Âm Nhạc Và Tôi
(Dương Túy Phượng)

Tôi xuất thân từ một gia đình có duyên với âm nhạc!

Theo lời ba tôi kể lại, hồi còn nhỏ chú tôi mê đàn hơn mê học. Các anh họ tôi còn thuật lại rằng ngày còn là sinh viên, chú là bạn thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc phẩm Chiều Chủ Nhật Buồn tác giả đã viết riêng tặng chú. Chú đã mất từ năm 64 và người nhạc sĩ tài ba kia cũng đã qua đời nên tôi không thể kiểm chứng được câu chuyện này, tôi chỉ biết một điều nhạc sĩ TCS đã có mặt trong đám đông ngày đưa tiễn chú tôi đến nơi yên nghỉ cuối cùng tại Huế.

Hồi còn trẻ, ba tôi vẫn thường đánh đàn guitar. Sau khi xe tơ kết tóc với mẹ tôi, ông đã bày cho mẹ tôi đánh đàn mandoline. Từ ngày thuyên chuyển vào làm việc tại Sài Gòn, tôi không biết vì lẽ bận rộn với việc công hay vì ông muốn khoát lên một vẻ nghiêm nghị để dạy dỗ con cái, tôi chẳng thấy ba tôi ôm đàn nữa. Thay vào đó, ba tôi quyết định cho các con học đàn.

Từ lúc các em tôi lên 7 lên 8, tôi đã thấy các em được lần lượt cho đi học đàn. Con gái học dương cầm, trai thì vĩ cầm. Vậy là hai loại đàn cứ thi nhau làm khổ tai hàng xóm. Khổ một nổi, các em tôi lại không đánh nhạc tân thời, cứ nhạc cổ điển mà chơi; đến ngay tôi, mỗi lần các em tập đàn thì cũng phải âm thầm lui vào phòng đóng chặc cửa lại huống hồ gì hàng xóm! Có một chuyện mà tôi vẫn nhớ hoài, lúc đó thì rất kinh hãi, nhưng sau này mỗi lần nhắc đến thì thấy buồn cười.

Chuyện như thế này, một trưa nọ, cô em gái út của tôi đang ngồi tập đàn thì bỗng nghe tiếng “ịch ịch ịch” thật to ở nhà xe và mấy con chó trong nhà chạy ra sủa om xòm. Em tôi rón rén đi ra kiểm tra thì thấy mấy cục gạch to tướng ai đó đã ném vào và bỏ chạy mất. Nhà tôi ai cũng đoán thủ phạm là ông sinh viên y khoa “4 mắt” hay gườm gườm (biết tên người ta, nhưng chị em tôi vẫn thích đặt tên theo hình dạng) nhà ở phía bên phải đã ném đá cảnh cáo vì tiếng đàn của các em, không thể là của mấy ông sinh viên trọ học ở trước mặt nhà vì mấy ông này đi ra đi vào lúc cũng toe toét nhe răng cả. Từ đó, các em tôi biết ý, tránh không tập đàn vào buổi trưa, hoặc khả dĩ gần ngày thi, cần phải tập ráo riết thì phải đành đạp cái “chân vịt” xuống để hãm âm thanh. Cách đây vài năm, nhân dịp ghé chơi nhà một bà bạn cao niên ở nam California, vô tình chị ấy nhắc đến tên vị bác sĩ tim NTH mà chị vẫn đi khám bệnh. Tôi cười và kể cho chị ấy nghe chuyện ngày xưa. Chị bạn tôi đã đem câu chuyện thuật lại cho vợ chồng vị B.S nầy. Vợ anh nói: “Mấy cô bên ấy hiền khô hà!” trong khi anh cười bẽn lẽn và rằng: "… hồi đó tôi còn trẻ quá, vả lại học ngày học đêm mệt quá, trưa mới nhắm mắt nghỉ một tí thì tiếng đàn lại trỗi lên …” Thì ra gia đình tôi đã đoán đúng tác giả của các cục gạch kia! Quả thật trái đất tròn! Bây giờ vị BS đó đã bất ngờ qua đời khi tuổi đời còn quá trẻ. Tôi nghe tin qua chị bạn và thoáng buồn thương tiếc cho anh láng giềng biết mặt biết tên nhưng không quen năm xưa.

