hoàng, cũng được mời đi các tụ điểm, ham vui ham hát, theo các thầy tham gia vào ban Văn nghệ của trường Phan Châu Trinh, qua tận Sơn Chà, Tiên Sa… biểu diễn, có nhiều hôm về đến nhà là đã 11 -12 giờ đêm. Ba mạ phải thức đợi cửa và lo thức ăn bồi dưỡng cho ca sĩ nhí, nhưng rồi mộng ca sĩ không thành bởi bị ba mạ đọc lệnh cấm đi hát mà lý do là sợ thiên hạ có thành kiến rồi khó lên xe hoa.

Mộng làm ca sĩ tiêu tan nhưng tình yêu âm nhạc thì bất tử, đó là điều dễ hiểu khi Thùy An trở thành nhà văn. Bất cứ tác phẩm nào của chị cũng có bóng dáng âm nhạc, bóng dáng niềm đam mê qua các trích đoạn, những bài hát mà Thùy An yêu thích để cho nhân vật của mình ngân nga trong từng bối cảnh của tác phẩm.

Thùy An khởi đầu con đường văn học vào năm học đệ lục (lớp 7), đến năm đệ tam (lớp 10), bài thơ đầu đời được xuất hiện ở bán nguyệt san Phổ Thông và cùng một lúc trong năm ấy hùn vốn cùng 5 bạn học đệ tam ban C in chung tập thơ có tựa đề “Buồn Lên Đôi Vai” mà oai lắm nghe; in đến 3000 bản cơ đấy. Soạn giả (Ngtc) không hiểu 5 chàng cảm tử quân ấy có bán được cuốn nào không chứ riêng 500 cuốn của Thùy An phát hành chỉ hai hôm là sạch sành sanh –best seller mà lị. Bạn đọc và khách hàng là nhân viên của ba Thùy An, chẳng biết họ mua xong có đọc bài nào không, nhưng tác giả nữ duy nhất Thùy An với bút hiệu Tuyết Ái thú thật là tập thơ vừa xấu vừa sai morasse dễ sợ, và không biết tập thơ ấy có bao nhiêu bài, riêng Thùy An có 10 bài, được phổ nhạc 2 bài bởi 2 ông nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và Nhật Ngân.

Sau đó, Thùy An cùng ba người bạn lập một nhóm thơ lấy tên là Sóng Vàng. Nhóm có 4 thành viên gồm Tầm Dương, Kim Hài, Thảo Đài, Thùy An. Đó là lúc Thùy An học Đại học Khoa học ở Huế, hoạt động chưa bao lâu thì kẻ phải chuyển vào Sài Gòn học tiếp, người thì lên xe hoa về nhà chồng.
Vào Sài Gòn còn lại Kim Hài và Thùy An nhưng sáng tác rất tích cực, thơ và truyện ngắn xuất hiện đều trên Văn nghệ Tiền phong và Phổ Thông bán nguyệt san (1969).

Văn nghiệp Thùy An bắt đầu khởi sắc từ những tác phẩm viết cho tuổi thiếu nhi và tuổi mới lớn với số lượng khá phong phú, bằng văn phong trong trẻo nhẹ nhàng mà bối cảnh là quê hương Huế. Về mảng sáng tác này, Ninh Giang Thu Cúc sẽ có một chuyên đề riêng cho hai nữ sĩ “Minh Quân và Thùy An cùng song hành với tuổi thơ” Hợp tuyển này chỉ giới thiệu Thùy An ở mảng truyện dài, bút ký, truyện ngắn, kịch bản phim. Người phụ nữ này nhập cuộc ở nhiều lãnh vực, cày xới mọi vùng đất màu mỡ của văn học nghệ thuật, chị thành công với lối viết mềm mại nhiều nữ tính pha đôi nét tinh nghịch của tuổi học trò, kể cả các truyện viết về người lớn như những cuốn tiểu thuyết “Kiếp nào có yêu nhau”, “Người đi qua đời tôi”, “Như nỗi ước mơ”, “Như bóng mây qua”. Người làm văn học Thùy An nhu thuận, hiền lương từ trong văn chương đến đời sống thực tế. Ông xã Thùy An là giáo sư Toán Lý Hóa tại các trường Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản, Thọ Nhơn… ở Đà Nẵng vào những năm trước 1975. Dạo ấy, thành hôn xong, Thùy An cũng khăn gói gió đưa theo chàng về dinh và dạy môn Vạn vật tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Phan Thanh Giản, Đại Học Quảng Đà (thành phố Đà Nẵng).

Tuy là dân Toán Lý Hóa toàn những công thức, những nguyên tố khô khan nhưng anh Đoàn Thế Đức là một trợ thủ đắc lực cho văn nghiệp của Thùy An – nào đánh máy bản thảo, sắp xếp thứ tự tác phẩm, đóng góp nhiều ý kiến khi Thùy An cần, giúp đỡ công việc nội trợ, ủng hộ và thúc đẩy để Thùy An yên lòng và vui vẻ trong những lúc đi trại sáng tác xa, hay đi vì công việc về chuyên môn. Thùy An hạnh phúc trong hôn nhân, hai người chỉ có một cô con gái duy nhất là cháu Đoàn Thị Phương Ái hiện giờ là nhạc sĩ Violin đang ở hải ngoại với chồng và hai bé bi.

Người đàn ông, người chồng đúng nghĩa là cây tùng cây bách cho thân cát đằng Thùy An nương tựa đã làm một cuộc rong chơi vào cõi thiên thu vì một căn bịnh nan y vào năm 2007, để bà Đoàn Thế Đức trở thành quả phụ khi vừa bước qua ngưỡng cửa lục tuần.

Mềm mại nhưng không yếu đuối, tuy cô đơn nhưng Thùy An vẫn sống tốt với công việc trong ngôi nhà nhỏ ở một con hẻm trên đường Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp, TPHCM, lâu lâu lại vang lên tiếng rổn rảng của chén bát mỗi lần có vài ba người bạn đến chơi tâm sự, ăn cơm trưa do Thùy An trổ tài bếp núc, tán dóc chuyện dưới đất trên trời rồi rủ nhau lên taxi rong chơi thăm thú… cao đàm khoát luận chuyện đời, chuyện nghề với nhiều buồn vui nhân thế, nghiệp chướng đa đoan giữa thế sự bộn bề.
Nữ sĩ Thùy An với gần nửa thế kỷ cầm bút đã đóng góp cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm đủ thể loại, vừa mang tính giải trí, vừa mang tính giáo dục (Văn học Thiếu nhi). Với tất cả tâm huyết của một công dân, một nhà giáo của một nhà văn có trách nhiệm với xã hội với học đường. Hợp tuyển “Nữ Lưu Miền Hương Ngự” giới thiệu nhà văn Thùy An với tất cả lòng quý mến dành cho một “công dân Huế lưu vong” (chữ của Thùy An).

*


ĐỌC TIỂU THUYẾT CỦA THÙY AN

Với 4 tập truyện dài của tác giả, thì tác phẩm tôi muốn đề cập ở bài cảm nhận này là “Như nỗi ước mơ” và “Như bóng mây qua”. Bất cứ ở thể loại nào tôi vẫn quý lối viết nhẹ nhàng mềm mại, tình cảm của Thùy An.

Năm 1994, Thùy An trình làng tập tiểu thuyết “Như nỗi ước mơ” dày dặn 251 trang mà nội dung xoay quanh trong gia đình một bà quả phụ có tên Phương và cậu quý tử và sau đó là vợ của cậu ta.
Người phụ nữ gốc Huế có chồng là dân miền Nam và sau khi người chồng vắn số, bà vẫn định cư ở Sài Gòn thủ tiết thờ chồng nuôi con với đầy đủ đức tính và đức hạnh  của người phụ nữ Á Đông điển hình.

Nhưng rồi cuộc sống trong ngôi nhà ấm cúng của hai mẹ con đảo lộn khi cậu con trai lấy vợ. Xung đột giữa mẹ chồng con dâu bắt đầu từ phía người mẹ với suy nghĩ là con dâu đã cướp mất đứa con trai yêu quý, là mùa xuân vĩnh cửu của bà, và ngôi nhà hạnh phúc đã biến thành chốn đày ải, dòm ngó, xét nét bắt nhặt bắt khoan của bà mẹ chồng với cô con dâu, làm cậu con trai khốn khổ trong mọi đối xử giữa hai người đàn bà thân yêu.

Thùy An đã bóc tách từng khía cạnh tâm lý, tâm trạng của người đàn bà cô độc, đã từng mất đi một điểm tựa, một tình yêu của người chồng ở tuổi còn quá trẻ, đã cam tâm ở vậy với hình ảnh của người đàn ông quá vãng để tảo tần gầy dựng cho đứa con duy nhất, một báu vật của đời bà, đứa con là một gia sản lớn, một hạnh phúc, một kỷ vật đẹp còn lại của đời sống vợ chồng bà Phương qua năm mùa lửa hương ngắn ngủi, vì vậy, luật của đời người, bà Phương vẫn lo cho con nên gia thất, nhưng cảm xúc mất mát, cảm giác hụt hẫng khi con mình không còn là độc quyền của mẹ nữa, mà tình cảm đã bị “người khác” chia sẻ, tướt đoạt. Mẹ đã mất vị trí độc tôn trong con, đã hết quyền uy đối với con mình, mà cô con dâu là nguyên nhân…

Bằng bút pháp linh hoạt, Thùy An đã từ từ giải quyết từng xung đột, từng mâu thuẫn lớn nhỏ giữa hai người phụ nữ cùng yêu thương một người thanh niên, bằng hai mối tình thiêng liêng, đó là tình mẹ con và tình vợ chồng. Một gạch nối đẹp là thằng cu con Huy Hoàng. Chính cu Hoàng là sứ giả hòa bình để bà nội Phương và mẹ Thanh Tâm xích lại bên nhau xóa tan tị hiềm đố kỵ, chung sức chung lòng chăm sóc bảo vệ một sinh linh bé bỏng, bảo vệ sự an vui cho mái ấm gia đình, thể hiện vai trò giữ lửa cho gia đình, cho con cháu, giữ lửa cho một tình yêu vĩnh cửu của bà đối với người đã khuất.

