QUẢ BÁO
Truyện ngắn –THÙY AN
Trong ký ức tuổi thơ tôi, hình ảnh tiệm cầm đồ của bà Sâm thật hoành tráng. Ngôi nhà mặt tiền rộng gấp ba những căn nhà bên cạnh, cửa lá sách màu xám. Một chiếc phản gỗ thật lớn chiếm gần hết diện tích gian trước. Chất liệu gỗ rất tốt, nước gỗ lên màu nâu sáng ngời, ánh lên những kệ tủ gương đặt sát hai bên tường, chất đầy những món đồ người ta đến cầm, phần lớn là quần áo được xếp gọn ghẽ, kèm theo mỗi món là một tờ giấy nhỏ ghi ngày tháng, lãi suất… Dĩ nhiên là đồ quí giá cũng được cầm, nhưng được bà Sâm cất vào chiếc tủ sắt đặt trong phòng riêng.
Bà Sâm là chị ruột bà ngoại “ghẻ” của tôi, nên xem ra, giữa tôi với bà không có chút máu mủ nào. Nhưng lạ một điều là bà rất thương tôi, chắc tại vì tôi là bạn thân với thằng Nho, cháu ngoại của bà, lớn hơn tôi một tuổi. Những buổi chiều không đi học, tôi thường qua nhà bà, cùng thằng Nho ngóng những gánh hàng rong đi ngang, nào là bánh canh Nam Phổ, bánh bèo bánh nậm, giấm nuốt, mít trộn, bánh ướt thịt xáo… đặc biệt là món củ sen nhân đậu xanh, thơm thơm bùi bùi ngon tuyệt. Mỗi lần thấy tôi, bà Sâm thường hỏi: “ Đói bụng chưa?Ưng ăn chi cứ kêu, mệ mua cho.”
Tôi rất thích nhảy nhót trên tấm phản rộng nhà bà Sâm. Đây là nơi hằng ngày bà Sâm ngồi tiếp bạn bè, những bà láng giềng trung niên đồng trang lứa, cũng giàu có, sang trọng, vàng đeo tràn tay, miệng mồm sắc sảo… và đây cũng là nơi tôi ăn no nằm dài hóng chuyện mấy bà. Thôi thì đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, chồng con, dâu rể… rồi nhìn ngắm người qua đường, phê bình thẳng tay, không thèm nghĩ đến cảm nhận của “đối tác”: “Ngó cái con nớ cười tề, miệng rộng đen thui giống như cái lỗ cống.”, “Con gái nhà ai rứa, bận cái áo đầm ngằn ngủn, đúng là đồ mất nết, không ai dạy.” Có lần, một thiếu nữ rất đẹp đi ngang, cô mặc áo đầm hoa có chiếc nơ lớn trước ngực, người bạn bà Sâm la lên: “Trời đất, bộ sợ rớt bụ(*) hay răng mà cột lại rứa? Đồ con gái thúi.” Tôi phản kháng lại: “Mệ nói chi lạ rứa? Cái nơ đẹp bắt chết mà mệ chê chi.” Bà Sâm la tôi: “Con ni hỗn, dám cãi lời người lớn hả. Mai mốt mà mi ăn bận như rứa tao nói me mi đặp chết.”
Bà Sâm chồng mất sớm, ở vậy nuôi hai người con: Cậu Thông và dì Lựu. Từ một tiểu thư khuê các, với ngôi nhà và số vốn khá lớn của chồng để lại, bà bước vào đời không nhọc nhằn lắm, bắt đầu bằng nghề góp hụi, cho vay rồi mở tiệm cầm đồ. Công việc làm ăn ngày càng phát đạt, tiền vô như nước, bà không sắm xe, mua nhà như những người giàu có khác, mà dùng tiền để mua vàng. Dư luận ở Huế xôn xao bà Sâm là người giàu nứt máu, có đến hàng trăm lượng vàng chôn trong nhà. Vì lo làm giàu nên bà chẳng quan tâm đến việc giáo dục con cái. Dì Lựu lấy chồng sớm. Cậu Thông ăn chơi đứng hàng đầu xứ Huế nhưng học hành chẳng đi đến đâu, vậy mà bà Sâm cũng chiều con, đổ cả đống tiền bạc cho cậu ra học tận Hà Nội. Ngày vinh qui bái tổ, thay vì bằng cấp, thì cậu đem về một phụ nữ tuyệt đẹp và tân thời, hát ả đào rất hay. Mặc cho bà Sâm phản đối, hai người vẫn sống chung và cho ra đời đứa cháu đích tôn: anh Minh. Khi tôi vào lớp 1 thì anh Minh đã là một thanh niên ham chơi hơn ham học, mang gène của mẹ nên rất đẹp trai và mang gène của cha nên nổi tiếng hào hoa phong nhã, thay bồ như thay áo. Bắt buộc, bà Sâm phải chấp nhận mợ Thông, nhưng chỉ bằng mặt mà không bằng lòng.
Nói về dì Lựu, năm thằng Nho lên sáu, dì sinh thêm con bé Đào, nào ngờ, khi bé chưa được một năm thì dì bị bạo bệnh từ giã cõi đời, để lại trong lòng dượng Phan một khoảng trống khó nguôi. Dượng Phan gà trống nuôi con thật tội nghiệp, vừa làm mẹ, vừa làm cha. Chiều chiều, sau giờ làm việc, dượng chở thằng Nho và con bé Đào đi hóng mát trên chiếc xe đạp sườn ngang đánh một vòng qua phố, thẳng lên vườn hoa bến Thương Bạc, rồi đi dọc theo bờ sông… một ngày như mọi ngày, nỗi trống trải cô đơn càng trĩu nặng, ai trông thấy cũng mủi lòng.
Dì Lựu mất, cậu Thông đòi mẹ chia gia tài để cậu đưa gia đình vào Nam sinh sống. Ý cậu muốn cho ba cha con dượng Phan một phần, còn bao nhiêu giao hết cho cậu. Bà Sâm nổi điên: “Đừng hòng. Mi phá của tao nhiều quá rồi, chừ đến chết tao cũng không cho mi một xu.” Anh Minh đứng ra vuốt cục giận của bà nội, rồi lên giọng nỉ non: “Mệ ơi, mệ không thương đứa cháu đích tôn của mệ sao. Mệ có cho ba cháu tiền thì cháu mới được học hành tử tế, không lẽ mệ nỡ để cháu đi ăn mày?”Cuối cùng, bà Sâm cũng xì ra một đống tiền để cậu Thông tậu một ngôi biệt thự ở Thủ Đức. Từ đó, cậu rất ít khi về Huế thăm mẹ.