Ngược lại với mấy người em, chị cả và tôi lại tránh xa cây đàn. Sau 1975, ba tôi suy luận rằng có một chút âm nhạc thì đở cực tấm thân nên ông đã khuyến khích hai chị em tôi đi học guitar. Nhưng học được hai hôm thì tôi kiếm đủ cớ để khỏi đi học, vài tuần sau thì chị tôi cũng rút lui. Với chị tôi thì cũng rất dễ hiểu vì chị tôi mê sách hơn mê đàn, riêng tôi thì lại thấy mấy cái giây đàn quá đổi phức tạp. Tôi đổ thừa là tại vì không được đi học đàn từ bé giống như các em nên bây giờ lớn, khó học! Mẹ tôi giải thích rằng hồi đó ở ngoài Trung không có trường QGAN do đó hai chị em tôi không có cơ hội để học đàn.

Trái ngược với ba tôi, đã treo cây đàn cho bụi bám nhện giăng, mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn đem cây đàn mandoline ra biểu diễn cho các con. Thêm vào đó, mẹ tôi rất thích hát, ngay cả những lúc hai tay bà bận rộn may vá thêu thùa, bà cũng luôn miệng hát từ bài nọ qua bài kia. Những lúc mẹ tôi ngồi đan hoặc may thì tôi vẫn lẩn quẩn chung quanh, thứ nhất là tò mò xem kỳ này được mặc áo màu gì, kiểu gì, thứ hai là được nghêu ngao hát theo mẹ. Nhưng ngược lại lúc nào mẹ tôi lăng xăng trong bếp thì tôi tránh thật xa vì tôi chúa ghét làm bếp. Lắm khi mẹ tôi cũng phàn nàn với ba tôi là cả bầy con gái mà không đứa nào chịu vào bếp, nhưng ba tôi lại chủ trương là: "học chữ, học đàn mới lâu, học nấu ăn thì đâu có khó, lớn lên học cũng đâu có muộn...!” Được thể, bốn chị em gái tôi không đứa nào bén mảng vào gần bếp, nhất là những lúc mẹ tôi đang điều binh khiển tướng trong giang san của bà. Chẳng may mà mẹ tôi thấy lấp ló ở cửa bếp thì chỉ có nước chờ ba tôi về để cầu cứu! Cũng vì lý do đó, kết quả là ngày lên xe bông về nhà chồng, tôi chưa biết nấu nước sôi! Cũng may trời thương, tôi được một anh Bắc Kỳ xỏ mũi; ông ấy khó đủ điều, duy chỉ có một cái tính rất dễ thương là dễ tính ăn. Dọn ra bàn món lương hào hải vị gì cũng không thích bằng món bún luộc với đậu hủ chiên chấm mắm tôm vắt chanh. Gì chứ món này thì tôi rất lành nghề. Trở lại chuyện hát hò của mẹ tôi. Nhạc phẩm mà mẹ tôi ưa thích nhất là bài Thoi Tơ. Mẹ tôi hay tự hào kể lại là trước kia ba tôi vẫn hay ví von giọng hát của bà giống của cô ca sĩ Tâm Vấn. Bây giờ mẹ tôi đã trên 70 tuổi, giọng của mẹ đã yếu đi nhiều, nhưng tính nghệ sĩ của bà vẫn tràn đầy. Những hôm nhà có các nhạc sĩ tụ tập đến đàn ca thì bà cũng không bỏ cơ hội hát lại những bài hát tiền chiến mà khi xưa bà vẫn thích.

