Ở Việt Nam hiện đại "đời chừ", trong dân gian râm ran "sáng ngậm đắng, chiều nuốt cay". Nghe ra, sực mùi đau khổ như phụ nữ dưới thời phong kiến, đắng cay luôn đi theo cuộc đời họ.
Nhưng đời chừ, đắng và cay này lại thuộc về giới đàn ông! Nói ra, ít ai tin nhưng đó là sự thực 100%. Đàn ông sáng mở mắt ra là đã ngậm đắng rồi, đó là uống cà phê (cà phê thì phải đắng) và rồi mấy ông cứ "cà" cho đến lúc "phê" mới đi làm hoặc về nhà! Chiều đi làm về, mấy ông nuốt cay mãi đến tận tối mịt ! Đúng rồi, có rượu nào bia nào mà không cay, vì thế mỗi lần uống phải hô 1-2-3 dzô dzô để quên cái vị cay của nó!
Vâng! Đó là cái "đau khổ" cùng cực của đám đàn ông chúng tôi!
              (tôi chỉ nói riêng trong số bạn bè thân hữu thôi, bạn đọc thứ lỗi!)

Cũng nhờ những buổi "trà dư tửu hậu" như vậy nên không ít chuyện đời xửa đời xưa được kể ra, nào chuyện vui chuyện buồn, hết người này nói đề tài này đến hôm khác lại có chuyện của anh em khác... Nhưng riêng mỗi chuyện nói về thời còn học dưới mái trường PTG là ôi thôi mấy "ông" cứ lao nhao lên dành nói, không ai nhường ai, y như hồi còn đi học, lúc mà có thông báo thầy bị đau ốm gì đó! Nói sôi nổi quá đến độ tôi không còn biết mình phải viết cái gì, bắt đầu từ đâu!
Và lần khác, gặp nhau lại, cũng như thế. Bó tay!
                                Chúng tôi đang trở về tuổi học trò mà.
Mà trách sao được! Chỉ những dấu ấn in đậm nhất trong cuộc đời như vậy mới được người ta thể hiện kiểu như thế mà thôi, đó là thời còn học sinh trường tư thục PTG, nên cứ thế mà mấy ông dành nhau nói, dành nhau kể vì sợ để chặp nữa rồi quên, thậm chí dành cho mình là người nói đúng nhất !?
Trong những lần chứng kiến như thế, tôi cố gắng thu lượm những "mảnh" ký ức ấy để "ráp lại" hầu xin kể lại cùng quý Thầy Cô, quý bạn, không ngoài mục đích hồi tưởng kỹ niệm và... vui là chính.
Vâng! Tuổi càng cao, chúng ta càng cần sự lạc quan vui vẻ, mà những câu chuyện thời xưa sẽ giúp chúng ta cười sảng khoái (thay cho mấy thang thuốc bổ)

Từ xưa tới giờ người ta thường nói:
              "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò"
Thật ra, đã có cuộc thi nào đâu mà phân hạng nhất nhì? Đã có ai thấy ma quỷ "quậy" thế nào đâu mà so sánh với học trò?
Chỉ có điều ai ai cũng thấy học trò quậy quá chừng chừng!
Theo tôi : Nhất là học trò, nhì cũng học trò và ba tất nhiên cũng là học trò.