“Bà Phương ngẩng mặt lên, qua màn lệ, bà thấy đôi môi bé Hoàng mấp máy, đôi mắt to đen mở lớn nhìn bà. Ôi, đôi mắt đó đúng là của ông. Đôi mắt của một ngày xa cũ, người con trai miền Nam tên Phương ấy, đã trồng cây si biết bao chiều trước cổng trường Đồng Khánh, chờ đón một tà áo dài nghiêng nón lướt qua. Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay…  

Bà ôm chặt bé Hoàng vào lòng che dấu niềm xúc cảm đang dâng lên làm run cả môi bà. Bà thổi đến hai lần nến mới tắt. Tiếng vỗ tay vang dội như văng vẳng từ xa, bà cảm nhận một làn gió mát vương trên da thịt và đậu nhẹ lên mái tóc bà. Hình như ông đang hiện diện đâu đây,” (Như nỗi ước mơ –TĐ)
Chỉ bằng sự ra đời của bé Hoàng, sự hiện diện của trẻ thơ, mà Thanh Tâm được bà Phương cưng chiều và Thanh Tâm cũng không còn ác cảm với những đối xử khắt khe của bà mẹ chồng, họ đã thật sự cảm thông nhau, Huy cậu con trai và bao người xung quanh thở phào nhẹ nhõm, mở đầu cho những ngày tháng êm đềm trong cuộc sống bà cháu mẹ con chồng vợ, ba thế hệ trong ngôi nhà hạnh phúc ấy –là buổi tiệc mừng thôi nôi của bé Hoàng.

Cái thời vào năm “Gia Tĩnh triều Minh” trẻ con chỉ là công cụ cho người lớn sai bảo, cho nên thiên tài văn hóa Nguyễn Tiên Điền đã phải họa bút:

“Đề huề lưng túi gió trăng
Theo sau chân một đôi thằng con con”
(K –ND )

Cái thằng “con con” ấy chỉ biết bưng tráp điếu đóm đi hầu quý công tử, quý mặc khách tao nhân để quạt lò đun nước… Trước cách mạng tháng Tám, có một nhà văn đã phải phán một câu “Trẻ con không được ăn thịt chó”, trong bối cảnh một gia đình cùng khổ thì món thịt chó hôm ấy là một đại tiệc, một thực phẩm cao cấp mà trẻ con không được đụng vào?!

Xã hội chúng ta hôm nay mọi ưu tiên đều dành cho con trẻ, con trẻ là vốn quý của gia đình và đất nước, vì thế qua tiểu thuyết “Như nỗi ước mơ”, nữ sĩ Thùy An đã gửi đến tất cả các bậc làm cha mẹ thông điệp về tình yêu con trẻ, bởi sự yêu thương chăm sóc về mọi mặt của chúng ta đối với trẻ con là một cách góp tay để kiến tạo một xã hội tốt đẹp. Vì trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai. Mà muốn có những trẻ con ngoan ngoãn thông minh xinh đẹp –thì phải có những người mẹ, người bà biết bỏ qua những nhỏ nhen ích kỷ của bản thân để xích lại với nhau bằng tình cảm chân thật… phải chăng đó là tâm niệm của tác giả khi viết “Như nỗi ước mơ”.

Năm 2006, nhà xuất bản Văn Học đã ấn hành tập tiểu thuyết thứ tư của Thùy An với tên gọi “Như bóng mây qua”. Tác phẩm này được hình thành trên bối cảnh của TP Huế và xương sống của cốt truyện là cuộc binh biến Mậu Thân cùng các biến chuyển kéo dài đến ngày 30.4.1975 và thời kỳ hậu chiến, mọi đổi thay mất được xoay quanh, quần thảo, các nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm họ là những dân nghèo thành thị, những gia đình trung lưu trí thức…

Tác phẩm “Như bóng mây qua” gồm có 11 chương với 243 trang, nhân vật xưng tôi trong tác phẩm là một cô gái diễm kiều, cô sinh viên Đại học Khoa học Huế, con gái của một gia đình công chức gồm có 4 anh chị em, họ sống êm đềm trong vòng tay bảo bọc thương yêu của ba mẹ.

Nhân vật xưng tôi có tên Phương Khanh yêu một chàng trợ giảng ở phòng thực nghiệm Hóa học. Đó là một mối tình đẹp giữa trai tài gái sắc với bao thề hẹn đá vàng, nhưng rồi, Châu, người yêu của Phương Khanh đã bỏ thi chứng chỉ cuối, bỏ luận văn tốt nghiệp cử nhân Toán Lý Hóa để lên “xanh” mặc dầu vẫn yêu Phương Khanh. Phương Khanh tưởng không sống nổi bởi không hiểu Châu đi đâu, làm gì. Phương Khanh khổ đau, khắc khoải, may nhờ sự an ủi khuyên nhủ của bạn bè Phương Khanh mới tập trung học hành và tốt nghiệp cử nhân.

Cuộc tái ngộ bất ngờ trong đợt tấn công tết Mậu Thân, Châu xuất hiện ở nhà Phương Khanh với trang bị của một chiến sĩ giải phóng quân. Lúc đó Phương Khanh mới rõ mọi chuyện. Sau lần gặp gỡ chớp nhoáng đó, Châu lại bặt vô âm tín. Phương Khanh mòn mỏi đợi chờ trong vô vọng, rồi ra trường đi dạy và kết hôn với bác sĩ Hoài –người đã theo đuổi cô trong nhiều năm qua, cả khi cô và Châu đang yêu nhau. Sau khi Châu đi, quá nhiều biến động xảy đến cho gia đình và bà con thân thuộc của Phương Khanh, những lúc đó đều có Hoài bên cạnh để chăm sóc và gánh vác bao nỗi khó khăn nên mọi người đều vun vào cuộc hôn nhân tốt đẹp với quan niệm ơn trả nghĩa đền.

“Như bóng mây qua” là một mảng ký ức đậm nét, bởi Thùy An là chứng nhân  ngày binh lửa trong tết Mậu Thân ở Huế.

Vì mục đích nào –thì chiến tranh vẫn có sự khắc nghiệt của nó, vì nó mà bao oan khiên xảy đến cho mọi gia đình để con xa cha, vợ xa chồng, người yêu xa cách người yêu để phải lỡ làng bao duyên phận, bao mái đầu xanh vô tội đã phải hóa đá vọng phu, trong nỗi đợi chờ tháng lại năm qua, mà người đi biền biệt âm hao. Bao nhiêu người thanh niên yêu nước đã lên đường và “nhất khứ bất phục phản”? Bao nhiêu người trở về bất thành nhân dạng vì đã gửi lại chiến trường một phần cơ thể thịt xương và có bao nhiêu người ra đi trở về lành lặn với khúc khải hoàn để nghĩa nước tình nhà được vẹn toàn?

Bi kịch của mọi gia đình trong chiến tranh và sau chiến tranh đều được đặc tả bằng ngòi bút nhuần nhị của Thùy An, cả ý thức hệ và tâm lý từng nhân vật đều được tác giả lưu ý như khía cạnh tâm lý điển hình ở gia đình bà Sâm. Bà Sâm có người con trai lớn đi tập kết năm 1954, một người con rể, và cháu ruột là sĩ quan bộ binh thuộc quân đội cọng hòa miền Nam. Bà héo hắt phập phồng lo sợ “chúng nó bắn nhau”. Chưa hết, trong nhà bà có sự sống chung của hai người phụ nữ là con dâu và con gái bà Sâm, hai người đàn bà trẻ ôm con chờ chồng giữa hai đầu chiến tuyến… họ bế tắc trong cầu mong sự sống cho ai (?!!)

Chiến tranh đến đỉnh điểm, Hải người chồng của con gái và cha của cháu ngoại bà Sâm tử trận, bỏ lại người vợ và đứa con gái xinh như mộng và héo rủ như nhánh liễu ở chương đài, người cháu kêu bà bằng cô ruột trúng mìn trong một đợt hành quân phải cưa mất một chân trở thành tàn phế.

Sau hai mươi mốt năm làm dâu trọn bề hiếu thảo, nuôi con thờ mẹ hết lòng, đợi chồng mỏi mòn thân chinh phụ, Thảo Sương đã từng ngâm nga:

“Trong cửa này đã đành phận thiếp
Ngoài mây kia há kiếp chàng vay
Những mong cá nước sum vầy…”
(CPN)

30.4.1975 nước nhà thống nhất cho hai miền nối kết thương yêu, cho nhà nhà đoàn tụ, cha con chồng vợ trùng phùng, để Thảo Sương được nhìn chồng.

“Mở khăn lệ chàng trông từng tấm
Đọc thơ sầu chàng thấm từng câu
Câu vui đối với câu sầu
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời

Cho bỏ lúc xa sầu cách nhớ
Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình…”
(CPN)

Đất nước đã có thanh bình, đã có người chinh phu trở về, người chinh phu của Thảo Sương đã trở về với bầu đoàn 3 con 1 vợ.

A ha! Nên khóc hay cười trước “hoạt cảnh sum họp” của nhà bà Sâm trong giờ phút đón “người về”.
Nhưng thôi, đất nước vào thời hậu chiến lại không có những bi hài kịch cười ra nước mắt như thế! Chỉ tội cho thân phận những người phụ nữ, khổ một đời bởi lòng chung thủy và sự cả tin để trần thân dãi dầu chịu đựng, đến “Lệch làn tóc rối lỏng vòng lưng eo” (CPN). Và tự làm xấu mình đi cho trọn bề tiết hạnh. Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai… để rồi bổ ngửa ra mà nhìn sự phản bội của kẻ mình đã từng yêu thương, từng được hẹn hò chờ đợi, từng dặn lòng:

Chàng nương vầng nhật thiếp nguyền
Mọi bề trung hiếu thiếp xin vẹn toàn…
(CPN)

Tuy Thảo Sương là nhân vật phụ của “Như bóng mây qua” nhưng người đọc lại muốn xoáy mạnh vào cô, bởi chính nhân vật Thảo Sương là một điển hình cho triệu triệu người phụ nữ, người vợ thủy chung rất mực để chúng ta nghiêng mình cảm phục, đồng thời rất đau đớn cho thân phận bất hạnh của họ, của những nạn nhân chiến tranh bởi sự bội bạc của một số ông chồng không giữ trọn lời thề hẹn của cái thuở “tóc mai một món dao vàng chia đôi.”