Tuy không thích học đàn, nhưng tôi lại thích ca hát và làm văn nghệ. Lõm bõm hát theo mẹ nên tôi thuộc nhiều nhạc phẩm tiền chiến. Bài hát mà tôi hát một mình trước đám đông lần đầu tiên là bài Thu Vàng của nhạc sĩ Cung Tiến. Đó là năm tôi học lớp nhất tại trường tư thục St. Thomas (nhà dòng Đa Minh). Thầy tôi năm ấy là thầy Phong, một người còn rất trẻ và rất yêu thích văn nghệ. Hàng tháng thầy vẫn tổ chức hát trong lớp và một năm đôi lần tổ chức “đại nhạc hội liên lớp.” Trong suốt niên học, tôi chẳng bao giờ dám hát đơn ca, lúc nào cũng hợp ca và tranh đứng hàng đàng sau. Trong một học kỳ, thầy bỗng quyết định tất cả học sinh trong lớp phải chọn một bài đơn ca, sẽ được thu thanh và chấm điểm cho vào học bạ. Nghe đến học bạ là tôi đã tá hỏa tam tinh! Ngày nào tôi cũng đứng trước gương, vừa hát vừa làm điệu bộ, nhưng lúc nào cũng thấy tay chân thừa thải. Thôi thì đành liều vậy! Ngày thi hát đến, các bạn tôi lần lượt tươi cười leo lên bục gỗ hát một cách vui vẻ, riêng tôi thì ngồi xanh mặt, lạnh tay chân, chờ đợi đến phiên mình lên… trả bài. Bây giờ suy nghĩ lại, tôi tự hỏi vì sao lúc đó mình lại thích bài hát này trong khi các bạn lại hát những bài hát hợp với lứa tuổi học trò hơn. Kiểm điểm lại những bài tôi hay hát thì bài nào cũng ít nhiều mang hơi hướng của mùa thu. Có lẽ vì những câu thơ của nhà thơ Lưu Trọng Lư mà tôi đã từng nghe từ thuở nhỏ

“…em không nghe mùa thu,
lá thu rơi xào xạc,
con nai vàng ngơ ngác,
đạp trên là vàng khô…”

Hình ảnh này đã ngự trị trong trí non nớt của tôi từ lúc nào, và tôi đã mơ một ngày nào đó được nhìn thấy mùa thu với thảm lá vàng!

Những năm trung học đệ nhất cấp thì cái tính nhút nhát năm nào vẫn còn kè kè bên tôi như hình với bóng. Năm học đệ thất, một hôm vào giờ chơi, chị trưởng lớp ngồi xuống cạnh tôi và bảo tôi hát cho chị nghe bài Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang. Không hiểu ai trong các cô ca sĩ người Huế là thần tượng của chị mà bà chị cứ khen rối rít là “người Huế thì hát phải hay, thôi hát cho L. nghe với mà…” Vậy là tôi nhắm mắt liều mình hát đại vì không những chị là trưởng lớp mà chị còn cao hơn tôi cả cái đầu nên tôi … cả nể. Hát xong thì tôi đỏ mặt tía tai và ngôì thừ người ra vì ngượng! Không biết hôm ấy tôi có làm thủng màng nhỉ của chị ấy không mà sau đó không thấy chị yêu cầu tôi hát nữa. Hú hồn!

Năm đệ ngủ, cô Bích Vân là một giáo sư trẻ từ trường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt, chuyển về dạy Lý Hóa tại Trung Thu. Cô đã là thần tượng của tôi từ thuở ấy. Cô hiền, cô đẹp, nhất là cô có hai bàn tay búp măng, khi giảng bài cô hay chắp hai tay trước ngực. Cô đã dạy cho lớp tôi một bài hát của nhạc sĩ TCS mà cho đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ. Hồi đó vì rụt rè, tôi chỉ lí nhí hát theo; giá như bây giờ được gặp lại cô, tôi sẽ hát thật to cho cô nghe. Bài hát như thế này:

Ông tiên vui,
ông có cái râu dài,
trên đỉnh đồi thường đêm ông ghé qua
khi em lên
ông thường đi đâu vắng
khi em về
em buồn đến ngẩn ngơ!