Bà Sâm ghét con trai bao nhiêu thì lại thương con gái và con rể bấy nhiêu. Nên bao nhiêu tình cảm bà dồn hết cho hai đứa cháu ngoại. Được cưng như trứng, hứng như hoa, thằng Nho và con bé Đào sung sướng chẳng khác gì con vua cháu chúa, gọi mưa có mưa, gọi gió có gió. Nhưng chúng nó không có… tự do, nghĩa là trong khi chúng tôi chơi đùa vui vẻ, đủ các trò như nhảy dây, trốn tìm, ô làng, ù mọi… thì hai đứa chỉ được đứng trong nhà nhìn ra hoặc ngồi trên bao lơn nhìn xuống với ánh mắt thèm thuồng. Bà Sâm cấm chúng ra đường chơi vì đủ thứ lý do: sợ chúng bị bệnh vì mưa nắng, bị ho vì bụi bặm, bị trầy xước vì nô đùa, bị chuyện xui xẻo vì xe cộ chạy ngang…
Tuy trong nhà có nhiều người làm, nhưng một tay bà Sâm chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho hai đứa cháu. Điều đáng nói là chúng nó không ăn thịt cá như người bình thường, mà toàn là những món sơn hào hải vị, thật cầu kỳ nhiêu khê. Đáng kể nhất là món yến sào. Yến sào ngày xưa cũng mắc như vàng nhưng không được tinh chế sạch sẽ như bây giờ đâu, mà lẫn lộn rất nhiều lông tơ. Muốn ăn một chén yến, có khi phải mất cả ngày, mờ cả mắt. Tôi còn nhớ rõ, mỗi lần thằng Nho rủ qua nhà chơi, tôi thường chạy xuống bếp, tò mò nhìn 3 chị giúp việc ngồi trên chiếc giường tre, tay cầm nhíp nhặt những chiếc lông tơ nhỏ li ti nổi trên một chén nước, bên dưới là những cọng dài trong suốt như sợi thạch. Sau khi làm sạch sẽ, yến được chưng với đường phèn, ăn trước khi ngủ sẽ được mạnh khỏe, suốt đời không bệnh tật. Đây là món ăn rất bổ dưỡng, chỉ có các đại gia và vua chúa mới đủ tiền mua. Thằng Nho và con bé Đào còn được ăn nhiều món ngon khác mà tôi còn nhớ là bồ câu tần hạt sen, xúp măng tây vi cá, canh tóc tiên nấu sườn… đặc biệt là món phi lê… dê. Bà Sâm thường mua nguyên cả con dê, đem về đút lò, rồi lạng phần nạc lưng, chế biến nhiều món ăn cho hai đứa cháu cưng. Nhưng xem ra, chúng nó quá ngán những món đắt tiền đó, nên mỗi bữa cơm chỉ ăn vài muỗng, thân hình ốm tỏng ốm teo. Trái lại, chúng thích ăn những món dân dã. Có lần qua nhà tôi, gặp bữa rau muống luộc chấm mắm nêm, mẹ tôi mời đưa, không ngờ chúng nó tự nhiên như ruồi, quất say mê mỗi đứa ba chén, no cành hông. Bà Sâm biết chuyện, không bằng lòng, qua nhà mắng vốn mẹ tôi: “Dì nói trước, cháu, cho hai đứa ăn bậy ăn bạ, có chuyện chi thì đừng có trách dì.” Mẹ tôi cười: “Dì yên tâm, rau muống ăn tốt lắm.” Bà Sâm bỉu môi: “Tốt chi mà tốt, lại còn chấm mắm nêm nữa gớm guốc, độc địa quá.” Nói về trái cây, nhà bà Sâm lúc nào cũng đầy đủ cam, nho, lê, táo… gọt sẵn, dâng tận miệng hai đứa cháu ngoại. Nhưng chúng nó không hề đụng tới, lòng luôn mơ về những loại trái cây nhà nghèo như cốc, ổi, đào, sim, bồ quân, trần bì… bà Sâm cấm, nhưng càng cấm, chúng nó càng thèm. Mẹ tôi thấy thương, muốn mua cho chúng ăn nhưng sợ bà Sâm, chỉ góp ý: “Dì ơi, ăn cốc ổi cũng nhiều vitamin lắm, dì cho hai đứa ăn đi dì.” Bà Sâm trợn mắt: “Mi đừng có xổ tiếng tây với tao, ba cái thứ đó ăn đau bụng chết.”
Ai cũng nói bà Sâm bất nhơn thất đức. Nào là cho vay ăn lời cắt cổ, cầm đồ không cho gia hạn, lấn lướt người giàu, bắt chẹt người nghèo, hành hạ người ăn kẻ ở. Tôi còn nhỏ nên không rõ những việc làm sai trái của bà Sâm, nhưng chuyện bà hành hạ người làm thì có. Đúng là kêu trời không thấu, chuyện như đùa! Nhà có bốn, năm cái quạt máy, những mỗi lần trời nóng, thằng Nho và bé Đào ngủ trưa, bà không cho bật quạt, mà bắt mấy người giúp việc thay nhau huơ quạt muốn rã tay, lý do là bà sợ hơi điện làm hại cháu bà! Rồi còn sữa Tây, sữa Mỹ, thuốc bổ xương bổ óc… thi nhau đổ xuống hai tấm thân cành vàng lá ngọc nhưng không nuôi nổi cơ thể, nên càng lúc, chúng càng ốm nhom ốm nhách. Lạ thiệt, không biết lượng dưỡng chất dồi dào từ món ăn thức uống chui vào người chúng rồi chảy về đâu?
Chắc bà Sâm cũng suy nghĩ nhiều lắm. Hay là chúng thiếu tình mẫu tử? Dượng Phan không thể thay thế dì Lựu, còn bà, chỉ là bà ngoại thì tình thương của bà dù bao la cách mấy vẫn không sánh được một vòng tay mẹ hiền chăm sóc yêu thương. Một ánh chớp lóe lên trong đầu bà. Phải tìm mẹ cho chúng thôi. Rồi bà lại giật mình. Mẹ? Nhưng mẹ đây là mẹ kế, liệu cô ta có chịu đối xử tốt với hai đứa cháu bà như người mẹ ruột không? Lỡ gặp phải Tào Thị như trong tích “Phạm Công Cúc Hoa” thì khổ, bà làm sao sống đời để bảo vệ cho chúng được. Đầu óc bà căng ra. À, có cách rồi. Muốn người mẹ kế thương hai đứa con chồng thì trước tiên, người này phải có một chút tình cảm với bà, với dì Lựu khi dì còn sống, và cả với hai đứa trẻ. Bà lập ra một danh sách “ứng cử viên” với lý lịch trích ngang, rồi gạch tên người này, xóa tên người kia, cuối cùng, bốn người lọt vào vòng chung kết, cũng là bốn cô cháu ruột của bà.
