Trăng Qua Thi Ca Việt Nam

Dương Viết Điền
nk 57-61

 

Nếu ngày xưa bên Trung-Quốc, thi-sĩ Trương nhược Hư đã tả cảnh “XUÂN GIANG HOA NGUYỆT DẠ” (Đêm Trăng Hoa Trên Sông Xuân) thật đẹp tuyệt vời thì tại Việt-nam, có thi-sĩ nào tả cảnh đêm trăng không?

Theo thiển-ý, bất-kỳ một thi-sĩ nào sáng-tác thơ thường không thể quên đêm trăng được.

Đây không phải là một định - luật mà là sự rung cảm tâm-hồn của thi-sĩ trước cảnh đẹp nên thơ giữa đêm khuya thanh vắng. Vì vậy mà trên trần-gian này, có bao nhiêu thi-sĩ thì có bấy nhiêu bài thơ tả cảnh đêm trăng. Có nhà thơ thì tả cảnh trăng mờ bên suối, có nhà thơ thì tả cảnh đêm trăng ngày mùa, nhiều nhà thơ thích tả cảnh trăng chênh-chếch đầu núi, một số nhà thơ khác tả cảnh đôi tình nhân hẹn-hò dưới ánh trăng khuya, cũng lắm nhà thơ tả cảnh uống rươụ tiêu sầu hay ngồi ngâm thơ vịnh nguệt dưới ánh trăng vàng.

Ta hãy xem một số thi-sĩ tả cảnh hẹn-hò dưới ánh trăng khuya, để rồi sau đó xa nhau mãi mãi, để rồi vĩnh-biệt ngàn năm khiến cho tâm-hồn quằn-quại nhớ-nhung chất-ngất.

Điển hình nhất là thi-sĩ Đông-Hồ qua bài: “Nhớ rằm tháng Hai”. Qua bài này, nhà thơ mượn vầng trăng non nước Hà-tiên để tả nỗi thương nhớ người bạn vàng đã cùng nhau rong chơi dưới nguyệt đêm nao:

“Non Bình san lững-lờ bóng nguyệt
Nước Đông-hồ man-mác hơi may
Cũng rằm năm ấy tháng này
Cùng trăng cùng nước non này năm xưa
Cảnh năm trước vẫn là năm trước
Tình năm xưa có khác năm xưa
Này trăng ,này núi,này hồ
Mà người cùng ngắm bây giờ là ai?
Sực nhớ thuở trăng soi đầu núi
Dưới bóng trăng thui-thủi bóng ai
Bóng ai tha-thướt cành mai
Cành mai tuyết điểm cành mai sương lồng
Ta cùng ai thong-dong dưới nguyệt
Khẽ dang tay người ngọc thẩn-thơ
Hồ-Đông một vũng nông sờ
Non –Bình một dãi tờ-mờ ngọn cao
Em mới hỏi : “Trăng sao sáng tỏ?”
Anh bảo rằng: “Trăng có đôi ta”
Bây giờ em đã cách xa,
Vầng trăng xưa vẫn chưa nhoà bóng gương.”

Nếu dưới đêm trăng, nhà thơ Đông–Hồ và người bạn vàng đã thỏ-thẻ bên nhau : Em mới hỏi: “Trăng sao sáng tỏ?”Anh bảo rằng “Trăng có đôi ta”, thì nhà thơ Xuân-Diệu trái ngược lại không dám mở miệng nói dù chỉ một lời khi đi bên cạnh người yêu dưới ánh trăng khuya:

“Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi
Tôi với người yêu qua nhẹ nhẹ
Im-lìm không dám nói năng chi”
(Trăng)

Riêng nhà thơ Nguyễn-Bính, ông đã thỏ-thẻ với người yêu quá nhiều trong một đêm trăng nào đó nhưng rồi người yêu đã không giữ lời thề khi xa mặt thì đã cách lòng:

“Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi tới trăng thề .”
(Tình quê)

