6 - Việt nam
Tôi trở về căn nhà thời thơ ấu của ông bà ngoại tôi vùng Phú Nhuận. Ba bà dì không chồng ở chung trên căn nhà chính, gia đình chị tôi ở căn nhà ngang. Tôi được ở trong một phòng nhỏ bằng nửa căn nhà bếp của tôi bên Mỹ. Đây là căn phòng chị tôi xây thêm ở góc sân để má tôi dưỡng bịnh cuối đời. Mỗi bề 3m, giường chỉ cách toa –lét hai bước chân, rất tiện lợi cho người bệnh khó kềm hãm nhu cầu vệ sinh. Cũng may phòng có máy điều hòa không khí.
Nàng điện thoại trấn an tôi:
- Mấy đứa em của em nói anh đừng lo. Báo Cali đăng rần rần có ông nghệ sỹ T. bị ung thư bác sĩ Mỹ chạy, ổng về Việt nam chờ chết, không ngờ số ổng hên gặp thầy chữa thuốc Nam nào đó giỏi dàn trời. Nghe nói ổng lành bệnh xong cưới một con bồ nhí, mới đẻ đứa con trai.
Những loại tin tức này gây phấn chấn cho nàng và cả cho tôi. Tôi không cần con bồ nhí, tôi chỉ cần nàng, người đàn bà tuổi nhai trầu thích nghe tôi kể chuyện tiếu lâm, người mang đến cho tôi hạnh phúc.
Hai giờ trưa, tôi ngồi trên băng ghế đá trong sân, đọc báo, uống càfé, thình lình nghe tiếng xe hai bánh ngừng trước cổng nhà. Một bà dáng thấp bé, mặt bịt khăn, đầu đội mũ bảo vệ tròn vo, áo khoác rộng dài tay, kiểu thời trang Sài gòn làm xấu thành phố. Tôi liên tưởng đến con vịt đẹt. Con vịt đẹt tiến lại gần tôi, lột mũ và khăn che mặt.
- Anh biết ai đây không?
Minie của tôi đang nở nụ cười Mona Lisa. Nàng hôn nhẹ lên má tôi.
Tim tôi thót lại:
- Ủa, sao em nói còn hai tuần nữa mới dzề!?
- Em đổi vé, nói trước làm chi, để anh ngạc nhiên chơi!
Chị Hai mời nàng vào phòng khách. Giọng nàng dõng dạc:
- Em nghe anh bị hút nước trong bụng, em nghĩ là bịnh tình trầm trọng nên em đổi vé về sớm hơn. Em gái em ở Cali nói người ta đồn có ông thầy Châu Đốc chữa ung thư gan giỏi lắm. Em dẫn anh đi nghen anh!
Tôi không thích bị ai dẫn dắt, cương quyết:
- Không.
Nàng lục lọi trong bao nhựa đem theo, rút tờ báo Phụ Nữ, đọc lớn tiếng:
- “Bác sĩ cho biết bịnh ung thư vẫn có người sống thêm 10 năm 14 năm, vẫn sinh con nhờ thuốc men và chế độ ăn uống cẩn thận”. Trên internet bác sĩ Pháp cũng viết y chang, em có ghi rõ nhân chứng, vậy buổi trưa em nấu và em cùng ăn với anh. Anh đọc nè.
- Khỏi cần đọc. Anh hổng phải ung thư.
- Thì anh bị gan nặng cũng phải chữa chớ. Anh thương em chìu em chút đi mà.
Giọng nàng mềm như bún kèm theo gương mặt thiểu não. Tôi mềm lòng nói nhỏ:
- O.K, đi thì đi.
Tôi mệt mỏi vào phòng nằm nghỉ. Tôi ôm nàng vào lòng, rưng rưng cảm động.
Giường chật hẹp chỉ đủ chỗ cho một người…rưỡi. Muốn nằm thẳng người, nàng bắt buộc trồi lên đầu tôi, cánh tay phải sát vách tường duỗi thẳng dọc theo thân hình và cánh tay trái duỗi ngang. Tôi thầm thì:
- Cái mặt thấy ghét! Cho anh dzớt cái nha em!
Lập tức nàng hốt hoảng:
- Thượng mã phong đó!
Tôi thở dài. Quả thật tôi không tin tưởng “chú A37” cho lắm! Sợ chú bay không ra bay, chỉ làm mất mặt đàn anh. Tưởng tôi buồn, nàng xoa đầu trọc an ủi:
- Để khi nào anh lành bệnh rồi muốn dzớt bao nhiêu thì dzớt!
Buổi tối nàng về nhà em gái. Sáng hôm sau nàng đem tới đồ ăn nấu sẵn.
Sau hai lần bị hút dịch tràng, chị dọn cho tôi ăn một mình, chén bát để vào một mâm riêng. Tôi có cảm tưởng mọi người e dè tôi vì sợ căn bịnh truyền nhiễm nhưng cố gắng giữ lịch sự tối thiểu. Các cháu lễ phép chào cậu rồi lẫn tránh thật nhanh. Ông anh rể lạnh nhạt, chỉ trừ chị Hai gần gũi tôi nhiều nhất, nhưng chị em hỏi han vài câu là hết chuyện nói, nhất là chị cũng đang khổ sở về bịnh đau khớp chân.
