Mỹ Du Ký
Lê Khánh Thọ ---France
Little Saigon
Những năm trước tới Cali, Thọ thường nằm nhà đọc sách và xem phim tập. Từ một năm nay nhờ Internet, mụ liên lạc với một nhóm bạn cũ cùng trường và một số bạn mới, chuyến đi này mụ có nhiều tiết mục sôi nổi.
Nhóm của Thọ gồm những người tuổi trên 5 bó, lão nhất là một ông 6 bó. Nhóm chủ trương… quậy! Chọc phá nhau, kể chuyện tiếu lâm, trao đổi văn thơ, tin tức. Không khí thoải mái như vào quán Karaoké, nam nữ bình quyền, muốn hát gì thì hát, không ngại bị phê bình hay dở.
Đầu tiên gặp lại Cúc, người bạn cùng lớp thời trung học. Hồi xưa Cúc ốm nhom, bây giờ đóa hoa Cúc nở rộ bề ngang, may mà cao ráo nên đồi núi chập chùng coi mòi hấp dẫn. Mụ Cúc là tay lái xe nhà nghề, qua mặt vù vù mấy xe khác. Chữ Holywood ngạo nghễ giữa bầu trời xanh tự do dường như Hello Việt kiều Pháp. Những lá cờ vàng ba sọc đỏ lần đầu tiên được phép bay phất phới trên con đường Bolsa làm Thọ nhớ quê hương da diết. Trước tiệm ăn một ông da vàng nhắc nhở mấy lần “- mặc áo vô kẻo lạnh”. Mụ ngơ ngác tưởng đồng hương nào tử tế, nhưng Cúc thầm thì: “- Đừng để ý, chả khùng mà, ngày mô cũng đứng đó”. Lạ thật, ông này ăn mặc tươm tất không có vẻ khùng. Qua tới Mỹ mà bị khùng thì uổng quá!
Lạ ghê, Khu Phước-Lộc-Thọ ở xứ Mỹ mà không thấy một ông bà Mỹ nào đi dạo. Thọ nhớ năm nọ chỉ có vài ông Việt nam đứng trước siêu thị chìa tay xin tiền, năm nay đặc biệt thêm người bạn Mỹ cao lêu khêu nhập giới Cái Bang. Vào trong, đầy dẫy gian hàng treo lủng lẳng áo quần màu sắc sặc sỡ, kiểu bình dân như chợ An Đông Sài gòn. Khu bán đồ nữ trang đèn điện chiếu sáng ngời, lấp lánh cẩm thạch vàng vòng kim cương. Thoạt trông tưởng không có gì đặc sắc, nhưng thật ra nơi đây ghê gớm kinh hồn, có ma lực huyền bí gây khổ các ông phải đi cày overtime.
Cúc chở Thọ ra biển. Biển Cali vắng vẻ, không có quán bán nước trên bãi cát như xứ Phú Lãng Sa. Cúc sôi nổi báo cáo tình hình vào mỗi chặng đường chở Thọ đi qua với các bạn trong nhóm quậy. Sắp sửa ra về thì một ông Mỹ đứng bên lề nhìn chằm chằm và nói gì đó. Thọ bồn chồn vì tia nhìn bất bình thường và tóc tai râu ria bù xù của người đàn ông. Cúc thầm thì: “- Chả khùng, ra xe nhanh lên”. Trời ơi, xứ Mỹ sao nhiều người khùng quá nè trời!
Vườn Lộc Uyển-- San Diego
Văn sĩ kiêm Phật tử Bích Trâm tới tìm Thọ khoảng 7 giờ sáng. Thời còn trung học Phan thanh Giản Đà nẵng cả hai chỉ chào nhau qua loa, mối thâm tình nẩy nở từ ngày vô nhóm. Hồi đó Trâm hơi bự con, bây giờ dáng Trâm thon gọn như dáng người mẫu, nếu tình cờ gặp chắc nhận không ra. Trâm nói :
- Mi hên, được khai trương xe Toyota mới mua đó!
Thọ thầm nghĩ người Việt xứ Mỹ và người Việt xứ Pháp giống nhau ở điểm khoái đổi xe mới.
Trâm ghé nhà nam Phật tử rủ đi chung. Có tài xế, hai mụ ngồi băng sau đấu hót líu lo. Trâm nhắc kỷ niệm :
- Tao nhớ hồi xưa mi hay cúp cua giờ toán và lý hóa.
Thọ cười hi hi:
- Ờ, tại tao giỏi hai môn đó quá mà!
