(Kim Vân)



Chị Vân ơi, từ ngày ba mẹ em nhận được thiệp cưới của chị (- Vân con bác Khoái - gia đình em vẫn gọi chị như thế, để phân biệt với em - Vân con bác Nam -), em biết chị trở thành phu nhân thầy Cát Văn Uẩn - giáo sư Anh văn trường Phan Thanh Giản, Phan Châu Trinh và nhiều trường khác nữa ở Đà Nẵng.

Em học ở Sài Gòn, ít khi có dịp về Đà Nẵng, chị em mình thi thoảng mới gặp nhau. Vợ chồng chị có hai con trai kháu khỉnh, chăm ngoan, học giỏi như bố và giàu nhân ái như mẹ. Sau biến cố 75, nhiều gia đình tan nát, kẻ đi, người ở. Vợ chồng chị và hai cháu ra đi, biển trời lộng gió, cánh buồm trôi dạt phương nao… Một mình chị được cứu sống! Lạc tin chồng, vắng bóng con, chị chẳng thiết sống nữa! Sống làm sao nổi khi chồng con yêu thương than quý nhất đời chị đã không còn… Định cư ở Mỹ, chị xuống tóc vào chùa nấp bóng từ bi.

Hè 1998, chị tìm về xóm cũ, đến thăm ba em, bạn đồng nghiệp với ba chị và thắp hương cho mẹ em đã quá vãng. Nhiều người láng giềng ngạc nhiên, gia đình em Công Giáo lại có một ni cô đến thăm thân tình và nồng ấm. Chị vẫn đẹp như xưa, nét đẹp dịu dàng, thanh thoát hơn xưa, vì chị đang chấp cánh trong tĩnh niệm, trong hương khói cửa thiền. Gặp chị, ba em mừng quá, huyên thuyên hỏi thăm ba mẹ chị, chú Đường, chị Thanh - em gái chị lấy chồng ở đường Hùng Vương gần ngã tư Sân Vận Động - cả nhà em vẫn nhớ hoài những kỷ niệm xưa: gần tết, em lại được thưởng thức chè kho, đặc sản vùng Sơn Tây quê chị, chén chè thơm lựng, đặc quánh, được dán giấy đỏ trên miệng chén, chẳng mấy khi được để dành đến giao thừa, ba mẹ em luôn quảng đại với con cái, thèm là cho thưởng thức ngay. Công, em trai em - vẫn nhắc hoài: “Năm nào ba mẹ mình cũng đặt giò chả ở nhà bác Khoái”. Nhà chị ở cuối đường Nguyễn Hoàng, gần ga Đà Nẵng. Chiều 30 tết, chú Đường đạp xe đến trao giò chả và không bao giờ quên mấy chén chè kho dán giấy đỏ thắm với bánh nếp gói mỏng như bánh nậm đất Huế, cố đô.

Hôm ấy, ba em tiễn chị ra đến đầu ngõ; mừng quá, quên hỏi chị ở Chùa nào? Em nhớ mang máng, chị kể: Bác trai đã qua đời, bác gái đang ở Trương Minh Giảng Sài Gòn, gần lăng Cha Cả. Nhiều lần vào Sài Gòn, em tìm đến địa chỉ đó nhưng nay người thân chị đã chuyển đi nơi khác.

Những năm tháng cuối đời, ba em nhắc nhiều đến bác Thận, bác Ngân, bác Khoát…, bạn cảnh sát cũ của ba em…, cả bác Khoái, ba chị nữa.

Em đang viết cho chị những dòng chữ này ở nhà Phúc, con bác Thận, em vẫn gặp Soeur Thủy, con bác Ngân và Công - em trai em - qua Mỹ, có dự lễ an tang bác Khoát gái ở Cali. Còn tin tức gia đình chị thì vô vọng.

Bóng áo cà sa của chị vẫn đậm nét trong tâm tưởng em như ngày chị đến thăm. Năm ngoái, em cùng các ni cô ở ni tự Đàm Hoa ra Bắc viếng nhà thờ Phát Diệm, em cũng kể về chị, về ao ước gặp mặt, biết tin người chị cùng tên, nay là ni cô ở chùa nào đó bên Mỹ…

Đến Pháp Vân tự ở trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh, em gặp nhiều sư bà đã có tuổi, và nhiều tăng ni, Phật tử; em kể với các cụ thân tình của hai gia đình mình và ao ước được gặp lại dù chỉ một lần.

Chị Vân ơi, đa số các bệnh nhân ở đây là Phật tử, em vẫn xin chuỗi bồ đề, kinh THỦY SÁM, KINH BÁO ÂN, KINH VU LAN… và sách “NẺO VỀ CỦA Ý”, “KHÔNG DIỆT, KHÔNG SINH, KHÔNG SỢ HÃI” của thiền sư Nhất Hạnh để tặng bà con ngoài đó. Chị Loan - cựu học sinh Phan Thanh Giản, niên khóa 58-62, dâng cúng nhiều ảnh Phật Bà Quan Âm, Phật Thích Ca…, chuỗi bồ đề và nhiều đĩa, băng thuyết pháp để em đem ra cho các bệnh nhân trại phong Quả Cảm.

Thương lắm chị Vân ơi, các bệnh nhân Công Giáo không có cả ngón tay để làm dấu Thánh Giá! Và các bệnh nhân Phật giáo không thể gõ mõ tụng Kinh với bàn tay 5 ngón đã rụng hết, chẳng còn gì! Xuân, bạn em là y sĩ ở trại phong Quả Cảm đã giúp cho các cụ cách cầm dùi gõ mõ với một cái nịt dạ có móc khóa tùy theo cỡ tay lớn nhỏ của từng người… Sáng sớm, chiều chiều, khói trầm nghi ngút và tiếng mõ đều đều bên lời kinh trầm bổng thanh thoát giúp bao tâm hồn vươn lên, thanh thoát!

Chiều nay, lắng long trong tĩnh niệm bên ngôi thánh đường cổ kính, đổ nát, rêu phong, phía cuối trại phong Quả Cảm, em chạnh lòng nhớ đến biết bao vị thừa sai đã bỏ quê cha đất tổ văn minh, tiến bộ, dấn than trên vùng đất khô khan, cằn cỗi với các bệnh nhân phong cùi, các ngài đã săn sóc, điều trị cho họ, đã bị lây bệnh và chết trên đất Việt mến yêu. Năm 1972, em đã dự lễ an tang Đức Giám Mục CASSAIGNE, tông đồ người hủi. Một Giám Mục người Pháp sang phục vụ trại phong Di Linh, bị lây bệnh, qua đời và an tang tại Việt Nam.

Trong niềm tin PHỤC SINH “thân xác loài người ngày sau sống lại”, chắc chắn chị sẽ gặp lại thầy Uẩn và 2 con nơi quê trời Vĩnh Phúc.

Chị Vân ơi, em hy vọng qua bài viết này, em sẽ tìm được chị và dù không gặp được chị, em vẫn tin chắc chị đang sống an bình, thanh thoát trong một thiền viện nào đó trên đất Mỹ xa xăm. Mỗi sáng, mỗi chiều, trong tĩnh niệm, chị vẫn một niềm sắt son với lý tưởng chị đang được mời gọi tiến bước ngày một thẳm sâu hơn:

“Trong mê bùn chỉ là bùn,
Ngộ ra mới thấy trong bùn có sen.”