Đi Châu Đốc về, cả nàng và tôi đặt nhiều hy vọng. Ba chén thuốc Nam uống mỗi ngày đưa tôi đến tình trạng đi tiêu, đi tiểu liên miên.
Theo lời thầy thuốc, nàng cho tôi ăn cá sông. Cử dầu, gia vị, nước mắm, chỉ trừ được thêm nghệ và gừng. Rau luộc cũng lạt nhách. Tôi quạu quọ:
- Em đừng nấu nữa, để chị anh nấu.
- Vậy buổi trưa chị anh nấu cho em ăn luôn à!?
- Thì em ăn xong hãy tới.
- Không.
- Tại sao em ăn chung với anh?
- Cho vui. Anh thấy chưa, em ăn giống như anh dễ dàng mặc dù em không bịnh.
- Em khác anh khác!
- Khác ý chí. Cho dù anh không muốn em cũng cứ nấu đem tới, ăn hay không ăn là quyền của anh.
Tôi cau mặt lạnh lùng:
- Em đừng tới nữa, em về đây làm anh mất tự do.
Ba bà dì và chị tôi nói tôi tên Tốt nên số tôi tốt, bịnh gần chết còn có “hồng nhan tri kỷ” cận kề săn sóc. Bụng tôi xẹp xuống, da mặt hồng hào hơn trước. Mỗi 4 giờ rưỡi sáng, tôi chống walker bước chầm chậm quanh những con đường gần nhà. Mặt trời chưa lên, thành phố còn ngái ngủ thoang thoảng mùi cống rãnh. Thỉnh thoảng một con chuột ló đầu dáo dác. Vài quán hàng chuẩn bị mở cửa, xe chạy thưa thớt. Cho dù Sài gòn thay đổi, nhưng những con đường hồi nhỏ tôi thường đi qua tuần tự trở về sống động trong trí nhớ.
Những buổi sáng cảm thấy khỏe, tôi ra trước sân ngồi đọc báo. Nghe tiếng xe ôm ngừng trước cửa, xuất hiện dáng dấp người đàn bà thấp bé tay xách túi đồ ăn, bịt mặt như dân khủng bố, tôi vui vẻ chọc:
- Con dzịt đẹt hôm nay sao tới trễ dzậy!
Nàng trả đũa:
- A ha, ngày nào cũng xô đuổi người ta, rứa mà tới trễ chút xíu anh “sáng chói” (sói trán) cũng để ý. Con dịch đẹt tới trễ vì nghe điện thoại bên Mỹ gọi. Ba hỏi thăm anh đó.
Ngồi bên nhau không lâu, khoảng 15 phút tôi phải lết vào toa –lét. Mỗi lần trở lại sân với nàng, nhìn khoảng trời xanh, nổi bực bội tù túng khiến tôi mất tự chủ. Vào phòng ăn, nàng xin phép cháu tôi mượn bếp. Vừa luộc rau vừa kể:
- Hồi sáng em bị trợt té trong phòng tắm, tay bầm đen nè!
Mặt tôi đanh lại:
- Sao không chết phứt cho rồi!
Hai đứa cháu lớn nhìn nhau nhướng mắt ngạc nhiên về lời độc ác. Tôi chờ nàng nổi cơn thịnh nộ nhưng sắc mặt nàng vẫn không thay đổi. Tôi chê nàng không biết xới cơm, tôi chê cá tanh, tôi đòi thêm nước mắm. Nàng điềm đạm:
- Em biết anh rất bực bội và anh không thể trút giận vào ai ngoài em cả. Nếu điều đó giúp anh khỏe hơn thì anh cứ việc tiếp tục, còn muốn chọc tức để em không tới nữa chỉ là vô ích.
Vẻ bình thản của nàng khiến tôi càng khổ tâm.
Ăn xong tôi vào phòng trước, một lát sau nàng vào nằm kế bên tôi, tay trái nhè nhẹ xoa đầu trọc. Tôi hất tay nàng :
- Đừng đụng anh. Anh quăng em ra cửa bi giờ.
Như trò chơi con nít, tôi hất tay nàng, nửa phút sau nàng vẫn tiếp tục vuốt ve cái đầu trọc. Sừng sộ vẫn không ăn thua gì, tôi mệt mỏi chịu thua.
Một lúc sau tôi quay người, đầu nép sát vào ngực nàng, tôi nghe rõ tiếng tim nàng đập và giọng nàng nghèn nghẹn:
- Gan anh nát bấy rồi!
Tôi nổi tức:
- Em nói gì kỳ dzậy!?
- Anh cứng đầu thì em nói sự thật luôn. Anh bị ung thư thời kỳ chót. Hôm anh mới về, chị Hai dẫn anh đi bịnh viện hút nước bụng hay dịch tràng gì đó, bác sĩ Việt nam đưa kết quả ghi chữ K có nghĩa là giai đoạn cuối cùng, có nghĩa là cancer. Bây giờ tâm hồn anh đang giao động, hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Anh muốn ăn ngon để rồi chết sớm thì cứ yêu cầu chị Hai nấu. Em yêu anh, em muốn anh sống cho dù anh tật nguyền. Theo kinh nghiệm, những người bị cancer mà ăn thả dàn đến khi hấp hối sẽ rất đau đớn.
