Tiểu Sử cô Thùy An

 

TRONG ÁNH NẮNG CHÓI CHANG

Ký –Thùy An

Khoang máy bay rất rộng và dài, gồm 3 dãy ghế bọc nhung màu huyết dụ. Khi tôi định thần, đã thấy mình ngổi phía ngoài dãy bên trái, cạnh người phụ nữ da ngăm đen, mũi rất cao, mắt tròn to, lông nheo cong vút, tai đeo đôi khoen óng ánh, có thể là người Ấn Độ hoặc Trung Đông. Ngồi cạnh cửa sổ là một thanh niên trắng trẻo, đôi mắt nhỏ long lanh sau cặp kính trắng, môi mỏng mím chặt, chắc là người Hàn Quốc.


Tôi vén tay áo nhìn đồng hồ, đã quá nửa đêm. Bên ngoài cửa sổ trời rất tối. Một mình tôi giữa đám người xa lạ. Bạn bè đưa tiễn chắc giờ này đang say ngủ và bên kia bờ đại dương, con cháu tôi đang chuẩn bị trải thảm đón một bà ngoại tuổi U70 bước vào bến cuối cuộc đời. Tôi hít một hơi sâu, rồi thở ra nhè nhẹ, nhịp đập trái tim đã trở lại bình thường. Tôi ngã người ra ghế. Đã quá giấc ngủ nên mắt tôi ráo hoảnh, đầu óc tỉnh táo như vừa uống một tách cà phê đen.


Những người quanh tôi cũng vậy, dường như họ có nhiều việc cần làm hơn là ngủ, như đọc sách, nghe nhạc, bấm màn hình điện tử trước mặt… Người phụ nữ cạnh tôi đứng dậy đi ra sau vài lần. Bỗng cô ta nói nhỏ bên tai tôi, giọng Bắc: “Xin lỗi, cô có thể đổi chỗ cho cháu được không?” Ồ, ngạc nhiên quá, cô ta là người Việt! Tôi nhìn cô ta, hơi tò mò: “Có chuyện gì không? Tại sao?” Cô ta thì thào: “Cháu bị bệnh thận, đi nhiều lần, sợ phiền cô.” Tôi cầm giỏ xách, đứng dậy, để cô ta chuyển ra ghế ngoài. “Cháu cám ơn cô.” Một lát, cô ta mở chiếc túi nhỏ mời tôi ăn kẹo chewinggum, tôi lắc đầu cười: “Người già không nhai được đâu.” Cô ta hỏi chuyện làm quen: “Cô đến Doha rồi đi đâu nữa ạ? Cháu về Pháp.” Tôi im lặng, vờ nhắm mắt ngủ. Tốt nhất là không nên thân mật với người mới gặp lần đầu.


Các tiếp viên đẩy chiếc xe mầu trắng đi dọc theo các dãy ghế, trên xe lỉnh kỉnh chai lọ, ly tách, chén dĩa… Bữa ăn nhẹ gồm một bánh sandwich, hộp kem, dĩa trái cây nhỏ và chai nước suối. Tôi cảm thấy khát nhưng tay yếu, không thể nào mở được chai nước. “Bác để cháu giúp cho”. Tôi nhìn sang trái, ủa, anh chàng mắt nhỏ cũng là người Việt luôn, thật  thú vị. “Cám ơn cháu”.


Bầu trời bên ngoài vẫn tối đen. Tôi không ngủ được nên chăm chú nhìn màn hình lớn phía trước, theo dõi cuộc không hành. Trên địa hình rừng núi bao la, tôi nhận ra nước Việt Nam nhỏ xíu, rồi đến Lào, Thái Lan… lúc này, máy bay đã bỏ xa miền Đông Nam Á quen thuộc, thẳng tiến về phía Tây, đúng 5 giờ sáng nay sẽ dừng cánh tại Doha, thành phố của nước Qatar ở Trung Đông.


