CƠN LỐC SỰ THẬT

 

LÊ khánh Thọ---France

                               

Tôi 55 tuổi. Thấm thoát một nửa đời sống trên đất Pháp. Hồi mới định cư, tôi chịu nhiều thiệt thòi vì lỗi không nói thật. Hôm nọ tôi được một gia đình người Pháp mời dự tiệc. Bà chủ nhà múc phần đồ ăn vào dĩa mỗi người. Khi tôi ăn xong, bà hỏi tôi muốn ăn nữa không ? Tôi còn đói lắm nhưng quen lệ xứ mình, tôi nói « non, merci» trong niềm hy vọng bà ta sẽ nài ép mình và mình sẽ không từ chối, nhưng than ôi bả tỉnh queo quay qua hỏi người khác và tôi hối tiếc vì hầu như ai cũng được ăn thêm.

Tới Pháp được một tuần, tôi lên Paris làm bồi bàn trong một nhà hàng ăn Việt nam, ở đây khách hàng phần đông là người Pháp. Lần đầu tiên được ông Tây dúi vào tay 2 francs  (ông có lòng tốt không để pourboire trên bàn vì ngại người bồi khác hưởng), tôi mừng thầm nhưng ngượng ngịu nói « non, merci » và hồi hộp chờ đợi ông đưa lần thứ hai, ngờ đâu ông… nhẫn tâm cất  tiền vào túi.

Dĩ nhiên kinh nghiệm dạy tôi khôn hơn, sống ở Pháp nếu muốn được hưởng quyền lợi thì phải nói thật.

Con gái tôi ra đời tại Pháp, mang thêm những ngọn gió nói thật về nhà và tôi được ảnh hưởng sâu đậm. Hồi Cà rốt học mẫu giáo ( ngày chào đời con tôi có làn da màu củ cà rốt), cô giáo hỏi chuyện nhưng tôi ú ớ không hiểu và đã trả lời chẳng giống ai. Tôi bị nó chê : « má nói tiếng Pháp kỳ quá! ». Tự ái người mẹ công nhân bốc bánh mì bị trúng gió sự thật đau nhoi nhói, vậy là tôi chăm chỉ học theo bài vở của nó. Xứ Pháp con đường tiến thân không dễ như ở Mỹ, Cà rốt trở thành sư phụ đầu tiên của tôi.

Tôi lấy làm ngạc nhiên thích thú về quyền tự do phát biểu cảm nghĩ chân thật trong trường học. Đứa trẻ được thoải mái chỉ trích những tác phẩm nổi danh giá trị. Điểm cao hay thấp còn tùy vào óc suy luận đúng đắn của học trò.

Năm 98 Cà rốt đậu tú tài, hai mẹ con tôi về Việt nam. Cả nhà đang chuyện trò trong phòng khách, Cà rốt nói :

- Má à, con đi tắm và rửa tóc luôn.

Cả nhà cười ồ. Tôi sửa :

- Đi gội đầu.

Một lát sau nghe Cà rốt gọi ơi ới má ơi giúp con. Em gái tôi loay hoay thật lâu mở được  móc gài phòng tắm. Một cảnh tượng tức cười trước mắt…Trong lu nước đầy xà bông, cô gái 18 tuổi thò đầu tóc ướt, đôi vai đang mắc kẹt trong miệng lu chật hẹp. Tôi ngạc nhiên la trời :

- Ủa, sao con không múc nước tắm mà chui vô chi trong lu !?

- Con tưởng đây là bồn tắm kiểu Việt nam.

Một chút sau nghe tiếng la thất thanh của Cà rốt…ááá ! một con dán bò chầm chậm. Tiếp theo là tiếng hét khiếp đảm…ááá ! một con chuột chạy ngang.

Sáng hôm sau cả gia đình ngồi trên những chiếc ghế thấp lè tè ở chợ Trần khắc Chân ăn bún riêu, bầy con nít rách rưới ào tới chìa tay nhao nhao xin tiền. Gương mặt Cà rốt lộ vẻ thảm sầu. Em tôi hỏi:

- Sang năm con về Việt nam thăm dì với mấy em nữa nghe con!

- Dạ không, con không về nữa đâu!

Em tôi cười buồn, nói:

- Con nít bên Tây thiệt thà, không sợ mất lòng người lớn.

Nghe bài « Lý ngựa ô», tới đoạn « đêm dìa thì thui thủi, ngày ngày thì hất hủi… », Cà rốt ngạc nhiên :

- Bài hát chi lạ ! Đêm dìa thì thui thúi. Vì thúi hèn chi ban ngày hất hủi phải không má !?