Nàng nghẹn ngào, vội vã rời khỏi phòng. Tôi ngồi ôm đầu nghe đất trời sụp đổ. Cancer, ung thư. Trời hỡi! Hạnh phúc mới lóe sáng đã vội vã tắt ngúm. Bụng tôi quặn đau, mới đứng lên, chưa kịp vào toa – lét, chất lỏng tanh tưởi tuôn xối xả xuống hai ống chân teo tóp.
Rửa ráy và thay đồ xong, tôi chống walker ra sân. Nàng đang ngồi trên băng ghế, buồn bã nhìn vào khoảng không. Tôi hút xong cả gói thuốc vẫn chưa trấn tỉnh. Nàng dịu dàng để bàn tay lên đùi tôi, bắp đùi nhăn nheo chỉ còn da bọc xương. Tôi bùi ngùi nói nhỏ:
- Cancer lây bịnh đó em!
- Em biết anh cancer khi còn ở Pháp, chính vì vậy em đổi vé về sớm hơn.
- Số mệnh đã như dzậy thì cũng đành chịu thôi!
- Em không đồng ý. Anh và chị anh bị Nho giáo chi phối. Khổng Tử cho rằng “Tử sanh hữu mạng, phú quí tại thiên”, rằng con người không thể cãi lại mệnh Trời, con người cần phải đặt hết mọi niềm tin vào ý chí của Trời. Khổng Tử cũng nói: “bất tri mạng, vô dĩ vi quân tử dã” , không hiểu mệnh Trời, không xứng đáng là người quân tử (Luận ngữ - Thiên Nghiêu viết). Anh có nhận thấy Nho giáo triệt tiêu mọi nỗ lực chuyển hóa, hướng thiện của con người, giao phó toàn bộ đời mình cho một đấng quyền năng quyết định!? Hồi còn đi học, có một số điểm em không phục Khổng Tử, nhất là ổng đưa ra những nguyên tắc bất công đối với phụ nữ.
- Theo Phật giáo, con người tạo ra nghiệp sẽ không thể và không bao giờ trốn thoát được những nghiệp do mình gây tạo ra.
- Anh nói đúng, nhưng điểm khác nhau giữa nghiệp (Phật giáo) và số mệnh (Nho giáo) ở chỗ, nghiệp do chính con người tạo ra, bất định tính nên nghiệp có thể chuyển hóa được. Do đó, con người có thể thay đổi, chuyển hóa nghiệp báo của mình từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện hoặc ngược lại. Năng lực chuyển hóa Mãn nghiệp trở thành tốt hơn hoặc xấu đi được gọi là Năng tiêu nghiệp. Tác dụng của Năng tiêu nghiệp trong đời sống hiện tại rất lớn. Một người thông minh và khỏe mạnh là kết quả của Mãn nghiệp, nhưng nếu sống buông thả, đồi trụy thì trở nên ngu đần, ốm yếu. Năng tiêu nghiệp đã làm tiêu hủy nghiệp tốt của người này. Ngược lại một người với quả báo Mãn nghiệp bị bịnh tật nhưng nhờ biết cách bảo vệ sức khỏe vẫn chiến thắng bịnh tật, như Stephen William Hawking – nhà Vật lý người Anh của thế kỷ hôm nay, tuy bị liệt toàn thân chỉ còn ba ngón tay nhưng vẫn liên tục đưa ra nhiều phát minh quan trọng. Thuyết Nghiệp khích lệ con người hành động và tiến bộ, hoàn toàn không phải tiêu cực, yếm thế như Nho giáo.
Nàng bóp nhẹ tay tôi và nói tiếp:
- Một tháng rưỡi trước bác sĩ nói với chị Hai rằng anh chỉ còn sống được ba tháng, khuyên chị cứ cho anh ăn những gì anh muốn. Vậy tính ra anh chỉ còn một tháng rưỡi nữa thôi. Em nghĩ nếu anh ăn uống cẩn thận, sự sống sẽ được kéo dài. Chị anh muốn dấu anh vì không muốn anh đau khổ. Chị Hai thương anh theo lối của chị, em thương anh theo lối của em. Em muốn anh biết rõ sự thật. Em muốn anh can đảm, không bi thảm hóa và lẫn tránh nó, vì như vậy giai đoạn hấp hối sẽ thê thảm hơn. Theo quan điểm Phật giáo, suy ngẫm để chuẩn bị cái chết rất quan trọng. Mặc dù sự tái sinh của ta phần lớn tùy thuộc vào năng lực của nghiệp, song tâm trạng ta vào lúc chết ảnh hưởng không nhỏ tới tính chất của tái sinh kế tiếp.
Tôi bỏ bữa ăn tối, nằm gậm nhấm nổi buồn trong bóng đêm. Ba chữ “tôi bị cancer”ngân nga mãi trong đầu từ trưa nay, từ từ dịu xuống và thiếp đi vào giấc ngủ.
Cây mai trước ngõ trổ bông vàng rực rỡ. Tôi lắng nghe tiếng chim sẻ ríu rít trên cành cây, ngước mắt thấy hai con chim nhỏ đứng cạnh nhau, tim tôi se thắt. 33 năm xa xứ, cái Tết đầu tiên trên quê hương chỉ đầy hương vị chua chát. Nàng ngồi bên tôi, nói:
- May mà mồng một Tết em có anh bên cạnh.