Trung Đông, xứ sở của ngàn lẽ một đêm, với những câu chuyện thần thoại từng làm tôi say mê thời bé dại như Aladin và Cây Đèn Thần, Chiếc Thảm Bay, Những Cuộc Phiêu Lưu Của Sinh Bá… nhưng sao giờ đây, chỉ hiển hiện trước mắt tôi hình ảnh bom đạn chiến tranh, xe tăng thiết giáp, nhà cửa nát tan…. Tôi bỗng thấy sợ. Hồi mới lấy vé, tôi bảo nhỏ cháu: “O không thích quá cảnh ở Trung Đông, con có thể đổi hãng khác được không? Có thể ghé Hồng Kông hay Nhật Bản gì đó…” cô cháu giải thích: “Nhưng đi mấy hãng này O phải xuống Los, sau đó chuyển hành lý đi thêm một chuyến nữa mới tới nơi, phiền phức lắm. Con tìm rồi, chỉ có hãng này mới có máy bay trực tiếp xuống Houston”.


Mầu đêm nhạt dần. Trời lờ mờ sáng. Tôi nhìn đồng hồ. Kim ngắn chỉ số 7. Giờ này ở Việt Nam nắng đã lên rồi. Bữa điểm tâm dọn ra, đơn giản và ngon, nhưng cà phê sữa thì hơi đắng. Chợt nghĩ tới tách Nescafé dùng mỗi sáng, rồi dĩa bánh cuốn nóng, miếng chả quế thơm thơm… thấy nhớ mông lung…


Máy bay hạ cánh. Nắng chói chang. Tôi nhướn cổ nhìn qua cửa sổ, một màu trắng xóa bao phủ khắp nơi, những thảm cát và những ngôi nhà hình vuông, không một bóng cây. Ra khỏi cửa máy bay, hơi nóng hừng hực phả vào mặt, vào lưng, đúng là nhiệt độ của sa mạc. Nhưng không sao, khi tôi theo đoàn hành khách bước vào tòa nhà đối diện lắp toàn kính, đã thấy mát rượi toàn thân. Chiếc đồng hồ lớn trên sân bay chỉ 5 giờ trong khi đồng hồ trên tay tôi đã 9 giờ. Máy bay đến Doha rất đúng giờ, vậy là tôi đã di chuyển ngược chiều quay của trái đất: 9 giờ của tôi là giờ VN.

Một phụ nữ cằn cỗi, ốm nhom, y phục giống cán bộ phường, có lẽ lớn tuổi hơn tôi đến gần: “Xin lỗi, cô là người Việt?” Tôi gật đầu. “Cô có đăng ký xe lăn không?” Ồ, bây giờ mới nhớ lời nhỏ cháu: “Đến các phi trường, O nhớ ngồi xe lăn nghe, con ghi cho O rồi.” “Nhưng O… đi được mà.” “Nhưng O cứ ngồi cho khỏe, người ta sẽ đẩy mình đi làm các thủ tục.”


Tôi bảo người phụ nữ: “Dạ có.” “Sao không thấy chiếc xe lăn nào?” “Tôi không biết, chị hỏi xem.” “Ừ, để tôi bảo nhà tôi, ông ấy biết tiếng Pháp đấy.” Trời đất, nói tiếng Pháp ở đây chả biết người ta có hiểu không? Bà ta cất giọng nũng nịu nghe ớn: “Anh ơi anh ơi.” Một ông già da nhăn nhúm, tóc bạc phơ, mắt lờ đờ, miệng móm xọm… nhưng tướng đi còn vững vàng lắm, vội vã bước đến: “Cái gì?”, bà vợ lại õng ẹo: “Anh hỏi người ta dùm em, sao không có xe lăn?” Ông già đưa tay vẫy một nhân viên phi trường, nói dăm ba câu, hai tay ra dấu lia lịa. Người nhân viên gật gật đầu, rồi chỉ ra hàng ghế chờ.


