(Ký
- THÙY AN)
1. Bán Nhà
Con
gái đậu quốc tịch, email về: “Mẹ ơi, con nộp đơn bảo lãnh mẹ
rồi đó, mẹ chuẩn bị
tinh thần nghe.” Hồi còn ông xã, tôi hoàn toàn
không muốn qua Mỹ. Nghe nói tuổi già ở xứ người lạnh lẽo cô
đơn lắm, con cái
đi làm cả ngày, quanh quẩn ở nhà nào khác chi tù
ngục, lỡ chết cũng không ai hay. Nghĩ muốn rùng mình.
Ở lại
Việt Nam, vợ chồng
già khuya sớm có nhau , cơm đủ no, áo đủ ấm, thỉnh
thoảng, còn gặp gỡ đám bạn bè xưa, hoặc các cô cậu học sinh
cũ, rủ nhau đi
cà phê cà pháo, Karaoke, phòng trà ca nhạc … thú
vị biết bao! Nhưng bây giờ thì lại khác. Bốn năm sống một mình,
may trời còn
cho mạnh khỏe, tiếp tục hội họp vui chơi, nhưng
cái tuổi U70 này, sức khỏe xuống nhanh lắm, lỡ có chuyện, biết
trông cậy vào ai.
Phải đi thôi.
Thế là chuẩn bị bán nhà. Căn nhà tôi mua năm 2000, tiền VN chỉ vài trăm
triệu, đến khi bán nhà năm 2010, giá thị trường tính theo tiền
VN thì lên bạc tỉ, nhưng so với giá vàng ngựa phi đường xa (từ
4,2 triệu đồng/cây lên 35 triệu đồng/ cây) thì lổ bộn bề! Bạn bè nói ra nói vào: “Vàng đang lên, bán nhà lúc này là thất sách.” Có đứa còn nói nặng hơn, kêu tôi ngu, đừng bán nhà, chỉ cho thuê thôi, sau này nhà vẫn là của mình. Chỉ có người bạn suốt ngày đi chùa, thấm nhuần đạo lý nhà Phật nói được câu dễ nghe: “Đã đi định cư thì phải bán nhà thôi, Trời cho bao nhiêu được bấy nhiêu. Cuộc
đời vô thường lắm, tính toán làm gì.”
Kim Hài –cô bạn thân góp ý: “Nếu
còn đầy đủ vợ chồng, bán nhà rất dễ, nay ông Đức
mất rồi, phải có chữ ký của con gái mới được. Thỏ
Ngọc ở xa, mi phải nhờ Luật sư thôi.” Thiệt không đây? Nghe sao nản quá. Lại được an ủi: “Mi còn may, chỉ có một đứa ở Mỹ. Người bà con tao có 4 đứa con, ở 4 nơi: Pháp,
Bỉ, Úc và Canada, vậy mà cũng xong giấy tờ, tuy
hơi lâu một chút. Mi làm mau lên.”
Gọi Chương –người cháu Luật sư, chuyên môn về Nhà Đất –đến nhờ coi giấy tờ, nó hỏi: “Bác
có Sổ Hồng chưa?” “Hồng đỏ gì, phường kêu nhưng bác không làm, mệt.” “Vậy là bác có chủ quyền trắng
phải không?” “Trắng đen gì tới rồi biết, bác có
giấy tờ đầy đủ, công chứng đàng hoàng mà.”
Chương đến, xác nhận giấy tờ hợp lệ, nhưng thòng một câu: “Bác
trai mất rồi, phải có giấy ủy quyền của chị Thỏ
Ngọc để làm tờ Văn Bản Thừa Kế mới bán nhà được.”
“Bác biết rồi. Cháu lo cho bác đi.” “Dạ, để cháu
về làm tờ giấy Ủy Quyền, bác gửi qua cho chị Thỏ
Ngọc đi xác nhận tại tòa lãnh sự VN ở Mỹ.”
Giấy Ủy Quyền gửi đi, con gái email về: “Mẹ ơi. Tòa lãnh sự VN không ở bang này, con làm sao xác nhận được?” Tôi reply: “Mẹ không biết, phải có xác nhận bên đó, mẹ mới bán nhà được. Bán nhà được, mẹ
mới yên tâm ra đi.” Ở đâu cũng có qui luật “đầu tiên”, không biết con gái tốn bao nhiêu, nhưng hai tháng sau thì Giấy Ủy Quyền được gửi về. Tôi giao cho Chương cùng toàn bộ bản sao giấy tờ nhà. Ba tháng sau, Chương gọi điện: “Ngày mai, cháu ghé chở bác lên phòng Công chứng ký tên.” Vậy là gần nửa năm, tờ Văn bản Thừa kế mới hoàn thành.
Tưởng đã yên tâm, nhưng mối lo khác lại đến. Buổi
sáng ngồi uống cà phê với các em học trò cũ, Bích
hỏi: “Cô,
hồ sơ bảo lãnh của cô đến đâu rồi?” “Chưa chi hết.” Chợt nhớ ra công việc của Bích bây giờ là chuyên về dịch vụ hồ sơ xuất cảnh,
tôi nói: “Sắp tới, cô phải cần những giấy tờ gì? em cố vấn cho cô đi.” “Dạ, để em ghi
cho cô. Tất cả gồm: giấy Khai sinh, tờ Khai tử
của thầy, tờ hộ khẩu xác nhận Thỏ Ngọc đã qua Mỹ,
giấy xác minh tình trạng hôn nhân, tờ Tư pháp Lý
lịch, hai tờ này chỉ có giá trị trong 6 tháng nên
cô đừng làm vội…" Chết chưa, có giấy khai sinh nữa sao? Hình như tôi không còn một tờ nào trong
tay (?!?!!).