- May cái gì! Anh bị cancer mà may cái gì!
- May là hiện tại mình được gần nhau. May là số anh quá cha thiên hạ! Ngay tại thành phố Sài gòn mà nhà anh ở có vườn cây như vườn Thượng Uyển; hòn non bộ cá lội thảnh thơi, cây cối xum xuê mát rượi, chim hót và có cả đàn piano nữa.
Bỗng dưng tiếng đàn im bặt, nàng ngoáy cổ vào phòng khách la lớn :
- Hay quá! Đàn nữa đi con.
Thằng cháu nhỏ tập tễnh vào nghề, hứng chí dạo thêm vài bản. Tôi cười:
- Đàn trật lất. Em đừng khen nữa để nó đi chơi chớ!
Nàng nói tiếp:
- Số anh y chang số Hoàng tử. Dưỡng bịnh có ba người đàn bà hầu hạ: em nấu ăn, chị anh sắc thuốc, em gái anh giặt quần áo. Còn muốn gì nữa! Mấy năm trước em tới viện ung bướu Sài gòn thăm người bạn bị ung thư vú, em thấy hai người bệnh nằm chung một giường, có người nằm dưới đất, nóng nực hôi thúi như địa ngục. Thân nhân ngồi chò hỏ trong sân viện, mặt lo âu vì thiếu tiền hơn là vì lo cho người bệnh. Anh đẻ bọc điều chắc! Em thích câu nói “Con người đánh mất hạnh phúc thường là do mong muốn một hạnh phúc cao hơn hạnh phúc mà mình đang có”.
Những lời nàng nói có tác dụng mạnh, nổi bất hạnh uất ức trong tôi từ từ dịu xuống.
Mồng hai Tết tôi bồn chồn nhìn đồng hồ, gặp dì trước sân tôi buột miệng hỏi:
- Dì thấy dzợ con tới chưa?
- Chưa. Mày đuổi nó quoài sao giờ còn hỏi!?
Tôi đuổi nàng vì tôi không muốn nàng khổ, nhưng nàng không tới thì tôi khổ.
Hôm nay nàng tới trễ. Dọn đồ ăn ra bàn xong, nàng buồn bã báo tin:
- Ba em mất rồi. Ba bị đứng tim bất ngờ.
Tôi bàng hoàng sửng sốt. Ba nàng không bịnh hoạn gì cà. Đáng lý tôi phải là người đi trước ông.
- Kể từ hôm nay em không ăn giống anh. Em ăn chay 49 ngày.
Tôi theo nàng vào phòng. Nàng thổn thức, hai vai run nhè nhẹ. Tim tôi se lại. Ôm nàng vào lòng, tôi vỗ về:
- Anh xin chia buồn với em.
Bây giờ dưới mắt tôi, nàng chỉ là đứa con gái bất hạnh mang nổi đau khổ của người con mất cha. Trong tôi bỗng lai láng niềm thương xót. Nếu không vì tôi, giờ này nàng đang trên đường qua Cali dự đám tang thân phụ. Tôi quên bệnh tật, cảm thấy có bổn phận phải an ủi nàng. Bàn tay gầy guộc của tôi vận dụng hết sức lực thoa nhè nhẹ tấm lưng mầu mỡ, tai tôi lắng nghe tiếng giảng phát ra từ CD, điều mà trước đây tôi vẫn nghe nhưng không chú ý:
“Đức Phật dạy: Thân bệnh nhưng đừng để tâm bệnh. Chúng ta có thể không thể làm được gì nhiều cho thân nhưng chúng ta có thể làm được gì đó cho tâm. Chúng ta có thể giữ tâm bình tĩnh khi chúng ta đau yếu. Chúng ta có thể theo dõi sự tăng giảm của đau đớn, nó đến và đi từng đợt như thế nào. Chúng ta có thể hiểu biết bản chất của khổ đau. Chúng ta có thể gặp nó và học hỏi từ nó. Chính nó là một cuộc thử nghiệm – Làm sao chúng ta hiểu rõ bản chất của sự sống, làm sao chúng ta hiểu rõ ràng không có cái ngã thường còn nơi đây mà chỉ có sự thay đổi liên miên của sinh và diệt, giống như dòng sông trôi chảy bất tận...
Vai trò bỗng dưng đảo ngược… Một người bịnh cancer gần chết phải săn sóc người mạnh khỏe. Dường như Trời sinh ra tôi để phục vụ đàn bà, dù thân xác rã rời nhưng tôi cảm thấy vui vui nghe tiếng nàng ngáy đều. Vừa ôm nàng trong tay, vừa có dịp chú tâm những lời giảng phát ra từ góc phòng…
Tôi thuộc diện khổ đau do luyến ái người. Cũng may đây là người đàn bà tuổi xế chiều nhan sắc tàn phai, nếu luyến ái loại nhí xinh đẹp thì không biết tôi còn khổ đến cỡ nào!?
.......
Tâm trí tôi từ từ lấy lại thăng bằng. Sáng nay hiện rõ trên nét mặt khiến nàng chú ý:
- Lâu ngày em mới thấy anh cười tươi hết xẩy!
- Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời
(Thiền sư Nhất Hạnh)
- Hôm nay Sainte Valentine, tụi mình qua càfé Du Miên nghen em.
Nàng há hốc mồm ngạc nhiên.
- Ơ hơ, em không nhớ. Sao lâu nay em rủ hoài anh không chịu đi!?. Đi, đi anh.
Từ quán càfé, tôi chỉ cho nàng thấy mái ngói căn phòng của tôi khuất sau bụi chuối cuối sân. Nàng nhìn quanh và có vẻ thú vị với lối décor thiên nhiên. Cảm giác đem niềm vui đến cho nàng khiến tôi tạm quên bịnh hoạn. Tôi thèm càfé nhưng bị cấm nên phải gọi trà đá. Nàng hớp một ngụm sinh tố thơm, kể lể:
- Em có người bạn ác ôn ở bên Đức, nghĩ rằng em có số sát phu.
Tôi cười ha hả:
- Chớ còn gì nữa! Ai đụng tới em là từ chết đến bị thương.
- Bà vợ Mỹ của anh cũng chết nghe chưa, vậy là anh cũng có số sát thê đó. Vì mạng em lớn mới đè được mạng anh.
Tôi vui vẻ lập lại:
- Đụng tới em là từ chết đến bị thương! Anh cũng vì em mà thân tàn ma dại nè. Héhé!
- Anh nói kiểu mê tín dị đoan. Nghiệp anh cũng nặng lắm nên gặp người hết xẩy như em mà không được hưởng! Hihi, Anh không hiểu chi cả. Nghiệp xấu của anh đến lúc phải trả, nhưng nhờ có hiếu nuôi vợ bịnh hơn hai chục năm, do đó Ơn Trên ban thưởng em cho anh. Anh có thấy sự huyền bí … mỗ xong anh tỉnh dậy cùng ngày em trở về Pháp, vé anh mua cho em từ bốn tháng trước tại sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy!? Anh thấy chưa? Vì sứ mạng em đã xong, em ở lại Mỹ vô ích nên em bay về Pháp ngay. Sự sắp đặt vô hình hay hết chỗ chê. Rồi bây giờ anh bịnh, em về Sài gòn với anh không phải vì em trả nợ kiếp trước mà em là món quà tặng quí giá của Ơn Trên cadeau cho người chồng nhân đức. Có thể hiểu đây là khởi nghiệp, anh đang mắc nợ em đó, hihi!
Tôi phì cười:
- Con dzịt đẹt môi dày chu chu xạo thấy mẹ!
Nàng lém lỉnh chu thêm miệng hô ra chọc ghẹo tôi.
Mỗi khi nghỉ trưa, nàng mở CD “Tạng thư sống chết” của xứ Tây Tạng. Tôi nói:
- Em mở quoài băng này dzậy em! Có phải vì thầy của em là dịch giả!?
- Em không có máu phe đảng. Tại vì sách có giá trị, càng nghe càng thấm thía. Giọng thầy Tâm Kiến Chánh hay hết xẩy, giống y chang giọng của anh.
Tôi không nói gì, lắng nghe giọng đọc của người đàn ông mà nàng xác nhận giống giọng mình. Nàng ôm tôi vào lòng, tay xoa đầu tôi nhè nhẹ. Mặt ép sát vào ngực nàng nhưng tâm tôi không gợn chút ái dục, cảm giác tin cậy một đồng đội không bỏ rơi tôi, sát cánh cùng tôi chiến đấu bên cạnh giờ phút vô cùng cam go. Chúng tôi im lặng suy ngẫm:
“Dù bạn có tin tôn giáo nào hay không, điều rất quan trọng vẫn là có được tâm an bình lúc chết. Điều đó có lợi cho sự tái sanh. Theo quan điểm Phật giáo, dù người chết có tin luân hồi hay không, thì sự tái sinh của họ vẫn hiện hữu. Thời gian kéo dài trung bình để một người đi tái sinh vào một cơ thể mới là 7 tuần lễ. Tuy nhiên có người sau khi chết chỉ mất 2 giây họ đã đi tái sinh vào cảnh giới khác, đặc biệt những bậc thánh thiện hoặc những kẻ đại gian đại ác. Nhưng một số người khác cứ vất vưởng trong thế giới trung ấm này một thời gian rất lâu, có lúc đến 7 năm mới đi tái sinh. Nếu trường hợp họ bị kẹt lại trong thế giới trung gian này, họ sẽ trở thành ma quỷ. Đặc biệt vong linh trong cõi trung ấm 49 ngày có khả năng nghe, cảm nhận tư tưởng...”
- Nếu em chết trước anh, em sẽ ở bên anh 49 ngày.
Tôi hiểu nàng thầm nhắn nhủ tôi hãy thực hiện điều đó với nàng.
Tinh thần tôi càng ngày càng thanh thản. Mỗi chiều tôi thường rủ nàng đi ăn chè đậu đen, đậu ván ở những quán cóc bên đường. Mỗi lần nàng lăng xăng chận xe sợ tôi bị tai nạn, tôi tức uất người. Tôi bắt nàng đi vào trong lề, bổn phận đàn ông là che chở đàn bà, tôi không thích nàng làm điều trái ngược. Sau vài lần nổi xung, nàng hiểu và để yên cho tôi giữ vị trí bảo bọc nàng. Một hôm nàng hỏi tôi:
- Hồi trước anh có bồ với bà nào không? Đưa em địa chỉ, em dẫn bả tới thăm anh.