Đến năm học đệ nhị cấp thì tôi chuyển qua học trường khác. Trường tôi học có thông lệ mỗi năm đến tháng 12 là cả trường nhộn nhịp tập văn nghệ sửa soạn lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng. Học sinh lớp nhỏ tập dượt văn nghệ lu bù để thi đua được chọn đi trình diễn ở rạp Thống Nhất, trong khi các chị lớp đệ nhất thì thi đua tài sắc với nữ sinh trường bạn để được chọn làm 1 trong 2 Bà, được cưỡi voi đi diễn hành.

Năm đệ tam, tôi gia nhập ban văn nghệ của lớp và để tham gia thi đua cho ngày lễ Hai Bà, lớp tôi tập múa bài Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng. Mỗi khi có giờ trống là hối hả rủ nhau đi tập múa. Năm đó không biết múa may ra sao mà đội văn nghệ của lớp tôi rớt ngay vòng sơ kết. Vậy là mộng được đi trình diễn tại rạp Thống Nhất năm ấy thành mây khói!

Vấn chưa nhụt chí, năm lớp đệ nhị, trưỏng ban văn nghệ của lớp cũng là một tay múa chuyên nghiệp trong một đoàn vũ gì mà tôi quên mất tên. Điệu múa lớp tôi trình diễn năm ấy cũng từa tựa các nhịp điệu của đoàn múa trong chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Khổ nổi là màn nầy cần một nhân vật nam mà không tên nào chịu làm đực rựa. Với tinh thần yêu văn nghệ “cao độ”, tôi tình nguyện hóa trang. Màn múa vừa xong, đội múa vừa chạy ra sau hậu trường thì mấy đứa bạn trong lớp đã la lên: "... mấy bà lớp đệ nhất mới vào kiếm mày kìa. Mấy bả hỏi thằng nào trông bắt mắt quá, mượn được của dân VTT phải không?” Nói xong cả bọn phá ra cười ngặt ngẻo! Lúc đầu ai cũng tiên đoán là đội múa lớp tôi không về nhất cũng về nhì, nhưng cuối cùng thì bị lọt sổ. Lý do này chỉ mình tôi biết, mình tôi hay, nhưng không dám tỏ cùng ai. Cớ sự là lúc đang múa, đến một đoạn tất cả các vũ công cùng có một nhịp điệu là tay trái đặt lên eo, tay phải đưa lên trời, rồi giữ nguyên vị thế như vậy chờ đến đúng điệu nhạc kế tiếp thì bước một chân tới trước. Trong lúc đang ngưng chờ nhạc, tôi nhìn các vũ công hàng trước mặt thì thấy mọi người đều có tay trái và phải ngược lại với của tôi. Liếc nhanh qua bên tay trái và phải cũng đều y chang như vậy. Biết là mình nhớ nhầm, tôi len lén đổi tay, nhưng chẳng qua mắt được các giáo sư giám khảo ngồi sát sân khấu. Tiếc thay bao công lao tập dượt của các bạn, chỉ vì tôi, đều gửi gió cho mây ngàn bay!

Qua đến năm đệ nhất thì chẳng còn có cơ hội tập văn nghệ và thi đua đóng vai Hai Bà để được cưỡi voi. Bao nhiêu thay đổi, thầy trò đều lo chạy tán loạn. Vậy là mộng được trình diễn tại rạp Thống Nhất cũng như mộng được cưỡi voi đã không bao giờ thành sư thật!

Rồi tôi đi lấy chồng, bao nhiêu đam mê âm nhạc đều được xếp lại. Rồi cũng vì cơ duyên và nhờ vào nhiệt tâm của cô MH, tôi được liên lạc với một người bạn cũ cùng lớp. Tôi ít khi đi đâu xa nhà vì có con nhỏ, nhưng đã sắp đặt lại công việc để đi dự đám cưới của bạn và cũng với hy vọng được gặp lại các bạn khác năm xưa. Từ đó, tôi trở lại sinh hoạt với nhóm cựu học sinh Trung Thu. Và bỗng nhiên cái tính năng động trong tôi cùng với tình yêu văn nghệ năm xưa của tôi trỗi dậy.