Cũng hẹn cũng hò, cũng thề cũng thốt , lắm lúc cũng có người giữ được lời thề, nhưng nhiều khi có người lại không giữ đươc lời thề.Ai đã đọc Truyện Kiều cuả Nguyễn – Du cũng không bao giờ quên mấy câu thơ sau đây khi nàng và chàng đã cùng nhau thề thốt dưới ánh trăng khuya trong đêm thanh-vắng :

“Vừng trăng vằng-vặc giữa trời
Đinh-ninh hai miệng một lời song-song”

Nhưng rồi vì hoàn cảnh éo le của cuộc đời nên nàng đành phải ngậm đắng nuốt cay để rồi phản- bội lời thề với người tình muôn thuở!

Nhiều nhà thơ trái lại không hẹn hò với người yêu hay nhung nhớ người tình muôn thuở đã năm nào cùng nhau say đắm ân-tình , nhưng họ chỉ tưởng-tượng chỉ mộng mơ một bàn tay ngọc ngà phủ lên trán dưới ánh trăng mờ hiu-hắt giữa đêm khuya thanh-vắng mà thôi.

Ta hãy nghe nhà thơ Nguyễn nhược Pháp diễn-tả sự mơ-mộng ấy qua mấy vần thơ sau qua bài “Ngày Xưa”:

“ Đêm nay chờ trăng mọc
Ngồi thẩn-thơ trong vườn
Quanh hoa lá róc-rách
Như đua bắt làn hương
Ta còn đang luyến mộng
Yêu bóng người vẫn-vơ
Tay ngà ai phủ trán?
Hiu-hắt ánh trăng mờ”
( Ngày xưa)

Riêng nhà thơ Cao Mỵ Nhân, bà không trách người yêu nặng-nề như Hàn mặc Tử: “Cách nhau ngàn vạn dặm, nhớ chi tới trăng thề” mà chỉ hỏi nhè nhẹ: “còn nhớ đêm trăng hẹn” không qua bài Trăng Xanh trong thi-tập THƠ MỴ:

“Ánh bạc mơ-hồ tràn cõi mộng
Tơ vàng vương-vấn suốt canh chơi
Hỏi người còn nhớ đêm trăng hẹn
Bóng nguyệt kề vai tóc biếc rơi.”
( Trăng Xanh)

Nhưng ta thấy rằng có nhiều nhà thơ dứt-khoát tâm-tư khi biết người yêu đã “vương miện lên ngôi” và “vương-hậu đăng quang”.

Hãy đọc bài thơ “Dưới bóng trăng vàng” của nhà thơ Cung –Diễm thì sẽ thấy rõ ngay:

“Từ em vương miện lên ngôi
Ta đi nhặt ánh vàng rơi trăng vàng
Từ em vương hậu đăng-quang
Ta đi dưới bóng trăng vàng lẻ loi
Niềm riêng không nói nên lời
Đơn-phương riêng một phía trời tương-tư
Mong ư?-Đâu dám mong chờ
Nhớ ư?- Vâng nhớ bài thơ trăng vàng
Vườn khuya lối trải vàng trăng
Vườn yêu ai trải giá băng lối vào!”

Tuy- nhiên nhiều nhà thơ chẳng hẹn-hò gì với người yêu cả. Họ chỉ thích rong chơi dưới ánh trăng vàng tuyệt đẹp.Nhìn ánh trăng khuya rồi thỏ-thẻ với chị Hằng như nói với người yêu đang ở tân trên trời cao vời-vợi. Ta hãy nghe nhà thơ Tản-Đà diễn-tả tư-tưởng ấy như sau:

“Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ đây xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ-thẩn bóng trăng chơi”

Hay là :
“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi !
Trần thế em nay chán nữa rồi”.

