Những
năm tháng sau 1985, cư dân Đà Nẵng hưởng
lợi từ công trình Trung tâm Thương nghiệp
ĐN. Lúc nào cũng đông nghịt người mua bán
và cả người ở xa tới xem... Kể ra cũng
oai cho cái thành phố lớn ở miền Trung có
được một "siêu thị" như thế !
Thế là nó "ăn đứt" Chợ Hàn một thời!
Trung tâm được xây dựng trên nền một chợ cũ đã lâu năm, hư hại nhiều, trông càng
lúc càng tồi tàn, nhếch nhác, đó là Chợ
Cồn.
Rồi năm tháng trôi đi, cái tên
gọi Trung tâm Thương nghiệp ĐN (TTTN-ĐN) càng ngày càng thấy khó gọi vì nó
dài quá, thậm chí nhiều người phương xa về cũng không biết nó là gì, ở đâu, nên
người ta gọi lại tên cũ của nó cho gọn, vì Chợ Cồn ai ai cũng biết, và cả nước
này chỉ có một Chợ Cồn nên cũng không lẫn vào đâu được.
Hễ nói đến Chợ Cồn thì chắc chắn mọi người biết là ở Đà Nẵng rồi.
Trong dòng người hối hả mua mua bán bán, trong buổi trưa cuối
Hè, một người phụ nữ trẻ trạc tuổi ba lăm ba sáu, cũng đang hối hã, tay xách
nách mang giỏ gói để kịp về bữa ăn trưa cho gia đình son trẻ của mình. Và chiều
này là buổi dạy đầu niên khóa tại trường trung học Phan Chu Trinh...
Cùng
trôi theo giòng người đi xuống cầu thang phía Nam của TTTN-ĐN, người phụ nữ chợt
chú ý đến một ông lão đang ngồi ở khúc cua "mặt
nghĩ" của cầu thang. Vừa ngoái lui quan sát nhưng chân vẩn phải bước đi, theo sức
đẩy của nhiều người phía sau. Xuống đến tầng trệt, người phụ nữ nọ lách sang
một bên để dừng lại, nhìn ngược lên quan sát tiếp ông lão và thật lạ lùng "ông này vừa rất quen, mà cũng rất lạ!?"
Quen, vì người phụ nữ nhớ mường tượng đã gặp ông rất nhiều lần trong quá khứ,
lâu rồi! Lạ, vì ông lão ngồi giữa chợ mà không giống bất cứ ai đang ở chợ !
Ông ngồi với một cái cân sức khỏe bên cạnh, y như ông đang ngồi bên cạnh người
bạn thân, ông không đon đả mời gọi ai, ông bình thản đọc một tờ báo. Mà kìa!
Lại là tờ báo tiếng Pháp! Gương mặt ông hiền lành, thanh thản, hạnh phúc. Ông
thật sự thoát ra khỏi cái ồn ào, nóng nực, bụi bẩn của buổi chợ trưa!
Vâng! Ông đang ngồi trong Chánh Niệm, cứ như là đang có một vỏ bọc trong suốt,
mỏng tang nào đó bao lấy ông.
Người phụ nữ trẻ lẩm nhẩm một mình:
"Chắc
là Thầy rồi! Chắc Thầy đó thôi"
Không nỡ phá vỡ giấc Thiền của ông lúc này.
Cứ miên man suy nghỉ như thế mà bước chân lại đi nhanh ra cửa chợ, hướng về đường
Tăng Bạt Hổ...
Mở nhanh cánh cổng sắt nhà người bạn thân:
"An
ơi! Tao đi chợ. Thấy Thầy mi ơi! Thầy... thôi đi với tao nhanh
lên"
An hỏi nhanh:
"Thầy mô mi? Ở mô? Điểu nói tao nghe đi,
rồi
đi!"
Điểu hối bạn mình:
"Choàng áo
nhanh vô đi mà"
Nói xong, hai người bước nhanh về hướng TTTN-ĐN, vừa đi Điểu vừa kể lại
sự việc mình đã mục kích trước đấy hai mươi phút, một thời gian thật
ngắn ngủi nhưng
đã khuấy động đến tận tâm can của mình, chìm sâu vào nội tâm, Điểu không còn
nhớ gì đến đi chợ, nấu ăn, đi dạy...