Đó là 2 người con của bà ngoại ghẻ tôi: dì Lan, dì Huệ , và 2 người con của ông Thái, em út của bà Sâm: dì Trúc, dì Mai. Xét về nhan sắc, dì Lan nổi bật hơn cả, nhưng bà Sâm thẳng tay đánh rớt vì dì đã có một đời chồng, đang nuôi thằng con trai tên Khôi nghịch như quỉ sứ. Còn lại 3 người, bà Sâm lần lượt đưa lên bàn cân: cả ba đều đã trên dưới ba mươi, không còn cơ hội kén chọn nữa, lấy được dượng Phan, sống trong sự bảo bọc của bà thì còn phước nào hơn? Nghĩ đến đây, bà cảm thấy hài lòng khi có ý định ra tay cứu vớt một trong ba cô cháu gái. Đau đầu quá, biết chọn ai đây. Bà suy nghĩ, cân nhắc. Cuối cùng, bà chọn dì Huệ, vừa đảm đang, hiền lành, lại hiếu thảo, còn hai người cháu gọi bà bằng cô tuy có đẹp hơn dì Huệ một chút nhưng sắc sảo khôn ngoan quá, sợ sau này sẽ không nghe lời bà, làm khổ cháu bà.
Bà chưa có dịp nói cho dượng Phan biết suy nghĩ của bà thì gặp lúc ông chủ hàng gạo Sanh Ký đối diện nhà bà, bán tiệm đưa gia đình trở về Hồng Kông. Bà không ngần ngại bỏ tiền ra mua nguyên 2 căn nhà bề thế cho hai đứa cháu ngoại và để dượng Phan đứng chủ quyền. Bây giờ thì bà hoàn toàn yên tâm xây dựng tổ ấm mới cho cha của hai đứa cháu ngoại thương yêu, hy vọng cô cháu gái bà sẽ đem lại hạnh phúc cho họ.
Nhưng dượng Phan còn chần chừ: “Mạ cho con thời gian suy nghĩ.” “Suy nghĩ chi nữa con, mạ thấy con Huệ được lắm.” “Nhưng con vẫn còn thương nhớ Lựu mạ à.” Câu nói này làm mát lòng bà. Đúng là người có tình có nghĩa, bà đã không chọn lầm chồng cho con gái bà. Ngày ấy, dượng Phan chỉ là một anh học trò nghèo ở quê lên Huế trọ học trong một con hẻm lụp xụp dưới đường Ngự Viên. Dượng vừa đi học vừa làm đủ mọi công việc như bán hàng, kèm trẻ… kiếm tiền trang trải học phí. Trong số trẻ dượng dạy kèm, có thằng con của người bạn làm ăn với bà Sâm, và trong một lần dì Lựu ghé nhà giao hàng, họ đã quen nhau. Ban đầu, bà cương quyết phản đối, chê dượng Phan nhà quê, nghèo hèn, không môn đăng hộ đối… và còn nói nặng hơn là đũa mốc bày đặt chòi mâm son, cóc ghẻ muốn ăn thịt thiên nga hả, đừng hòng. Nhưng dì Lựu nhất định lấy cho được dượng Phan. Dì khóc lóc, van xin mẹ, nhưng bà Sâm vẫn giữ vững lập trường: “Mạ đã nói không là không. Thằng Phan không thương con thiệt lòng mô, hắn muốn đào mỏ đó.” Mặc kệ, dì Lựu quyết sống chết vì tình yêu. Đời dì thiếu dượng Phan chẳng khác gì hoa thiếu nước, trái đất thiếu ánh mặt trời! Dì tuyệt thực, suốt ngày trùm mền nằm thẳng ro. Bà Sâm bỉu môi: “Cho làm nư, giỏi lắm nhịn ăn được vài bữa. Đồ hư, đồ con gái thúi, đồ mê trai.” Ngày thứ nhất trôi qua, ngày thứ nhì, rồi ngày thứ ba, thứ tư… bà Sâm hốt hoảng khi nhìn thấy dì Lưu càng ngày càng xanh xao hốc hác, thân hình lép kẹp, người dán sát xuống giường, hơi thở như làn khói mỏng manh. Đất không chịu trời thì trời đành chịu đất vậy. Sợ dì chết, bà Sâm chịu thua. Một lễ cưới đơn giản cử hành trong vòng bà con thân mật. Dượng Phan mồ côi cha mẹ, lại không có anh chị em. Dì Lựu khỏi về làm dâu, dượng Phan chuyển hành lý từ nhà trọ về ở rể nhà bà Sâm.
Bà Sâm dọn bàn thờ dì Lựu về nhà mới. Bà bảo dượng Phan: “Nhà rộng quá, gia đình con ở một căn cũng đủ, căn kia mạ để con cho thuê lấy tiền nuôi hai đứa nhỏ . Chừ con dọn về đó trước, thằng Nho và bé Đào cứ ở với mạ, khi nào con yên bề gia thất, chúng sẽ về với vợ chồng con.” Nói vậy, chớ ngày nào thằng Nho và bé Đào cũng gặp cha. Buổi sáng, dượng qua đưa chúng đi học, trưa đón về. Tối, dượng qua nhà bà Sâm kèm chúng học, kiểm tra thời khóa biểu, dò bài, làm toán… đúng là một người cha gương mẫu, xứng đáng với sự bảo bọc của bà. Bà thường nhắc nhở: “Tội nghiệp hai đứa, thiếu hơi mẹ thì làm sao lớn nổi. Mạ đã chọn con Huệ, con mau trả lời để mạ chuẩn bị nghe con.” Dượng Phan dạ dạ, nhưng thời gian trôi qua, vẫn không thấy động tĩnh gì.
Những bóng hồng bắt đầu lượn lờ trước ngôi nhà khang trang rộng rãi đứng tên dượng Phan, những cô hàng xóm, những đồng nghiệp nữ còn độc thân… với ước mơ được sánh vai cùng dượng Phan đi nốt quãng đường đời. Thời buổi ấy, có được người chồng hiền lành tử tế, ở được trong căn nhà lớn, lại còn có nhà cho thuê, đúng là không mơ thấy nổi. Cho nên, họ tìm mọi cơ hội tiếp cận dượng Phan. Làm như tình cờ, họ ghé nhà thăm hỏi, tặng dượng chút quà nhỏ như cuốn sách, kí cam, hộp bánh… hoặc đem qua gói trà ngon, tự tay pha chế rồi cùng dượng đối ẩm. Đặc biệt, có một người rất “tâm lý”, mỗi lần ghé nhà đều mang một bó cúc trắng dâng lên bàn thờ dì Lựu, rồi lâm râm khấn vái. Đó là dì Liễu, con gái đầu lòng của ông Thái, chị của dì Trúc và dì Mai. Dì là người cháu được bà Sâm yêu thương nhất, tiếc là dì đã có gia đình nên không đáp ứng được điều kiện “kén vợ cho rể” của bà Sâm. Dì Liễu đảm đang, thông minh và biết rất rõ ý đồ của bà cô ruột. Dì cũng biết 2 cô em gái mình vào được top 3 nhưng cuối cùng không được chọn. Dì quyết tâm lấy lại vị trí “Phan phu nhân” cho dì Trúc hoặc dì Mai, nên luôn quan tâm đến đường đi nước bước của dượng Phan.