Ngôi Nhà bà George Sand

Ngôi Mộ bà George Sand

Tôi được Cà rốt khuyến khích đọc những cuốn sách nổi tiếng . Trong số các nhà văn Pháp, tôi ngưỡng mộ bà George SAND (tên thật là Aurore Dupin). Vào thế kỷ 19 người phụ nữ Pháp bị chèn ép, ngay cả viết văn cũng bị cấm ! Năm 1832 bà phải đổi tên đàn ông để viết văn và bà nhanh chóng thành công. Thời đó phần đông dân Pháp còn bị mù chữ, kể cả đàn ông. Bà viết tiểu thuyết, truyện cổ tích, kịch bản, tự thuật, chính trị, phê bình văn học và hội họa… Bà là người phụ nữ đầu tiên dám sống tự do như nam giới. Sau cuộc ly dị vô cùng khó khăn, bà kết thân với những người danh tiếng: Balzac, Delacroix, Flaubert, Liszt… Bà trải qua nhiều mối tình, trong đó có MUSSET và CHOPIN.

Từ nhỏ tôi thích nói sự thật nhưng tôi bắt buộc phải nói láo vì tôi sợ ăn bợp tai của người lớn. Sau 75 mỗi lần giáo chức họp nhau viết kiểm thảo ca ngợi chế độ Cọng sản, tôi mang mặc cảm tủi nhục phải viết những điều dối trá. May mắn thay ! Từ 29 năm qua trên đất Pháp, tôi được hưởng những ngọn gió sự thật trong đời sống hằng ngày và được thấm nhuần nền văn học phóng khoáng tự do.

Khi bắt đầu viết, tôi nghĩ đến nhà văn nữ George SAND. Kể ra tôi nhiều thuận lợi hơn bà, tôi không bị bắt buộc phải đổi tên đàn ông. Tôi quyết định giữ tên thật, mặc dù biết sẽ đương đầu với những rắc rối sau này. Sự thật và những cành hoa hồng cùng có những gai nhọn ( Anglais- 1855).

Hôm nay mẹ con tôi tới Nohan - Indre, ghé thăm dinh thự ngày xưa George SAND trú ngụ. Trong đoàn có thêm hai nhạc sĩ da vàng từ Nhật lặn lội tới đây vì họ thần tượng CHOPIN. Họ ao ước xem tận mắt căn nhà thần tượng của họ trải qua 8 năm chung sống với người yêu, nơi CHOPIN cảm hứng sáng tác nhiều bản nhạc bất hủ. Bước vào phòng khách, tôi chú ý một tấm gương lớn lốm đốm ố vàng treo trên tường. Mơ màng ngắm mình trong gương thật lâu, tôi dạt dào xúc động …ngày xưa George SAND và CHOPIN cũng đã soi nhiều lần vào tấm gương này.

Trầm ngâm trước hàng chữ George SAND 1804 -1876, tôi mang tâm trạng quyến luyến pha lẫn kính trọng của đứa học trò từ phương xa trở về thăm ngôi mộ sư phụ thân yêu. Tôi nói với con tôi :

- Bà George SAND đã thành công đem lại tự do cho phụ nữ Pháp. Trong xứ mình, đàn bà vẫn còn chịu đựng nhiều cay đắng.

- Con tưởng thời bây giờ đã thay đổi.

- Bề ngoài thôi con à. Mới năm ngoái, một bà bạn tâm sự… bà bị hàng xóm và gia đình chống đối vì dám ly dị. Ngày bả sinh đứa con đầu lòng còn nằm nhà thương, chồng bả đi chơi gái. Má thân với cả hai vợ chồng. Ông chồng là giáo sư Việt văn, bề ngoài trông rất đạo mạo. Ngày nọ gặp dịp ông nhắc đến vợ, má nói luôn : « -Vợ anh kể với tui bả bye anh tại anh đi chơi bời trong lúc bả sinh đẻ». Ổng hỏi : « -Sao bả biết ? ». Má nói :« - Thằng em ruột của bả kể ». Ổng tức tối : « -Cái thằng lẻo mép ! Mình dẫn nó đi mà nó còn kể ! Đàn ông ai chả vậy ! ».

- Má à, thời đó bà George SAND thành công phần lớn nhờ những người bạn trai có tâm hồn phóng khoáng giúp đỡ.

