Những Vết Chân Di
Hoàng Yến
( Với lòng kính yêu và trân quí - Gởi: Cha Dượng - Người đã làm ơn cho cuộc đời của Mẹ và tôi )


Ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi còn nhỏ lắm. Hơn ba tuổi thôi. Tôi loáng thoáng nhớ rằng Mẹ tôi nói Cha tôi đi học. Tôi được gởi về Bà Ngoại mỗi tháng một lần. Mỗi lần 2 ngày. Thật là thích thú khi tôi được Cậu Út – em của Mẹ tôi- dẫn đi hái xoài, mận, ổi trong vườn.

Vườn nhà Ngoại tôi sum suê cây trái. Ngoài ngõ vào là hai hàng cau kiểng. Những phiến đá đúc bằng xi măng được lót dọc theo lối đi. Hai bên hông nhà sai oằn những cây ổi xá lị. Còn táo thì nhiều vô kể. Nhiều buổi trưa có những đám học trò vào vườn tranh nhau rung cây để nhặt táo rụng. Xa xa phía trái hông nhà những cây bưởi, cây cam, mãng cầu, vú sữa, lê ki ma,… Ðúng là bốn mùa hoa trái. Một lần, Mẹ đánh thức tôi rất sớm, ra tới bến xe đã thấy thật đông các bà bạn của Mẹ tôi chờ sẵn tự bao giờ. Xe chạy rất lâụ mạnh ai nấy ngủ. Ngủ gà ngủ gật. Rồi qua một con sông bằng mấy chiếc ghe nhỏ xíu mà về sau nầy tôi mới biết vùng Ðồng Tháp Mười gọi đó là chiếc “tắc ráng”. Mẹ tôi dẫn tôi đi bộ một quãng đường xa. Ðường gồ ghề, khó bước. Ðất cứng có phủ một lớp phèn trắng như muối. Tôi mỏi chân, mệt, phát khóc. Mẹ tôi tay xách nách mang lại còn phải bế tôi đi một đoạn. Mẹ vỗ về:

- Ráng đi con. Sắp đến rồi. Trường Cha con kìa.

Theo tay Mẹ chỉ, tôi thấy mấy dãy nhà lá giữa đồng không mông quạnh đìu hiu. Trường Cha tôi học sao mà nghèo quá vậy. Hồi lâu tôi thấy một đoàn người mặc toàn đồ bộ bạc thếch. Lại đi chân trần. Chỉ có vài người mang dép thôi. Tất cả ngồi xếp hàng sau một hàng rào kẽm gai, dọc theo hàng cây cao cao. Mẹ dắt tôi lại gần chỗ Cha tôi ngồi. Hàng rào kẽm gai làm bức tường ô nhục. Tôi ấn bàn tay bé bỏng lên dây kẽm để chui qua thì có tiếng quát:

- Không được trèo qua. Ngồi yên đó.

Tôi thấy Mẹ tôi kéo tay áo chùi nước mắt. Tôi hỏi:

- Cha ơi! Chừng nào Cha về?

- Học xong Cha về. Ở nhà ngoan con nhé.

Cuộc gặp ngắn ngủi có vậy. Nhưng tôi hỏi Mẹ tôi nhiều lắm trên đường về:

- Mẹ ơi! Sao đi học Cha mặc đồ cũ quá.

- Mẹ ơi ! Sao Cha không về học ở trường của Mẹ. v.v..và v.v…

Rôi tôi quên hết. Ðến khi bọn trẻ gần nhà trêu:

- Dũng không có cha . Dũng không có cha. Tôi cãi lại:

- Có! Cha Dũng đi học chưa về. Học trường xa lắm.

Bọn trẻ cười , đứa lớn nhất nói:

- Cha Dũng đi tù chứ đi học gì .

Tôi chạy về nhà khóc, mách Mẹ thì Mẹ tôi an ủi:

- Ở nhà chơi đi con.

Mẹ tôi không nói gì thêm. Mắt buồn diệu vợi.

Năm tôi lên 10. Tôi có gặp Cha tôi một lần. Bấy giờ thì tôi biết rõ. Cha tôi đi tù. Ðúng như đám bạn đã nói. Kể từ đó không một lần nào tôi gặp lại.

* * *


Năm 15 tuổi tôi đến Mỹ.