Qua nhà anh Nam –ông anh ruột, lục
tìm trong cái cặp da của ba tôi để lại, chỉ thấy
toàn khai sinh của mấy đứa cháu nội, khai sinh
của ông anh và cô em gái. Chị Quỳnh –bà chị dâu,
nói: “Hồi
O đi lấy chồng, ba đưa hết khai sinh cho O rồi,
O không nhớ sao?” Quả thật, tôi hoàn
toàn không nhớ là những tờ khai sinh của tôi đang
thất lạc ở chốn nào? Tôi đi ra Phường nhờ giúp đỡ. Cô cán bộ Phường hỏi: “Cô có hộ khẩu ở đây
không?” “Dĩ nhiên là có.” “Trong hộ khẩu phải có
tên ba mẹ cô và cô. Đem ra đây, chúng tôi sẽ làm
khai sinh cho cô.” Trời đất, ông anh tôi đã gần
80 thì ba mẹ tôi làm sao còn trên dương gian này?
mà nếu còn chăng đi nữa thì tôi cũng đã cắt hộ
khẩu theo chồng gần 40 năm trước rồi. Làm sao đây?
Chương nói: “Để
cháu ra Huế làm cho bác.” Tôi
hỏi ý kiến Bích. Bích khuyên: “Đi Huế tốn kém lắm,
cô nhờ ai quen làm cũng được, chỉ cần tờ giấy xác
nhận mình tên gì? Con ai? bị thất lạc khai sinh
vì chiến trannh chẳn hạn, gửi vào đây rồi ra Phường
làm.” Đơn giản vậy thôi sao. Khỏe quá.Tôi gọi điện
cho Phước Anh –cô cháu kêu bằng dì, nó sốt sắn
nhận lời. Tuần lễ sau, nó gửi giấy vào.
Hí hửng đem giấy xác nhận ra Phường, cô cán bộ nhìn tôi: “Còn
gì nữa không?” Tôi ngạc nhiên: “Chưa đủ sao chị?” cô ta trả lại
giấy: “Vậy thì chúng tôi không làm được, vì người
ta chỉ xác nhận cô bị thất lạc khai sinh, nhưng
không chứng minh được cô là con của ông bà này?”
“Vậy tôi phải làm sao?” Một cái liếc mắt lạnh như tiền: “Không
biết”. Về nhà suy nghĩ nát óc, ăn không ngon, ngủ
không được. Sáng sớm, gọi điện cầu cứu Chương:
“Bác phải làm sao đây?” “Bác tìm giấy tờ có sẵn
trong nhà, xem có gì chứng minh được không? Nếu
không, bác phải ra Huế tìm 2 người thân cao tuổi
để họ ra Công An xác minh cho bác.”
Vừa lục mớ
giấy tờ, vừa khấn vái Trời Phật, ba mạ, ông xã…
thì điều kỳ diệu đã xảy ra: tôi tìm thấy tờ hôn
thú (trong đó có ghi tên ba mẹ của cô dâu)!!!.
Lần này thì cô cán bộ Phường thua rồi, vì khi cô
làm khó: “Phải có giấy khai tử của ông bà này mới
được.”, tôi vẫn không nao núng vì giấy tờ đó ông
anh tôi cất giữ đầy đủ dù mẹ tôi mất từ 1969. Chuyện
nhỏ như con thỏ!!!
Nói đến chuyện bán nhà mới thấy mình ngu đủ thứ. Biết dân VN hết 90% mù
vi tính, vậy mà tôi nghe lời dụ dỗ của bà tổ trưởng
dân phố, đưa thông tin hình ảnh lên mạng của công
ty Địa Ốc Hoàng Gia Hoàng Giếc gì đó mất một mớ
tiền, rồi còn chơi sang, nhờ chúng nó làm cho một
bảng thẩm định giá nhà, mất thêm một cọc tiền nữa. Đêm nằm gác trán suy nghĩ, mới sáng
mắt ra, giá trị ngôi nhà đâu phải dựa vào bảng
thẩm định này, chúng ra giá bao nhiêu mà chả được,
quan trọng là người mua có trả đến giá đó không?
Tiếc tiền đứt ruột, nhưng đã lỡ ngu rồi, đành chịu
thôi. Nói đến tụi Địa Ốc Hoàng Gia, chúng thật
là mồm mép tép nhảy, hứa nhăng hứa cuội, nói chậm
nhất là 3 tuần sau sẽ đưa người đến xem nhà. Ba
tuần, một tháng, rồi hai tháng trôi qua… chả có
ma nào tới. Trong thời gian này, tôi thường gọi
cho anh chàng phụ trách mua bán hỏi thăm, thúc
dục. Lúc nào cũng vậy, sau khi nghe giọng hát chua
như dấm của cô ca sĩ Ngọc Khuê… bà tôi đầu đội
nắng to, đường làng quanh co quanh co… eo éo trong
điện thoại muốn ớn óc, thì hắn ta hẹn lần hẹn lửa,
và sau ba tháng, tôi đành chào thua con ma nhà
họ Hứa này!!!
Lại nghe lời các quân sư quạt mo: “Nhờ người quen giới thiệu bán nhà là chắc ăn nhất,
đừng đăng báo, cò nó vô đầy nhà, mất đồ như chơi.” Chờ hoài không thấy người mua, cuối cùng, tôi đành
phải đăng báo. Cũng dễ thôi, chỉ cần mua tờ Tuần San Thanh Niên giá 8 ngàn, cắt
phiếu quảng cáo miễn phí, gửi kèm tờ thông tin
rao bán nhà và bản sao CMND đến tòa soạn báo là
xong. Kết quả cũng tốt, điện thoại réo liên tục,
người tới xem cũng lắm nhưng trả giá quá hẻo (cho
dù tờ thẩm định giá cao thấu trời).
Buổi chiều
hôm đó mưa lâm râm, nhân vật “có duyên” với cái
nhà cũ kỷ của tôi xuất hiện. Đó là một con nhỏ
khoảng U40, tóc nhuộm vàng, mặt dày ba bốn lớp
phấn, mỏ nhọn tô son đỏ chót, thân hình ốm tong
teo, quần áo đen bó sát lấy người. Nó nhìn bao
quát căn nhà rồi nói: “Cô bán cho con …được không?” Chưa tới giá, tôi lắc đầu. “Cô cho con coi giấy
tờ đi.” Tôi đưa cho cô ta bản photo chủ quyền nhà.
