Hồi nhỏ, tôi rất thích chưng hoa trong ly nước lạnh để trên bàn học. Hoa gì cũng được, từ những thứ có sẵn trong vườn như chùm bông giấy, nhánh dâm bụt, cành tigôn… cho đến hoa bán ngoài chợ như lài, cúc, hồng nhung, cẩm chướng…
Không phải hoa nào cũng thơm, nhưng mỗi lần ngồi vào bàn học, soạn sách vở ra, tôi luôn cảm nhận một mùi hương nhè nhẹ lan tỏa trong không gian, làm tươi mới trí óc, sảng khoái tinh thần, có thể vì vậy mà tôi mau thuộc bài chăng?
Mỗi độ xuân về, nhà tôi tràn ngập hoa tết. Mai, cúc, thược dược, mãn đình hồng… xanh mát hiên ngoài. Thủy tiên, anh đào, glaieul… rực rỡ không gian phòng khách. Lúc này, tôi cũng vừa thi xong học kỳ 1, rảnh rang không biết làm gì, nên thường chọn một cành glaieul đem về phòng, cắm trong chiếc ly cao cổ, suốt ngày ngắm nghía, ví von. Ở độ tuổi mới lớn, tôi hay so sánh tuổi xuân con gái như những đóa glaieul tươi thắm mọc theo thứ tự trên phác hoa, bên dưới là những đóa nở rộ, càng lên cao càng khép cánh non tơ. Cô A hai lăm tuổi là đóa hoa dưới cùng, chị B hăm ba là đóa tiếp theo, đóa thứ ba là chị C vừa hai mươi… và vui vui thầm nghĩ rằng tuổi 15, 16 mình trẻ nhất, đẹp nhất, chẳng khác gì những nụ hàm tiếu trên chót cành còn lóng lánh sương mai.
Những năm tiếp theo, chương trình học đè nặng lên vai. Thi, thi… và thi… bán phần, toàn phần, đại học… Gạo, gạo… và gạo…thức khuya dậy sớm dùi mài kinh sử, một ngày ngủ vài tiếng đồng hồ, mặt mày hốc hác, nhan sắc tàn phai. Nhớ đến vở nhạc kịch “Mùa Thi” của ban hợp ca Thăng Long : “Thi ơi là thi, sinh mi làm chi. Bay! Nghẹn ngào. Bám! ồn ào. Buồn vui vì mi.”, sao mà nghe thấm thía.
Giã từ trường lớp, bạn bè... dấn thân vào đời, bươn chải mưu sinh, tôi không còn thời gian mơ mộng nữa, khái niệm “tuổi xuân” trên những cánh hoa glaieul của những mùa tết năm nào đã mờ khuất dưới lớp bụi thời gian.
Cho đến một ngày, bạn bè con gái đến nhà, vòng tay chào: “Thưa bác… thưa bác…”. Tôi bỗng giật mình, nhìn vào gương, thấy đuôi mắt in dấu chân chim, da trổ tàn nhang, tóc muối tiêu pha trộn. Ôi, tuổi già đến mau vậy sao? Gần như bị sốc, suốt một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên, lòng tiếc nuối bâng quơ thời áo trắng học trò.
Đó là nói chuyện hai chục năm về trước, giờ nghĩ lại, thấy buồn cười. Mình không chịu già thì con cái làm sao lớn được? Bây giờ thì tôi không còn dị ứng với tiếng xưng hô nữa. Lên xe bus, đám trẻ nhường chỗ: “Dì ngồi đây đi dì.”. Vào hiệu sách, cô bán hàng vồn vã: “Bà chọn loại sách nào ạ?”. Ra chợ, chị bán rau mời: “Má, mua dùm con đi má…”, các cô gái 18, 20 còn gọi tôi là “bà bác, bà ngoại”, vẫn thấy bình thường, còn vui nữa vì chưa nghe ai kêu mình là “bà cố.”
Bước qua tuổi chạng vạng, đau lưng, nhức mỏi là điều không tránh khỏi. Mới thấy giá trị của 4 chữ “sức khỏe là vàng”, suốt ngày nơm nớp sợ bệnh nên kiêng đủ thứ, không dám thưởng thức trọn vẹn một bữa ăn ngon, vậy mà vẫn không tránh khỏi “3 cao và 1 thấp” (cao đường, cao huyết áp, cao cholesterol, thấp khớp). Lại nhớ đến bốn câu thơ của chị Tôn Nữ Hỷ Khương:
Đến tuổi này không đau mới lạ
Chuyện ốm đau là chuyện bình thường
Chỉ cầu xin Phật độ Trời thương
Đau nhè nhẹ –tai ương đừng vướng.