Ðón Mẹ và tôi ở phi trường là người đàn ông lạ. Mẹ tôi gọi là anh Hoàng và bảo tôi:

- Chào Dượng đi con.

Tôi vòng tay chào, Dượng xoa đầu tôi và nói:

- Cám ơn ! Con rất ngoan.

Rồi người quay sang Mẹ tôi:

- Xe ở ngoài kia. Mình đi thôi.

Nhà Dượng tôi rộng rãi. Chung quanh có nhiều cội phong già. Bên hông nhà có cây thông cao vút. Trời tháng ba của Virginia còn sót lại cái lạnh trễ tràng. Tôi run rẩy. Dượng đưa cho tôi nhiều đồ lạnh. Tôi mặc quần áo, đội mũ, mang vớ mà vẫn không làm quen nỗi cái lạnh ở đây.

Hôm sau, Dượng ra khỏi nhà từ sáng sớm. Chiều về cho tôi bao nhiêu là sách vở, bánh kẹo, đồ chơi. Mẹ tôi ở nhà lo việc nhà. Thời gian cứ trôi qua lặng lẽ. Mẹ không hề nhắc đến cha tôi và tôi không biết sao cũng không hỏi. Nửa năm trôi qua, tôi được vào trường. sáng nào Dượng cũng đưa tôi tới cổng. Không cho tôi chờ xe bus. Tháng 10 rét buốt. Bông tuyết rơi nhiều. Dượng vẫn đón đưa tôi như thường lệ. Tôi sống trong ngày tháng bình yên của cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Lớn lên trong sự chăm sóc của Dượng và Mẹ, chỉ lo học hành mà thôi.

Về sau, tôi được biết qua một bà cô họ: Cha tôi đã ra tù, vượt biên và có vợ, có con, có một gia đình êm ấm khác.

Dượng tôi trước đây cũng có gia đình nhưng đổ vỡ từ những năm 89-90…

Một ngày kia, tôi đi với nhóm bạn cùng lớp vào sinh hoạt vui chơi trong một công viên. Mấy tiếng đồng hồ chạy nhảy thấm mệt. Một đám bạn gái kéo nhau ra phía ngoài mua kem. Cô bạn thân nhất giơ tay lên cao vẫy gọi:

- Dũng ơi! Ăn kem gì ? Lại đây mau.

Tôi chạy vội đến. Cả Dượng và tôi đều bất ngờ. Tôi im lặng đưa tay nhận cây kem từ cô bạn gái. Dượng im lặng soạn những đồng tiền thối lại cho bạn tôi. Tôi bí mật chào Dượng và trở lại vị trí các bạn chơi đùa. Ðầu óc tôi đặc quánh như có một tảng hắc ín trong đó. Từ những ngày nắng hạ. Từ những ngày mưa dầm . Ngoại trừ thời gian có tuyết rơi. Dương tôi đã đem về cho gia đình từng bữa ăn, tiếng nói cười hạnh phúc bằng chính mồ hôi của người.

Ðời vẫn có thành kiến với những người” cha ghẻ, mẹ ghẻ”. Nào là:

“Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng.”

Nào là:
“Chim hồng chim hộc bay đi,
Cha dương, con vợ làm gì thương nhaụ”

Chiều đó, Dượng tôi trở về nhà với vẻ mặt ưu tư chưa từng có. Dượng và tôi không đá động gì đến lần gặp trong ngày. ..

Buổi sáng đưa tôi tới trường Dượng dúi vào tay tôi thỏi chocolate nhỏ- Món tôi thích nhất. Một sự quan tâm rất dịu dàng. Không ngăn được nỗi xúc động nghẹn ngào tôi ôm chầm lấy Dượng và tự nhiên gọi:

_Cha! Cha ơi!

Dượng cúi xuống. Những giọt nước mắt rơi trên tóc, trên má tôi. Tôi lại có cha như vậy đấy! Từ đây, tôi bắt đầu cầu nguyện cho Dượng. Xin Thượng Ðế cho Cha Dượng tôi mãi mãi là người cha tốt. Ðem đến hạnh phúc cho Mẹ và tình thương cho tôi. Sức khoẻ và sự bình an luôn ở trong người. Tôi nhớ bài học từ thuở ấu thơ mà nay còn thuộc:

Mỗi năm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con.


Hoàng Yến