Tôi nhớ năm lớp 9, thầy Minh làm giáo sư hướng dẫn lớp tôi. Một hôm thầy hỏi:
-Ngoài giờ học ở trường, các em còn làm gì nữa không?
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau chưa rõ ý thầy muốn nói gì, thì thầy tiếp tục:
-Nghiã là ngoài giờ học các em có chơi môn thể thao nào không? Có biết xử dụng nhạc cụ nào không? Có thích ca hát không? Hoặc có tham gia vào đoàn thể hay công tác xã hội nào không?
Chúng tôi le lưỡi lắc đầu, những lời thầy nói thật xa lạ, tiếng thầy sang sảng la lên:
-Vậy là chết rồi, các em chỉ biết học thôi hả, rồi thành con mọt sách mất. Không biết đời sống xã hội bên ngoài, không biết thưởng thức và mến chuộng nghệ thuật quả là một thiếu sót lớn lao trong đời.
Thầy chợt dừng lại chờ xem phản ứng của chúng tôi. Thấy không một ai nhúch nhích, thầy tiếp tục:
-Tôi đề nghị như thế này: mỗi em sau giờ học tùy theo năng khiếu nên chọn cho mình một môn tham gia, một là để giải trí sau những giờ học khô khan ở lớp, hai là để duy trì tài năng sẵn có trong các em. Sau này ra đời sự học sẽ giúp các em có tương lai, nhưng sở thích sẽ giúp các em biết sống. Cả hai điều ấy quan trọng và hữu hiệu ngang nhau. Thiếu một trong hai điều ấy cuộc đời sẽ bớt ý nghiã....
Thấy chúng tôi ngơ ngác, thầy bắt đầu giảng giải cho chúng tôi hiểu tại sao phải làm như vậy, những ích lợi khi tham gia thể thao, văn nghệ, đoàn thể. Trước khi giờ học kết thúc, thầy còn nhấn mạnh:
-Tháng sau tôi kiểm soát lại, ai không theo lệnh thì tôi phạt.
Lúc đó thầy nói nhiều thật nhiều nhưng chúng tôi chỉ hiểu lơ mơ, nhưng càng lớn lên rời khỏi mái trường bước vào đời tôi mới cảm nhận hết sức sâu sắc lời thầy nói lúc bấy giờ và hơn ai hết những lời dạy ngoài giáo trình ấy đã làm từng người chúng tôi thay đổi.
Sau buổi học ấy, chúng tôi mỗi đứa tìm cho mình một môn phù hợp. Tôi cũng thích đàn nhưng hồi nhỏ học piano được mấy tháng thì bị ma soeur khẻ tay đau quá nên bở dở dang, đàn guitar cũng thích nhưng bấm phím đau tay lắm nên cũng chơi được một bản “ò e con me đánh đu...”. Còn thể thao nhỏ con như tôi làm sao thầy Dũng cho vào đội bóng rổ hay vũ cầu được. Ca hát thì lại càng chịu thua vì nếu tôi ca chắc là cảnh sát bắt nhốt quá (đó là lời mẹ tôi thường chê). Như vậy thì chỉ còn vào một đoàn thể nào đó - Hướng đạo thì tôi mê lắm nhưng đời nào mẹ cho tôi đi cắm trại xa và ở lại đêm. Phật tử thì cũng vậy. Thời may, một ngày nọ thầy Ming báo tin:
-Có em nào muốn vào Hồng Thập Tự không? Bên đó đang nhận thành viên, họ phát vải may đồng phục nữa.
Tôi chưa hiểu biết gì về đoàn thể này nhưng xin gia nhập ngay vì còn chỗ nào đâu mà lựa chọn. Thảo và Hương ngăn chận ý định của tôi:
-Trời ơi, mi vào đó đi băng bó vết thương máu me tùm lum chịu nỗi không?
Tôi xanh mặt lên năn nỉ thầy Minh:
-Xin thầy cho em rút tên lại.
-Sao vậy?
Tôi lí nhí:
-Em sợ lắm, các bạn nói băng bó vết thương ghê lắm
Thầy cười:
-Tầm bậy, công tác xã hội thôi, ai sao mình vậy, gì mà sợ.