Vườn Lộc Uyển nằm trên một ngọn núi hùng vỹ. Khác hẳn ngôi chùa cổ kính, lối kiến trúc nơi đây hơi giống nhà thờ Tin Lành. Hình Phật trong phòng hành lễ ghép bằng nhiều mảnh kính màu, chiếu những tia sáng sặc sỡ linh động . Vài chậu cây lá xanh mát dịu. Trên sàn trải nhiều tấm nệm nhỏ màu nâu cho tín đồ quỳ gối. Lối bài trí đơn sơ mỹ thuật giao lưu với khoảng trống, những cửa gương rộng lớn chào đón ánh nắng mặt trời nhảy múa tạo cảm giác êm đềm và phóng khoáng. Tín đồ thuộc lứa tuổi sồn sồn, đa số thanh thiếu niên Mỹ, không thấy người già như trong những ngôi chùa.
Sau khi lễ Phật cả nhóm ra ngoài trời bao quanh Thầy. Thầy giảng tiếng Anh lưu loát trình bày cách thiền định. Nắng lên cao chói chang, cả nhóm nối gót theo Thầy đi từng bước chậm rãi. Hai mụ ngứa miệng nảy giờ, tách riêng đi dạo, tiếp tục chuyện trò không hở môi. Đi ngang qua căn nhà nhỏ xinh xắn có cây hoa màu tím đỏ, Trâm chỉ đó là nhà thầy Nhất Hạnh.
Bỗng nghe tiếng kẻng tới giờ ăn trưa, Thọ nghe bụng sôi eo éo. Hai mụ sắp hàng lấy đồ chay và dáo dác kiếm bàn. Phật tử Đông ngồi chờ sẵn, đắc ý đã lấy phần ăn cho Phật tử (cái), ánh mắt long lanh niềm hãnh diện… “Anh galant mà em!“.
Thầy gõ tiếng chuông, mọi người bắt đầu ăn trong im lặng. Bữa cơm gần chấm dứt, Thầy gõ tiếng chuông báo hiệu được phép nói chuyện. Sau đó mỗi người lần lượt xếp hàng tự rửa chén của mình, qua một chậu xà bông và hai chậu nước tráng. Tất cả những công việc ở đây diễn ra trong im lặng và trật tự.
Ghé vào nhà một thi sĩ trường phái lãng mạn, cũng là dân Quảng Nam. Ôn Đồng đứng trước cổng chờ cười toe toét. Lần đầu tiên gặp mặt, ôn niềm nở làm Thọ an tâm. Điều tình cờ, Huyền, bà xã khả ái của ôn là em bạn dì với ex-boyfriend của Thọ. Câu chuyện trên bàn ăn sôi nổi những kỷ niệm liên quan tới người tình cũ thời học sinh Phan thanh Giản Đà nẵng.
Khu vườn hoa nhà ôn Đồng tươi mát, tâm hồn Thọ lâng lâng theo tiếng nước chảy róc rách từ hòn non bộ . Cả bọn trèo lên Nghinh Phong Các, giống lầu Vua Chúa ngày xưa ngắm cảnh trong phim Tàu. Từ trên cao, tầm nhìn trải rộng bát ngát một màu xanh đồi núi. Thọ tấm tắc khen ngợi thì ôn bùi ngùi cho biết đang bị hàng xóm Mỹ kiện, lấy lý do mình ở vị thế cao dòm ngó nhà họ, tức là tội xâm phạm đời tư, trong tương lai lầu Nghinh Phong Các sẽ bị phá hủy. Lạ ghê! Bên Mỹ cái chi cũng kiện!
Trâm ôm con chó lấy điệu chụp hình nhưng con chó vùng vằng nhảy qua chỗ khác. Thọ vuốt ve chó dỗ ngọt, nó thân thiện nép bên đùi Thọ. Mụ đắc ý khoe mình có tài dụ chó. Ôn Đồng cầm máy hình chờ Thọ ngồi yên. Mụ đẩy con chó ra nhưng con chó xứ Mỹ vẫn quyến luyến khịt khịt mũi… Cả bọn được dịp cười ngặt ngoẽo.
Một mình trong đêm vắng
Thả Phật tử Đông xuống trước, Trâm lái xe chở Thọ về Hawthorne khi màn đêm buông xuống. Gần tới nơi thì Trâm bị lạc, chạy lòng vòng kiếm đường một chặp, Trâm ngừng xe lại.
- Tới rồi. Hồi sáng tao đón mi ở đây.
Thọ nẩy sinh chút nghi ngờ:
- Đúng thật không mi?
Giọng Trâm chắc lụi:
- Thì đây chớ còn gì nữa!
