Trở Về Mái Nhà Xưa

Ký –THÙY AN (đăng báo SÔNG HƯƠNG năm 1998)

 

Hồi đó, con đường Gia Hội có rất nhiều bàng. Những cây bàng cao, xoè tán lá rộng khắp. Vào mùa hè, cây trùm bóng mát xuống những trò chơi thơ ấu của tôi cùng đám bạn: banh đũa, lò cò, ô làng, ù mọi… Và đến mùa thu, cây u buồn trút lá. Những chiếc lá to, thuôn dài, được chúng tôi tranh nhau nhặt lên, bẻ cong ba góc, dùng tăm ghim lại thành những chiếc dép, mang vào chân đi tung tăng. Được vài vòng, dép rách te tua, phải “đóng” đôi khác. Lá càng rơi, “giày dép” mới càng được xếp đầy trong ngăn tủ. Thỉnh thoảng, cây còn để rụng những trái chín vàng ươm, ngọt lịm, mà dư vị còn vương vấn mãi trong suốt tuổi thơ tôi.

Tuổi thơ tôi nương náu trong ngôi nhà số 69 –nhà của ông ngoại. Đó là một ngôi nhà mặt tiền đường, không có vườn nhưng rất rộng. Phía trước chia làm hai gian 69A và 69B, phía sau thông nhau bằng một khoảng sân phơi đầy lúa, mà tiếng cối xay, tiếng chày giã gạo rộn rã suốt ngày. Lầu nhà ông ngoại rất cao, cầu thang chạm trổ, lót gỗ cẩm lai, đánh vẹc ni láng bóng. Mỗi chiều, tôi lên lầu chơi, bước ra bao lơn đầy gió, nhưng không dám đến gần lan can, nơi kiến trúc gồm những thanh ngang trống trải làm tôi sợ, mặc dù lòng rất muốn nhìn xuống dưới đường, xem mấy đứa bạn trường Tàu đi học về, đồng phục váy đen áo trắng đẹp đẽ, bước đều tăm tắp.

Ông ngoại có nhiều con nhưng chỉ còn bốn. Mẹ tôi là con trưởng, tiếp đến là cậu. Hai dì là con bà ngoại kế, cách tuổi cậu rất xa. Ông bà ngoại có thói quen dậy sớm, ngồi hàn huyên, uống trà nơi bộ trường kỷ cẩn xà cừ. Những ngày không đi học, tôi thường quanh quẩn bên ông bà, bắt chước tựa tay vào chồng gối xếp bọc da trơn láng, vàng rộm như da heo quay, nhâm nhi những chiếc bánh đậu xanh thơm ngọt. Thích nhất là uống trà trong những chiếc tách sứ mỏng như giấy, nhẹ như bông. Dưới đáy tách là một khối thuỷ tinh hình bán cầu trong suốt, mỗi lần rót nước vào, hình ảnh một cô gái vấn tóc trần hiện ra, nhìn chòng chọc vào tôi. Thấy tôi cứ tò mò bằng cách rót nước vào tách, rồi lại đổ ra để quan sát khối thuỷ tinh, bà ngoại la:
-Đừng phá, cháu. Bể chén quí của ôn chừ.
-Mệ ơi, cô gái trong cục thủy tinh là ai rứa?
-À, đó là nàng Mỵ Nương. Ngày xưa, nàng mê tiếng hát của gã lái đò Trương Chi, nhưng đến khi thấy gương mặt xấu xí của gã thì nàng không mê nữa. Trương Chi buồn bã lâm bệnh qua đời. Trái tim gã hoá thành khối thủy tinh, được người đời tiện thành chén uống nước…

Khi đó, tôi đã thuộc bài hátKhối tình Trương Chicủa Phạm Duy, trong điệp khúc có câu: “Rót nước vào chợt thấy bóng Ngư lang, quanh chén trà, thuyền trôi theo tiếng đàn, có tiếng người vọng câu hát u buồn, ai oán câu hò khoan…” Ở đây không có Trương Chi cùng chiếc thuyền mà chỉ có cô gái, tôi nghĩ là bà ngoại đã lộn với một điển tích khác, nhưng không dám bắt bẻ.

