BẢO tư
bản
- Lê Khánh Thọ - France
-
France
- Giáng Sinh 2007:
Mụ
Thọ đọc « meo»của Bảo tư bản gởi từ Sài gòn:
- Đầm sút chuồng ơi, rất vui được biết
mi sắp về ăn tết con chuột, tao sẽ nướng thịt đãi mi
với
ôn A37 (ông
xã của mụ Thọ là Việt kiều Mỹ, cựu phi công A37).
Mụ Thọ mỉm cười gõ phím:
- Mi đãi chi ác nhơn ! Tao cữ ăn thịt
chuột. Héhéhé !!!
- Đầm sút chuồng không ăn chuột thì khoái
ăn thịt chi ? Thịt… dê hả ? Già chát mà còn xí xọn,
phải đứng đắn như tao nì. Ê, cho tao biết mi thích thịt
chi để tao trổ tài nội trợ?
Tội nghiệp Bảo tư bản! Chỉ trừ mụ, gia đình và bạn bè
ai cũng biết mụ ung thư tụy gần chết đến nơi. Mụ Thọ
bùi ngùi gõ «meo»:
- Mi còn chút hơi tàn ráng lo dưỡng sức,
ngẽo bất tử rất uổng đời hoa…hoa chớm úa ! Tụi mình
cứ ra tiệm cho
tiện.
- Mi khỏi lo, tao chỉ lãnh phần ướp thịt
thôi, còn nấu nướng dọn dẹp có 2 cô Osin đảm trách.
- Mi trùm đến 2 Osin à, mi đúng là Bảo…
tư bản !
Sài
gòn - Tháng 1/2008:
Cuộc đời xảy ra nhiều chuyện bất ngờ...
- Alô, Bảo tư bản ơi tao về Sài gòn hơn
2 tuần lễ rồi.
- Con khỉ sao không gọi cho tao ngay !?
Tao cứ tưởng mi còn ở Pháp.
- Ông xã tao về Sài gòn trước dưỡng bịnh
hơn cả tháng nay, cứ tưởng nhẹ, ai ngờ tao nhận
hung tin ôn bị
ung thư gan giai đoạn cuối. Tao đổi vé về sớm, chỉ lo
ôn tịch bất thình lình. Bác
sĩ nói ôn không
qua khỏi 3 tháng.
- Trời ơi tội nghiệp mi quá !
- Tội nghiệp cho ôn thì đúng hơn.
- Số mi là số con rệp.
- Ờ, số tao rệp cái, ôn là rệp đực.
- Đến nước này mà còn diễu. Con khỉ !
Mười giây im lặng...Gịong Bảo tư bản dồn dập :
- Alô alô, mi còn đó không ?
- Ờ tao đây. Mi thông cảm hí. Thôi để
khi nào tình hình khá hơn tao sẽ gặp mi. À, bịnh mi
đỡ hơn
không ?
- Tao vẫn khỏe vì nhờ ngưng uống hóa chất
2 tháng nên độ rày tao ăn uống được. Chuyến đi Mỹ
năm ngoái gặp bạn
bè vui quá sức tưởng tượng. Hè tao định sẽ qua lại Cali
thăm thằng út và
dự đại hội trường
luôn thể. Mi ráng qua chơi gặp tao với Hoàn trinh nữ
hí (định cư tại Mỹ 2007)!
Nghe nói Hỏa diệm
Sơn cũng qua đó (nickname của người có vòng số 1 núi
lửa).
Mụ Thọ thở dài:
- Tao cũng chưa biết tính sao !
Tháng
2/2008:
Mồng 1 tết năm chuột.
Cây mai trước ngõ nhà chị chồng mụ Thọ trổ bông vàng
rực rỡ nhưng lòng mụ không còn nổi vui như ngày xưa
còn bé. Trải qua 30 cái tết xa xứ, đây là lần đầu tiên
hai Việt kiều Mỹ - Pháp đón Xuân tại quê hương. Ngồi
bên ôn A37, mụ cảm nhận chút hạnh phúc nhỏ nhoi được
có ôn hiện hữu. Mụ nơm nớp lo sợ thần chết bắt ôn đi,
đau nhoi nhói nghĩ đến tuổi xế chiều mình quen biết
đầy thiên hạ, tri kỷ được mấy người !