C' est un "râu dê"
Khoảng năm .........., Thầy ...............................Kiểm dạy Pháp văn phụ lớp chúng tôi, Thầy thường ăn mặc giống như "Tây": bộ vescal màu bả trầu, giày luôn bóng loáng, lúc nào cũng hút thuốc bằng một ống pipe rất sành điệu. Đặc biệt, thầy chăm sóc bộ râu của thầy rất đẹp nên trông Thầy rất điển trai mà học sinh nam chúng tôi từng ngưỡng mộ.
Ác thay, Thầy lại để thêm bộ râu cằm, cũng được tỉa tót nghiêm chỉnh, vuốt gọn, đây chính là đề tài cho cái lũ học trò "quậy"!
Một hôm thầy dạy từ ngữ nói về cuốn vỡ, Thầy cho học sinh đọc to c' est un cahier (đây là cuốn vỡ), Thế là, chờ Thầy Kiểm quay lên bảng viết, chợt có một trò ở cuối lớp đọc to c' est tông "râu dê"!! Thầy quay xuống thì cả lớp im phăng phắt, qua vài giây, khi không nhịn cười nỗi nữa, cả lớp phá ra cười mà mắt vẩn láo liêng quan sát thầy.
Thầy tha thứ bỏ qua, dạy tiếp, nhưng rồi thỉnh thoảng sau đó cứ gặp Thầy ở đâu đó, các trò cũng lao xao câu c'est un... kia! Cho đến tận bây giờ vẩn còn nhớ!
Rồi chiều mùa Hè nọ, trò Nguyễn Tự đến nhà thăm Thầy, trong nhà Thầy rất đơn sơ, không được rộng cho lắm, nhưng lại có đến 2 cái giường và thế là làm cho trò này thắc mắc hỏi: " Thầy! Hai giường này là của ai?"
Thầy: "Một của cô và một của thầy đó"
Trò Tự: "Sao thầy và cô không nằm chung một giường mà lại hai giường?"
Thầy mỉm cười, mắng yêu: "Tổ cha mi!"
Và tại nhà Thầy còn một kỹ niệm, đó là trên bảng trong nhà Thầy hôm đó có ghi câu: "Mai con xuống tàu đi, để lại ông già ít chữ ni". Thầy nói câu đó của con trai Thầy viết, trò Tự đoán có lẽ con trai Thầy đi lính hải quân . . . và không biết bây giờ anh đang ở đâu.

"Tôi đưa em sang sông"
Lớp Tứ 3 (1966) vẩn tự phong cho mình là quậy nhất trường ?!?!
Cứ mỗi lần Thầy Cô chưa kịp lên lớp là la hét, đâp bàn, dậm chân rầm rầm xuống nền lầu một. Phòng học này nằm ngay trên văn phòng nhà trường. Thế là thầy Cưng phải xuất hiện để giữ lớp.
Mỗi lần thầy Nhật Ngân (nhạc sĩ), thường xuyên ăn mặc rất là "à la mode", tóc Thầy chải trái và láng bóng, khi vào lớp lúc nào cũng vác đàn trên vai, vào lớp Thầy đứng chờ cho học sinh im phăng phắc rồi mới ra hiệu cho ngồi xuống. Và câu đầu tiên của học sinh nói trong giờ của Thầy là : "Thầy hát một bài thầy". Thế là Thầy chìu học sinh và hát bài tôi đưa em sang sông , đây là bản nhạc đầu tay của Thầy. Nghe nói là Thầy có yêu một người con gái bên kia bờ sông Hàn, mỗi lần đi học cô ấy phải qua phà..., rồi không biết là Thầy có đưa được người mình yêu sang sông không ?!
Lâu lắm rồi, không được biết Thầy đang ở đâu?

Thầy Bùi Ngọc Cẩn
Lớp chúng tôi có bạn Dương Thị Phi, nhà ở đường Hùng Vương (hiệu xe đạp Vĩnh Lợi) thường hay đem theo đồng hồ reo báo thức vào lớp. Cứ đến giờ Thầy Cẩn là Phi cho reo trong lúc thầy đang viết trên bảng, Thầy quay xuống thì tiếng reo đã tắt và đồng hồ được giấu dưới vạt áo dài!
Dĩ nhiên "trứng không thể khôn hơn vịt", nên thầy Cẩn giã đò quay lên bảng viết bài và đột ngột quay xuống thì thấy trò Phi đang loay hoay lên dây cót cho đồng hồ !! Thế là trò này "được" ra khỏi lớp!

