Tản Mạn Xuân...

Tùy bút – Đoàn Thị Phương Ái

Cứ mỗi độ xuân sang, người Việt chúng ta ai cũng nao nức đón chào tiết lễ đầu tiên của năm với mai vàng rực rỡ, không khí thoảng nhẹ hương trầm… đó là TẾT NGUYÊN ĐÁN.

TẾT là do từ TIẾT mà ra, có nghĩa là thời tiết, tiết lễ. NGUYÊN là khởi đầu. ĐÁN là buổi sớm mai. TẾT NGUYÊN ĐÁN là tiết bắt đầu năm, mở đầu cho một năm mới với niềm hy vọng mới. Theo sử Trung Quốc, qua bao nhiêu thay đổi, đến đời Hán Vũ Đế, tết Nguyên Đán được bắt đầu từ tháng Dần âm lịch cho tới ngày nay. Vào tháng Dần, mùa đông vừa qua, tiết lạnh vừa hết, gió xuân ấm áp tràn về, hoa cỏ đâm chồi nẩy lộc khiến lòng người cũng biến chuyển theo, tâm trạng thanh thản, bình an hơn sau một năm làm lụng vất vả. Người người vui vẻ đón mùa xuân mới, gặp nhau cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp: Phúc, Lộc, Thọ,Khang, Ninh.

Người Việt Nam rất thiết tha với Tết. Tết là dịp nghỉ ngơi, gác hết bao muộn phiền năm cũ, trải rộng tâm hồn hưởng thú xuân vui. Cảnh xuân muôn màu muôn vẻ. Miền Bắc có Anh đào hồng thắm, miền Nam có Mai vàng rực rỡ… thêm vào những hạt mưa xuân rắc nhẹ càng thấm thía lòng người mối hoài cảm bâng khuâng…

Người người đón Tết nồng nàn, trịnh trọng. Người người vui Tết náo nhiệt, hân hoan. Tết Nguyên Đán tuy bắt đầu từ mồng một tháng giêng, nhưng mọi người đã sửa soạn Tết ngay từ những ngày đầu tháng chạp. Tờ lịch cuối tháng mười một âm lịch vừa rơi xuống, những người nội trợ trong gia đình bắt đầu nhẩm tính việc mua nếp, đậu xanh, lá dong để chuẩn bị gần Tết gói bánh chưng, rồi sắm sửa các vật liệu chế biến món ăn cho ngày Tết: nấm hương, bún tàu, kim châm, mộc nhĩ… thêm vào đó, còn lo muối dưa hành, làm dưa món, củ kiệu. Các em nhỏ càng háo hức hơn, luôn thúc dục bố mẹ may quần áo mới, mơ đến những phong bao lì xì và thi thoảng đây đó, những tiếng pháo nổ lẻ tẻ nghe nôn nao lòng người.

Trước Tết khoảng hai tuần, người chủ gia đình bắt đầu nhắc nhở con cái trang hoàng nhà cửa, quét dọn bàn thờ, đánh bóng lư hương, chân đèn, thay những câu đối mới, những bức tranh làng Hồ được trân trọng treo lên: tranh hứng dừa, đàn gà mẹ con, đám cưới chuột… Mọi người đón xuân giữa một khung cảnh sáng sủa, sạch đẹp và trang nghiêm.

Năm nào cũng vậy, để tỏ lòng nhớ ơn và kính trọng tổ tiên, các con cháu đều mang đồ lễ đến viếng gia trưởng –người có trách nhiệm kỵ giỗ các bậc tiền bối đã qua đời. Đồ lễ thường có vàng hương, gạo nếp, gà tơ, bánh mứt… và người gia trưởng cũng phải chi tiêu thêm cho việc cúng Tết. Đây là tục Gửi Tết, nhằm thắt chặt thêm mối dây liên lạc giữa những người trong quyến thuộc xa gần. Song song với việc Gửi Tết làBiếu Tết. Đây là dịp mọi người tỏ lòng biết ơn những người đã giúp đỡ mình như thầy cô giáo, bác sĩ… Tuy nhiên, việc Biếu Tết không bắt buộc, quà cũng không cần nhiều. Chủ yếu là tấm thịnh tình, lòng quí mến đối với nhau.

