Một bà lão viết về… thời trang, chắc ai cũng tức cười . Cười vài giây thôi nghe, rồi nghĩ lại, có gì lạ hè, ai cũng có một thời tuổi trẻ, hẹn hò, chưng diện, vui buồn, yêu thương, giận ghét… Phía trước những người già đâu còn chi nữa, nên mới quay lưng lại nhìn về phía sau, qua lớp bụi mờ ký ức… nhờ ơn Trời Phật, lòng tôi còn cảm nhận và đôi mắt tôi còn thấy rõ khoảng trời thơ mộng tuổi thanh xuân.
Nhiều ý tưởng tràn về, tôi sẽ từ từ kể cho các bạn nghe, trong “hợp đồng” này, hai bên đều có lợi. Bên A sẽ được nhắc lại nhiều chuyện thú vị mà có thể bạn đã quên, và những tế bào thần kinh bên B sẽ được hoạt động đều đặn giúp phòng ngừa bệnh Alzeimer, hữu hiệu quá, phải không các bạn ?
Không biết ngoài Bắc hay trong Nam ra sao, chứ ở Huế tôi, các bé gái mới chập chững biết đi là được mẹ may áo dài chưng diện rồi. Năm nào cũng vậy, mới qua mùa thu, Mẹ đã may áo quần Tết cho chị em tôi. Một quần lụa trắng, một áo dài hoa cho mỗi đứa, cất kỹ trong tủ, lâu lâu Mẹ đem ra ướm thử lên người hai cô bé, săm soi, ngắm nhìn, nhưng phải đến sáng mồng một, chúng tôi mới được mặc đi du xuân.
Hình như có một nguyên tắc bất thành văn, các phụ nữ Huế ra đường không thể không mặc áo dài. Áo dài hiện diện khắp nơi. Trong phố chợ, công viên, trường học, công sở và trên mọi nẻo đường … Nét đặc trưng của Huế là các chị, các dì, các o, các mệ, dù trên vai oằn nặng gánh hàng rong, vẫn luôn mặc áo dài.
Những tà áo dài theo tôi suốt đời thiếu nữ. Năm tôi thi đậu vào đệ thất Phan Châu Trinh, Mẹ may cho tôi 3 áo dài trắng mặc ngày thường và một áo dài mầu xanh da trời mặc vào ngày đầu tuần là sáng thứ hai trong buổi lễ chào cờ trang trọng. Chất liệu may áo hồi đó không nhiều, vải quyến, vải phin, lụa nội hóa. Đẹp và đắt nhất là lụa Hồng Hoa rất nổi tiếng, mềm mịn, hoa văn mai, lan, cúc, trúc… không thiếu một loại hoa nào. Dù vải mỏng hay dày, nữ sinh phải mặc áo lót bên trong đàng hoàng. Kiểu may đơn giản, cổ cao kín đáo, tay dài, tà rộng... Có thay đổi thì chỉ chút xíu thôi, như tay bó hoặc rộng ra, ngắn trên cườm tay, cổ thay đổi từ 5cm xuống 1, 2cm cho đỡ… khó thở J J J Áo nào cũng chít eo, rộng chật tùy thích, có khi còn luồn vào một sợi dây nhỏ cột lại, khiến thân hình trở nên “thắt đáy lưng ong” nhìn rất đẹp mắt. Những năm cuối cấp, có phong trào mặc áo cổ thuyền, nhưng đến khi lên đại học, chúng tôi mới dám may kiểu này. Thật đẹp cho những cô gái có da trắng cổ cao mặc trong thời tiết mùa hè.
Rồi đến thời trang áo dài thêu, áo dài vẽ với mực màu giặt không phai. Khoe với các bạn một chút, tôi có một loạt áo dài vẽ do chính tay bác Thiềm Quốc Hùng –một danh họa về tranh thủy mạc, hoa điểu… –Giáo sư trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế phóng bút. Khen bác vẽ đẹp chẳng khác chi khen phò mã tốt áo, chỉ biết rằng, rất nhiều quí bà quí cô ở trong nước, ngoài nước… đã gửi áo dài đến nhờ bác vẽ với mức giá tính bằng đô. Với tôi thì hoàn toàn miễn phí vì bác là bạn của Ba Mẹ tôi, thương tôi như con nên có một lần cao hứng, bác vẽ một nhành hồng lên chiếc dù xanh của tôi, thấy bạn bè xúm vào ngắm nghía, tôi vênh mặt lên, cứ muốn xòe dù ra mãi, đúng là trẻ con.
Thời áo trắng học trò, Mẹ vẫn sắm cho tôi những áo dài lụa Hồng Hoa đủ màu, hàng soie Thái Lan hoặc Orlon có pha nylon nên không cần phải ủi, để mặc trong những buổi tiệc tùng, đi chơi đây đó. Nhưng tôi rất ít mặc, vì tính tôi ham học hơn ham chơi, suốt ngày làm con mọt sách, chả muốn đi đâu. Cuối thập niên 60, Orlon và soie Thái Lan trở nên lỗi thời, thay vào là đủi, gấm, độc đáo nhất là soie Pháp, không có loại hàng nào may áo dài thích hợp bằng. Ở Huế, có hai tiệm may áo dài nổi tiếng trên đường Trần Hưng Đạo là Hùng và Tân Nghiệp. Nhớ năm 1967, tôi học ở Sài Gòn. Trước khi về Huế ăn tết, tôi đi dạo phố mua được hai xấp vải hoa tuyệt đẹp, định diện tết nhưng không tiệm nào nhận may vì quá cận ngày. Thay vì đem về, tôi để lại tiệm Hùng với lời hứa của ông chủ: “Ra tết, tôi sẽ may ngay cho cô.” Và như các bạn đồng trang lứa tôi cũng biết rồi, sau tết Mậu Thân, những ngôi nhà trên đường Trần Hưng Đạo chỉ còn là đống gạch vụn.