Bất ngờ thần chết quay lưỡi hái…
Lưỡi hái tử thần chém trúng thân phụ của mụ Thọ tại
phòng cách ly ở phi trường Los Angeles. Tin từ Mỹ cho
biết Ba của mụ chết lâm sàng và mụ ngơ ngác không hiểu
nghĩa chết lâm sàng. Các em mụ giải thích trái tim Ba
ngừng đập nhưng bộ não vẫn còn hoạt động.
Mồng 3 tết bác sĩ Mỹ ký giấy khai tử.
Mụ Thọ cảm thấy tức ngực khó thở, đau quặn như có những
sợi dây vô hình thắt nơ rối rắm trong bụng mụ. Từ 20
năm nay mỗi ngày mụ vẫn nhớ dùng thuốc trị bịnh cao
huyết áp, mụ nhủ thầm không lẻ lần này mình hui nhị
tì!? Rốt cuộc mụ vẫn sống nhăn.
Gặp
Bạn
Thấm thoát mụ Thọ ở Sài gòn gần một tháng nhưng chưa
gặp bất cứ người bạn nào. Sáng sớm bất chợt nhớ đến
Bảo tư bản, mụ nhấc phôn :
- Alô Tư bản ơi Đầm sút chuồng đây. Trưa
ni mi rảnh ra gặp tao ở càfé Du Miên đường Hồ biểu
Chánh, sát cạnh
nhà chồng tao rất tiện.
- Tao mới ở Huế về tức thì, đau quá chịu
không thấu tao phải đổi vé về gấp sáng nay. Chút nữa
tao vô bịnh viện
Triều An rồi.
Mụ Thọ hốt hoảng :
- Mi bị cái chi ?
- Tao bị di căn qua ruột.
- Xui thiệt ! Khi tao thuyết phục được
A37 tái xuất giang hồ gặp mi thì ai ngờ tai họa tới.
- Mi rủ đứa mô đông không ?
- Không, chỉ mình mi thôi, hoặc kêu thêm
Hỏa diệm Sơn, nhưng tao quên số điện thoại của nó.
- Ờ để tao đọc cho mi.
- Vài ngày nữa tao ra Huế làm đám Ba tao
vô rồi tụi mình tính. Thôi mi lo tịnh dưỡng hí !
Buổi trưa ôn A37 chống Walker bước chậm từng bước cùng
mụ Thọ gặp Hỏa diệm Sơn. Cuộc đối thoại quanh bàn càfé
Du Miên không ngoài đề tài Bảo tư bản nhập viện. Mụ
Thọ đăm chiêu :
- Ngày mai 3 giờ mi rảnh không ? Mi dẫn
dùm tao đi thăm nó, tao không biết đường Sài gòn. Tao
nghi cú này nó
tiêu luôn rồi !
- Mi nói chi dễ sợ rứa mi !
- Không phải tao trù ẻo nhưng tao có linh
tính không hay. Ba tao đang mạnh cùi cụi bỗng lăn
đùng ra chết, huống
chi nó di căn tùm lum.
Chợt nhớ tới ông chồng bịnh cũng cần sự có mặt của mình,
mụ Thọ áy náy dịu dàng nhìn ôn A37 :
- Trưa mai anh cho em đi thăm bạn em anh
hí !?
- Ờ em cứ đi (ánh mắt ôn ngạc nhiên
, lạ quá từ ngày về Việt nam bỗng dưng mụ Thọ đổi tính
nói năng vô cùng
lễ phép !)
Trưa mai Hỏa diệm Sơn đón mụ Thọ và đề nghị rủ thêm
Lý dưỡng sinh. Từ hai năm nay Lý dưỡng sinh bận ôm thằng
cháu ngoại nên tịt « meo ». Vừa bước vào nhà, mụ Lý
rưng rưng nước mắt :
- Tụi tao chỉ biết tin tức mi qua con
Bảo. Nó nói mi ẩn thân không chịu cho số phôn, thành
ra
biết tin Ba mi
mất mà tụi tao không cách chi liên lạc được. Mi về chuyến
ni toàn chuyện buồn
không hí ! Tao
cũng có chuyện buồn, Ba tao đang đau nặng mi ơi !