Trong chương trình văn nghệ của hội ngộ 2003, tôi tình nguyện hát hai nhạc phẩm Nhớ Mùa Thu Hà NộiQuỳnh Hương. Tối tối, chờ con đi ngủ, tôi lại lôi cái máy thâu thanh, đồ chơi của cháu lúc còn bé, ra thử giọng. Có hôm đã lùa nó đi ngủ rồi, nhưng nghe tiếng hát ở phòng ngoài, thằng bé lò dò ra nhìn. Lúc đầu còn trố mắt ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghe thấy mẹ hát, sau khi hiểu ra thì nó chuyển sang cười ngặt nghẻo! Nhưng trong đêm hội ngộ 2003, khi thấy cái sàn gỗ với đèn xanh đỏ lấp lánh, tôi lại lạnh cẳng và phớt lờ luôn hai bài hát. May quá, chương trình thì dài, thời gian lại eo hẹp, vậy là tôi đã không bị ban tổ chức đi theo đòi nợ! Quá may mắn!

Dịp hội ngộ 2005, tôi nhận lời cộng tác với ban tổ chức trong vài tuần lễ thật gần kề ngày hội ngộ. Đúng ra chương trình văn nghệ không có những bài hát tiền chiến mà đã có đề tài hát tự do. Tôi đã tình nguyện hát nhạc phẩm Không Còn Mùa Thu. Tên bài hát cũng như tên người hát đã được lên danh sách đầy đủ, nhưng vì tôi nghỉ ngày hội ngộ cũng là ngày ghi nhớ công ơn của Thầy Cô nên tôi đề nghị với anh trưởng ban tổ chức đổi chủ đề thành nhạc yêu cầu do chính quí thầy cô chọn. Vì lẽ đó, chương trình bị lộn tùng phèo. Ban tổ chức đã phải gấp rút liên lạc với quý thầy cô để xin tên bài nhạc. Thế là chị trưởng ban văn nghệ lại phải sắp đặt lại chương trình. Tôi viết lên đây như một lời tạ lỗi cùng chị trưởng ban văn nghệ hội ngộ 2005. Không những chị đã phải bỏ công ra sắp xếp lại chương trình, không hề cằn nhằn tôi một tiếng mà còn bị tôi ẳm nhẹ dĩa đồ ăn của chị! Câu chuyện như thế này! Trong khi bàn thảo về các món ăn cho đêm hội ngộ 2005, tôi đã đề nghị xin có món ăn chay trong thực đơn vì sẽ có một số người ăn kiêng, ít nhất trong đó có chị trưởng ban văn nghệ và tôi; chị ăn chay vì lý do tín ngưỡng, tôi ăn chay vì lý do sức khỏe. Tôi được sắp đặt ngồi chung với ban tổ chức cạnh sân khấu để dễ dàng làm việc. Sau khi tạm xong công việc của ban tiếp tân, cảm thấy kiến cắn bụng, tôi trở về bàn để kiếm gì ăn. Nhìn vào bàn thì thấy toàn các món thịt, chỉ có một dĩa mì xào rau cải nằm một bên. Đoán biết là món ăn chay của chị trưởng ban văn nghệ, nhưng kêu thêm thì tốn kém cho ban tổ chức, vậy là tôi nhắm dĩa này mà đánh chén. Lúc tôi ngồi vào thì bàn rất lộn xộn vì ai cũng tíu tít với công việc của mình nên không biết chỗ nào của ai ngồi. Không kiếm được cái chén hay đôi đũa sạch, tôi đã bê luôn dĩa đồ ăn chạy qua bàn các bạn tôi đang ngồi với ý định kiếm một cái dĩa sạch để sớt một ít rôì trả dĩa mì xào lại. Qua đến nơi, vừa đặt dĩa xuống bàn thì mấy cô bạn tíu tít gọi nhau chụp hình, rồi thì người hỏi câu này, kẻ nói câu khác, tôi mãi nói cười, quên bẵng đi mất chuyện trả dĩa mì lại chỗ cũ. Chưa xong, ban tổ chức đã đi kiếm tôi yêu cầu làm công tác “trưng cầu dân ý.” Vậy là dĩa mì xào của chị trưởng ban văn nghệ đã thật sự quên mất đường về! Sau này nghe kể lại thì chị đã đi kiếm dĩa mì xào và không biết ai đã phỏng tay trên dĩa đồ ăn của mình! Trở lại chuyện chọn bài hát, sau khi được anh trưởng ban tổ chức cho xem danh sách nhạc yêu cầu của quý thầy cô, tôi chọn nhạc phẩm Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay. Đây cũng là một bài hát mà tôi đã từng nghe mẹ tôi hát nhiều lần những ngày còn bé, nhưng lúc đó tôi chỉ biết hát theo mà không để ý đến lời hay ý đẹp trong câu hát. Bây giờ có cơ hội suy gẫm, tôi mới nhận ra hết cái trữ tình và lãng mạn của bài hát. Và cũng để cho chương trình văn nghệ được mới lạ, tôi đã liên lạc riêng với cô Kiều Loan, người đã yêu cầu bài hát này, để xin được song ca với cô. Cô đã vui vẻ chấp thuận, nhưng có một trở ngại là cô sống ở nam Cali, trong khi tôi sống ở vùng Đông Bắc, do đó thầy trò chẳng có cơ hội tập dượt chung. Dự định là sẽ đến sớm gặp cô vào buổi sáng lúc họp mặt tại công viên, vì lý do trục trặc kỹ thuật, tôi đã đến trễ gần 2 tiếng đồng hồ. Mãi lúc gần giải tán tôi mới có cơ hội đi kiếm cô để xin tập sơ qua. Vậy là thầy trò đưa nhau ra một gốc cây xa xa, trên bãi cỏ, không đàn, cứ vậy mà tập dượt. Giọng cô thật ấm và truyền cảm, đã có lúc tôi muốn xin cô đơn ca dùm cho luôn! Mặc dầu cô đã dặn dò: "cô thích hát chậm chậm thôi và cô không đếm nhịp, lúc nào em vào là cô vào đấy nhé..,” nhưng khi đứng trên sân khấu cô lại là người hát chính; cô hát rất chuẩn, tôi chỉ nương theo nhịp điệu của cô mà hát.

