Tôi vẫn nhớ ngày xưa chúng tôi nằm trong ban công tác xã hội. Năm 1970 bị lụt lớn, trường tổ chức đi giúp đỡ đồng bào ở Đại Lộc. Thật lòng mà nói, đối với chúng tôi lúc đó ý thức chia xẻ với nạn nhân chỉ là phụ, còn được đi chơi xa mới là chính. Sau khi phát gạo cho đồng bào xong, thấy các giáo sư đang họp bàn chuyện gì đó, tôi liền lẻn đi chơi. Thấy Tuấn "con" và Thu Hương đang mượn chiếc ghe bằng tôn mỏng manh của người dân để chèo...Không biết nguy hiểm là gì, ba chúng tôi trèo lên, trước sự thẩn thờ của thầy cô (chiếc ghe chỉ dùng cho một người và rất khó chèo, bây giờ lại đang mùa nước lụt). Nhìn lên bờ, tôi thấy thầy cô bặm môi trợn mắt không dám la to sợ chúng tôi hoảng hốt không chèo vào bờ được. Vậy mà chúng tôi vẫn lên được bờ. Thế mới tài chứ! Lúc bấy giờ, thầy Dũng, thầy Ái, thầy Cưng...đáng thì không đánh...nhưng tôi biết các thầy rất giận. Hú hồn. Nhiều lúc, nhắc lại hình ảnh đó, ai cũng thắc mắc vì sao chúng tôi không bị chìm.
Trong hồi ức của tôi ngôi trường Phan Thanh Giản không phải là ngôi trường đẹp. Trong sân trường không có lấy một cây to nhỏ nào. Hai cánh cổng là hai tấm sắt dày, khi đóng thì trong ngoài khỏi phải "chộ" nhau. Sân trường chỉ được thông thoáng khi có trận bóng rỗ giữa các trường. Phòng học có lớp lên đến 100 học sinh (chẳng hạn lớp 12 A2 niên khóa 74-75). Chúng tôi "thân ái" ngồi xếp lớp với nhau, có bàn lên đến 7 người. Còn nhiều chuyện không thoãi mái nữa so với lớp học bây giờ. Thế nhưng những ký ức đẹp về ngôi trường, thầy cô bạn bè lại thường hay xuất hiện trong giấc mơ của tôi, Những khi có dịp gặp nhau, chúng tôi đến với nhau bằng tất cả tình cảm đẹp nhất, trong sáng nhất, không hỏi hau về địa vị xã hội, chức tước danh vị. Chúng tôi chỉ sống bằng những ký ức vui buồn của thời tuổi trẻ. Những lần bị phạt xuống văn phòng thầy Cưng đánh roi như nam sinh để tóc dài (lúc ấy bọn con trai bị mê hoặc bởi phong trào hippy nên tóc anh nào cũng để dài, trốn lên trốn xuống, hơn cả trốn quân dịch), không đeo bảng tên, đi học trể, gặp thầy nào hiền và không để ý là leo cửa sổ cúp cua ngay. Mấy bạn nam hùng hổ lắm, hay đánh nhau trước cổng trường, nhưng trước mặt bọn con gái thì lại rất "nể". Có nhiều lúc bọn con gái thèm chè, xin bọn con trai hai đồng để rủ nhau ra quán. Bảo không có tiền thì quê, nên bọn con trai thường hay nháy nhau, cậu nào có tiền thì len lén dúi vào tay cậu bị xin đang dở khóc, dở cười để đưa cho các bạn nữ.
Bên cạnh những kỷ niệm về bạn bè, những hồi ức về thầy cô vẫn luôn theo tôi trong suốt 30 năm xa trường. Năm tôi học lớp đệ ngũ, thầy Đức dạy môn toán, thầy luôn đeo chiếc kính đen to tướng. Khi thầy vào lớp, cả lớp đứng lên chào, thầy không nói gì chỉ phất tay ra hiệu rồi bước vào bàn. Việc đầu tiên của thầy là dở sổ dò bài, cây viết trên tay thầy cứ rà lên rà xuống quyển sổ, cả lớp không một tiếng động. Thầy chấm cây viết xuống, một em tiến lên..thầy hỏi không trả lời được - đi xuống - zero. Khoảng ba người như vậy, nhưng đến người thứ tư thì...một tiếng khóc vang lên, âm thanh vỡ oà, cả lớp nhốn nháo..Còn thầy thì cười xếp sổ lại.