Tôi lớn lên đã không thấy cậu, mẹ nói cậu đi tập kết. Ngày cậu đi tôi còn nhỏ xíu nên không có một ấn tượng nào về cậu, nhưng càng lớn, tôi càng cảm nhận được sự nhớ nhung dằng dặc trong đôi mắt già nua của ông ngoại, trên những ngón tay run run vào những ngày nắng đẹp, ông đem rương quần áo ra phơi, những bộ complet bằng dạ, khăn len, mũ nỉ… ông đã vuốt ve biết bao lần! Có lần tôi hỏi:
-Áo quần ai mà nhiều rứa ôn?
-Của cậu cháu đó. Mấy bữa ni mưa quá, chừ phải đem ra phơi kẻo bị mốc, mai mốt cậu cháu về, không có đồ mặc…

Gia đình tôi ở gian A, ông bà ngoại và hai dì ở gian B. Một mình anh tôi được ở trên lầu. Thỉnh thoảng, anh đem bạn bè về học hành hoặc đàn hát, nô đùa. Những lúc vắng anh, tôi thường đột nhập vào giang sơn riêng của anh để phá phách, lục lạo sách vở khiến cho hiện trường đã không ngăn nắp lại càng rối tung thêm.

Trái với lầu A, lầu B dùng làm nơi thờ phụng rất trang nghiêm. Hương trầm thơm ngát toả khắp một vùng không gian khoáng đạt gồm hai bàn thờ lớn và bốn bàn thờ nhỏ. Ngoài những bức chân dung được vẽ bằng phấn màu của các bậc tiền bối, hình ảnh gây ấn tượng nhất trong tôi là bức tranh Phật Bà có 18 cánh tay. Dì Đông kể, Phật Bà dùng 18 bàn tay để cùng một lúc, cầm dao xuống tóc quy y cho 18 tên cướp biết ăn năn sám hối. Tôi nghe nhưng không tin lắm vì tôi nghĩ, đã là cướp thì rất độc ác, làm sao biết ăn năn sám hối được, và nếu tôi là… Phật Bà, tôi sẽ không cho những tên cướp ấy bước vào chùa đâu.

Dì Đông là em kế cậu tôi, gương mặt phúc hậu, người thấp nhỏ như con chim sẻ. Mỗi lần thấy tôi, dì kéo lại gần và đưa bàn tay đặt lên đầu tôi để đo chiều cao:”Chà, cháu đứng ngang ngực dì rồi!”, “Chà, cháu ngang cổ dì rồi!”, “A, con ni mau lớn ghê hè, gần tới trán dì rồi!” Tôi nhổ giò cao hơn dì hồi nào không hay nhưng vẫn thường chạy theo dì nghe kể chuyện cổ tích. Dì biết rất nhiều chuyện, từ Chiêu Quân Cống Hồ, Thạch Sanh Lý Thông… cho đến những câu chuyện trong kinh sách nhà Phật như Quan Âm Thị Kính, Công Chúa Diệu Thiện… Tôi sợ nhất là chín tầng địa ngục trong chuyện Mục Liên Thanh Đề. Dì thường doạ: “Nếu cháu làm điều ác, cháu sẽ bị trừng phạt như bà Thanh Đề nớ.”Tôi thường có những câu hỏi cắc cớ: “Dì ơi, đập muỗi có phạm tội sát sanh không?”, “Dì ơi, cháu lỡ đạp con kiến, có can chi không?” Dì không trả lời được, nên chỉ cười cho qua chuyện.