Thời gian đầu, bà Sâm tức lắm. Mỗi lần thấy có bóng phụ nữ ghé nhà dượng Phan là bà đứng bên này chửi với sang: “Cái đồ vô duyên, đàn bà tới nhà đàn ông không biết trẽn.” “Đồ ham tiền, thấy người ta có nhà có của thì cứ xáp vô…” “Đồ…”Vô ích. Tình thế vẫn không thay đổi, bà Sâm chửi hoài cũng đâm mỏi miệng, lại còn mang tiếng “bà mẹ vợ nhiều chuyện”, nên bà tạm thời bỏ qua. Quan trọng là ở chỗ, người con rể bà có bị xao động không? Bà quay sang theo dõi hành vi của dượng Phan, và thấy rõ ràng dượng Phan vẫn trơ như đá, chả để ý đến ai. Dượng luôn đối xử lịch sự với tất cả mọi người, không hững hờ mà cũng không thân mật quá, xem tất cả là bạn bè bình thường. Điều này khiến bà yên tâm nhưng rồi… bà lại giật mình, vì đối với dì Huệ –người thắng cuộc, dượng vẫn không dành chút ưu ái nào, thế là sao? Thật khó hiểu!
Một buổi sáng trời mưa lâm râm, dì Liễu trùm áo mưa chạy hộc tốc qua nhà bà Sâm: “O ơi O, không xong rồi.” Bà Sâm đang ngồi uống trà một mình trên tấm phản trước nhà, trợn mắt nhìn cô cháu: “Mi làm chi mà lanh chanh rứa. Cởi áo treo ngoài cửa đã, ướt nhà hết.” Dì Liễu vứt vội chiếc áo mưa xuống thềm, đến bên bà Sâm, ghé vào tai bà thì thào. Bà Sâm né ra, nói lớn: “Nói to lên, tao điếc.” Dì Liễu tằng hắng giọng: “Cháu mới ghé nhà anh Phan…” Bà Sâm ngắt lời: “Sáng sớm mi qua đó làm chi? Thứ gái có chồng mà không nên nết.” “Trời đất, O suy nghĩ bậy bạ quá. Cháu qua giờ đó mới bắt được quả tang. O ơi, động trời, động trời! anh Phan dẫn gái về nhà.” Bà Sâm suýt đánh rơi chén trà xuống đất: “Liễu, cháu nói chi? Nói lại O nghe.” “O ơi, anh Phan có bồ, cháu thấy hai người ngồi trong buồng…” Hai bàn tay bà Sâm run lên, bà đập mạnh vào vai dì Liễu: “Mi đừng có dựng chuyện.” “Cháu nói thiệt mà, cháu biết con quỉ đó, nó tên Tú, bán vải bên chợ An Cựu, ba mươi mấy tuổi rồi mà chưa có chồng. Nay gặp anh Phan chẳng khác chi cá gặp nước, rồng gặp mây, cây gặp…” “Thôi, đừng có nói chữ nữa. Đi với tao, qua nhà thằng Phan, tao phải sởn tóc con hồ ly tinh đó mới hả tức.” Mưa càng lúc càng nặng hạt, sấm chớp ầm ầm. Dì Liễu ôm vai bà: “O ơi, cháu nói cho O biết thôi. O đừng làm dữ, có can ngăn cũng để từ từ, nếu anh Phan không nghe thì cũng chịu thôi, chuyện vợ chồng là do duyên số.” Bà Sâm lồng lên: “Chịu chi mà chịu. Tao phải làm cho ra lẽ, phải đặp bể mặt cái đồ đào mỏ, trời ơi là trời, nhà của tao cho hai đứa cháu ngoại, chừ đứng tên nó, biết làm răng đây.” Dì Liễu vuốt ngực bà: “O bình tĩnh, đừng giận quá mất khôn. Cứ nói chuyện với anh Phan xem sao đã.”
Dượng Phan không phủ nhận: “Thưa mạ, xin phép mạ cho con cưới Tú. Tú là người cùng quê với con, hiền lành đảm đang lắm. Sau này, Tú sẽ thay Lựu chăm sóc, báo hiếu mạ.” Bà Sâm tức đến nghẹn giọng: “Anh im đi, con gái tôi là cành vàng lá ngọc, sao anh dám so sánh với thứ đàn bà nhà quê chân lấm tay bùn, hả?” Bà hét lên: “Tôi cấm, tôi cấm, anh phải cưới con Huệ ngay.” “Thưa mạ, con không yêu Huệ, hơn nữa…” “Không hơn thua chi hết, tôi đã chọn con Huệ, anh đừng cãi…” “Mạ ơi, con phải có trách nhiệm, Tú đã có thai rồi.” Bà Sâm thấy đầu óc quay mòng mòng, nhà cửa đảo lộn, trời đất tối sầm. Mồ hôi bà toát ra như tắm, bà ngã vật xuống phản. Dượng Phan cuống quít gọi xe cấp cứu.
Bác sĩ nói bà Sâm bị cao huyết áp, suýt xảy ra tai biến, may mà cứu kịp, nếu không, bị liệt nằm một chỗ thì chẳng biết tính sao. Cho nên, bác sĩ buộc bà phải nằm viện để theo dõi tim mạch, ít nhất một tuần. Ngày đầu, bà nằm mê man. Dượng Phan và dì Liễu thay phiên túc trực bên giường bệnh. Đến khi tỉnh dậy, câu đầu tiên bà thều thào là: “Thằng Phan cút ngay, tao không muồn thấy mặt mi.” Dượng Phan định lên tiếng thì dì Liễu kéo tay đẩy dượng ra khỏi phòng. Dì trở lại, đến bên bà: “O nghỉ ngơi đi, đừng suy nghĩ nhiều, từ từ rồi tính.” “Tính chi nữa mà tính, cái thằng mất dạy…” “Thôi O ơi, coi chừng lên máu đó.” Bà Sâm nằm yên một lúc rồi hỏi: “Thằng Nho và con Đào đã vô thăm mệ chưa?” “Dạ, tụi nó mắc học, chắc tối mới vô được. “Rứa có ai lo cho chúng không?” “Cháu lo hết, O yên tâm.” Bà Sâm thò tay vào túi áo: “Chìa khóa, chìa khóa mô rồi?” “Anh Phan giữ, để cháu về lấy cho O.” Giọng bà Sâm tru tréo: “Cháu đi lấy ngay.” “Dạ để cháu pha cho O ly sữa….” Bà khoác tay: “Không cần, đi lấy chìa khóa mau.” Bà trừng mắt nhìn khiến dì Liễu đâm hoảng, vớ túi xách chạy ra khỏi phòng. Dượng Phan còn đứng nơi hành lang, cầm xâu chìa khóa đưa cho dì Liễu: “Tôi quên, cô đem vào cho mệ.” . Dì cầm lấy, nói: “Không có mệ, anh cho hai đứa qua nhà em ở, cùng đi học với thằng Hào, thằng Kiệt cho tiện.” “Thôi, phiền cô. Để chúng nó ở với tôi.”