Có một vài người già đang ngồi sẵn ở đây. Bà vợ kéo ông chồng ngồi xuống cạnh rồi quay sang bảo tôi: “Cô đi Đức à?” Rồi không chờ trả lời, bà ta kể lể dông dài: “Chúng tôi ở Đức với vợ chồng thằng con trai gần hai mươi năm rồi. Cháu đậu Tiến sĩ, dạy ở trường Đại Học. Các cháu khác đang ở Hà Nội, chúng tôi vừa về thăm xong, ở với chúng gần ba tháng, thật là vui…” Chợt mắt bà ta tròn xoe nhìn sang hàng ghế xa hơn, tôi tò mò nhìn theo, thấy một đống đen thui, áo hoa rực rỡ. Nhìn kỹ, đó là một cô gái Phi Châu  mập hết cỡ, đầu liền vai, cổ đầy nọng, tay chân nung núc những thịt. Bà ta lại nói: “Khiếp, dễ chừng vài trăm kí ấy chứ.” Tôi nhắc: “Chị nói nhỏ thôi.” “Sợ gì, ai nghe được nào.” Chiếc xe lăn đầu tiên dành cho cô gái. Khó khăn lắm, người đàn ông tháp tùng mới đỡ được cô ta lên xe. Cô ta trông còn rất trẻ, chắc mập quá đi không nổi, thật tội nghiệp. Hai vợ chồng lên xe lăn trước tôi. Bà vợ vẫy tay: “Khi nào rảnh cô ghé thăm nhà chúng tôi  nhé.” Tôi dạ cho phải phép, chứ thăm là thăm thế nào đây.


Người thanh niên đẩy xe cho tôi mặt mày sáng sủa, dáng cao gầy, hình như là người châu Á. Xe đi qua một khoảng sân rộng bao la, tôi thầm nghĩ, may thật, nếu phải đi bộ chắc hụt hơi quá. Xe dừng trước cửa thang máy, người thanh niên chìa tay: “Passport, please.” Anh ta nhìn vào hộ chiếu, reo nhỏ: “You’re Vietnammese?” Tôi gật đầu. Anh ta giới thiệu mình là người Philippine. Tôi cười thân thiện. Anh ta đưa tôi lên tầng hai, lại đẩy xe qua một hành lang rất dài, đồng hành cùng một số ông già bà lão khác, đến trước hai dãy ghế màu xanh đối diện nhau, được phân ranh giới bằng những vòng dây vải. Anh ta ra dấu cho tôi ngồi xuống, trả hộ chiếu cho tôi. Trước khi đi, anh ta đưa hai ngón tay lên, nói: “Visa, only two days”. Gần bốn mươi năm tôi không quen nghe tiếng Anh, nhưng cũng hiểu anh ta nói visa của tôi chỉ còn hai ngày nữa là hết hạn.

Hầu như tất cả nhân viên phi trường ở đây đều là người Trung Đông, với nét đặc trưng dễ nhận: Da ngăm ngăm, mày rậm, mắt to, cao lớn mạnh mẽ. Các cô gái ngồi ở quầy làm thủ tục trang điểm rất đậm nên mặt tuy đẹp nhưng trông rất dữ. Một anh chàng có gương mặt tròn đầy, đến bên tôi, hỏi bằng tiếng Anh: “Bà về đâu?” Tôi nói: “Houston”, anh ta gật đầu, ý là tôi đã ngồi đúng chỗ rồi đó. Đồng hồ lớn chỉ 7 giờ, đồng hồ nhỏ trên tay tôi chỉ 11 giờ. Như vậy còn 2 tiếng nữa máy bay mới cất cánh, dư thời gian cho tôi trở về thời thơ ấu qua những câu chuyện kể của nàng Sheherazade trong Nghìn Lẽ Một Đêm. Các hình ảnh diễn ra trước mắt đều gây ấn tượng. Vài thiếu niên đi ngang qua, em nào cũng đội trên đầu chiếc mũ xếp nhiều tầng giống hệt nhân vật trong truyện tranh “Aladin và Cây Đèn Thần”, “Tên trộm thành Badad”… rồi một đoàn người trung niên tóc quăn tít, mặt mũi bặm trợn, ăn mặc lạ lùng, nói năng rổn rảng, làm tôi liên tưởng đến “Alibaba và 40 Tên Cướp”…