Với 243 trang viết Thùy An đã dàn trải  bao được mất buồn vui của từng thân phân nhân vật, được sinh ra và lớn lên trên quê hương đã một thời khốn khó vì đạn lạc tên rơi của một thời chiến tranh đổ nát trong quá khứ.

Xếp sách lại, người đọc nửa vui nửa buồn; vui vì một số nhân vật tự thu xếp đời sống vật chất và tình cảm ổn thỏa; và buồn nỗi buồn của các quả phụ sau chiến tranh. Nhưng biết làm sao, thôi thì tự an ủi nhau rằng: vì thế mà nhà nước đã phong tặng cho phụ nữ một danh hiệu đẹp là Mẹ Việt Nam anh hùng!

TÁC PHẨM TIÊU BIỂU CỦA NỮ SĨ THÙY AN

LẤY CHỒNG XỨ HUẾ
Truyện ngắn

1.Quen Khanh đã ba năm, tôi không hề biết anh là người Huế. Anh nói tiếng Nam ngọt xớt. Những danh từ rất Nam bộ như “hưỡn”, “xí xọn”… anh đều hiểu rõ và đôi khi còn áp dụng vào những câu chuyện khôi hài rất có duyên. Cho đến khi tình cảm hai đứa chín muồi, Khanh ngõ ý:
-Ba me anh muốn biết mặt em.

Tôi theo Khanh về nhà trong tâm trạng vô cùng hồi hộp. Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng tôi vẫn cảm thấy bối rối, chân tay thừa thải trước tia nhìn vừa dịu dàng vừa soi mói của mẹ Khanh. Đó là người phụ nữ ngoài năm mươi, gương mặt tròn trịa, nước da trắng mịn phảng phất vài nếp nhăn nơi đuôi mắt. Tóc bà nhuộm màu nâu đen, được bới cao, cài trâm đồi mồi trông rất quí phái. Bà trang điểm nhẹ nhàng, một chút phấn hồng và môi son màu nhạt.
-Thưa mẹ, đây là Kiều Tiên, bạn gái của con.

Nụ cười của bà thật tươi:
-Kiều Tiên à? Cái tên dễ thương hí. Ngồi chơi đi cháu. Chờ bác một chút.

Bà đứng dậy đi vào trong, để lại tôi ngơ ngác sau khi nghe một loạt âm thanh líu lo như chim hót. Khanh nheo mắt:
-Sao? Không hiểu à? Anh đã nói rồi, gia đình anh người Huế, vậy mà không tin. Em có phải là chắt nội của Tào Tháo không đó?

Mẹ Khanh ra, trên tay bưng một cái dĩa hình bầu dục tráng men xanh. Bà đến gần tôi, đặt dĩa lên bàn:
-Ăn đông sương với bác cho vui.

Đông sương? Không phải. Đó là những miếng thạch dày khoảng hai phân, được cắt thành từng miếng hình thoi bằng ba ngón tay. Rải rác giữa lớp thạch trong suốt là những khối vuông nhỏ màu trắng, đen, nâu, cam và xanh lá cây.

Mẹ Khanh nhìn tôi chăm chú. Hình như bà đang nghĩ, con nhỏ này câm chắc? Và tôi cũng nghĩ, Kiều Tiên, hãy nói một câu gì đi chứ.

-Cháu cám ơn. Ô, thạch của bác làm đẹp quá.

Mẹ Khanh vui vẻ:
-Người Huế gọi thạch là đông sương cháu à. Cháu ăn đi, đừng sợ, bác không dùng màu thực phẩm mô –rồi bà lấy tăm ghim miếng thạch lên săm soi –cháu coi màu nì, màu trắng là sữa, đen là cà phê, nâu là cà phê sữa, lục là nước lá dứa, còn màu gạch là nước cà rốt.

Màu “gạch” là màu “cam”! Tôi lại học được một từ đặc trưng của Huế. Miếng thạch ngọt thanh tan trên đầu lưỡi, thấm vào lòng tôi những cảm giác dịu êm.

Cổng nhà Khanh bỗng mở toang. Một người đàn ông trung niên,giống Khanh như tạc phóng xe máy vào. Ông đứng trước thềm, tươi cười nhìn mẹ Khanh rồi chỉ tay vào giỏ xe: một chậu hoa dâm bụt vừa nở hai nụ hàm tiếu màu vàng. Mẹ Khanh đến gần, ngắm nghía:
-Mình mới mua hả? Ôi bông cẩn vàng, đẹp thiệt đó.

Tôi tròn mắt. Khanh ghé vào tai tôi:
-Người Huế gọi “Hoa dâm bụt” là “bông cẩn”.

Ba Khanh bước vào phòng khách, mẹ Khanh theo sau bảo Khanh:
-Con bưng chậu hoa xuống rồi đi cất xe cho ba.

Tôi đứng dậy, vòng tay:
-Cháu chào bác ạ.

-Cháu là bạn gái của Khanh phải không? Bác gái nói cho bác biết rồi.

Ba Khanh ngồi đối diện tôi, hỏi han ân cần. Giọng ông ấm áp, tuy âm sắc hơi nặng, có nhiều từ tôi không hiểu rõ, chỉ lờ mờ đoán ra. Nhưng ánh mắt ấy, cử chỉ ấy đã nói lên một tình cảm chân thành.

2. Tôi nhận lời cầu hôn của Khanh, mặc cho những lời bàn ra tán vào của đám bạn. Thật ra cũng vì thương tôi, nên chúng nó mới đề cao cảnh giác nhiệt tình như thế. Nào là: “Công dung ngôn hạnh mày có được bao nhiêu mà dám uống thuốc liều hở?”, “Làm dâu người Huế khó lắm, mày chịu được sao?”, “Chúng tao khuyên mày nên đi học vài khoá nấu ăn, làm bánh mới đủ sức đối phó.”…

Tôi bịt hai tai, hét:
-Chúng mày có im hết đi không? Tình yêu của Khanh đã cho ta đầy đủ mười thành công lực.

Nói thì oai lắm, nhưng lòng tôi cũng hơi run khi nghe ba Khanh bảo:
-Đám cưới xong, Khanh nên đưa Kiều Tiên về Huế thăm mệ và mấy O. Xa xôi quá, không ai vào chung vui cùng hai con được. Ba nghĩ là họ rất mong thấy mặt con dâu của ba.

Tôi lại càng run. Cái gì “mệ”, cái gì “O”?
Khanh lại “phụ đề Việt ngữ”:
-Mệ là… bà nội của anh đó. Còn O là hai người em gái của ba.
-Như vậy “O” có nghĩa là “cô” phải không anh?
-Đúng. Cho em 10 điểm. Còn “mệ”?
-Mệ là… bà nội chớ gì.
-Mệ là bà thôi. Mệ nội, mệ ngoại, là bà nội, bà ngoại.
-Sao hồi nãy anh nói mệ là bà nội? Tiền hậu bất nhất, cho anh zéro điểm là vừa.
-OK, anh chịu thua em 1 – 0 đó, bây giờ nghe anh nói tiếp nè.
-Bộ anh muốn em loạn thần kinh hả?

Khanh dỗ dành:
-Nếu em không chịu cho anh truyền thêm nội công thì làm sao ứng phó với bà con nội ngoại của anh ngoài Huế chứ.

Có lý. Mặc dù tôi chưa quen nghe giọng Huế, nhưng nếu tôi hiểu được những từ người Huế thường dùng, thì sự đồng cảm giữa tôi và “giang sơn nhà chồng” sẽ dễ dàng hơn. Tôi lấy tờ giấy và cây bút:
-Được rồi, anh nói đi. Em sẽ ghi và học thuộc lòng.

Khanh phấn chấn ra mặt:
-Em ngoan quá –rồi tằng hắng –Anh bắt đầu nè. Người Huế từ “mô” là “đâu”, ví dụ “anh đi mô?” có nghĩa là “anh đi đâu?”, “bên ni” là “bên này”, “bên nớ” là “bên kia”, “răng” là “sao”, “rứa” là “thế”, “kiệt” là “hẻm”, “tra” là “già”, “ăn kỵ” là “ăn giỗ”…

Đầu óc tôi lùng bùng, tay chân tôi quờ quạng. Khanh đặt câu hỏi:
-Đố em, “ôn” là gì?”

Tôi xếp giấy lại, thở phào:
-Anh hết vốn rồi hả? Đố như anh, con nít cũng biết. Ôn là ôn tập chớ gì.

Khanh kí vào đầu tôi:
-Cho em xuống học lớp Lá là vừa. “Ôn” là “Ông”. Gặp các ông già, người ta thường “Thưa ôn”, cũng như đối với các bà lão, người ta thường “thưa mệ”…

Khanh tiếp tục đưa tôi vào mê hồn trận:
-À, anh nhắc em điều này, nếu thấy một người đàn ông được gọi là “Mệ” thì em cũng đừng ngạc nhiên, vì đó là những người trong hoàng tộc…

Tôi hét lên:
-Cái gì? Ôi em bị tẩu hoả nhập ma rồi.

3. “Giang sơn nhà chồng” của tôi toạ lạc giữa một khoảng vườn xanh tốt trong thành nội, gồm ba căn nhà trệt lợp ngói rộng rãi, ngăn cách nhau bởi các dãy hàng rào bằng cây thấp, lá nhỏ, quấn quít những sợi dây leo màu vàng. Khanh nói:
-Bà nội anh rất thích chăm sóc vườn tược. Hàng rào chè tàu này còn già hơn tuổi của anh nữa đó, còn kia là những dây tơ hồng. Em thấy có đẹp không? Ngày trước, nhà anh chỉ có một căn thôi, sau này hai O lập gia đình, bà nội mới xây thêm hai căn nữa, của hồi môn ấy mà.

