Mười Cents, một đồng xu nhỏ nhất, mỏng nhất được gọi là “dime” và đồng xu nầy được đúc với chất liệu 90 phần trăm bạc và 10 phần trăm đồng như đồng xu năm cents và 25 cents nhưng lại khác với đồng xu một cent. Mỗi đồng xu tiền đều có một lịch sử đặc trưng riêng biệt của từng giai đoạn lịch sử cùa nước Mỹ và những đồng xu là phương tiện cần thiết trao đổi về mọi hình thức trong Quốc Gia, hầu như những đồng xu nầy rất thiết thực gần hết ở các quốc gia trên hoàn cầu chứ không riêng gì nước Mỹ. Đồng bạc mười cents nhỏ hơn cả đồng một cent, vòng tròn chu vi lớn 17.91 mm, độ dày 1.35 mm, và quanh vòng tròn có 118 răng cưa. Một bên của đồng mười cents được in khuôn mặt “Franklin D. Roosevelt”, Tổng Thống thứ 32 của nước Mỹ, mặt khác in hình nhánh oliu tượng trưng cho “hòa bình”, ở giữa là ngọn đuốc tượng trưng cho “tự do” và nhánh sồi tượng trưng cho sự “giàu mạnh” của quốc gia. Nhưng mười cents ở đây là một câu chuyện đánh dấu bước ngoặc một cuộc đời của người con gái trên xứ lạ quê người mang tính chất giá trị của một đời sống, một tinh thần tự trọng và một tấm lòng hiếu thảo.
Câu chuyện mười cents bắt đầu của cô sinh viên trong ngôi trường Đại Học “Harbor College” xảy ra một ngày vào giữa tháng tư, giữa một mùa học và cũng là dấu hiệu mùa hè sắp đến nên sinh viên học sinh bắt đầu kiếm việc làm để vào mùa hè không bị thiếu hụt cho một đời sống đơn thân độc mã, một đời tự lập mà cũng là một đời xa xứ, xa gia đình và trong đó có tôi. Hình ảnh cô sinh viên nghèo nhưng tâm hồn lại không nghèo, mang ba lô trên vai chạy ra con lộ chính đón xe bus đi đến thành phố Carson để xin việc làm mà trên tờ báo Los Angeles Time mới đăng tin nhận người làm cho khâu dây chuyền từ chiều qua. Khâu dây chuyền là một công việc thấp nhất ở nước Mỹ với giá lương 3 đồng 25 cents cho đến 3 đồng 75 cents, tuy là đồng lương thấp nhưng rất đông người đi xin việc làm vì đó là công việc dành cho những công nhân không có trình độ học vấn, cho những người dân cư mới mẻ như dân tị nạn và cũng là công việc cho những sinh viên nghèo, trong giới làm khâu dây chuyền phần nhiều là sắc dân thiểu số như Mễ Tây Cơ, Phi Luật Tân, Tàu và Việt Nam và tôi là cô sinh viên nằm trong hai diện vừa tị nạn vừa nghèo
Xe bus vừa dừng lại trên con đường Pacific Hwy., là con đường dài nhất mà ngày đó chưa lái xe nên chưa biết con số của nó mà chỉ biết là dài lắm, con đường lúc nào cũng đông đúc xe qua lại, nhiều quán ăn và cũng nhiều quán bán đủ thứ trên đời mà hầu như tôi chưa hề biết qua mà cũng không dám bước vào để xem. Nhìn đồng hồ trên tay gần một giờ trưa nên cái bụng teo tóp của tôi nghe cồn cào náo nhiệt, quán McDonald bán hamburger bên kia đường làm cho bụng thêm cồn cào, đèn xanh vừa lên đôi chân nhanh nhẩu băng qua đường không còn ngại ngùng sợ hãi. Làm sao quên cho được ngày đó, cái ngày cả buổi sáng không có gì ngoài ly sữa, bước qua khỏi cửa là đứng sắp hàng chờ đến phiên mà nghe cái bụng đói meo vì mùi thơm của hamburger, khoai tây chiên và bánh táo nướng, nhưng đứng sắp hàng hơn cả mười phút mới đến phiên tôi mua phần ăn.
- Cô bán hàng “hello” lịch sự không quên kèm theo nụ cười với tất cả mọi người.
- Tôi không chờ đợi câu hỏi mà đã trả lời:
- Big Mac, khoai tây chiên và ly nhỏ coca cola, không cần suy nghỉ vì tôi đã đọc và đã ngắm hơn mười phút với cái bụng cồn cào.
- Big Mac, khoai tây chiên và soda coca cola …
- Cô bán hàng lập lại với giá tiền 2 đồng 50 cents.