-Thiệt không thầy?
-Ừ vaò rồi biết
Tôi nửa lo, nửa háo hức vì tự dưng bước qua một môi trường mới. Kệ tới đâu hay tới đó, lớp tôi có Xuân Nguyên và Tưởng cũng gia nhập nên tôi cũng yên tâm phần nào. Xuân Nguyên ốm nhom mà không sợ thì tại sao tôi lại sợ.
Vào Hồng Thập Tự thật là vui. Những buổi sáng chủ nhật, chúng tôi bắt đầu làm quen với cách tập họp, với các trò chơi, với các bài hát sinh hoạt vui tươi, tập truyền tin bằng Morse hoặc cờ semaphore, học cách ghi mật thư, cách dựng lều, cách thắt nút dây...Những cuộc trại đã huấn luyện cho chúng tôi tinh thần đồng đội, sự tháo vát, cách cứu thương...Những buổi học biết được lịch sử của Hội, hiểu biết cách sống cộng đồng và hơn hết là những hoạt động của Hội vì lòng nhân ái, những buổi cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, những ngàu đi thăm trại trẻ mồ côi, trại dưỡng lão...
Tôi đã thấy cõi lòng mình quạn thắt, ngậm ngùi khi chứng kiến cảnh đồng bào bị thiên tai bão lụt. Chúng tôi đã cùng nhau đi sâu vào làng mạc xa xôi, vác từng bao gạo, gói mì, thuốc men để cứu trợ. Nước trắng xóa phủ kín khắp nơi, đường vào làng ngập đến bắp chân nhưng mỗi người trong đoàn cố gắng hơn nữa để đưa tận tay những phần quà cứu trợ đến cho từng gia đình. Nhìn những nụ cười sung sướng của nạn nhân khi nhận từng gói quà, chúng tôi cảm thấy lòng mình ấm lại quên hết những khó khăn trên đường đi.
Những ngày đi thăm trại mồ côi, chúng tôi tắm rưả cho các em, tập hợp chơi đùa, kể chuyện ngày xưa cho các em nghe. Từng em là một mảnh đời bất hạnh. Chúng tôi nao lòng khi thấy thiếu thốn lớn nhất mà các em gánh chịu là thiếu tình thương của mái ấm gia đình. Khi bước chân ra về, các em còn dặn với theo:”Tuần sau các anh chị tới chơi nữa nhé”. Tôi chạnh nghĩ mình thật diễm phúc biết bao khi được chăm sóc đầy đủ, sống trong vòng tay ba mẹ. Vậy mà có lúc tôi hờn giận, trách móc đủ điều khi có ai làm trái ý. Từ đó, tôi hiểu được giá trị của hạnh phúc mình đang hưởng. Có những mảnh đời cơ cực sống quanh mình mà ai hay biết.
Những ngày chủ nhật cuốn hút theo các hoạt động cuả đoàn, từ lúc nào tôi không biết, tôi cảm thấy mình lớn hẳn lên, mất hẳn tính nhút nhát cố hữu, vững vàng về mặt tinh thần, và rèn luyện nhiều tính tốt, hơn thế nữa tấm lòng nhân ái trải rộng và luôn cảm thấy mình hạnh phúc và đầy đủ hơn nhũng người khác.
Trải qua bao tháng năm, trên đường tôi gặp biết bao trắc trở, những nỗi khó khăn, những sự cô đơn cùng cực nhưng những gì tôi học được từ môi trường đoàn thể thật lớn lao. Và hơn thế nữa là tấm lòng của người thầy biết hướng chúng tôi vào những nẻo tốt. Tôi luôn biết ơn thầy, vì ngoài ngững kiến thức đã học ở trường chúng tôi còn có thêm một hành trang đã được rèn luyện, đó là ý chí và tấm lòng. Tôi chưa bao giờ quên giọng của thầy la lên: “Kể cho tôi nghe ngoài giờ học các em làm gì?”
Nguyễn Ngọc Thanh Vân
Saigon 2004