Sau khi đề cập một vài nhà thơ tả cảnh đêm trăng có những cặp tình-nhân hẹn hò, giờ ta hãy nói đến một số bài thơ tả cảnh biệt-ly nhưng lại xảy ra giữa cảnh đêm trăng buồn nảo-nuột ê-chề. Bởi sự biệt-ly nào cũng buồn da-diết, sự cách xa nào cũng nghẹn-ngào bi-luỵ nên cho dù đêm trăng sáng đẹp tuyệt-vời thì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.Ta hãy nghe ĐạiThi-hào Nguyễn-Du tả cảnh đêm trăng ly-biệt giữa Thuý-Kiều và Kim-Trọng:

“Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vừng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
( Đoạn Trường Tân-Thanh)

Nhưng thi-sĩ Đặng trần Côn lại khác. Cụ lấy bóng trăng như là bóng người vợ ở quê nhà, luôn luôn theo dõi chàng ở chốn biên-thùy xa tít mù khơi, theo dõi chàng ngay cả từ lúc “múa gươm rượu tiễn chưa tàn”:

“Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi
Dạ chàng ra ngoài cõi thiên-san
Múa gươm rươụ tiễn chưa tàn
Trỏ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo”
(Cung oán ngâm-khúc)

Cũng để tả cảnh biệt-ly, nhà thơ Hoàng-Duy qua bài “Trăng vương đường liễu” trong thi tập “Như Bóng Mây Bay”cũng đã nghẹn-ngào ai-oán khi viết mấy vần thơ lục bát :

“Người đi kẻ ở nghiêng sầu
Ai người bịn-rịn lòng đau thẩn-thờ
Người trông khuất mấy bóng mờ
Trăng buồn thương trẻ bơ-vơ xuân tình.”
( Trăng vương đường liễu)

Tuy-nhiên, không phải ai cũng hẹn hò để rồi ly-biệt với người yêu, mà lắm lúc cùng những người bạn rượu say tuý-luý để tiễn-biệt nhau đi giữa chốn giang-hồ kỳ-hiệp dưới ánh trăng vàng. Ta hãy đọc mấy vần thơ lục bát sau đây trong bài “Giang-hồ” của Lưu trọng Lư sẽ thấy rõ nét của sự tiễn- biệt bạn bè:

“Mời anh cạn hết chén này
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn
Tiềng gà đã rộn trong thôn
Nửa đời phiêu-lãng chỉ còn đêm nay
Để lòng với rượu cùng say.”
( Giang-hồ)

Như ta đã thấy, rất nhiều nhà thơ tả cảnh biệt-ly dưới đêm trăng sáng, tả cảnh hẹn-hò dưới ánh trăng khuya. Nhưng nhiều nha thơ nhìn ánh trăng khuya mà nhớ tới cảnh quốc phá gia vong để rồi lòng đau như cắt, những mong một ngày nào đó, họ sẽ ra tay xây dựng lại cơ-đồ.

Hai câu thơ đã một thời vang bóng hiện còn lưu lại trong sử xanh ai ai cũng đã học thuộc lòng.

Đó là hai câu thơ cuối nằm trong bài thất ngôn bát cú để diễn-tả vị tướng Đặng-Dung trong lịch-sử nước ta luôn luôn ôm mối hận vong quốc, quyết ra tay tiêu-diệt quân thù. Để rồi đêm đêm mài gươm dưới ánh trăng chờ cơ-hội trả thù cho nước :

“Thù nước chưa xong đầu đã bạc
Mài gươm vầng nguyệt đã bao ngày”

Cùng một tư-tưởng trả thù nước xây dựng lại cơ-đồ, những người đi sau quyết noi gương bậc tiền nhân để tiếp-tục mài gươm dưới ánh trăng khuya, chờ ngày xuất quân tiêu-diệt lũ bạo tàn. Ta hãy nghe nhà thơ Hà ly Mạc tiếp-tục nung-nấu hào-khí trong lòng, quyết nuôi chí lớn chờ ngày phục- hận, luôn luôn mài gươm dưới vầng nguyệt, nghe theo lời vang vọng của núi sông:

“Ai đợi-chờ ai dưới bóng trăng
Loang loang ánh thép loáng sương vàng
Rừng khuya vang vọng lời sông núi
Chiêu gọi người về dưới ánh trăng