- Cũng y chang bây giờ. Má được một phe ủng hộ và một phe chống đối.

- Giới phụ nữ dĩ nhiên đứng cả về phía má !

- Không hẳn, nhưng cũng may chỉ là thiểu số.

Cà rốt tròn mắt ngạc nhiên. Tôi giải thích :

- Giống trường hợp sau khi Cọng sản Nga bị lật đổ, một số người đã quen thuộc với lối sắp hàng mua thức ăn bằng tem phiếu nhà nước, rất khổ sở vì tự túc kiếm việc mưu sinh. Con chim ở trong lồng lâu năm sợ hãi bầu trời tự do.

- Con hiểu rồi, những người đàn bà này bị nhồi sọ và mất personnalité (cá tính).

Tôi thở dài :

- Tiếc thay một số người may mắn đang được sống trên đất nước tự do nhưng còn đầu óc bảo thủ. Họ lên án Cọng sản hạn chế tự do ngôn luận, nhưng thực tế chính họ lại mâu thuẫn đặt ra giới hạn phân chia lối hành văn giữa nam sĩ và nữ sĩ, cho dù nữ văn sĩ viết sự thật.

- Ông ngoại cũng bảo thủ !

- Mới đầu ông ngoại hoảng hốt vì hiện tượng quái dị của chính con gái ông, nhưng từ khi má được giải thưởng danh dự Việt Báo thì ông ngoại sáng suốt. Ông ngoại viết mail chúc mừng má « Je suis très fier de toi ». Người Việt nam ngại ngùng biểu lộ tình cảm với con cái bằng tiếng Việt « Ba rất hãnh diện vì con ». Ông ngoại biểu lộ bằng tiếng Pháp là một hiện tượng tiến bộ. Ông ngoại hiểu thế hệ của ông ngoại phải về vườn, giá trị văn chương cũ vẫn được công nhận và từ từ yên nghỉ trong viện bảo tàng. Đó là sự chuyển vận của bánh xe lịch sử.

Trong tương lai dĩ nhiên những tác phẩm thuộc về thời đại của má cũng phải vô viện bảo tàng nằm chung với ông ngoại. Thế hệ của má sẽ phải nhường bước cho thế hệ trẻ hơn. Ông ngoại của con thuộc loại bảo thủ hiểu biết.

- Loại bảo thủ hiểu biết kiểu ông ngoại không cản bước tiến cách mạng văn hóa. 

- Đúng vậy. Người cầm bút viết sự thật ngán nhất loại bảo thủ gàn. Loại này nhất định cho tổ tiên họ và họ là siêu việt. Họ không chấp nhận bất kỳ một tư tưởng mới lạ nào khác.

- Còn loại nào nữa không má ?

- A ! Loại bảo thủ giả hiệu. Loại này nguy hiểm lắm con ơi! Nó giả vờ bảo thủ và  xúi dục lôi kéo bảo thủ gàn đánh những văn sĩ có khuynh hướng mới.

- Vì sao có loại bảo thủ giả hiệu hở má?

Cà rốt hay hỏi cặn kẻ. Nó giống tính má nó. Con không giống cha là nhà có phúc. Tôi sốt sắng trả lời:

- Có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể họ thất bại về một phương diện nào đó.

Họ phẫn uất, tâm thần họ bấn loạn khi thấy người khác nổi bật hơn họ. Có người bất hạnh trong tình yêu đâm ra thù ghét đàn bà. Cũng bài văn đó đàn ông viết thì không sao, nhưng nếu đàn bà viết là bị họ quạt ngay mặc dù trong thâm tâm họ rất khoái đọc bài viết.

Thấy Cà rốt chăm chú nghe, tôi hứng thú nói tiếp:

- Mới đây loại bảo thủ gànbảo thủ giả hiệu hại má bạc triệu!

Cà rốt ngạc nhiên:

- Má làm chi có tiền bạc triệu!?

- Ý má nói họ làm phiền má. Đây là lối nói bóng bẩy “ phiền nhiều lắm!”

Cà rốt lẩm bẩm “hại bạc triệu” và cười khúc khích.

- Con nói “con thương má bạc triệu” nghĩa là con thương má nhiều lắm được không?

- Chỉ có má hiểu nhưng con cứ nói vì má thích nghe.

- Má kể tiếp vụ hại má bạc triệu đi má!