Còn chừng vài ngày cuối cùng năm cũ, các công sở, trường học tổ chức lễ tất niên, coi như buổi họp mặt cuối năm trước khi chia tay về nhà ăn Tết. Chiều ba mươi Tết, mọi nhà sửa lễ CÚNG GIA TIÊN, đèn nhang phải được giữ thắp suốt mấy ngày Tết cho tới khi hóa vàng (đốt vàng mã).

Trời đất có khởi thủy thì phải có tận cùng. Một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc để rồi lại bước sang một năm mới. Giữa lúc trời đất hòa hợp ấy, gọi là GIAO THỪA. Theo Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh, Giao Thừa có nghĩa là cũ giao lại, mới tiếp lấy. Và chính vì ý nghĩa ấy, vào lúc giao thừa, có lễ TRỪ TỊCH. Trừ Tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt qua năm mới, giữa giờ Hợi ngày cuối cùng tháng chạp năm trước và giờ Tý ngày đầu tháng giêng năm sau. Ý nghĩa của lễ này là bỏ hết những điều cũ kỹ xấu xa của năm cũ để đón nhận những mới mẻ tốt đẹp của năm mới. Lễ này còn gọi là LỄ GIAO THỪA. Từ chiều, bàn thờ đã được kê giữa sân hoặc trước cửa nhà, khói hương nghi ngút. Lễ vật được bày biện trịnh trọng, dù ít nhiều , cũng phải có vàng hương và rượu vì “vô tửu bất thành lễ.”

Mọi người sửa soạn áo quần. Các thiếu nữ nấu nước bồ kết gội đầu, xua tan những mệt mỏi cho hương xuân nồng bay ra từ mái tóc mượt mà. Em bé bỗng lớn lên. Người già như trẻ lại. Từ nhỏ đến lớn, ai ai cũng háo hức chờ đón Chúa Xuân. Khi đồng hồ gõ báo hiệu 12 giờ đêm, mọi người ra khấn lễ, cầu xin một năm an bình, may mắn và hạnh phúc. TẾT NGUYÊN ĐÁN thực sự bắt đầu. Mọi người tràn ra đường, đến các đình chùa xin xăm và hái lộc đầu năm, hoặc đốt một cây nhang lớn, mang về cắm vào bình hương bàn thờ tổ tiên. Những việc làm này gọi là xin HƯƠNG LỘC, có ý nghĩa cầu mong sự may mắn.

Sáng mồng một, khi những tia nắng ban mai vừa ló dạng, người người thức giấc, mặc áo đẹp sửa soạn đón chào năm mới, chúc Tết bà con họ hàng. Đầu năm mới, người già tăng cao tuổi thọ, trẻ em được thêm tuổi lớn, nên trong lúc chúc Tết, còn có lễ MỪNG TUỔI. Tiền mừng tuổi được bỏ trong phong bì giấy đỏ. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn thịnh vượng. Ngày nay, tục mừng tuổi còn gọi là LÌ XÌ chỉ dành cho các trẻ em bởi nhiều lý do khác nhau, mà lý do chính là vì thời buổi kinh tế khó khăn. Trong ba ngày Tết, có nhiều điều kiêng kỵ như kiêng quét nhà, kiêng mặc áo trắng, kiêng nhắc tới những chuyện xui xẻo…

Sáng mồng bốn, mọi người chuẩn bị làm lễ tiễn đưa ông bà. Lúc này, ai cũng mang tâm trạng nuối tiếc ba ngày Tết đã trôi qua. Đất nước Việt Nam trải qua bao cuộc bể dâu nên những lề thói cổ xưa cũng bị thất truyền dần. Đôi khi, người ta đón Xuân chỉ bằng nải chuối, ấm trà đặt trong các mâm con. Mặc dù vậy, việc tống cựu nghênh tân vẫn có ý nghĩa trọng đại, bởi cốt ở tâm thành. Cái nghèo không thể xóa được tấm lòng tôn kính tổ tiên.

Năm nào cũng vậy, Tết đến rồi Tết đi. Nhưng sao mỗi độ Xuân về, lòng người vẫn nao nao một cảm giác bâng khuâng khó tả…

Đ.T.P.A