An đón nhận từng lời của bạn mình kể,
bước theo thật nhanh, mặc cho sự khó khăn của cánh tay trái có tật của mình.
Đến chân cầu thang, hai người nhìn lên, ngúc ngoắt đầu qua lại để tránh người
lên xuống làm choáng tầm nhìn. Theo ngón tay chỉ, An thấy rõ ông lão đang tươi
vui, hồn hậu cân sức khỏe cho khách yêu cầu, một thái độ lúc nào cũng lịch sự,
gần gủi mà không một ai có thể phiền bực ông.
Bất chợt, An bật ra tiếng, nói lớn:
"Thầy
Đĩnh! Điểu! Đúng rồi..."
Tiếng An chợt tắc nghẹn, sững sờ...
"Thế
sao? Lâu lắm rồi! Hôm nay, con mới gặp lại Thầy! Gần 20 năm! Trời ơi!..."
An đứng yên lặng cho ký ức mình được theo về liền lạc những hình ảnh của người
Thầy dạy mình năm xưa...
Và Thầy đang ngồi đó, hiển hiện là thầy Đĩnh đó
thôi!
Lấy lại bình tỉnh, An và Điểu bước nhanh đến và ngồi xuống ôm lấy bàn tay người
Thầy, giọng đôi chút run run:
"Tụi
con đây Thầy! Con là Điểu nè, Phạm Thị Điểu, còn đây là Võ Thị An Thầy
nè! Thầy nhớ tụi con không?"
Thầy thoáng ngạc nhiên nhưng biết học trò cũ của mình thì Thầy lại vui mừng
ngay, khẽ rút tay lại và vỗ vỗ nhẹ đầu hai đứa học trò, mà chưa chắc mình
đã nhận biết
được trò nào trong số rất nhiều học trò mình đã dạy năm xưa:
"Tôi!... À Thầy.."
Nhanh nhảu, Điểu tiếp:
"Thầy
không nhớ chứ hồi trước tụi con học Pháp văn phụ của Thầy năm 69, rồi...có
cúp cua giờ của Thầy mấy lần đi chơi đó, hi hi..."
Thầy vui vẻ:
"Uhm ! Tôi có nhớ lại đôi chút!...mà mấy
em đi chợ sao? À! Mấy em có cân sức khỏe không? Tôi có cân đây."
Hai người bạn đứng lên và đỡ Thầy đứng dậy, Thầy thoáng xúc động, cố tình cúi
xuống để che dấu, định thu xếp mấy tờ báo và cái cân đồng hồ loại nhỏ đang dùng
vào việc "kinh
doanh", có lẽ cũng là một chút mưu sinh cho cuộc sống. An và Điểu vội đỡ lấy và thu
xếp cho Thầy, cho mọi thứ vào một giõ lát củ mèm nhưng rất sạch.
Thầy trò cùng
nhau rão bước ra khỏi chợ...
Rồi từ đó, Má của An thỉnh thoảng gặp Thầy, lúc thì chút dưa hành, lúc thì một
ít tiêu-muối- tỏi biếu Thầy, và về kể lại với con gái mình "Ông
giáo sư, Thầy của con vẩn ngồi ở đó, chổ cầu thang".
Rồi cũng từ đó, thông tin về Thầy Đĩnh được loan truyền qua các bạn trong lớp
như Tốn, Nuôi, Hiền, Lợi, Dũng...và đây chính là khởi nguồn cho hành trình
tiến đến chương trình thể hiện tinh thần tôn
sư trọng đạo sau này của lớp chúng
tôi.
Thời buổi ấy, các học trò phải tất bật với chuyện cơm áo gạo tiền, bận chăm
chút cho mái ấm gia đình còn non trẻ của mình, mổi người một phương, có khi nhà
gần nhau mà lâu lắm chẳng gặp được!
Bối cảnh lịch sử lúc ấy cũng làm cho cựu học sinh trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng
chúng tôi nhiều ái ngại khi muốn tổ chức tụ họp...
Nhưng động cơ tôn sư trọng
đạo đã giúp cựu học sinh PTG niên khóa 1963 - 1970 chúng tôi vượt qua trở ngại
lớn để có được sự cho phép họp mặt lần
đầu tiên với mục đích tri ân Quý Thầy
Cô.
