Lớp Đệ Thất B1 đầu tiên của trường PTGĐN
Nguyễn Tăng Miên
Cực Học Sinh PTG Niên Khóa 1955-1959 (Đệ Thất đến Đệ Tứ)
------- xxxxx-------
Năm 1955 , trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng Khai giảng niên khóa đầu tiên. Năm đó có hai lớp đệ thất. Một lớp mang tên “ Đệ thất B1” và một lớp mang tên “Đệ thất B2”.
Khi viết về lớp đệ thất B1 này tôi tự thấy mình tham lam quá. Tham lam là bởi vì tôi sẽ kể lại tên và những đặc điểm của từng người trong lớp ấy. Gía mà ai cũng viết về lớp mình như vậy, học sinh trường Phan Thanh Giản có đến cả chục ngàn, thì báo nào chịu nổi, huống hồ là tờ báo dặc san nhân ngày trường 50 tuối ! Tuy nhiên, cứ nghĩ rằng đó là lớp đệ thất đầu tiên nên nhất định có cái gì đó ưu tiên hơn. Vả lại, có lẽ các bạn cũng sẽ nhường một vài trang để những người học sinh đầu tiên của trường nhớ lại những gì của những ngày đầu tiên ấy!
Tôi không nhớ rõ lớp tôi ngày ấy có bao nhiêu người, nhưng chắc chắn phải trên 40 . Đặc biệt không có nữ sinh vì nhà trường đã dồn hết nữ sinh vào lớpB2 học ở dưới lầu.
Tôi nhớ năm ấy, 1955 , sau khi học xong lớp nhất trường làng ở Hà Lam, Thăng Bình tôi vào Tam Kỳ thi tiểu học. Đậu xong tiểu học, bố tôi bảo phải ra Đà Nẵng học tiếp. Tôi cố xin bố tôi ở lại làng vì không muốn xa cái thị trấn bé nhỏ nơi có mẹ và các anh chị em tôi đang sống. Nhưng bố tôi đang làm công chức ở Đà Nẵng nên nhất mực đưa tôi ra học ở đó. Tôi thi vào trường Phan Chu Trinh nhưng khi đi xem bảng, danh sách các thí sinh thi đậu bị các học sinh chen lấn và các tờ niêm yết kết qủa bị xé rách nát. Tôi không biết mình có đậu không vì lúc đó tôi còn qúa nhỏ, bở ngỡ và xa lạ với thành phố qúa nên tôi về báo với bố tôi lá tôi đã hỏng vào trường công. Và bố chọn trường Phan Thanh Giản cho tôi học. Tôi vào lớp trể hơn bạn bè nửa tháng. Ngày đầu tiên làm quen với môn Anh văn thật là khó khăn với tôi. Không giống như những môn học khác, Anh văn là một môn học mới, tôi lại không bắt đầu từ buổi học đầu tiên nên cảm giác ngỡ ngàng vẫn còn là dấu ấn cho tôi mãi đến tận bây giờ. Tôi không thể quên thầy Cẩm, thầy rất to lớn, nói giọng Bắc, là thầy giáo Anh văn đầu tiên của tôi ngày đó.