Có tiếng reo:
-Khanh, cháu Khanh đó phải không?

Một phụ nữ khoảng trên dưới năm mươi, mặc quần tây nâu, áo hoa sặc sỡ, từ căn nhà bên phải chạy ra. Tóc bà uốn cao, nước da trắng, miệng cười có má lúm đồng tiền.
-Đây là O Hương của anh.
-Cháu chào… O ạ.

O Hương tiến đến gần, vuốt má tôi:
-Vợ thằng Khanh đây hả. Chà, hai đứa xứng đôi lắm đó nghe –rồi bà kéo tay tôi và Khanh về phía căn nhà giữa –Mạ ơi, vợ chồng Khanh về tới rồi nì.

Khanh nhìn sang căn nhà bên trái cửa khoá ngoài. O Hương nói:
-O dượng Hoà về làng ăn kỵ rồi. Chắc là mai mới lên.

Nãy giờ tôi cố ý lắng nghe. Eureka, tôi đã nhớ. “Ăn kỵ” là “ăn giỗ”, còn “mạ”? Chắc là “mẹ” rồi. Xem ra tiếng Huế đâu có khó gì, khỏi cần Khanh làm thông dịch.
Bà nội của Khanh rất đẹp lão. Mái tóc bà bạc phơ, gương mặt hồng hào, phúc hậu. Bà đang ngồi trên chiếc ghế mây cạnh ngưỡng cửa, miệng cười móm mém, âu yếm nhìn Khanh đi bên tôi.
-Chúng cháu chào mệ.

Bà gật đầu rồi đưa tay níu lấy vai Khanh:
-Đỡ mệ vô nhà.

Bà nhỏ bé trong vòng tay Khanh, bước chân bà khập khiểng. Khanh lo lắng:
-Mệ, mệ bị sao vậy?

O Hương đỡ lời:
-Hôm qua mệ ra vườn tưới cây, mệ bị bổ.

-Im đi, tau bớt rồi –bà nhìn O Hương từ đầu đến chân –mi bận cái áo chi mà loè loẹt rứa? Tra rồi, gần làm mụ gia rồi, còn bày đặt diện.

Tôi nói nhỏ với Khanh:
-Em hiểu từ “tra” rồi, nhưng “bổ”là gì? Còn “mụ gia”?

-“Bổ” là “té”, còn “mụ gia” là “mẹ vợ” hoặc “mẹ chồng”. Xứ Huế anh có câu: “Thương chồng mà khóc mụ gia, chớ tui với mụ chẳng bà con chi.”

Tôi che miệng cười. Bà nội Khanh ngồi trên sập gụ, vẫy Khanh và tôi lại gần. Bà vuốt tóc tôi:
-Mệ có coi bóng đám cưới, trông cháu đẹp hơn trong bóng nhiều. Biết hai cháu sắp ra thăm mệ, đêm mô mệ cũng nằm chộ.

Khanh thông dịch ngay:
-“Bóng” là “hình”…

Tôi ngắt lời:
-Còn “nằm chộ” là “nằm mơ”, đúng không?

-Very good, em thông minh thật đấy.

Bà nội Khanh có vẻ thích tôi. Bà kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện, từ chuyện làng xóm, đến chuyện những người trong họ tộc, chuyện gia đình Khanh… giọng bà nhẹ nhàng, thân ái. Vì đã ôn tập trước, nên những từ rặt Huế như răng, mô, tê, rứa… tôi hiểu dễ dàng. Và càng lúc, tôi càng thấy gần gũi bà, thương yêu bà hơn.
-Cháu biết không? Chồng của cháu rất thích ăn chè thịt quay.

Chè thịt quay là gì? Tôi nhìn quanh tìm Khanh. Nhưng thôi, khỏi cần thắc mắc, chẳng qua cũng chỉ là món chè bình thường, cứ ăn vào là biết ngay thôi mà. Bà gọi:
-Hương ơi, lấy cà mèn đi mua chè thịt quay cho các cháu ăn đi con.

O Hương bảo Khanh:
-Cháu qua nhà dắt dùm chiếc xe ra cho O.

-Để cháu chở O đi.

Khanh đến bên tôi:
-Em ở nhà với mệ được không?

Tôi vênh mặt:
-Anh khỏi lo. Mệ nói gì em cũng hiểu hết.

*

Tôi đi thơ thẩn trong vườn. Nắng chiều dìu dịu, gió chiều êm ái. Lòng tôi rộn vui theo tiếng chim hót chuyền cành. Hình như bà nội gọi:
-Vợ thằng Khanh mô rồi?

Tôi hấp tấp chạy vào:
-Mệ sai cháu gì ạ?

-Cháu ra ngoài “cươi” lấy cái “chủi”, “xuốt” dùm mệ cái “dà”.

-!!!

Lần này thì tôi thua thật. Khanh ơi, mau về cứu em.

CON ĐƯỜNG TUỔI THƠ
(ký)

Phương Hoa đi Huế vào, báo tin: “Nghe nói, đường Gia Hội mình sẽ là điểm du lịch…”, “Thôi mi ơi, tao nghe cái điệp khúc ni đã mấy chục lần rồi.”. “Rứa thì nói chuyện khác, mi nhớ con Mộng Lan không? Bây giờ nó làm chủ Siêu thị, tiền bạc tỉ, rồi con Như Sương nữa, nó gửi lời thăm mi.” “Như Sương à? Hình như nó có học Mai Khôi với tụi mình?”, “Thì nó chớ ai. Phiền mi ghê, đầu óc mi bị lão hoá rồi hả?” “Mấy chục năm không ra Huế, mấy đứa con nít bây giờ biến thành bà nội, bà ngoại hết, nhớ sao nổi.”, “Nhưng nhiều đứa còn nhắc đến mi đó.”

Phương Hoa nói thiệt không? Bạn bè thời xa lắc xa lơ, hình ảnh nhạt nhoà theo năm tháng, kẻ đi người ở, biết ai còn nhớ đến ai? Riêng tôi, thời gian qua, chỉ đọng lại trong tâm tư tiếng ríu rít của bầy trẻ nhỏ quây quần bên nhau cùng đủ thứ trò chơi, và con đường Gia Hội cùng hai hàng cây xanh ngời bóng mát đã âm thầm chứng kiến chúng tôi lớn lên từng ngày.

Nhớ mặt tiền ngôi trường dòng Mai Khôi hoành tráng, vòm cổng cong cong với hai cánh cửa sắt sơn màu nâu nhạt, bên trong là khoảng sân rộng, những phòng học tường quét vôi vàng, bảng đen vuông vức, bàn ghế chỉnh chu. Trường có cửa sau nhìn ra giòng Hương Giang mát mẻ, nên mỗi chiều tan học, chúng tôi thường rủ nhau ra bờ sông hái lá gai về ép mỏng làm bươm bướm hoặc đuổi theo bầy chuồn chuồn ớt bay là đà trên đám lục bình tím biếc trôi xuôi. Phương Hoa, Mộng Lan, Như Sương… và tôi là bạn cùng trường lớp. Chương trình cấp 1 nhẹ tênh. Chúng tôi chơi nhiều hơn học, suốt ngày theo soeur Thérèse tập tành ca múa, giọng soeur chuyên hát thánh ca nghe trong veo và cao vút… Trời xanh xanh mát, hương thơm thơm ngát, cùng nhau ta múa điệu ca… Thích nhất là vào điệp khúc hai bè… Sáng bắt bướm hái hoa, kêu la nô đùa, chiều lại ra dạo chơi vườn hoa. Tối quyến luyến má ba, vui ca bên đèn, bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên…(bài Tuổi Thơ –nhạc sĩ Lê Thương) . Bè trên “thấy tiên”, bè dưới “thấy tiền”, hai nhóm bàn luận sôi nổi, không biết thấy “cái gì” sẽ thích hơn?

Nhớ đường Gia Hội có chùa Tường Quang không gian yên bình mát mẻ. Những ngày rằm, mồng một, tôi thường theo mẹ lên chùa lễ Phật. Ấn tượng sâu sắc còn ghi dấu trong tôi đến bây giờ là bức tranh Phật Bà có 18 cánh tay treo trong sảnh đường. Mẹ tôi kể rằng, ngày xưa có 18 tên cướp chuyên làm điều ác, sau nghe lời Phật dạy, cải tà qui chánh, xin qui y theo ngài. Phật Bà bèn hoá phép ra 18 cánh tay cầm dao xuống tóc cùng một lần cho chúng, dẫn độ chúng đi theo con đường lương thiện.

Nhớ những ngày nghỉ học, chúng tôi thường tụ tập trên lề đường với những trò chơi đánh thẻ, lò cò, ù mọi, ô làng… Dường như tất cả kỷ niệm tuổi thơ tôi đều tập trung về con đường này. Ngoài những bạn bè cùng lớp, bạn tôi còn có cả người… nước ngoài! Viết đến đây, không thể không nhắc đến A Hôn, cô bạn người Hoa, con gái của một đại gia buôn gạo, giàu nhất nhì thành phố Huế. Nhà nó đối diện nhà tôi. Đó là cửa hàng Đại Sanh –một cơ ngơi đồ sộ, bề ngang rộng gấp mấy lần những căn nhà bên cạnh, còn bề dài thì sâu hun hút, gạo chất đầy từ trước ra sau. Mỗi lần chơi năm mười, chúng tôi thường trèo lên những bao gạo, len vào các ngõ ngách để trốn cho thật kín, không hề nghĩ đến chuyện, lỡ một bao gạo bị mất thăng bằng thì điều gì sẽ xãy ra? Nhà A Hôn thuê rất nhiều người làm, trong đó có một anh đầu bếp từ Hồng Kông sang, làm bánh tuyệt ngon. Cuối tuần anh trổ tài, A Hôn thường rủ tôi qua cùng nhâm nhi thưởng thức.