“Cô chưa làm Sổ Hồng sao?” “Tôi không có thì giờ.” Nó đi ra sau xem xét, lên gác, đảo một vòng rồi
trở xuống, trả thêm hai, ba giá nữa. Thấy cũng
tới giá muốn bán rồi, nhưng đáng lý phải hỏi ý
anh em bạn bè đã, bỗng như bị ma ám, tôi gật đầu
cái rụp. Con nhỏ lấy trong túi xách ra bản hợp
đồng mua bán nhà: “Mình làm giấy tờ nghe cô. Rồi mai ra ngân hàng con chồng tiền cọc cho cô.” Buổi
sáng, Chương chở tôi ra ngân hàng, bỗng dưng tôi
muốn đổi ý, để từ từ rồi bán, vì chưa nhận được
giấy tờ gọi đi phỏng vấn gì cả. Mới mở miệng, con
nhỏ mua nhà đã mắt sòng sọc, mồm ngoác to: “Cô
là người lớn sao nói hai lời? Con đã rút tiền ngân
hàng ra rồi. Nhất định cô phải bán cho con, phải
bán, phải bán.” Thấy cũng hơi căng, tôi nhìn Chương:
“Giờ tính sao?” Chương nói nhỏ: “Giá nhà như vậy
là được rồi bác. Bán cho rồi.” Con nhỏ dấu dịu:
“Cô cứ nhận tiền cọc đi, khi nào cô nhận được giấy
tờ bên Mỹ gửi về thì con chồng hết tiền cho cô.” Làm hợp đồng xong, con nhỏ nói: “Có gì cô gọi con
một tiếng.”
Hai tháng sau, giấy tờ vẫn chưa về.
Phương –con nhỏ mua nhà gọi điện: “Cô khỏe không
cô?” “Có chuyện chi?” “Chiều mai vợ chồng con qua
thăm cô, được không cô?” “Khỏi đi, tao sợ mày lắm.”
“Trời đất, con có làm gì đâu cô.” Tôi cúp máy.
Không biết chúng nó giở trò gì đây? Thì ra hai
vợ chồng năn nỉ tôi làm Sổ Hồng. Tôi lắc đầu: “Tốn
kém lắm.” “Không, tụi con bỏ tiền ra làm, cô chỉ
ký tên dùm con thôi. Sổ Hồng vẫn để tên cô mà.
Không làm bây giờ, sau này cô
đi Mỹ rồi, tụi con đâu làm được nữa, phiền phức
lắm.” Tôi gọi điện hỏi ý kiến Luật sư. Chương đứng
ra lo dùm, chúng nó chê mắc, muốn tự làm. Suốt
mấy ngày nhỏ Phương chở tôi lên Quận xuống Phường,
bị quay như chong chóng, cuối cùng phải nhờ người
cháu của tôi thôi.
Lại thêm ý kiến ý cò: “Trời
ơi, để chủ quyền trắng cũng bán được nhà, làm Sổ
Hồng mệt lắm, có khi cả năm chưa xong, làm sao
chị đi Mỹ?” Tôi nghe cũng sợ. Chương trấn an: “Mình
có giấy tờ đầy đủ, khoảng 3 tháng là xong. Thời
hạn visa 6 tháng lận, hơn nữa bây giờ bác vẫn chưa
có giấy gọi phỏng vấn mà.” Thế là xúc tiến việc
vẽ lại bản đồ nhà, khai báo đủ chuyện nhưng mà
khỏe, tôi không làm gì cả ngoài việc ký những giấy
tờ Chương đem tới. Đầu tháng 12/ 2010, Chương đến
chở tôi xuống Quận: “Bác nhớ đem giấy tờ nhà bản
chính để nộp.” Tôi bỗng sợ:
“Bản chính à? Có sao không?” “Người ta có biên nhận đàng hoàng mà, bác khỏi lo.”
Quận hẹn ngày lấy Sổ Hồng là 31 tháng 3/ 2011 thì cuối tháng 12, IVS gửi
email về gọi đi phỏng vấn ngày 11 tháng 2 /2011. Thật là thuận buồm xuôi
gió, tôi hào hứng gọi điện cho Bích: “Cô có giấy gọi phỏng vấn rồi. Giờ
phải làm gì?” “Cô cho em số hồ sơ của cô, rồi chờ em.” Một lát, Bích nhắn:
“Cô ơi, em đăng ký cho cô ở phòng khám sức khỏe IOM đường Phạm Ngọc Thạch,
đối diện Nhà văn hóa Thanh Niên. Đúng 7 giờ sáng ngày 24 tháng 1, cô nhớ
nghe. Nhưng trước hết, cô phải đi chích ngừa…” Cô học trò bày vẻ tận tình,
tôi ngoan ngoãn làm theo. Đến phòng khám sức khỏe tuy có bị “hành hạ” một
chút nhưng kết quả rất mỹ mãn, vào phỏng vấn thì duyên may gặp anh chàng
Mỹ dễ thương không hỏi gì cả, chỉ nói một câu tiếng Việt: “Chúc mừng bà”.
Tôi nói lại tiếng Mỹ: “Thank you”.
Thời hạn visa đến 13 tháng 7 /2011. Tôi
lạc quan thầm nghĩ, thời gian thong thả quá. Cuối tháng 3 có Sổ Hồng, tôi
sẽ bán nhà rồi đi Huế, Đà Nẵng… thăm cảnh cũ người xưa trước khi lên đường
sống kiếp tha hương. Gửi tiền cho San Hô –cô cháu gái
làm ở hãng máy bay Cathay Pacific mua vé ngày 15 tháng 5.