Tôi ngồi bàn đầu cùng Nguyễn Mạnh Hùng và Mai Hữu Lý. Hùng lớn tuổi, chững chạc, có đôi mắt đen và dày. Còn Lý có lẽ là người Đồng Hới nên giọng nói rất khó nghe. Mỗi khi không đồng ý với ai về vấn đề gì, Lý hay quát lên “ngâm cà lò mèn” mà phải có người thông dịch là “ngậm cái lỗ miệng” thì mới hiểu cậu ta nói gì. Nguyễn Chung cũng gốc di cư, lúc đầu ở Trẹm sau dọn nhà về ở đường Đống Đa rồi sau rời Đà Nẵng tự lúc nào không rõ. Nguyễn Phi Hùng cao to, đẹp trai hay chơi với Nguyễn Thanh Kiết nhỏ, trẻ, cũng là dân di cư và sau năm học đệ thất không biết biến đi đâu. Nguyễn Văn Hồng cũng nói giọng Bắc, cụt bàn tay phải. Hồng kúc nào cũng chững chạc. Vở, viết luôn luôn bỏ vào cartable và chữ viết lúc nào cũng nắn nót, chậm rãi vì viết tay trái. Lúc có gì bất bình, với cái tay phải nó chọt một cái làm đau điếng nên ít ai dám chọc nó. Trần Đủ ở cuối đường Triệu Nữ Vương, tính tình vui vẻ nhưng nghịch ngợm. Có lần nó nghịch quá trớn với thầy Anh dạy địa lý nên bị đuổi khỏi trường, Không ngờ trong lớp có kẻ âm thầm học vo ̃và sau đó thượng đài đánh boxe, kẻ đó là Lý Trực Ninh. Nó gan thế nên lớn lên nó đi học lái máy bay lá phải. Có hai anh em sinh đôi Nguyễn Thái và Nguyễn Đại, nhà ở trong khu gần Hải Châu. Cả hai trán dồ và cận thị. Bốn mươi lăm năm sau, một lần gặp lại trong quán phở, tôi nhận ra Thái nhưng Thái hoàn toàn không nhớ ra tôi. Hà Văn Lộc, nhà bán café ở ngã tư Yersin -Hùng Vương, học một năm rồi đi mất hút. Nghe nói sau này đường công danh của chàng ta rạng rỡ.
Ở tận bên kia sông Hàn, ngày ngày qua đò sang bên ni sông đi học, rất siêng và chăm là Nguyễn Văn Học và Nguyễn Sâm. Cuộc sống của Ngọc sau này nghe đau không thư thả lắm. Còn Sâm hình như sau 1956 hay 1957 gì đó cùng cả nhà chèo thuyền vượt biên ra Bắc, biền biệt đến bây giờ chẳng có tin tức gì cả. Nguyễn Công Ý, có chiếc răng vàng tóe lửa mỗi khi cười, về sau sửa đồng hồ ở Chợ Mới, vẫn còn học ở trường Phan Thanh Giản đến đệ tứ mới thôi. Lê Gia cao dong dỏng, hiền lành vẫn còn sống ở Đà nẵng. Bây giờ bị bệnh đi lại khó khăn. Đặng Tích ở đường Phan Chu Trinh, gần nhà hát Trưng Vương bây giờ, hiền lành như con gái, sau này có lúc làm giáo sư Anh văn. Nguyễn Quang cũng có chiếc răng vàng, lúc nào ăn mặc cũng láng coóng, cỡi chiếc xe đạp duraluminium nhẹ tơn, trông rất chải chuốt, nhà ở phía sau khu Nghĩa Trũng. Tội nhất là Nguyễn Ngọc Sang, con nhà giàu, ở đường Phan Chu Trinh. Sau 1975 khốn khó lắm. Nhớ hồi còn đi học, Sang đến nhà cho tôi mấy hột hoa và bảo tôi trồng, hoa sẽ rất đẹp. Tôi đã gieo và cây đã mọc. Chờ cho đến khi trổ hoa thì ra đó là cây nắc nẻ! Trái nắc nẻ dễ vỡ và khi vỡ chia làm nhiều mảnh, cong lại rồi bung hột ra tứ phía. Hoa nắc nẻ có nhiều màu: trắng, đỏ, xanh vàng. Tôi thân với Sang và nhớ cả chữ ký của bạn. Thế mà vào năm 1980 , gặp bạn ở chợ Cồn, tôi hỏi: “Phải Sang không?”, bạn nhìn tôi rồi cỡi chiếc xe đạp thồ đi một mạch. Tôi buồn. Bạn đã chẳng hiểu được lòng tôi. Rồi sau đó nghe đâu bạn mất. Nguyễn Phúc ở khu nhà công chức đường Nguyễn Thị Giang. Sau 1980 vẫn còn ở Đà Nẵng, nhưng đã cư trú nước ngoài, mấy năm sau. Phúc nói giọng nửa Quảng Trị, nửa Quảng Bình có pha một chút giọng mũi khó quên. Trần Hưng, nay là bác sĩ sản phụ khoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Hồ đó Hưng cũng thi vào đệ thát Phan Châu Trinh nhưng không đỗ rồi qua học ở trường Phan Thanh Giản. Đã thi rớt rồi mà Hưng làm lại bài luận lúc thi vào Phan Chu Trinh đưa cho tôi xem và bảo là bài luận đó khó! Tôi còn nhớ như in cái đề: Hãy bình luận câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Hưng tiếc rẽ vì đã không đỗ. Năm sau nó thi lại và vào Phan Châu Trinh rồi sau đó vào học y khoa ở Sài Gòn và tốt nghiệp sau tôi một năm.