Hồi đó, lòng đường Gia Hội không rộng như bây giờ, lại ít xe cộ nên chúng tôi không cần cảnh giác, một ngày băng qua băng về nhà nhau cả chục lần. A Hôn rất đẹp, mũi cao, da trắng, môi đỏ, mắt tròn to đen thẳm với hai hàng mi cong vút. Có thể nói, nó là hoa khôi trong đám nhí chúng tôi. Càng lớn, nhan sắc A Hôn càng rực rỡ. Hôm từ giã Huế theo gia đình trở về Hồng Kông, A Hôn bảo với tôi là sẽ thi tuyển vào lớp diễn viên Điện Ảnh, nhưng sau này, không nghe thấy tiếng tăm gì cả. Có lẽ bạn tôi không địch nổi với các ngôi sao thời đó như Lâm Đại, Chân Trân, Trịnh Phối Phối… Các bạn người Hoa của tôi còn có A Nga con chú Tắc bán nhang đèn, A Peng con thím Nọt bán kẹo bánh… Chúng nó là những người bạn tốt, nhưng đôi khi cũng làm tôi bất bình vì cái tội “phân biệt chủng tộc”, bởi chúng thường khen những bài hát tiếng Hoa hay hơn tiếng Việt mỗi lần chúng dẫn tôi đi xem văn nghệ tổ chức tại trường chúng. Đó là ngôi trường Tàu kiến trúc kiểu mới, đối diện chùa Tường Quang, chuyên dạy con em người Hoa. Chiều chiều, tôi thường đứng trên balcon nhìn xuống đám bạn người Hoa đồng phục áo trắng váy đen sắp hàng đôi ra về, dọc theo lề đường rất trật tự.

Nhớ một gia đình Ấn Độ sinh sống trên con đường này, cách nhà tôi vài căn, có hai người con đều là bạn tôi. Đó là Bi Bi và Áp Pi La Hấu. Chúng lai Ấn, mẹ người Việt Nam, cha là người Bombay, có cửa hàng vải trên đường Trần Hưng Đạo. Nhà chúng khá giả, nhưng trong bữa cơm, không bao giờ có thịt heo. Mẹ chúng xem ra không chung thủy với đạo của chồng, nên mỗi lần ông đi buôn xa, bà thường mua thịt quay về tẩm bổ cho chúng. Bi Bi là chị, hiền lành, còn thằng em Áp Pi La Hấu thật lí lắc và ranh mãnh. Có lần nó cho tôi trái banh tennis chơi đánh thẻ, mới nửa ngày, nó đã chạy qua nhà nằng nặc đòi lại, khóc lóc om sòm đến nỗi mẹ tôi phải can thiệp. Tôi làm khó, nói theo kiểu người Huế: “Cho có danh có giá, cắn ba hòn đá tao trả lại cho.” Thế là không nói không rằng, nó chạy ra ngoài lượm ba cục đá. Bỏ từng cục vào miệng, nó cắn rôm rốp khiến tôi hết hồn. Không lý răng nó bằng thép? Sau này mới biết, đó chỉ là mấy cục bùn khô! Chơi với chị em Bi Bi, tôi được tham quan ngôi chùa Ấn Độ, cạnh trường Tàu. Những ngày lễ, chúng còn dẫn tôi vào điện thờ cúng bái. Sợ nhất là bức tường có khắc nhiều hình tượng, các vị thần mặt đỏ và những con rắn khổng lồ da tím ngắt, giương cặp mắt to đùng nhìn chòng chọc vào tôi.

Nhà tôi ở giữa hai rạp ciné Châu Tinh và Gia Hội. Nhớ ngày khai trương, rạp Gia Hội mở nhạc ra rả từ chiều đến tối. Chương trình giới thiệu phim “Trái Tim Thành Nữu Ước” của Mỹ in trên giấy đẹp nhưng chỉ phát cho người lớn khiến bọn nhóc chúng tôi đành đứng nhìn ngẩn ngơ. Rạp Châu Tinh ra đời sau, chiếu toàn phim hay, hấp dẫn nhất là các loại phim kinh điển như “Cuốn Theo Chiều Gió”, “Kỳ Nghỉ Hè Ở La Mã”… Hình ảnh các diễn viên nổi tiếng thời đó như Clark Gable, Audrey Hepburn, Liz Taylor… được phóng to treo trước rạp thu hút mắt nhìn. Mỗi lần rạp đổi phim là chúng tôi lại tranh nhau đến quầy vé, xin tờ bướm in hình ảnh và nội dung phim về lập bộ “sưu tầm”, cứ vài tháng lại đem ra so sánh, xem ai nhiều hơn ai! Ba mẹ tôi có thói quen xem phim hằng tuần, và lúc nào tôi cũng được ăn theo. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ phim “Quo Va Dis” (không biết nhan đề tiếng Việt là gì?), có Robert Taylor đóng vai chính, thật hoành tráng và lộng lẫy. Nhưng mê nhất vẫn là loạt phim hoạt hình của Walt Disney như Công Chúa Ngủ Trong Rừng, Nàng Bạch Tuyết, Bambi…

Rạp Gia Hội còn là một sân khấu lớn, mỗi lần có đoàn Cải Lương hoặc Đại Nhạc Hội ở Sài Gòn lưu diễn ra Huế là rạp ngừng chiếu phim, sẵn sàng phục vụ các thượng đế. Rất nhiều lần, chúng tôi chạy theo xem mặt các nghệ sĩ lớn như Trần Văn Trạch, Thái Thanh, Thái Hằng, Út Trà Ôn, cô Bảy Phùng Há… Huế có gánh Hát Bội chuyên hát những vở tuồng cổ, nhưng không trình diễn ở rạp Gia Hội. Mỗi chiều thứ bảy và chủ nhật, các đào kép hoá trang rất uy nghi, ngồi từng cặp trên xe xích lô, chạy ngang đường nhà tôi phát tờ rơi, người lớn sai con nít ra lượm vào xem.

Gia Hội –con đường nhỏ giữa lòng thành phố cổ kính với mùa Xuân tươi xanh lộc mới, mùa Hè rộn rã tiếng ve, mùa Thu trăng sao vời vợi và mùa Đông mưa dầm gió bấc… đã chia sẻ cùng tôi từng niềm vui nỗi buồn thời thơ ấu. Gần nửa thế kỷ qua đi, dù đường đã được cách tân, thay tên đổi họ, hội nhập vào bước phát triển chung của đất nước, nhưng đối với những người con xa xứ, da đã nhăn, tóc đã bạc, thì đó vẫn là không gian xưa ngập tràn kỷ niệm khó quên.

T.A (2006 –đăng trong Nhớ Huế)

HUẾ VÀ MẸ (Mùa Vu Lan 1990)

Ngày tôi bước vào đời là ngày Mẹ không còn nữa. Mẹ vĩnh viễn xa tôi vào một buổi chiều chủ nhật, khi nắng còn gay gắt soi tàng cây đổ bóng xuống thềm. Mẹ ra đi giữa hai hàng nến trắng, vầng trán cao và đôi mắt chìm vào miền viễn du huyền hoặc, để lại trong lòng tôi bao nỗi xót xa.

Ôi Mẹ, biết bao lần tôi mơ thấy Mẹ. Hai mươi mốt năm qua vẫn mường tượng như mới ngày nào Mẹ còn ra chợ mua sắm thức ăn cho tôi lần đầu tiên đến nơi làm việc –một phòng  thí nghiệm không xa nhà lắm, nhưng để giữ gìn sức khoẻ, Mẹ bắt tôi phải ở lại đó vào buổi trưa. Dưới mắt Mẹ, tôi vẫn là cô bé lên năm lên sáu, đã từng khóc hu hu khi Mẹ dùng môn ngứa và gai bưởi xỏ lỗ tai, hoặc khi mẹ doạ đánh vì nghịch nước nơi bến sông sau nhà ngoại, gió chiều về lạnh tím môi cứ nhảy nhót lung tung, không chịu lên bờ thay quần áo.

Tôi ra đời đã thấy một bà ngoại quắt thước lạnh lùng, thường bênh vực những đứa con của dì Nết dì Na và hay la tôi. Mãi sau này tôi mới biết, đó là bà ngoại “ghẻ”, còn bà ngoại “thật” của tôi đã mất từ lâu. Chỉ có ông ngoại là cưng tôi nhất nhà. Ông trồng rất nhiều hoa hồng nơi hàng hiên, cho phép tôi được quyền hái chơi, nhưng mấy đứa con của các dì các cậu đụng đến thì phải biết, ông xách roi đuổi cho chạy quýnh quáng, phải trốn chui trốn nhủi vào bụi lá gai cuối vườn mới được yên thân.

Trong các con, ông ngoại thương Mẹ nhất, bởi Mẹ hiền lành, đảm đang và hiếu thảo. Mẹ tốt với tất cả mọi người. Đối với bà mẹ kế, dù bà cư xử tệ bạc, Mẹ vẫn một lòng cung kính thương yêu. Mẹ chăm sóc bà còn chu đáo hơn những người con ruột, đến nỗi sau này, trước khi mất, bà đã gọi tên Mẹ, và nuối Mẹ cả một tuần lễ mới chịu nhắm mắt. Thật ra, Mẹ không thể về thăm bà được vì Mẹ đã đi trước bà, nhưng các cậu các dì đã giấu không dám cho bà hay.

Những ngày trước khi đi, Mẹ thường nhắc đến Huế, đến ngôi nhà nhỏ ở Ngự Viên, đến ngôi mộ của ông ngoại trên Nam Giao không ai nhổ cỏ, đến những bạn bè thân quen thời con gái, mãi đến bây giờ vẫn gửi thư thăm nhau. Mẹ ao ước được trở về Huế xây mộ cho ông ngoại, xuôi chuyến đò dọc sông Hương về quê thăm họ hàng, hoặc cùng bạn bè dạo chơi khắp phố phường quen thuộc, thả bước theo con đường Trần Hưng Đạo buôn bán sầm uất, kéo dài đến tận bến Thương Bạc, phượng hồng nở thắm một vùng trời.