Nhưng cuộc đời
nào ai đọc được chữ ngờ! Ngày 28 tháng 2 tôi nhận được giấy gọi, ngoài bì
thư gửi cho con gái tôi: “15
giờ ngày 2 tháng 3, mời bà lên Quận làm giấy Cam kết đã trả thuế đất… ” Tôi nhờ Chương can thiệp, trình tờ giấy Ủy quyền
đóng dấu tòa Lãnh Sự ở Mỹ to đùng, bà cán bộ Quận điện lên Phường nói qua
nói lại một lúc, rồi OK: “Cô về làm tờ Cam kết, photo làm 2 bản, có chứng
thực của Phường.” Tôi về nhà đánh máy tờ Cam kết theo mẫu nhưng đã chiều,
phải chờ đến ngày mai. Nộp tờ Cam kết, lại bị từ chối: “Không chứng được
đâu cô. Phải có chữ ký của con gái cô mới được.” “Ủa, tôi có giấy ủy quyền
mà.” “Đâu? Đưa coi.” Cặp lông mày chổi xể của anh cán bộ Phường nhíu lại
rồi giản ra: “Bác đi photo cho tôi 2 bản giấy Ủy quyền để lưu hồ sơ.” Anh
này chắc cận thị nặng, hết “cô” rồi “bác”, chắc bây giờ mới thấy tôi già!
Không sao, miễn là mọi việc trôi chảy. Chờ thêm một ngày nữa mới tới ngày
tiếp dân. Bà cán bộ Quận hẹn: “Đến ngày 15 tháng 4, mời chị đến nhận hồ sơ.” Trễ quá, chắc không bán nhà kịp, cũng không đi chơi
xa được nữa.
Mất thêm 15 ngày, nhưng Hồ sơ đã chuyển qua phòng Thuế, vẫn
chưa trả về. Lại chờ, chờ đến cuối tháng thì được trả lời: “Qua lễ mới làm
việc.” Lễ ở đây là 30 tháng 4 và mồng 1 tháng 5, công nhân viên được nghỉ
4 ngày. Lại sốt ruột đợi, qua ngày 5, phòng Thuế dội xuống một gáo nước
lạnh: “Có sai sót về quyền sở hữu, phải điều chỉnh lại.” Gọi điện cho San
Hô dời lại ngày bay qua tháng 7. Nó trả lời liền: “O ơi, vé tháng 7 mắc
lắm, phải bù tiền.” Đành chịu chớ biết sao. Thôi thì Trời cho bao nhiêu
được bấy nhiêu.
Ngày 17 tháng 5, tôi có được Sổ Hồng sau khi đóng thuế đầy đủ. Gọi điện
cho Phương, nó hẹn: “Cô
cứ ở đi, con đang gom tiền, ngày 8 tháng 6 mình lên phòng Công Chứng được
không cô.” Chưa tới ngày hẹn, hai vợ chồng nhỏ
Phương đến nhà, nói như đuổi: “Cô chưa dọn nhà sao?” “Chồng tiền xong cô
mới đi.” “Không được cô ơi, cô phải giao nhà, con mới chồng tiền chớ.” Cãi
qua cãi về một lúc, thôi đành chào thua: “Thôi được, ngày 8 nhớ ra Công Chứng nghe chưa.”
Sau khi nhận đủ tiền bán nhà chuyển vào tài khoản, tưởng sóng gió đã yên,
nào hay, mưa chưa tạnh hẳn. Thứ nhất, Ngân Hàng không chịu đổi trực tiếp
tiền VN sang Đô la, mà bắt phải rút tiền ra mua Đô la ngoài. Có gan cóc
tía tôi cũng không dám! Dạo này, thành phần bất hảo lảng vảng tại các ngân
hàng nhiều đến mức báo động. Thủ đoạn của chúng thật bài bản và tinh vi.
Đơn giản thôi. Chúng đi từng nhóm, một tên ăn mặc lịch sự vào ngồi nơi hàng
ghế chờ, kín đáo quan sát những khách hàng đang làm thủ tục rút tiền. Nếu
thấy khách hàng nào rút nhiều tiền, hắn sẽ điện thoại ra cho đồng bọn, mô
tả hình dáng, áo quần, đặc điểm của “con mồi”, thế là chúng đi theo kèm
sát và tìm cơ hội giựt dọc. Bọn này rất liều mạng, có khi nạn nhân bỏ tiền
trong cốp xe, vẫn bị chúng ép té, rồi xông vào cướp như giữa chốn không
người. Thứ hai, đi Mỹ chỉ đem được 7000 Đô la và Ngân Hàng chỉ nhận chuyển
10.000 Đô la mà thôi, vậy số Đô la còn lại biết tính sao đây? Tôi không
dám gửi tiền chui, mà có muốn gửi cũng bị nhiều người ngăn cản, lý do nghe muốn nổi da gà:
Tiền gửi chui là tiền không số, nên không mua được xe, được nhà, mà chỉ
để đi chợ và siêu thị mà thôi.
Dông dài đã hơn 4 trang, nếu kể thêm chi
tiết, chắc phải mất vài trang nữa. Sợ mỏi mắt các bạn, nên xin tóm tắt phần
cuối. Tiền hung hậu cát. Tôi nhờ quí nhân giúp đỡ, mọi chuyện đều xuôi chèo
mát mái. Bây giờ thì có thể thở phào nhẹ nhỏm. Chuyện bé như hột é!!!
2.