Trịnh Đương là bạn thân nhất vì Đương hay đến nhà học chung với tôi. Nhớ có lần Đương, Nguyễn Đình Lập, Đỗ Phi Long,Vũ Tiến Tường, Nguyễn Sự và tôi ( Nguyễng Tăng Miên) cùng rũ nhau đạp xe đi chơi, chạy xe ra Trẹm ( tức Thuận Phước bây giờ), vòng quanh bờ biển rồi dừng lại tắm ở biển Thanh Bình. Muà ấy biển có nhiều sứa. Đã học trung học rồi thế mà cả bọn cứ ngang nhiên cỡi bỏ cả quần áo rồi ào xuống biển tắm. Có́ đứa nào đó phỉnh, bảo Sử áp con sứa lữa vào chỗ kín. Nó một phen nhãy nhót vì bị ngứa tơi bời. Cả bọn được một trận cười đến no. Sự là con nhà Hợp Thành buôn xe đạp nỗi tiếng hồi đó. Tôi nhớ Đỗ Phi Long vì Long luôn luôn chải chuốt, đầu tóc lúc nào cũng láng coóng và nực mùi brillantine! Phan Ngữ xuề xòa, học một năm rồi vào Quảng Ngãi nhưng rồi sau về học trung học đệ nhị cấp ở Đà Nẵng. Năm 1969 , Ngữ tốt nghiệp y khoa cùng khóa với tôi. Không thể nào quên những ngày gian khổ sau năm 1968 khi cả hai cùng làm nội trú ở bệnh viện Trung ương Huế. Vất vả nhưng rất vui. Làm sao quên được Nguyễn Tấn Quảng! Hồi còn đi học, có lần cùng đi chơi đến chỗ nhà Lao động ( hồi đó gọi là Liên hiệp Nghiệp đoàn) nơi có đặt tượng công nhân đang bứt đứt sợi xiềng sắt ( bây giờ làTrung tâm thông tin tư liệu Đại học Đà Nẵng) nó bỗng ước mơ có một căn nhà ở chỗ đấy. Thế rồi khi lớn lên nó cũng có cả một sở nhà bao la ở ngay trước mặt nơi nó ước khi xưa, tại khúc quanh đường Thống Nhất – Nguyễn Thị Giang tức Lê Duẫn – Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ! Nguyễn Văn Cấp, nói giọng Huế đặc sệt, vẫn ở mãi Đà Nẵng và vẫn còn nhớ rất nhiều bạn bè của lớp. Nguyễn Rân suốt đời ăn chơi nhưng lận đận, có duyên với những đứa trẻ lang thang . Rận hiện là cha của không biết bao nhiêu trẻ em đường phố. Lưu Hạnh ở đường Hoà̉ng Diệu, đối diện với nhà Hướng đạo cũ, cái đầu lúc nào cũng lúc lắc không thể nào quên được. Trần Văn Nhơn ở ga Đà Nẵng, nói giọng Huế, cái cằm dưới hơi nhô ra, nghe nói sang Pháp từ lâu. Lê Kim Kình có chiếc răng khểnh, lúc nào nói cũng chảy nước bọt, nhưng có vẻ rất chững chạc. Cũng thế có Nguyễn Văn Kình, ở Chợ Mới Hòa Thuận, một mí mắt bên trái có cái thẹo xấu nhưng đối với bạn Kình rất tốt. Người ngồi sát bên tôilà Nguyễn Văn Mẫn, nói giọng Huế chay, lúc nào cũng chọc ghẹo bạn. Nguyễn Phi Thọ nhỏ con, luôn đi cùng với Nguyễn Huy Hòa cao lêu nghêu. Cả hai cùng ở đường Cao Thắng. Nguyễn Huế to con, nhà ở trong ga. Huế nghỉ học sớm, vất vả nhiều nhưng lúc nào cũng luôn nhớ đến bạn bè. Vĩnh Khâm gầy gầy, tất nhiên là nói giọng Huế! Mới gặp lại đây thấy bạn già lắm, tóc bạc cả rồi. Lâu lắm không gặp nhau, thế mà hôm gặp lại Khâm vẫn không quên tôi. Mai Thế Nghiêm ( tự Mai Khả) đẹp trai, em chị Huy học giỏi nhất trường ( cuối năm đệ tứ 1959 chị được trường thưởng một chiếc xe đạp đáng gía như chiếc Dream bây giờ!) .