Thọ xuống xe, tới gần định bấm chuông và bỗng nhận ra không phải nhà cô em gái. Vụt quay lại gọi Trâm, hai tay mụ cuống quít ngoắc Trâm nhưng xe đã chạy xa lắm rồi. Một luồng gió lạnh buốt xương sống. Thọ mở ví tìm địa chỉ, đi tới từng nhà nhìn trên tường nhưng sao lạ quá, không nhà nào có bảng số và khi tối trời nhà nào cũng có lối kiến trúc giống nhau. Xem đồng hồ hơn 11 giờ đêm, trên đường không một bóng người, chỉ có vô số xe hơi đậu trước cửa. Mang chút hy vọng Trâm lộn nhà nhưng không lộn đường, Thọ đi lên đi xuống con đường dài cả chục lần, mụ thất vọng rồi tuyệt vọng.
Tác phẩm "Một mình đi trong đêm vằng" của KT
Thọ nhớ có lần đi bộ qua siêu thị cách nhà khoảng 1 cây số, cứ tưởng đâu đời sống ở Mỹ giống bên Pháp, không ngờ Ba Thọ hốt hoảng :
“- Ở đây tụi Mỹ đen lộng hành lắm! Nó ngừng xe bắt cóc giữa ban ngày, không có ai can thiệp đâu con!”.
Giờ đây cô đơn giữa con đường khuya vắng vẻ, chỉ nhớ lỏm bỏm vài chữ tiếng Mỹ, nhưng cho dù giỏi tiếng Mỹ cũng đâu có người mà hỏi! Bấm chuông đêm hôm khuya khoắc không ai dám mở cửa, chưa biết chừng một tay khùng nào đó kéo mình vô nhà hành hạ thủ tiêu! Mụ không sợ chết vì con gái mụ đã trưởng thành, hơn nữa mụ quan niệm trước sau gì cũng phải lìa đời và tin vào sự tái sinh, nhưng mụ sợ nhất bị dày vò nhục nhã trước khi mang đến cái chết thê thảm.
Mụ tưởng tượng giờ này bất thần xuất hiện thằng Mỹ hay thằng Mễ du đảng ngừng xe bắt cóc thì còn gì đời con gái! Nói đúng ra mình không phải là con gái nhưng tụi Mỹ nó không phân biệt già trẻ, mấy bà già Việt nam vẫn được tụi nó âu yếm gọi Baby đó sao! Nghĩ tới đây, mụ cảm thấy người nổi gai ốc. Mụ thầm nghĩ nếu kiếm nhà không ra thì ta cứ dạo bước cả đêm cho tới sáng, nhưng nhất định không rời khỏi con đường này vì sợ bị lạc xa hơn nữa.
Một mình trong đêm, âm thanh đôi giày cao gót lóc cóc vang trên đường vắng nghe rờn rợn, chân mụ mỏi nhừ và cảm thấy càng lúc càng lạnh. Mụ thất thểu vừa đi vừa niệm Phật Quan Âm, dõi mắt nhìn hai bên đường tìm căn nhà quen thuộc, đồng thời dáo dác canh chừng nhìn trước nhìn sau.
Bỗng nhiên ngã tư đằng trước xuất hiện một chiếc xe chạy chậm, dường như muốn de lui. Mụ hồi hộp chạy vội tới, vái trời không phải Mỹ đen. Trong lúc này mụ không nhận ra điều vô lý, Mỹ đen, Mỹ trắng hay Việt nam cũng có người tốt kẻ xấu. Hai tay mụ ngoắc lia lịa, chỉ sợ chiếc xe chạy mất. Mụ tiến tới cửa xe, mừng rỡ nhận ra một bà Mỹ trắng trạc tứ tuần. Mụ chỉ vào tờ giấy địa chỉ, số điện thoại và mụ nói câu dễ nhất “I don’t know”. Bà Mỹ hiểu ý, bấm di động và trao điện thoại cho mụ. Bên kia đầu giây giọng đàn ông nói tiếng Mỹ, có thể là ông em rể. Mụ hỏi đại:
- Chú Đương hả?
- Không, tôi là Nghĩa đây.
Mụ than thầm “Chết mẹ lộn số rồi. Lạ thiệt, cả nước Mỹ lại rơi trúng nhà Việt nam! Mà thôi cũng may ! ». Giọng mụ khẩn trương:
- Ông Nghĩa làm ơn giúp tui, tui đang bị lạc đường. Tui ở bên Pháp mới qua không biết tiếng Mỹ, ông giải thích với bà Mỹ này dùm tui.
Mụ trao máy cho bà Mỹ nhưng ông Nghĩa nói gì đó rồi cúp máy. Mụ chưởi thầm: “Cha Nghĩa nào đó ác nhơn! Tui là đồng hương của ông trên đất Mỹ mà ông nỡ lòng nào bỏ tui thân gái dặm trường!” (Trong lúc bối rối, mụ quên mụ là thân bà ngoại).
Giương đôi mắt con thú bị thương nhìn bà Mỹ, mụ nghẹn ngào:
- Help me! Please!.