Gần năm mươi năm trôi qua, tôi vẫn không quên cái lỗ hổng bằng nửa bàn tay nơi sàn lầu cạnh chân bàn thờ lớn. Mỗi khi chán những trò chơi lề đường, tôi thường rủ vài bạn nhỏ lên lầu, nằm dài trên sàn, thay phiên nhau dí mắt vào lỗ hổng quan sát những diễn biến dưới nhà, miệng cứ la toáng lên: “Mệ, mệ”, “Ôn ơi, ôn làm chi rứa ôn?”, “A, dì Mừng mặc áo mới đẹp quá.” Dì Mừng là em út mẹ tôi. Dì đẹp và sắc sảo hơn dì Đông nhiều, nên mười tám tuổi đã có người chạm ngõ. Những ngày trước khi lên xe hoa, dì tập dượt nghi lễ thấy phát mệt. Cũng từ lỗ hổng trên sàn lầu, tôi say sưa nhìn ngắm cái dáng thanh thanh của dì trong bộ quần áo thụng đỏ, đầu chít khăn vành vàng, từ nhà sau yểu điệu bước ra quỳ xuống lạy ông bà ngoại tôi ngồi sẵn nơi sập gụ, làm mẫu cha mẹ chồng của dì. Đám cưới dì thật lớn, có nhiều xe rước, lọng che, sắc màu rực rỡ. Chồng dì là một cậu ấm, ham chơi hơn làm việc nên cuộc hôn nhân chóng đổ vỡ. Họ bỏ nhau khi đứa con đầu lòng của dì chưa ra đời. Dì sinh con trai, đứa cháu đích tôn của dòng họ Trần. Nghe nói sau này, chồng dì đi thêm một bước nữa nhưng chỉ có toàn con gái.

Dì Mừng còn trẻ và đẹp nên vẫn còn nhiều người theo đuổi. Trong số đó, tôi chỉ nhớ chú Thảo vì mỗi lần chú lại nhà dùng cơm, dì đích thân đi chợ, nấu những món sơn hào hải vị chiêu đãi chú và thường kêu tôi qua ngồi ăn chung. Dưới mắt một đứa trẻ như tôi, chú Thảo rất đẹp trai lại tử tế, thường khen tôi ngoan, còn cho tôi nhiều kẹo bánh. Nhưng rồi, hình như chú phạm một lỗi gì đó với dì nên đã đánh mất cơ hội trở thành dượng tôi. Có một thời gian chú theo năn nỉ dì thiếu điều quỳ xuống lạy, nhưng dì phủi tay, cương quyết ở vậy nuôi con. Thằng em họ của tôi mặt mày sáng sủa nhưng cũng nghịch ngợm hết biết. Dì đặt nó tên Hiền nhưng nó chả hiền tí nào, suốt ngày cầm thiết bảng nhảy nhót y hệt Tề Thiên. Nó có tên ở nhà là Chó Con. Gọi riết một lúc, chữ “con” rớt mất. Nó học khá, tốt nghiệp trường Nông Lâm Súc, làm hiệu trưởng một trường trung học ở Lâm Đồng. Có lần, nó nghỉ phép về thăm, vừa bước vào nhà, nhỏ em tôi kêu lên:
-Ê Chó, mi mới về hả?
Nó sửa lưng liền:
-Chị vừa thôi nghe, dù sao tui cũng là một ông hiệu trưởng, phải nể mặt tui chớ.
Hôm sau, có cô gái tới tìm nó, dì Đông nhanh nhẩu gọi:
-Chó ơi, có bạn tìm tề.
Nó muốn độn thổ vì trở tay không kịp.

Dì Đông lấy chồng muộn nhưng gia đình đầm ấm hạnh phúc. Ba đứa con của dì thường bị thằng Hiền ỷ lớn ăn hiếp, bắt kêu bằng “anh” dù nó ở vai “em”. Thời gian qua, ông bà ngoại mất, gia đình tôi chuyển vào Nam, ngôi nhà số 69 để lại cho hai dì mặc sức tung hoành.

