Mùa Hè Qua Thi Ca Việt Nam
(Dương Viết Điền-CHS Niên Khoá 57-61)


“Ai xui con cuốc gọi mùa hè
Cái nóng nung người nóng nóng ghê
Ngõ trước vườn sau um những cỏ
Vàng phai thắm nhạt ngán cho huê
Đầu cành kiếm bạn oanh xao- xác
Trong tối đua bay đóm lập-loè
Mong được nồm nam cơn gió thổi
Đàn ta, ta gãy khúc Nam nghe.”

Đọc bài thơ trên, chắc ai cũng nghĩ rằng thi-sĩ Nguyễn-Khuyến đã tả cảnh mùa hè thật độc-đáo. Chỉ có tám câu thôi nhưng khi đọc lên, ta có cảm tưởng như cái nóng của mùa hè đang hiện ra trước mắt. Nóng như nung người, nóng ghê-gớm. Đã thế trời lại đứng gió. Không một ngọn gió dù rất nhẹ khiến mọi người đều mơ-ước một ngọn gió nồm thổi qua, đem sự mát-mẻ đến cho xóm làng lúc trời vừa vào hạ.
Thật vậy, nói đến mùa hè là nói đến mùa nóng nhất trong bốn mùa. Vẫn biết rằng mỗi lần hè về, hoa phượng đỏ nở đầy khắp đại-lộ trong thành –phố làm cho cảnh phố-phường trở nêm đẹp-đẻ và nên-thơ. Nhưng cho dù cảnh có đẹp bao nhiêu chăng nưã, với những cành hoa phượng màu máu rơi khắp phố-phường, cái nóng gay- gắt của mùa hè vẫn làm cho con người lắm lúc thờ-ơ với cảnh đẹp thiên-nhiên ấy.Trước cơn nóng oi-bức của mùa hạ, ai nấy cũng đều cảm thấy nóng nảy bực-bội mỗi khi nhìn trời nắng chang-chang ấy thế mà vẫn có môt số người thích mùa hè, đó là học-trò. Sau những tháng ngày cặm-cụi đèn sách miệt-mài ở ghế nhà trường, giờ đây là lúc nghỉ hè giả-từ thầy cô để về quê vui đùa thoả-thích. Đoàn trai non tha-hồ thả diều,tắm sông suốt 90 ngày ở quê nhà yêu-dấu:

“Sung-sướng quá giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn-hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.”
Xuân-Tâm

Dĩ-nhiên đám học-trò thích là được nghỉ ba tháng trời chứ thực ra chẳng thích gì mùa hè cả. Vì ai cũng biết rằng mùa hè là mùa nóng nực thường xuyên. Nhất là ban ngày, đi đâu cũng thấy nóng nảy. Mồ hôi thường đổ ra như tắm. Nhất là trưa hè oi-bức, lại gặp lúc trời đứng gió. Trời nóng nực đến nỗi trên đường đi, ta thấy nhiều người phải núp dưới bóng cây để tránh nắng. Trước cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè ở xứ Huế, nhà thơ Nam-Trân đã diễn tả lại một cách rõ-ràng qua bài thơ “Huế, ngày hè.”:

“Lửa hạ bừng-bừng cháy
Làn ma trốt trốt bay
Tiếng ve rè rè mãi
Đánh đổ giấc ngủ ngày
Đường sá ít người đi
Bụi cây lắm kẻ núp
Xơ-xác quán nước chè
Ra vào người tấp-nập
Phe-phẩy chiếc quạt tre
Chú nài ngồi đầu voi
Thỉnh-thoảng giơ tay bẻ
Năm ba chùm nhãn còi
Huê phượng như giọt huyết
Dỏ xuống phủ lề đường
Mặt trời gay gay đỏ
Nhuộm đỏ góc sông Hương.”