Thằng Nho và bé Đào qua nhà dượng Phan ở, chẳng khác gì chim sổ lồng. Những ngày bà ngoại Sâm nằm viện, cửa thiên đường rộng mở trước mắt hai đứa cháu. Đi học về, chúng quăng cặp lên bàn, chạy ù ra đường hòa nhập với đám trẻ lem luốc với đủ thứ trò chơi mà trước đây chúng luôn bị cấm. Chơi chán, chạy vào nhà la toáng lên: “Đói bụng, đói bụng quá.” Thế là cơm bưng nước rót, sướng còn hơn tiên. Mà toàn những món ăn khoái khẩu mới thích chứ, đặc biệt là các loại mắm ăn với thịt luộc rau sống, ngon muốn nhức răng. Người phụ nữ đang chăm sóc chúng nó tên là Tú. Nhìn bề ngoài cũng hiền, mặt mày trắng trẻo, giọng nói ngọt nào, không biết lòng dạ bên trong thế nào. Bé Đào thì vô tư đón nhận tình cảm của cô Tú, nhưng thằng Nho thì cảnh giác, vì bên tai nó luôn văng vẳng tiếng dì Liễu: “Cháu phải coi chừng, cô Tú đó không tốt mô. Cô ta muốn chiếm hai căn nhà của cháu đó. Cháu nên nhớ, nhà của cháu, chớ không phải của ba cháu, nghe chưa? Nghe chưa?” Còn thằng Hào, thằng Kiệt nữa, con trai sao nhiều chuyện quá. Thấy mặt thằng Nho đâu là chúng đọc thơ: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng.” Cho đến một đêm, dượng Phan đi công tác không có nhà, bé Đào bỗng lên cơn sốt, cô Tú gọi xích lô, bồng bé vào bệnh viện. Bác sĩ nói bé Đào bị sốt xuất huyết, đưa vào phòng cấp cứu ngay. Cô Tú òa lên khóc, cô chạy lên lầu, xuống lầu đóng tiền viện phí, đem mẫu máu đi xét nghiệm… đến sáng, bé Đào qua được cơn nguy kịch, cô Tú mới thở phào, chạy vội về nhà nấu cháo, pha sữa. Cô nấu vội bát mì cho thằng Nho điểm tâm rồi dắt nó vào thăm bé Đào. Thấy em nằm thiêm thiếp, lâu quá không tỉnh lại, thằng Nho sợ quá chỉ biết khóc. Cô Tú đặt tay lên vai nó, dịu dàng: “Nín đi con, em Đào ngủ một lát sẽ dậy, con đừng lo.” Rồi cô kéo nó vào lòng, vỗ về, âu yếm. Nó nép đầu vào ngực cô, nghe tim cô đập nhẹ nhàng, cảm nhận một tình thương ấm áp của người thân, như là của ba nó, của bà ngoại nó. Chắc chắn cô Tú không xấu như dì Liễu nghĩ, không ác như bà dì ghẻ trong cổ tích. Ước gì cô Tú hóa thành mẹ Lựu của nó.
Dượng Phan vào bệnh viện đón bé Đào về. Bé đã khỏe nhưng còn nhõng nhẽo, cứ bắt dượng Phan bồng trên tay. Cô Tú đến bên đỡ bé Đào nằm xuống ghế sofa: “Bé Đào giỏi, nghỉ ngơi để ba đi tắm nghe.” Rồi cô nhìn dượng Phan: “Anh vào tắm đi, em pha sẵn nước rồi.”. Cô đi xuống bếp, sửa soạn chén đũa, coi lại nồi cháo đang liu riu trên bếp. Hương hành ngò bay ra thơm nức mũi. Dượng Phan tắm xong, đứng hít một hơi: “Ôi, hấp dẫn quá. Em ơi, có gì cho anh làm với.” “Phụ dọn bàn cho em, được không?” “Xin tuân lệnh” Cặp mắt thằng Nho sáng rực khi thấy dượng Phan bưng ra chiếc dĩa bầu dục đựng 2 con cá lóc mập ú, một rổ rau sống, một chén mắm nêm pha tỏi ớt, tuần tự đặt trên bàn. Cô Tú bưng chén cháo đến bên bé Đào: “Dậy ăn miếng cháo cá cho khỏe, con gái.” Bé Đào uốn mình, õng ẹo : “Cô đút con mới chịu,” “Được, ngồi dậy, giỏi.” Dượng Phan la: “Lớn rồi còn làm nớt, hư quá.” Cô Tú cười: “Con mới khỏi bệnh mà anh. Ăn cháo cá hiền lắm, còn anh và Nho thì được cuốn bánh tráng chấm mắm nêm. Sướng chưa?” Dượng Phan nhìn lên bàn: “Ủa, anh quên bánh tráng rồi. Nho, mau vào bếp lấy bánh tráng ra cho ba.” Khi thằng Nho cầm xấp bánh tráng ra thì đúng lúc dì Liễu bước vào: “Trời ơi là trời, con nhà trâm anh thế phiệt mà cũng bị sai vặt hả.” Dượng Phan đỏ mặt: “Cô nói chi lạ vậy? con tôi, tôi không sai được sao.” Dì Liễu giả lả: “Nói chơi thôi mà. Đến báo anh biết là ngày mai mệ sẽ xuất viện để anh chuẩn bị đưa hai đứa về kẻo mệ nhớ.”