Ngày 01 tháng 01 năm 1990, tại số nhà 05 đường Tăng Bạt Hổ -
Đà Nẵng, nhà của bạn Trương Văn Tốn, sự kiện gọi là "họp
mặt cựu học sinh trường Phan Than Giản" đã diển ra trong không khí nhiều tiếng cười và nước mắt.
Lớp chúng tôi tuy chưa đủ nhưng khá đông. Mọi người cười cười nói nói, hàn huyên
tâm sự đủ chuyện sau bao năm mới gặp lại.
Khi ấy, quý Thầy quý
Cô, vì nhiều điều kiện hạn chế khác nhau đã không hiện diện đủ.
Cô Phụng, cô Tuyết Anh vẩn trong chiếc áo dài năm xưa, hai vạt áo dài chấm gót,
cổ áo cao.
Quý Thầy vẩn áo sơ-mi trắng dài tay bỏ vào trong quần, nịt thắt nghiêm chỉnh.
Chỉ có tóc Thầy Cô bạc đi rất nhiều, đi đứng chậm chạp hơn nhiều, nhưng cốt cách
nhà giáo thì không phai đi đâu được.Thầy Cô ra chiều hoan hỉ
trước đám học trò của mình đã biết trân
quý công đức của người
Thầy dạy, khiến Thầy Cô cảm giác hạnh phúc dâng tràn.
Chúng tôi
nhớ không lầm thì buổi họp mặt đầu tiên ấy có:
+ Cô Phan Thị Tuyết Anh
+ Cô Bùi Đăng Hà Thị Phụng
+ Thầy Trần Thanh Dung
+ Thầy Nguyễn Quang Đĩnh
+ Thầy Trương Chi Phô
+ Thầy Nguyễn Văn Xuân
+ Thầy Nguyễn Ý
Hình ảnh Quý Thầy Cô tại bàn tiệc
Mở đầu, buổi họp mặt tri ân Thầy Cô giáo, cựu học sinh Bùi
Thông Hiền được cử đọc bài diển văn khai mạc, bài đọc ngắn
gọn, nhưng bị đứt quảng bởi tiếng nấc nghẹn
nhiều lần của người đọc, kéo theo nhiều tiếng
sụt sùi của người tham dự...
Thầy Đĩnh đang có đôi dòng tâm sự cùng học
sinh cũ của mình
Hôm ấy, quý Thầy Cô, nhất là thầy Đĩnh
đã phát biểu nhiều, tâm sự với học sinh
lớp chúng tôi nhiều lắm, không thể nhớ
hết và cũng rất nhiều khuôn mặt đã để nước mắt lăn tràn
trên gò má vì không kìm nổi xúc động
trong niềm quý mến thương yêu Thầy Cô.
Suốt nhiều năm sau này, thầy Đĩnh vẩn
là linh hồn
cho lớp chúng tôi:
+ Thầy khuyên nên mời nhiều Thầy Cô nữa tham dự họp hằng năm và hết
sức tiết kiệm chi phí mỗi lần tổ chức
họp mặt.
+ Thầy nhắc nhỡ quan tâm đến những
anh chị em có hoàn cảnh khó khăn.
+ Thầy kêu gọi tương thân tương trợ mỗi khi có thiên tai đi qua.
Trong buổi tiệc trà vô cùng ấm cúng ấy, chúng
tôi thay nhau kể chuyện đời xưa dưới mái trường
PTG, một trong những chuyện vui thuở
học trò là lũ "ma
nữ" lớp đệ Nhị 1969.
|
Lân la đến gần bàn quý Thầy Cô, An rồi Điểu, rồi một số bạn nữ khác
kéo đến kề bên thầy Đĩnh kể chuyện vui "quậy
phá" thời "áo dài trắng + nón lá + bản tên nơi ngực áo":
Ngày đó, rạp ci nê Kinh Đô có một tuần chiếu
phim Vũ
điệu trong bóng mờ (La Valse dans l'ombre) hay ác chiến ! Mấy O nói với nhau "ngày
mai thay phim rồi mấy Mợ ơi! Răng chừ
đây?". Thế là "ban tham mưu" An Điểu Lan Thơ lên kế hoạch "tác chiến" và đến gặp thầy Đĩnh:
"Thưa Thầy, cho tụi con xin nghỉ 2 giờ cuối
để đi đám ma nhà Ba của người bạn".