***

Năm 1975, cậu về Huế. Cảnh cũ vẫn còn nhưng người xưa đâu tá! Cậu vào Sài Gòn thăm gia đình tôi, ba tôi và cậu cầm tay nhau mừng mừng tủi tủi. Cậu ngồi khóc rất lâu trước mộ mẹ tôi. Nhìn cậu, tôi bàng hoàng ngỡ như ông ngoại sống dậy. Cậu giống ông như hai giọt nước. Ngôi nhà của ông ngoại trở thành vấn đề chính trong những lúc hàn huyên. Cậu muốn bán nhà chia đều cho các cháu nhưng hai dì không chịu. Hai dì cùng một lập luận: “Ngôi nhà chung của bốn chị em, muốn ở thì cứ việc đến ở, nhưng bán thì không.” Di chúc để lại cũng thật trớ trêu. Giá ông ngoại để cho mẹ tôi và cậu một gian A hoặc B thì đã khác. Đằng này, cậu và dì Mừng một gian, mẹ và dì Đông một gian. Một trong hai người không chịu ký tên thì không thể giải quyết được gì. Tranh chấp suốt mấy năm, tình anh em sứt mẻ.

Cậu gom góp tiền tiết kiệm mấy chục năm trời, mua một căn nhà dưới dốc cầu Đông Ba. Các con của cậu học hành thành đạt, có gia đình riêng. Chưa kịp thở phào nhẹ nhõm, mợ đã nằm một chỗ vì bệnh liệt. Con cái thỉnh thoảng ghé thăm, đem đến vài kí cam nho, ngồi một lát rồi về. Bảy năm trời đằng đẵng, một mình cậu chăm sóc mợ từ miếng ăn giấc ngủ đến tắm rửa, giặt giủ quần áo. Mợ mất, cậu để mợ nằm cạnh ông bà ngoại ở Nam Giao, và mua sẵn cho mình một miếng đất sát bên mộ mợ. Suốt một đời hy sinh cho vợ con, bước vào tuổi tám mươi, cậu mới sống cho mình. Cậu vào Nha Trang thăm ngôi trường cũ. Ở đây, học trò của cậu giờ đã thất thập cổ lai hy, con cháu đầy đàn. Họ vui mừng gặp lại cậu, quây quần bên thầy cũ, làm lễ thượng thọ 80 cho thầy trong bầu không khí nồng nàn ấm cúng. Cậu như trẻ lại, sức khoẻ dồi dào hơn, đôi chân cậu mọc cánh đưa cậu đi du lịch khắp nước. Thời gian cậu ở nhà tôi, các em gọi điện vào liên tục gọi cậu về. Tôi nói:”Các em lo cho sức khoẻ của cậu đó.” Cậu cười: “Cậu còn mạnh lắm, lo chi mà lo. Ừ thì về, nhưng cậu không ở Huế lâu mô, cậu đi chơi nữa.” Mà cậu đi thật. Ra Huế chưa được bao lâu, cậu viết thư vào khoe, cậu vừa bắt liên lạc với người chị con ông bác ruột (người này tôi chưa hề nghe mẹ tôi nhắc đến bao giờ), ngày xưa từng bồng ẵm mẹ tôi và cậu, giờ đang ở bên Lào. Mặc cho các con can ngăn, cậu nhất quyết làm một cuộc viễn du. Cậu điện về, giọng đầy phấn chấn: “Đất nước Lào rất đẹp, bà chị cậu đã ngoài 90 song vẫn mạnh khoẻ tinh tường. Cuộc sống bà sung túc, bà nhắc đến mẹ cháu hoài. Lần này trở về, cậu sẽ làm lại hồ sơ lo chuyện nhà cửa cho các cháu.”