- Hè năm nay bên Cali tổ chức Đại hội Quảng Đà và kỷ niệm 55 năm thành lập trường Phan châu Trinh Đà nẵng, là ngôi trường cũ của má thời trung học. Má gởi bài “Chọn bạn mà chơi” với hy vọng được đăng trong tờ kỷ yếu. Cô giáo phụ trách ban biên tập cho biết bài văn dài dòng, muốn đăng phải đồng ý để cô cắt bớt nhưng má không chịu. Mới đầu má nghĩ không đăng thì thôi, nhưng khi má đọc phần mục lục trên web PCT có tên nhiều người bạn thì bỗng dưng má cảm thấy buồn, má có cảm giác như mình bị thi rớt, mặc dù bài này đã được đăng tháng 10/2006 trên phanchautrinhdanang.com và ptgdn.com.

Cà rốt nói:

- Má đậu rồi, má cũng mới được Việt Báo Cali vinh danh.

- Chính đó là động cơ thúc đẩy má gởi mail đến hai ông họ Nguyễn trong ban biên tập kỷ yếu PCT. Đầu tiên má forward tin tức:

“Trưởng ban tuyển chọn Viết Về Nước Mỹ, nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa đã đặc biệt giới thiệu cuốn đầu tiên bộ sách quí bìa cứng, có tựa đề là CAY ĐẮNG NGỌT BÙI, để giới thiệu 70 tác giả đã có những đóng góp hay nhất trong suốt bảy năm qua.

“Viết Về Nước Mỹ: Cay đắng ngọt bùi” là cảm giác chung của chúng ta khi nhớ về hay viết về nước Mỹ. Tuyển tập đặc biệt này giới thiệu 10 tác giả người Việt sống trên thế giới viết về nước Mỹ, trong đó có những tác giả chúng ta đã vinh danh như Lê khánh Thọ tại Pháp hay Ai Cơ Hoàng Thịnh tại Úc…”

Cà rốt cười:

- Hihihi! Má lòe!

Tôi cũng cười theo:

- Hồi nhỏ má không dại gì nói sự thật  như con bây giờ vì biết chắc sẽ bị ăn bợp tai.

- Cám ơn má. Má kể tiếp đi má!

-  Má viết: “Tránh chủ quan, chị nhờ Ban Biên Tập trang WebPCT duyệt lại và ông cho biết không nên bỏ gì cả. Chị nghĩ cô giáo phụ trách tờ kỷ yếu có tư tưởng giống Ba của chị, đức độ của cô đáng được chúng ta kính trọng nhưng cô hơi bảo thủ, và những tài năng hiện đại của trường PCT không có cơ hội góp mặt. Hai em thuộc thế hệ trẻ, xin hai em trong tương lai hãy uyển chuyển can thiệp để cuốn kỷ yếu PCT có một luồng gió mới.”

Cà rốt hỏi:

- Hai ông họ Nguyễn trả lời má ra sao?

- Hai ông im rơ mặc dù trước đây cũng có mail qua lại với má.

Cà rốt nhăn mặt:

- Ôôô…Bất lịch sự! Ở Pháp mình viết thư cho Tổng Thống cũng được trả lời.

- Má không nghĩ hai ông bất lịch sự. Có lẻ hai ông hành xử theo lối Việt nam, hai ông không có thẩm quyền và không muốn xác nhận sự yếu thế của mình. Hoặc là hai ông thuộc giới bảo thủ nhưng nói thật thì ngại mất lòng.

- Họ mới sống ở Mỹ à?

- Họ hội nhập nước Mỹ từ nhiều năm qua.

- Nếu má là đàn ông, họ có trả lời má không?

- Má không thể đoán được. Hè 2006 cũng một ông họ Nguyễn phụ trách tờ kỷ yếu Liên trường Quảng Đà Houston, viết hai mails yêu cầu má sửa lại những dấu gạch trong bài “chọn bạn mà chơi” nhưng rốt cuộc không đăng và cũng không giải thích. Ổng làm má mừng hụt. Má nghĩ cả ba ông họ Nguyễn đó tránh né. Chắc có điều gì bí ẩn!

- Rồi sao nữa má?

- Được tin những người bạn cho biết trong tờ kỷ yếu có đăng 1 bức họa của má, hình má và cô giáo Trưởng Ban Biên Tập chụp chung ở Houston với tư cách họa sĩ, má gởi mail xin cô và cô đã sốt sắng gởi tờ kỷ yếu. Để tìm hiểu sự thật, má chuyển đến cô mail má đã gởi cho hai ông họ Nguyễn.