Những Người Ở Lại
Tôi
không còn thời gian trở về Huế để thăm họ hàng
nội ngoại cùng những con đường kỷ niệm tuổi thơ
…
Ôi những mùa
Xuân thơ ấu xưa,
Reo vui mứt bánh đón giao thừa,
Bên Me hái lộc mừng năm mới,
Áo tím đan hoa trẩy hội chùa…
Tôi cũng không thể ra Đà Nẵng gặp bạn bè của một thời Phan Châu Trinh hồn nhiên
tươi trẻ: những Kim Oanh,Yến Loan, Lê Thị Trang, Như Hảo… bây giờ đã là bà
nội bà ngoại… nhưng khi gặp nhau vẫn vui đùa nghịch ngợm như ngày nào còn
cắp sách đến trường…
Thương vô biên những con đường Đà Nẵng,
Buổi học về im bóng lá Quang Trung…
Nhớ ngày rời trường đi xa trọ học, tôi đã viết
những dòng thơ:
Thôi xin giã từ mây trời thành phố
Hàng me nghiêng nghiêng ôm bóng Bạch Đằng
Mai này xa xôi vọng về quá khứ
Ghế đá ngậm ngùi tâm sự giá băng…
Ở Sài Gòn, tôi cũng có nhóm bạn Phan Châu Trinh
vừa mới gặp lại khoảng 6, 7 năm nay. Khi
đó, chúng tôi đều trên dưới 60 năm cuộc đời
rồi,
có người mạnh khỏe,
có người yếu ớt, cũng có người đang mắc bệnh nan y… Nguyễn Văn Vượng, Nguyễn
Phước Đãi, Phạm Ngọc Chấn, Phạm Ngọc Lâm, Huỳnh Bá An, Diêu Đức Châu, Lê
Tự Rô, Nguyễn Luyến, Diễm Dương, Hồ Thị Hồng,
Quỳnh Cư, Phước Khánh, Trần Thể Sâm, Kim
Hài và tôi. Thường thường, mỗi tháng gặp nhau tán dóc một lần … nay nhà
người này, mai nhà người khác hoặc trong
các quán cà phê sân vườn, nhà hàng, quán
Karaoke… lâu lâu, có bạn bè từ nước ngoài
về
(Bích Lan, Lạc Giao, Phạm Thị Duyệt,Thục
Nhi, Hồng Vân, Mai Xuân Lương,Tôn Thất Toản…), hay ở Đà Nẵng vô (Lê Thị
Trang,
Yến Loan…) nhập bọn cà phê cà pháo, ăn uống vui chơi, có khi còn tổ chức
đi xa như Long An, Vũng Tàu… thấy tuổi đời
như
trẻ lại. Thời gian qua, nhiều người
rời nhóm đi xa (Lê Tự Rô, Diêu Đức Châu, Nguyễn Luyến, Quỳnh Cư) và Phước
Khánh cũng đã đi Mỹ định cư hơn một năm nay.
Giờ nhóm chúng tôi vẫn duy trì
nhưng chu kỳ họp thưa dần vì càng già càng lười di chuyển, tỉ lệ thuận
với tình trạng sức khỏe, nay ốm mai đau.
Kim Hài email: “Bạn
bè muốn tổ chức tiệc chia tay mi đó.” Tôi reply: “Thôi chia tay chia
chân làm chi.” Nhưng ra đi lặng lẽ không
phải là tính cách
của tôi.
Nên sau vài ngày thư giãn ở nhà Nguyên –cô em gái, tôi gọi điện nhờ
Kim Hài triệu tập nhóm ông già bà lão Phan
Châu Trinh đi ăn sáng uống cà phê
đấu
láo một bữa
trước khi lên đường. Không dừng ở đó, tiếp theo là tiệc sáng, tiệc
trưa, tiệc chiều… mỗi bạn mời tôi một lần
nên suốt tuần ăn uống no say(nhưng
vẫn không
quên uống thuốc và đo tension mỗi ngày). Vui nhất là hôm ăn phở ở quán
Đoàn Viên,
xuất hiện một nhân vật mới toanh. Cô bạn này lập nghiệp ở Cần Thơ,
chưa bao giờ họp mặt với nhóm , nhưng thỉnh
thoảng lên Sài Gòn có ghé thăm tôi.
Hơn
40 năm
trôi qua như giấc mộng, bạn bè không ai nhận ra, sau một hồi đoán già
đoán non, những tiếng kêu cùng òa vỡ: “Trân
Châu!” Vui quá, vậy là xúm nhau
hỏi câu nọ
xọ câu kia, toàn chuyện trên trời dưới biển làm cô bạn vừa đẹp vừa
học giỏi ngày xưa của tôi không kịp trả
lời.
Khi ra về, Trân Châu rủ tôi đi siêu thị Đinh Tiên Hoàng. “Ái
thích gì? Châu mua.” Tôi chỉ vào căn tin: “Châu mua kem trái dừa đi.” Châu
che miệng
cười
(vẫn giống
như ngày xưa): “Không phải, Châu muốn mua cho Ái một vật kỷ niệm, để
qua bên đó Ái nhớ tới Châu hoài.” À ra thế. Tôi vờ ngắm cửa hàng nữ
trang lấp
lánh,
nheo mắt: “Vậy mua cho Ái… chiếc nhẫn hột xoàn được không?” Chợt nhớ
ra Châu không
phải là người thích đùa, tôi nói: “Giỡn đó”, rồi chỉ cây kẹp có đính
hai đóa hồng mầu nâu: “Châu mua cho Ái đi, Ái sẽ diện khi lên máy bay”
Tôi có hai nhóm học sinh rất dễ thương. Đó là nhóm học sinh cũ trường
QGNT hình thành từ năm 1990, gồm một số em cùng một vài thầy cô mới
tìm lại
được sau thời
gian lưu lạc khắp nơi. Ban đầu chỉ trên dưới 10 người, nhưng dần dà,
em này gọi em kia… đến bây giờ sĩ số lên đến bốn năm chục, phần lớn
là các
em những
khóa
đầu tiên . Dù bây giờ, tóc các em đã muối tiêu lẫn lộn, đã lên chức
ông bà nội ngoại nhưng trước mặt thầy cô, các em vẫn kính cẩn ân cần,
một lòng
tôn
sư trọng
đạo. Mỗi năm, cô trò gặp nhau vào ngày 20 tháng 11, tặng quà lưu niệm
rồi cùng hát hò, ăn uống, tâm sự vui vẻ bên nhau… Qua thế kỷ 21, nhóm
càng
đông thêm,
các em đến với tôi nhiều hơn qua những buổi đi ăn sáng, uống cà phê,
nghe nhạc, hát Karaoke… làm cho tình cảm cô trò thêm gắn bó: Thanh
Giang, Phạm
Tiến Dũng,
Linh Diệu, Ly Hương, Nguyễn Sỹ, Ngãi, Trịnh Thuận, Cao Hưởng… các em
dự định làm một Đặc san kỷ niệm ngày tôi đi, lấy tên là Ngôi Trường
Ký Ức,
sẽ phát
hành vào ngày 20 tháng 11 năm tới.