Nhưng sự việc vẫn dậm chân tại chỗ. Giá trị hai gian nhà là ngay mặt tiền đường Gia Hội (nay là đường Chi Lăng) vào thời điểm bây giờ quả là không nhỏ, nhưng hai người con đầu lòng của ông ngoại đã bị gạt ra ngoài. Chỉ còn lại hai dì vừa ở vừa cho thuê. Liệu hai dì có tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn không? Cô em tôi vừa đi Huế vào, nói: “Dì Đông và dì Mừng giống như bị trời hành, xanh xao vàng vọt, không biết tiền bạc để làm chi.” Tôi nghĩ đến câu chuyện cổ tích, có ông vua nọ được tiên ban cho một điều ước, ông ước rằng bất cứ vật gì được ông ta đặt tay vào đều biến thành vàng. Thế là ông ta được toại nguyện. Ông sung sướng chạy khắp hoàng cung thực hiện mơ ước của mình. Bàn ghế, tủ giường, hoa lá… đều biến thành vàng ròng dưới tay ông, nhưng chỉ qua một buổi, ông trở thành con người bất hạnh nhất trần gian bởi mọi thực phẩm chạm vào miệng ông đều biến thành thứ kim loại dù quý giá nhưng cứng ngắt. Ông không ăn uống được nữa, trở nên xanh xao vàng vọt, chỉ còn da bọc xương. Chợt tỉnh cơn mơ vàng, ông quỳ xuống van xin vị tiên rút phép lại để ông được sống như một con người.

Xem ra hai bà dì tôi chưa bằng ông vua kia, vẫn còn sân si lắm. Cậu viết thư vào cho biết, một căn nhà đáng giá cả trăm cây vàng nhưng cậu chỉ xin mười tám cây. Ba anh em tôi được chín cây, nhưng hai bà dì chỉ bằng lòng cho mỗi đứa cháu một cây thôi. Toà xử không nổi, phải gác lại. Anh tôi nói: “Không có căn nhà đó, mình cũng đâu có chết.”Cô em tôi tiếc: “Có vẫn hơn không chứ. Cậu đi cách mạng về sao yếu quá.” Tôi đứng giữa: “Được cũng tốt, mà không được cũng chẳng chết ai. Tại mình chưa tới số giàu mà thôi.”

Dù cuộc tranh chấp làm nhạt phai tình cảm những con người ruột thịt, ngôi nhà số 69 vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, thản nhiên nhìn giòng chảy cuộc đời. Lòng đường Chi Lăng đã được nới rộng ra khiến lề đường trở nên chật hẹp. Những cây bàng xoè tán lá xanh tươi đã bị đốn ngã tự lúc nào, không còn lưu lại dấu tích gì dưới lớp nền xi măng trắng xám bụi thời gian, nhưng những kỷ niệm thuở ấu thơ vẫn còn vương vấn mãi trong tôi… Về đây khi mái tóc còn xanh xanh, về đây với màu gió ngày lang thang, về đây với xác hiu hắt lạnh lùng, ôi lãng du quay về điêu tàn… Tôi sẽ trở về mái nhà xưa để thăm lại khung trời tuổi nhỏ, nơi từng có ông bà, cha mẹ và những trò chơi banh đũa, nhảy dây, lò cò… cùng đám bạn bè thân thương giờ đã phiêu bạt bốn phương trời. Tôi muốn thấy lại những bậc thang gỗ dẫn lên sàn lầu có cái lỗ hổng lớn bằng nửa bàn tay. Tôi muốn thấy lại hàng bao lơn lộng gió với cái lan can mỏng manh từng làm tôi run sợ. Và điều tôi muốn nhất là gặp lại các dì, các mỹ nhân của một thời xưa cũ giờ đã tóc bạc da mồi… Về đây nhé cắm xong chiếc thuyền hồn, ôi lắng nghe dây lòng tiếc đờn. Thôi nhé đừng hoài âm xưa, giọt mưa đã rơi trên thềm nhà, người ngồi im vắng, lắng nghe tháng ngày qua…


T.A