Thầy Đĩnh nhìn học trò nói và thúc giục:
"Đó
là một nghĩa cử cao đẹp, các em giỏi lắm, nhớ đi sớm đi nhé"
Miệng cám ơn Thầy mà mắt thì lấm la lấm lét nhìn nhau phát tín hiệu an
toàn tiến lên.
Hí hững cùng nhau lục tục xuống lầu, đến gặp thầy Lê
Quang Văn, lại có một chiêu khác:
"Thưa
Thầy! Chiều nay, được nghĩ giờ thầy Đỉnh, mà phim ở rạp Kinh Đô ngày
mai là thay phim khác rồi Thầy!...Thầy! Tụi em xuống xin Thầy
cho ít tiền mua vé vô xem.. không thì uổng lắm Thầy ơi"
Thầy Văn nhìn một lượt các O, lắc lắc đầu ngao ngán, mĩm cười, rồi cũng
cho được số tiền gần đủ cho mấy O xem phim! Thầy cứ tin là học trò giỏi
không bao giờ biết cúp cua !?!?
Chiều đó, giờ tan học, thầy Đĩnh gặp
thầy Văn tại văn phòng vừa báo cáo vừa khoe:
"Chiều
nay, có một số em nữ lớp tôi xin nghỉ để đi đám ma nhà người bạn nào
đó của các em. Tôi xin báo với Thầy biết. Mấy em đó cũng biết chuyện
nghĩa tử là nghĩa tận đó chứ Thầy nhỉ!"
Thầy Văn tròn mắt hết cỡ, miệng há hốc!
Thầy Đĩnh ngạc nhiên:
"Có
gì vậy Thầy?"
Thầy Văn:
"Thế mà bọn nó nói được nghỉ giờ của
Thầy, nên xin tiền tôi đi xem phim! Tôi cho rồi và nó đi xem phim rồi!"
Hai Thầy nhìn nhau cùng lắc đầu cười xòa, ngán ngẫm cho cái đám học trò
quỹ quỹ ma ma này, nó học thì cũng giỏi mà "quậy" thì
cũng quá chừng.
Hôm sau, giờ Pháp, vừa bước chân vào lớp, thầy Đĩnh nhìn
các em học sinh nữ và nhẹ nhàng hỏi:
"Hôm
qua, các em có đi đám ma đó chứ hả?"
Rồi Thầy tiếp tục giảng bài mới, như là không từng có việc học sinh nói
láo Thầy, trốn học đi xem ci nê đã xảy ra!
Các O này không trả lời
được! Mà Thầy thì không tỏ gì tức giận cả!
Chỉ còn đọng lại nổi ân hận của đám học sinh này, vì đã dám lừa gạt Thầy!
Câu chuyện được kể tới đâu, trong bàn tiệc Thầy Cô cười tới đó, chỉ
tiếc không
có mặt thầy Lê Quang Văn để nghe lại câu chuyện này trong bối cảnh buổi
họp mặt hôm ấy.
Thế là, mấy O nữ xung quanh nghe vậy, kéo qua bàn này,
nhao nhao lên:
"Hồi
trước, học sinh nữ tụi con khi đi học một mình với chiếc áo dài, là ôm cặp
lên che trước ngực, kéo thấp nón lá xuống rồi nhìn dưới đường mà đi, y như
mấy Thiền Sư Nam Tông đi khất thực rứa Thầy"
" Còn
khi bị lỗi gì đó, Thầy Cô có hỏi đến thì mặt biến ngay thành con nai ngơ
ngác trông "hiền như ma soeur" đó Cô"
"
Mỗi khi không thuộc bài hoặc làm lổi chuyện gì thì im thin thít, rụt đầu
vô "mai rùa" chịu trận"
.
. . . , . . . . . . , . . . . . .
Cứ thế, cứ thế mà Thầy Cô và trò
vừa vui đùa, tâm sự, thăm hỏi nhau đến hơn 9 giờ tối mới tan tiệc.
Sau tấm ảnh này là đến "màn" kể chuyện kỹ niệm
thời học trò
vui buồn cùng quý Thầy Cô đã dạy mình.
Ngược
thời gian trở về quá khứ, khoảng năm 1957,
có một viên chức Quận Duy Xuyên, về nhận nhiệm sở
mới: Trường Bồ Đề
- Hội An, chức vụ Hiệu trưởng. Đến năm 1967, ông về dạy Pháp văn
tại trường PTG theo đề nghị của ông chủ trường
Nguyễn Gia Chánh. Ông chính thức dạy luôn tại
trường này kể từ 1968 và định
cư hẳn tại xóm nhỏ đường Cô Bắc, Phường Hải Châu, Đà Nẵng bây
giờ.