Chuyện động trời xảy ra. Thằng Nho và con bé Đào không chịu về nhà bà Sâm, nhất định đòi ở với dượng Phan và cô Tú. Dì Liễu dằn mặt dượng Phan: “Anh tính răng thì tính, như rứa không được mô.” Dượng Phan cũng không vừa: “Còn tính chi nữa. Hai đứa thích ở với ai thì ở, đó là quyền tự do của con người mà.” Bà Sâm tức đến chóng mặt, đâm ra nhức đầu sổ mũi, nhưng lần này nhẹ hơn, khỏi vào bệnh viện. Suốt ngày, bà chửi hai đứa cháu ngoại: “Đồ phản phúc, đồ ăn cháo đá bát giống thằng cha chúng như đúc.” Vậy là dượng Phan đã công khai sống chung với cô Tú. Cô Tú sang sạp vải cho người khác, ở nhà nâng khăn sửa túi cho dượng Phan, chăm sóc thằng Nho và bé Đào cùng với đứa con mới tượng hình. Đúng là một gia đình hoàn chỉnh. Dì Liễu tức lắm, suốt ngày qua nhà hiến kế cho bà Sâm, nào là bà phải thế này, bà phải thế khác, phải thuê luật sư lấy lại quyền sở hữu hai căn nhà mới mua, cho đôi gian phu dâm phụ dọn ra đường ở, khi đó, hai đứa cháu sẽ về với bà. Mà lạ, từ ngày thay đổi môi trường sống, thằng Nho và bé Đào trông béo tốt hẳn ra, học hành tiến bộ hẳn lên, chắc là tại chúng không bị bà ngoại quản lý chặt chẽ, được ăn, được chơi, được tắm sông, nghịch phá… ôi tự do muôn năm!
Mọi nỗ lực thưa kiện của bà Sâm đi vào ngõ cụt. Dượng Phan đâu phải là cục đất sét để bà Sâm nhào nặn theo ý mình. Cuối cùng, vẫn không làm gì được, bà Sâm tuyên bố, từ nay sẽ không thèm nhìn mặt thằng rể và hai đứa cháu. Biết bà giận nhưng dượng Phan vẫn cố làm tròn chữ hiếu. Nhưng mỗi lần dượng dắt hai con qua thăm là bà đuổi thẳng thừng, có khi bà vừa chửi vừa dùng chổi quét lia lịa làm người đi đường dừng chân lại xem khiến dượng mắc cỡ quá, chỉ muốn chui đầu xuống đất.
Bà trở nên thân thiết với dì Liễu hơn, cho dì đại diện bà trong nhiều vụ làm ăn lớn, và dì đã không phụ lòng tin của bà. Công việc luôn gặp thuận lợi, tiền bạc đổ vào túi bà ào ào. Cho vay bao nhiêu cũng không hết, bà bí mật đem tiền đi mua vàng, vì theo kinh nghiệm, giá vàng không bao giờ xuống mà chỉ có lên, bà sẽ được lợi một lần nữa. Hồi đó, người ta không quen đem vàng gửi ngân hàng, nên thiên hạ đoán mò là bà Sâm đang chôn một núi vàng trong W.C nhà bà. Bằng chứng là bà đã cho tất cả người làm nghỉ việc, khách khứa đến chơi, lỡ mắc xin đi toilet là bà dãy nãy lên, nói: “Thôi, về nhà đi. Cầu tiêu đây bị hư, chưa sửa.”
Có người đánh bạo hỏi bà: “Mệ ơi, mệ từ con cháu rồi, sau này để của lại cho ai?” Bà trợn mắt: “Không phải chuyện của mấy người, hỏi làm chi. Đồ vô duyên.”. Từ phương nam, cậu mợ Thông nghe phong phanh dư luận, vội vã bay ra Huế. Mặc cho bà Sâm lạnh lùng, mợ Thông vẫn ngọt ngào hiền thục, một bẩm mạ, hai bẩm mạ… rồi đi pha trà, rót nước, làm đồ ăn dọn ra ê hề. Trong khi đó, cậu Thông thuê xích lô đi một vòng thành phố, đến thăm nhà ông Thái, nhà bà ngoại tôi, nhà dì Lan, dì Liễu… cậu nghe ngóng, phân tích tin đồn. Đến khi về nhà, bà Sâm đã đứng chờ ngoài cửa: “Anh vô nói với vợ anh là tôi không đói khát chi hết, đem đồ ăn đi đi. À, hai người liệu mà thuê khách sạn, cầu tiêu nhà hư rồi, không tiện ở đây mô.” Cậu Thông như mở cờ, vậy là chắc như bắp, kho tàng đang dấu trong W.C! Cậu mợ ngoan ngoãn vâng lời. Sáng hôm sau, một mình cậu qua thăm mẹ. Cà kê dê ngỗng một hồi, cậu mới vào đề: “Chú Phan đã vậy, hai đứa cháu ngoại cũng không ra chi. Chừ mạ tính sao?” Bà Sâm dội gáo nước lạnh lên đầu thằng con trai: “Không tính chi hết. Tiền tao tao giữ, không lòi thêm một đồng xu cho ai hết.” “Vậy con thì sao? Thằng Minh cháu đích tôn của mạ thì sao?” “Im đi. Mi phá của tao nhiều quá rồi.” Cậu Thông van xin: “Mạ ơi, mạ thương con. Dạo này con làm ăn thua lỗ…” “Kệ mi, đừng nói với tao.” “Mạ… mạ…” “Không mạ không con chi hết, hai vợ chồng cút đi cho tao.” Cậu Thông bỗng nổi điên, hai mắt long lên đỏ ngầu. Cậu chạy vào bếp, cầm con dao phay ra, để ngang cổ: “Mạ không giúp con, con chết cho mạ coi.” Cậu la, cậu hét. Hàng xóm chạy qua, người đi đường dừng lại, tụ tập trước cửa: “Mệ ơi mệ, coi chừng anh Thông làm liều đó.” Bà Sâm tỉnh queo: “Nó diễn tuồng đó. Đừng lo.” Một thanh niên nhảy vào dằn lấy con dao trên tay cậu Thông, dìu cậu trở về khách sạn gần nhà. Đến tối, dì Liễu qua nhà tôi đập cửa ầm ầm, thất thanh gọi mẹ tôi: “Chị Phán ơi, qua can dùm một chút. Thằng Minh… thằng Minh… hắn muốn… bắn O Sâm.” Tôi theo mẹ qua nhà bà Sâm, thấy cửa khép hờ, bên trong vang ra tiếng gằn giọng của một người đàn ông: “Mệ có chịu đưa vàng ra không?” Đã lâu không gặp, anh Minh bây giờ to cao vạm vỡ, mặc bộ đồ rằn ri, vai đeo lon vàng chóe, không biết anh đi lính từ lúc nào. Tim tôi đập mạnh khi thấy anh cầm khẩu súng lục đen sì dí vào đầu bà Sâm: “Mau lên. Nói. Mệ chôn vàng ở đâu?” Bà Sâm vẫn không nhúc nhích, nét mặt lạnh như tiền. Gan quá. Tôi vừa kính nể vừa phục lăn. Dì Liễu nói như khóc: “Minh ơi, con nỡ giết mệ sao đành.” Mẹ tôi bước đến gần anh Minh: “Con là cháu đích tôn, trước sau chi mệ cũng để của hết cho con mà, vội chi.” Anh Minh hét: “Hai O không biết thì đừng có xía vô. Gia đình cháu cần vốn làm ăn, sao mệ không chịu giúp chớ.” Bà Sâm nhếch mép: “Mi ưng bắn thì bắn đi. Giết người thì đền mạng. Tao làm di chúc rồi, tụi bây không được một xu.” Cậu Thông từ trong toilet đi ra: “Minh, thôi để mệ yên. Con đi tìm cái đục cho ba. Chắc chắn mệ dấu vàng trong này.” Anh Minh cất súng vào túi. Bà Sâm te te bước ra cửa, mẹ con tôi và dì Liễu chạy theo. Bà nói : “Mấy đứa về đi, đừng lo. Tao đi kêu cảnh sát đây. Phá nhà tao đâu có dễ.”