Nhưng không còn kịp nữa, cơn bệnh quái ác đã mang mẹ đi thật bất ngờ. Buổi sáng chủ nhật, tôi có sáu giờ hướng dẫn thực tập tại trường Khoa Học, phải đi từ sớm. Mẹ thức dậy cùng tôi, nhắc tôi nên đem theo cái áo len mỏng vì bên ngoài trời còn rất nhiều sương. Trông Mẹ vẫn mạnh khoẻ bình thường, nhưng đến xế trưa, khi tôi trở về nhà, đã thấy mẹ nằm thiêm thiếp trên ghế xếp. Tôi quì xuống bên Mẹ, dùng khăn tay lau nhẹ vầng trán Mẹ lấm tấm mồ hôi: “Mẹ ơi, mẹ có sao không?” Mẹ mở mắt, dịu dàng: “Mẹ hơi nhức đầu, con thay quần áo rồi ra ăn cơm, có trái cam Mẹ để trong tủ lạnh cho con đó.” Tôi lên lầu, chưa kịp cất giỏ xách, đã nghe tiếng Ba kêu thảng thốt: “Mình, mình ơi.” Tôi chạy xuống thấy Mẹ đang lả người trong tay Ba, mắt nhắm nghiền và đôi môi mấp máy, Ba để tai vào vẫn không nghe được Mẹ muốn nói gì. Tôi nắm bàn tay mẹ và nghe hơi lạnh tràn khắp châu thân. Nước mắt tôi tràn ra: “Mẹ ơi!” Ba nói nhẹ: “Hãy phụ Ba đỡ Mẹ lên giường, Ba đi mời bác sĩ ngay đây.”Mẹ vẫn mê man cho đến khi bác sĩ đến. Ông dùng ngọn đèn nhỏ soi vào mắt Mẹ, rồi buồn bã nhìn Ba: “Huyết áp của bà đã vọt lên quá cao, mạch máu không chịu nổi.” Khoảng thời gian còn lại của buổi chiều định mệnh, Ba đã gọi taxi chở Mẹ đi cấp cứu khắp các bệnh viện trong thành phố, nhưng Thần Chết đã nhanh chân hơn. Không bao giờ tôi còn được nhìn thấy Mẹ nữa.

Tôi tắm rửa cho Mẹ, thay cho Mẹ bộ đồ lụa trắng trong khi bóng tối đã tràn ngập gian phòng. Bóng tối đó cũng lan vào lòng tôi, toả khắp mọi ngõ ngách tế bào, rung động từng đầu dây thần kinh sâu thẳm nhất, khiến tôi choáng váng và đau đớn rã rời. Tôi nghe chán nản đến tận cùng xương tuỷ và chỉ muốn chết theo Mẹ. Còn gì để thiết tha khi trên cuộc sống này không có Mẹ? Như trong một giây phút nào đó, ta đánh mất những gì quí giá nhất đời ta. Mặt trời giữa trái tim ta tắt lịm, ta bơ vơ trong đêm tối lạc loài, ta chới với giữa ngàn trùng sa mạc, không một giọt mưa trìu mến, một bóng mát chở che.

Suốt một tuần lễ, tôi không đến trường, không đến phòng thí nghiệm, mặc cho bạn bè an ủi, đồng nghiệp gọi tìm… Tôi nằm vùi trong chiếu, đắm chìm vào những giòng thơ khóc mẹ…

…Thôi xa rồi biển tình thương diễm mộng
Dáng Mẹ hiền ươm mát tuổi thanh xuân
Con lớn lên bằng sữa Mẹ thơm nồng
Bằng lo lắng, ân cần, lời dịu ngọt
Rồi vĩnh biệt, Mẹ sang bờ ảo giác
Gió trăng vàng mờ mịt bước hư vô
Chủ nhật buồn, Mẹ khép mắt nghìn thu
Ôi giấc ngủ muôn đời con nhớ mãi…

Có lẽ tôi đã buông xuôi tất cả nếu không có một đêm tôi giật mình tỉnh giấc. Trong không gian khuya vắng thoang thoảng hương thơm trầm nhang trên bàn thờ Mẹ, tôi thấy như Mẹ đang bước ra khỏi khung hình hướng về phía tôi, đôi mắt Mẹ hiền từ nhưng đầy nghiêm khắc: “Tại sao con bỏ dạy?Con không sợ Mẹ buồn sao?” Mẹ buồn? Đó là điều tôi muốn tránh nhất trên đời! Tôi mở to mắt, hé môi nhưng không thốt được lời nào… Mẹ chập chờn hư ảo, Mẹ mông lung trong làn khói mỏng mơ hồ, ngọn nến hồng nghiêng ánh lửa nâng gót chân Mẹ lâng lâng trên cao… Mẹ, Mẹ ơi. Tôi bừng tỉnh sau giấc mê dài tăm tối. Từ đó, mỗi lần đi làm về, đọc kinh cầu siêu cho Mẹ, tôi thấy nụ cười của Mẹ trong bức ảnh thờ như tươi thắm hơn.

Mẹ được an táng nơi chùa Hải Quang, trong một nghĩa trang dành cho người Huế. Ôi những người Huế dễ thương và tội nghiệp, suốt đời gắn bó với mảnh đất quê nhà. Vì sinh kế, họ đành bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng tâm hồn luôn hoài vọng cố hương. Từng chiều lên thăm Mẹ, tôi thắp hương cho những ngôi mộ chung quanh, những láng giềng của Mẹ, hẳn một nơi xa xôi nào đó, họ đang cùng qua lại hàn huyên. Không biết họ có từng nương theo cánh gió trở về Huế tái ngộ cảnh cũ người xưa? Nếu có, chắc Mẹ đã được gặp ông bà ngoại rồi. Tôi luôn luôn nghĩ vậy, và ý nghĩ đó làm tôi yên tâm.
Rồi có lệnh giải toả nghĩa trang, Ba đưa Mẹ về chùa Vĩnh Nghiêm. Nơi đây, láng giềng của Mẹ toàn là người Bắc, không biết Mẹ có chóng quen với môi trường mới không. Tôi nghĩ là Mẹ không khó lắm. Mẹ luôn thích nghi với mọi hoàn cảnh. Hơn nữa, hồi còn ở Huế, mẹ có một bà bạn người Bắc di cư, rất thân, đó là bà Đốc Phương, người đẹp, nói giọng Hà Nội rất hay.

Từ ngày Mẹ mất, bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu cứ dồn dập tìm về tràn ngập trái tim tôi. Có lẽ từ nhỏ, Mẹ thiếu tình mẫu tử nên khi có con, bao nhiêu tình thương Mẹ dồn hết cho tôi. Mẹ bao bọc, che chở tôi bằng một trái tim nồng nàn không suy tính. Nhớ có lần trời lạnh, lười đi học, tôi khóc lóc cầu cứu Mẹ, Mẹ đã không ngần ngại dúi đầu tôi vào gần bếp lửa, rồi trình cái trán nóng hổi cho Ba xem để Ba cho phép ở nhà.

Hồi đó, Mẹ may cho tôi áo mới hoài. Mẹ thường nói với bạn bè rằng, trẻ con càng mặc nhiều áo mới, càng mau lớn sởn sơ. Chắc nhờ vậy mà tôi chóng nhổ giò và tha hồ đỏm dáng. Nhớ hoài hình ảnh Mẹ ngồi cắt vải bên cửa sổ, những chiếc áo đầm rẻ tiền Mẹ may bằng tay nhưng đầy sáng tạo, thường làm các nhỏ bạn tôi trầm trồ ao ước. Cô giáo lớp tư trường dòng Mai Khôi thường dẫn tôi đi chơi đây đó, múa hát trong những buổi tiếp tân, lễ lạc… cũng vì tôi ăn mặc đẹp và lịch sự. Mẹ luôn trau chuốt cho tôi ngày càng xinh xắn hơn lên.

Tôi càng lớn, tình thương của Mẹ càng rộng khắp. Mẹ thương tất cả các bạn bè của tôi. Nhớ năm lên trung học, sáng thứ hai chào cờ, nữ sinh phải mặc áo dài màu thiên thanh, tôi có nhỏ bạn thân, nhà nghèo không may nổi áo, Mẹ đã mua vải may cho hai đứa hai cái áo dài giống hệt nhau đến nỗi khi ra đường, ai cũng tưởng chúng tôi là chị em. Mẹ là hiện thân của nhân từ bác ái, là hình ảnh mơ ước của một số bạn tôi –những đứa bạn có mẹ dữ dằn, đánh con thường như cơm bữa. Làm bể cái chén, đánh. Ngủ dậy muộn, đánh. Đi học lỡ làm dính mực vào áo, đánh. Mẹ không bao giờ đánh tôi, cùng lắm là cầm cây roi mỏng tanh nhịp nhịp, nhưng không phải vì thế mà tôi không ngoan, bằng chứng là tháng nào tôi cũng xếp hạng cao. Chính đôi mắt Mẹ đã chế ngự được tính ngang bướng của tôi. Khi làm điều lầm lỗi, nhìn vào mắt Mẹ, tôi không thể không ân hận và cố gắng sửa đổi để lần sau được tốt hơn. Chỉ vì sợ Mẹ buồn, tôi đã ham học hơn ham chơi, tôi luôn muốn đem thật nhiều bảng danh dự về cho Mẹ, để được thấy Mẹ cười rạng rỡ cho lòng tôi cũng bừng nở hoa theo.

Khi tôi đến tuổi dậy thì, Mẹ càng chăm sóc đến ngoại hình của tôi, làm sao cho mái tóc mượt huyền, làn da mịn trắng, bàn tay mềm mại… Mẹ nghi ngờ tất cả những chàng trai theo đuổi tôi. A có đôi mắt không thật, B có nụ cười giả dối, C có dáng đi vất vả… chung qui, Mẹ sợ tôi khổ vì gặp phải một người chồng không tốt. Mẹ muốn che chở tôi bằng tất cả khả năng của Mẹ, vòng tay Mẹ nhỏ bé nhưng thật bao la.