Nhớ Nguyễn Hữu Nam, em của Nguyễn Thị Thoại học lớp đệ thất B2 . Nam học chăm nhưng không may mắn. Sau một năm hỏng tú tài, Nam cố gắng thi lại. Năm sau khi vừa đỗ xong thì không may bị mất khi tắm ở biển Thanh Bình. Ngày ấy vô tình cùng Hà Trọng Xuân đi chơi, khi đến Cầu Vồng, nghe có tiếng kèn tang, tôi linh cảm như có điều gì không may. Và đúng như thế, Nam mất sáng hôm đó. Vào viếng Nam, Thoại ôm chầm lấy tôi nức nở. Mấy ngày sau cùng gia đình Nam ra biển Thanh Bình cầu hồn cho bạn, tôi thấy lòng mình xót xa. Thoại bảo “ Nam đâu rồi Miên?” Mặt biển phẳng lờ. Yên lặng trải dài đến vô tận. Tôi đứng ngẩn người thương nhớ bạn.
Lớp ấy có một học sinh rất giỏi, đó là Trần Văn Khoái có em gái là Minh Tâm, rất xinh học lớp dưới. Khoái nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, lúc nào cũng nhộn. Sau 1980 , Khoái định cư ở Úc. Học sinh năm ấy còn có con ông giám đốc là Nguyễn Gia Song và cháu là Nguyễn Gia Ai. Song chỉ học một năm đệ thất rồi nghe đâu sang Pháp, còn Ai học đến đệ tứ mới chuyển trường.
Tôi cố nhớ lại tất cả bạn bè của tôi ở lớp Đệ thất B1 đầu tiên này, nhưng đã 50 năm rồi còn gì và tôi cũng chỉ nhớ được có 44 người cả tên, họ và một số nét đặc biệt của từng người. Có một cái gì đó mà tôi không quên các bạn dù có rất nhiều bạn chỉ học một năm rồi biền biệt ở nơi đâu!
Tôi không muốn chỉ viết tên các bạn trong danh sách những bạn cùng lớp của tôi vì như thế tôi có cảm giác như xa lạ. Tôi cố ghi lại hình ảnh các bạn trong tôi bằng vài nét đặc biệt của các bạn theo cách nhìn của tôi. Tôi nghĩ rằng biết đâu sẽ có bạn nào đó, đọc bài này và tìm lại mình giữa các bạn học năm xưa, thật xưa ở lớp Đệ thất B1 thân thương nơi ngôi trường tư một thời nổi danh của thành phố Đà Nẵng htân yêu này! Còn riêng tôi rất mong nhận được tin tức các bạn vì vẫn còn rất nhớ đến tất cả! Nếu được tin các bạn, chắc chắn tôi sẽ rất mừng. Nếu có bạn nào tôi quên không ghi vào đây xin bạn đừng giận mà hãy gởi thư ngay cho tôi theo địa chỉ sau:
Nguyễn Tăng Miên K 132/15 Lý Tự Trọng, Đà nẵng .
Để chúng ta còn mãi mãi là học sinh lớp Đệ thất B 1 của Trường Phan Thanh Giản ngày nào, phải không các bạn