Cô Kim Cương
Vào những năm ...........trường PTG có cô Kim Cương dạy môn Vạn Vật.
Lớp chúng tôi cũng được cô dạy.
Nhắc đến Cô thì trò nào bây giờ cũng khen Cô khi ấy trẻ lắm đẹp lắm, cứ lo khen Cô thế này khen thế kia chứ chẳng thấy trò nào nói Cô dạy thế nào hoặc Cô dạy được mấy năm, nhà của Cô ở đâu!?
Và các trò ngày ấy đã ví Cô như Kim Cương, tức là không còn gì đẹp hơn nữa.
Có trò lại cho Cô đẹp như là nghệ sĩ Kim Cương kịch nói thời ấy,
Rồi lại có trò cho Cô như là Sữa Kim Cương ngon nhất, nổi tiếng nhất lúc bấy giờ (hơn cả sửa Ông Thọ)... và vì thế mới "sinh chuyện".
Buổi sáng của một ngày đầu tuần, học sinh lúc ấy thích ghé qua Nhà Thờ Con Gà để nhận một ổ bánh mì của tổ chức Caritas phát. Đem ổ bánh mì ấy đến trường ăn mà không tốn tiền ăn sáng. Không biết trò nào, khi đem bánh mì vào lớp, rồi chờ Cô vào và nói xin: "Cô cho em xin sữa với Cô "!!
Cô giận đỏ mặt, bước xuống văn phòng và một lát sau thầy Lê Quang Văn lên lớp. Thầy không đồng ý các trò đùa dỡn như thế! Học sinh ngồi im lặng như tờ và hiểu rằng việc này về sau không còn nên tái diển.

"Cúp cua"

Trường PTG có truyền thống thể dục thể thao, nên có nhiều buổi thi đấu các nơi. Mỗi lần như vậy thì nhà trường nói các em đi cổ động. Học sinh của trường đi cổ động nhiều lắm, vui lắm!
Nhưng cũng "giúp" lớp chúng tôi có cơ hội cúp cua!
Ngày đó, mấy "quỷ Nữ" trong lớp hay tụ tập tại hiệu sách của thầy Lê Quang Văn (đường Nguyễn Thái Học), một hôm, mấy O xin Thầy nghĩ học đi cổ động đội bóng rổ của trường, và thế là rạp ci nê Kinh Đô (đường Độc Lập cũ) có đầy đủ các khuôn mặt này. Không biết vào rạp có la hét gì dữ lắm không mà có O bị khan tiếng, bể giọng!
Màn kịch này diển được hai lần thì bị lộ! Một hôm, sau buổi đi cổ động cho đội bóng rổ của trường, thầy Văn hỏi nhóm này:
"Các em đi cổ động có biết đội trường mình thua mấy quả không?"
Một O "đầu đàn" trả lời ngay, chắc như bắp:
"Trường mình thua có 1 trái, uổng ghê Thầy ơi!"
Thầy: "Trường mình chiều nay thắng 2 quả. Các em xin nghỉ học đi cổ động, mà sao đi ra từ hướng rạp ci nê ?"
Mấy O im lặng cúi đầu, lấm lét nhìn nhau, biết đã bị bại lộ, lòng mong Thầy tha thứ và nguyện từ rày về sau không dám "xí xọn" nữa.
Thầy mĩm cười quan sát trong cái nhìn thương yêu học sinh của mình, thương cái tuổi học trò quá dễ thương như thế.