Chính vì đi đâu cũng nắng ,đứng đâu cũng nóng nên tất cả mọi sinh vật trên trái đất đều tìm nơi bóng mát để tạm “dung-thân” qua mấy tháng trời mùa hạ.
Chính vì trời nắng như thiêu như đốt khiến nhiều lúc ta cảm thấy như nóng quá đến “ứa máu thôi”. May nhờ bóng của cây dừa che chút nắng để khách qua đường lau mồ-hôi. Ta hãy nghe nhà thơ Trần vấn Lệ diễn tả cái nắng của mùa hè quá nóng đến nỗi “nước mắt hình như đang bốc hơi.”:


“Hôm nay nóng quá nắng vàng tươi
Lá rực màu xanh ứa máu thôi
Bóng của cây dừa che khuất nắng
Cho người dừng lại thấm mồ-hôi
………………………………………
Hôm nay nóng quá ,nắng bừng sôi
Nước mắt hình nư đang bốc hơi
Tôi sẽ trở về hay bước tới
Về đâu? bước tới? cũng buồn thôi.”

Trần vấn Lệ

Và cũng vì trời quá nóng bức, đứng gió, nên đàn trâu ở đồng ruộng quê ta đã nhanh chân xuống dầm dưới nước trong vũng bóng dưới gốc cây đa già, để tránh cái nắng rực lửa của mùa hè ở miền thôn-dã. Ta hãy nghe đọan thơ sau đây của thi-sĩ Bàng bá Lân diễn tả cảnh đàn trâu đầm mình dưới nước thật nên thơ:

“Dưới gốc đa già trong vũng bóng
Nằm mát đàn trâu ngẫm-nghĩ nhai
Ve-ve rung cánh ruồi say nắng
Gà gáy rong thôn những tiếng dài.”

Và cũng những vần thơ nói về khí trời oi-ả của mùa hè, ta thấy nhiều thi-nhân mỗi người diễn tả một cách khác nhau qua những dòng thơ lục bát, thất-ngôn bát cú, ngũ-ngôn cổ-phong vv… Ta hãy nghe bài thơ ngũ-ngôn “Mùa hạ.” sau đây của thi-sĩ Nguyễn-Khuyến diễn-tả về sự nóng–nực của mùa hè:

“Tháng tư đầu mùa hạ
Tiết trời thực oi-ả
Tiếng dế kêu thiết-tha
Đàn muỗi bay lả-tả
Nỗi ấy biết cùng ai
Cảnh nầy buồn cả dạ
Biếng nhấp năm canh chầy
Gà đà sớm dục-dã.”

Riêng nhà thơ Đông-Hồ, ông ta cũng nói về sự oi-bức của mùa hạ qua những dòng thơ bảy chữ sau đây:

“Em nhớ: một buổi trưa mùa hạ
Buổi trưa nặng-nề trời oi-ả
Tựa cửa lớp học em rầu-rầu
Nghe tiếng rúc-rít đàn chim sâu.”

(Bốn cái hôn)

Như đã đề cập ở trên, mùa hè trời nắng chang-chang, nắng như thiêu hư đốt. Khí trời oi-bức khiến cơn nóng mùa hạ như nung người. Mồ hôi nhiều lúc ra như tắm. Ấy thế mà trời lại đứng gió nữa khiến cảnh vật càng ngày càng oi-ả,nóng bức. Không một ngọn gió nồm làm cho mọi sinh vật như nghẹt thở, khắc–khoải. Thời-gian như ngừng lại. Trái đất hầu như nứt nẻ, khô cằn. Mọi sinh vật trên trái đất đang ước mơ một cơn gió nồm bay về để làm cho cái nóng mùa hè dịu bớt đi. Nhà thơ Bàng bá Lân diễn tả những ý-nghĩa trên qua mấy dòng thơ lục-bát sau:

“Trưa hè bóng lặng nắng oi
Mái gà cục-cục tìm mồi bắt con.
Cổng làng vài chị gái non
Dừng chân uể-oải chờ cơn gió nồm.”

(Cỗng Làng)

hay là:

“Trời lơ cao vút không buông gió
Đồng cỏ cào khô cánh lượt hồng
Êm-đềm sóng lụa trên trên lúa
Nhạc ngưạ đường xa lắc tiếng đồng

Quán cũ nằm lười trong sóng nắng
Bà hàng thưa khách ngủ thiu-thiu
Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm
Đứng lặng trong mây một cánh diều.”