Trình độ Anh ngữ của mụ chỉ có chừng đó. Quýnh quá mụ xổ đại tiếng Pháp:
- Tui ở bên Pháp mới qua nè. Con bạn tui chở tui đi chơi rồi thả tui lộn nhà. Đêm khuya ngoài đường tui sợ quá bà ơi. Bà làm ơn giúp tui, nếu bà không có thì giờ thì bà kêu cảnh sát giúp tui.
Chuyện kỳ diệu xảy ra…Bà Mỹ xổ lại tiếng Pháp bập bẹ:
- Tui cũng đi kiếm bạn tui cùng con đường này.
Lạ thật! bên Mỹ ít người nói tiếng Pháp mà mình lại may mắn được gặp trong cơn bối rối.
Thọ hí hửng leo lên xe. Qua lối trang sức lòe loẹt, mụ đoán hai bà Mỹ sắp đi nhảy đầm. Bà bạn xem địa chỉ và chỉ tay vào ngôi nhà ngay trước mặt nhà bà:
- Đó, nhà của you đó!
Mụ nghi ngờ:
- Sao tui không thấy số nhà!? Sao bà biết?.
Bà Mỹ hiểu tiếng Pháp dịch lại cho bà bạn rồi chỉ Thọ xem những con số dưới lề đường. Trời ơi lạ quá! Thì ra bên Mỹ số nhà nằm dưới lề đường, khác với bên Pháp số nhà viết trên tường.
Mặc dù thấy đúng số nhà nhưng mụ vẫn hồi hộp. 12 giờ rưỡi khuya con đường vắng vẻ thật đáng lo ngại. Mụ năn nỉ:
- Bà làm ơn qua với tui. Lỡ không phải nhà tui, rồi hai bà dông mất thì đời tui tàn.
Hai bà Mỹ phì cười, dễ dãi cầm hai tay Thọ dắt qua đường như dắt đứa con nít.
Ba Thọ ra mở cửa.
Hú hồn hú vía. Khi hai bà bắt tay từ giã, Thọ hôn lên tay ân nhân thay lời cám ơn, một điều mà trước đây mụ cho là cải lương và chưa bao giờ thực hiện.
(Sau này nghe kể khoảng năm 90, cùng khu vực, người ta tìm thấy xác một người đàn bà Việt nam bị hãm hiếp vứt trong thùng rác).
Las Vegas
Gặp dịp khách sạn đại hạ giá, hai đứa em gái rủ tới Las Vegas chơi vài ngày. Thọ liên lạc với ôn Nga trong nhóm, ôn có biệt hiệu Nga Playboy vì hồi xưa ôn học trường Tây, bạn bè đồn đãi ôn đã làm nhiều trái tim nữ sinh tan nát. Ba chị em chờ ôn trước cổng siêu thị, Thọ dặn cô em út giả là Thọ để phỉnh ôn chơi, nhưng ôn lanh quá mụ qua mặt ôn không được. Ôn cao ráo so với người Việt, hèn chi ôn không thông cảm nổi buồn của dân Xì Trum. Ôn chê :
- Nhìn trong hình thấy cao, không ngờ Thọ thấp vậy !
May quá ôn Nga playboy là thổ công ở đây nên được ôn chở đi chơi. Trước tiên ôn đưa tới tiệm đồ biển, loại self-service. Xứ Mỹ khác xứ Pháp! Chao ơi nhiều món quá Thọ quớ luôn không biết nên lựa món nào vì món nào cũng hấp dẫn.
Đi ngang Caesars Palace thấy bích chương Céline Dion, Thọ muốn vào xem nhưng hai đứa em nói phải đặt vé trước. Dạo trên đường phố trong ánh đèn màu sáng rực đông đúc người qua lại, nhiều người phát quảng cáo show cởi truồng. Ái dà da ! Hình em nào cũng mơn mởn sexy, Thọ là đàn bà còn thích ngắm huống gì đàn ông!
Đi đâu cũng nhan nhản khách sạn với sòng bài. Khung cảnh ở đây vui nhộn nhưng màu sắc có vẻ huyền hoặc thần bí. Hiểm nguy ma lực quyến rủ. Một số ra về vui vẻ, nhưng cũng không thiếu người ôm đầu máu nướng sạch tháng lương hay nguyên cả gia tài. Hèn chi khách sạn thiếu cửa sổ vì trước đây đã có những tay cháy túi quẩn trí nhảy lầu. Ôn Nga playboy thấy Thọ đứng xớ rớ như mụ nhà quê, ôn hào hoa rút túi cho Thọ nắm tiền lẻ, tận tâm chỉ dẫn cách xài máy. Tiếng bạc cắc được thần tài chiếu cố rơi lẻng kẻng nghe thật vui tai, ru hồn người vào máu đỏ đen, nhưng rồi niềm vui qua mau, rốt cuộc vẫn hoàn tay trắng.