- Anh không có bồ nào cả.
Nàng ngạc nhiên:
- Em xem hình hồi trẻ, thấy anh coi được lắm! Ít nhất anh cũng có dẫn một cô đi chơi chớ!
- Hồi học lớp đệ nhất, anh có rủ một cô cùng lớp đi ciné.
Mắt nàng thích thú sáng lên:
- A, anh kiss cổ trong rạp ciné.
- Hổng dám đâu! Anh chỉ khều mấy ngón tay thôi. Sau đó cổ giận anh.
- Anh hiền queo, chỉ dám khều mấy ngón tay thôi à. Vậy mà giận à, vô lý!
- Hổng phải. Hôm đó đông đảo chen lấn mệt hộc xì dầu. Gần hết phim cổ hối anh: “Đông người quá mình ra trước, hông thì chút nữa chen lấn hôi lắm!”. Anh nói :“Thì cũng đã hôi rồi !”.
Nàng cười ngặt ngoẽo và láu lỉnh hỏi tiếp:
- Vậy anh còn trinh với bà vợ Mỹ à!?
Tôi phì cười:
- Trinh cái lỗ rún. Hồi còn đi học, có thằng bạn dưới quê lên Sài gòn thuê nhà trọ, tụi anh hùn tiền bao một em nhím. Thời đó dzui thật là dzui!
- Thanh niên mới lớn lên hầu như ai cũng vậy!
Được nàng khuyến khích, tôi hứng thú kể tiếp:
- Sau đó tụi anh thằng nào buổi sáng đi học bụng cũng đói meo, tại tiền dành để chích pénicilline. Hehe, thằng nào cũng đi cà náng. Ba anh hỏi, anh nói anh bị té xe đạp. Cả bọn té xe đạp. Xạo thiệt tình! Tụi anh còn phải năn nỉ bà y tá cùng xóm giữ bí mật dùm.
Nàng cười nắc nẻ.
- Hihi, đám anh em trai nhà em y chang đám bạn của anh.
Tôi đổi đề tài:
- Anh tính lành bịnh sẽ mua miếng đất vùng quê làm nhà ở. Anh sẽ nuôi vài con gà chạy lanh quanh cho dzui. Em chịu dzề ở với anh hông?
- Không được đâu anh ơi, em ớn lắm! Anh là Việt kiều, tụi công an sẽ tối ngày kiếm chuyện đòi “quà thông cảm”, hoặc dân xì ke đêm khuya tăm tối sẽ giết anh chỉ vì mấy chục dollars. Lành bịnh anh qua Pháp với em là tiện nhất.
Có những ngày chán ngán bịnh hoạn, tôi lại nghĩ khác:
- Anh biết đời anh tiêu rồi, em lo kiếm người khác đi.
- Em già và xấu nữa ai mà lấy em! Chính anh cũng công nhận em xấu. Họa may nhờ anh phò hộ em...
Nàng trả lời diễu cợt với ánh mắt láu lỉnh.
- Cho dù anh không linh thiêng, em cũng đừng lo. Hoàng tử Charles mê bà già Camilla trong khi Diana đẹp tản thần. Em nên nhớ rằng trên đời này vẫn có những cha yêu đàn bà không phải vì nhan sắc.
- Hơi hiếm! Nếu gặp một người nào đó giống như anh, em mới chịu.
- Làm sao có người nào mặt mũi giống anh được!
- Xí, ý em nói giống tính tình của anh kìa. Làm như anh đẹp trai lắm!
Cả tôi và nàng cùng cười, quên hẳn mình đang ở trong hoàn cảnh mếu máo.
Thấm thoát ba tháng trôi qua, chỉ còn vài tiếng nữa nàng lên máy bay trở về Pháp. Tôi ngồi trên giường, hai chân dạng ra ôm lấy nàng đứng giữa. Hai tay nàng không ngừng ve vuốt đầu tôi.
- Sao em dzày dzò đầu anh quoài dzậy?
Nàng áp sát đầu tôi vào ngực nàng.
- Tại em không biết để tay ở đâu!
Nàng cười khẻ nhưng tôi cảm giác những giọt nước mắt rơi trên da đầu trọc.
- Anh đừng ăn bậy bạ nghen anh.
- Ờ.
- Lành bệnh qua Pháp ở với em, nhớ mua bảo hiểm sức khỏe loại du lịch.
- Ờ.
- Nếu, nếu…anh có mệnh hệ nào, chắc em không về được, anh đừng buồn em nghen.
- Bộ em nghĩ anh chết sao!?
- Biết đâu được! Tốt nhất anh cứ chuẩn bị tinh thần, nhớ nghe băng giảng mỗi ngày, nghe đi nghe lại mới thấm anh à.
- Ờ.
- Và nhớ rằng em yêu anh.
Tôi nuốt nước mắt nói:
- Anh đi được là anh qua với em ngay.