Chữ « buồn » khơi trúng chỗ hiểm của mụ Thọ.
Cả tháng nay nổi buồn cực kỳ dồn nén tự dưng òa vỡ.
Mụ Thọ nước mắt chan hòa, úp mặt vào hai đầu gối mụ
Lý như đứa con nít tìm chỗ dựa tinh thần người mẹ. Cặp
đùi mụ Lý càng ngày càng múp rụp êm như gối bông thượng
hạng rất lý tưởng cho người đang có tâm hồn nhạy cảm.
Mụ Lý hai tay ôm đầu bạn và mụ cũng rưng rức khóc mùi
mẫn. Hỏa diệm Sơn làm khán giả ái ngại theo dõi màn
bi kịch do hai mụ bạn già thủ vai chính.
Sau một hồi, mụ Thọ nhẹ nhõm ngồi dựa lưng vào ghế nệm
và bắt đầu mở máy kể lể chuyện nuôi bịnh ôn A37, chuyện
nấu ăn cháy khét nồi làm hai mụ giỏi nội trợ cười thương
hại. Lý dưỡng sinh đang bận rộn vấn đề …dưỡng sinh,
vừa ngoái đầu vễnh tai nghe vừa lui cui soạn bát đũa.
Mùi sả thơm lừng khắp cả căn phòng nhỏ.
- Tụi mi ăn bún bò tao nấu trước khi tụi
mình đi thăm con Bảo.
- Tao ăn chay 49 ngày.
Lý dưỡng sinh trợn tròn mắt ngạc nhiên cười đểu :
- Mi mà ăn chay à ? Mi tu hồi nào ?
- Tu hú. Rằm mồng một nhiều khi tao còn
quên chớ ở đó mà tu ! Đặc biệt tao chỉ ăn 49 ngày
thôi. Ăn chay để
chứng tỏ mình thành tâm, thể xác và tâm hồn trong sạch
cầu nguyện cho Ba
tao dễ « phê »
hơn.
Qua một hồi cà rà, mụ Thọ nhắc :
- Tụi mình đi thăm con tư bản kẻo trễ.
Hỏa diệm Sơn mở điện thoại :
- Để tao gọi chồng nó hỏi nó về nhà chưa
?
Sau một hồi dạ dạ giọng Huế, mụ cúp máy.
- Ảnh nói nó còn ở nhà thương vài ngày
nữa về.
- Thì bây giờ mình lên thẳng nhà thương
thăm nó.
- Trời ơi bịnh viện Triều An tuốt trong
Chợ Lớn xa lắm đi không nổi đâu ! Thôi chờ nó về nhà
rồi tới.
Gọi xe ôm về gặp em gái N°4, mụ Thọ thất vọng kể lể
sự tình. Em N°4 nói :
- Ở trong Sàigòn xa chi mà xa ! Gọi xe
ôm là xong ngay.
Mụ Thọ bực bội cằn nhằn :
- Cái con khỉ dở mà không chịu nhận mình
dở. Thà mụ nói phức không biết đường để chị kêu xe
ôm đi quách một
mình là gặp Bảo rồi. Mốt chị em mình ra Huế đám tang
mất mấy ngày, nếu
ngày mai chị đi
thăm Bảo thì phải bỏ ôn A37 thêm một buổi chiều nữa,
bỏ ôn hai bữa liên tiếp
chị thấy tội. Thôi
đợi đi Huế về rồi chị gọi xe ôm thăm Bảo, lần này chị
không rủ đứa nào nữa
mất thì giờ.
Mụ lẩm bẩm:
- Đúng là chị thiếu sáng suốt. Hèn chi
Hỏa diệm Sơn lơ không chở chị về nhà em mà để mặc chị
đi xe ôm, mặc dù
từ Gò vấp đến cầu Tham Lương là thuận đường về nhà mụ.