Cảnh sát đến, xử lý nội bộ, trục xuất cha con cậu Thông ra khỏi nhà.
*
Bà Sâm đau lai rai cả tháng nhưng không chịu đi bác sĩ, cũng không để cho ai chăm sóc. Bà chỉ nhờ dì Liễu kho một trách cá bống thệ to đùng, rồi mỗi ngày, bà tự nấu cháo hoặc cơm, khi nào đói thì múc ăn với cá, không theo bữa cũng không tiếp xúc với ai. Mọi giao tiếp bên ngoài, đã có dì Liễu. Buổi chiều hôm đó, như thường lệ, dì Liễu đi gom hụi, đem tiền về cho bà, chợt hoảng vía khi thấy bà đang nằm dài trong phòng tắm, tay chân co quắp. Dì gọi xe đưa bà vào bệnh viện. Bác sĩ cứu được, nhưng nói bà bị tim nặng lắm, bây giờ như ngọn đèn trước gió, không biết tắt khi nào. Rồi ông an ủi gia đình: “Mệ đã hơn tám mươi, như rứa cũng thọ rồi.”
Cậu Thông trở về Huế, suốt ngày đêm túc trực bên giường mẹ. Cậu không cho ai đến gần bà, kể cả hai người em ruột của bà là ông Thái và bà ngoại tôi. Cậu viện lý do là để bà nghỉ ngơi, tránh những xúc động không cần thiết. Riêng với dượng Phan và hai đứa cháu ngoại thì cậu thẳng tay đuổi, mấy người cút đi, đồ phản phúc. Thật ra ai cũng đoán được, cậu Thông đang nuôi hy vọng là trước khi chết, bà Sâm sẽ tiết lộ bí mật “kho vàng” cho một mình cậu nghe thôi.
Bà Sâm vẫn nằm thiêm thiếp trên giường. Cậu Thông vẫn kiên nhẫn chờ bà tỉnh lại. Hằng ngày, bác sĩ đến khám, chuyền dịch nhưng tình trạng sức khỏe bà ngày một xấu đi. Rồi bà trút hơi thở cuối, không một lời trối trăn. Cậu Thông ra ngoài ăn cơm, đến khi về nhìn cái xác lạnh tanh của mẹ, cậu rú lên điên loạn: “Mạ ơi, mạ ác quá, mạ chôn vàng ở đâu sao không nói cho con cháu biết. Mạ giết con rồi mạ ơi.”
Theo luật thừa kế, ngôi nhà bà Sâm thuộc về cậu Thông và hai đứa con dì Lựu. Nhưng không biết cậu làm cách nào mà cuối cùng thằng Nho và bé Đào chỉ được chia một số tiền nhỏ. Dành xong quyền sở hữu, cậu bắt đầu chiến dịch “truy tìm kho báu” bằng cách thuê người đến xăm nát nền nhà, phá toang W.C nhưng cuối cùng vẫn không tìm thấy gì cả. Vàng bạc châu báu của bà Sâm đã bốc hơi. Theo nguyên lý bảo toàn năng lượng, nhất định hơi này sẽ đọng lại dưới một dạng khác, tại một chỗ bí mật nào đó, cậu phải điều tra cho ra mới được.
Cậu tìm đến dì Liễu: “Nghe nói lâu nay O là người gần gũi mệ, tay hòm chìa khóa nơi O hết phải không?” Dì Liễu nhíu mày: “Anh hiểu lầm rồi. Em như thiên lôi, mệ sai đâu đánh đó. Tiền bạc giấy tờ một tay mệ giữ, em biết chi mô.” “Mệ giữ cái chi? Trong hộc bàn, trong tủ sắt không có một đồng xu.”Dì Liễu lắc đầu: “Làm sao em biết được.”
Không nhân chứng, vật chứng, cậu Thông đành chào thua. Bán rẻ ngôi nhà thừa kế, cậu trở vào Sài Gòn và không bao giờ trở lại Huế nữa.
*
Thời gian qua. Những đứa trẻ lớn lên và trưởng thành. Thằng Khôi con dì Lan tốt nghiệp Cao đẳng Nông Lâm Súc, nhưng tay chân còn vụng về lắm. Có lần mẹ tôi nhờ nó chiết cành hoa mãn đình hồng, loay hoay thế nào, nó làm chết luôn cả nhánh. Đối với công tác thú y cũng vậy, nó chữa “lợn lành thành lợn què” là chuyện thường ngày của nó. Trái lại, hai đứa con dì Liễu thì quá xuất sắc: thằng Hào tốt nghiệp Bác sĩ, thằng Kiệt đang học Đại Học Kiến Trúc, ông Thái luôn luôn để hình hai đứa cháu ngoại trong túi áo, hễ có dịp là đem ra khoe khắp nơi.
Riêng thằng Nho đã gần 30 tuổi nhưng không hề trưởng thành. Học hành chẳng đến đâu, nó thi vào Sư phạm Qui Nhơn và trở về dạy lớp năm ở một ngôi trường ngoại ô thành phố Huế. Lương ba cọc ba đồng, nên tuần nào nó cũng đạp xe về xin tiền dượng Phan. Lúc này, dượng đã có thêm 3 mặt con với cô Tú nên đời sống không còn thong thả như trước. Ngôi nhà cho thuê đã xuống cấp, không có tiền sửa, nên giá thuê rẻ như bèo, chả thấm vào đâu so với sinh hoạt phí gia đình. Cô Tú buôn bán trở lại, bé Đào nghỉ học ra chợ phụ bà mẹ kế không một lời than van. Bé Đào nết na hiền lành chừng nào thì thằng Nho ba que xỏ lá chừng đó. Nó hội đủ các tật xấu trên đời: bồ bịch, uống rượu, hút thuốc, cờ bạc… mất tư cách đạo đức đến nỗi nhà trường cho nghỉ dạy, chuyển sang làm thư ký văn phòng. Vậy mà nó vẫn không biết hồi tâm, càng lún sâu vào bùn nhơ. Tệ hại nhất là nó đánh bạc triền miên. Ban đầu, dượng Phan còn cho tiền nhưng nó cứ bòn rút mãi, chịu trời không thấu, dượng tuyên bố: “Tao không phải là cái ngân hàng.” Xin tiền dượng Phan không được, thằng Nho tìm đến những người bà con vay mượn. Ai cũng cương quyết lắc đầu, hững hờ quay mặt. Những lúc tuyệt vọng, nó nghĩ đến bà ngoại nhưng đã muộn màng, lòng chợt nuối tiếc, giá mà ngày xưa nó đừng về phe ba nó và cô Tú thì bây giờ đời nó đâu có khốn khổ thế này.