Cũng thời gian này, một nhà may ở Sài Gòn cho ra đời kiểu áo dài tay raglan làm rúng động ngành thời trang hồi đó. Đây là kiểu tay ráp, giải quyết hết những yếu điểm mà kiểu may áo dài thường không làm được, ôm kín từng đường cong, xóa bỏ những nếp nhăn bên nách làm phía ngực trở nên thẳng đẹp, tôn vinh thêm nét thanh xuân cho người mặc. Lập tức, tay Raglan lên ngôi! Từ đây, thời trang áo dài bắt đầu biến tấu. Tay ráp khác với thân, màu nhạt hoặc đậm hơn (ton sur ton), hoặc bằng reng mỏng thêu hoa mỹ thuật. Tà áo khi thì vừa vặn bình thường, khi thì dài lết đất, cũng có khi ngắn tới dưới đầu gối gọi là tà mini, không chít eo, mặc kèm với quần ống rộng nhịp nhàng theo bước chân, trông rất năng động và trẻ trung. Có một kiểu xẻ giữa tà, đính một hàng nút dài, được gọi là áo 3 tà, trông cũng ngộ nhưng ít thấy ai mặc.
Sài Gòn bấy giờ có nhà may áo dài raglan nổi tiếng là Thiết Lập trên đường Pasteur, nhưng chỉ có người giàu mới theo nổi vì tiền công rất mắc. Vậy mà tôi theo được đó, các bạn biết sao không? Tôi có người quen giới thiệu một nhà may gia đình trên đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 tháng 2), trong một hẻm nhỏ đối diện với Học viện Quốc Gia Hành Chánh. Chủ cửa hàng là chị thợ chính của nhà may Thiết Lập, cho nên sản phẩm không kém chất lượng nhưng công may chỉ bằng 1/3. (Hồi đó may áo nhung, loại vải khó cắt nhất, tiền công trung bình là 2000 đồng, nhưng ở đây chỉ 700 đồng thôi.). Lúc này, thỉnh thoảng, một tiệm vải ở Crystal Palace lại đổ ra hàng đống bán xôn, toàn hàng đẹp, và tôi đã may không biết bao nhiêu là áo, đến nỗi cuối tháng, không còn một đồng lương.
Khi giã từ bục giảng, tôi không còn nhớ tới hai chữ “áo dài” nữa, mà hình ảnh chiếc áo dài cũng trở nên xa lạ trong ký ức mỗi người. Cho đến năm 1989, cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài được tổ chức ở Nhà văn hóa Thanh Niên (?) đã làm dậy sóng tâm hồn bao thiếu nữ đương thời. Giai điệu rộn ràng của bài hát trong đêm chung kết cuộc thi HHAD “… tung bay… tà áo tung bay, xôn xao một trời nắng đỏ, tung bay… tà áo tung bay, áng mây trắng đầu ngọn gió, tung bay… tà áo tung bay, tím biếc những chiều hoàng hôn…” (Một Thoáng Quê Hương của Từ Huy –Thanh Tùng) trở nên “hit” và những tà áo dài bắt đầu được tái sinh. Lúc này, tôi đã U50, thân hình deformer nhiều nên không hề nghĩ là sẽ may một cái áo dài. Nhưng rồi tôi cũng may, một chiếc áo dài cổ thấp, không chít eo, hàng lụa Thái Tuấn màu xanh ngọc, nhân ngày vu qui con gái vào đầu năm 2000. Áo chừ để đó, chưa xỏ tay lần thứ hai.
Thời điểm internet kết nối, thời trang áo dài bùng nổ đến chóng mặt. Các nhà may áo dài nhiều như nấm mùa mưa, sáng chế ra những bộ áo dài gọi là “cách điệu”, cổ áo kết reng, vạt áo ngắn ngủn, phủ lên đôi ống quần bó chặt hoặc xòe ra như chiếc váy, trông cũng hay hay. Các bạn trẻ đua nhau ghi danh học ngành thiết kế thời trang để trở thành những nhà tạo mẫu phi thường. Thượng vàng hạ cám, tùy theo ý thích mỗi người. Có những kiểu áo dài nền nã sang trọng, nhưng cũng có những kiểu phá cách không giống ai, tay ngắn như sườn xám hoặc sát nách, bên có bên không, cổ khoét rộng hết cỡ, vạt áo dài lết đất, có khi dài cả mấy thước, chất liệu vải khi thì mỏng dính, khi thì dày cui, ngọc đá lấp lóe đính dày đặc, nặng nề, thấy mà thương cho các cô người mẫu.
Có thời gian, bạn bè ở Mỹ gửi vải và kích thước về nhờ người quen đặt may áo dài dùm. Cách này không được ổn lắm, vì khi gửi qua bị chật chỗ này, rộng chỗ kia, rất khó sửa. Bây giờ, khu Little Sài Gòn có bán áo dài may sẵn, dĩ nhiên là ở VN gửi qua rồi, đủ màu đủ cỡ, tha hồ chọn lựa, tôi thấy giá rẻ và cũng đẹp lắm.
Ngày trước, quần mặc với áo dài chỉ hai màu đen trắng, nay có rất nhiều màu, phối hợp với sắc hoa văn áo, lịch sự và bay bướm, rất đẹp.
Áo dài thích hợp cho mọi lứa tuổi, nên các bạn tôi, những U70, U80 tha hồ xí xọn. Diện áo dài vào, người nào cũng tha thướt đẹp tươi, mặt mày rạng rỡ, yêu đời phơi phới. Đó cũng là liều thuốc tiên chữa bệnh “gia huyền” đó nghe.
Thuỳ An