Nàng hôn môi tôi và vội vã lấy khăn bịt kín khuôn mặt đẫm lệ. Tội nghiệp từ ngày yêu tôi, nàng khóc nhiều lần. Tôi chợt nhớ chưa bao giờ thấy người vợ Mỹ nhỏ một giọt nước mắt. Chậm chạp chống Walker, tôi tiễn nàng ra ngõ. Đứng lặng người một lúc thật lâu, tôi nhìn theo chiếc xe ôm chở nàng khuất xa cuối con đường hẻm.
Qua phôn, tôi nói chuyện với nàng một lần chót, để an tâm nàng bình an về tới Pháp. Và rồi tôi trốn tránh, vì giọng nói quen thuộc đó chỉ khiến tâm hồn tạm thời an bình của tôi trở nên xao động. Tôi biết rõ mình đang may mắn không vướng bận gì khác, ngoài việc quán sát cái đau để buông cái đau, đừng dại dột rơi vào luyến ái.
Tôi sẵn sàng rời cõi trần gian với tâm an lành, đó cũng chính là điều nàng ao ước tôi đạt được.
11 giờ khuya. Tôi rung chuông gọi chị Hai. Tôi điềm tĩnh nói:
- Em thấy trên trời đầy sao chiếu sáng ngời. Hình em hiện lên quanh bốn bức tường. Em nghe rõ tiếng ai gọi tên em. Em biết tới giờ em đi rồi đó chị.
Chị tôi an ủi:
- Giữ lòng thanh thản nha em.
- Em sẵn sàng rồi. Chị à, em có lỗi nhiều với ba má phải hông chị?
- Hông, em hổng có lỗi gì cả. Ba má thông cảm hoàn cảnh của em. Những ngày nước mới mất, tụi nó vào nhà mình làm khó dễ quoài, điều tra “thằng giặc lái cút theo Mỹ”.
- Dzợ em sao chị?
- Nó ở Pháp làm sao chị biết. Lần nào nó gọi, em cũng hổng chịu tiếp chuyện.
- Chân chị còn đau hông?
- Đau lắm em!
Tôi cười thân mật nói:
- Mặt bà mệt quá chời, thôi đi ngủ đi bà ơi!
7- Ra đi
4 giờ sáng thứ năm 9/10/2008
Theo thường lệ, người đàn ông làm vệ sinh vào phòng chào hỏi :
- Ngủ ngon hông anh Tốt ?
Tôi không trả lời.
Vì tôi đã chết.
France, khuya hôm sau...
Tôi trở lại mạnh khỏe và cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái, đi đứng bình thường không cần walker. Tôi không gặp ba má tôi, không gặp Carrol, cũng không gặp ba của nàng. Chung quanh tôi là một số người tôi không quen biết, họ đi lại với dáng vẻ thanh thản.
Điều kỳ diệu, tôi mong muốn được gặp nàng thì tức khắc tôi đã có mặt bên nàng. Tính thời gian, tôi quen nàng được 3 năm 2 tháng; gần gũi nhau tổng cộng khoảng 7 tháng. Tương tự cuộc tình ngắn ngủi của vua Chế Mân và Huyền Trân công chúa, cũng như chuyện phim Love Story.
Tôi bồi hồi ngắm tấm hình đặt trên bàn ngủ. Tấm hình tôi và nàng chụp hôm picnic vùng Nam Cali, tươi cười dựa vai nhau ngồi bệt trên bãi cỏ xanh mướt. Nàng đang say ngủ, cái cổ ngấn nọng làm nàng già hơn sáu tháng trước. Tôi nằm cạnh nàng với tâm hồn bình thản.
Chợt biết có tôi bên cạnh, nàng hấp háy mắt nhìn tôi. Giọng nàng vui mừng ngái ngủ:
- Anh qua với em đó à!
Tôi cười nhẹ và lập lại câu nói hôm chia tay :
- Anh đi được là anh qua với em ngay.
Nàng dường như không mảy may ngạc nhiên, cánh tay nàng ôm choàng qua bụng tôi làm vòng khóa êm ái, mỉm cười và tiếp tục ngáy đều. Mân mê những ngón tay nàng theo thói quen những ngày chưa bịnh hoạn, mắt tôi nhìn lên trần nhà màu trắng. Một màu trắng tinh khiết và tang tóc.
Nàng tỉnh giấc, ngơ ngác tiếc nuối giấc mơ vô cùng sống động. Nàng không ngờ rằng thế giới nàng đang sống chỉ là mộng, thế giới nàng nằm bên tôi trong giấc ngủ mới chính là thật.
Nàng điện thoại về Việt nam nói chuyện với chị tôi, biết tôi ra đi trong một trạng thái tốt lành, và linh tính tôi đang ở bên cạnh nàng, tư tưởng nàng truyền đạt đến tôi lời khen ngợi :
- Em rất hãnh diện vì anh.