Thứ hai là nhóm học sinh cũ trường Phan Thanh Giản. Nhớ nhất là nhóm
Tú tài IBM thường hay đi chơi với tôi như Diệu Bích, Nguyễn Tuấn, Nguyễn
Văn
Hải,
Hà Nga,
Mai Nguyễn, Mai Trần… Đặc biệt có em Trần Thị Lưỡng ở Đà Nẵng, 20 tháng
11 nào cũng gửi thiệp chúc mừng. Nghe tin tôi sắp đi, em gửi vào tấm
khăn len
với hàng
chữ: “Khi
cô quàng vào, đó là vòng tay em ôm cô đó, cô ơi.” Nghe sao
ấm lòng.
Người buồn nhất lúc này chắc là Mai Hoa. Mai Hoa dạy QGNT nhiều năm
hơn tôi, gần gũi thân thiết với học sinh hơn tôi, sinh hoạt ngoại khóa
trong
trường
nhiệt tình hơn tôi… Hồi đó, tôi chỉ xem Hoa như đồng nghiệp, đứa dạy
buổi chiều, đứa
buổi sáng nên rất ít gặp nhau… cho đến sau 1975, trường đóng cửa, cô
trò phân tán, tình cờ tôi gặp Mai Hoa tại Sài Gòn.
Hai đứa bỗng trở nên tâm đầu ý hợp vì có nhiều điểm tương đồng:
-Không hộ khẩu.
-Mất dạy (không còn là cô giáo nữa)
-Cùng yêu thích Văn học Nghệ thuật (một nhu cầu “xa
xỉ” giữa một đất
nước còn thiếu thốn đủ điều).
Giống như trong bữa cơm không thịt cá thì ăn đậu hũ, thiếu gạo thì
độn thêm sắn khoai, rau muống luộc… miễn là nguôi cơn khát đói. Cho
nên hai
đứa không
hề bỏ
qua một sự “hưởng thụ” nào. Tìm đọc cho được một bài báo, một cuốn
sách hay cho dù trang giấy in đen thui, chữ nhập nhòe muốn chóng mặt,
rồi còn
đi xem
phim,
bất cứ phim gì, thượng vàng hạ cám, trong những rạp xuống cấp cũ kỹ,
tường vách loang lổ, nệm bọc rách nát, một dãy ghế chỉ còn vài cái
nguyên lành…
Những đêm
ca nhạc tại các tụ điểm, các nhà văn hóa… thường thấp thoáng bóng dáng
hai người bạn không còn trẻ nhưng trái tim vẫn mãi tuổi đôi mươi.
Không có gì thú vị bằng khi xem một vở kịch, một bộ phim… hay khi đọc
một cuốn sách, một bài báo… có người bạn bên cạnh cùng chia sẻ, cảm
thông.
Giữa Thùy
An và Mai Hoa có một sự đồng cảm. Và sự đồng cảm đó trải qua nhiều
thăng trầm vẫn
được nuôi dưỡng cho tới bây giờ –ngưỡng cửa U70. Lúc này, tâm hồn đã
lắng xuống, không còn thích những chốn ồn ào náo nhiệt nữa, đôi bạn
già tìm
đến một chốn
yên vui khác, đó là… những quán cà phê. Tùy theo trọng lượng túi tiền,
hai đứa có thể hào phóng ghé Du Miên, Đồng Dao… ngắm nhìn hoa lá bên
giòng suối
róc rách
nhân tạo, hoặc khiêm nhường hơn: những quán cóc ven đường… Ấn tượng
nhất là ngôi quán nhỏ bên hông chợ Trần Hữu Trang, chủ nhân lịch sự,
cà phê
ngon, rẻ
và đặc
biệt là nhạc hay, đúng “gu” của hai đứa. Chính tại quán này, chúng
tôi có những câu chuyện lan man không đầu không cuối, xoay quanh mọi
lãnh vực
văn
học, điện
ảnh, ca nhạc, truyền hình… kể cả những scandal của các nghệ sĩ trẻ
bây giờ (nói cho vui thôi, không phê bình, không chê bai, không lên
án)… Cuộc vui
nào cũng có lúc tàn, như những dòng chữ Mai Hoa viết cho tôi: “… và
khi Thùy An ở trời Tây, Mai Hoa ở trời Đông, khoảng cách không gian
giữa hai
đứa mình
xa vời vợi và khoảng cách thời gian chỉ còn ngồi đếm đợi tháng năm
ngày.”
3. Chuyến Bay Bão Táp
Ngôi nhà nhỏ chất đầy đồ đạc, nhìn vào rối tung cả lên. Nhiều nhất là sách. Người ta nói, ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà. Câu này không đúng trong trường hợp của tôi vì mỗi lần dọn nhà, bàn ghế tủ giường có thể vứt bỏ, nhưng sách thì không. Theo thời gian, sách càng lúc càng nhiều, mua có, bạn bè tặng có… thiếu chỗ, phải xếp chồng chất lên nhau, vậy là mua thêm tủ, đặt thêm kệ, khiến diện tích nhà càng thu hẹp.
Ra đi, không biết nên đem theo sách gì? Suy nghĩ muốn nát óc, tôi quyết định, ưu tiên là tác phẩm của mình, rồi những tập thơ, tập truyện ngắn chung nhiều tác giả. Xếp hết vào thùng giấy, thấy không ổn chút nào. Nặng quá. Lại nghĩ, những cuốn sách này chỉ có giá trị kỷ niệm, phần lớn đã được post lên mạng rồi, để lại Việt Nam còn có người quan tâm, tha hương theo tôi chỉ có nước nằm dí trong tủ chờ ngày cùng tôi về cõi bên kia mà thôi. Tốt nhất là gửi hết qua nhà cô cháu gái để sau này con cái, cháu nội cháu ngoại của nó đọc mệt nghỉ. Vậy là yên tâm phần nào cho những đứa con tinh thần của mình.