- Tôi lôi từ trong ví nhỏ đựng tiền còn đúng 3 đồng nhưng đã mua rồi, tôi không thích thay đổi, lúc đó tôi cũng có thể không mua “khoai tây chiên” nhưng đói quá nên cứ để yên như vậy.
Big Mac ngày đó, ngon và hấp dẫn nhất của quán thức ăn nhanh McDonald, trong miếng bánh mì dày có thịt bò, xà lách, dưa leo ướp chua gọi là “pickle” và sốt cà. Một phần ăn của hamburger, thường có khoai tây chiên và nước soda kèm với nhau nhưng khách hàng cũng có thể mua hamburger riêng mà không cần khoai tây hay nước ngọt hoặc café. Hôm đó đói quá nên tôi cũng quên bẵng đi tiền trong túi không còn nhiều chỉ biết là sau khi mua xong phần ăn tiền thối còn lại 50 cents chẵn, không hơn không kém, cho đến lúc đón chuyến xe bus đến đường Avelon xin việc làm mới biết là mình thiếu mười cents để chuyển qua chuyến xe bus về nhà. Thiếu tiền chuyển xe bus trong bụng ngồi lo lắng lắm, nếu tôi nói thật với người tài xế có lẽ ông tài xế xe bus cũng cho nhưng tôi lại không xin mà chỉ nghĩ, bụng ăn thì dạ chịu chứ không xin ai.
Xe bus bỏ tôi xuống trạm xe bus, góc ngã tư Avelon và Carson, tôi băng qua đường đi vào con đường nhỏ Lakme Ave., đến công ty American Magnetic Corporation. Tuy là thức dậy sớm nhưng tôi cũng đã chuẩn bị cho mình một bộ đồ chỉnh tề, quần tây xanh noa, áo sơ mi trắng, choàng ngoài áo len màu xanh đậm có pha sọc màu đỏ đậm rượu chát và trắng bao bọc vòng vai, cổ tròn ôm kín vòng cổ áo sơ mi, cọng thêm đôi kính cận với mái tóc óng mượt xõa ngang vai xem cũng thanh nhã lắm. Nhìn bề ngoài thanh nhã của một sinh viên vừa mới ở ngưỡng cửa xâm nhập cuộc đời nên tôi đã lấy được lòng người phụ nữ da trắng trong văn phòng nhận đơn. Sau khi điền đơn xong tôi đứng chờ cô thư ký ngước lên để đưa vào, cô thư ký trẻ ngoài 30 nhìn tôi cười thật dễ thương. Cô đọc lướt qua phần xin nghề và học vấn rồi nhìn tôi hỏi:
- Tại sao cô xin làm khâu dây chuyền khi đã có học nghề vẽ?
- Tôi trả lời: “tôi chỉ muốn có việc làm nhanh để có tiền trả tiền phòng và học tiếp”
- Tôi đã xin đơn làm khâu dây chuyền nhưng cô thư ký cứ khăng khăng để cho tôi làm việc văn phòng mới thích hợp hơn. Cô tự giới thiệu tên:
- Tôi tên Debby!
- Và cô là Kimona, tôi đọc tên cô có đúng không?
- Tôi cười, “tạm đươc” nhưng gọi tôi là Kimo cho dễ nhé!
- Debby bảo tôi ngồi chờ để đưa đơn vào cho manager xem và ông ấy sẽ phỏng vấn tôi trong giây lát, tôi nóng lòng chờ việc nên quên hết những gì xãy ra cho mình trong giây phút tới.
“Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”!
- Tuy là được sinh trong một gia đình trung lưu nhưng “Ông Trời” đã bao dung rộng lượng cho tôi một bản năng tự lập khi tuổi chưa lên mười vì cha mẹ lo buôn bán làm ăn nên dịch chuyển liền tù tì năm nầy ở đây và năm sau ở nơi khác, miễn là có người chịu nhận săn sóc nhưng không ngờ đó là gói hành trang “Ông Trời” đã dành cho tôi từ những năm tháng ở quê nhà.
- Sau một thời gian ngắn chờ đợi được phỏng vấn, nụ cười nở trên môi thật tươi vì công việc đến với tôi ngoài sức tưởng tượng. Tôi được nhận vào làm thư ký cho văn phòng kỹ sư với đồng lương 5 đồng 65 cents và công việc trong bước đầu cũng được tùy thuộc vào giờ học. Mừng quá tôi quên đi con dường dài nhọc nhằn sắp đến.