Ở tuổi nào cũng có những niềm vui riêng. Chỉ cần có sức khỏe thì đây là thời gian rảnh rỗi để hoàn thành những ước mơ mà thời tuổi trẻ vì cơm áo gạo tiền không thể thực hiện được. Trong số bạn bè tôi, có người thích đi tham quan những cảnh chùa, tìm an bình trong kinh kệ, trong những bài thuyết pháp của các bậc cao tăng… Có kẻ ngày này qua tháng nọ, đem lương thực, áo quần… theo những phái đoàn cứu trợ giúp đỡ bà con nghèo tận các vùng sâu, vùng xa. Một vài người tâm hồn phóng khoáng hơn, họ bắt đầu viết văn, làm thơ, sắm máy ảnh xịn tập làm phó nhòm hoặc đi học vẽ, học thư pháp…
Riêng tôi, đi du lịch là điều có lý nhất. Mấy năm trước, tôi cũng đã từng về miền Tây thăm hòn đảo Ngọc, đi ngắm bình minh trên biển Nha Trang, ra Hà Nội thăm hồ Gươm, tìm lại hình ảnh quen thuộc của ba mươi sáu phố phường trong Tự Lực Văn Đoàn thời tiền chiến… Muốn phiêu du qua Mỹ một chuyến nhưng thi rớt phỏng vấn hai lần nên đành chịu. Bây giờ, bạn bè rủ đi các nước Đông Nam Á chơi thì không đủ sức khỏe nữa rồi. Bệnh thì không nhiều, nhưng đi bộ lâu sợ đau chân, không theo kịp phái đoàn thì biết tính sao?
Ở tuổi trên dưới sáu lăm, bạn bè tôi còn nhiều người rất khỏe mạnh, chẳng những đi du lịch nước này nước nọ, mà có người còn đi cả vòng quanh thế giới!!! Minh Châu và Thu Hà qua tận Washington xem hoa anh đào nở gửi hình về đẹp quá, Bích Quân email kể chuyến du hành thú vị trên biển Baltique, từ Phần Lan (Finlande) qua Thụy Điển (Suède)… và đến cả với cung điện mùa đông của đất nước Nga huyền bí.
Thích quá nhưng biết làm sao đây. Yếu không dám ra gió, đành ngồi ở nhà du lịch theo cách của mình vậy. Ti Vi bây giờ có kênh “Du Lịch và Cuộc Sống”, bật lên là được tham gia bao chuyến du hành thú vị. Ngoài những cảnh đẹp đổi thay theo bốn mùa xuân hạ thu đông, khán giả màn ảnh nhỏ còn được gặp gỡ nhiều nền văn hóa khác nhau, được ngắm nhìn những kiến trúc hoành tráng, những di tích lịch sử … khắp mọi miền thế giới, từ các xứ sở nhiệt đới đến nơi băng tuyết lạnh lùng…
Dĩ nhiên là du lịch bằng mắt không hấp dẫn bằng đến tận nơi, nhìn tận mắt, vận dụng tất cả giác quan để hòa mình cùng thiên nhiên, tham dự những phong tục tập quán của nhiều nền văn hóa khác nhau như câu chuyện Quỳnh Chi kể về một nghi thức cúng dường thực phẩm cho các nhà sư ở Lào sau chuyến đi tour qua Đài Loan và Lào trước khi ghé Việt Nam: “trời còn tờ mờ sáng, hai chiếc xe tuk tuk đã đến đón chúng mình tại khách sạn, đưa đến một địa điểm ven đường, nơi mà từng đoàn sư áo vàng sẽ đi khất thực vào lúc trời chưa sáng tỏ. Một số người trong đoàn du lịch là Phật tử, đã hoà đồng cùng người dân bản xứ, sắp sẵn một số thực phẩm cúng dường gồm xôi, bánh, hoa trái và một số tiền, đứng hoặc ngồi lặng lẽ chờ đoàn sư đến như là một cách để thể hiện lòng tôn kính của mình…”
Viết xong 12/ 04/ 2010
THÙY AN