(Trưa Hè)

Và nếu lúc trời đang nóng–nực như rực lửa, lại có một cơn gió nồm thổi về, mọi người đều cảm thấy mát rượi vui tươi như bao năm trời nắng hạn, bây giờ lại gặp mưa rào khiến cây cối tốt tươi, đua nhau đâm chồi nẩy lộc. Chỉ một ngọn gió nồm bay về lúc trời hè đang đứng gió, mọi người đều cảm thấy mình như đang được hồi-sinh nhờ một luồng dưỡng khí của trời đất, mây nước. Vì thế khi thấy cơn gió nồm xuất hiện, ai ai cũng bon-chen để tìm cách hóng mát, ngõ hầu làm dịu bớt sự nóng-nực trong cơ-thể. Ta hãy nghe nhà thơ Nam-Trân diễn-tả cái nóng về đêm lúc cơn gió nồm xuất hiện qua những dòng thơ ngũ-ngôn sau đây:

“Trời nóng băm bốn độ
Đèn, sao khắp đế-đô
Mặt trăng vàng trỏn-trẻn
Nấp sau nhành phượng khô

Ba nhịp cầu trường tiền
Đứng dày người hóng mát
Ngọn gió Thuận-an lên
Áo quần kêu sột-sạt.”

(Huế, đêm hè)

Hoặc bốn câu thơ 8 chữ sau đây của thi-sĩ Anh-Thơ cũng cho ta thấy cảnh gió nồm xuất-hiện giữa mùa hè nóng-nực:


“Trời trong biếc không qua mây gợn trắng
Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng
Lũ bướm vàng lơ-đảng lướt bay qua.”
(Trưa Hè)

Khi nói đến mùa hè, nếu chỉ đề-cập đến sự nóng–nực, đề-cập đến sự đứng gió, đến gió nồm mà quên để ý đến mấy tiếng kêu của những con ve là một điều thiếu sót lớn-lao. Chính điểm này mà nhiều nhà thơ đã không quên đưa tiếng ve sầu mùa hạ vào trong thơ, làm cho những dòng thơ đượm đầy màu sắc u-buồn man-mác trước cảnh oi-bức của mùa hè.
Ta hãy nghe tiếng ve kêu sầu thảm khi mùa hè rực lửa đang về của nhà thơ Nam-Trân qua những dòng thơ ngũ-ngôn sau:

“Lửa hạ bừng-bừng cháy
Làn ma trốt-trốt bay
Tiếng ve rè-rè mãi
Đánh đổ giấc ngủ ngày.”
(Huế, Ngày Hè)

Hay bốn câu thơ sau đây của thi-sĩ Bàng bá Lân cũng thấy nói đến kiếp ve sầu:

“Dưới gốc đa già trong vũng bóng
Nằm mát đàn trâu ngẫm-nghĩ nhai
Ve-ve rung cánh ruồi say nắng
Gà gáy trong thôn những tiếng dài.”

Chính nhà văn Nguyễn văn Vĩnh trong bản dịch từ bài La Cigale et la fourmi của La Fontaine cũng có đề cập đến con ve mùa hạ:

“Con ve sầu kêu ve-ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối-rối.”

Và bốn câu thơ sau đây cũng đã nói đến con ve sầu luôn luôn kêu như ai-oán não-nùng mỗi khi mùa hạ đến:

“Nhưng ve sầu mùa hạ
Nghe buồn như tiếng tiêu
Kêu lên vài tiếng lạ
Sương rơi mối tình chiều.”

(Hạ Ái Khanh)

Tóm lại, không phải mùa hè là mùa nóng-nực nên người ta không làm thơ. Trái lại, mùa hè đã làm cho các nhà thơ thấy oi-bức nên phải cầm bút viết nên đôi dòng để diễn-tả sự oi-bức nóng-nực đó. Vì vậy mà qua thi-ca Việt-nam, ta thấy mùa hè xuất-hiện cũng khá nhiều nhà thơ. Họ đã cố-gắng sáng-tác để lưu lại cho hậu-thế những tác-phẩm bất-hủ về sự nóng-nực của mùa hè.

Dương Viết Điền