Nhà trường Phan Thanh Giản trong những năm ấy có những chính sách hay, mà học trò chúng tôi đến nay vẩn thán phục:
    + Chiêu hiền đãi sĩ, thu thập tài năng: miễn học phí nếu vị thứ tháng được xếp hạng 1 hoặc 2. Còn lại hạng 3-4-5 thì giảm 50%
    + Hằng tháng đều phát bản danh dự.
    + Học sinh nghèo thì được giảm 50% học phí nếu có chữ ký xác nhận của Liên Gia Trưởng. Trò Nguyễn Hữu Lợi cũng được giảm học phí nhờ có chữ ký của ông Liên GiaTrưởng!?
    + Phong trào thể dục thể thao sôi nổi có những môn thi đấu đạt hạng nhất như vô địch bống rổ 1965-1966, trong đó có trò Trần Mạnh Hùng được phong kiện tướng của trường.
    + Đặc biệt, trong niên khóa 69-70: năm này trường Phan Chu Trinh thu hút rất nhiều học sinh lớp Đệ Nhất từ các trường khác trong ĐN, học sinh giỏi "ra đi" rất nhiều, trường PTG không là ngoại lệ!
Trong khi, tỷ lệ thi đậu Tú Tài I và II của trường PTG hằng năm thuộc loại "top".
                                     Biết sao đây?!
Trước tình hình này, Thầy Hiệu trưởng Lê Quang Văn đã nói chuyện với học sinh của trường mình: "Thầy biết các em có quyền chuyển qua trường PCT, tuy nhiên, nếu các em vì mái trường này mà tự nguyện ở lại thì dẫu còn một học sinh, nhà trường vẩn mở lớp!"
Và năm ấy, lớp Đệ Nhất B chúng tôi còn lại võn vẹn 15 học sinh như: Võ Thị An, Phạm Thị Điểu, Phạm Đăng Hiếu, Trần Gia Phước, Lưu Hiên Phúc, Phạm Thị Anh Thơ, Lao Loai Trân . . . . . (xin các bạn còn nhớ, hãy bổ sung vào danh sách này)

Cô Phụng (tên đầy đủ của Cô là Bùi Đăng Hà Thị Phụng)

Một chiều cuối Đông năm 2003 trò Nguyễn Văn Nuôi dẩn trò Lê Quang Phán đến thăm cô Phụng và thắp hương thầy Trần Thành Dung (Thầy dạy Anh văn) Căn nhà cổ dạng biệt thự Pháp ngày xưa, cửa sổ lúc nào cũng đóng kín, sân ngoài nhà rộng thoáng sạch sẽ, yên tĩnh như chừng không bị ảnh hưởng bởi sự náo động ồn ào của phố nhà chung quanh, nhiều quán hàng xe cộ tấp nập.
Cô nghe có học sinh đến thăm thì rất mừng, chậm rãi bước ra đón tiếp.
Trên bàn thờ thầy, phảng phất qua màng khói hương, đĩa quả, nhìn di ảnh của Thầy mà giống như khi Thầy còn sống. Còn nhớ như in những động tác quen thuộc của Thầy khi còn dạy ở trường PTG. Quần áo Thầy rất sạch sẽ, mỗi khi tay Thầy lấm phấn mà muốn kéo sửa quần thì Thầy dùng hai cánh tay trong để vừa xoay lắc vừa kéo lưng quần Tây lên. Thắp hương cho Thầy xong, thăm hỏi sức khỏe của Cô.
Trong lúc Nuôi và Phán loay hoay phụ cô dọn nước, từ phòng trong bước ra, cô cầm trên tay một chiếc áo ấm còn mới, nhìn Phán, cô mĩm cười:
"Đây là chiếc áo ấm của Thầy mới mặc một "nước" còn mới lắm, em đem về mặc"
Một chút tần ngần xúc động, Phán chưa kịp nhận chiếc áo, cô nói thêm:
"Em đem về không mặc thì cho con của em mặc nghe".
Tay Phán đỡ chiếc áo mà lòng cứ rộn lên bao nhiêu câu hỏi "sao cô biết hoàn cảnh nhà mình quá nghèo khó, con đông tới 7 đứa, thiếu ăn? Cô quan tâm và cho áo ấm mình mặc mùa mưa lạnh ở Phú Bài, Huế! Cô còn sợ mình ngại không nhận nên nói đem về cho con mình mặc"
Trong lúc Phán còn ngơ ngẩn với những việc đang xãy ra, cô lại đem ra một xấp tiền mới gồm 50 tờ loại 2.000 đồng, nhìn Phán cô triu mến nói:
"Phán! Em đem về cho mấy đứa con em ít tiền mới cho cháu vui Tết sắp đến"
Phán:
"?!?! ....."
Cô Phụng nhìn thẳng gương mặt Phán lúc ấy, đôi mắt cô tròn ướt, thân thương cô tiếp:
"Nghe Phán! Thầy và Cô biết em khó lắm, em nhận chút này cho cô nghe Phán, một chút quà đem về cho mấy cháu mừng. . . À ! Mà cho cô gửi lời thăm vợ em nữa nghe, vợ em nó khỏe chứ hả?"
Thoáng yên lặng mà Phán và Nuôi đều xúc động đến không nói thành lời.
Cô Phụng tiếp lời mà như nói với những người mình thân yêu nhất:
"Cô ở nhà thắp hương cho thầy hằng ngày, thấy lòng cũng vui lắm nhẹ nhàng lắm. Có các em đến thăm, Cô càng vui hơn. Khi nào vô ĐN chơi, Phán cứ đến thăm, thắp hương choThầy nghe, và em cũng cố gắng thu xếp vào họp mặt lớp hằng năm..."