Mười cents bây giờ có kiếm ra đi nữa cũng đã quá muộn vì bây giờ tôi cần có 50 cents mới mua được một vé xe bus về nhà (Chuyến xe đi từ Đông Ba về An Cựu là 50 cents, nhưng nếu muốn đi thêm một chặn đường từ An Cựu về Phù Lương là phải trả thêm 10 cents, nhưng vì thiếu 10 cents nên kimo phải đi bộ từ bến xe An Cựu đến Phù Lương là vậy đó). Tôi vội vã đi nhanh ra con đường chính và đi dọc trên bờ lề dành cho người đi bộ, ba lô nặng trĩu sách vỡ trên vai, cọng thêm một ngày dài mệt mõi, bước chân tôi cố bước nhanh hơn nhưng tôi lại càng thấy chậm hơn khi đến ngã tư Avelon và Pacific Coast Hwy. Tôi bấm nút đèn để dấu hiệu đi bộ xuất hiện nhanh hơn, nhìn dấu hiệu màu đèn đỏ mà lòng chủng xuống sau giây phút vui mừng khi nghỉ đến con đường không biết còn bao xa và nghỉ đến bài vở ngày mai làm lòng tôi rối bời không còn nhẫn nại.
Mặt trời giữa tháng tư không rực nắng nên cái lạnh cũng nhanh vây quanh khi trời chưa tối, nhìn thấy ánh đèn màu vàng bên đường cũng đã lên bỗng dưng đôi mắt tôi chợt ướt, chợt thấy mình quá bơ vơ và cảm thấy mình cần có gia đình hơn bao giờ. Đã lâu, không biết từ thuở nào cho đến bây giờ, tôi mới ao ước được sống cạnh gia đình và chưa bao giờ ao ước như lúc nầy đây vì tôi cần sự đầm ấm, cần một câu an ủi, cần một thứ tình ấm áp của tình thân. Dòng nước mắt nóng chợt lăn dài trên làn da lạnh sắp về đêm, tôi ngưỡng mặt lên trời trong tiếng khóc không lớn nhưng cũng đủ phát ra âm thanh nức nở, “con khổ quá mẹ ơi”, bước chân chậm rãi băng qua đường trong thiếu thốn tình thân, tiếng còi xe đưa tôi về hiện tại, làm cho tôi mệt mỏi cũng phải chạy thật nhanh qua bên kia đường. Bước lên lề bình yên, tôi nhớ đến hình ảnh của mẹ ngày nào hai tay nặng trĩu với bóng dáng cao gầy như xiêu vẹo trên chiếc cầu Bình Triệu. Mẹ chưa một lần than thở vì cực khổ mà chỉ hay thở dài vào những buổi sáng cùng cha trong mái tranh đìu hiu của vùng kinh tế mới.
- Mẹ thở dài tội nghiệp cho tôi, sinh sau lớn muộn nên mẹ không còn gì để cho và lo sợ cho tương lai tôi tăm tối.
Từ trong trái tim tôi âm thầm xin lỗi mẹ. Tôi tự trách mình đã vội quên đi bản năng sinh tồn trời đã ban cho từ thuở thiếu thời. Tôi mĩm cười trong tiếng “ô hay”, ngày đó tôi đã xin ông trời cho tôi được ra đi, cho dù có nhọc nhằn cực khổ miễn sao tôi đưa cha mẹ ra được cảnh thiếu thốn nghèo nàn, tại sao lại than van khi công chưa thành, danh chưa toại. Bước chân tôi nhanh hơn trong từng bước vững vàng, lòng không còn cảm thấy bơ vơ, không còn cảm thấy lạnh mà con đường cũng chẳng còn thấy dài bởi hình bóng cao gầy như xiêu vẹo của Mẹ trên chiếc cầu Bình Triệu của năm nào, đã làm cho tôi sống lại và sống quật cường hơn. Câu chuyện “Mười Cents” của năm 1983 hồi đó, thỉnh thoảng được nhắc lại khi có người hỏi đến những ngày xa xưa đã qua, câu chuyện đã qua đi bao thập niên nhưng trong lòng tôi vẫn đong đầy cảm xúc, hình ảnh cao gầy như xiêu vẹo của Mẹ ngày nào trên chiếc cầu đó vẫn sống động trong lòng. Mười cents thật là nhỏ nhưng trong lòng tôi chưa bao giờ thấy nhỏ, cứ mỗi lần nắm những đồng tiền cents bỏ vào hủ lớn cho đến lúc những đồng tiền cents đã đong đầy, tôi xem ra đếm rồi xếp theo từng loại và những đồng bạc cents của tôi cũng được đóng góp cho những mảnh đời thiếu may mắn trên cõi trần gian này.
(Cali-2014)