Ngôi nhà bà Sâm được mua đi bán lại nhiều lần. Người chủ cuối là dì Liễu. Dì cho người đập ra, xây mới hoàn toàn với hai tầng lầu khang trang, nội thất văn minh sang trọng, dự định mở phòng mạch cho thằng Hào. Ngoài ra, dì còn mua thêm một ngôi nhà vườn trong Thành Nội để dưỡng già, sau này sẽ giao căn phố hiện ở cho thằng Kiệt khi nó ra trường. Dư luận lại bắt đầu xôn xao, kho tàng của bà Sâm chắc chắn đã lọt vào tay cô cháu gái.
*
Những đứa trẻ ngày xưa đã sống đủ 60 năm cuộc đời, cọng thêm vài năm nữa. Một ngày đẹp trời, thằng Khôi từ Huế vào tìm thăm tôi. Nó bây giờ rất oai phong, khoe đang làm chủ khách sạn Hồng Thu bên Vỹ Dạ. Vợ chồng con cái nó cùng nhau quản lý, điều hành, giá cả hợp lý nên khách du lịch ghé đông, thu nhập rất khá. Tôi hỏi: “Thằng Nho còn ở Huế không?” “Chị không biết à. Anh Nho hiện đang ở Tây Ninh. Nghe nói cực lắm. Em sắp đi thăm đây, xuống cho ảnh vài triệu kẻo tội.”
Nhờ thằng Khôi, tôi đã gặp lại thằng bạn thân thời thơ ấu –một ông già sắp 70 tuổi đen thui, gầy đét trông chẳng khác gì bộ xương khô, vậy mà luôn miệng nói: “Mình không hề đau ốm chi cả, không tốn một viên thuốc”. Tôi nghĩ, chắc đó là kết quả những món ăn bổ dưỡng ngày xưa bây giờ mới phát huy tác dụng. Nho đưa tấm danh thiếp, ghi Trần Văn Nhân –Giáo viên Anh Văn: “Mình đổi tên rồi.” “Tại sao?” “Chuyện dài lắm, sau này mình sẽ kể.” Giáo viên? Thiệt không đây? Mà còn dạy môn thời thượng nữa, sao trông rách nát te tua quá. “À, bé Đào dạo này sao rồi? Cho tui số điện thoại của nó đi.” Nho bỗng lớn tiếng: “Đừng nhắc đến cái con mất dạy đó. Mình từ nó rồi.” “Có chuyện gì tính sau. Bây giờ cứ cho số điện thoại…” Thằng bạn ngắt lời: “Lâu quá không liên lạc, quên mất số rồi.” Anh em ruột gì kỳ cục, tôi nghĩ nhưng không nói ra.
Khoảng tháng sau, Nho chạy lên nhà tôi với vẻ mặt vô cùng hốt hoảng: “Bà làm ơn cho tui mượn hai triệu. Cháu ngoại tui bị sốt xuất huyết đang nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy. Đúng một tháng sau, tui sẽ trả.” Gom hết tiền trong nhà, chỉ còn một triệu rưỡi, tôi đưa hết cho Nho: “Nhớ trả đúng hẹn nghe.” Một tháng, nó gọi điện lên khất nợ, tháng sau lại gọi điện khất nữa, sau đó thì im luôn. Sáu tháng, rồi một năm trôi qua… thôi thì của đi thay người. Biết vậy đừng thèm gặp nó cho xong.
Bỗng thật bất ngờ, tôi nhận được điện thoại của bé Đào: “Khôi cho em số di động của chị.”. Hai chị em gặp nhau tại một quán cà phê, mừng mừng tủi tủi. Đào có chồng, 3 con trai và đã có cháu nội, cuộc sống không dư dã nhưng hạnh phúc. “Tại sao anh Nho từ em vậy?” “Trời ơi, bị ảnh từ em mừng hết lớn đó. Chị biết không? Anh cứ đến nhà mượn tiền hoài, em đâu phải là kho bạc. Không cho mượn thì quậy phá, em phải kêu công an đó.” Hèn chi. “Mượn rồi lơ huyền chứ gì. Năm ngoái, chị cũng bị Nho giựt một triệu rưỡi.” “Nếu chị gặp em sớm là đỡ rồi.” “Nhưng đây là tiền đóng viện phí cho cháu ngoại Nho bị sốt xuất huyết. Thấy chết, không lẽ chị không cứu” “Trời ơi là trời, ảnh không có đứa con nào thì làm gì có cháu. Chị bị lừa rồi.” “Không ngờ Nho lại tệ như vậy.” Đào nói Nho còn nhiều cái tệ hại hơn nhiều. Hồi còn trẻ cờ bạc, vay tiền tụi xã hội đen, bị tụi nó khống chế, dọa xẻo lỗ tai, dượng Phan phải bán nhà cứu mạng. Đến khi về già, cũng vì nợ nần, chủ nợ truy sát, phải đổi tên, trốn chui trốn nhủi. “Hiện Nho sống như thế nào? Có phải đang đi dạy Anh Văn không?” Đào nhếch môi:“Không có lòng tự trọng, không có nhân cách thì dạy ai. Giờ ảnh đang sống báo đời bà vợ bán bún bò ở chợ Tây Ninh, không biết là vợ thứ mấy nữa. Bà này cũng ớn đến tận xương sống rồi, nhưng không bỏ được. Chắc là cái nợ kiếp trước phải trả thôi.” “Còn dì Liễu? chắc tuổi già sung sướng lắm phải không?” “Sướng cái nỗi gì. Thằng Hào ra bác sĩ được một năm thì bị tâm thần, cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, nhưng mà hiền. Còn thằng Kiệt thì vướng vào xì ke ma túy, phá hết gia tài của dì Liễu rồi. Âu cũng là của Thiên trả Địa. Đó là tiền của bà ngoại em mà .” Đào thở dài: “Mà tiền đó cũng là mồ hôi nước mắt của người nghèo. Chắc vì rứa mà con cháu của mệ không ai gặp may cả. Nghe nói những người cầm đồ, cho vay là bất nhơn thất đức lắm phải không chị?”
Tôi nghĩ cần phải viết câu chuyện này ra.
(*) Bụ = Vú