Bây giờ nàng đang mang nổi buồn ủ rủ của loài chim lẻ bạn, não nề của loài người khóc cô đơn. Tôi có nhiệm vụ an ủi nàng, nhắc nhở nàng phấn đấu, tiếp tục đời sống bình thường. Mỗi ngày nàng nhận nhiều mails bạn bè khuyên đừng buồn nhưng vô hiệu quả. Khi màn đêm buông xuống, nàng thổn thức nghe tôi vỗ về:
- Em còn nhớ những điều chúng mình đã từng nghe qua: “Ta không thể nào tránh né khổ đau. Khi ta cố tự vệ chống lại đau khổ, thì ta chỉ càng thêm đau khổ và không học được gì về kinh nghiệm khổ đau”. Em nên lấy làm an ủi: “Một trái tim chưa hề mở ra nhận chịu sự mất mát, một trái tim được che chở, luôn vô tư an ổn, thì không thể biết yêu thương”.
Nước mắt nàng ràn rụa. Tôi tiếp tục thầm thì:
- Em hãy suy nghĩ lời giảng hữu ích: “Đừng dập tắt nổi đau khổ của bạn, hãy chấp nhận nó và giữ tâm nhạy bén với nổi khổ đau. Dù tuyệt vọng đến đâu, bạn hãy nhận nổi đau khổ như nguyên trạng của nó, vì kỳ thực nó đang đem lại cho bạn một món quà vô giá, nhờ tu tập, bạn sẽ có cơ hội tìm ra được cái ẩn dấu sau nỗi đau buồn. Đau buồn có thể là khu vườn bi mẫn. Nếu bạn mở lòng ra với mọi sự, thì nỗi khổ có thể trở thành đồng minh lớn nhất của bạn trên đường tìm kiếm từ bi và trí tuệ.”
Tôi nói thêm :
- Em nên ghi nhớ điều quan trọng mà anh đang trải qua kinh nghiệm: « Những kiến thức thu lượm được trong vấn đề tôn giáo không có giá trị gì cả . Tôn giáo là một điều phải tự kiểm chứng lấy qua sự thực hành”.
Trước khi vĩnh viễn ra đi, tôi muốn tiếp xúc với chị tôi, với con gái tôi và một số bạn thân nhưng thất bại. Tôi chỉ liên lạc được ba người. Đứa cháu dâu trong giấc mơ thấy một đám mây trắng nhẹ nhàng bốc lên từ thân thể tôi, chầm chậm bay lên cao và tan loãng vào không gian như làn khói. Cháu thức dậy nhìn đồng hồ đúng 2 giờ sáng, như vậy chị tôi sẽ hết thắc mắc về giờ giấc chính xác tôi trút hơi thở cuối cùng.
Hôm sau, thằng bạn thân ở Chicago mừng rỡ ngạc nhiên gặp tôi trong giấc ngủ: «Tao nghe nói mầy chết rồi mà !». Tôi tươi cười trả lời : « Ờ, tao về thăm mầy đây».Vậy càng hay, người bạn Công giáo này là nhân chứng hùng hồn về thuyết siêu hình.
Có lẻ linh hồn là dòng điện tinh tế, muốn phát ra phải chạm đúng tần số tương tự làn sóng đài phát thanh. Tôi liên lạc với nàng dễ dàng, có lẻ vì nàng tập trung mãnh liệt tư tưởng vào tôi cùng với thiện chí ăn chay 49 ngày. Chắc hẳn sức mạnh tình yêu đã giúp chúng tôi.
Tôi bảo nàng vào trang nhà “Cánh Thép”. Những đồng đội vẫn chưa quên tôi, có đứa thương tôi làm thơ khóc bạn. Có đứa nhắn nhủ: “Mầy linh thiêng phù hộ tụi tao nghen Tốt”. Tụi nó không biết rằng tôi có khả năng nghe và đọc được tư tưởng của người khác nhưng tôi không có quyền phép gì để phù hộ ai cả. Tôi vẫn là tôi. Tôi chỉ lìa bỏ cái xác phàm bệnh hoạn. Linh hồn của tôi trong cuộc đời hiện tại này đến từ linh hồn của đời trước và là nguyên nhân của linh hồn trong đời sau.
Nàng đọc đi đọc lại mấy lần lời phân ưu của Phong, tôi thầm cám ơn đây cũng là điều tôi muốn nói:
“Từ khi gặp Tốt và chị, tôi đã vui mừng vì Tốt đã có cả một khung trời hoa mộng, dẫu là ngắn nhưng tôi đoan chắc một điều là Tốt cất cánh trong phi vụ cuối cùng để đi vào miền miên viễn với nụ cười hạnh phúc”.
Mùi hương thơm ba cây nhang phảng phất trong đêm khuya tĩnh mịch. Tôi và nàng ngồi trước màn ảnh computeur, nhưng duy nhất bóng đen của nàng cô đơn phản chiếu lên bờ tường lạnh lẽo. Tôi không hôn nàng vì tôi không muốn cả hai thêm bịn rịn. Tôi mân mê những ngón tay nàng... những ngón tay một ngày không xa cũng sẽ trở thành cát bụi. Nó chỉ tạm thời là dụng cụ của con người trên dương thế, chỉ là phương tiện cho tôi nhắn gởi dòng tâm thức.
Tôi nói câu cuối cùng:
- Hôm nay đúng 49 ngày, anh phải bye cưng. Bài viết này anh muốn lấy tựa đề « 49 ngày với em ». Cưng nghĩ sao?
(Nguyễn văn Tốt, từ trần 2g sáng 9/10/2008)
LÊ KHÁNH THỌ -FRANCE
Trở về tập 1 |