Ngày hội ngộ 2007, còn đang phân vân chưa biết chọn hát bài gì thì L.K. đã liên lạc cho biết nếu về kịp ngày hội ngộ thì sẽ hát bài Mời Em Về của nhạc sĩ Việt Dzũng. Tôi đã vội vàng xí phần: “nếu L.K. không về kịp là chị sẽ phỏng tay trên bài hát này đó nghe!” Và tiếc rằng L.K. đã không về kịp và tôi cũng không có dịp phỏng tay trên của L.K. vì... tôi đã bị khớp sau khi thấy đôi uyên ương L.L & T. hát quá điêu luyện!

Hôm nay ngồi ôn lại chuyện cũ và viết lên những dòng tâm sự này, lòng tôi đã rất vui vì một trong những niềm mơ ước của tôi đã thành hiện thực. Các bạn ạ, sau 35 năm dài, cuối cùng thì tôi cũng đã thực hiện được giấc mơ nhỏ bé của tôi; tôi vừa gặp lại cô Bích Vân và đã hát cho Cô nghe bài hát năm xưa. Vì thế tôi xin tạm chấm dứt sự nghiệp âm nhạc của tôi tại đây và xin hẹn gặp tất cả các bạn vào ngày hội ngộ 2009.

Dương Túy Phượng
Cựu học sinh trung tiểu học Trung Thu
và nữ trung học Trưng Vương – Saigon

9/2007