Vài Nét Sơ Lược Về Trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng
Trường trung tiểu học tư thục PTGĐN được xây cất sau hiệp định Genève (1954). Giám Đốc sáng lập là ông Nguyễn Giá Chánh , một nhà thầu về địa ốc ở Đà Nẵng.
Trường khai giảng niên khóa đầu tiên năm 1955 gồm các lớp tiều học và trung học đệ nhất cấp (lớp 6 đến lớp 9).
Ban đầu trường chỉ có một dãy nhà trệt và một dãy lầu 2 từng cất song song nhau ở số 21 Lê Lợi Đà Nẵng (địa chỉ trước 1975).
Có rất ít người biết là trường có một chi nhánh tiểu học tọa lạc tại số 71 Triệu Nữ Vương (nằm ở góc đường Triệu Nữ Vương và đường Trần Kế Xương); chi nhánh này do thầy Châu và cô Mai phụ trách gồm có các lớp từ mẫu giáo đến lớp 3 và chỉ hoạt động trong vài năm thì đóng cửa.
Về sau, vì số học sinh theo học càng ngày càng đông, nên ban giám đốc trường cho xây thêm một tầng lầu đối diện văn phòng trường và một dãy nhà trệt như một gạch nối giữa hai tầng lầu và mở thêm các lớp trung học đệ nhị cấp (lớp 10-12).
Vị hiệu trưởng đầu tiên là ông Nguyễn Thúy. Những vị hiệu trưởng kế tiếp là quý ông Tôn Thất Dung, Lê Chí Vịnh, Vĩnh Linh, Lê Quang Văn và vị hiệu trưởng cuối cùng là cô Đào Lan Phương.
Thành phần giáo chức gồm nhiều thế hệ. Đã có những cựu học sinh PTG đã trỡ về dạy tại trường. Với sự kết hợp kinh nghiệm của những thầy cô lớn tuổi và sự hăng say nhiệt tình của những giáo sư trẻ, trường PTGĐN có một sắc thái đặc biệt.
Về văn hóa, học sinh PTG đã đạt được những thành quả đáng kể trong các kỳ thi trung học và tú tài. Có rất nhiều người đã đậu ưu hạng hoặc tối ưu trong các kỳ thi tú tài 1 và 2.
Là một tư thục, nhưng trường PTGĐN đã đặt vấn đề giáo dục lên hàng đầu. Trường đã cấp nhiều học bổng cho những học sinh học giỏi nhưng thuộc những gia đình có lợi tức thấp, những gia đình đông con cùng học tại trường và những học sinh có khả năng về văn nghệ và thể thao. Kỷ luật của trường rất chặc chẽ nên được sự tín nhiệm của phụ huynh học sinh.
Trường cũng rất chú trọng về thể thao và văn nghệ. Các đội túc cầu, bóng rổ, vũ cầu, bóng bàn, điền kinh và bơi lội của trường đã đoạt nhiều giải vô địch cấp thị xã và liên tỉnh. Những đêm văn nghệ Tết và Hè đã thu hút rất đông khan thính giả.
Về sinh hoạt học đường, trường đã tổ chức những cuộc du ngoạn và các buổi cắm trạI tạI Mỹ Khê, Non Nước, Nam Ô, Lăng Cô, Thăng Bình.
Về hoạt động xã hội, hằng năm trường đã có những lần cứu trợ nạn nhân bão lụt, thăm viếng, ủy lạo chiến sĩ ở những căn cứ quân sự hay những tiền đồn, cứu trợ nạn nhân Tết Mậu Thân ở Huế.
Trong suốt 20 năm hoạt động (1955-1975), trường PTGĐN đã đóng góp một phân không nhỏ trong việc giáo dục và đã đào tạo được nhiều công dân ưu tú trong mọi lãnh vực.
Năm 1975 trường bị đổi tên thành trường Hoàng Văn Thụ, sau đó không lâu, trường mang tên trường chuyên nghiệp Lê Quý Đôn, và gần đây trường bị sap nhập vào trường Phan Châu Trinh.
Trường PTG giờ đây không còn nữa, nhưng với những cựu học sinh Phan Thanh Giản ĐN, ngôi trường nằm trên đường Lê Lợi, trực diện với đường Lê Thánh Tôn luôn luôn là nơi chốn than yêu vì đó đã ghi lại rất nhiều kỷ niệm của những ngày cắp sách.
- Trích trong Đặc San Kỷ Niệm 50 năm trường PTGĐN 2004 -