Những cuốn còn lại, đâu phải là đồ bỏ đi, toàn sách quí như Hán Sở Tranh Hùng, Tam Quốc Chí, Sử Ký Tư Mã Thiên…, loạt truyện trinh thám của Aghata Christie, Haley Chase… những cuốn sách văn học nổi tiếng thế giới, tự điển về Điển tích, về Tôn giáo, về… vô số lãnh vực, kể đến hết ngày cũng chưa xong, chỉ biết là rất nhiều… nhưng không nỡ bán ve chai. Phải chọn mặt gửi vàng thôi. Tôi gọi điện cho Song Phạm –nhỏ bạn thân của con gái. Cô này vừa là nhà thơ, nhà văn, lại đang là phóng viên báo SGGP, tôi tin là những cuốn sách của mình đã có chốn nương thân. Cô nhỏ đến liền: “Cô yên tâm. Con đem hết về tủ sách nhà con, cần cuốn nào, cô kêu một tiếng, con đem qua cho cô.”
Tưởng đã yên, nào hay chưa trọn, món nợ ân tình với quê cha đất tổ vẫn luôn quấn quít như sợi dây tơ hồng lưu luyến bước người đi. Đó là một “núi” album để lại từ hồi tôi chưa sinh cho đến khi lớn lên, học hành, ra đời ba chìm bảy nổi… Suốt một tuần tôi trôi trên dòng sông hoài niệm qua từng trang ảnh cũ…
Đây là hình ba mẹ tôi hồi mới cưới vào những năm 30, thời của Tự Lực Văn Đoàn, ông mặc veston trắng, bà tóc vấn trần, áo dài nền nã, vai phủ khăn san khiến tôi nhớ đến lời bài hát rất dễ thương của Đoàn Chuẩn: “…Em tôi đi mầu son lên đôi môi, khăn san bay lả lơi trên hai vai, trời thắm gió trăng hiền, Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên…”
Rồi đến những tấm hình năm tôi lên 6, 7 tuổi, học trường dòng Mai Khôi Huế. Hồi đó, ba tôi là công chức nhưng rất say mê nhiếp ảnh. Những ngày đẹp trời, ông thường dắt tôi đến những danh lam thắng cảnh trong thành phố, cho tôi làm “người mẫu nhí” để hoàn thành những tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo… sáu mươi năm qua, nước ảnh đã mờ nhạt, nhưng vẫn còn nhận ra cô bé mặc áo đầm làm duyên bên cảnh đền đài lăng tẩm, Cầu Tràng Tiền, bến Thương Bạc, biển Thuận An… ấn tượng nhất là con đường đất đỏ ngang qua bến nước sau nhà bà vú tôi với những rẫy cà chua sai trái, giàn mướp rực hoa vàng, đám lục bình trôi nổi và những con chuồn chuồn ớt bay lượn khắp nơi… ( hình rửa xong mới tô màu). Tôi vẫn nhớ mãi con đường tuổi thơ, nơi ghi dấu bao kỷ niệm từng bước nhỏ vào đời… gần đây, báo chí vừa loan tin, con đường ấy ngày nay đã được tráng nhựa khang trang, trở thành nơi hẹn hò nam thanh nữ tú với những quán cà phê sân vườn đẹp đẽ và đặc biệt, được mang tên một nhạc sĩ nổi tiếng tài hoa. Năm 11 tuổi, tôi theo gia đình vào Đà Nẵng, lại được tiếp tục hiện diện bên những cảnh đẹp được ghi hình qua ống kính của ba tôi: Non Nước, Tiên Sa, Mỹ Khê, Cổ Viện Chàm, Tòa Thị Chính trên đường bờ sông rợp mát bóng cây…
Lớn lên một chút, tôi lại có những tấm hình chụp cùng bạn bè dưới mái trường Phan Châu Trinh suốt 7 năm Trung Học: những buổi tiệc tất niên, những đêm cắm trại giữa rừng thông trăng sao vằng vặc, bên ánh lửa hồng đậm đà tình thầy cô, bè bạn, tiếng hát trầm ấm của nhỏ bạn ca sĩ ngày xưa vẫn chưa phai mờ trong ký ức… Chập chờn trước mắt là ánh lửa soi, chập chùng sau lưng là non là núi… lửa hồng ơi, đời người thanh niên là ánh lửa soi, lửa đời đốt cháy buồn bã sầu ai… lửa hồng ơi…
Hình chụp trong Studio cũng nhiều, đủ dáng (đứng, ngồi, nghiêng, thẳng…), đủ kiểu (áo đầm, áo dài, áo kiểu, áo kimono, áo tứ thân Bắc kỳ…), với đạo cụ muôn hình muôn vẻ (khi thì ôm đàn guitar, đàn tranh… khi thì tươi cười bên pho tượng nhạc sĩ Chopin, tượng các mỹ nhân Nhật bản… hoặc điệu đàng với chùm cây San Hô, đèn lồng Thượng Hải…) bên dưới in nổi hình logo của những tiệm ảnh nổi tiếng thời bấy giờ: Lyly, Huỳnh Sau, Lê Hậu …
Những tấm hình chụp với người yêu ở chùa Thiên Mụ gợi nhớ lại kỷ niệm với Tuyết –cô bạn thân hồi tiểu học. Tôi vẫn chưa quên nét mặt thảng thốt của nó: “Trời ơi, mi điên rồi. Răng mi lại chụp chung ở chùa ni? Xui lắm.” “Xui chi?” “Mi không biết à, mười cặp thì không thành hết chín.” May mắn thay, chúng tôi là cặp thứ mười.
Những tấm hình màu tiếp nối những hình đen trắng. Nhớ hồi Sài Gòn có phim màu, bao nhiêu tiền lương tôi đều nộp hết cho ông anh bà con hành nghề phó nhòm để có những tấm hình sắc màu rực rỡ: Thảo Cầm Viên, Tao Đàn, chợ hoa Nguyễn Huệ, bãi biển Vũng Tàu, rừng thông Đà Lạt… Hôm đám cưới, ông anh khuyến mãi 3 cuộn phim màu, gửi qua Mỹ rửa để nước màu được bền và đẹp hơn. Quả thật, gần bốn mươi năm qua, những gương mặt trong hình vẫn tươi xinh rười rượi dù bây giờ đã kẻ ở người đi.