Kể cũng lạ ! Mụ ở
Sài gòn từ năm
75. Ờ, mấy nhà nghiên cứu nói vùng não nhận định phương
hướng của đàn bà
thiếu phát triển
hơn đàn ông. Con Cà rốt (con gái mụ Thọ) lái xe cũng
bị lạc đường hoài.
Đà
Nẵng
Em trai mụ Thọ đem bình tro cốt của thân phụ từ Cali
về Huế, mai táng bên cạnh ngôi mộ thân mẫu. Xong việc
mụ Thọ vô Đà nẵng, qua hôm sau nhận tin Bảo tư bản mới
từ giã cõi đời.
Mụ Thọ sững sờ chưng hửng. Cổ mụ nghèn nghẹn khó thở.
Cảm giác đau quặn ở bụng giống y chang khi nghe tin
Ba mụ từ trần.
Dự định tối ngày mốt chủ nhật về Sài gòn, sáng thứ hai
quấn quít an ủi ông chồng bịnh, chiều thứ hai gọi xe
ôm tới bịnh viện Triều An thăm Bảo tư bản, nhưng ai
biết được chữ ngờ…
Vậy là sáng thứ hai mình sẽ đi dự đám ma mụ Bảo.
Mụ Thọ hối tiếc đã mất thăng bằng cả tháng trời, đến
khi quyết định gặp mụ Bảo thì không còn cơ hội. Mụ cay
đắng nhớ câu nói : « những gì ta làm được hôm nay
đừng nên để ngày mai ».
Lan man nghĩ đến mụ Bảo, hình ảnh xa xưa trong ký ức
bỗng hiện về như một cuốn phim sống động…
Ngôi trường tiểu học Hòa Vang Đà nẵng niên khóa 58-63
với những người bạn thời thơ ấu.
Buổi sáng trò Khánh Thọ tới trường tiểu học trong bộ
đồ bộ tầm thường nhưng tương đối sạch sẽ, đến chiều
thì sau mông quần của trò là hai mảng tròn lớn bê bết
màu vàng nâu cáu bẩn, kết quả của giờ ra chơi ngồi bệt
thoải mái đùa nghịch đất cát.
Trò thường đi chân trần vì mãi ham chơi bỏ quên mất
đôi dép nhật, nhưng trò dấu diếm sợ bị má la. Trò đợi
thông lệ cứ hai tháng má sắm dép cùng một lần cho bầy
tiểu yêu, để rồi mang dép mới độ mươi ngày lại mất nữa.
Những trưa đi học về đất nóng phỏng rát lòng bàn chân,
trò nhảy cà tưng giống con khỉ bán thuốc mãi võ Sơn
Đông vùng chợ Mới.
Trò ưa vật lộn, đánh lộn, cà khịa với những đứa bạn
dám trái ý trò. Vào những ngày nghỉ học, trò thường
đi cà lơ phất phơ với đám anh em và lũ con trai cùng
xóm. Nắng hè tham lam ngấu nghiến làn da con nít khiến
trò y chang Chà dà Ấn độ.
Trò Ngọc Bảo là hình ảnh trái ngược với trò Thọ.
Trò Bảo thường mặc áo đầm xòe trắng tinh thêu những
nụ hoa li ti cùng màu trinh trắng, đôi săn đan màu nhạt
không bao giờ rời đôi bàn chân sạch sẽ. Làn da của trò
cũng trắng mịn xanh xao kiểu các Mệ ru rú trong nhà
sợ nắng. Dĩ nhiên, vì trò thuộc dòng hoàng phái Tôn
nữ có bảo chứng tại tòa, chớ không phải dòng Lê Lợi
áo vải đất Lam Sơn kiểu trò Thọ.
Giờ ra chơi trò Bảo hạt tiêu cô đơn đứng trong một góc
sân, lặng thinh nhìn chúng bạn nô đùa chạy nhảy. Gặp
lúc trò Thọ đang cần một đứa cầm dây quay nhảy dây,
trò cười toe toét nhe hai cái răng cuốc bàn tới gạ Bảo
hạt tiêu nhưng trò buồn bã lắc đầu từ chối. Thương hại
đứa bạn bất bình thường, trò Thọ nói với trò Mỹ Lý :
« Nó ngu lạ ! Không chịu ra chơi với tụi mình cho vui
!» (sau này mụ Bảo thú thật vì lo sợ áo đầm ô uế
sẽ bị má la).