Nhận quà. Phán lí nhí cám ơn Cô. Kính cẩn chào Cô.
Ra đến ngoài đường mà Phán cứ vẩn như người không hồn, chỉ thụ động đi theo Nuôi. Ghé vào quán nước, Nuôi lay lay Phán:
"Răng rứa mi? Phán!"
Đôi mắt ráo hoảnh, Phán nhìn thẳng Nuôi:
"Ừm! Tau không biết răng nữa mi!... Mà răng Cô thương học trò ghê rứa mi hè? Tau không hiểu được! Vì việc này đến với tau bất ngờ quá mi ơi!"
Nhìn ly nước trên bàn, Phán tiếp:
"Tụi mình là học trò, còn trẻ, chưa có gì giúp được Thầy Cô, mà đây Cô lại quan tâm, giúp đỡ lại học trò ! Rứa là răng?!"
Nói xong, Phán lại cuối gầm yên lặng...

Về đến Phú Bài. Sau bữa ăn tối. Con cái đông đủ. Phán đem cái áo ấm và bao thơ tiền mới ra để giữa bàn, nhìn quanh một lượt vợ và con mình:
"Mẹ nó nè!... Các con ơi!..."
" ...hôm qua, Ba vào ĐN thăm bạn học cùng lớp như mấy năm nay Ba thường đi vậy, nhưng lần này Ba có ghé thắp hương Thầy của Ba và thăm chúc Cô sức khỏe..."
"Ba và các bạn của Ba chưa lo cho Thầy Cô dạy mình được gì cả! Rứa mà cô Phụng đem ra cái áo ấm ni, bao tiền ni cho Ba đem về làm quà gia đình mình...mấy con thấy đó"
Không khí nghiêm trang yên tĩnh cứ chầm chậm trôi, các con Phán nhìn chằm chặp vào Ba nó, vợ Phán nhìn chồng rồi nhìn con một lượt, lại cúi mặt xuống bàn.
Hai đứa con trai, gái lớn mắt đỏ hoe ngấn lệ...
Chắc chắn, trong tâm hồn thơ dại ấy của tuổi thanh thiếu niên đã ghi lại một sự kiện quan trọng của gia đình mình, của Ba mình, của Thầy Cô và bạn bè của Ba, một tình cảm yêu thương học trò đến lạ lùng, đã ghi đậm vào tâm khảm của chúng.

Đứa con trai nhỏ nhất, chợt nhảy vào lòng Phán và cầm chiếc áo lên quơ quơ làm cả nhà chợt tỉnh cười xòa mà lòng mọi người cảm thấy lâng lâng hạnh phúc dâng đầy....

Rồi nay, Cô cũng đã ra đi.
Ở "cõi tạm" này, tôi và các bạn trong lớp, xin được thắp nén hương để tưởng nhớ đến Cô Phụng và Quý Thầy Cô đã khuất.


(Viết theo lời kể của một số bạn niên khóa 1963-1970 như: Lê Quang Phán, Nguyễn Tự, Nguyễn Hữu Lợi, Võ Thị An, Trương Văn Tốn, Phạm Xuân Cư, Phan Thanh Kiếm . . . . . .)


Người viết bài:

(Cựu học sinh trường Phan Thanh Giản niên khóa 1963 - 1970)
Viết xong ngày 01 tháng 05 năm 2011