- Cô trả lời má không?

- Cô trả lời ngay.

Cà rốt cười:

- Á à a… đàn bà Việt lịch sự hơn đàn ông Việt!

- Cô viết: “ Vì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm búa rìu của dư luận nên không chọn bài của Em. Rất nhiều CHS đã than phiền lần trước cô đã đăng Chức Nữ Về Làng, toàn chuyện ăn chơi du hí v. v…và họ tiếp tục nói bài của Khánh Thọ sử dụng ngôn từ, văn phong thiếu uyển chuyển mềm mại của phụ nữ Việt nam. Vì thế mà Việt Báo đúng là môi trường chào đón Lê khánh Thọ, không thể so sánh với 1 kỷ yếu chuyên về kỷ niệm thời thơ ấu ngây thơ lãng mạn”.

-  Má nghĩ sao về mail trả lời của cô?

-  Hồi hè 2006 trên WebPCT, cô kể một sự thật không vui về Đại hội Quảng Đà Houston liên quan đến tờ kỷ yếu liên trường. Dường như một số người bất mãn, vài ngày sau cũng bài đó nhưng biến mất đoạn sự thật. Bây giờ thì má hiểu và thông cảm cô. Cô không bảo thủ nhưng cô bị áp lực. Cô có tinh thần phóng khoáng đã chọn đăng bài Chức Nữ Về Làng và cô bị họa lây, mặc dù cô đã cắt bớt nhiều trang. Cô nghĩ “con én không làm nổi mùa xuân”,cô sợ dư luận có hại đến uy tín nhà giáo của cô.

- Má à, họ lên án má sử dụng ngôn từ, văn phong thiếu uyển chuyển mềm mại của phụ nữ Việt nam, có nghĩa là hồi xưa trong trường dạy hai lối viết văn: một lối viết dành cho đàn ông và một lối dành cho phụ nữ?

- Không, nhưng những bài văn trong học đường dạy luân lý cổ truyền và trong đời sống hằng ngày người phụ nữ bị nhắc nhở từ nhỏ “con gái không được nói, không được làm như vậy” . Phụ nữ bị đưa vào lề lối cổ hủ và tự kỷ ám thị ngay cả trong khi cầm bút.

- Cũng may con không bị sống ở Việt nam.

- Ờ may phước cho con!

- Họ than phiền má viết Chức Nữ Về Làng toàn chuyện ăn chơi du hí, con không hiểu?

- Họ không thấy bài viết đề cao tình bạn. Đối với họ, những người bạn mấy chục năm gặp lại dẫn nhau đi ăn tiệm, nghe nhạc là ăn chơi du hí. Họ không nghĩ tiệm ăn ở Việt nam rẻ hơn nấu nướng ở nhà. Họ ghét người khác có lối sống hưởng thụ mặc dù họ cũng thích thụ hưởng. Phải hiểu đó là bản năng tự nhiên của loài người, chỉ trừ những tu sĩ có đời sống tâm linh cao cả. Họ có thói quen viết về tổ tiên, lễ nhà thờ, đi chùa …Tóm lại đề tài văn chương của họ hạn hẹp trong tình quê hương, gia đình, đạo lý. Họ không có óc sáng tạo.

- Con nghĩ họ muốn má viết về lòng nhân đạo.

- Má có viết về lòng nhân đạo một cách gián tiếp nhưng họ không hiểu. Đoạn “Thăm bịnh”, má tả sự thật nghèo nàn tồi tệ ở bệnh viện ung- bướu Sài gòn, với hy vọng đánh động lương tâm của những người yêu quê hương. Từ đó suy nghĩ về người dân thấp hèn sống trong Xã Hội Chủ Nghĩa trong 30 năm qua càng ngày càng tệ hơn!

Má không viết bạn bè và má đã giúp bà Nhiễu bị ung thư vú một số tiền khá lớn (mặc dù má không quen bà Nhiễu). Trong đoạn “Thăm bạn” bị lao phổi (bạn cùng lớp nhưng không thân), má không viết bà Toán được bà Thuận, bà Như Hoàn và má giúp đỡ tiền bạc. Má gởi gắm bà Toán cho cậu Thông (bác sĩ là cậu ruột của Cà rốt)  được miễn phí  khám bệnh cũng như thuốc men dài hạn. Trước khi về Pháp, bà Như Hoàn chở má tới gặp bà Toán lần thứ hai, má tặng thêm bà Toán số tiền đủ sống trong một năm để dưỡng bệnh, khỏi phải đi bán thuốc lá lẻ trong chợ đầy bụi bặm có hại cho bịnh lao phổi.