Tội nghiệp Bảo hạt tiêu đôi khi đứng góc sân cũng không
yên, có đứa chơi u chạy xớn xác tông đại vào tấm thân
hạt tiêu của trò đau điếng. Loạng choạng suýt té, nhưng
trò không phóng chưởng trị tội kẻ bạo hành, trò chỉ
cau mặt nguýt nhẹ một cái, chao ơi vô cùng quí phái
!
Trò Thọ tuy thuộc thành phần ngỗ nghịch nhưng dưới mắt
cô giáo Định, trò là một đứa học trò ngoan. Cô Định
có mắt tinh đời biết dùng người, cô chọn trò Toàn làm
trưởng lớp vì trò học hành chăm chỉ, mặt mũi lúc nào
cũng nghiêm trọng như bị táo bón. Trái ngược với Bảo
hạt tiêu, trò Toàn cao hơn các bạn cùng lớp một cái
đầu, mình tròn thịt nhiều hơn xương, tuổi tra hơn các
bạn đến 1/3 con giáp. Trong lớp trò Toàn là người duy
nhất có hiện tượng quái đản… Mùa hè nóng nực, dưới lớp
áo của trò ẩn hiện thêm miếng vải nhỏ với hai dây treo
vai đúng vào vị trí bộ ngực nẩy nở. Có lẻ vì điểm không
giống ai đó nên cả lớp gọi Toàn bằng chị, trừ trò Thọ
thiếu phép lịch sự vẫn mi tao (mấy chục năm sau
Lý & Bảo vẫn gọi chị Toàn và Thọ vẫn quen miệng mi tao).
Tuy được giữ chức trưởng lớp nhưng không được ai ngán
vì trò Toàn có tính cả nể sợ mất lòng bè bạn.
Cô Định biết điểm yếu của trưởng lớp, do đó chức trưởng
ban trật tự thuộc về tay trò Thọ. Trò Thọ được lên bảng
ghi tên những đứa nói chuyện trong lớp mỗi khi cô vắng
mặt (cô bận xuống văn phòng khiếu nại lương bỗng
- dĩ nhiên không phải trả dư ! Hoặc cô qua lớp bên cạnh
cà kê với cô giáo có bầu về chuyện hốt hụi non).
Trò Thọ cóc sợ đứa bạn nào, kể cả những tay có máu anh
chị dọa xin trò tí huyết nếu dám ghi tên nó. Trong lớp
có những trò rất ngây thơ, tưởng mình bị ghi tên nói
chuyện trên bảng rồi thì không cần phải cấm khẩu, cứ
tha hồ mà nói. Trưởng ban trật tự có tính nham hiểm,
thẳng tay kẻ thêm 2 hoặc 3… gạch có nghĩa là bắt quả
tang trò đó nói chuyện bấy nhiêu lần, đợi cô về lớp
báo cáo thì tha hồ mà ăn điểm xấu. Cuối tháng thông
tín bạ bị cô phê « nói chuyện nhiều hơn học, làm
mất trật tự trong lớp », trò chỉ có nước xơi bợp
tai của bố mẹ và tha hồ mà hả họng khóc.
Cả năm học đặc biệt có hai trò không bao giờ bị ghi
tên làm mất trật tự. Đó là trưởng lớp Toàn và Bảo hạt
tiêu. Trò Toàn vì có miếng vải che ngực không giống
ai nên bạn bè nghìn trùng xa cách. Trò Bảo vì bản tính
trầm lặng bí hiểm nên bè bạn cũng cách xa nghìn trùng.
Trưởng ban trật tự là người có lương tâm nghề nghiệp,
không nỡ lòng nào ghi ẩu tên những trò á khẩu.