So với các học sinh bây giờ ngày xưa chúng tôi học nhiều ngoại ngữ hơn. Vào lớp đệ thất, chúng tôi được học tiếng Hoa (chữ Hán) và sinh ngữ chính là Anh hoặc Pháp, lên lớp mười chúng tôi còn được học thêm một sinh ngữ phụ là một trong hai thứ tiếng trên. Chính vì thế mà loại ngôn ngữ nào chúng tôi cũng bập bõm được đôi chút. Thầy Quế là người đầu tiên hướng dẫn chúng tôi bước vào chương trình Việt Văn. Dáng thầy dong dõng cao, tay luôn ôm cặp táp đen, phong thái đĩnh đạc. Lúc đó trong con mắt chúng tôi thầy là ông giáo mẫu mực và khả kính vô cùng.
Thầy Minh cũng là một người thầy mà tôi không thể nào quên. Nhiều khi tôi nghĩ chắc chỉ có nửa thế giới là thích giờ của thầy còn nửa kia thì không vì thầy lúc nào cũng ưu ái nữ hơn nam. Thầy là người rất hay la học sinh, có khi thầy mắng cả lớp trong suốt một tiết học. Lớp học lộn xộn, thầy đuổi thẳng tay. Nhưng những lúc thầy vui, thầy xuống văn phòng, xách đàn, tập hát cho cả lớp. Thầy hay kể chuyện tiếu lâm cho cả lớp nghe. Có lần thầy kể một loại phim gì đó khi mà người ta chụp hình xong thì tất cả quần áo trên người không..còn. Các bạn gái đỏ mặt cười e thẹn. Còn các bạn nam được thầy khích trúng tiếu huyệt nên cười thật vô tư thoải mái...
Trong số những người đã dạy qua chúng tôi, Thầy Đĩnh là người được chúng tôi nhớ nhiều nhất, chúng tôi gọi thầy bằng cái tên hết sức thân thương "bố Đĩnh". Tôi đã được học với thầy qua nhiều năm nên bây giờ cũng không nhớ là bắt đầu học thầy từ khi nào. Hình bóng thầy, hình như, đã ăn sâu trong ký ức mỗi chúng tôi. Thầy chính là động lực mạnh nhất để chúng tôi tổ chức các cuộc họp mặt bạn bè sau này. Thầy luôn là người nhớ được nhiều tên học sinh nhất, không những tên mà còn cả họ nữa. Những năm sau này, thầy gìa đi rất nhiều nhưng lần họp nào cũng có thầy tham dự, cuộc vui nào thầy cũng hết mình. Thầy không bao giờ bỏ qua tin tức gì đó có liên quan đến trường lớp, đến học trò. Nhìn dáng thầy gầy ốm với mái tóc bạc phơ, lòng tôi luôn trào dâng một tình thương vô hạn đối với thầy.
Thầy Phô cũng là một người thầy rất mẫu mực và vui tính. Với những viên phấn màu, bàn tay thầy như có phép thuật, thầy vẽ lên bảng những hình ảnh rất sống động. Nhiều khi giờ học của thầy đã qua nhưng các bạn không ai muốn lau bảng cả. Thầy hiền lắm, tôi chưa thấy thầy la mắng học sinh bao giờ. Nhắc đến thầy không ai là không nhớ. Năm nay, thầy cao tuổi lắm rồi. Lạy trời cho thầy được khỏe mãi để mối lần họp lớp chúng con còn dịp vui mừng "chào thầy".
Thầy Dũng là ông thầy "cẳng gỗ", đẹp trai, chưa vợ năng nổ nhất trường. Thể thao cũng thầy, văn nghệ cũng thầy. Các hoạt động xã hội của trường thầy đi đầu. Tuổi thầy lại không chênh lệch quá với học sinh nên phong cách của thầy rất phóng khoáng. Có lúc thầy mi - tau với học sinh nên ai cũng thấy gần gũi. Hôm thầy về nước, thời gian khá hạn chế nên nhiều bạn không được gặp thầy.
Trong số các cô, cô Tịnh là người tôi nhớ nhiều nhất. Chúng tôi học cô từ lúc cô mới ra trường. Cô mà mặc áo dài thì khỏi phải chê luôn. Mỗi lần cô đi từ văn phòng sang phòng 1, tất cả chúng tôi đều dõi mắt nhìn theo. Cô hay mặc áo dài màu hồng hoặc tím nhạt có điểm những bông hoa nhỏ li ti. Chúng tôi hay ghép cô với thầy Dũng vì cả thầy và cô đều dong dỏng cao. Cô đẹp, thầy lại trẻ và chưa vợ. Lúc đó, chúng tôi cứ ngây thơ cầu trời cho thầy Dũng và cô Tịnh lấy nhau...Vui thật
Kỷ niệm về thầy cô thì vô cùng. Một bài viết của tôi không thể nào nhớ và kể hết được nhưng tôi mong những hoài niệm này sẽ là món quà nhỏ tặng thầy cô khi tập san hoàn thành. Nó cũng là tấm lòng của tôi, tình cảm của tôi dành cho thầy cô trong gần ba mươi năm.
Lô Thị Bích Quý