Hành khách cùng ngồi phòng chờ với tôi phần lớn là Ấn Độ và Trung Đông, người già chiếm đa số. Chỉ một vài quí bà sang trọng đeo vòng vàng nơi tay, nữ trang trên mũi, áo lụa in hoa văn rất đẹp, còn lại là những bà trông rất đen đúa, khắc khổ, mặc áo truyền thống dài lượt thượt, may bằng vải hoa bèo nhèo giống như hàng “xà ru” bán đầy chợ Việt Nam thời khốn khó. Tôi để ý một cặp vợ chồng dắt theo hai con nhỏ rất dễ thương, bé gái tóc nâu vàng thắt nơ đỏ xinh như búp bê, bé trai mặc bộ quần áo thể thao màu trắng, trán cao thông minh, nhưng không thể biết bố mẹ chúng có đẹp không, vì hai người trùm khăn đen kín mít từ đầu đến chân, chỉ chừa 2 con mắt nhìn cuộc đời dâu bể… Gần  9 giờ Doha, người thanh niên Philippine trở lại đưa tôi đến cửa số 15. Đã đến giờ lên máy bay. Bên ngoài trời rất nắng.


Tôi được ngồi cạnh cửa sổ. Nắng chiếu thẳng vào mặt, khiến tôi phải kéo màn cửa xuống, không thể quan sát được quang cảnh bên ngoài khi máy bay cất cánh. Và ánh nắng chói chang đó đã theo tôi suốt cuộc hành trình. Tôi nhìn đồng hồ, 2 giờ chiều, rồi 3 giờ, 4 giờ… đến 9, 10 giờ tối… nắng vẫn rực rỡ bên ngoài. Không có gì ngạc nhiên vì tôi đang đi về phía mặt trời. Chỉ cảm thấy lạnh, chiếc áo đang mặc trở nên mỏng manh, tôi khoác thêm áo gió, rồi đắp mền, mang tất… Những người chung quanh đang giết thì giờ bằng cách xem phim nơi màn hình trước mặt. Tôi cũng bắt chước họ nhưng đành chào thua, vì phụ đề toàn tiếng Ả Rập!


Lúc này người tôi đã thấm mệt, bữa ăn dọn ra không nuốt được miếng nào, mùi cà ri xộc lên làm tôi nhức cả mũi. Tôi cố gắng ăn hũ yaourt rồi trả lại mâm cơm. Giấc ngủ đến chập chờn. Khi tôi mở mắt thì đã 4 giờ sáng hôm sau. 4 giờ sáng thứ hai ở VN cũng là 4 giờ chiều chủ nhật ở Houston, tôi nhớ trong vé máy bay ghi giờ đến là 5 giờ chiều chủ nhật. Vậy là tôi sắp đến nơi rồi. Ngoài cửa sổ vẫn đầy nắng.


Khác với Doha, vừa xuống sân bay, xe lăn đã xếp một dãy dài chờ khách. Người đẩy xe tôi bây giờ là một anh chàng Mỹ đen. Anh ta đẩy nhanh như bay, vừa đẩy vừa hát những giai điệu ngộ nghĩnh, xem bộ rất yêu đời. Trong phòng làm thủ tục nhập cảnh, đồng hồ tôi trở lại trùng khớp hoàn toàn với chiếc đồng hồ treo trên tường. Điều thú vị đầu tiên khi đến đây là nhân viên làm việc đến 8 giờ tối và bên ngoài, nắng… vẫn chói chang.      

                                                                                    
Houston 28/8/2011