Tuy nhiên trưởng ban trật tự có lần châm chước không
ghi trò Hoàng Mai sún răng nói chuyện, chỉ vì hồi nảy
trong giờ ra chơi đã xảy ra thảm kịch… Mai sún răng
đang say sưa mút cây cà rem thì trò Thọ đi ngang. Đôi
mắt trò Thọ chớp lia chớp lịa. Dưới trưa hè oi ả, cà
rem lành lạnh ngòn ngọt tan vào lưỡi chao ơi tuyệt cú
mèo ! Trò Thọ mở giọng ngọt ngào dụ khị :
- Mi ăn chi ngon rứa mi ?
- Bộ mi đui hả, cà rem chớ chi !
- Cho tao cắn miếng đi !
- Mi cắn hết cà rem của tao răng !
Trò Thọ thay đổi chiến thuật :
- Thôi cho tao mút một miếng cũng được,
khi mô có tiền tao sẽ cho mi ăn ké.
Mai sún răng bỗng dễ dãi :
- Mi mút một miếng thôi nghe, không được
cắn nghe chưa !Cắn là hết của tao đó.
Trò Thọ ờ ờ, nhưng quái lạ không biết con ma ham ăn
nào xui khiến, trò tham lam cắn một phát đụng tới que
và cà rem mềm nhũn rớt xuống đất cát không cách chi
cứu vãn. Trò Thọ ân hận, ngượng ngùng hứa hẹn sẽ đền
(chưa biết ngày chính xác, nhưng chắc chắn chỉ 3 tháng
nữa thôi dịp Tết Nguyên đán , mình sẽ có nhiều bao đỏ
lì xì).
Mai sún răng cầm cái que trơ trụi với cõi lòng tan nát.
Nhìn quanh các bạn nô đùa không ai chú ý đến nổi khổ
tâm của mình, Mai sún răng tiu ngỉu lân la tới Bảo hạt
tiêu để trút nổi lòng người mất cà rem . Than ôi Bảo
hạt tiêu thờ ơ không mở một lời an ủi.
Trò Thọ oai lắm ! Trò còn được kiêm chức trưởng ban
văn nghệ. Một năm 3 lần trưởng ban văn nghệ rất có thớ
vào dịp cận kề Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và lễ phát
phần thưởng. Trước một tháng, ban văn nghệ được cô cho
ra sớm 45 phút để tập dợt. Phần đông học trò khoái chơi
và đây là dịp trốn học có hợp pháp. Trò nào được trò
Thọ tuyển chọn đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc, nhất
là những đứa có máu văn gừng nhưng không biết đơn ca.
Trước hết trò Thọ chọn Mai sún răng để tạ lỗi cây cà
rem. Mai sún răng không thể đơn ca lý do giọng trò như
mèo ngao, bởi lẻ hơi thất thoát từ hai cái răng sún
trước khi cất giọng oanh vàng. Châm chước lắm có thể
xếp trò vào ban đồng ca với điều kiện trò tự cảnh giác
giảm bớt âm thanh. Tốt nhất sắp trò vào ban múa vì trò
có sẵn áo đầm. Không phải đứa nào cũng áo đầm le lói,
phần đông mặc đồ bộ ngủ cả đêm và sáng dậy đi học luôn
cho tiện. Đứa nào sang hơn chút có được quần dài màu
xanh đậm. Trò Thọ chọn Bảo hạt tiêu vì trò cũng có áo
đầm.
Bài « kìa con bướm vàng » cần xoay tròn nhiều
vòng bay lượn như con bướm, nếu không mặc áo đầm thì
ra con gì !?
Tuy nhiên ban văn nghệ hơi yếu, chẳng thấy con bướm
vàng nào cả. Bướm Hoàng Mai bông hoa sặc sỡ, bướm Ngọc
Bảo trắng toát, bướm Mỹ Lý hồng tái tê( đầm cũ mượn
của chị Hai bướm Bảo), bướm Hồng Hạnh trắng cháo lòng(mượn
của bướm Mai), bướm Khánh Thọ đứng giữa bốn con bướm
kia với áo đầm voan thiên thanh có đính cườm sang trọng(một
số cườm đã rơi rớt theo 3 ngày Tết năm kia và Tết Trung
Thu). Làm trưởng ban văn nghệ có lợi tự cho phép mình
đứng ở vị trí ngon lành, đứa nào dám hó hé phân bì ta
chọn đứa khác thay thế thì chỉ có nước vào lại lớp bị
cô kêu dò bài hoặc lên bảng làm toán. Thà tập văn nghệ
không có điểm lợi hơn bị ăn zéro !