Ý nghĩ về Mẹ thường làm cho tâm hồn tôi nhẹ nhàng, ấm áp. Những lúc vui, lúc buồn hay cả trong niềm tuyệt vọng, Mẹ như giòng suối mát luôn hiện diện bên tôi xoa dịu nỗi sầu đau. Ngay cả đến bây giờ, trong những giấc mơ màng, tôi vẫn thường thấy Mẹ với dáng người nhỏ nhắn, chiếc áo dài hoa nâu quen thuộc, Mẹ cười vui hoặc an ủi tôi tuỳ theo tâm tư tôi lúc đó và khi tỉnh giấc, tôi thấy lòng nhẹ nhõm biết bao.

Điều làm tôi vui nhất là mỗi lần đến chùa Vĩnh Nghiêm, lên tháp cao thăm Mẹ, nhìn tấm hình của Mẹ, cứ thấy Mẹ trẻ hoài. Mặc cho giòng đời xô bồ náo nhiệt, mặc cho bình minh tiếp nối hoàng hôn, Mẹ vẫn nhìn tôi với nụ cười bình thản dịu dàng. Mẹ đang nghĩ gì về con hở Mẹ, Mẹ ơi.
( Tập truyện Một Thời Áo Trắng)

TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA
Ký (đăng báo Sông Hương năm 1998)

Hồi đó, con đường Gia Hội có rất nhiều bàng. Những cây bàng cao, xoè tán lá rộng khắp. Vào mùa hè, cây trùm bóng mát xuống những trò chơi thơ ấu của tôi cùng đám bạn: banh đũa, lò cò, ô làng, ù mọi… Và đến mùa thu, cây u buồn trút lá. Những chiếc lá to, thuôn dài, được chúng tôi tranh nhau nhặt lên, bẻ cong ba góc, dùng tăm ghim lại thành những chiếc dép, mang vào chân đi tung tăng. Được vài vòng, dép rách te tua, phải “đóng” đôi khác. Lá càng rơi, “giày dép” mới càng được xếp đầy trong ngăn tủ. Thỉnh thoảng, cây còn để rụng những trái chín vàng ươm, ngọt lịm, mà dư vị còn vương vấn mãi trong suốt tuổi thơ tôi.

Tuổi thơ tôi nương náu trong ngôi nhà số 69 –nhà của ông ngoại. Đó là một ngôi nhà mặt tiền đường, không có vườn nhưng rất rộng. Phía trước chia làm hai gian 69A và 69B, phía sau thông nhau bằng một khoảng sân phơi đầy lúa, mà tiếng cối xay, tiếng chày giã gạo rộn rã suốt ngày. Lầu nhà ông ngoại rất cao, cầu thang chạm trổ, lót gỗ cẩm lai, đánh vẹc ni láng bóng. Mỗi chiều, tôi lên lầu chơi, bước ra bao lơn đầy gió, nhưng không dám đến gần lan can, nơi kiến trúc gồm những thanh ngang trống trải làm tôi sợ, mặc dù lòng rất muốn nhìn xuống dưới đường, xem mấy đứa bạn trường Tàu đi học về, đồng phục váy đen áo trắng đẹp đẽ, bước đều tăm tắp.

Ông ngoại có nhiều con nhưng chỉ còn bốn. Mẹ tôi là con trưởng, tiếp đến là cậu. Hai dì là con bà ngoại kế, cách tuổi cậu rất xa. Ông bà ngoại có thói quen dậy sớm, ngồi hàn huyên, uống trà nơi bộ trường kỷ cẩn xà cừ. Những ngày không đi học, tôi thường quanh quẩn bên ông bà, bắt chước tựa tay vào chồng gối xếp bọc da trơn láng, vàng rộm như da heo quay, nhâm nhi những chiếc bánh đậu xanh thơm ngọt. Thích nhất là uống trà trong những chiếc tách sứ mỏng như giấy, nhẹ như bông. Dưới đáy tách là một khối thuỷ tinh hình bán cầu trong suốt, mỗi lần rót nước vào, hình ảnh một cô gái vấn tóc trần hiện ra, nhìn chòng chọc vào tôi. Thấy tôi cứ tò mò bằng cách rót nước vào tách, rồi lại đổ ra để quan sát khối thuỷ tinh, bà ngoại la:
-Đừng phá, cháu. Bể chén quí của ôn chừ.

-Mệ ơi, cô gái trong cục thủy tinh là ai rứa?

-À, đó là nàng Mỵ Nương. Ngày xưa, nàng mê tiếng hát của gã lái đò Trương Chi, nhưng đến khi thấy gương mặt xấu xí của gã thì nàng không mê nữa. Trương Chi buồn bã lâm bệnh qua đời. Trái tim gã hoá thành khối thủy tinh, được người đời tiện thành chén uống nước…

Khi đó, tôi đã thuộc bài hát “Khối tình Trương Chi” của Phạm Duy, trong điệp khúc có câu: “Rót nước vào chợt thấy bóng Ngư lang, quanh chén trà, thuyền trôi theo tiếng đàn, có tiếng người vọng câu hát u buồn, ai oán câu hò khoan…” Ở đây không có Trương Chi cùng chiếc thuyền mà chỉ có cô gái, tôi nghĩ là bà ngoại đã lộn với một điển tích khác, nhưng không dám bắt bẻ.

Tôi lớn lên đã không thấy cậu, mẹ nói cậu đi tập kết. Ngày cậu đi tôi còn nhỏ xíu nên không có một ấn tượng nào về cậu, nhưng càng lớn, tôi càng cảm nhận được sự nhớ nhung dằng dặc trong đôi mắt già nua của ông ngoại, trên những ngón tay run run vào những ngày nắng đẹp, ông đem rương quần áo ra phơi, những bộ complet bằng dạ, khăn len, mũ nỉ… ông đã vuốt ve biết bao lần! Có lần tôi hỏi:
-Áo quần ai mà nhiều rứa ôn?

-Của cậu cháu đó. Mấy bữa ni mưa quá, chừ phải đem ra phơi kẻo bị mốc, mai mốt cậu cháu về, không có đồ mặc…

Gia đình tôi ở gian A, ông bà ngoại và hai dì ở gian B. Một mình anh tôi được ở trên lầu. Thỉnh thoảng, anh đem bạn bè về học hành hoặc đàn hát, nô đùa. Những lúc vắng anh, tôi thường đột nhập vào giang sơn riêng của anh để phá phách, lục lạo sách vở khiến cho hiện trường đã không ngăn nắp lại càng rối tung thêm.

Trái với lầu A, lầu B dùng làm nơi thờ phụng rất trang nghiêm. Hương trầm thơm ngát toả khắp một vùng không gian khoáng đạt gồm hai bàn thờ lớn và bốn bàn thờ nhỏ. Ngoài những bức chân dung được vẽ bằng phấn màu của các bậc tiền bối, hình ảnh gây ấn tượng nhất trong tôi là bức tranh Phật Bà có 18 cánh tay. Dì Đông kể, Phật Bà dùng 18 bàn tay để cùng một lúc, cầm dao xuống tóc quy y cho 18 tên cướp biết ăn năn sám hối. Tôi nghe nhưng không tin lắm vì tôi nghĩ, đã là cướp thì rất độc ác, làm sao biết ăn năn sám hối được, và nếu tôi là… Phật Bà, tôi sẽ không cho những tên cướp ấy bước vào chùa đâu.

Dì Đông là em kế cậu tôi, gương mặt phúc hậu, người thấp nhỏ như con chim sẻ. Mỗi lần thấy tôi, dì kéo lại gần và đưa bàn tay đặt lên đầu tôi để đo chiều cao:”Chà, cháu đứng ngang ngực dì rồi!”, “Chà, cháu ngang cổ dì rồi!”, “A, con ni mau lớn ghê hè, gần tới trán dì rồi!” Tôi nhổ giò cao hơn dì hồi nào không hay nhưng vẫn thường chạy theo dì nghe kể chuyện cổ tích. Dì biết rất nhiều chuyện, từ Chiêu Quân Cống Hồ, Thạch Sanh Lý Thông… cho đến những câu chuyện trong kinh sách nhà Phật như Quan Âm Thị Kính, Công Chúa Diệu Thiện… Tôi sợ nhất là chín tầng địa ngục trong chuyện Mục Liên Thanh Đề. Dì thường doạ: “Nếu cháu làm điều ác, cháu sẽ bị trừng phạt như bà Thanh Đề nớ.”Tôi thường có những câu hỏi cắc cớ: “Dì ơi, đập muỗi có phạm tội sát sanh không?”, “Dì ơi, cháu lỡ đạp con kiến, có can chi không?” Dì không trả lời được, nên chỉ cười cho qua chuyện.

Gần năm mươi năm trôi qua, tôi vẫn không quên cái lỗ hổng bằng nửa bàn tay nơi sàn lầu cạnh chân bàn thờ lớn. Mỗi khi chán những trò chơi lề đường, tôi thường rủ vài bạn nhỏ lên lầu, nằm dài trên sàn, thay phiên nhau dí mắt vào lỗ hổng quan sát những diễn biến dưới nhà, miệng cứ la toáng lên: “Mệ, mệ”, “Ôn ơi, ôn làm chi rứa ôn?”, “A, dì Mừng mặc áo mới đẹp quá.” Dì Mừng là em út mẹ tôi. Dì đẹp và sắc sảo hơn dì Đông nhiều, nên mười tám tuổi đã có người chạm ngõ. Những ngày trước khi lên xe hoa, dì tập dượt nghi lễ thấy phát mệt. Cũng từ lỗ hổng trên sàn lầu, tôi say sưa nhìn ngắm cái dáng thanh thanh của dì trong bộ quần áo thụng đỏ, đầu chít khăn vành vàng, từ nhà sau yểu điệu bước ra quỳ xuống lạy ông bà ngoại tôi ngồi sẵn nơi sập gụ, làm mẫu cha mẹ chồng của dì. Đám cưới dì thật lớn, có nhiều xe rước, lọng che, sắc màu rực rỡ. Chồng dì là một cậu ấm, ham chơi hơn làm việc nên cuộc hôn nhân chóng đổ vỡ. Họ bỏ nhau khi đứa con đầu lòng của dì chưa ra đời. Dì sinh con trai, đứa cháu đích tôn của dòng họ Trần. Nghe nói sau này, chồng dì đi thêm một bước nữa nhưng chỉ có toàn con gái.