Hôm đại hội PCT ở San José, bà Phương Lan đọc Chức Nữ Về Làng đã cảm động và gởi tiền giúp bà Toán.

Nhận được mail cám ơn, bà Phương Lan chuyển vào nhóm PCT62-70 thì các bạn mới biết tin bà Toán bịnh nặng. Tiến sĩ Hùng forward đoạn thăm bà Toán trong Chức Nữ Về Làng, các bạn đã hưởng ứng đóng góp giúp đỡ bà Toán. Má có xin thêm cô giáo phụ trách tờ kỷ yếu giúp bà Toán 100 đô quỹ cứu trợ. Nay bà Toán đã qua đời nhưng sự thật này có nhiều nhân chứng trong nhóm PCT62-70.

- Tại sao má không viết rõ sự thật đó trong Chức Nữ Về Làng?

- Mỗi truyện có một chủ đề con à. Hơn nữa rút kinh nghiệm cá nhân, má không thích ai cho tiền má rồi kể lể với người khác. Má tủi thân, má có cảm tưởng mình là nạn nhân bị họ lợi dụng đánh bóng giá trị nhân đạo. Thà cứ để người nhận tiền kể lại thì hay hơn.  Hôm hè Cali 2005, ông Lâm trưởng nhóm PCT62-70 nói với ông Nhi “Khánh Thọ là người giúp đỡ bạn bè một cách thầm lặng”.

- Tấm mề đay có bề mặt và bề trái của nó.

- Con nói đúng. Ở đời chuyện gì cũng tương đối.

Chẳng hạn quỹ học bỗng không hẳn tuyệt đối giúp đỡ học sinh nghèo trong nước. Một số người cha ỷ lại con mình được người nước ngoài gánh dùm, nhẹ mình nhẹ mẩy tối nào cũng la cà nơi quán nhậu. Nhưng nếu vì lý do đó mà nhà trường cúp học bỗng thì tội nghiệp những đứa trẻ nghèo thảm thiết phải chịu thiệt thòi.

- Những đứa trẻ trong nước sau này thành tài có giúp ích gì không?

- Giới khoa học kỹ thuật thì còn có ích, nhưng giới cầm bút sẽ tiếp tục viết văn rập khuôn mẫu ca tụng đường lối Xã Hội Chủ Nghĩa. Chỉ có thiểu số gan dạ mới hó hé đòi hỏi nhân quyền thì bị bắt cầm tù ngay.

- Như vậy những nhà cầm bút hải ngoại phải thổi ngọn gió sự thật, tập cho chúng yêu sự thật, khao khát nói và viết sự thật. Rất tiếc tụi trẻ sinh trưởng tại nước ngoài như chúng con không biết viết tiếng Việt. Thế hệ của má là thế hệ xây nền móng bắt cầu lối văn viết sự thật, vì được hấp thụ cả hai nền văn hóa đông phương và tây phương.

- Má cũng nghĩ vậy. Mình chưa được tự do viết sự thật thì hãy khoan nói đến chuyện đòi hỏi dân chủ, nhân quyền.

- Con hy vọng nhiều người tán thành má về lối văn viết sự thật.

- ViệtBáo khuyến khích Viết Về Nước Mỹ là đi theo đường hướng đó. Viết sự thật đi ngược lại đường lối Cọng Sản viết láo khoét. Thời bây giờ thiên hạ khoái sự thật. Khoái coi phim ảnh Mỹ dựa theo những câu chuyện có thật và khoái đọc loại tự truyện có thật với lời văn bình dân dễ hiểu. Việt Báo không đòi hỏi nữ văn sĩ phải tôn trọng văn phong uyển chuyển mềm mại của phụ nữ Việt nam. Nữ văn sĩ bình quyền với nam văn sĩ. Việt Báo đang làm một cuộc cách mạng văn hóa. Nhờ Internet, tụi trẻ trong nước sẽ hít thở không khí ngọn gió sự thật.

- Vậy là má vui rồi. Má hết ấm ức vụ tờ kỷ yếu rồi !

- Chưa hết con ơi !