Đó là thầy Nguyễn Quang Đĩnh, sinh năm 1916 tại Tỉnh Thái
Bình.
Sau 1975, Thầy là Giáo viên lưu dung, học bồi
dưởng tai Quy Nhơn cùng một số Thầy khác
như thầy Trương Văn Thông, thầy
Trần Thanh Dung . . . và rồi thầy Đĩnh được tiếp tục
giảng dạy tại trường Trưng Vương
3 năm rồi nghỉ hẳn vì các con của Thầy
không muốn cha mình phải làm việc vất vã với tuổi tác
lớn như vậy.
Thầy có 5 người con trai và 1 người con gái. Thầy, hiện đang được
phụng dưỡng tại chính căn nhà của Thầy. Trực
tiếp chăm sóc Thầy là vợ chông
người con trai út của Thầy (anh Nguyễn Tri Giao)
Một buổi sáng đầu tháng 5/2011,
tôi và người bạn Nguyễn Tự, đến nhà thăm Thầy. Căn phòng Thầy nằm rộng
thoáng nhiều ánh sáng, Thầy nghe học trò đến thăm là muốn tự mình ngồi
dậy
không muốn ai giúp đỡ. Khó khăn lắm Thầy mới ngồi qua được chiếc xe
lăn, cô con dâu Thầy đẩy xe ra phòng khách. Lúc này, Thầy trở nên tươi
tỉnh hơn, Thầy luôn nói "tôi đang trẻ lại", chúng tôi cười vui và thông cảm với Thầy có chút lẩn của người già trên 90.
Nhưng không phải thế ! Càng nói chuyện, Thầy càng nhớ thêm nhiều
chuyện, thần sắc Thầy thay đổi tươi vui hẳn lên, cứ muốn chúng tôi
hỏi han đến chuyện ngày xưa Thầy còn đi dạy...
Để chứng minh mình
còn "trẻ" ,
Thầy nói lấy bút ghi lại bài thơ Thầy mới sáng tác, tuy không đọc suông
hết một lần, nhưng Thầy đã đọc lại bài thơ một cách cứng chắc, theo
vầng
theo điệu.
TỰ THỌ
Chín sáu xuân trường
đến với ta,
Thọ tỉ Nam Sơn, lão ít già.
Tai nghe vẩn rõ,
tai chưa điếc,
Mắt thấy còn tinh, mắt chữa
lòa.
Trí nhớ không thua
thời tuổi trẻ,
Tinh thần chẳng kém tuổi niên hoa.
Càng tăng tuổi thọ, càng cao thiện,
Tích đức tu nhân, giữ nếp nhà.
Chúng
tôi vỗ tay khen Thầy đã 96 tuổi mà còn
làm thơ hay quá., Thầy dịch và tự viết ra
tựa đề phim Vũ điệu trong
bóng mờ. (được nói ở trên)
Thầy
càng thêm rạng rỡ, không muốn dứt câu chuyện...
Tôi biết Thầy
đang rất cần: học
trò đến thăm và nói chuyện với Thầy.
Khi chúng tôi định kết thúc chuyến
đến thăm và đọc lại cho Thầy nghe lần
cuối trước khi cho đăng bài viết này, anh
Giao còn "kiện" Thầy:
"Ba em hay nói ông thương học trò hơn thương con"
Thầy cười vui và gật gật đầu ủng hộ câu nói hóm hĩnh của con trai mình.
Có thế
chăng? . . . . . .
. . .
Hiện nay, thầy Đĩnh không còn tự đi được,
mà cần có xe lăn
mỗi lần
ra phòng ngoài tiếp khách.
Người
viết bài:
(Cựu học sinh trường
Phan Thanh Giản niên khóa 1963 - 1970)
Hoàn thành ngày 18 tháng 05 năm 2011
Có sự
trợ giúp tư liệu của anh Nguyễn Tri Giao (con trai út
của thầy Đỉnn), của Phạm Thị Điểu (đang trên
giường bệnh), của Võ Thị An, Nguyễn Tự và một
số đông bạn cùng lớp.