Lên trung học cùng lớp, Bảo hạt tiêu vẫn trầm lặng.
Thời gian qua mau như chớp…
Hè 98 mụ Thọ gặp lại Bảo hạt tiêu. Vô cùng kinh ngạc,
mụ Thọ há hốc mồm…Trời ơi mụ Bảo thay đổi 180°. Mụ biến
thành một nữ tướng có máu mặt trong thương trường kinh
doanh. Mụ Thọ mở máy chọc : « Tiền mi đốt tao cũng cháy
ruị ! » và từ đó tên Bảo tư bản xuất hiện giang hồ.
Bề ngang của Bảo tư bản tăng theo cấp số cọng. Bề cao
tăng chậm hơn những con số trong trương mục ngân hàng.
Gương mặt mụ vẫn trắng trẻo xinh đẹp đầy vẻ nhân hậu
đúng như con người thật. Tất cả bạn bè gặp khó khăn
được mụ tận tình mở hầu bao và hội từ thiện gặp mụ phải
cúi gập người kính cẩn.
Những buổi họp mặt nếu thiếu mụ Bảo sẽ trở nên buồn
tẻ vì mụ tía lia vui vẻ pha trò. Nụ cười của mụ rạng
rỡ theo ánh mắt trìu mến mỗi lần gặp lại mụ Thọ từ Pháp
về thăm quê hương. Mụ tư bản tạm dẹp hụi hè qua một
bên, không quản ngại đường xa đón đưa mụ Thọ cho dù
khuya lơ khuya lắc. Mụ Bảo chơi ngon dám lái xe to bự
chát. Đôi chân thiếu thước tấc dù mang guốc cao gót
cũng phải nhón xuống đường mỗi khi ngừng, mụ rú ga lách
qua lách về một cách tài tình giữa lòng phố Sài gòn
đông như kiến, trong lúc miệng nói huyên thuyên. Ngồi
sau lưng ôm eo ếch, mụ Thọ trao trọn sinh mạng cho con
bạn nhút nhát ngày xưa với tấm lòng tin cậy và ngưỡng
mộ.
Mụ Thọ quở :
- Hồi nhỏ mi câm như hến, răng chừ mi
nói không hở da non ?
- Nghề thầu khoán, chủ hụi như tao không
nói nhiều thì chỉ có nước cạp đất mà ăn !
- Hồi xưa mi khù khờ răng chừ mi lanh
quá cha thiên hạ !
- Mình không lanh thì tụi ba đá nó nuốt
sống mình.
Mụ Thọ chắc lưỡi :
- Ai ngờ đâu…Đứa học trò rù rờ ít nói,
ít khi thuộc bài như mi lại thành công trong nghề kinh
doanh, cả ngày
phải bạo mồm bạo miệng.
- Mi cũng không thuộc bài nghe chưa !
- Ờ, nhưng tao chỉ thỉnh thoảng chớ không
kinh nguyệt như mi, ý lộn không kinh niên như mi.
Hihihi !!!
- Hihihi !!! Mi là đứa tía lia, chớ mi
chọn chi ngành viết văn cầm cọ để phải á khẩu cả ngày
rứa
mi! Héhéhé !!!
Mắt lệ cay cay, mụ Thọ thầm nhủ…
Bảo ơi, biết cuộc đời vô thường nhưng sự ra đi của
mi đối với tao là điều mất mát vô cùng lớn lao. Tao
vẫn nhớ lần nọ mi tặng tao cánh hoa hồng kèm theo nụ
cười toe toét, ngày mai đám tang mi, tao sẽ gởi theo
lòng đất tặng mi cánh hoa tươi với cõi lòng khô héo,
nhưng tình bạn của tao đối với mi mãi mãi bất diệt.
Thân rất thân.
Lê Khánh Thọ
- France, tháng 5/2008
|