Dì Mừng còn trẻ và đẹp nên vẫn còn nhiều người theo đuổi. Trong số đó, tôi chỉ nhớ chú Thảo vì mỗi lần chú lại nhà dùng cơm, dì đích thân đi chợ, nấu những món sơn hào hải vị chiêu đãi chú và thường kêu tôi qua ngồi ăn chung. Dưới mắt một đứa trẻ như tôi, chú Thảo rất đẹp trai lại tử tế, thường khen tôi ngoan, còn cho tôi nhiều kẹo bánh. Nhưng rồi, hình như chú phạm một lỗi gì đó với dì nên đã đánh mất cơ hội trở thành dượng tôi. Có một thời gian chú theo năn nỉ dì thiếu điều quỳ xuống lạy, nhưng dì phủi tay, cương quyết ở vậy nuôi con. Thằng em họ của tôi mặt mày sáng sủa nhưng cũng nghịch ngợm hết biết. Dì đặt nó tên Hiền nhưng nó chả hiền tí nào, suốt ngày cầm thiết bảng nhảy nhót y hệt Tề Thiên. Nó có tên ở nhà là Chó Con. Gọi riết một lúc, chữ “con” rớt mất. Nó học khá, tốt nghiệp trường Nông Lâm Súc, làm hiệu trưởng một trường trung học ở Lâm Đồng. Có lần, nó nghỉ phép về thăm, vừa bước vào nhà, nhỏ em tôi kêu lên:
-Ê Chó, mi mới về hả?

Nó sửa lưng liền:
-Chị vừa thôi nghe, dù sao tui cũng là một ông hiệu trưởng, phải nể mặt tui chớ.

Hôm sau, có cô gái tới tìm nó, dì Đông nhanh nhẩu gọi:
-Chó ơi, có bạn tìm tề.

Nó muốn độn thổ vì trở tay không kịp.

Dì Đông lấy chồng muộn nhưng gia đình đầm ấm hạnh phúc. Ba đứa con của dì thường bị thằng Hiền ỷ lớn ăn hiếp, bắt kêu bằng “anh” dù nó ở vai “em”. Thời gian qua, ông bà ngoại mất, gia đình tôi chuyển vào Nam, ngôi nhà số 69 để lại cho hai dì mặc sức tung hoành.

***


Năm 1975, cậu về Huế. Cảnh cũ vẫn còn nhưng người xưa đâu tá! Cậu vào Sài Gòn thăm gia đình tôi, ba tôi và cậu cầm tay nhau mừng mừng tủi tủi. Cậu ngồi khóc rất lâu trước mộ mẹ tôi. Nhìn cậu, tôi bàng hoàng ngỡ như ông ngoại sống dậy. Cậu giống ông như hai giọt nước. Ngôi nhà của ông ngoại trở thành vấn đề chính trong những lúc hàn huyên. Cậu muốn bán nhà chia đều cho các cháu nhưng hai dì không chịu. Hai dì cùng một lập luận: “Ngôi nhà chung của bốn chị em, muốn ở thì cứ việc đến ở, nhưng bán thì không.” Di chúc để lại cũng thật trớ trêu. Giá ông ngoại để cho mẹ tôi và cậu một gian A hoặc B thì đã khác. Đằng này, cậu và dì Mừng một gian, mẹ và dì Đông một gian. Một trong hai người không chịu ký tên thì không thể giải quyết được gì. Tranh chấp suốt mấy năm, tình anh em sứt mẻ.

Cậu gom góp tiền tiết kiệm mấy chục năm trời, mua một căn nhà dưới dốc cầu Đông Ba. Các con của cậu học hành thành đạt, có gia đình riêng. Chưa kịp thở phào nhẹ nhõm, mợ đã nằm một chỗ vì bệnh liệt. Con cái thỉnh thoảng ghé thăm, đem đến vài kí cam nho, ngồi một lát rồi về. Bảy năm trời đằng đẵng, một mình cậu chăm sóc mợ từ miếng ăn giấc ngủ đến tắm rửa, giặt giủ quần áo. Mợ mất, cậu để mợ nằm cạnh ông bà ngoại ở Nam Giao, và mua sẵn cho mình một miếng đất sát bên mộ mợ.

Suốt một đời hy sinh cho vợ con, bước vào tuổi tám mươi, cậu mới sống cho mình. Cậu vào Nha Trang thăm ngôi trường cũ. Ở đây, học trò của cậu giờ đã thất thập cổ lai hy, con cháu đầy đàn. Họ vui mừng gặp lại cậu, quây quần bên thầy cũ, làm lễ thượng thọ 80 cho thầy trong bầu không khí nồng nàn ấm cúng. Cậu như trẻ lại, sức khoẻ dồi dào hơn, đôi chân cậu mọc cánh đưa cậu đi du lịch khắp nước. Thời gian cậu ở nhà tôi, các em gọi điện vào liên tục gọi cậu về. Tôi nói:”Các em lo cho sức khoẻ của cậu đó.” Cậu cười: “Cậu còn mạnh lắm, lo chi mà lo. Ừ thì về, nhưng cậu không ở Huế lâu mô, cậu đi chơi nữa.” Mà cậu đi thật. Ra Huế chưa được bao lâu, cậu viết thư vào khoe, cậu vừa bắt liên lạc với người chị con ông bác ruột (người này tôi chưa hề nghe mẹ tôi nhắc đến bao giờ), ngày xưa từng bồng ẵm mẹ tôi và cậu, giờ đang ở bên Lào. Mặc cho các con can ngăn, cậu nhất quyết làm một cuộc viễn du. Cậu điện về, giọng đầy phấn chấn: “Đất nước Lào rất đẹp, bà chị cậu đã ngoài 90 song vẫn mạnh khoẻ tinh tường. Cuộc sống bà sung túc, bà nhắc đến mẹ cháu hoài. Lần này trở về, cậu sẽ làm lại hồ sơ lo chuyện nhà cửa cho các cháu.”

Nhưng sự việc vẫn dậm chân tại chỗ. Giá trị hai gian nhà là ngay mặt tiền đường Gia Hội (nay là đường Chi Lăng) vào thời điểm bây giờ quả là không nhỏ, nhưng hai người con đầu lòng của ông ngoại đã bị gạt ra ngoài. Chỉ còn lại hai dì vừa ở vừa cho thuê. Liệu hai dì có tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn không? Cô em tôi vừa đi Huế vào, nói: “Dì Đông và dì Mừng giống như bị trời hành, xanh xao vàng vọt, không biết tiền bạc để làm chi.” Tôi nghĩ đến câu chuyện cổ tích, có ông vua nọ được tiên ban cho một điều ước, ông ước rằng bất cứ vật gì được ông ta đặt tay vào đều biến thành vàng. Thế là ông ta được toại nguyện. Ông sung sướng chạy khắp hoàng cung thực hiện mơ ước của mình. Bàn ghế, tủ giường, hoa lá… đều biến thành vàng ròng dưới tay ông, nhưng chỉ qua một buổi, ông trở thành con người bất hạnh nhất trần gian bởi mọi thực phẩm chạm vào miệng ông đều biến thành thứ kim loại dù quý giá nhưng cứng ngắt. Ông không ăn uống được nữa, trở nên xanh xao vàng vọt, chỉ còn da bọc xương. Chợt tỉnh cơn mơ vàng, ông quỳ xuống van xin vị tiên rút phép lại để ông được sống như một con người.

Xem ra hai bà dì tôi chưa bằng ông vua kia, vẫn còn sân si lắm. Cậu viết thư vào cho biết, một căn nhà đáng giá cả trăm cây vàng nhưng cậu chỉ xin mười tám cây. Ba anh em tôi được chín cây, nhưng hai bà dì chỉ bằng lòng cho mỗi đứa cháu một cây thôi. Toà xử không nổi, phải gác lại. Anh tôi nói: “Không có căn nhà đó, mình cũng đâu có chết.”Cô em tôi tiếc: “Có vẫn hơn không chứ. Cậu đi cách mạng về sao yếu quá.” Tôi đứng giữa: “Được cũng tốt, mà không được cũng chẳng chết ai. Tại mình chưa tới số giàu mà thôi.”

Dù cuộc tranh chấp làm nhạt phai tình cảm những con người ruột thịt, ngôi nhà số 69 vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, thản nhiên nhìn giòng chảy cuộc đời. Lòng đường Chi Lăng đã được nới rộng ra khiến lề đường trở nên chật hẹp. Những cây bàng xoè tán lá xanh tươi đã bị đốn ngã tự lúc nào, không còn lưu lại dấu tích gì dưới lớp nền xi măng trắng xám bụi thời gian, nhưng những kỷ niệm thuở ấu thơ vẫn còn vương vấn mãi trong tôi… Về đây khi mái tóc còn xanh xanh, về đây với màu gió ngày lang thang, về đây với xác hiu hắt lạnh lùng, ôi lãng du quay về điêu tàn… Tôi sẽ trở về mái nhà xưa để thăm lại khung trời tuổi nhỏ, nơi từng có ông bà, cha mẹ và những trò chơi banh đũa, nhảy dây, lò cò… cùng đám bạn bè thân thương giờ đã phiêu bạt bốn phương trời. Tôi muốn thấy lại những bậc thang gỗ dẫn lên sàn lầu có cái lỗ hổng lớn bằng nửa bàn tay. Tôi muốn thấy lại hàng bao lơn lộng gió với cái lan can mỏng manh từng làm tôi run sợ. Và điều tôi muốn nhất là gặp lại các dì, các mỹ nhân của một thời xưa cũ giờ đã tóc bạc da mồi… Về đây nhé cắm xong chiếc thuyền hồn, ôi lắng nghe dây lòng tiếc đờn. Thôi nhé đừng hoài âm xưa, giọt mưa đã rơi trên thềm nhà, người ngồi im vắng, lắng nghe tháng ngày qua…

T.A