Tuy rằng số lượng độc giả Việt Báo rất đông đảo, nhưng PCT là ngôi trường cũ của má. Những kỷ niệm êm đẹp thời tuổi trẻ là những sợi dây vô hình trói buộc má với ngôi trường thân yêu.Má còn ấm ức vì mấy hôm nay má nhận tin tờ kỷ yếu PCT đăng bài của bà Thái kim Lan. Bạn bè chỉ má vào take2tango.com, đọc báo chí Việt Cộng khen ngợi các Việt kiều yêu nước, 17 kiều bào được bình chọn « Vinh Danh Nước Việt – 2006 ». Hàng thứ 8 - GS-TS Thái kim Lan(VK Đức), GS trường ĐH Munich, Chủ tịch Hội Giao lưu Văn hóa Đức – Á của Munich.
Má hơi buồn.

Cà rốt ôm vai tôi :

- Ban biên tập thích văn của bà ấy hơn văn của má. Mỗi văn sĩ có một số độc giả khác nhau má à ! Những nhà xuất bản Pháp đã nói « Được 50% độc giả yêu thích là văn sĩ thành công ». Vì lẻ đó những tờ báo câu khách thường có đủ lối văn khác nhau. Con nghĩ có lẻ họ không biết bà Lan theo phe Cọng sản và được Cọng sản vinh danh.

- Con nói đúng. Nếu bạn bè không gởi mail thì má cũng không biết bà Lan được Cọng sản vinh danh. Ban biên tập tờ kỷ yếu cũng vô tình thôi.

- Lạ lắm con à ! Cọng sản vô thần giết hại và cầm tù biết bao nhiêu tu sĩ Phật giáo cũng như Công giáo, nhưng « Viết về Thế Hệ Trẻ - Câu chuyện Hội an » của bà Thái kim Lan mở đầu bằng Quán kinh « Khi tâm chúng sinh tưởng nhớ đến Phật thì tâm ấy là Phật, tâm ấy làm Phật ». Câu kết luận « Tâm…tức…Phật ».

- Như vậy bà ấy không phải là Cọng sản. Có thể Cọng sản thấy bà tài giỏi nên vinh danh bà để kéo bà về phe họ. Nếu má được Cọng sản vinh danh vì má được 2 lần giải thưởng hội họa Pháp thì người ta cũng tưởng má là Cọng sản.

- Ờ hé ! Ông họa sĩ Văn Dương Thành ở Thụy Điển cũng được Cọng sản vinh danh hé !

- Má có nhớ sau thế chiến thứ hai, những ai làm dưới quyền Hitler cũng bị tẩy chay một thời gian rất lâu, mặc dù họ là các nhạc sĩ, văn sĩ có tài !? Dưới thời Pháp thuộc, nếu má được người Pháp trao giải thưởng thì má cũng bị ghép vào tội phản quốc mặc dù má yêu nước.

Tôi gật gù công nhận Cà rốt có lý. Cà rốt hỏi tôi :

- Nếu má được nhà cầm quyền Cọng sản vinh danh thì má tính sao ?

Câu hỏi bất ngờ không kịp suy nghĩ. Người mẹ bối rối nhìn con, giọng yếu ớt :

- Nếu ở địa vị má, con tính sao ?

- Má có biết tên người trẻ tuổi nào ở Việt nam tranh đấu cho nhân quyền đang bị bắt cầm tù không ?

- Lê thị Công Nhân.

- Lê thị Công Nhân có bà con với mình à ? Cũng cùng họ Lê !

- Không bà con chi cả. Chị ra đời ở miền Nam, mới 2 tuổi, chỉ sống với mẹ vì người cha đã bỏ nhà ra đi. Vậy mà chị vượt qua bao nhiêu khó khăn để trở thành luật sư. Chị 28 lớn hơn con 1 tuổi. Vào tuổi chị những cô gái mơ ước lập gia đình, nhưng chị chọn con đường tranh đấu cho toàn dân : Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Chị đang bị nhà cầm quyền CS Hà nội bắt giam từ tháng 3/2007 (guongls4.net).

Cà rốt thán phục :

- Wow ! Super women!Vậy thì má sẽ nói với chính quyền Cọng sản rằng má rất vinh dự được vinh danh nếu họ đồng ý trả tự do cho Lê thị Công Nhân. Trường hợp Cọng sản từ chối thì má không nhận sự vinh danh đó. Mình đồng ý hợp tác với Cọng sản là còn tùy vào đường lối chính trị của họ đã thay đổi chưa !? Có nhân đạo và tôn trọng nhân quyền hay không.

Người mẹ nhìn con chứa chan cảm phục.

- Ý kiến con hay lắm!

- Má có nghĩ bà Thái kim Lan thật sự là Cọng sản ?