Rồi đến hình con, cháu… ngồn ngộn trước mắt, có mang theo hết không? Suy nghĩ muốn điên đầu vẫn chưa tìm được câu trả lời. Thôi, trước hết hãy gỡ tất cả ảnh ra, phân loại theo thời gian, còn xác album đem bán ve chai. Làm chưa được nửa phần, tôi lăn ra ốm. Không biết đau gì mà thân hình mệt mỏi, tay chân rã rời, đầu óc mông lung… Cô em ghé chơi, thấy tôi đang vật vờ bên đống ảnh, bèn sà xuống: “Bà nghỉ đi, để tui làm cho.” Hơn hai ngày mới xong. Cô em bàn: “Nên đem hình con cháu qua cho tụi nó, còn hình kỷ niệm để lại, tui giữ cho. Lần sau về rồi tính.” Nghe nói nhẹ cả lòng. Hình con cháu gửi về bằng email, tôi cứ in ra cho bà con bạn bè xem, suốt mười năm trời, giờ chất đầy một túi lớn, chiếm một góc va li, thôi kệ, quyết định như vậy đi.
Còn lại bàn ghế tủ giường, son nồi chén bát, tivi, tủ lạnh, lò viba, máy vi tính… thì khỏi lo, bạn bè đặt cọc hết rồi. Trước ngày ra công chứng, xe ba gác đến nhà chở vài chuyến là xong.
Khi sắp xếp hành lý, tôi không lường trước trọng lượng, cứ cho là đủ, không hề nghĩ đến chuyện phải đi mượn một cái cân. Tôi có hai nhỏ cháu –San Hô và Bé, đều làm việc ở hãng máy bay nước ngoài. Nhỏ chị –Cathay Pacific, nhỏ em –American Airlines, suốt ngày lên mạng tìm kiếm cho tôi một chuyến bay tốt đẹp nhất ( quá cảnh ít mất thời gian nhất, và phi trường đầu tiên tôi đến Mỹ phải ngay chỗ tôi định cư), vậy mà chúng nó không hề nhắc tôi chuyện này, để hậu quả hành lý dư đến 23 kg, tốn một mớ tiền. Nhưng chuyện không quan trọng bằng sự việc xảy ra tiếp theo, chẳng khác chi cuốn phim hành động mà diễn viên chính là ba cô cháu chúng tôi.
Tôi mua vé hãng QATAR airways, quá cảnh ở Doha xong bay trực tiếp về Houston, thuận lợi quá còn gì. Làm thủ tục xong, tôi cầm 2 tấm vé ra cửa máy bay, một từ Tân Sơn Nhất và một từ Doha. Nhìn tờ giấy trên tay tôi, San Hô nói : “O Ái đến cửa số 15 nè.” Nhỏ Bé phụ họa: “Để Bé dẫn đi.” Tôi hỏi: “Chừ O phải vào phòng cách ly một mình hả?” “No, no… tụi con quen hải quan sân bay, sẽ cùng vào và đưa O đến tận cửa máy bay. Yên tâm.”
Cửa số 15 ở cuối hành lang. Hành khách kẻ đứng người ngồi, sao thưa thớt quá. Không có mụn Việt Nam nào, cũng không có người Âu, chỉ toàn mắt hí. Ba O cháu ngồi xuống băng ghế dài đối diện cửa 15, bắt đầu tám chuyện trên trời dưới biển. Con gái tôi gọi về: “Chị San Hô, mẹ em đến phi trường chưa?” “Yên tâm. Mẹ em hoàn toàn OK”. Đêm dần khuya.
Tôi xem đồng hồ: “Ủa, gần 11 giờ rưỡi rồi, sao chưa cho lên máy bay?” Hai nhỏ cháu vẫn lạc quan: “Yên tâm, từ từ, không sao.” Một lát, tôi dợm đứng lên, nhỏ cháu kéo xuống: “Yên tâm đi mà...” Bỗng tiếng loa phóng thanh nghe vang dội: “Yêu cầu bà Nguyễn… đến cửa số 19, máy bay sắp cất cánh. Yêu cầu…”. Tôi giật thót mình. Tên tôi kìa, vang dội khắp không gian tĩnh lặng. Tôi hét lên: “Bé, San Hô… cửa số 19… không phải đây…” Tôi đứng bật dậy, loạng choạng suýt té. Hai nhỏ cháu cũng tái mặt, đứa lo lắng: “O ơi, có sao không?” Đứa tròn mắt: “Chết cha, lộn cửa! .”
“Hai con khỉ, lúc nào cũng yên tâm, yên tâm.” Tôi buông rơi túi xách, hai đứa cháu đỡ lấy rồi cùng nắm tay tôi, cả ba chạy thục mạng qua những dãy hành lang rộng xa tít mù. Hai chị em vừa chạy vừa hỏi những hành khách đi ngược chiều: “Cửa số 19 ở đâu? ở đâu?” Cục tức trào lên làm tôi nghẹt thở. Trời đất, tưởng hai đứa cháu làm trong ngành hàng không thì phải rành rỏi đường đi nước bước trong phi trường, nào ngờ chúng cũng mù mù cạc cạc như tôi, nhìn lộn tấm vé đi Houston thay vì đi Doha!
Chạy, chạy mãi… tôi tụt ra đằng sau, thở không ra hơi, tim muốn ngừng đập. Một cô nhân viên phi trường hình như đang tìm tôi, từ xa chạy đến: “Mau lên bác, cố gắng lên bác.” Hai đứa cháu quay lại đỡ tôi: “O ráng lên, ráng lên… cửa 19 kia kìa”.
Cửa máy bay mở rộng quay mòng mòng trước mắt. Tôi khuỵu chân xuống, ngã vào vòng tay chàng tiếp viên đồng phục trắng. Có ai nói bên tai: “Bác bình tĩnh, vẫn còn kịp bác à.” Hình như tôi biến thành tượng đá.
Houston tháng 8/ 2011