Ta hỏi lòng ta , trăng hỏi trăng
Thời nay nối tiếp thuở xưa chăng?
“ Quốc cừu vị báo” nung hào-khí
Dưới nguyệt gươm mài hồn lạnh băng”
(Đợi người dưới trăng)

Cũng đồng sàng đồng mộng với nhà thơ Hà ly Mạc,thi-sĩ Song-Nhị cũng quyết chí trở về quê-hương giaiû-phóng, nên đêm đêm ôm mộng phất cờ khởi-nghiã quang- phục quê hương, đang quằn-quại dưới ách thống-trị bạo-tàn của quân-thù:

“Người gom gió lộng phất cờ
Người qua sông Dịch ngồi chờ dưới trăng
Ta ngồi vẽ lại trăm năm
Oâm pho tượng cổ băn-khoăn đợi chờ”
(Gởi người dưới trăng)

Nói chung, hầu hết các thi-sĩ đều làm thơ khi thấy ánh trăng xuất hiện giữa đêm khuya thanh vắng.Người thì đêm trăng nhớ người tình, người thì đêm trăng rong chơi. Người thì nhìn trăng lại muốn mài gươm để trả thù nhà, thù nước. Tuy-nhiên, các thi-sĩ thường tả cảnh đêm trăng khá nhiều.Điển hình và rõ nét nhất là những cảnh đêm trăng sau đây được thi-sĩ Hàn mặc Tử diễn-tả thật tuyệt vời:

“Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả-lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi-hộp chị Hằng ơi

Trong khóm vi-lau rào-rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe”
(Gái quê)

Nhà thơ Bích-Khê cũng tả ánh trăng, nhưng lại đi xa hơn Hàn mặc Tử qua đoạn thơ sau đây trong bài” Xuân tượng trưng”:

“Hỡi lời ca man dại
Điệu nhạc thở hơi rừng
Đêm nay xuân đã lại
Thuần-tuý và tượng trưng
Nâng lên núm vú đồi
Sửa trăng nhi nhỉ giọt
Bay qua cụm liễu phơi”
(Xuân tượng-trưng)

Ngược lại, thi-sĩ Đoàn văn Cừ tả cảnh đêm trăng mùa hè ở nông-thôn thật linh-động, thật thực tế, nên khi đọc lên ta có cảm tưởng như cảnh đêm trăng ở quê nhà, khiến lòng ta nhớ nhung chất-ngất., mong sao được trở về quê cha đất tổ để thưởng thức lại những đêm trăng ở miền quê mộc-mạc dịu-hiền:

“Ông lão nằm chơi ở giữa sân
Tàu cau lấp-loáng ánh trăng ngân
Thằng cu đứng vịn bên thành chõng
Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân”

“Trong xóm giờ lâu quá nửa đêm
Tiếng chày giã gạo đã ngừng im
Trăng tà hạ xuống ngang đầu núi
Đom đóm bay qua dải nước đen”
(Ngày nay)

Riêng nhà thơ Cao mỵ Nhân, bà tả cảnh đêm trăng thật tuyệt vời qua bài “Trăng xanh” trong thi tập “Thơ Mỵ” “

Đĩa ngọc ai treo ở đỉnh trời
Xanh màu lá mạ ,sáng, xinh, tươi
Một vừng lơ-lững đầy duyên-dáng
Vạn nẽo xôn-xao chẳng lã-lơi
Aùnh bạc mơ-hồ tràn cõi mộng
Tơ vàng vương vấn suốt canh chơi
Hỏi người còn nhớ đêm trăng hẹn
Bóng nguyệt kề vai, tóc biếc rơi”
(Trăng xanh)

Tóm lại, nói đến trăng qua thi-ca Việt-nam, ta không thể kể hết ra tất cả những bài thơ nói về trăng của hầu hết các thi-sĩ . Vì trên thế-gian này, có bao nhiêu thi-sĩ thì có bấy nhiêu bài thơ nói về trăng vậy. Vì thế, ta chỉ nêu ra đây một số bài thơ của một vài thi-nhân để làm biểu-tượng cho bài “ Trăng qua thi-ca Việt-nam “ vậy.

 

Dương viết Điền