- Má không chắc chắn vì bà ấy là Phật giáo.

- Con nghĩ ban biên tập PCT có thể đưa sự thật ra ánh sáng, sự thật làm xóa tan những nghi ngờ, nhất là làm dịu lòng căm phẫn những người tù cải tạo.

- Khó lắm con ơi !

- Nếu ban biên tập kỷ yếu PCT viết mail và đồng thời lên WebPCT yêu cầu bà Lan lên tiếng với chính quyền Cọng sản xin trả tự do cho chị Lê thị Công Nhân hoặc bất cứ một người nào đó đang bị cầm tù vì tranh đấu cho nhân quyền, thì sự thật ban biên tập tờ kỷ yếu PCT không thân Cộng.

Nếu bà Lan đồng ý thì sự thật bà là người yêu chuộng tự do. Trường hợp bà Lan im lặng thì sự thật bà là Phật tử dổm, bà đồng lõa với Cọng sản chà đạp Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.

Chuyện dễ thôi ! Bà đang ở Đức không có lý do gì phải sợ Cọng sản bắt bỏ tù. Cho dù Cọng sản không trả tự do cho Lê thị Công Nhân đi nữa, ban biên tập kỷ yếu PCT và bà Lan cũng đã chứng tỏ sự thật về lập trường của mình. La vérité n’a qu’une couleur, le mensonge en a plusieurs ( Sanskrit- sự thật chỉ có một màu duy nhất, sự dối trá có muôn màu sắc ).

- Đúng là có muôn màu sắc ! Người ta đồn tùm lum tà la con à. Người ta nói bà Lan là bạn thân của một người trong ban biên tập. Người ta nói ban biên tập biết bà Lan được vinh danh nhưng cứ tưởng chuyện nhỏ thôi, ai ngờ rắc rối! Người ta nói một ông HO Việt kiều Đức giận quá đã xé toạt bài viết của bà Lan vất thùng rác. Người ta nói mấy ông HO bỏ hút thuốc từ lâu nhưng đã phì phèo trở lại và ho dữ lắm! Người ta nói tờ kỷ yếu bị lỗ mất mấy nghìn đô, có kẻ nói huề vốn. Người ta nói…

-   L’homme qui ne craint pas la vérité n’a rien à craindre du mensonge (Américain1816 - Người không sợ sự thật thì cũng không sợ bất cứ chuyện dối trá nào cả)

Tôi vui vẻ tán thành :

- Nghe được lắm ! À con nè, trong bài « Câu chuyện Hội An” bà Lan kể chuyện đứa con gái của bà. Làm mẹ, dĩ nhiên bà thông cảm nổi đau xót của người mẹ có đứa con gái bị tù đày. Nếu bà không phản ứng, mình yêu cầu Phật tử Việt kiều Đức chú ý…Mỗi khi bà Lan bước chân đến chùa, xin quí Thầy thuyết pháp chủ yếu về lòng từ bi. Trường hợp quí Thầy chưa đủ trình độ giúp bà giác ngộ, hihihi …hãy năn nỉ bà Lan qua chùa… quốc doanh.

Cà rốt thờ ơ hết muốn nghe, nó nắm tay tôi :

- Má ơi con đói bạc triệu rồi. Con mới lãnh lương, mình đi ăn tiệm Việt nam nghe má !

- Con không chịu về Việt nam thăm cậu, thăm dì mà cứ đòi ăn đồ Việt nam !

- Má phải thông cảm cho con. Con không yêu nước Việt vì từ nhỏ con không sống trên nước Việt, nhưng con yêu má và con thương những người nghèo khổ, kể cả những người nghèo khổ trên thế giới. Con chưa bao giờ từ chối mỗi khi má quyên tiền giúp cô nhi Việt nam, và con hứa sau này khi má qua đời, con sẽ tiếp tục con đường má còn dang dở.  

Tôi nhìn lần cuối ngôi mộ bà Geogre SAND, thầm nghĩ :  « Đệ tử hy vọng những ngọn gió sự thật sẽ trở thành cơn lốc sự thật, sẽ cuốn bay những bất công. Khi người phụ nữ được tự do cầm bút thì mới mạnh miệng đòi hỏi dân chủ và nhân quyền. Cám ơn sư phụ đã dạy cho đệ tử những bài học làm người vô cùng quí giá. Au revoir sư phụ. »


Bà George Sand (1838)

Lê khánh Thọ -France
Tháng 10/2007